UA-83376712-1

Labels

Dec 18, 2014

Jacques Brel, người nghệ-sĩ đầy nhạy cảm (3): Jacques Brel và đàn bà

Con chiên mà chống đối giáo-hội, xuất-thân từ tư-sản mà lên án tư-sản, gốc Flandre mà ghét người Flamand, Jacques Brel còn có một liên-hệ rất mâu-thuẫn đối với đàn bà nữa.

- Những người đàn bà của Jacques Brel
Như đã nói, Jacques Brel là một kẻ đam mê, ngoài đời cũng như trong tình yêu. Ông đã yêu say đắm nhưng cũng từ xa xa thôi. Miche, Suzanne, Sylvie, Marianne, Madly, tất cả đều đã chia sẻ một quãng đời của Brel. Mỗi người một phương cách.
Miche
Người đàn bà đầu tiên cũng là người đàn bà cuối cùng, ít ra trên phương diện pháp lý. Thérèse Michielsen, tự Miche, quen biết Jacques Brel trong thời-điểm La Franche Cordée, một tổ-chức sinh-hoạt của nhóm trẻ Thiên-chúa giáo và hai người kết hôn với nhau năm 1950, khi ông 21 tuổi và bà, 24. Bà sinh cho ông ba người con gái và sẽ là người vợ chính-thức suốt 28 năm. Sau khi ông mất, không để lại di-chúc, bà thừa hưởng trọn gia-tài.
Ngay từ 1953, bà để cho ông đi xây mộng âm-nhạc và sống những cuộc đời khác. Bà đã chia xẻ chồng mình với nhiều người đàn bà khác. Bà đã từng tâm-sự : «  Tôi biết rõ mọi chuyện, không có gì dấu diếm, không có gì lừa dối và tôi chấp-nhận. Và khi đã chấp nhận thì không có gì để than vãn. »
Đối với Jacques Brel, luôn luôn bay nhảy một cách tự-do, bà thể-hiện « một tương-lai vẫn có thể có, một sự ổn-định, một sự kiên-trì. » Hai người đã có với nhau một liên-hệ vô cùng đặc biệt, khó hiểu mà chính họ cũng không hiểu rõ.
Suzanne Gabriello, tự Zizou
Mối tình đầu từ khi ông bước chân đến Paris. Mối tình sóng gió này kéo dài gần mười năm và bà khẳng định với mọi người là bà đã là nhân-vật chính trong bài « Xin em đừng bỏ anh » (Ne me quitte pas), giả-thuyết mà Jacques Brel đã bác : « Đối với tôi, đó là câu chuyện của một kẻ ngu đần, một kẻ thất-bại, không dính dáng gì đến đàn bà. »
Sylvie Rivet
Trong những năm vinh quang, từ 1961 đến 1970, ông đã chia xẻ thời-gian mình giữa vợ con ở Bruxelles và Sylvie ở Paris. Có lúc đề-cập đến vấn-đề ly dị, Miche có nói với chồng : « Vô lý, chúng ta thật sự yêu nhau. Anh sống với cô ấy được bao lâu thì cứ sống. Chuyện của mình là trọn đời mà. »
Marianne
Đối với Brel, có lẽ bà là người đàn-bà lý-tưởng, một người đàn bà không giam cầm ông trong những lề lối tẻ nhạt hàng ngày. Điều này dễ hiểu vì bà có chồng con và sống xa Paris.
Bà là hiện-thân của Tự-Do, điều kiện căn bản trong quan niệm tình yêu của Jacques Brel :
« Đây là lần đầu tiên anh yêu một cách tự do, anh muốn nói là em không phải nô lệ của anh và anh không phải là nô lệ của em. »
Năm 1973, ba người đàn bà, Miche, Marianne và Maddly chia xẻ quả tim và đời sống Jacques Brel. Lẽ ra, chính Marianne phải là người đi với Brel thay vì Maddly nhưng bà đã quyết định ở lại với con trai.
Maddly Bamy
Người tình cuối của Jacques Brel đến từ Pointe-à-Pitre, Guadeloupe, một nhóm đảo thuộc Pháp Quốc. Năm 1971, trong lúc phim « L’aventure, c’est l’aventure » đang được quay, bà quen Jacques Brel và năm 1974, bà lên thuyền với Brel, trực chỉ nhóm đảo Marquises và hai người sống với nhau những chuỗi ngày cuối cùng của Jacques Brel, đến năm 1978.
Và vô số người đàn bà khác
Ngoài những người đàn bà nói trên, dĩ nhiên là còn nhiều người khác đã "qua tay" Jacques Brel, chưa kể ông cũng hay đi mua vui nơi các thanh lâu (đã có lần ông tỏ ý định viết một quyển sách chỉ dẫn về những « động » bên Pháp).

