ARTSHARE

Aug 26, 2015

Đi tìm Tự-Do (Phần 3) - Thuỵ Uyên



…( Tiếp theo phần 2 )


Anh Bạch xoa đầu tôi :
- Tốt lắm, anh hưởng ứng. Anh nghe Bố Mẹ nói ở nhà em học nhạc khỏi chê, có đúng không nào ? Cuối tuần, anh sẽ xem các trường nhạc cho em. Còn Vy, em muốn học thêm về nhạc không ?
- Em chưa rõ em muốn gì. Để xem sao đã. Chị Vy ậm ừ.

Anh Bạch nhấn mạnh :
- Một vài chuyện quan trọng hai em cần phải làm ngay. Trước hết, hai em phải đi học thêm tiếng Anh. Ở đây gần biên giới Mễ Tây Cơ nên có rất nhiều trường học dạy tiếng Anh và tiếng Mễ vào buổi tối. Anh sẽ đi hỏi cho hai em. Thứ nhì, hai em có bằng lái chưa ? Nếu chưa thì học lái và lấy bằng. Sống bên này mà không biết lái xe, không có bằng lái là cả một vấn đề. Rảnh rỗi, anh sẽ tập cho hai em lái.
- Eo ơi, phải lái xe hở ? Em thấy xe hơi bên này to quá, làm sao em lái ? Tôi rụt cổ, le lưỡi.
- Dần dần sẽ quen đi em. Anh Bạch cười.

Tôi cười trừ, nhăn nhăn mũi, liếc sang chị Vy. Cả buổi tối bàn chuyện, thấy chị dường như đang để tâm tư đến chuyện khác.
 Anh Bạch xoa tay :
- Nào, thôi, sửa soạn đi ngủ. Ngày mai dậy sớm, anh chở hai chị em ra phố Tàu ở San Diego, xong mình đi picnic. Anh đã có hẹn với một anh bạn nữa của anh. Nhân thể, anh dắt cho đi xem phong cảnh và biển San Diego, đẹp lắm.
- Có xa không ? mình đi xe hay đi bộ? Tôi nhướng mắt hỏi anh.
- Đi xe chứ. San Diego cách đây nửa tiếng em.
Tôi kể anh nghe câu chuyện DON’T WALK ban trưa. Anh rũ ra cười, trêu hai chị em tôi, khiến chị Vy đang im lặng, cũng phải phì cười, góp chuyện :
- Anh cho tụi em một ít giấy bút. Tụi em muốn viết thơ về cho Bố Mẹ.
Anh lắc đầu:
- Tình hình lúc này căng thẳng lắm, anh nghĩ nhà giây thép không gửi thư từ về Việt Nam nữa đâu. Hai em cứ thong thả, rồi mình sẽ tính chuyện liên lạc với Bố Mẹ nhé ?

….Tôi trèo lên giường, hỏi chị :
- Lúc nãy, em thấy hình như chị có tâm sự ?
- Chị nghĩ đến chuyện hai chị em mình sang đây, quả là gánh nặng cho anh Bạch. Em có nhớ anh ấy nói gì chăng ? Sau tuần sau, anh ấy đi làm thêm ban đêm đó. Chị thương anh ấy quá, và buồn cho gia đình mình nghèo. Chị em mình trong túi chưa đến hai trăm đồng bạc, làm sao sống ?

