UA-83376712-1

Labels

Feb 9, 2018

Con Rồng Cháu Tiên (20) : Nội-chiến

0. Đại-cương
1. Thời-đại thượng-cổ
2. Thời-đại Bắc thuộc
3. Thời-đại tự-chủ
4. Thời-đại Pháp thuộc

5. Nội chiến
1954 : Hiệp định Genève chia đôi đất nước và quy định một cuộc tổng tuyển-cử vào năm 1956 để thành-lập một quốc-gia thống-nhất.
5.1. Giai-đoạn 1955-1960
Ở miền Nam, năm 1955, Ngô Đình Diệm thắng trong cuộc trưng cầu dân ý miền Nam Việt Nam, cho phép ông lên làm Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam và sau đó trở thành Tổng Thống nền Đệ nhất Cộng hòa của Việt Nam Cộng hòa. Cuộc tổng tuyển cử sẽ không diễn ra.
Bảo Đại phải lưu vong sang Pháp.
Mỹ bắt đầu giúp chính quyền Ngô Đình Diệm xây dựng cải cách điền địa, củng cố quân đội để giữ vững chính thể.

Ở miền Bắc, để phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội và chuẩn bị cho cuộc chiến, Đảng Lao động Việt Nam tái tổ chức lại xã hội (bao gồm cả lực lượng vũ trang) theo mô hình xã hội chủ nghĩa như ở các nước Liên Xô, Trung Quốc, ít nhiều kết hợp với các nguyên tắc của một xã hội thời chiến.
Chính quyền Hồ Chí Minh kêu gọi những giá trị mang tính cộng đồng, hướng lên xã hội chủ nghĩa, bao gồm nông nghiệp tập thể. Đa số dân chúng đã ủng hộ cho chính quyền Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, một số sai lầm đã diễn ra, như cuộc cải cách ruộng đất trong thập niên 1950 đã đưa hàng ngàn người thuộc diện địa chủ ra đấu tố, cầm tù hoặc xử tử đã tạo ra sự xáo trộn đời sống xã hội miền Bắc trong giai đoạn đầu. Mặt khác một số nhà văn, nhà báo của phong trào Nhân văn Giai phẩm phải đi cải tạo, kiểm điểm hoặc cho thôi việc, treo bút vì viết bài không đúng ý nhà cầm quyền.

Năm 1959, từ lực lượng được xem là Việt Minh còn ở lại miền Nam, Nguyễn Hữu Thọ thành lập “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” (thường gọi là Việt Cộng) và được chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hậu thuẫn. 
Năm 1960 trở thành một năm có biến động lớn, mở ra một giai đoạn mới của Chiến tranh Việt Nam.
Lực lượng vũ trang của Mặt trận tấn công rộng lớn ở nông thôn miền Nam, và mở nhiều vụ tấn công ở Sài Gòn. Chiến-thuật tấn công đa dạng gồm có đặt mìn, thuốc nổ, đặt bom xe, pháo kích, cối kích, bắn hỏa tiễn, phục kích và kể cả tiến công bằng bộ binh.
Phong trào đấu tranh chính trị và hệ thống tổ chức Đảng dần phục hồi, nhiều cơ sở quần chúng được xây dựng. Mặt khác, các đoàn cán bộ từ miền Bắc (trong đó có nhiều cán bộ người miền Nam từng tập kết ra Bắc năm 1955) bắt đầu được cử vào để chi viện, tăng cường vào miền Nam.

5.2 Giai đoạn 1960–1965
là giai đoạn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công khai hậu thuẫn những người Cộng sản miền Nam và bắt đầu đem quân thâm nhập miền Nam
Hoa Kỳ tăng cường viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa. Năm 1964, tổng thống Mỹ Johnson gửi quân đội Mỹ đến Việt Nam trực tiếp tham chiến. Bắt đầu từ tháng 3 năm 1965, lần lượt các đoàn quân được chuyển tới chiến trường Việt Nam.
Chiến tranh bùng nổ ác liệt ở khu vực Nam Việt Nam, các vùng biên giới với Campuchia và  Lào, và các trận không kích của Mỹ đánh vào miền Bắc Việt Nam. Một bên chiến cuộc là Việt Nam Cộng hòa, Hoa Kỳ và các đồng minh Hàn Quốc, Thái Lan, Úc, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân  tham chiến trực tiếp. Một bên là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham chiến, còn Liên Xô và Trung Quốc cung cấp viện trợ quân sự và lực lượng cố vấn. 

