UA-83376712-1

Labels

Feb 8, 2012

Vợ tôi


Kinh-nghiệm về đàn-bà của tôi vốn chẳng bao nhiêu nên tôi học được gì trong cuộc sống thì tôi tâm-sự cùng bạn đọc cho vui thôi. Nếu bạn nào đôi khi cảm thấy đồng-cảnh thì cứ “Ừ nhỉ?”, còn nếu thấy không đúng thì cứ mạnh-dạn hô to “Trật lất!” nhé.
Cái đề-tài này nhậy-cảm lắm lắm, rào trước đón sau rồi tôi mới dám bước vào để chia-xẻ cùng bạn đọc một vài mẩu chuyện vui.

Đệ Nhất Phu-Nhân và Hầu Tước
Ngày đầu tiên chúng tôi lấy nhau, Vợ tôi đã hạ chỉ, phong ngay cho tôi làm “Hầu-Tước”. Tôi mừng rỡ quỳ xuống tiếp chỉ, nhưng than ôi, được vài ngày, tôi đã hiểu ngay là Hầu-Tước chỉ có nghiã là phải hầu-hạ Nàng cho chu-đáo thôi, chứ chả phải là chức hay tước gì cả. Đúng là :
Dậy con từ thuở còn non,
Dậy chồng từ thuở bơ vơ mới về.
Vốn dĩ có khiếu bẩm-sinh nên chỉ được Vợ răn dậy có vài tháng mà tôi đã tốt-nghiệp ra trường, với lời khen-ngợi của ban giám-khảo. Không những tôi rất cần-cù, siêng-năng hầu hạ nàng thật đầy đủ (xin đừng đọc với giọng “Huệ”), mà tôi còn thông-minh, lanh lợi đến độ Vợ nói một mà tôi hiểu mười, để nàng đỡ phải sai bảo cho mỏi miệng. Thí dụ như tôi đang làm gì mà nghe Vợ chép miệng và buông : “Gớm chết, lại quên đôi dép dưới nhà rồi!” là tôi vội vàng đi nhặt dép và dâng lên cho Vợ.

Tôi may mắn được làm việc tại-gia, nên tôi đã can-đảm đứng ra gánh chịu tất cả mọi công việc tề-gia cho đúng đạo “Thờ Bà”. Vả lại, là một cựu sinh-viên du-học, tôi đã phải sống tự-túc nên chuyện gì cũng phải biết làm: đi chợ, làm bếp, giặt giũ, là ủi, lên gấu quần, vá bít-tất, sửa chữa... Chỉ có một việc nàng không để tôi làm là nấu nướng, cho rằng đó là bổn-phận người đàn-bà, chỉ để tôi thỉnh thoảng nấu những món Tây của tôi thôi (nhưng tôi vẫn nghi-vấn, không biết có phải tại bếp tôi quá bết nên không được nấu chăng?)
Ban sáng, tôi đưa Vợ ra xe để đi làm, chiều về, tôi ra đón Vợ vào nhà, pha nước cho Vợ uống, và khi Vợ đau lưng, mỏi cổ thì tôi đã có biến-chế một cái gối đặc-biệt, làm màn "mát-xa" cho nàng, và đôi khi có hứng thì đổi điệu sang"mát-gần" cho giãn gân, giãn cốt.

Và để đáp lại lòng ưu-ái của Vợ, tôi cũng tôn nàng là “Hoàng-Hậu" kiêm "Đệ Nhất Phu-Nhân” để bầy tỏ cùng nàng là bao giờ tôi cũng yêu-thương Bà Cả nhất, cũng là một cách để tự nhắc mình là ngon hay không ngon, cơm bao giờ cũng chắc bụng hơn phở. 
Một bên là Đệ Nhất Phu-Nhân, một bên là Hầu-Tước, thật là… môn đăng hộ đối.

Ba điều tâm niệm
Bất cứ người phu-quân nào muốn bảo vệ hạnh-phúc gia-đình đều phải học nằm lòng và áp-dụng triệt-để ba điều tâm-niệm dưới đây :
Điều tâm-niệm thứ nhất : Vợ bao giờ cũng đúng
Điều tâm-niệm thứ nhì : Chồng bao giờ cũng sai
Điều tâm-niệm thứ ba : Nếu do-dự, áp-dụng điều tâm-niệm thứ nhất.

