ARTSHARE

Aug 25, 2015

Một nửa tôi


 - Mình ơi, em yêu mình.
Những ông chồng mà được nghe vợ thủ thỉ bên tai một câu như thế này thì làm sao có thể bỏ cơm mà đi ăn phở được?
Người Tây phương thường gọi vợ (chồng) là “một nửa tôi” (Ma moitié / my other half hay my better half để pha thêm chút khôi hài) nhưng đàn bà Việt-Nam ta còn đi xa hơn nữa khi gọi chồng là “Mình”, ngụ ý mình đã trở thành người kia và người kia đã trở thành mình.
Tuy 2 mà 1, tuy 1 mà 2 là ý nghĩa của liên-hệ vợ chồng.

Mọi sinh vật ra đời « chỉ » để sinh sản hầu nối tiếp cuộc sống và loài người không thoát khỏi luật thiên nhiên đó nhưng tại sao liên-hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà lại phức-tạp và diệu kỳ như vậy ?

Một liên-hệ không ruột thịt
Kể cũng lạ, hai người không cùng máu mủ hợp lại mà tạo ra một « cộng đồng » ruột thịt.
Trong một gia-đình, liên-hệ cha/mẹ - con cái là nặng, liên-hệ anh-chị-em là nặng nhưng rồi, mỗi người lớn lên rồi sẽ ra đi để lập gia-đình riêng của mình, rồi con cái cũng lại sẽ ra đi,… Chỉ có hai vợ chồng là sống với nhau trọn đời (trên nguyên-tắc) và
 liên-hệ vợ-chồng nhiều khi còn mạnh hơn liên-hệ anh-chị-em.

Nhưng ngược lại, vợ chồng có thể bỏ nhau chứ bố mẹ không bao giờ từ con và anh chị em ít khi không nhìn mặt nhau nữa. Nhất là thời buổi này, ly dị nhau đã trở thành quá dễ, cứ xem thống kê trên thế giới là đủ hết hồn, hết vía. Thế mới biết:
Một giọt máu đào hơn ao nước lã,
Anh em cãi nhau cả ngày không mất, vợ chồng cãi nhau một lúc thành người dưng.

Một sự lựa chọn nặng trách nhiệm
Một người đàn ông và một người đàn bà gặp nhau, cảm nhau và trở thành bạn, yêu nhau rồi trở thành tình nhân rồi có thể sống chung và có con với nhau. Nhưng quyết định đi đến hôn nhân lại là chuyện khác.
Trên phương-diện pháp-luật, hai người làm giấy hôn-thú là đồng ký kết một thoả-ước, là chấp nhận những điều-lệ về quyền-lợi và trách-nhiệm của đôi bên, đối với lẫn nhau, đối với con cái, đối với luật-pháp. (Cho nên thủ-tục ly-dị là một trong những con gà đẻ trứng vàng của những văn-phòng luật-sư bên xứ Cờ-Hoa này : ai được giữ con, tiền của chia như sao, ai trợ cấp ai và bao nhiêu, …)
Trên phương-diện tinh-thần, làm đám cưới trên chùa hay trong nhà thờ là một cam kết đối với một đấng tối cao (có những tôn-giáo tuyệt-đối cấm ly-dị), làm lễ cưới ở nhà là xin tổ-tiên, ông bà, bố mẹ, gia-đình, bạn bè chứng giám sự cam-kết đó của cô dâu, chú rể.

Trong liên-hệ vợ-chồng, chắc hẳn Trách-nhiệm là yếu tố quan-trọng nhất, trách-nhiệm đối với một nửa kia, đối với con, với cháu, trong những vấn-đề vật chất cũng như tinh thần, trước luật pháp, trước gia-đình, thân quyến và xã-hội. Có những người chỉ vì sợ trách-nhiệm mà không muốn lập gia-đình, vì không muốn mất đi phần tự-do của mình.
   Vợ là cái rợ buộc chân,
   Chồng là cái gông vào cổ.
Vợ chồng, gia-đình là ràng buộc nhưng chúng ta vẫn cần những ràng buộc nhiệm màu này.