Một lần nữa, Việt-Nam chỉ là một con cờ trên bàn cờ quốc-tế. Vị-trí chiến lược của đất nước này trong vùng Đông Nam Á đã là một nguyên-nhân cuộc tranh chấp quốc-tế giữa hai lý-tưởng, chủ-nghĩa Tự Do và chủ-nghĩa Cộng Sản.

Ngày 8 tháng 5 năm 1963 xảy ra sự kiện Phật đản tại Huế gây chấn động trên toàn thế giới, cũng như đã tạo ra phong trào phản đối "sự kỳ thị tôn giáo" của chính phủ Ngô Đình Diệm. Cuộc khủng hoảng này đã làm chính phủ Ngô Đình Diệm mất uy tín trong và ngoài nước.
Khủng-hoảng chính-trị đưa đến việc ngày 1 tháng 11 năm 1963, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, dưới sự chỉ huy của tướng Dương Văn Minh đã đảo chính lật đổ, giết chết hai anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và xử bắn ông Ngô Đình Cẩn, chấm dứt nền Đệ nhất Cộng hòa và thành lập nền Đệ nhị Cộng hòa.
Ngay sau đó, chính quyền Việt Nam Cộng hòa rơi vào khủng hoảng lãnh đạo và chỉ ổn định lại khi Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, đứng đầu bởi hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, lên chấp chính (tháng 6 năm 1965).

5.3 Giai-đoạn 1965-1968
là giai đoạn ác liệt nhất của Chiến tranh Việt Nam, với cái tên gọi “Chiến tranh cục bộ”.
Bắt đầu từ tháng 8 năm 1964, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải đối phó với chiến tranh trên không rất ác liệt của Không quân và Hải quân Hoa Kỳ. Cuộc sống của người dân miền Bắc ngày càng khó khăn và căng thẳng, ngay cả bộ đội cũng bị thiếu ăn.

Dần dần, chính phủ Mỹ bắt đầu thử tiếp xúc bí-mật với Việt-Nam Dân chủ Cộng Hoà.
Với mục đích buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán và tạo ra cái nhìn mới về cuộc chiến theo hướng có lợi cho mình, chính-phủ Hà-Nội quyết định một trận đánh lớn.
Vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, quân Giải phóng tung ra trận Tổng tiến công và nổi dậy khắp miền Nam, đánh vào hầu hết các thành phố, thị xã và các căn cứ quân sự của đối phương. Đây là một sự kiện gây chấn động trên thế giới và có một vai trò bước ngoặt trong cuộc chiến tranh này.
Cuộc tổng tiến công tuy thất bại nhưng đã làm dư luận Mỹ thấy rằng việc đưa quân tham chiến với nỗ lực cao đã gây căng thẳng quá mức trong xã hội Mỹ, kinh tế giảm sút, gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội, mà vẫn không dứt điểm được đối phương. Chiến tranh kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc. Mỹ bắt đầu sa lầy trong cuộc chiến này.
Kết quả ngày 31 tháng 3 năm 1968, lần đầu tiên kể từ đầu cuộc chiến, chính phủ Hoa Kỳ buộc phải xuống thang chiến tranh. Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh, không tăng thêm quân theo yêu cầu của Bộ chỉ huy chiến trường, và từ chối tranh cử nhiệm kỳ tới. 
Tân tổng thống Richard M. Nixon (đảng Cộng Hoà) thắng cử vì hứa chấm dứt chiến tranh, tuyên bố sẽ dần rút quân về nước và đàm phán với Quân Giải phóng. Vấn đề của Mỹ bây giờ không còn là chiến thắng cuộc chiến nữa mà là rút ra như thế nào.