Nhất là trong những lúc lỡ mồm, lỡ miệng, gây nên cuộc bất-đồng ý-kiến mạnh-mẽ (nhưng bất bạo-động), xin bác giai hít vào một hơi thật dài, niệm thần-chú ba điều tâm-niệm kia rồi quỳ xuống, cúi đầu tạ-tội, xin Hoàng-Hậu ân-xá thì may ra chỉ bị ăn mì gói một hai ngày thôi, còn nếu không...

Đọc đến đây, xin bạn đọc đừng vội chụp mũ tôi là thành-viên hội "Les cheveux" nhé. Tôi xin long-trọng khẳng-định: "Tôi KHÔNG sợ vợ." Tôi chỉ "nể" vợ để bảo-tồn hạnh-phúc gia-đình, con cái, cũng như để bảo-vệ nồi cơm cho chính mình. (Miếng ăn là miếng tồi-tàn, vâng, tôi biết rồi, nhưng có thực mới vực được đạo, bạn à).
Người xưa có dậy: " Một sự nhịn, chín sự lành".
Một anh bạn có nói chiếc nhẫn cưới là để nhắc nhở ta phải nhẫn-nhịn, nhẫn-nại. Một anh bạn khác thì kể lúc trước lưỡi anh dài, nhưng cứ cắn mãi nên mới ngắn đi như bây giờ.
Hội "Người Nể Vợ" mà tôi là hội-trưởng, xem vậy chứ đông thành-viên lắm.

Em là tất cả
Quả vậy, Vợ vừa là Vợ, vừa là Mẹ (tôi không dám viết thêm là "Bà-Nội"), vừa là Chị, vừa là Em gái, vừa là người yêu, vừa là người ghét (thấy mà ghét), vừa là Thầy (nhưng không phải là học-trò), vừa là bạn trai, vừa là bạn gái, vừa là hàng-xóm (khi tôi bị ra ga-ra ngủ), ... Vợ là Tất cả.

Trong cuộc sống hàng ngày thì mọi chuyện lại càng rõ rệt hơn khi tôi đã trao thân, gửi phận cho Vợ, cầu xin Nàng quản-lý đời tôi. Cho nên, Vợ vừa là Hoàng-Hậu, vừa là Thủ-Tướng, vừa ra luật, vừa điều-hành, Bộ-Trưởng Nội-Vụ kiêm Ngoại Vụ, vừa thanh-tra cảnh sát, vừa công-tố-viện (nhưng không có luật-sư) lại vừa là Chánh-Án, … và nhất là nắm trọn lãnh-vực kinh-tế và tài-chánh. 
Nhưng nói “Em là tất cả” thì có lẽ cũng hơi quá đáng, vì dù sao, tôi cũng oai-phong, lẫm-liệt đứng đầu Bộ Lao-Động và Bộ Chuyên-Chở cơ mà?
Chia cái gì thì chia, chứ quyền-lực là thứ khó mà chia lắm, tự cổ chí kim đã như vậy rồi.
Vả lại, tôi cũng chấp-nhận rằng đã gọi là cơ-quan hữu-trách thì phải có đủ thẩm-quyền và phương-tiện thì mới quản-lý một cách hữu-nghiệm được chứ? 
Trị Quốc thì phải có tí Dân-Chủ, nhưng để tề-gia thì Thê-Chủ vẫn là chế-độ bậc nhất.

