UA-83376712-1

Labels

Aug 20, 2018

Nhạc 60-70 của tôi - Phần 1 : Nhạc Việt Nam

Ở mỗi thời-điểm, có một phong-trào, một lối sống, một lối ăn mặc, … và một loại nhạc. 
Nhưng hầu như loại nhạc chúng ta ôm giữ mãi trong lòng là loại nhạc chúng ta đã nghe trong thuở thanh thiếu-niên, loại nhạc đã nuôi dưỡng tâm linh chúng ta từ lúc chúng ta bắt đầu khám phá cuộc sống chung quanh, khi chúng ta bắt đầu suy nghĩ, bắt đầu cảm-nhận, bắt đầu “sống”.
Đối với thế-hệ tôi, thế-hệ những người đã và đang về hưu, cái thuở “choai choai” là những năm 60-70 nhưng nhạc chúng tôi nghe thuở đó không phải chỉ có nhạc Việt-Nam, mà còn có cả nhạc Anh-Mỹ và nhạc Pháp nữa, nhiều loại lắm.
Xin mời các bạn cùng tôi đảo một vòng những dòng nhạc thời 60-70.
1. Nhạc Việt-Nam
Dĩ nhiên tôi phải bắt đầu bằng nhạc Việt-Nam vì là nhạc của quê-hương tôi, là nhạc tôi đã bắt đầu nghe ngay từ lúc còn trong bụng mẹ, vì mẹ tôi rất thích nghe nhạc. Khi ra đời, những bài hát đầu tiên tôi được nghe là những bài hát ru của mẹ, những bài hát mà tôi đã ghi nhớ và hát lại cho con tôi và sau đó cho cháu tôi.
Sau đó, tôi được (bị?) nghe ké “nhạc người lớn” của ông bà, bố mẹ tôi và của nhà hàng xóm nữa vì nhà tôi ở không phải kín cổng, cao tường nên phía sau bếp/nhà tắm chỉ cách nhà kế bên có cái tường thấp.

Phải nói thêm thuở đó, nhà tôi có được một cái máy phát thanh chạy điện, loại to để ông nội tôi nghe tin tức thời-sự từ những đài BBC, VOA... và một cái máy transistor ai khác dùng thì dùng. Nhà tôi không có máy tryền-hình nên thỉnh thoảng tôi phải chạy sang nhà thằng bạn ở đầu hẻm để xem ké Wild Wild West, Bonanza hay chương-trình nhạc Ed Sullivan; nhà cũng không có máy thâu-thanh băng lớn (reel to reel) hiệu AKAI như ai khác. Sau này, chú tôi cho chúng tôi được cái máy thâu-thanh hiệu Honeywell Bull  cũ rích, máy mono nên sang lại băng Stereo chỉ thâu được một track và dĩ nhiên không có được "4 chiều chuyển động" như phong trào một dạo. Tôi nhớ thuở đó có những băng nhạc Shotguns hay Jo Marcel khá thịnh-hành. Đến khi đi du học thì tôi được một cái máy thâu-băng ca-sét (K7) để được nghe nhạc Việt-Nam cho đỡ nhớ nhà.
Trong thời điểm này, nhạc “cổ truyền” hầu như đã thoi thóp lắm rồi. Trong giai đoạn Pháp thuộc vào cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã đem theo văn hoá của họ. Thi sĩ của phong trào thơ mới tiếp xúc với văn học lãng mạn Pháp (romantisme) và các nhạc sĩ chịu ảnh-hưởng âm nhạc phương Tây. Tầng lớp giàu có ở thành thị được biết đến nhạc khiêu vũ, nhạc cổ điển phương Tây. Giới trẻ yêu âm nhạc thời kỳ đó không còn thích đàn bầu, đàn tranh nữa mà bắt đầu chơi những nhạc-cụ phương Tây.
(Tôi biết mẹ tôi có chơi mandoline nhưng rất tiếc từ khi về làm dâu nhà nội tôi, mẹ đã phải ngưng hoàn toàn nên tôi chưa hề được thưởng-thức tài-năng mẹ.)