- Jacques Brel và Tình yêu
Thông hiểu đàn bà
« Tôi ý thức được rằng tôi đã thiếu hụt một điều thật quan trọng và tôi rất tiếc. Tôi đã không thông hiểu đàn bà nhưng giờ thì cũng trễ rồi. » Jacques Brel.
   Im đi, thằng Jacques
   Ngươi biết gì về tình yêu ?
   Những cặp mắt xanh, những giòng tóc rối
   Người chả hiểu gì hết…

Grand Jacques (1954)  https://www.youtube.com/watch?v=OAZwnl6UAig


« Tôi yêu tình yêu quá nên không thể yêu đàn bà nhiều được. »
Suốt đời mình, ông đã vừa đi tìm đàn bà, vừa trốn tránh họ. Brel đã yêu nhưng không bao giờ hiến dâng gì nơi mình. «  Tôi không thích đàn bà lắm vì họ gần như là kẻ thù. Tôi không ghét phụ-nữ nhưng tôi rất là ngờ vực họ. Tôi ngờ vực họ vì tôi rất sợ phải đau khổ, như phải đau răng, mà chẳng được ích lợi gì. »


Tình yêu là cần thiết
« Nhu cầu yêu của tôi thật là kỳ quái. »
    Thiếu bóng tình yêu, Thiếu bóng tình yêu,
    Thiếu tình yêu sắp đến,
    Sống còn có ý nghĩa gì ?
    Tim tôi trống vắng,
    Thân tôi trống vắng,
    Thiếu bóng tình yêu, Thiếu bóng tình yêu,
    Sống để làm gì ?
Thiếu bóng tình yêu (Sans amour, 1968)


Hiếm có khi nào, tình yêu lại lãng mạn như trong bài « Anh yêu em » (Je t’aime, 1959)
https://www.youtube.com/watch?v=OmCejzfLatk :
    Anh yêu em
    Vì giọt sương run rẩy nơi đài hoa
    Lo sợ không được yêu
    Giọt sương giống như quả tim em,
    Anh yêu em
    Vì mưa đen gõ trên phím mặt hồ
    Chơi một trang trăng giống như tiếng hát em
    Anh yêu em
    Vì ban mai đong đưa nơi chân trời
    Trong sáng, mảnh mai, giống như vầng trán em
    Anh yêu em…

Nét bút này của Jacques Brel nghe sao xa lạ quá (?)


Ông rất nghi ngờ tình yêu nhưng, như một người nghiện, như con thiêu thân, ông vẫn cứ lăn xả vào. (Nói cho ngay, đàn ông nào chả thế, phải không mấy bác giai ?)
    Tôi biết, tôi biết rằng mối tình kế tiếp
    Sẽ là một cuộc chiến bại
    Tôi biết trước từ đầu cuộc vui
    Rằng đến rạng sáng, chỉ còn chiếc lá chết
    Tôi biết, tôi biết không cần biết tên em
    Rằng tôi sẽ là con mồi của em
    Tôi đã biết rằng bằng những lời thủ thỉ
    Con ao nhỏ giam cầm con sông lớn…
    Tôi biết, tôi biết điểm yếu lòng của tôi
    Sẽ khiến chúng ta trở thành hai chiếc tàu địch
    Cùng đi câu niềm âu yếm
    Vì nói gì thì nói
    Biết trước thì vẫn hơn
    Vì nói gì thì nói
    Con tim yêu vẫn là êm ấm…

Mối tình kế tiếp (Le prochain amour, 1961)
   

https://www.youtube.com/watch?v=8VtLR30sN2s

Và cứ thế
    … Yêu đến rách nát
    Dù là yêu quá, dù là yêu sai
    Không một hơi sức, không một mảnh giáp
    Cố gắng vươn lên ngôi sao ngoài tầm với
    Đây là cuộc truy tìm của tôi…