Tôi ngậm ngùi, không biết nói gì hơn. Chị tiếp :
- Chị định ngày mai đưa hết tiền cho anh Bạch. Bố Mẹ cũng đã dặn mình như thế. Chị muốn kiếm việc làm đỡ cho anh ấy. Em nghĩ sao ?
- Chị định làm gì ? Có định kiếm việc chiêu đãi viên hàng không như trước không ?
- Việc gì cũng được, miễn sao có thêm tiền giúp cho anh Bạch, chị không ngại.
- Thôi, chắc em cũng không đi học nữa. Tôi buồn bã nói.
-  Nhà đã không có tiền thì chớ, đi học chắc tốn nhiều lắm. Em cũng sẽ kiếm việc. Nhưng chị ơi, em không biết làm gì đây nữa? Lúc còn ở Saigon, em chỉ đi ca hát, chưa hề làm nghề ngỗng gì nên trò cả. Em lại chả có bằng biếc gì hết, ngoài cái Tú Tài 2 Pháp. Không biết làm sao đây. Tôi lại ứa nước mắt. 
Chị an ủi tôi :
- Em còn trẻ, lại thích đi học, em cứ tiếp tục đi học nhé ? Chị lớn rồi, không đi học được nữa, nên kiếm việc là hơn. Nếu chị kiếm được việc, chị tin chắc chị và anh Bạch sẽ lo cho em được.
Tôi định nói thêm, chị đã gạt đi :
- Ngủ đi em, mai mốt mình bàn lại với anh Bạch nhé ?

Chị nhắm mắt lại. Tôi nằm xuống, bồn chồn, nghĩ đến chuyện đi học. Một lúc sau mệt mỏi, tôi thiếp đi.
Tôi mở mắt dậy, chung quanh vẫn sâm sẩm tối. Ghé mắt nhìn qua cánh cửa sổ, bên ngoài, trời đang rạng đông. Quay sang nhìn đồng hồ, đã hơn 5 giờ sang. Thấy chị còn yên giấc, tôi rón rén dậy, đi ra ngoài.
Không khí êm đềm buổi sớm mai khiến tâm hồn tôi nhẹ nhõm hẳn. Tì vào lan can, tôi ngắm nhìn những mái nhà nho nhỏ còn mải lười ngủ. Thỉnh thoảng, một vài chiếc xe vụt qua, quét đèn pha trên mặt đường như để đánh thức thành phố. Mặt trời mọc dần, đỏ ửng như đôi má thẹn thùng của người thiếu nữ dậy thì. Giọt sương đọng hờ hững trên cành lá, óng ánh, long lanh như những hạt kim cương trong vắt. Tôi thở ra khoan khoái. 
- Em ngủ không được hay sao mà dậy sớm thế ?
Tôi quay lại. Anh Bạch bước ra ngoài hiên, điếu thuốc lá cháy dở trên môi, tay kéo hai chiếc ghế con.
- Chula Vista này tuy nhỏ, nhưng dễ thương và yên lành lắm. Người dân vùng này chất phác, hiền lành, hầu như quen biết nhau hết cả. Ở đây gần Mễ Tây Cơ lắm, em biết không ? Biên giới cách nhà mình 5 phút thôi. Hôm nào có thì giờ, anh sẽ chở hai chị em sang Tijuana mua sắm. Bên ấy rẻ vô cùng.

Tôi ngập ngừng :
- Ở đây dễ kiếm việc không anh ?
- Sao em hỏi vậy, muốn đi làm hở ?
Tôi khẽ gật đầu.
- Tưởng em muốn đi học nhạc ?

Tôi định trả lời, tiếng chị Vy đã cắt ngang :
- Hai anh em nói chuyện gì thế ? Cà phê chưa ?
- Ừ, để anh đi pha. Anh Bạch quay lại.
- Em đã pha xong rồi. Thôi, vào ăn điểm tâm đi cho sớm, rồi còn đi picnic, không lại trễ mất.
Chúng tôi trở vào nhà, ngồi xuống bàn. Chị Vy hỏi :
- Hôm nay đi picnic, anh muốn mình mang gì đi ?
Tôi cướp lời anh Bạch :
- Mình mang cơm nắm đi. Em nhớ Mẹ thường hay nắm cơm mang theo ăn với thịt ram mặn, mỗi lần mình đi chơi đâu xa. Vừa ngon lại vừa chắc bụng.
Anh Bạch cười :
- Cô em Việt Nam của tôi ơi, bên này đi picnic đâu ăn mấy thứ này ? Vả lại, anh Trung có nói sẽ mua Kentucky Fried rồi. Thôi, mấy em đừng bày vẽ chi cho mệt.
- Anh Trung là ai ? Kentucky Fried là gì ? Có ngon không ?
- Anh Trung là bạn duy nhất của anh ở đây, thật thà dễ thương lắm. Còn Kentucky Fried là đọc tắt chữ Kentucky Fried Chicken, là thịt gà tẩm bột rán, thường hay ăn với khoai tây bằm nhũn, hoặc bắp luôc bơ.
Tôi hích hích mũi nhìn chị Vy :
- Chưa ăn, em đã thấy ngấy rồi.
Chị kéo tay tôi :
- Ừ, thôi cứ thử cho biết. Anh em mình mang nước vậy nhé ?
Tôi nhanh nhẩu :
- Em pha nươc chanh cho.

