UA-83376712-1

Labels

Dec 9, 2015

Làm vườn


Về hưu là ngưng đi làm, có nghĩa là có rất nhiều thời giờ cho mình, muốn làm gì thì làm, từ sáng đến tối. Có người thì đi học hát, học đàn, học nhảy, có người thì viết văn, làm thơ, có người đi du-lịch, thăm viếng bạn bè, gia đình… Còn có người thì làm vườn, như tôi vậy.
Nói cho ngay, tôi vốn là người “thành thị” nên lúc mới nghỉ việc, tôi không hề nghĩ đến chuyện này, nhưng có tí vườn sau nhà rồi tôi cũng bắt đầu trồng tí rau thơm như hành, ngò… để (vợ tôi) làm bếp cho dễ, rồi trồng thêm vài cây cà chua, vài cây ớt, rồi nổi hứng đóng giàn bí, rồi…, cứ thế rồi tôi trở thành “vườn sĩ” lúc nào không hay ?

Cây cỏ là sinh vật
Làm vườn là một dịp để nhìn và hỏc hỏi ở thiên-nhiên và sự sống. Đôi khi chúng ta quên đi là không phải chỉ có loài người chúng ta sinh sống trên quả địa-cầu này và súc vật, thảo mộc cũng là sinh vật và mọi sinh vật đều tuân theo một số định-luật của tạo-hoá.
Cây cỏ cũng sinh, cũng lão, cũng bệnh và rồi cũng tử. Có những cây sống hàng trăm, hàng ngàn năm, có loài chỉ sống một, hai mùa. Cây cỏ cũng bị khô héo hay bị ủng, bị nhiễm độc hay bị côn trùng phá hoại. Và cây cỏ cũng tồn tại từ đời này qua đời khác.
Là sinh vật, cây cỏ cần đất tốt, cần nước, cần không khí, cần ánh nắng mặt trời, cần chất dinh dưỡng để sinh nở, trổ hoa, sinh quả. Những nhu-cầu đó khác nhau tuỳ theo mỗi loại, mỗi giống: cây xương rồng hầu như không cần nước trong khi gạo lại cần rất nhiều nước, cà chua cần nhiều nắng nhưng cải lại không thích nắng gắt, …
Hiểu được những định luật này và áp dụng cho mỗi loài thì vườn mới tươi tốt được. Nhưng cũng như đi tìm hạnh phúc, hiểu thì dễ mà áp dụng thì khó lắm và tôi vẫn còn phải học hỏi nhiều trong “nghề” làm vườn này.

Thú làm vườn
Trong địa hạt vườn tược, chúng tôi ít trồng hoa, chỉ có vài chậu hoa treo trên cửa sổ và vài cây, vài chậu trong vườn cho đẹp mắt nhưng chính yếu vẫn là trồng rau quả.
Thú vui nào cũng thú, cũng vui và làm vườn có những điểm đặc biệt của nó.

Trước hết, mùa xuân, mùa hè mà ra hưởng không khí mát trong là nhất. Sáng sớm, tôi được lũ chim trong vườn đánh thức, và việc đầu tiên của tôi sau tách cà-phê (và hôn vợ) không phải là bật máy điện toán để chếch meo hay vào Phây-Búc mà là ra vườn, đi tham quan một vòng rồi ngồi ăn sáng do vợ sửa soạn. Nhâm nhi nốt tách cà-phê, quệt bơ lên miếng bánh mì nướng, đặt lên một lát giăm-bông và một lát phó-mát, hái một quả cà chua, một lá rau riếp, cọng hành, một ít ngò, vài lá húng quế là món ăn sáng đã sẵn sàng. Hít thở không khí trong lành của một tỉnh nhỏ, thưởng thức tiếng nhạc của đám chim nhạc công, ngắm nhìn mảnh vườn bé nhỏ của mình là thiên-đàng hạ-giới.

Từ lúc gieo hột (hoặc mua cây đã mọc sẵn) cho đến lúc gặt hái, biết bao nhiêu lít nước đã chảy (không phải dưới cầu mà) xuống những mô đất nhỏ? Bao nhiêu ngày tháng đã phải trôi qua? Bao nhiêu công lao đã phải đổ vào? Như vậy có đáng không? Tôi không dám so sánh việc trồng rau với việc nuôi con nhưng ý nghĩa cũng tựa vậy. Mỗi sáng ra xem hạt đã nẩy mầm chưa? Cây đã ra hoa chưa? Hoa đã ra quả chưa? Quả đã to và chín chưa? Thú làm vườn một phần là ở đấy đấy.