Không Vợ, đố mày làm nên
Đọc đến đây thì bạn đọc đã rõ, gặp được Vợ tôi là điều phúc-đức nhất trong đời tôi, thành-quả của bao nhiêu kiếp tu tâm, tích đức. Đôi khi tôi cũng tự nhủ thầm “ May mà mình có Vợ đằng trước (chứ không phải bên cạnh hay đằng sau), nếu không tôi làm sao sống-sót đến ngày hôm nay?”
Cá-tính tôi thì cái gì cũng muốn biết nên rốt cuộc chả có được “nhất nghệ-tinh” nào, món nào cũng biết qua nhưng chả có món nào ra trò cả, đành trăm sự nhờ Vợ thôi.
Này nhé, không có Vợ thì tôi tốn biết bao nhiêu thùng mì gói?
Không có Vợ thì ai sẽ phải nhức đầu với sổ-sách nhà băng,
giấy-tờ, thuế-má, điện-thoại để khiếu-nại, … nếu không phải là thằng “Tôi”?
Đàn sai, hát dở như tôi, không có Vợ thì làm gì được lên sân khấu mà làm trò?
Thậm chí, tôi dựng lên cái blog này để chia-xẻ lẩm-cẩm vụn vặt, nhưng không có Vợ tôi tham-gia thì ai vào đọc đây?
Giầu vì bạn, thì chưa có nhưng sang vì Vợ thì không chạy đi đâu cả. Một mình tôi thì chỉ là một bài không tên thứ mấy tỉ, nhưng có Vợ tôi, tôi đã nghiễm-nhiên trở thành phu-quân của ca-nhạc sĩ Thanh Tuyền (xin đọc bài “Con đường âm-nhạc tôi đi” của Thụy Uyên), con rể cố tài-tử điện-ảnh Đoàn Châu Mậu, người tài tử tóc bạc, em cột chèo của nhạc-sĩ Ngô Thụy Miên, chú của ca-sĩ Hoàng Nam, v...v...
Tôi không nhớ ai đã nói: "Đằng trước một người đàn ông, bao giờ cũng có một người đàn bà thành công.
Đấy, các bạn cứ nghĩ xem, “Không Vợ, đố tôi làm nên” ?

Vợ và Mẹ
Người đàn-bà đầu tiên của ta là Mẹ, nhưng người đàn-bà cuối-cùng lại là Vợ.
Mẹ cho ta ra đời, nuôi ta khôn lớn, rồi để cho Đời dậy ta thêm một vài bài học, tiếp đó Đào dậy ta bớt "dại gái" và sau cùng, Vợ là cô đào cuối cùng lãnh trọn trách-nhiệm. Nói cách khác, Mẹ mở màn để Vợ đóng màn. Vãn tuồng.
Sinh ta ra, Mẹ phải cho ta bú để nuôi ta, nhưng rồi quen mui, được mùi ăn mãi, ta lại phải nhờ Vợ nuôi (nếu không có "em nuôi") thì mới tiếp-tục sống được.
Thánh Gandhi có nói: " Muốn biết phải đi đâu thì phải biết mình từ đâu đến". Cho nên, từ bụng Mẹ chui ra, ta phải chui vào lại bụng Vợ. Bây giờ, tôi mới hiểu thâm-ý lời vàng ngọc của thánh-hiền.  
Ở nhà, ta vâng lời Mẹ, về nhà Vợ, ta vâng lời Vợ, âu cũng là chuyện thường tình.
Mẹ có công nuôi nấng ta nhưng "nước mắt chẩy xuôi", ta ít có cơ hội báo-hiếu Mẹ thì thôi, ít nhất ta cũng nên tỏ chút lòng hiếu-thảo với Vợ vậy.
Vào mùa lễ Vu-Lan, tôi hát bài "Bông hồng cài áo" để tôn danh Mẹ, sau đó, tôi hát lại nguyên bài đó cho Vợ, chỉ thay thế chữ "Mẹ" bằng "Vợ" thôi.
Trong đời người đàn ông, những người đàn bà quan trọng nhất là ai, nếu không phải Mẹ và Vợ (và Đào nhí)?

Tối nay có hẹn
Ăn phở thì tùy hứng, tùy cơn thèm, tùy thời-cơ đưa đẩy, nhưng ăn cơm thì phải ăn cho ra bữa, có giờ, có giấc, có lề, có lối. Cho nên, Vợ chồng chúng tôi lúc nào có nghị-quyết bầy bàn cờ người ra, đều phải ký hợp-đồng, giao hẹn ngày giờ và địa-điểm rõ ràng thì mới có hy-vọng tới bến được. 
Tuổi này mà còn phải đi làm thì mệt lắm, về đến nhà là bở hơi tai rồi, hứng-thú đâu những chuyện hươu vượn, ong bướm nhăng nhít? Cuối tuần mới được nghỉ-ngơi lấy lại sức, nhưng không phải cuối tuần nào cũng xong đâu, việc gì cũng vậy, phải thiết-kế và kế hoạch mới có hy-vọng thành-công được. Cho nên, phải có hẹn trước để chuẩn-bị tinh-thần và thể-xác.
Nói là hy-vọng thôi, vì khi ban tối, gần đến "giờ hoàng đạo" mà ngồi xem phim bộ mê man để quá giấc một tí rồi bỗng nhiên “Mắt em nó ríu lại rồi” thì than ôi, Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”, để Đêm nay, tôi lại… một mình” .

