UA-83376712-1

Labels

Feb 26, 2014

Mùa đông năm nay yêu màu trắng

Hôm nay, nhìn đồng hồ mới 4 giờ sáng, tôi đã bị đánh thức bởi tiếng động quen thuộc của chiếc xe cào tuyết của thành phố đang đi qua, đi lại ngoài đường. Lại tuyết, chán thật! 
Năm nay, không hiểu sao mà mùa đông ở miền đông-bắc Hoa-Kỳ này lạnh nhiều, lạnh lâu và tuyết cứ liên miên như thế, khiến tôi không thể không viết bài này.


Mùa đông trắng
Mùa đông miền này, thông thường chúng tôi chỉ phải xúc tuyết hai, ba lần là cao, nhưng năm nay, đài khí-tượng cứ loan báo hết trận tuyết này đến trận tuyết nọ. Vạn-vật đả phủ một lớp chăn trắng mượt, tuyết cào trên đường chất đống bên lề hay trong những bãi đậu xe. Tuyết cứ rơi liên miên, hàng hàng lớp lớp, và mọi người cứ còng lưng ra xúc tuyết đều đều. Riêng chúng tôi, bây giờ cả hai vợ chồng đều về hưu nên xúc tuyết không nhất cứ phải làm lúc sáng tinh sương để còn lái xe ra, đi làm, cứ từ từ mà xúc, xem như tập thể dục thôi (đúng là thay đổi bối cảnh là mọi việc khác hẳn).


Miền Nam Việt mình thì làm gì có tuyết, chỉ có thấy trong phim, trong ảnh nên thấy được tận mắt, sờ được tận tay chắc hẳn là một cảm giác lạ kỳ.
Tuyết đem lại những thú vui khác, từ cái gọi là “white Christmas” (Giáng-Sinh trắng), những trận tuyết chiến với bạn bè, những người nộm bằng tuyết, những chuyến trượt tuyết từ trên đồi. Cho nên trẻ em rất yêu chuộng tuyết.
Người lớn thì có những môn thể-thao như đi trượt tuyết (ski, snow board, …) và có tuyết mới có “Thế-Vận-Hội mùa đông” hiện đang diễn hành tại Sochi, Nga Sô.

Màu trắng là tổng-hợp của 6 màu cầu vồng, được xem như như màu tuyệt hảo, biểu hiệu cho sự trong khiết (màu áo cưới cô dâu), trang nhã, lịch sự. Màu trắng cũng thường được sử dụng trong dịp tang lễ và kỷ niệm, để tượng trưng cho ánh sáng tối cao.
Phải công nhận hình ảnh những cánh đồng trắng xoá, bất tận thật là đẹp vô cùng, nhất là nếu nhìn từ trong nhà, bên cạnh lò sưởi đốt củi thì hết chỗ chê.

giá buốt
Tuyết trông đẹp thì đẹp thật nhưng mùa đông giá buốt này đem lại nhiều tai-hại lắm.
Lò sưởi trong nhà không ngừng hoạt động, nhiệt-độ bên ngoài cứ dưới 32° F (0°C) và còn lạnh hơn nữa nếu tính thêm gió buốt.
Những trận bão tuyết đã khiến bao nhiêu công sở, cửa tiệm, trường học phải đóng cửa, bao nhiêu chuyến bay phải bãi bỏ hay trễ nãi, chính phủ liên bang và các cơ quan địa phương đã bắt đầu méo mặt vì những tốn kém ngoại-lệ này, bao nhiêu chiếc xe bị hư hại và bao nhiêu người bị tổn thương vì tai nạn xe cộ… Cũng may là chỗ chúng tôi ở chưa hề bị cúp điện, chứ nếu không thì xoay xở như thế nào đây?

Riêng phần tôi, mùa đông năm nay chỉ đem lại xúi quẩy thôi. Số là tháng trước, tôi ra ngoài lấy thơ, không để ý thấy tuyết và mưa đã tạo nên một lớp đá, trượt chân ngã “oạch” điếng người, đi bác sĩ, chiếu X rays thì xương không sao, sau đó lại chiếu MRI thì mới thấy rách gân, đang chờ đi mổ để "vá" lại, sau đó sẽ phải đi tập luyện lại cơ thể (physical therapy) 3 tháng nữa. Đúng là năm sung tháng hạn, cái xẩy nẩy cái ung. Buồn ơi, xin chào mi...

