UA-83376712-1

Labels

Jul 20, 2016

Nếu... nhưng mà...

Đời là bể khổ và cuộc sống là một hành-trình không ngừng đi tìm hạnh-phúc. Nhưng đôi lúc, chúng ta suýt chết khát bên cạnh bờ sông vì hạnh-phúc không hẳn là một công-trình vĩ đại như những nhiệm-vụ của Hercules mà chúng ta chỉ có thể mơ ước với những “nếu…” hay những “giá như mà…”. Hạnh-phúc đôi khi chỉ là từng niềm vui nho nhỏ trong tầm tay với nhưng chúng ta nhất quyết không hái vì những “nhưng mà…”, để rồi ngồi đó mà than thân, trách phận hay lẳng lặng chấp nhận đời mình chỉ là một chuỗi ngày buồn tẻ. 
Hôm nay, tôi muốn bàn về hai chữ mà tôi gọi là những “thắng tay của hạnh-phúc” là “nếu” và “nhưng”, thuộc những chữ mà tôi cố gắng tập không dùng đến.

Nếu…
Tôi không nói đến những cái “nếu” khách-quan hay dựa trên lý trí để tính toán (một nước cờ, một dự án, …), để thương lượng (một hợp-đồng,…), …
Có những cái “nếu” nói lên sự ham muốn, dùng để mơ ước (nếu tôi trúng số, tôi sẽ…) hay để cầu-nguyện (nếu mai này hoà-bình…).
Có những cái "nếu" lo sợ (nếu ngày mai nếu chúng mình xa nhau..., nếu em mà bỏ anh,...)
Có những cái “nếu” dùng để tự bào chữa hay để đổ lỗi cho người khác (nếu như tôi có võ thì tôi đã can thiệp giúp cô gái đang bị hành hung…, nếu bố mẹ tôi có tiền nuôi tôi ăn học tử tế thì bây giờ tôi đâu có lông bông như thế này?, …).
Lại còn có những cái “nếu” tiếc nuối những chuyện đã qua (nếu lúc trước tôi không giết chết tình bạn vì tự ái…, nếu tôi đã có can đảm tỏ tình cùng cô ta…).

Cái “nếu” nào cũng thụ động, vô ích. Mơ ước mà không biến nó thành dự án, kế hoạch thì cũng không đi đến đâu. Cho nên, tôi thích quan-niệm “bucket list” để mình cố gắng thực hiện được một vài giấc mộng của mình.
Đổ lỗi cho người khác hay tự bào chữa để làm gì? Có làm có chịu, có sao đâu?
Tiếc nuối thì có thay đổi được gì chuyện đã qua không?
Người Pháp có câu: “Avec des si, on mettrait Paris en bouteille” (Với những cái nếu, người ta sẽ có thể nhét Paris vào một cái lọ).
Nếu...

Nhưng mà…
Chữ này thường được dùng trong một câu gồm hai phần “nghịch trái” nhau.
"Nhưng" có thể dùng để phân tích lợi/bất lợi trong những hoàn cảnh thương-lượng hay tranh cãi.
Điều chúng ta có thể nhận thấy gọi là so sánh nhưng phần đi sau bao giờ cũng chiếm thượng phong trên phần đi trước, có nghĩa là cái “nhưng’ thường được dùng để bác bỏ một ý kiến gì.
Nói là “tốt” nhưng vẫn là “xấu”, khen nhưng mà chê thì thật làm người kia cụt hứng, mất vui:
“Món phở của chị nấu ngon lắm nhưng lúc nào tôi cũng nhớ đến phở mẹ (vợ) tôi làm…”
“Anh hát có hồn lắm nhưng chỉ tội nhịp anh yếu quá…”
Ngược lại, trường-hợp “xấu nhưng mà tốt” có phần tích-cực hơn:
“Ai chê không ngon nhưng đối với tôi là tuyệt vời rồi…”
“Chị nói chị hát a-ma-tơ nhưng tôi thấy không thua nhiều ca-sĩ trong vùng đâu”
Không Tử đã có một câu mà tôi rất thích là: “Thà một ngọn nến leo lắt còn hơn nguyền rủa bóng đêm”.

Người “handyman” thường có phương châm là “Vấn đề gì cũng có giải-pháp”, nhưng có một hội chứng gọi là "Ừ, nhưng mà" (“Yes, but… syndrome”) chỉ quan-niệm là "Giải pháp gì cũng có vấn-đề".

“Ừ / Đúng / Tôi muốn … nhưng mà …”.
Một trường-hợp quen thuộc: Một người quen gặp một vấn-đề gì, hỏi ý kiến bạn, bạn ra sức giúp ý, khuyên giải cả tiếng đồng hồ nhưng mọi điều bạn đề nghị đều bị bác bỏ "Đúng, nhưng không được đâu, trường hợp tôi khác..."