Ung-thư ngực
Thời-đại này, khoa-học đã tân-tiến lắm nhưng vẫn còn rất nhiều bệnh-tình nan-giải. Trong số đó, dĩ nhiên là có bệnh ung-thư cực-kỳ nguy-hiểm, và thường-xuyên nhất đối với đàn bà là ung-thư ngực.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, cho nên, việc đầu tiên tôi làm là ngưng ngay hút thuốc lá. Thật vậy, thống-kê cho biết một trong những nguyên-nhân gây nên ung-thư ngực cho đàn-bà là vì ông chồng nghiện thuốc lá. Tôi không thông-hiểu ngành y-khoa cho lắm nhưng thôi, cứ tin cho suya.
Ngoài ra, bệnh mà phát-hiện
càng sớm thì càng dễ chữa cho nên chính-phủ và các cơ-quan y-tế đều khuyến-khích các bà, các cô đi khám-nghiệm thường-xuyên, ít nhất hai năm một lần. Nhưng đối với tôi, hai năm lâu quá và chiếu điện hình như không tốt cho cơ-thể, cho nên tôi đã quyết-định mỗi buổi tối, trước khi ngủ, tôi sẽ tự tay khám-nghiệm vợ (và trong ngày, nếu cơn đa-nghi mà nổi lên thì cứ thử lại cho chắc ăn). 
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, các bạn à. Và vợ tôi cũng đồng-ý như vậy.

Nạp thiếp
Vợ chồng chúng tôi bây giờ đã có tuổi và thời-gian đã từ-từ hạ gục từng chiến-lũy một trong cuộc chiến dối-già của chúng tôi. Những việc lúc trước nhẹ nhàng, tự-nhiên, giờ đây đã trở thành những công-trình Eẹc-Quyn (Hercules).
Ý-thức được sự-thật phũ-phàng, tôi bàn với Vợ như sau:
 " Em à, anh để ý thấy dạo này, em mệt nhiều lắm, tuy em chỉ phải làm cơm thôi nhưng đứng một lúc, em đã mỏi lưng, mỏi cổ. Mỗi tối, càng ngày, em càng phải đi ngủ sớm, và cuối tuần thì em cũng phải nghỉ nhiều mới lấy lại sức được. Và anh cũng vậy, công việc trong nhà, mỗi lúc anh càng cảm thấy nặng nhọc, khó làm cho trọn.
Hay là mình tìm một cô nào về đây giúp đỡ vợ chồng mình trong cái tuổi già này?
Vả lại, bây giờ con cái đi cả rồi, mà mình lại không thích nuôi chó, nuôi mèo, nên có thêm một người thứ ba vào, cũng vui cửa, vui nhà hơn, phải không em?
Nói về tiêu-chuẩn tuyển-lựa, anh không khó lắm đâu. Miễn sao, cô ta nói tiếng Việt (cho dễ hiểu), mặt mày dễ coi (xấu-xí hay hãm-tài, xúi-quẩy lắm), có tí da, tí thịt (nhưng phải đặt đúng chỗ), đừng mập (tốn cơm lắm), đừng gầy (yếu sức lắm), phải khỏe mạnh (để làm việc nhà và giúp anh khiêng máy móc khi đi hát), biết nấu nướng, lau dọn trong nhà. Cô ta sẽ có duyên (để làm mình cười), ăn nói nhỏ nhẹ (mình bây giờ chỉ mong yên tịnh thôi), nếu biết đàn, biết hát thì càng tốt (em sẽ bớt mệt khi mình đi hát), tuổi chừng ba-mươi, bốn-mươi (đừng già như mình, nếu không, mình lại phải hầu cô ta thì hỏng bét). 
Có được một cô như vậy, em sẽ khỏe lắm, không phải làm gì hết, và khi mệt mỏi, mình sẽ được cô ấy đấm (cho em) bóp (cho anh). Khỏe ru. Tối nào em mệt, cần yên-tịnh, nghỉ-ngơi, anh sẽ sang giường bên ngủ tạm để khỏi phải làm phiền em.
Anh chỉ lo cho em thôi, chứ anh chả thiết gì cho anh đâu. Vả lại, anh để em toàn-quyền lựa-chọn, em cứ dựa theo tiêu-chuẩn mà nạp thiếp cho anh, miễn sao em đồng-ý là anh vui thôi. Em nghĩ sao?"