Tôi lại cảm thấy thương những người vô gia-cư, những người nghèo, những người phải làm việc ngoài trời (như người đi đưa thơ), lại thấy thương những con chim, con sóc phải chật vật đi kiếm ăn. Mùa đông này ác-nghiệt quá. (Bên Việt-Nam chúng ta hay bên Phi-Châu, tuy nghèo khó nhưng ít ra không phải chịu đựng những nỗi khó này.)

Đồng tiền nào cũng có hai mặt, có người khổ sở vì lạnh thì cũng có người vui sướng. Trẻ em sáng ngủ dậy mà thấy trời tuyết là mừng “hết lớn” vì có triển vọng được nghỉ học, ở nhà chơi “ghêm” trên “Ai-Pát”, tuyết càng nặng càng mừng. (Nhớ lại thuở ở Sài-Gòn, mỗi lần có đảo chính hay bị những vụ đặt bom khủng bố, trẻ con không hiểu chuyện chỉ vui mừng vì được nghỉ học mà thôi).

tương đối lạnh
Lạnh cũng nhiều kiểu, nhiều mức độ. Lành lạnh, lạnh hiu hiu, lạnh run, lạnh buốt, lạnh ngắt, lạnh cóng, nhưng nếu có thêm gió hay ẩm ướt thì còn độc hơn nữa.

Năm nay, tuy là lạnh kỷ lục, nhưng xét cho cùng, 0°C hay trừ mươi độ có nghĩa lý gì so với những nơi khác? Tôi được biết nơi lạnh nhất là vài làng vùng Siberia, bên Nga, mùa đông trung bình lạnh -50°F (- 45°C), và năm lạnh nhất xuống đến -96°F (-71°C). Thật hãi hùng, chắc hẳn đời sống ở những nơi đó phải khác chúng ta nhiều lắm.
Có một hôm, vợ tôi hỏi “Hôm nay, lạnh bao nhiêu độ?”, tôi buột miệng trả lời “Không đến nỗi nào, em ơi, có 28°F (-2°C) thôi”. Nói xong, tôi chợt phì cười vì câu trả lời “kỳ quặc” của mình. Nhưng quả vậy, sau hai tuần liền chỉ mấy độ hay mười mấy độ thì 28 độ là “ấm” lắm rồi.
Cũng như đối với mẹ tôi bên California hay con chúng tôi bên Florida thì 55°F (13°C) là kêu lạnh ơi ới. Đúng là nhìn xuống (miền Nam) thì bao nhiêu nơi ấm hơn, nhưng nhìn lên (miền Bắc) thì cũng có bao nhiêu nơi lạnh hơn mình, cho nên ở đâu quen đó, chuyện gì cũng tương đối mà thôi.

Thi-sĩ và mùa đông
Thi sĩ, nhạc sĩ hầu như ít có ai viết về mùa hè và chỉ một số viết về mùa xuân để tiêu biểu cho tuổi trẻ hay để đón Tết. Có lẽ vì người nghệ-sĩ đa tình, đa cảm chỉ có thể tìm nguồn cảm-hứng trong những nỗi buồn, trong những cuộc cuộc tình dang dở.
Thi-sĩ yêu nhất là mùa thu, có lẽ vì cơn gió hiu hắt, vì những chiếc lá vàng xào xạc, vì nắng nhạt, vì màu vàng-cam, vì tính cách chuyển-giao giữa mùa hè và mùa đông như một lời từ-biệt, gợi lên những nỗi buồn nhớ u uẩn, nhẹ nhàng.
Mùa đông cũng buồn nhưng có tuyết, có mưa gió bão bùng và giữa cơn lạnh buốt hiu quạnh, con tim cũng băng giá trong nỗi đau cào xé. Có lẽ thi-sĩ “thích” sầu muộn nhưng chưa muốn chìm trong tuyệt vọng?

Khi Lưu trọng Lư viết về mùa đông :
  "Yêu hết một mùa đông
  Không một lần đã nói
  Nhìn nhau buồn vời-vợi
  Có nói cũng không cùng
  …
Giờ hết một mùa đông

Gió bên thềm thổi mãi
Qua rồi mùa ân-ái
Đàn sếu đã sang sông." 
Hết rồi, không còn gì để nói nữa, gió cứ thổi mãi, đàn sếu đã sang sông. Hết cả rồi.