5.4 Giai-đoạn 1969-1972
là giai đoạn "sau Mậu Thân" hay giai đoạn "Việt Nam hóa chiến tranh", giai đoạn Hoa Kỳ rút dần khỏi chiến trường Việt Nam tùy theo khả năng tự mình đảm nhận cuộc chiến của quân đội Việt Nam Cộng hòa nhưng vẫn tiếp tục đẩy mạnh viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng hòa để họ chống lại lực lượng quân Giải phóng.
Mùa hè đỏ lửa 1972
Tháng 3 năm 1972, quân Giải phóng tung ra một cuộc tổng tiến công và nổi dậy chiến lược mùa xuân. Đây là đòn đánh để kết hợp với nỗ lực ngoại giao, nhằm làm thoái chí Hoa Kỳ, buộc họ rút hẳn ra khỏi cuộc chiến.
Đây là cuộc tiến công chiến lược gồm các chiến dịch tiến công quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng, tiến công sâu vào hệ thống phòng ngự của Việt Nam Cộng hòa trên ba hướng chiến lược quan trọng: Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Nhiều trận chiến xảy ra ở Dakto, Kontum, An Lộc, Quảng Trị,Lộc Ninh, Bình Long,...
Đến cuối năm 1972, chiến trường đi đến bình ổn vì hai bên đã kiệt sức không thể phát triển chiến sự được nữa.
Mặc dù chiến dịch không đem đến lợi thế rõ rệt về quân sự nhưng đã làm xã hội Hoa Kỳ quá mệt mỏi. Dư luận Mỹ và thế giới thúc ép chính quyền phải đạt được một nền hòa bình bằng thương lượng theo đúng cam kết giải quyết chiến tranh của ứng cử viên Nixon.

5.5 Giai-đoạn 1973-1975
Vừa đánh, vừa đàm
Việc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam là việc phải xảy ra khi chẳng ai dứt điểm được ai bằng quân sự.
Sau Mậu Thân, các bên đã ngồi vào thương lượng cho tương lai chiến tranh Việt Nam. Việc thương lượng đã diễn ra rất phức tạp vì, một mặt, các bên chưa thật sự thấy cần nhượng bộ và mặt khác, Liên Xô và Trung Quốc muốn can thiệp vào đàm phán, đặc biệt là Trung Quốc.
Hội đàm được chọn tại Paris kéo dài từ tháng 5 năm 1968 đến tháng 1 năm 1973. 
Ban đầu chỉ có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ; sau mở rộng ra thành hội nghị bốn bên, thêm Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 
Về mặt công khai có 4 bên tham gia đàm phán, nhưng thực chất chỉ có 2 bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ tiến hành đàm phán bí mật với nhau để giải quyết các bất đồng giữa hai bên.

Cuối năm 1972, chính phủ Hoa Kỳ, dưới áp lực dư luận và việc trận Thành cổ Quảng Trị kéo dài hơn dự kiến, chính quyền Hoa Kỳ đã nhận ra họ không thể khuất phục đối phương bằng vũ lực cũng như không đủ nguồn lực để duy trì chiến tranh nên buộc phải chấp nhận xuống thang trên bàn đàm phán.

Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973 tại Paris, được coi là một thắng lợi quan trọng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, với các nội dung chính như sau :
- Các quân đội nước ngoài phải rút khỏi Việt Nam. Quân đội Nhân dân Việt Nam, Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Quân Giải phóng miền Nam đóng nguyên tại chỗ và ngừng bắn tại chỗ.
- Miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát. Các bên tạo điều kiện cho dân chúng sinh sống đi lại tự do giữa hai vùng.
- Thành lập Hội đồng Quốc gia Hòa giải và Hòa hợp Dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau, thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ, tổ chức tuyển cử thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc của miền Nam Việt Nam và tiến tới thống nhất hai miền.
- Giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền không được coi là biên giới quốc gia.

Chính phủ Việt Nam Cộng hòa không tán thành hiệp định nhưng vì áp lực nếu không chấp nhận thì Hoa Kỳ sẽ đơn phương ký với Hà Nội và cắt đứt viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa nên đành phải chấp nhận ký.
Để trấn an Việt Nam Cộng hòa, Tổng thống Nixon đã hứa riêng với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là trong trường hợp quân Giải phóng phát động chiến tranh tiêu diệt Việt Nam Cộng hòa, Hoa Kỳ sẽ phản ứng một cách thích hợp để bảo đảm an ninh cho Việt Nam Cộng hòa. Lời hứa này về sau không có giá trị thực tiễn vì sau đó Quốc hội Hoa Kỳ đã ra nghị quyết không cho phép đưa lực lượng vũ trang trở lại Đông Dương mà không được phép của Quốc hội và quy định khuôn khổ viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa.


Ngày 29 tháng 3 năm 1973, quân nhân Mỹ cuối cùng rời Việt Nam, chấm dứt mọi sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ đối với vấn đề Việt Nam. Từ nay chỉ còn quân đội Việt Nam Cộng hòa đơn độc chống lại Quân Giải phóng đang ngày càng mạnh.