Một liên-hệ muôn mặt và phức-tạp
    Toán vợ-chồng
Vợ/chồng mình là một nửa của mình, cho nên ta có thể có những bài toán lạ như sau :
1 + 1 = 1 cặp (như một đôi đũa, một đôi giầy không thể đi lẻ loi). Một mà Hai và Hai như Một là như vậy.
1 + 1 = 3 (vợ + chồng + cặp vợ chồng). Đừng quên rằng cặp vợ-chồng như một thành-phần thứ 3, ảnh-hưởng nặng đến mỗi người. Có nghĩa là người vợ (chồng) phải lo cho mình (như một người đàn bà / đàn ông), phải lo cho người kia (một nửa kia) và phải lo cho cặp vợ-chồng (như vợ và chồng).
Ta hãy dùng chút Tân toán học và lý-thuyết tập hợp (théorie des ensembles) thì dễ hiểu lắm.
Và dĩ nhiên, đến lúc có con thì hệ-thống gia-đình lại phức tạp thêm nữa.

    Em / Anh là tất cả
Viết Em / Anh cho nó đề huề chứ ai cũng biết là chỉ có Em mới là tất cả thôi nhé. Tôi nghe nói đàn bà họ muốn người chồng phải là chồng, phải là bạn để chia sẻ tâm tư, một người anh, một người bố và một người … hầu nữa, không biết có đúng không ?
Đối với người chồng, vợ bao giờ cũng là vợ, là người yêu nhưng cũng là Chị Hai, là Mẹ (đôi khi còn là Bà nội nữa) và đương nhiên là Hoàng-hậu.
(Xin mời đọc thêm: Vợ tôi    http://phu-tran.blogspot.com/2012/02/vo-toi.html )

Nói đùa tí cho vui nhưng tình cảm vợ chồng dành cho nhau thật là muôn mặt : dĩ nhiên là phải có yêu, có thương, nhưng cũng có thích, có quí, có mến, có cả kính phục nữa. Càng sống chung với nhau, tình yêu càng chuyển sang tình nghĩa. Gọi là bạn đời không phải vô lý đâu.
Thời xưa, cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó, lấy chồng, lấy vợ mà chưa hề gặp mặt nhau nhưng rồi cũng sống chung với nhau rất là hạnh phúc cũng vì chữ « nghĩa » đó.
Cũng có lẽ vì ly dị không phải là một lựa chọn nên đôi bên phải cố gắng nhẫn nhịn lẫn nhau rồi dần dần cũng qua khỏi mọi khó khăn ? Hay vì nghèo, hai vợ chồng phải sát cánh nhau mà sống, bao nhiêu nghị lực đều phải dồn vào việc mưu sinh thì thời giờ đâu mà nghĩ đến chuyện chia tay ? Có lẽ vì ngày nay bỏ nhau dễ quá nên không cần phải cố gắng ? Như vậy có nên sống « theo thời » không ? Về già, đâm ra suy nghĩ lẩm cẩm quá !

Sống chung hoà bình
Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn. (Tục-ngữ Việt-nam)
Sống chung không phải là dễ. Hai người ở chung một nhà hay một phòng thuê đã là khó, huống chi vợ chồng phải sống với nhau cả đời?
Phàm ở đới, không ai giống ai, mỗi người một ý mà bản tính con người là nghĩ đến mình trước (đôi khi “chỉ” nghĩ đến mình) thì bất đồng ý kiến dễ làm mất hoà khí lắm. Hàng xóm cãi nhau vì chung đụng vườn cửa, đồng-nghiệp tranh nhau chức vụ, hai nước đánh nhau vì tranh giành một mẩu đất, chiến tranh đôi khi còn xuất khởi từ tôn-giáo, … 
Sống chung hoà bình thật không phải là dễ. Như vậy bí quyết của những cặp vợ chồng hạnh phúc là gì?