Ngoài ra, những bài nhạc Pháp đầu tiên mà tôi được nghe là do bố tôi hát ê-a, những bài như “Le plus beau tango du monde”, “La Madelon”,…
Nhạc Việt-Nam bắt đầu được “cải cách” và nhạc Cải lương là một thí dụ điển hình của nghệ-thuật hát bội đã được “sửa đổi cho tốt” (cải lương).
Và dần dần, cái gọi là Tân-nhạc (để phân-biệt với cổ-nhạc) Việt-Nam ra đời từ năm 1938, sau những buổi biểu-diễn và thuyết-trình của nhạc-sĩ Nguyễn Văn Tuyên ở Hà-Nội để phổ biến loại nhạc “mới” này.

- Nhạc tiền-chiến
Bước đầu của Tân nhạc là nhạc tiền-chiến. Tiền chiến có nghĩa là trước chiến tranh 1945-1954 giữa Pháp và Việt-Nam.
Nhưng nếu như vậy, không lẽ nhạc Tiền-Chiến chỉ là từ 1938 đến 1945?
Nếu như vậy, vì tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ mùa thu Đoàn Chuẩn, Ánh trăng mùa thu ra đời năm 1947, ông không thể được gọi là một nhạc sĩ Tiền-chiến ư? Và nhạc Cung Tiến (Hoài cảm, Thu vàng viết năm 1953) cũng không phải là nhạc tiền chiến? Thế thì ai mới được gọi là "tiền-chiến" bây giờ?
Và nếu như vậy, chẳng lẽ những tác-phẩm của một nhạc sĩ tiền-chiến trước 1945 là tiền-chiến và những bài viết sau đó không còn là tiền-chiến tuy vẫn là một loại nhạc, vẫn cùng là một tác-giả?
Hình như yếu tố phân-biệt này không đúng lắm, có lẽ vì người ngoài Bắc chú tâm nhiều vào khía cạnh chính trị và đề cao nhạc kháng chiến so với nhạc trữ tình, uỷ mị nên dùng tiêu-chuẩn này?
Theo tôi hiểu, năm 1945 khi chiến-tranh bùng nổ với Pháp, một số nhạc sĩ tham gia kháng chiến và viết nhạc về đề-tài này và cũng có một số tiếp tục viết những ca khúc lãng mạn như Nguyễn Văn Tý (Dư âm), Văn Giảng (Ai về sông Tương), … Rồi sau hiệp-định Genève năm 1954, một số nhạc-sĩ (Hoàng Trọng, Văn Phụng, Lê Thương, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến,…) vào Nam và tiếp tục viết nhạc tiền-chiến.
Vậy theo tôi, cứ gọi nhạc Tiền chiến là một thể loại nhạc với giai-điệu trữ tình, lãng mạn và lời ca giàu chất văn học. Đã gọi là một thể loại nhạc thì yếu tố phải là nhạc chứ?
(Nhưng ngược lại, gọi nhạc tiền-chiến là nhạc trước 1975 cũng là không đúng.)

Nhạc tiến-chiến là loại nhạc bố mẹ tôi yêu thích và tôi được nghe ké. Đó là những ca khúc lãng mạn như : Con thuyền không bến, Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong; Dư âm của Nguyễn Văn Tý; Ai về sông Tương của Văn Giảng; Trăng mờ bên suối của Lê Mộng Nguyên; Chiều, Đêm tàn bến Ngự của Dương Thiệu Tước; Buồn tàn thu, Thiên thai của Văn Cao; Bến xuân Suối mơ (viết chung với Văn Cao), Cây đàn bỏ quên của Phạm Duy; Hòn vọng phu của Lê Thương; Cô láng giềng của Hoàng Quí; Thu vàng, Hoài cảm  của Cung Tiến; Thu quyến rũ, Lá đổ muôn chiều của Đoàn Chuẩn (thường ký tên Đoàn Chuẩn-Từ Linh để vinh danh người bạn chứ chỉ có ông là tác giả?); 
Hát nhạc tiền chiến phải là những ca sĩ gạo cội như Thái Thanh, Mai Hương, Kim Tước (con dì con dà với vợ tôi), Quỳnh Giao, Hà Thanh, Duy Trác, Sỹ Phú,… thì mới tuyệt.
Tất cả những bài hát này (và bao nhiêu bài khác), những người thế-hệ bố mẹ tôi, và ngay cả những người thế-hệ tôi, ai lại không biết? Thích hay không thích lại là chuyện khác nhé.