Và cuối cùng, gặt hái là phần thưởng khiến mình vui sướng nhất. Nhớ lại, thuở bé đi học, cố gắng học cho bố mẹ vui và lúc được lãnh thưởng là cảm thấy bõ công lắm.
Chúng tôi ăn nhiều rau, trái cây và ít thịt nên mùa hè, tiền chợ thật không mất bao nhiêu. Chúng tôi không trồng gạo được và cũng chưa nuôi gà, nuôi lợn nhưng ngoài ra, bữa ăn nào cũng là cây nhà, lá vườn, thơm ngon và tinh-khiết vô cùng. 
Rau thơm thì gần như đủ cả: hành, hẹ, ngò, húng, húng quế, tía tô (cao cả thước), thìa là và cả rắp cá nữa. Giàn bí thì nào bí đỏ, bí xanh, bầu, mướp và dưa chuột. Cà chua thì dĩ nhiên là có, loại to, loại nhỏ (thích nhất là giống black cherry), mùa đông thì những quả còn xanh đem vào muối, ăn y hệt như cà muối (cũng là loại “cà” mà?). Ngoài ra, chúng tôi còn có cà tím (lần đó mua hai cây có năm đồng mà ăn mãi không hết), okra (mướp tây, mọc cao hơn đầu người), cải trắng, khoai lang và ít linh tinh khác.
Cây quả thì chúng tôi có một cây đào, một cây lê và một bụi dâu.
(Nhưng không phải trồng gì mọc nấy đâu. Không hiểu sao hạt giống cải xanh mua ở tiệm Tàu, tôi gieo mãi không được, có lên cũng chỉ lên ngọn? Còn đậu Hoà Lan nữa, èo uột lắm, chả ăn được bao nhiêu.)

Năm nay, “được mùa” quá nên cũng thành “khủng hoảng”, “khổ” quá đi mất! Đem cho hàng xóm, bạn bè bao nhiêu vẫn cứ còn. Bỏ tủ đá hết cả chỗ phải xoay sang đóng hộp trong lọ thuỷ tinh, năm sau sẽ phải sắm cái máy xấy để xấy khô cà chua, cà tím, ... 

Lê ăn không, nấu rượu đỏ, làm mứt, xay nước uống (ngon ơi là ngon), bỏ tủ đá, đóng hộp, bao nhiêu cách mới thanh toán xong, cứ nói đùa là phải đổi sang họ “Lê” mới đúng.
Bầu, bí thì tuần hai lần, canh bí, bí nhồi thịt, gỏi bí, ăn phát "ớn" luôn.

Đã thế, năm nay lại học thêm được vài chuyện. Tình cờ xem được cái video trên Youtube về “Bà Rau” và vườn rau của bà ở vùng Hoa-Thịnh Đốn mới thấy bà bán lá bầu, bí (cũng không phải rẻ). Tôi lò mò lên Inh-Teẹc-Nét mới biết lá bầu bí xào tỏi, thịt bò ngon tuyệt. Làm thử thì đúng là vậy, thế mà trước giờ tôi cứ vất ra đường, phí ơi là phí! Lá khoai lang cũng vậy, đều ăn được cả. Thôi năm sau vậy.

Chăm sóc vườn trong
Sinh hoạt ngoài trời tốt cho sức khoẻ, nhưng chăm sóc vườn “ngoài” còn là cách để chăm sóc cái vườn “trong” nữa. Vừa tu thân, vừa tu tâm, một công đôi chuyện.

Thiền là giữ cho tâm trí tập trung hoàn toàn vào việc mình làm. Làm vườn là phương cách thiền nhẹ nhàng nhất đối với tôi. Trong vườn, tôi không còn nghĩ đến những công việc phải làm, những thứ mình muốn làm, muốn mua, những vấn đề gia đình con cái, những quyết định phải lấy. Tôi không còn nghĩ đến cái “Tôi”, cái “muốn”, tôi không nuôi tham, sân, si, không trồng hỉ, nộ, ái, ố,  tôi gần như buông hết những vọng tưởng, những phiền toái của cuộc đời. Tâm trí tôi chỉ nhẹ nhàng với những cây rau, những nắm đất, tâm trí tôi thanh thản với tiếng chim hót, những tia nắng ấm, những làn gió mát. Trong thời điểm này, tôi sống “bây giờ” và “ở đây”.