Con đường xa lộ từ Chula Vista đến San Diego tuyệt đẹp. Bên phải tôi trùng trùng núi đồi xanh bát ngát, bên trái thoai thoải những bãi cát trắng mịn dọc bờ biển xanh rì. Thỉnh thoảng một vài biệt thự kiểu Mễ Tây Cơ nhô ra trên ghềnh đá, vươn mình kiêu hãnh như thử thách những cơn sóng vỗ chập chùng phía dưới. Tôi thò đầu ra cửa kính xe, hít mạnh không khí Thái Bình Dương vào lồng ngực. Mùi nước biển mặn làm tôi nghĩ đến Vũng Tàu, bãi Trước, bãi Sau, bãi Ô Quắn, bãi Dứa, mùi mắm ruốc Bà Giáo Thảo. Tôi còn nhớ, trước khi rời khỏi phạm vi ranh giới Vũng Tàu, họ có treo tấm bảng với hai câu sau :
  Ra đi đón gió trùng dương
  Đường về lòng những vấn vương Vũng Tàu.

Tôi đang vấn vương Vũng Tàu thật. Những chiếc xe ngựa kéo lọc lọc chở hành khách từ bãi này sang bãi nọ, những buổi tối sáng trăng la cà thả bộ ra bãi Trước ăn hàng, những quán ăn dọc bờ biển ở bãi Sau. Nào cua rang muối, canh chua, nào tôm càng nướng, ốc gạo hàng thúng. Tôi nuốt nước miếng, suýt xoa hỏi anh Bạch :
- Hôm nào mình ra biển tắm và ăn đồ biển đi, anh nhé ? Không biết họ có bán những thứ như ở nhà không?
- Anh đi lâu rồi nên không nhớ rõ món đồ biển ở nhà có những gì, nhưng trước hết, biển ở đây không ấm bằng ngoài Cắp đâu. Thứ nhì, thức ăn đắt vô cùng, và cũng chỉ mấy món thường thôi, không gì đặc biệt.
Ngừng một lúc, anh tiếp :
- Nếu em muốn, hôm nào mình lên Los Angeles. Anh nghe nói gần đó, ở bãi biển Redondo Beach, các nhà hàng có làm cua rất ngon, khá rẻ, và họ làm tươi nữa. Em vào đó, chọn cua sống trong bồn, chỉ con nào, họ bốc lên luộc tại chỗ cho em.
Chị Vy hít hà :
- Nghe hấp dẫn quá nhỉ ? Thế thì phải lên ăn một chuyến rồi.
- À, đây rồi, anh Bạch dừng xe. Chúng ta ghé tiệm chạp phô VIệt Nam, mua ít thức ăn nhé, rồi đi gặp anh Trung.

Bước vào tiệm, miệng anh Bạch đã bi bô :
- Bà Phó đâu rồi ? Bà ơi, cháu đến mở hàng đây. Cam đoan hôm nay, Bà sẽ bán đắt như tôm tươi.
Bà Phó bước ra từ đằng sau tiệm :
- À, cậu Bạch, cậu đi đâu sớm thế này ?