Cuộc truy tìm (La quête, 1968)    

https://www.youtube.com/watch?v=LeJj2YgqvoU

Yêu là thất vọng
Như Don Quichotte, như Peter Pan, ông trông chờ nơi đàn bà những gì họ không thể cho nhưng ông vẫn nhất định không chịu hiểu và ông cứ đi từ thất vọng này qua thất vọng kia.
Ông quan-niệm rằng đàn bà phải tôn trọng và khuyến khích tự-do của ông, thay vì giam cầm ông trong “tù ngục” của gia-đình.
Đàn bà bao giờ cũng ở dưới mức tình yêu mà tôi mong đợi. Tôi là người lãng mạn và đa cảm, tôi không ngại nói rằng đàn bà hơi lệch lạc trong tình yêu, trong giấc mộng của tôi.”
    … Em cứ ngủ, em cứ mơ
    Vì ngay sáng mai
    Tôi sẽ lại cô đơn
    Và em sẽ mất tôi
    Chỉ vì quá mong muốn tôi
    Em vung phí tôi
    Để xây dựng cho em
    Một loại hạnh-phúc vĩnh-cửu
    Chán chết đi được
    Trong khi em chỉ cần
    Cúi xuống gần tôi
    Vì tôi rất cần đến
    Mùa xuân xanh của em.
Ngủ đi em (Dors ma mie, 1958)  

https://www.youtube.com/watch?v=PP27aRFWPhE

Kẻ thất bại
Ông cần tình yêu nhưng lại biết chắc rằng ông sẽ thất vọng. Trong chuyến phiêu-lưu vô vọng này, ông chỉ có thể thua.
    Tối nay tôi đứng chờ Madeleine
    Tôi có đem bó hoa cà
    Tuần nào tôi cũng đem lại
    Vì Madeleine rất thích hoa này
    Tối nay tôi đã đứng chờ Madeleine
    Nhưng tôi đã vất bó hoa rồi
    Như tôi đã vất những tuần trước
    Madeleine không đến đâu…
Madeleine (1962)   https://www.youtube.com/watch?v=gL1N2lXPr0Q


Qua bài “Xin đừng bỏ anh » (Ne me quitte pas, 1959)    
https://www.youtube.com/watch?v=za_6A0XnMyw 
tôi không biết một bài hát, một bài thơ nào mà người đàn ông (hoặc đàn bà) phải tự hạ mình, tự làm nhục mình như vậy, bất lực trước một mối tình đang ngã gục một cách vô vọng.
    … Hãy để anh được là
    Bóng của hình bóng em
    Bóng của bàn tay em
    Bóng của con chó em
    Xin em đừng bỏ anh
    Xin em đừng bỏ anh
    …

Tình yêu không phải là giải-pháp cho sự cô đơn, vì nhiều khi có đôi, có cặp nhưng ta cũng vẫn chỉ… một mình:
    … Em yêu dấu, chúng ta là hai
    Và tình yêu cười hát
    Nhưng khi ngày tàn,
    Trong khăn giường buồn chán
    Mình vẫn chỉ một mình.
Một mình (1959)   https://www.youtube.com/watch?v=Y97XJzXiDjo

Đôi khi kẻ chiến bại của tình yêu vẫn cố làm ra vẻ “ta đây”:
    Không, Jef, anh không phải một mình
    Nhưng thôi đừng khóc nữa
    Trước mặt bao nhiêu người
    Vì một bà nửa già
    Vì một cô nửa tóc vàng
    Đã bỏ anh một lần nữa
    Không, Jef, anh không phải một mình
    Anh làm xấu hổ quá
    Cứ nức nở như vầy
    Trước mặt bao nhiêu người
    Vì một cô ba phần tư gái điếm
    Đã vụt mất khỏi tay anh…
    Mình sẽ đi kiếm gái
    Ở động của bà Tú…
Jef (1964)   https://www.youtube.com/watch?v=MlfjWtHbRkc

Tình yêu quả là một “trò chơi” mà Jacques Brel chỉ có thể thua.

Tình yêu đã chết
Rồi kịch bản tình yêu cứ mỗi lần tái diễn:
    Họ yêu nhau, yêu nhau và cười đùa
    Họ yêu nhau, yêu nhau mãi mãi
    Họ yêu nhau suốt ngày
    Họ yêu nhau, yêu nhau, yêu nhau vô cùng
    Những thiên thần tung tăng che chỡ lẫn nhau
    Khi họ chạy lại nhau…
Nhưng rồi
    … Đôi tình nhân
    Họ yêu nhau, yêu nhau trong tiếng khóc
    Mỗi ngày bớt là đôi tình nhân
    Khi họ đã uống hết bí mật họ
    Trở thành như anh em
    Đốt cánh lo âu
    Trở về lại hai thói quen
    Rồi lại đổi đồng hành
    Đôi tình nhân