    Nhẫn nhịn
Trước hết, trong lễ cưới, cô dâu và chú rể trao đổi nhẫn với nhau, ý nghĩa là một sự ràng buộc tối thượng. Vòng tròn biểu tưởng cho sự vĩnh cửu và trao nhẫn là hứa hẹn một mối tình vĩnh viễn. Nhưng trong ngôn-ngữ ta, chữ “nhẫn” còn nhắc nhở chúng ta phải nhẫn nại, nhẫn nhịn lẫn nhau mới chung sống được.
Nhưng người thân nhường nhịn lẫn nhau phải là vui lòng chấp thuận chứ không thể như Ngô Tiễn nhịn nhục để chờ ngày phục thù. Muốn như vậy, mình phải chấp nhận người kia như một người đáng để mình nhịn, và mình cũng phải chấp nhận tự thay đổi mình một chút. Nếu đôi bên đều nhường nhịn nhau như vậy thì không ai thiệt thòi cả và cả hai đều có lợi.
Nói chung, một cuộc thương lượng chỉ có thể thành công nếu hai bên đều đồng ý nhượng lại cho “phe kia” một phần để được hưởng một phần khác. Cái gì cũng phải có qua, có lại mới toại lòng nhau.

    Tin yêu
Làm sao có thể sống chung với một người nếu mình không tin tưởng được người đó?
Hãy tin chắc là vợ (chồng) mình không phải là người xấu và không có ác ý gì với mình. Hãy tin chắc là vợ (chồng) mình là một người tốt và yêu mình. Vợ chồng đôi khi cãi vả những chuyện đâu đâu chỉ vì hiểu lầm nhau (ông nói gà, bà nghe vịt) mà hiểu lầm phần lớn là do ngờ vực, thiếu tin tưởng. Cứ nhớ lại sự-tích “Hòn vọng phu” mà suy gẫm.
Có tin tưởng mới có thể có một liên-hệ chân-tình được.

    Hiểu thương và cảm thông
Hiểu là nền tảng của tình thương. Mình chỉ có thể thương nếu mình hiểu người kia, hiểu và chấp nhận tính tình người kia, hiểu và thương xót nỗi khổ-tâm của người kia (đạo Phật gọi là Từ Bi).
Đang lúc hăng tiết cãi nhau với vợ (chồng), nếu ta quên mình được 5 giây để nhìn thấy nỗi khổ tâm hiện trên nét mặt của vợ (chồng), và nếu ta thật sự yêu vợ (chồng) thì bao nhiêu cơn tức sẽ tiêu tan và ta sẽ chỉ muốn ôm vợ (chồng) vào lòng và an ủi, dỗ dành nàng (chàng). Lúc đó, ai phải, ai trái không còn là vấn đề chính nữa. Người mình yêu mà đau khổ thì mình xót thương, có vậy thôi.

Có điều thật giản dị là ai giống mình thì mình cũng dễ hiểu hơn (“Qui se ressemble s’assemble” : Giống nhau thì đi với nhau). Cho nên những người đồng hương, đồng cảnh, cùng tuổi, cùng văn hoá, cùng giai-cấp… vẫn dễ hiểu nhau hơn. Tôi để ý người người nhà giàu thường lấy người nhà giàu, người nghèo thường lấy người nghèo vì cách sống, cách cư xử, cách suy nghĩ, … giống nhau hơn. Nhưng dĩ nhiên đây chỉ là một nhận xét chung thôi nhé.