Bà mặc chiếc áo bà ba vải thô nâu, tóc muối tiêu quấn khăn, khuôn mặt tròn thật phúc hậu. Bà cười, để lộ hàm răng đen, vóc dáng người mẹ quê nhà tôi vẫn thường thấy qua những hình ảnh nông thôn miền Bắc.
Anh Bạch giới thiệu hai chị em tôi :
- Cháu dẫn hai cô em cháu mới từ VIệt Nam sang chào Bà đây. Hôm nay, Bà có gì đặc biệt không nào ?
- Tôi đang làm giò lụa và chả quế đây. Cậu lấy mỗi thứ vài khoanh nhé ? Hãy còn nóng lắm.
Không đợi chúng tôi trả lời, Bà Phó quay quả ra sau tiệm. Một lúc sau, Bà mang ra một khay giò chả hãy còn bốc khói, thơm thơm là. Chị Vy nói ngay :
- Thế thì Bà cho chúng cháu giò lụa 3 khoanh, còn chả quế 2 miếng nhé ? Bà có bán bánh mì ổ không nhỉ ?
- Có đây cô ạ. Họ vừa mới thẩy đến đây.

Chị Vy quay sang anh Bạch :
- Hôm nay anh Trung mang thịt gà, mình góp thêm vào bánh mì kẹp giò nhé ? Hai anh có lẽ đã lâu không nếm giò chả rồi. Em nhờ Bà Phó cắt sẵn giò cho mình.

Anh Bạch đứng tán gẫu với Bà Phó, trong khi chị em tôi mua những thức ăn cần dùng trong nhà. Tôi hỏi Bà kiếm bó nhang, định bụng tối về sẽ thắp nhang cúng Phật cầu phước cho gia đình tôi. Khi chúng tôi từ giã Bà Phó lên đường, Bà dúi vào tay tôi vài bịch bánh bông lang, bảo :
- Biếu cô đấy. Anh của cô thích thứ này lắm. Lần sau trở lại nhé ?

Khi chúng tôi đến bãi picnic, đã thấy anh Trung ngồi đấy chờ dưới bóng mát một thân cây to lớn. Trông thấy chúng tôi, anh đứng dậy.
- Hân hạnh. Anh Bạch thường hay nhắc đến hai em. Thế sang đây mấy hôm đã đi chơi đâu chưa ? Anh bắt tay hai chị em tôi. Thôi, ăn đi là vừa, thịt gà nguội hết rồi.

Chúng tôi ngồi xuống tấm chiếu vải, vừa ăn vừa trò chuyện. Anh Trung vui tính, nói cười luôn miệng, kể hết chuyện này đến chuyện khác cho chị em tôi nghe. Trông thấy bánh mì kẹp giò, anh reo lên :
- Ồ, đã lâu, anh quên đi món ăn Việt này rồi. Ngon quá nhỉ ?

Tôi sực nhớ ra vừa mua của Bà Phó vài chai xì dầu, vội chay ra xe lấy mang vào một chai, tưới lên bánh mì.
- Anh Bạch còn nhớ xe bánh mì Bé Bự xeo xéo bên kia rạp xi-nê Moderne ở chợ Tân Định không ? Khỏi chê. Tối đi xem xi-nê ra, gặm một ổ bánh mì xíu mại, tuyệt cú mèo !

Anh lắc đầu, quay sang anh Trung :
- Trong hai tuần nữa, tao đi bán sách thêm ban đêm. Cuối tuần chắc tao cũng làm luôn, mày rảnh, nhờ mày đến trông chừng hai đứa em tao, xem tụi nó cần gì, chỉ dẫn cho tụi nó biết.
Ngừng một lúc, anh tiếp :
- Tuần tới thì tao có xin phép về sớm mỗi ngày, mày cứ đến ăn cơm tối với tụi tao nhé ?

Anh Trung nháy mắt nhìn chúng tôi :
- Dĩ nhiên tao sẽ đến. Nhưng mày nấu cơm, tao không đến đâu. Ăn spaghetti mãi của mày chán lắm rồi.