Trong bài thơ “Đan áo cho chồng”, TTKH than thân, trách phận con chim đã bị giam trong lồng, sống một đời miễn cưỡng bên cạnh chồng mà trái tim vẫn tê-buốt giá băng:
  "…Biết chăng chi? mỗi mùa đông
  Đáng thương những kẻ có chồng như em
  Vẫn còn thấy lạnh trong tim
  Đan đi đan lại áo len cho chồng.
  Như con chim hót trong lồng,
  Hạt mưa nó rụng bên song bơ thờ.
  Tháng ngày nổi tiếng tiêu sơ,
  Than ôi! Gió đã sang bờ ly tan... "

Miền Nam Việt không có mùa đông nhưng tôi vẫn thường nghe mẹ tôi nói ở ngoài Bắc, bốn mùa rõ rệt hơn và mùa đông cũng lạnh, cho dù không so sánh được với những cái lạnh như tôi đang sống bên Đông-Bắc Hoa Kỳ này.
  "Em nhớ: một sáng ngày mùa đông,
  Gió bấc ào-ào tiếng hãi-hùng
  Theo khe cửa sổ gió thổi rú
  Chỉ nghe tiếng gió mà lạnh-lùng."
    (Đông Hồ)

hay là:
  "Lò sưởi bên mình ngọn lửa hồng
  Giải buồn chén rượu lúc sầu đông
  Tuyết đưa hơi lạnh xông rèm cửa
  Gió phẩy mùa băng giải mặt sông."
    (Ngô Chi Lan)


Đối với những người tha hương, mùa đông lại càng khiến chúng ta nhớ nhà, nhớ nắng ấm, nhớ những cánh đồng xanh ngát, nhớ những chuỗi ngày ấu thơ. Biết bao giờ trở lại?
Nhà thơ Duy-Lam đã nói lên những ước mơ đó trong bài thơ "Tuyết trắng":

"Tuyết rơi rơi đất lạ mênh-mông
  Hồn ta vất-vưởng trôi trong không
  Tang-tóc trắng trời nơi đất hứa
  Bao-giờ ta mới hết nhớ mong

  Nếu thế phải chăng hồn đã chết !
  Dù xác vẫn đây mơ viễn-vông
  Dù sống đến cuối đời cũng chỉ
  Giá băng vĩnh-viễn một mùa đông."
    

Ai đã có trải qua những cơn rét mướt những đêm đông băng giá mới hiểu được nỗi đau quằn quại và niềm cô-đơn hiu quạnh của thi-nhân trong những vần thơ gần như tuyệt vọng.

Nhạc-sĩ và mùa đông
Nhạc sĩ cũng hay gửi gấm tình cảm mình qua những nốt nhạc hay phổ nhạc những bài thơ mùa đông đó.
Bản nhạc "Mùa đông của anh" của nhạc-sĩ Trần Thiện Thanh, sáng tác vào năm 1970, với nhịp-điệu Boléro thật dễ- thương đã khiến ta bồi-hồi xúc-động khi nghe ca-sĩ hát như than-thở về tình yêu băng giá giữa giòng đời: "Em ơi! đông lại về từ trăm năm lạnh giá, tim anh như ngừng thở từ sau ân-tình đó. Em nghe không mùa đông, mùa đông!"

Mùa đông là mùa của gió tuyết u-sầu mà lại phải xa nhau trong khung cảnh này thì nhà thơ Cung Trầm Tưởng chỉ có thể nghẹn-ngào khi tiễn em đi lúc mùa đông vừa đến ở Paris:
  "Lên xe tiễn em đi
  Chưa bao-giờ buồn thế
  Trời mùa đông Paris
  Suốt đời làm chia-ly
  …
  Tuyết rơi mỏng manh buồn
  Ga Lyon đèn vàng
  Cầm tay em muốn khóc
  Nói chi cũng muộn-màng."

Bài thơ này đã được Phạm Duy phổ thành nhạc.