Nhạc tiền-chiến hiển-nhiên là nhạc của bố mẹ tôi, không phải là nhạc của thời-đại 60-70 tôi, nhưng không hiểu sao dòng nhạc này lại làm tôi xúc-động lạ thường?
Tôi không hề học nhạc nên không thể nói kỹ-thuật nhạc hay dở chỗ nào, chỉ biết thích cái âm-hưởng trữ tình, nhẹ nhàng, quyến luyến. Tôi lại chú-tâm nhiều đến lời bài nhạc nên có lẽ tôi cảm nhận được thơ tính của nhạc tiền-chiến?
Có lẽ đối với tôi, nhạc và lời của loại nhạc này hoà-hợp được một cách tuyệt vời để đưa âm nhạc về với mục đích Chân-Thiện-Mỹ?
(Xin mời đọc thêm: Nhạc và lời https://phu-tran.blogspot.com/2018/06/nhac-va-loi.html)
Một lý-do rất cá-nhân nữa: Hay là nhạc Tiền-chiến, xuất phát từ miền Bắc, đưa tôi về lại Hà-Nội, nơi chôn nhau, cắt rốn mà tôi đã rời xa lúc 3 tuổi, đưa tôi về nguồn-cội của dân-tộc và của chính mình? Tôi vẫn còn tự hỏi.
- Nhạc tình khúc
Như đã nói, trong Nam, các nhạc-sĩ Tiền-chiến vẫn tiếp tục sáng tác, nhưng với thời-gian, với những thế-hệ sau, âm nhạc cũng dần biến đổi.
Đối với tôi, nhạc Tiền-chiến là nhạc có chút âm-hưởng Tây-Phương (so với nhạc dân-tộc), thường chậm buồn, tha 
thiết. Nhạc-sĩ thường mượn cảnh mùa thu, trăng sao, mưa gió,… để diễn tả tình cảm của mình và tình yêu được nói lên một cách thật nhẹ nhàng, kín đáo.

