ARTSHARE

Aug 25, 2015

Tiếng nước tôi: Đoạn kết



Tháng Giêng 2013, tôi mở đầu loạt bài viết này với ước-nguyện nhỏ nhoi là học hỏi lại tiếng nước mình và nhân tiện chia sẻ với những đồng hương của mình.  Hôm nay, sau 20 bài viết, dù đề-tài và nội-dung không thể đầy đủ và chi-tiết, chuyến đi đã đến lúc phải chấm dứt.
Nhìn lại quãng đường đi, tôi không khỏi bùi-ngùi vì cảm thấy tiếng nước tôi thanh đẹp và đáng yêu quá.

Tiếng nước tôi đã có từ ngàn đời
Tiếng nói người Việt-Nam ta thì chắc hẳn đã có từ thuở lập quốc đời Hồng Bàng rồi nhưng chữ viết ta đã phải trải qua bao nhiêu biến-chuyển theo giòng lịch-sử. 
Từ nguyên-thuỷ, chúng ta đã có chữ Việt cổ (theo như những khảo cứu và khám phá mới nhất) cho đến khi chúng ta bị Hán thuộc đã phải dùng chữ Nho (như trường-hợp Đại-Hàn). Sau bao nhiêu thế-kỷ, ông cha ta từ từ thoát ly khỏi ảnh-hưởng Trung-Hoa và chữ Nôm và sau cùng tiếng quốc-ngữ dần dần trở thành chữ viết chính-thức của người Việt.
Bao nhiêu thay đổi suốt bốn ngàn năm văn hoá và ảnh hưởng chữ Hán vẫn còn sâu đậm và từ-ngữ gốc Pháp không phải ít trong từ-vựng Việt-Nam.

    Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
    Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
                                                            (Phạm Duy)

Tiếng nước tôi giàu nhạc tính và thi tính
Tiếng Việt ta đơn âm mà đa thanh (6 thanh) nên mỗi chữ là một nốt nhạc và mỗi câu nói là một câu hát. Đã có nhiều người ngoại-quốc nhận xét rằng người Việt nói như hát, bay bổng như một bài nhạc.
Cũng vì vậy, luật bằng-trắc giúp rất nhiều trong việc đối âm trong thơ Việt-Nam nên làm thơ (dù là thơ "con cóc") rất tự-nhiên nơi chúng ta.
Và, một đặc-trưng có một không hai của Việt-Nam ta là ngâm thơ, một hình-thức nghệ-thuật phối-hợp thơ và nhạc một cách rất tự-nhiên.

Tiếng nước tôi không khó
Trước hết, phải nhớ ơn những nhà truyền giáo Tây-phương đã ra công áp dụng mẫu tự La-tinh vào chữ quốc-ngữ, nhớ ơn ông Nguyễn Văn Vĩnh, phong-trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Hội Truyền Bá Quốc-Ngữ và tất cả những vị đã góp công vào việc phổ biến chữ quốc-ngữ để ngày nay, chúng ta không phải “nhức đầu” với chữ Nho.

Chữ Nho là loại chữ “ghi ý”, loại chữ viết mà mỗi một chữ biểu thị nội dung ý nghĩa của một từ, biểu thị bằng một ký hiệu duy nhất không có liên quan gì đến những âm thanh cấu tạo nên từ.
Chữ viết “ghi âm” không quan tâm đến mặt nội dung, ý nghĩa của từ mà chỉ ghi lại chuỗi âm thanh của từ đó. Viết sao đọc vậy, đọc sao viết vậy là một ưu thế của mẫu tự La-Tinh.
Và dù sao đi nữa, mẫu-tự La-Tinh cũng dễ viết và phổ-biến hơn nhiều.