Đề-nghị này, Vợ tôi nghe qua hình như cũng thấy bùi bùi, nhất là tôi có nhắc đi, nhắc lại "Bà Cả bao giờ cũng nhất", nhưng không hiểu sao, bàn tán cả năm nay rồi mà Vợ tôi tìm mãi vẫn chưa ra?

Khó hiu quá
Ông nào dám tuyên-bố "Tôi hiểu đàn bà" thì hoặc tôi phải cung-kính bái-phục, hoặc tôi phải nghĩ ông ta khoác-lác, ba-xạo. Không biết các bác giai ra sao, chứ tôi thì đến tuổi này, sau bao nhiêu năm nghiền-ngẫm, tham-khảo, phân-tích tỉ-mỉ, tôi vẫn chưa hiểu. Bao nhiêu lần tôi đã tưởng "Eureka, tôi đã hiểu", nhưng rốt cuộc tôi cũng vẫn như người mù trong đêm khuya.
Đã có lần, tôi nghe Mẹ tôi nói với Bố tôi: "Đàn ông anh không bao giờ hiểu đâu", tôi thở phào, nhẹ-nhõm. Hóa ra không phải vì tôi tối dạ, chẳng qua từ ông Adam đến bây giờ vẫn thế thôi.

Đàn bà nói "Có" là "Không" hay "Chưa chắc", nói "Không" là "Có" hay "Có thể", nói "Đen" là "Trắng" hay "Xám", ...
Người đàn ông phải biết đoán (nhưng không được đoán sai),
phải biết đọc giữa hai hàng, phải hiểu những gì Nàng không nói. Người đàn ông có thể hết mực chiều-chuộng người đàn bà nhưng không thể chắc mình đã làm Nàng hài lòng như Nàng mong đợi (nhất là khi Nàng không nói Nàng mong đợi gì). Đôi khi Nàng giận nhưng Chàng cũng không thể hiểu tại sao Nàng giận, v...v...
Những anh học Toán, ra kỹ-sư như tôi lại càng mắc bí vì đàn bà không phải là một phương-trình mà máy vi-tính có thể giải.
Bây giờ tôi mới tin chắc rằng Đàn-Bà là tuyệt-tác-phẩm phức-tạp nhất của Tạo-Hóa mà Đàn-Ông chỉ là bản thảo. Bản thảo thì làm sao hiểu được bản chính?
Cho nên tôi đã từ-chối tìm-hiểu, để dồn hết nghị-lực vào ba điều tâm-niệm nói trên.

"La Femme a ses raisons que la Raison ne connait pas"
Người đàn bà có những lý do của nàng mà lý-trí không hiểu.
(... mà có lẽ chính nàng cũng không hiểu?)

Hẹn em thêm ba kiếp nữa
Viết đến đây, tôi phải thú-nhận là tất cả những gì tôi đã viết chỉ có tính-cách hài-hước, chỉ là sư-thật không có thật, những sự-thật bị giam cầm trong óc tưởng-tượng của tôi (xin đọc lại điều tâm-niệm thứ hai).

Sư-thật "thật" là vợ-chồng chúng tôi rất thương yêu nhau (xin mời nghe bài nhạc  "Em gọi anh" mà Vợ tôi đã sáng tác và hát cho tôi) và sống với nhau rất ư là hạnh-phúc.
Chỉ tiếc số-kiếp chúng tôi gặp nhau hơi muộn-màng, cho nên tôi đã "đóng cọc" Vợ tôi thêm ba nhiệm-kỳ nữa cho ba kiếp sau.
Và Nàng đã trả lời: "I do " (một lần nữa, xin đừng đọc theo giọng "Huệ").



Tái Bút: Không biết các bạn có để ý rằng chữ "Vợ", bao giờ tôi cũng viết hoa không?

Yên Hà, Tháng hai, 2012

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.