Những tâm tình nhân (1964)   https://www.youtube.com/watch?v=AzPZHvByVrY


Cuộc tình nào rồi cũng sẽ chết:
    Họ không còn gì để nguyền rủa nhau
    Họ đục khoét nhau trong im lặng
    Hận thù đã trở thành khoa học của họ
    Những tiếng cười đã trở thành những la hét
    Tình yêu đã chết, tình yêu rỗng tuếch
    Tình yêu đã ra đi với những con chim biển
    Căn nhà rộng lạnh ngắt
    Những cánh cửa đập mỗi lúc…
Tình yêu đã chết (L’amour est mort, ấn bản năm 2003)  

https://www.youtube.com/watch?v=TpK6h0T_GsA

Yêu-hận
Và tình yêu vô vàn biến thành hận thù vô biên:
    Em chỉ mỗi một tội
    Là nhỏ giọt mỗi ngày
    Chán chường và xoàng xĩnh
    Khi kẻ khác nhỏ giọt tình yêu
    Một ngàn ngày được một đêm
    Những gì em cho tôi
    Em đã vẽ tình ta màu xám
    Và chấm dứt tình ta vĩnh cửu
    Tính yêu đã chết, hoan hô hận thù…
Hận thù (La haine, 1954)   https://www.youtube.com/watch?v=rxH5khloY8M


Tôi đinh ninh rằng tình yêu tuyệt vời là kẻ thù xã hội. Thông cảm, trìu mến, kiên nhẫn là những kẻ thù của tình yêu.”
    Họ là kẻ thù đầu tiên…
    Họ sẽ là kẻ thù cuối cùng
    Những con nai đã (ở với ta) quá lâu
Những con nai (Les biches, 1962)   https://www.youtube.com/watch?v=jajSfmaE2PI


Đến độ, đối với ông, chó còn “hơn” đàn bà, con gái:
    … Con gái
    Đẹp như trái quả
    Đẹp như ban đêm
    Cũng là nhiều rắc rối…
    Nhưng chó
    Đẹp như chó
    Và nó còn đó
    Để nhìn ta khóc…
Đàn bà và chó (Les filles et les chiens, 1963)   

https://www.youtube.com/watch?v=uMwumoZ8yMw

Trìu mến là cần thiết
Tình yêu đã không phải mối liên-hệ tuyệt hảo, Jacques Brel đành quay về những gì khác để thay thế, như trìu mến, như tình bạn chẳng hạn:
    … Cho tôi chút trìu mến
    Tôi sẽ hiến dâng em
    Thời gian còn lại của tuổi trẻ
    Khi mùa hè sắp tàn
    Người đẹp ơi, em có biết tại sao
    Bài hát tôi bay lên tấm ren
    Nhảy múa trên trán em
    Đang cúi xuống tôi tuyệt vọng
    Cho tôi chút trìu mến…
Trìu mến (La tendresse, 1959)
   https://www.youtube.com/watch?v=lvEBqmlzMig


Và nói gì thì nói chứ tình yêu không thể hoàn toàn chết:
    Dĩ nhiên, chúng ta đã trải qua bao cơn bão
    Hai mươi năm yêu đương, tình yêu cuồng
    Đã ngàn lần, em xách hành lý đi
    Đã ngàn lần, anh đã rời bay
    Nhưng tình yêu của anh ơi,
    Tình yêu dịu ngọt, tình yêu tuyệt vời của anh ơi,
    Từ rạng đông đến cuối ngày,
    Anh còn yêu em, em biết không, anh yêu em…
Bài hát đôi tình nhân già (La chanson des vieux amants, 1967)   

https://www.youtube.com/watch?v=X0l05QSu48s

Tình bạn
Jacques Brel đã viết nhiều về đàn bà, nhưng thật ra, ông thích gần đàn ông hơn. Vợ ông đã có lần tâm-sự : « Đối với chồng tôi, tình bạn mới là quan trọng. Vả lại, theo tôi nghĩ, từ ngày người bạn thân Jojo ra đi, bệnh ung-thư của ông mới bắt đầu phát hiện. Ngày đó, mọi chuyện đã sụp đổ. »
Brel đã từng khẳng-định là ông đặt tình bạn trên tình yêu. Ông hứng thú với đám bạn trai, đi chơi, nhậu nhẹt, tán dóc hơn là với đàn bà.
    … Jojo,
    Tôi không về đâu nữa,
    Tôi ăn mặc bằng những giấc mộng của chúng ta
    Tôi mồ côi đến tận môi
    Nhưng rất vui được biết
    Tôi sắp đến với anh
    Dưới lòng đất lạnh, Jojo, anh chưa chết đâu
    Dưới lòng đất lạnh, Jojo, tôi vẫn còn thương anh
.
Jojo (1977)   https://www.youtube.com/watch?v=OXjfZhDN2KU

- Nhận xét riêng
Chúng ta hãy nhìn một cách tổng-quát tất cả những mâu-thuẫn của Jacques Brel.
Tại sao một con chiên lại lên án giáo-hội? Jacques Brel tin nơi Chúa nhưng chống lại cái mà ông cho là một tập đoàn cổ hủ, đạo đức giả và quyền thế.