Chị Vy trề môi :
- Nói trước nhe ? Tụi em không biết nấu mấy món Mỹ đâu đấy.
- Càng tốt. Gần 10 năm này du học và sinh sống một mình bên này, anh thật thèm được ăn cơm gia đinh VIệt Nam quá.

Anh Bạch vỗ tay :
- Tốt, tốt. Mày đến, cho mày ăn bí tết chấm nước mắm ớt. Tuyệt diệu mày ơi !
- Ai lại ăn bí tết chấm nước mắm bao giờ ? Rưới A-1 steak sauce lên chứ ?
- Anh Trung ơi, tụi em không biết Ây oăn Ây tu là gì, nhưng cho anh nếm thử mùi bí tết Việt Nam ướp tỏi cơ.
- OK, OK, Mỹ VIệt gì cũng ngon sất. Nhưng mà anh nói trước nhé ? Không ngon anh ăn vạ cho xem.
Mọi người cười ồ lên. Chúng tôi nằm dài tên bãi, nhắm nhìn mặt trời đỏ đang chìm dần xuống lòng biển man dại.

Những chuỗi ngày êm ả trôi qua tại Chula Vista. Hằng ngày, chị em tôi đi thả bộ ra phố, vừa đi chợ, vừa tập cho quen đường lối chung quanh. Anh Bạch dặn dò chúng tôi phải thuộc đường đến bót cảnh sát, tòa thị trưởng, và nhà giây thép. Mỗi tối đến, anh Trung ghé dùng cơm và chở chị em tôi đi xem Chula Vista về đêm. Anh hỏi thăm dò trường dạy Anh Văn và ghi tên cho chúng tôi, trò chuyện, chăm sóc lo lắng như người anh trong nhà, trong khi anh Bạch đầu tắt mặt tối, ngày đi làm, đêm bán sách khuya mới về, Cuối tuần, bốn anh em chúng tôi lại rủ nhau đi picnic, đi biển, đi cắm trại, v.v….
Tuần sau đến, chúng tôi bắt đầu đi học khóa Anh Văn cấp tốc tại trường học từ thiện công cộng, miễn phí dành riêng cho gia đình nghèo và người lớn. Lớp học gồm các học sinh đủ chủng tộc, Lào, Miên, Trung Hoa, phần đông là Mễ Tây Cơ. Ông giáo già người Mỹ tận tâm chỉ bảo, khuyến khích chúng tôi nói chuyện nhiều bằng tiếng Mỹ, và trao đổi văn hóa nước nhà với các bạn trong lớp. Vốn đã có căn bản tiếng Anh tại trường Pháp, hai chị em tôi tiến bộ rất nhanh.

Ngoài công việc bận rộn, anh Bạch và anh Trung thay phiên nhau, chịu khó tập cho hai chị em tôi lái xe. Cứ mỗi đêm, chúng tôi ra bãi đậu xe trống trong sân vận động, cách nhà khoảng 10 phút. Tôi tập mãi mới lái thẳng được chiếc xe, tôi vui lắm.
- Khoan hẵng vội mừng, anh Bạch nghiêm nghị.
- Đây mới chỉ là bước đầu, và anh chọn bãi đậu xe vắng vẻ này cho em dễ tập. Đợi khi em vững rồi, anh dẫn em ra xa lộ.
Tôi lè lưỡi, bụng mường tượng đến cảnh xe cộ chạy ào ào ngoài xa lộ mà phát run.

Thấm thoát đã hơn một tháng trôi nhanh…


(…Xin xem tiếp phần 4 )


Thuỵ Uyên

Aug 25, 2015

Tiếng nước tôi: Đoạn kết



Tháng Giêng 2013, tôi mở đầu loạt bài viết này với ước-nguyện nhỏ nhoi là học hỏi lại tiếng nước mình và nhân tiện chia sẻ với những đồng hương của mình.  Hôm nay, sau 20 bài viết, dù đề-tài và nội-dung không thể đầy đủ và chi-tiết, chuyến đi đã đến lúc phải chấm dứt.
Nhìn lại quãng đường đi, tôi không khỏi bùi-ngùi vì cảm thấy tiếng nước tôi thanh đẹp và đáng yêu quá.