- Lâu nay, tôi vẫn mơ ước được đi du-lịch Trung Quốc
- Thế sao không đi?
- Đắt quá, tôi sợ không đủ tiền
- Không có đâu, có nhiều Tours vừa máy bay, vừa khách sạn, vừa chuyên chở mà chỉ có mấy ngàn thôi
- Rẻ thế thì tôi cũng làm được, nhưng mà đi máy bay xa quá, mệt lắm
- Thì làm một viên thuốc ngủ trên máy bay, đến nơi khoẻ ru
- Thuốc ngủ tôi cũng có nhưng tôi không thích mấy thứ hoá-học
- Có những thuốc homeopathic (vi lượng đồng cân ?) cũng tốt lắm
- Nhưng mà…
Người này sẽ không bao giờ thực-hiện được giấc mộng mình tuy là có đủ phương-tiện.

Một thí-dụ khác:
- Tối nay, mình đi ăn ngoài, em nhé
- Thôi, ăn nhà đi, ăn tiệm lại tốn tiền
- Vậy thì mình đi ăn tô phở thôi
- Ừ, nhưng em làm biếng thay quần áo quá,
- Đi ăn phở ấy mà, cứ mặc thế đi cũng được
- Ừ, Nhưng mà em không thích ăn phở
- Thì em ăn món gì khác, tiệm đâu phải chỉ có phở?
- Ừ, nhưng mà em sẽ hụt bộ phim "…" trên đài truyền hình
- Không sao, anh sẽ thâu cho em, ăn xong về, em xem
- Nhưng mà mất công anh quá
- Dễ và nhanh lắm, em ơi
- Ừ, nhưng mà…
(- Thế thôi, em cứ ở nhà ăn, anh đi một mình cũng được!)

Gặp một người cứ "Ừ, nhưng mà..." thì đừng hòng làm họ thay đổi ý kiến. Và hai người ngồi bàn-luận với nhau về những đề-tài nhạy cảm như chính-trị hay tôn-giáo thì thôi, “Anh nói đúng nhưng mà…” tha hồ mà nghe.
Hội chứng "Ừ, nhưng mà..." là như vậy.

Nếu… nhưng mà...
Hai chữ này mà dùng chung với nhau thì thôi, kẹt cứng:
“ Nếu tôi có thịt băm thì tôi sẽ làm món trứng thịt nhưng tôi lại không có trứng.”
“ Nếu tôi có nhiều tiền, tôi sẽ đi vòng quanh thế giới nhưng giờ tôi cũng chả còn sức nữa.”


Tôi có cảm-tưởng như, trong những hoàn-cảnh khó khăn, con người ta (trong đó có tôi) thường có khuynh hướng trốn tránh sự-thật trong hiện-tại để ẩn nấp trong quá-khứ hay trong tương-lai với những "Nếu", "giá như mà", "thà là"... Và để tránh khỏi phải làm những gì chúng ta không muốn (dám) làm, chúng ta hay giở những cái "nhưng mà", "tuy nhiên",... như những lá bùa để xua đuổi vấn-đề và không phải quyết-định gì hết.
Người muốn làm thì tìm cách,
Người không muốn làm thì tìm cớ.
Cách cảm nhận, cách suy nghĩ, cách ăn nói, cách dùng chữ của chúng ta phản ảnh và ảnh hưởng đến tâm tính của chúng ta, cho nên tôi cố gắng tập tránh dùng những chữ "hắc ám" này để cuộc sống nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn, vui tươi hơn.
Tôi sẽ cố gắng nếu...
Tôi sẽ cố gắng nhưng mà...

Yên Hà, tháng 7, 2016

1 comment:

  1. Yên Hà ơi,

    Ý dẫn đầu các pháp,
    Ý làm chủ, ý tạo
    v v … và sự việc sẽ chuyễn theo sau, như bóng với hình, sang « khẩu » ( lời nói ), để rồi thành hình nơi « thân » dưới dạng hành động.
    Nên các thành ngữ trên, xem qua tưởng chừng không quan trọng, nhưng đã hàm chứa bên trong ý định ( hay quyết định ) rồi.
    Lắm khi các lập luận tuy có vẻ lô gíc kia cũng chỉ là cái lớp bên ngoài, « ngụy biện » « bào chữa » cho sự chọn lựa « tàng ẩn » bên trong « Tình », đã chất chứa từ hồi nào, qua những nội kết, trong đời sống ngày qua ngày.
    Những sự chậm trễ, nhầm lẫn, « quên », hay không thích cũng là những triệu chứng cho ta thấy người đó không sốt sắng lắm, không để tâm trên những điễm ấy … des « actes manqués » ( hành động, thực hiện ), des lapsus nếu là lời nói… ;-)
    Nếu ta quán xét chính mình ( phản quang tự kỷ ) thì phải nhình nhận khi ta phải làm gì không thích, thì ta tự nhiên hảm lại, tìm lý do nầy lý do nọ để trì trể, kháng lại… trái lại khi ta thích thì ôi thôi, thức cả đêm cũng chẳng cảm thấy mệt mỏi…cái dụng của tâm ta như thế ấy ;-)
    Hý luận chơi một tí đó mà ;-)

    Thân,
    Bờm

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.