Khái niệm thời gian cũng khác. Những vấn đề “có thời giờ”, “phí thời giờ”, ... không còn là vấn đề. Tôi không còn cảm thấy thời gian qua nhanh hay qua chậm, thời gian chỉ còn là một khái-niệm khoa-học không nhất thiết, nhất là bây giờ chúng tôi đã về hưu, đã trở thành “tỷ-phú thời gian” (thành ngữ chôm được từ ông anh cột chèo).
Áp lực của thời-gian xuất hiện với ảo tưởng: chúng ta cảm thấy thời gian trôi nhanh quá vì chúng ta nuối tiếc cuộc vui chóng tàn hay ham muốn làm thêm điều này, điều nọ; thời gian kéo dài lê thê vì chúng ta sợ phải lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn mình. Chúng ta luôn luôn tìm cách kiểm soát thời-gian vì sợ “chán” hay “không kịp”.
Lúc còn bé, chúng ta muốn trở thành “người lớn”, lúc lớn, chúng ta chạy theo địa vị và tiền của, lúc già, chúng ta lại muốn trẻ lại. Cả đời chúng ta chạy theo thời-gian cho nên về hưu có lẽ là lúc chúng ta nên đặt ba-lô xuống? Vả lại sức đâu nữa mà chạy?

Học hỏi ở thiên-nhiên. Nhìn sâu vào một thời-điểm nhỏ bé như mảnh vườn, chúng ta có thể thấy cả vũ trụ. Mỗi phần nhỏ nằm trong tất cả và tất cả nằm trong mỗi phần nhỏ (La Partie est dans le Tout et le Tout est dans la Partie). Phần lớn sự hiểu biết (và tiến-bộ) của loài người trong mọi địa-hạt đều căn cứ trên những định-luật của thiên-nhiên. Trong phạm vi bé nhỏ của cá-nhân tôi, hiểu được gì nơi cuộc sống trong mảnh vườn này giúp tôi hiểu được thêm cuộc sống nói chung và giúp tôi tu tập thêm trong cuộc sống của chính mình.
Loài người chúng ta cũng là sinh-vật như súc-vật hay thảo mộc nhưng chúng ta có thêm sự hiểu biết và có thêm tình cảm để có một cuôc sống dồi dào hơn, ý nghĩa hơn nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi và cân bằng cuộc sống đó không phải chuyện dễ.
Các loài sinh-vật khác không có những “rắc rối cuộc đời” như chúng ta. Súc vật xây tổ hay đào hang để nương thân, bị đe doạ thì tìm cách chống đỡ, đói thì đi tìm ăn dù có phải sát sinh (và chỉ giết để ăn), lạnh hay đói thì dọn đi nơi khác, đến mùa thì sinh con đẻ cái. Thảo mộc lại còn giản dị hơn nữa, có đủ đất, nước, không khí, ánh nắng để sống thì sống, không có thì chết, không có gì để bận tâm.
Nói như thế không có nghĩa là súc vật, cây cỏ “sướng” hơn chúng ta nhưng điều tôi hiểu là sống gần với thiên-nhiên là tâm-thân thanh thản nhất. Chấp-nhận những định-luật bất di, bất dịch của thiên-nhiên dường như là một chìa khoá để “Buông”.

Làm vườn không đến nỗi “cực” như nuôi con nhưng cũng đòi hỏi kỷ-luật lắm, nếu mình không có được vài tiếng mỗi ngày một cách liên-tục thì cũng chả nên tốn công làm gì.Làm vườn cũng phải biết "chịu khó" nhưng quen rồi mình không còn cảm thấy "khó chịu" nữa. Ra vườn lúc nào thì mình biết nhưng vào lúc nào thì khó mà nói vì làm vườn là cứ lan man hết chuyện này, việc nọ rồi xong hết việc rồi mình mới nghỉ được.
Ngoài ra, gieo ngò hay thìa là thì chỉ vài ngày là nẩy mầm và hai tuần là hái ăn được nhưng rau riếp thì phải mất gần ba tháng, còn khoai thì nguyên mùa chỉ được một loạt. Có muốn cây mọc nhanh cũng không được và kiên-nhẫn là một điều người làm vườn phải học.

Làm vườn đúng là một cơ-hội để học hỏi và tu tập.

Về vườn
Từ ngữ “về vườn” thường được dùng để chỉ một nhân vật quan trọng (một ông quan chẳng hạn) từ bỏ chức vị mình (treo áo từ quan) về ở ẩn. Cho về vườn còn có nghĩa là “sa thải”.
Đối với tôi, về già, về hưu, về vườn không hẳn là con đường đi xuống mà có thể là cơ-hội để trở về với chính mình, để sống vui, sống khoẻ, sống lành, sống tốt.
Nhổ cỏ dại cũng như diệt những tâm “tà”, vun trồng hoa quả cũng như tu tập những tâm “chính” và mượn cái vườn ngoài để chăm sóc cái vườn trong.

Đến tuổi này mà “ngày làm vườn, tối làm giường” như lời anh bạn L. tôi nói thì còn gì bằng, phải không các bạn?


Yên Hà, tháng 12, 2015

1 comment:

  1. Kiến thức của Admin thật hay, cám ơn bạn đã share.
    Page hữu ích : Đồ Dùng Làm Vườn

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.