    Tự ái
Tự ái là yêu chính mình. Như vậy thì chỗ đâu trong tim mình để yêu người khác?
Nếu tôi là nhất, nếu tôi bao giờ cũng đúng thì làm sao tôi có thể tin ai, hiểu ai, xót thương ai, nhường nhịn ai? Làm sao tôi có thể tự nhận là mình quấy? Làm sao “tự hạ mình” để xin lỗi, để làm lành?
Riêng đối với tôi, nhận lỗi chứng tỏ là mình sáng suốt và biết suy nghĩ, xin lỗi chứng tỏ là mình ngay thẳng và can đảm. Tôi không ngại xin lỗi người cấp dưới, tôi đã từng xin lỗi con và dĩ nhiên là tôi biết xin lỗi vợ (vì vợ bao giờ cũng đúng).
Có thể nói phần lớn những cuộc đổ vỡ không cứu vớt được là vì tự ái, liều thuốc độc cho tình yêu. Biết vậy nhưng sao khó tránh quá!
(Xin mời đọc thêm: Tư ái  http://phu-tran.blogspot.com/2013/07/tu-ai.html )

    Cơm và phở
Bản tính con người, nhất là đấng mày râu, đôi khi cứ đứng núi này, trông núi nọ và trâu già thường thích gặm cỏ non (răng long hết rồi, cạp bánh mì sao nổi?) cho nên cơm với phở là một đề tài bất tận cho những chuyện tiếu lâm. Dĩ nhiên là phở thơm ngon hơn là cơm (nhất là cơm nguội) nhưng cơm vẫn chắc bụng hơn, vả lại cơm có thể nấu phở chứ phở ít khi nào biết nấu cơm, có phải không ạ?
Biết thế thì phở chỉ để nhìn, để ngắm thôi chứ chớ có đụng vào, mấy ông nhé?

    Tu tâm
Ở trên đời này, không có gì là hoàn toàn, không có ai là hoàn hảo nhưng mình có thể cải-thiện để trở thành tốt hơn. Và nếu mình thật sự muốn, chỉ có cách là chịu khó tập, nhưng rèn luyện thân thể đã khó rồi mà rèn luyện để sửa đổi tâm tính mình lại còn khó gấp bội.
Tu tập là tự quán chiếu, tự soi gương cố gắng tìm hiểu mình quấyở điểm nào? như thế nào ? tại sao? và dĩ nhiên là phải sửa đổi như thế nào? Cố gắng để ý đến những lời chỉ-trích nhiều hơn là những lời khen, noi gương và học ở nơi người khác. Và nhất là tập trung vào những nhược điểm của mình, đừng cố gắng tự bào chữa hay đổ thừa cho người kia.

Người ta thường nói càng về già càng khó thay đổi, nhưng ngược lại, về già có thời giờ, ít còn phải bận tâm chuyện này, việc nọ, khát vọng cũng đã cạn, có tranh chấp thì chỉ còn có vợ (chồng) mình để găng thôi thì găng làm gì nữa?
Nói thì dễ nhưng làm thì khó trần ai. Và đã gọi là “tu” thì là công trình cả đời chứ chẳng phải vài tháng, vài năm gì. Eo ơi!

Tình già
Vào đến mùa đông cuộc đời rồi, còn có bao lâu mà hững hờ? Còn bao nhiêu ngày để sống nữa? Chạy theo gì bây giờ? Ganh đua với ai nữa? Trong nhà, đi ra, đi vào, chỉ còn có hai ông bà già với nhau mà cũng không xong thì còn gì để nói nữa?
Bây giờ, hai chữ “bạn đời” mới lại càng mang nặng ý nghĩa hơn nữa. Vả lại, có muốn làm lại cuộc đời thì cũng đã muộn rồi, có phải không ạ?
Càng về già, càng phải bám lấy nhau mà sống cho nên khi cái nửa mình ra đi mới thật là hụt hẫng. Như Jacques Brel đã có viết: “ Kẻ ở lại phải xuống địa ngục” (Celui qui reste va en enfer). Cho nên, về già phải giữ gìn sức khoẻ và nếu yêu vợ (chồng) mình thì càng phải lo cho chính mình, vì mình có bề gì thì chỉ khổ lây người kia mà thôi.

Thôi thì cùng nhau đi nốt con đường còn lại cho yên phận tù đầy.
Hãy dựa lên nhau mà sống, đè lên nhau mà sướng, 
Hưởng được gì thì cố mà hưởng đi nhé, chiều hôm tối rồi.



Yên Hà, tháng 8, 2015

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.