Vào những năm 1960, một lớp nhạc-sĩ trẻ hơn bắt đầu đề-cập tình yêu đôi lứa một cách trực-tiếp hơn, “bạo dạn” hơn và phần âm-nhạc cũng đa-dạng hơn.
Ngay từ 1960, Lê Uyên Phương đã viết Buồn đến bao giờ và cặp vợ chồng Lê Uyên và Phương đã từng làm say mê khán-giả từ Đà-Lạt vào đến Sài-Gòn thuở ấy.
Tôi đã từng nghe, đàn và hát những bài hát khắc khoải, nồng nàn trong tập Khi loài thú xa nhau như Dạ khúc cho tình nhânLời gọi chân mâyVũng lầy của chúng ta, …
(Phải thú nhận là mới học đàn lúc đó nên chỉ chơi được những loại nhạc “dễ” như vậy thôi.)
Cùng năm này, Bây giờ tháng mấy, tác phẩm đầu tay của Từ Công Phụng ra đời.
Bài tôi thích nhất là
Mắt lệ cho người, chỉ tiếc là bài này dùng hai điệu Slow và Boston nên keyboard của vợ tôi đệm không được mà hát Slow từ đâu đến cuối thì mất hay rồi. 
Ngô Thuỵ Miên, một trong những nhạc-sĩ được yêu chuộng nhất, cho ra đời Chiều nay không có em năm 1963. Lúc đó tôi mải nghe nhạc Pháp nên không để ý cho lắm nhưng một khi đã nghe rồi thì phải thích thôi. Thích nhạc là đương nhiên nhưng thích cả lời nữa cho nên tôi cảm thấy Nguyên Sa đã làm nhiều người quên rằng Ngô Thuỵ Miên đã viết lời cho đại đa số nhạc của mình và tôi cũng đã viết bài “Thi sĩ Ngô Thuỵ Miên” ( http://phu-tran.blogspot.com/2012/12/thi-si-ngo-thuy-mien-nguyen-ban.html ) để trả lại “công bằng” cho ông anh cột chèo của tôi. 
Anh có nói “Tôi chỉ viết tình ca...” nhưng Biết bao giờ trờ lại, bài “tình ca” viết cho góc trời Sài-Gòn của anh là bài tôi thích hát nhất.
Năm 1965, Vũ Thành An viết Tình khúc thứ nhất, phổ thơ Nguyễn Đình Toàn, rồi sau đó những Bài không tên đã là ký hiệu riêng của ông.
Đối với tôi, bài Đời đá vàng là một kinh-nghiệm sống thấm thía nhất:
“Có một lần mất mát mới thương người đơn độc,
có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu,
qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về,
có một thời khóc than mới hiểu đời đá vàng”.
(Sau bài này, ông chỉ viết Thánh ca.)
Ai cũng biết tình ca lắm khi buồn nhưng chỉ có Phạm Đình Chương (cũng là ca sĩ Hoài Bắc của ban hợp ca Thăng Long), sau khi đã mất người vợ (quá) đẹp vì chính anh rể mình, mới viết được những bài thống thiết, buốt giá tâm can như Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Người đi qua đời tôi (thơ Trần Dạ Từ), Đêm cuối cùng,…
Có lẽ khó có ai hiểu được đời đá vàng hơn ông.
Một nhạc sĩ mà vợ tôi biết vì đã từng cộng tác với anh là Đức Huy, một nhạc sĩ được hâm mộ từ bài Cơn mưa phùn (bản gốc Thanh Tuyền-Đức Huy http://youtu.be/7C1Y5PaZd3I ), với những bài hát dí dỏm (được biết anh rất thích nói lái) như Yêu em dài lâu, Giống như tôi, Đường xa ướt mưa, Và con tim đã vui trở lại... 
Tôi thích nhất chủ-trương "mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" (anh hay dùng câu này của Trịnh Công Sơn) của người nhạc-sĩ yêu đời này.
Còn bao nhiêu nhạc-sĩ khác trong thời-kỳ này, kể sao cho hết, nhất là nơi đây, tôi chỉ dám nói về nhạc “của tôi” thôi chứ không dám viết tham khảo về cái đề-tài quá rộng này.