Tại sao một người xuất-thân từ một gia-đình tư sản lại trốn chạy giới này? Cũng lại một tập hợp đạo đức giả, dựa trên “bề ngoài” và giam cầm ông trong khi ông chỉ muốn sống phóng khoáng.
Quả vậy, là một người đam mê, ông rất coi trọng “tự do”. Ông từ chối mọi lề lối, mọi khuôn khổ, mọi ràng buộc, cho nên ông rất say mê lái thuyền buồm hay lái phi cơ để được cảm nhận tự do đó.


Sự mâu-thuẫn người xứ Flandres mà lại thù hận người Flamand có lẽ cá nhân hơn, sâu kín hơn. Ông rất gắn bó với cội nguồn ông nhưng ông không sinh nơi đó, ông lại càng không nói rành tiếng “mẹ đẻ” (bố ông lại coi trọng tiếng Pháp hơn). Ông mong muốn được người đồng hương công-nhận nhưng rồi từ hiểu lầm này sang hiểu lầm nọ, ông bị ghét bỏ và từ yêu, ông hoá ra hận.

Brel phải công nhận ông không hiểu đàn bà mà không hiểu thì làm sao có thương yêu? (hai chữ “hiểu” và “thương” đi đôi với nhau là vậy). Bao nhiêu cặp vợ-chồng, trai-gái đã phải chia ly vì lý do này?
Chuyện yêu-hận đối với đàn bà dĩ nhiên là phức tạp hơn và, theo tôi nghĩ, phát nguồn từ nhiều yếu tố:
Đầu tiên là ông không thể chấp-nhận những ràng buộc của liên-hệ gia-đình, vợ con. Rời Bruxelles đi Pháp để xây mộng âm-nhạc là cớ tuyệt hảo để ông trốn tránh trách-nhiệm đó. Ngay cả chuyện sống chung với một người tình cũng đã là khó khăn lắm rồi và trên phương diện đó, Marianne có lẽ thể-hiện người đàn bà lý-tưởng.
(Cũng có lẽ ông thích đi nhà thổ để tránh những ràng buộc đó?)

So với tình yêu, tình bạn là một liên-hệ “thoải mái” hơn. Bạn bè chỉ gặp nhau để chung vui, nhậu nhẹt, tán dóc, chán thì đứng dậy ra về, hứng thì lại hú nhau đi chơi tiếp. Điều này thật dễ hiểu mà?

Cũng như đối với những người Flamands, ông cần tình yêu nhưng rất sợ bị ruồng bỏ để rồi phải đau khổ.

Một yếu-tố khác là từ thuở thiếu niên, “ngoại hình” ông không được “hấp dẫn’’ cho lắm nên ông đã rất nặng mặc cảm này: “Một người xấu, cho dù là đàn ông hay đàn bà, hao mòn nhanh hơn một người đẹp nhiều lắm. Hắn sẽ phải cực khổ hơn nhiều để bù đắp lại.”

Dầu sao đi nữa, như Georges Brassens, một người bạn thân ông, đã nói: “Tin tôi đi, một người đàn ông mà nói về đàn bà với bao tức hận như vậy, chắc chắn là hắn hoàn toàn tuỳ thuộc đàn bà.”

Như vậy, Jacques Brel có thù ghét đàn bà không ? Có những bài hát như “Đàn bà và chó” xác nhận là vậy. Nhưng có lẽ ông ta cần tình yêu nhưng sợ phải đau khổ vì tình.
Tôi tưởng tượng Jacques bị giằng xé giữa tình yêu và thù hận, một tâm trạng đeo đuổi ông cho đến những năm cuối đời ông, khi mọi chiến đấu đã trở thành vô dụng, trước cơn bệnh hiểm nghèo và cõi chết.
Yêu đến rách nát.”

Yên Hà, tháng 12, 2014
Tài-liệu nguồn:
Grand Jacques : Le roman de Jacques Brel (Marc Robine), Editions Anne Carrière / Editions du Verbe (Chorus)

Jacques Brel, une vie (Olivier Todd), Robert Laffont, Paris, 1984

Jacques Brel
http://fr.wikipedia.org/wiki/Jacques_Brel

Brel et les femmes ; « J’ai une envie d’aimer qui est abominable ! »
http://www.polyamour.be/news.php?extend.61
Jacques Brel và đàn bà: "Nhu cầu yêu của tôi thật là kỳ quái"

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.