Sau hiệp-định Paris
Đây là giai đoạn kết thúc chiến tranh vì với sự ra đi của quân-đội Hoa Kỳ cùng với việc Hoa Kỳ từng bước cắt giảm viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng hòa thì kết cục cho chiến tranh Việt Nam đã rõ ràng.
Hiệp-định Paris kêu gọi ngưng bắn nhưng cuộc chiến vẫn tiếp tục. Từ cuối năm 1974, tương quan lực lượng bắt đầu nghiêng hẳn về phía Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 nhằm buộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập chính phủ liên hiệp 3 thành phần. Tuy nhiên, tới cuối Chiến dịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định chuyển mục tiêu sang buộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đầu hàng.

Cuộc tấn công cuối cùng (1975)
Cuộc tấn công cuối cùng của Quân Giải Phóng Miền Nam diễn ra trong 55 ngày đêm bắt đầu từ ngày 5 tháng 3 cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 :
Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4 tháng 3 đến 3 tháng 4 năm 1975): Mất Ban Mê Thuột và không có đủ lực lượng cơ động dự bị khả dĩ có thể phản kích tái chiếm, lại cùng với việc các lực lượng phòng thủ Bắc Tây Nguyên cũng đang bị uy hiếp nặng nề, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh bỏ Tây Nguyên.
Chiến dịch Huế-Đà Nẵng (từ ngày 5 tháng 3 đến ngày 29 tháng 3 năm 1975): Kể từ sau cuộc rút chạy khỏi Tây Nguyên tin thất bại đã bay khắp miền Nam, binh sĩ Việt Nam Cộng hòa mất tinh thần. Ngày 29 tháng 3, Quân khu 1 Việt Nam Cộng hòa đã bị xoá bỏ.
Chiến dịch Hồ Chí Minh (bắt đầu từ ngày 26 tháng 4): Sau khi tập hợp đủ lực lượng để bảo đảm áp đảo chắc thắng, quân Giải phóng miền Nam Việt Nam bắt đầu tiến công Sài Gòn. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức theo 4 quân đoàn 1, 2, 3, 4 và đoàn 232 tương đương quân đoàn đánh 5 mũi từ 5 hướng vào Sài Gòn. Quân lực Việt Nam Cộng hòa vẫn còn hơn 400.000 quân và đã kháng cự ác liệt trên một số hướng, nhưng rốt cục không thể kháng cự lâu dài được nữa.

Ngày 21/4/1975, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Phó tổng thống Trần Văn Hương lên thay với tuyên bố sẽ ở lại Việt Nam chiến đấu chống cộng sản đến cùng. 
Từ ngày 28 tháng 4, các dàn xếp của các Lực lượng thứ ba đã đưa Dương Văn Minh lên làm Tổng thống.
8 giờ sáng 30 tháng 4, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố Sài Gòn bỏ ngỏ và ra lệnh cho quân đội đơn phương ngừng chiến, chờ đối phương vào bàn giao chính quyền. Bộ tổng tham mưu ra mệnh lệnh chấm dứt kháng cự.
Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến nhanh vào thành phố.
Đến 11 giờ 30, Dương Văn Minh lên đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Chiến tranh Việt-Nam chính thức chấm dứt.

1954 : Một triệu người dân miền Bắc di-cư vào Nam.
Sau 30/4/1975 : Hai triệu người Việt-Nam di tản sang Mỹ, Gia-Nã-Đại, Úc, Pháp,…

Chúng ta (Tôi) đã sinh ra, lớn lên trong giai-đoạn nội-chiến này. Thiết nghĩ chúng ta (tôi) không có đủ tầm nhìn khách quan để bàn về lịch-sử hiện-đại nước mình.
Vì lý do trên, tôi chỉ có thể ghi lại một số sự-kiện mốc quan-trọng trong thời-kỳ này.
Cũng vì lý do này, tôi xin ngừng nơi đây loạt bài sưu-tầm lịch-sử “Con Rồng Cháu Tiên”. 
Phần còn lại, xin để các thế-hệ con-cháu-chắt-chít chúng ta tìm-hiểu tiếp.

HẾT
Bạn đọc thân mến,
Quê hương chúng ta xa quá. Nhớ nhà, nhớ nước, tôi chỉ có thể ngược giòng 4000 năm lịch-sử để trở về nguồn-cội, để trở về với chính mình. Qua cuộc hành-trình này, tôi chỉ thấy chiến tranh, chỉ cảm được cảnh máu đổ, thịt rơi của dân-tộc, của đồng bào mình. 
Xin được kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của tổ tiên và tất cả những người Lạc Việt đã nằm xuống vì mảnh đất hình chữ S này.

Yên Hà, tháng 2, 2018

 Tài-liệu nguồn : Wikipedia

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.