Nói về ca sĩ, lớp đàn anh, đàn chị tôi thích nghe có Lệ Thu, Khánh Ly, Khánh Hà, Tuấn Ngọc (nổi tiếng với bài "Riêng một góc trời"), Sỹ Phú,..., thế-hệ sau tôi nghe Quang Dũng, Quang Tuấn, Trần Thái Hoà, Hoàng Nam (gọi vợ tôi bằng "dì"), ... 
Lớp ca sĩ từ ngoài Bắc vào Nam như Bằng Kiều, Mỹ Linh, Thanh Lam, Trần Thu Hà, ... thường có căn-bản về âm-nhạc nên kỹ-thuật thanh-nhạc vững trong khi ca sĩ trong Nam dựa trên phong-cách riêng biệt của mình hơn (?) Dầu sao đi nữa, mỗi người một vẻ, mình thích ai thì cứ thích thôi.
- Nhạc vàng
Với các bài hát giai-điệu nhẹ nhàng, đơn giản, dòng nhạc này đã thu hút một số lớn khán thính giả bình dân.
Những tác giả loại nhạc này là Hoàng Thi Thơ (Gạo trắng trăng thanh), Lam Phương (Kiếp nghèo), Trúc Phương (Ai cho tôi tình yêu), Châu Kỳ (Sao chưa thấy hồi âm) và nhất là Trần Thiện Thanh (cũng là ca sĩ Nhật Trường) với đề-tài "Tình Lính" (Lâu đài tình ái, Bảy ngày đợi mong…),...
Những ca sĩ tiêu biểu là Duy Khánh, Chế Linh, Hùng Cường, Thanh Thuý, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền (không phải Thanh Tuyền nhạc trẻ đâu nhé), Giao Linh,…
- Nhạc trẻ
Vào cuối thập-niên 1950, nhạc kích-động Âu-Mỹ bắt đầu thâm nhập thị trường miền Nam nhưng đến khoảng thời-gian 1963-1965 thì phong-trào nghe các ca khúc phương Tây này mới thực sự bành-trướng qua các buổi tổ chức khiêu-vũ tại gia (bùm = boum)
Đầu những năm 1960, nhạc trẻ trở thành một hiện-tượng của âm nhạc Việt-Nam. Những ban nhạc trẻ kích-động mọc lên như nấm: The Dreamers, the Uptight, The Blue Jets, The Spotlights (sau đổi thành Strwberry Four với Tùng Giang, Đức Huy, Tuấn Ngọc và Billy Shane), CBC, The Enterprise (với Trung Nghĩa và Thanh Tuyền),...  Một số ca sĩ Việt hay kèm theo tên ngoại quốc bên cạnh tên Việt như Elvis Phương, Pauline Ngọc, Julie Quang, Carol Kim nổi danh với các bản nhạc ngoại quốc hát bằng lời Anh hoặc Pháp. 
Những hộp đêm Mỹ ngày càng nhiều từ năm 1968, khuyến khích nhiều ca sĩ hát nhạc Mỹ.
(chúng ta sẽ trở lại nhạc Anh-Mỹ trong số sau).
Ngoài việc hát nhạc ngoại quốc, nhiều nhạc sĩ tự sáng tác các bản nhạc kích-động.
Y Vân là người đi tiên phong cho dòng nhạc nhẹ với những bài hát có giai điệu chachacha (Sài Gòn đẹp lắm), twist (20-40, Sáu mươi năm cuộc đời, Người yêu lý tưởng), …
Khánh Băng cũng làm nhiều bài điệu Twist như Sầu đông, Có nhớ đêm nào, Nếu có nhớ đến, Tiếng mưa rơi,…
Có lẽ bạn đọc còn nhớ ban nhạc Khánh Băng-Phùng Trọng đã từng khuấy động những phòng trà Olympia, Văn Cảnh,... và những clubs Mỹ.
Các nhạc sĩ khác như Quốc Dũng, Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà cũng là những người đầu tiên Việt-hóa thể loại nhạc này. Và hình như chỉ có nhạc Phượng Hoàng là gần nhạc Rock hơn hết?
Đến năm 1971, đại hội nhạc trẻ đầu tiên được tổ chức tại sân Hoa Lư do Trường Kỳ, Tùng Giang và Nam Lộc tổ chức.
Sự thành công của đại hội này đã đẩy mạnh nhạc trẻ lên cao độ. Tiếp theo đó nhiều đại nhạc hội khác được tiếp tục tổ chức: năm 1971 tại trường trung học Taberd với hơn 10.000 người nghe, năm 1974 tại Sở thú với trên 20.000 khán giả.


