Lời mở đầu: Tản mạn hay Tản văn?
Bấy lâu nay, đôi khi tôi cũng muốn chia sẻ một vài ý-nghĩ, cảm nhận hay kinh-nghiệm về một sự-kiện, một quan-niệm, một từ-ngữ nào đó nhưng chỉ là những suy-nghĩ lan man, không đầu đuôi, không đủ "nguyên-liệu" để viết thành một bài như hay thường viết.
Và tôi đã nghĩ đến mở một chuyên-mục tạm gọi là "Lẩm cẩm vụn vặt" cho những loại bài viết ngắn này, rồi sau đó, lang thang trên mạng, tôi có dịp biết đến từ-ngữ "tản mạn".
Tìm hiểu thêm thì hình như "tản mạn" là một từ Hán-Việt gồm:
- tản = rời rạc, không tập trung (như trong "di tản", "tản bộ"...)
- mạn = tràn ra, không ở một chỗ (nghĩa cũng tương tự như "tản")
Tản mạn = ở tình trạng rời rạc, không liên-hệ với nhau. Thí dụ: ý nghĩ tản mạn, không đâu vào đâu.
Chỉ có điều "tản mạn" là một tĩnh-từ mô-tả một trạng-thái nhưng hình như phần đông chữ này được dùng như động-từ (đi lang thang, suy nghĩ miên man) hay một danh-từ (bài viết, những suy-nghĩ).
Đi xa hơn chút, tôi tìm ra chữ "tản văn" mà Ông Đào Đăng Vỹ trước đây đã dịch ra tiếng Pháp là "prose" (= văn xuôi).
Theo "Từ-điển thuật-ngữ văn-học" (Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi):
Tản văn là loại văn xuôi ngắn gọn... loại văn tự-do, dài ngắn tuỳ ý... mang tính-chất khám-phá, không nhất thiết đòi hỏi có cốt truyện phức-tạp... nhưng có cơ cấu độc đáo, có giọng điệu, cốt cách cá-nhân...
Xem như vậy, "tản-mạn" gợi ý gần cái "lẩm cẩm vụn vặt" của tôi nhưng có lẽ dùng "tản văn" (một lối hành văn) thì đúng chữ hơn?
Không có được một "Hàn Lâm Viện" để làm chuẩn cho tiếng Việt nên thôi, tôi tạm gọi chuyên-mục mới này là "Tản văn" cho tiện vậy.
Tôi xin được mở đầu bằng bài "Chim đầu đàn".
Chim đầu đàn
Việt-Nam mình thường hay dùng danh-từ “chim đầu đàn” để chỉ-định người đàn anh, đàn chị, cấp lãnh-đạo hay một bậc Thầy, nghĩa là một người mình kính-trọng khả-năng, đạo-đức, đáng để mình nghe theo, học hỏi, hay noi gương.
Lúc trước, tôi cũng nghĩ như vậy, cho đến khi tôi khám phá ra là không hẳn như vậy.
Tôi sống nơi miền đông-bắc Hoa-Kỳ và cứ vào cuối thu, tôi lại có dịp thấy hàng ngàn con chim hay vịt trời rủ nhau bay về những nơi ấm-áp hơn để kiếm ăn. Chúng nó như gọi nhau ơi ới, ồn kinh khủng, và tôi thường ngắm nhìn cảnh-tưởng này cho đến khi chúng nó bay đi hết. Và tôi có nhận xét rằng chúng bay hình chữ "V", với một con chim bay đầu.
Một con chim bay phải quạt cánh, nổ năng-lực chống lại sức hút của quả đất (để bay lên) và chống lại gió và sức cản của không khí (để bay tới) và khi nó phải bay thật xa (như trong những cuộc di-trú này) thì chuyến bay rất mệt và phải biết tiết kiệm năng-lực.
Khi bay từng đàn hình chữ "V", con chim bay đầu lãnh phần nặng nhọc nhất nhưng tất cả những con bay sau đỡ mệt hơn. Những phi-cơ bay từng đoàn cũng đã học được điều này nơi chim và hình chữ "V" này còn có tác-dụng mở rộng tầm nhìn cho những phi-công.