Ra đời năm 1940, “Đêm đông”, lời của Kim Minh là bản nhạc tiền chiến bất hủ của Nguyễn Văn Thương. Nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của tân nhạc Việt Nam đã mang cảm xúc của mình vào bài hát để thể hiện lòng nhân ái trước những mảnh đời vất vả và bất hạnh trong chiến tranh.
   “…Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu
  Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng
  Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư
  Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…”
Qua giọng ca và lối trình diễn của chị Bạch Yến, chúng ta mới cảm nhận được cái lạnh buồn hiu quạnh của mùa đông trong thời điểm đó.

Mùa đông Hà Nộ có lẽ đã được diễn tả nhiều nhất, và đặc biệt bởi nhạc sĩ Phú Quang.
  “…Ta còn em, cây bàng mồ côi mùa đông
   Ta còn em, nóc phố mồ côi mùa đông
   Mảnh trăng mồ côi mùa đông
   Mùa đông năm ấy,
   Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
   Tan lễ chiều, sao còn vọng tiếng chuông ngân?...”

(Em ơi Hà Nội phố, thơ Phan Vũ)
Mùa đông Hà Nội được kể bằng những hình ảnh thân thương – mùi hoàng lan, mùi hoa sữa, cây bàng mồ côi, hàng phố cũ rêu phong, mái ngói xô nghiêng, màu xanh thời gian… Những hình ảnh hoài cổ, cũ kĩ, với một nỗi buồn man mác nhưng vẫn có cảm giác bình yên đến lạ lùng.

  “…Dường như ai đi ngang cửa
  Gió mùa đông bắc se lòng
  Chút lá thu vàng đã rụng
  Chiều nay cũng bỏ ta đi…”

(Nỗi nhớ mùa đông, Phú Quang)
Bài hát đem lại cho người nghe một cảm giác se lạnh và nỗi nhớ bất tận, với những cơn gió bắc thổi qua từng mái nhà báo hiệu mùa đông về, màu vàng của những chiếc lá thu giờ nằm dưới mặt đất, tiếng chuông chiều vang vọng từ nơi xa vắng…
Hà Nội mùa vắng những cơn mưa 
  “…Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa
   Cái rét đầu đông, khăn em bay hiu hiu gió lạnh
   Hoa sữa thôi rơi, ta bên nhau một chiều tan lớp
   Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về…”
Bài hát được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ từ thơ của Bùi Thanh Tuấn vẽ nên một Hà Nội thật gần gũi nhưng lại quá xa xôi. Nỗi nhớ bâng khuâng phảng phất qua từng câu hát miên man: “Hà Nội mùa này lòng bao nỗi nhớ, ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay, hơi ấm trao em tuổi thơ ngây, tưởng như còn đây…”

Nhạc thì còn nào là "Sầu đông", nhạc Twist của Khánh Băng, "Mùa đông Mạc-Tư-Khoa" (lại Phú Quang), "Xa nhau mùa đông" (Quốc An), "Mất nhau mùa đông" (Anh Bằng), ... nhiều vô số kể.


Mùa đông đáng yêu hay đáng ghét?

Viết đến đây thì tôi đã hết "giận" mùa đông.
Có ghét mới có yêu, có lạnh mới có nóng, có mùa đông mới có mùa hè. Xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa xoay vần trên giòng đời như sinh lão bệnh tử, âu cũng chỉ là luật của tạo-hoá, hơi sức đâu mà cưỡng lại?
Thôi thì ta cứ mở rộng đôi tay, đón nhận tất cả, ít ra là chấp nhận hai mặt của cuộc sống:
Làm sao về được mùa đông,

để nghe chuông chiều xa vắng?
thôi đành ru lòng mình vậy,
vờ như mùa đông đã về
”.


Yên Hà, tháng 2, 2014

Tài liệu tham khảo:
Mùa Đông Qua Thi Ca Việt Nam (Dương Viết Điền)
Những bài hát nổi tiếng về mùa đông



1 comment:

  1. Mùa Đông năm nay khắc nghiệt ghê . Anh té may mà không sao, thôi ráng đi , còn cơn bão săp tới cuối tuần này nữa, cẩn thận khi xúc tuyết . Nhờ vẻ đẹp của mùa Đông mà chúng ta có nhiều tác phẩm hay của các văn sĩ, thi sĩ và nhạc sĩ . Rất thích hình hoa tuyết của anh chụp, đẹp lắm!

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.