Nói cho đúng, gọi là nhạc trẻ, là nhạc của thế-hệ tôi nhưng tôi lại rất ít biết đến. Lý do giản dị là thuở đó, tôi “cù lần lửa” lắm, trong đời chỉ đi “bùm” được một, hai lần, tôi chưa bao giờ bước chân vào một phòng trà, chưa bao giờ được nghe/xem một ban nhạc trẻ trình-diễn. Mặt khác, tôi rời xa Sài-Gòn năm 1969 nên loại nhạc này, tôi gần như mù tịt.
Lúc quen vợ tôi, tôi nào biết Thanh Tuyền “nhạc trẻ” là ai đâu? Cho nên phần này, tôi ít có gì để nói, kẻo lại lòi cái dốt ra mà thôi.
- Nhạc phản chiến
Khi cuộc chiến-tranh Việt-Nam ngày càng lan rộng, ở miền Nam, người dân bắt đầu mệt mỏi và những ca khúc chống chiến-tranh bắt đầu xuất-hiện. Điển-hình nhất cho loại nhạc này là Trịnh Công Sơn, với những tập Kinh Việt-Nam, Ca khúc da vàng, Ta phải thấy mặt trời.
Mặt khác, nhạc Trịnh ca tụng tình-yêu (Diễm xưa, Tuổi đá buồn, Tình xa, Tình nhớ…) đầy thơ tính, nhạc không sang trọng, kiêu sa nhưng dễ đi vào lòng người, nhất là khi được trình-bày qua giọng ca liêu-trai của Khánh Ly nên rất được yêu chuộng. 
Ngoài Trịnh Công Sơn ra, còn có Miên Đức Thắng (Hát từ đồng hoangLớn mãi không ngừng ), Phạm Thế Mỹ (Hoa vẫn nở trên đường quê hươngThương quá Việt Nam), Phạm Duy (Kỷ vật cho em), Lê Hựu Hà (Hãy nhìn xuống chân),…
- Phong-trào du ca
Phong trào Du ca Việt Nam do Nguyễn Đức Quang, Đinh Gia Lập và Mai Thái Lĩnh đồng sáng lập vào năm 1966 tại miền Nam Việt Nam.
Du ca là một đoàn thể hoạt-động về văn-hóa và văn-nghệ phục vụ cộng-đồng, xuất hiện cùng lúc với phong trào làm công-tác xã-hội của sinh viên, học sinh:
"Dùng tiếng hát chung của cộng đồng để tô điểm cho nền văn nghệ dân tộc một màu xanh đầy hy vọng, đưa mỗi người đến gần nhau hơn để cùng lo xây đắp một quê hương tươi sáng".
Du ca quy tụ khá nhiều các nhạc sĩ tên tuổi, cũng như nhiều nhạc sĩ trẻ xuất phát từ phong trào: Nguyễn Đức Quang, Phạm Duy, Ngô Mạnh Thu, Trầm Tử Thiêng, Anh Việt Thu, ...
Từ ngày rời xa quê-hương lúc 18 tuổi, tôi mới hiểu được con người ta khó mà sống thiếu cội-nguồn và tôi bắt đầu viết văn, làm thơ, ra báo, làm văn-nghệ, tham-gia trong những sinh-hoạt các hội sinh-viên Việt-Nam tại hải-ngoại. Tôi trở về với dân ca, tôi hăng say với Việt-Nam, Việt-Nam (Phạm Duy), với Việt-Nam quê-hương ngạo nghễ (Nguyễn Đức Quang), tôi hãnh-diện với Trường ca con đường Cái Quan (Phạm Duy) trong mỗi đêm lửa trại.
Chính trong những dịp này mà tôi được quen biết Phan Văn Hưng, người biểu-hiệu cho loại nhạc "Bi-phẫn ca" khi anh viết và hát lên nỗi thương-xót quê-hương đau khổ của mình.


Thuở đó, tôi đã cảm-nhận qua nhiệt-huyết của tuổi trẻ và ngày hôm nay, tôi chỉ còn quả tim, ngòi bút và nỗi nhớ quê-hương.




Nhạc quê-hương tôi thời 60-70 bao la, đa dạng quá. Nhưng nhạc 60-70 của tôi không phải chỉ có nhạc Việt-Nam.
Xin mời các bạn đón đọc Nhạc 60-70 của tôi - Phần 2 : Nhạc Anh-Mỹ
https://phu-tran.blogspot.com/2018/10/phan-1-nhac-viet-nam-phan-2-nhac-anh-my.html

Yên Hà, tháng 8, 2018
Tài-liêu nguồn:
- Wikipedia


2 comments:

  1. Love bai viet cua anh! Luc do em chua ra doi nhung nhac 60 va 70 cung song trong em bay gio. Cam on anh!

    ReplyDelete
  2. Đọc bài anh mới biết Việt Nam mình có nhiêù thể loại hơn em nghĩ. Không biết có tài liệu nào nói rõ hơn về nguồn gốc đích thực của nhạc tiền chiến và nhạc vàng.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.