Nhưng nếu nhìn một lúc, chúng ta sẽ thấy chữ "V" đổi dạng và một con chim khác thay thế vào vị-trí bay đầu, và cứ liên-tục như vậy. Có nghĩa là không một con chim nào có một địa-vị "chim đầu đàn", vì nếu không, bay được một lúc, nó sẽ kiệt-sức mà chết.
(Chuyện này làm tôi nhớ lại có một lần đi chơi xa bằng xe đạp với ba người bạn lão-luyện, tôi để ý cứ hễ người đi đầu bắt đầu chậm lại là có người qua mặt chiếm hàng đầu để giữ cao tốc-độ trung bình, chứ nếu không thì tối đến mới đi được nửa đường.)
Như vậy, loài chim chỉ hành-động thực-tiễn để sinh tồn, chứ không có những khái-niệm về quyền-thế hay thứ-bậc, cho nên khái-niệm "chim đầu đàn" hình như không đúng.
Hình như tiếng Pháp, tiếng Anh không dùng hình ảnh này mà chỉ gọi là "leader" (lãnh-tụ), hay "chef de file" (người đi đầu, thủ lãnh).
Người Việt-Nam chúng ta với ảnh-hưởng nặng-nề của Khổng-giáo, lại ít óc khoa-học hơn người Tây-phương nên mới dùng so-sánh này để nói về tôn-ti, trật-tự? Có lẽ vậy.
Lúc trước, tôi cũng nghĩ như vậy, cho đến khi tôi khám phá ra là không hẳn như vậy.
Tôi sống nơi miền đông-bắc Hoa-Kỳ và cứ vào cuối thu, tôi lại có dịp thấy hàng ngàn con chim hay vịt trời rủ nhau bay về những nơi ấm-áp hơn để kiếm ăn. Chúng nó như gọi nhau ơi ới, ồn kinh khủng, và tôi thường ngắm nhìn cảnh-tưởng này cho đến khi chúng nó bay đi hết. Và tôi có nhận xét rằng chúng bay hình chữ "V", với một con chim bay đầu.
Một con chim bay phải quạt cánh, nổ năng-lực chống lại sức hút của quả đất (để bay lên) và chống lại gió và sức cản của không khí (để bay tới) và khi nó phải bay thật xa (như trong những cuộc di-trú này) thì chuyến bay rất mệt và phải biết tiết kiệm năng-lực.
Khi bay từng đàn hình chữ "V", con chim bay đầu lãnh phần nặng nhọc nhất nhưng tất cả những con bay sau đỡ mệt hơn. Những phi-cơ bay từng đoàn cũng đã học được điều này nơi chim và hình chữ "V" này còn có tác-dụng mở rộng tầm nhìn cho những phi-công.
Nhưng nếu nhìn một lúc, chúng ta sẽ thấy chữ "V" đổi dạng và một con chim khác thay thế vào vị-trí bay đầu, và cứ liên-tục như vậy. Có nghĩa là không một con chim nào có một địa-vị "chim đầu đàn", vì nếu không, bay được một lúc, nó sẽ kiệt-sức mà chết.
(Chuyện này làm tôi nhớ lại có một lần đi chơi xa bằng xe đạp với ba người bạn lão-luyện, tôi để ý cứ hễ người đi đầu bắt đầu chậm lại là có người qua mặt chiếm hàng đầu để giữ cao tốc-độ trung bình, chứ nếu không thì tối đến mới đi được nửa đường.)
Như vậy, loài chim chỉ hành-động thực-tiễn để sinh tồn, chứ không có những khái-niệm về quyền-thế hay thứ-bậc, cho nên khái-niệm "chim đầu đàn" hình như không đúng.
Hình như tiếng Pháp, tiếng Anh không dùng hình ảnh này mà chỉ gọi là "leader" (lãnh-tụ), hay "chef de file" (người đi đầu, thủ lãnh).
Người Việt-Nam chúng ta với ảnh-hưởng nặng-nề của Khổng-giáo, lại ít óc khoa-học hơn người Tây-phương nên mới dùng so-sánh này để nói về tôn-ti, trật-tự? Có lẽ vậy.
Dù sao đi nữa, đây cũng chỉ là một suy-nghĩ tản mạn thôi nhé. Xin hẹn các bạn lần sau.
Yên Hà, tháng 2, 2013
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.