Mặt khác, học tiếng Việt tương đối dễ vì văn-phạm không rắc rối, cầu kỳ như tiếng Pháp hay tiếng Đức. Một thí-dụ: để chia ngôi, biến ngôi trên tỷ-lệ thời-gian, văn-phạm Pháp dùng đến 22 cách khác nhau (temps / modes) trong khi Việt-Nam mình chỉ dùng "sẽ" để chỉ tương-lai, "đã" để chỉ quá khứ và "_" để chỉ hiện-tại.
Mỗi chữ là một, không có giống đực-giống cái cho danh-từ chung, không biến đổi hình thái với số nhiều, số ít, …
Có lẽ vì tiếng Việt ta ”dễ” nên văn học dân-gian mới phong phú vậy.

nhưng không phải dễ
Ngược lại, tiếng Việt có những khó khăn của nó.
Tiếng Việt khó đọc, khó phát âm vì phải phân biệt rõ sáu thanh điệu, đọc sai dấu là khác nghĩa ngay, nhiều chuyện cười chỉ dựa trên việc viết tiếng Việt không dấu.
Tiếng Việt cũng có những cụm phụ âm rất khó đọc như “kh”, “nh”, nhất là khi phối hợp với những cụm nguyên âm như “uyu”, “ưu”, “ươu”, … Cứ thử đọc “rượu”, “khúc khuỷu”, “ngoằn ngoèo”, … thì biết tay nhau ngay. Đó là không đề-cập đến giọng địa-phương vì vấn-đề này có trong rất nhiều ngôn-ngữ.

Dùng loại-từ cho đúng lại là nỗi khổ khác: khi nào ta dùng con, khi nào ta dùng cái? tại sao cũng đều chỉ bộ phận cơ thể người mà khi thì dùng cái (cái răng, cái miệng...), khi dùng bộ (bộ mặt, bộ lòng, bộ ngực...), khi dùng sợi (sợi tóc, sợi râu...), khi dùng lá (lá gan, lá phổi...)? tại sao có thể nói cái răng, cái mặt, cái mũi, cái miệng, cái chân, cái tay, cái đầu... mà không thể nói cái tim và phải nói quả tim, trái tim, con tim...?

Khi hai người nói chuyện với nhau, tuỳ theo đối tượng, cách xưng-hô lại khác hoàn toàn: mày-tao (bạn bè thân), tôi (đối với người lạ), anh-chị-em (trong gia-đình hay  tuỳ theo tuổi tác), ông-bà/chú-bác/cụ (nói lịch-sự hay đối với người có tuổi), ngài (đối với một viên-chức cao cấp, nhưng thật ra ở Việt-Nam bây giờ, một anh cán-bộ thường cũng phải gọi “ngài”?), …
Viết tiếng Việt cũng không phải dễ: nhiều phụ-âm (viết) khác nhau nhưng đọc na ná nhau, nhất là tuỳ địa-phương Nam-Trung-Bắc) như “c, k, qu” cùng đọc âm-vị “k”, “d, gi, r” cùng đọc “z” (người Bắc), …

Viết cho đúng chính tả thì ô hô ai tai, khó vô cùng. 
Xin mời đọc lại:
Tiếng nước tôi: Chính tả (1) / Dấu hỏi-Dấu ngã

Tiếng nước tôi: Chính tả (2) / Những lỗi chính tả khác

Tiếng nước tôi bình dân nhưng sâu sắc
Tiếng Việt chúng ta dễ học nhưng lại khá tế-nhị và phức-tạp trong cách dùng nên rất thích-hợp với nghệ-thuật chơi chữ và đối đáp. Xin mời đọc lại:




Một nhà ngôn ngữ học đã nói: Nếu ngữ pháp châu Âu là ngữ pháp hình thức thì ngữ pháp tiếng Việt là ngữ pháp tình cảm.” Thêm một lý-do để văn-học dân-gian Việt-Nam dồi-dào và giá trị như vậy.
Người Việt ta hay dùng thành-ngữ

thích dùng tục-ngữ

và đặc biệt là ca dao

và dân ca

Cả một gia-tài quí giá của dân-tộc.

Tôi yêu tiếng nước tôi
Vì tất cả những lý do đó, vì tôi là người Việt-Nam, vì tôi là một kẻ tha hương.

    Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
    Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…
                                                             (Phạm Duy)


Câu nói của Phạm Quỳnh

    Truyện Kiều còn, tiếng ta còn,
    Tiếng ta còn, nước ta còn.

thật ý nghĩa làm sao, thiết tha làm sao.






Tôi yêu tiếng nước tôi. Vô cùng.

Yên Hà, tháng 8, 2015


Tài liệu nguồn:
Một số đặc-trưng ngôn-ngữ Việt ảnh-hưởng đến việc nhận-thức tiếng Việt của sinh-viên nước ngoài (TS. Trương Thị Diễm)

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.