Tiếng nước tôi đã có từ ngàn đời
Tiếng nói người Việt-Nam ta thì chắc hẳn đã có từ thuở lập quốc đời Hồng Bàng rồi nhưng chữ viết ta đã phải trải qua bao nhiêu biến-chuyển theo giòng lịch-sử. 
Từ nguyên-thuỷ, chúng ta đã có chữ Việt cổ (theo như những khảo cứu và khám phá mới nhất) cho đến khi chúng ta bị Hán thuộc đã phải dùng chữ Nho (như trường-hợp Đại-Hàn). Sau bao nhiêu thế-kỷ, ông cha ta từ từ thoát ly khỏi ảnh-hưởng Trung-Hoa và chữ Nôm và sau cùng tiếng quốc-ngữ dần dần trở thành chữ viết chính-thức của người Việt.
Bao nhiêu thay đổi suốt bốn ngàn năm văn hoá và ảnh hưởng chữ Hán vẫn còn sâu đậm và từ-ngữ gốc Pháp không phải ít trong từ-vựng Việt-Nam.

    Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
    Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
                                                            (Phạm Duy)

Tiếng nước tôi giàu nhạc tính và thi tính
Tiếng Việt ta đơn âm mà đa thanh (6 thanh) nên mỗi chữ là một nốt nhạc và mỗi câu nói là một câu hát. Đã có nhiều người ngoại-quốc nhận xét rằng người Việt nói như hát, bay bổng như một bài nhạc.
Cũng vì vậy, luật bằng-trắc giúp rất nhiều trong việc đối âm trong thơ Việt-Nam nên làm thơ (dù là thơ "con cóc") rất tự-nhiên nơi chúng ta.
Và, một đặc-trưng có một không hai của Việt-Nam ta là ngâm thơ, một hình-thức nghệ-thuật phối-hợp thơ và nhạc một cách rất tự-nhiên.

Tiếng nước tôi không khó
Trước hết, phải nhớ ơn những nhà truyền giáo Tây-phương đã ra công áp dụng mẫu tự La-tinh vào chữ quốc-ngữ, nhớ ơn ông Nguyễn Văn Vĩnh, phong-trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Hội Truyền Bá Quốc-Ngữ và tất cả những vị đã góp công vào việc phổ biến chữ quốc-ngữ để ngày nay, chúng ta không phải “nhức đầu” với chữ Nho.

Chữ Nho là loại chữ “ghi ý”, loại chữ viết mà mỗi một chữ biểu thị nội dung ý nghĩa của một từ, biểu thị bằng một ký hiệu duy nhất không có liên quan gì đến những âm thanh cấu tạo nên từ.
Chữ viết “ghi âm” không quan tâm đến mặt nội dung, ý nghĩa của từ mà chỉ ghi lại chuỗi âm thanh của từ đó. Viết sao đọc vậy, đọc sao viết vậy là một ưu thế của mẫu tự La-Tinh.
Và dù sao đi nữa, mẫu-tự La-Tinh cũng dễ viết và phổ-biến hơn nhiều.

Mặt khác, học tiếng Việt tương đối dễ vì văn-phạm không rắc rối, cầu kỳ như tiếng Pháp hay tiếng Đức. Một thí-dụ: để chia ngôi, biến ngôi trên tỷ-lệ thời-gian, văn-phạm Pháp dùng đến 22 cách khác nhau (temps / modes) trong khi Việt-Nam mình chỉ dùng "sẽ" để chỉ tương-lai, "đã" để chỉ quá khứ và "_" để chỉ hiện-tại.
Mỗi chữ là một, không có giống đực-giống cái cho danh-từ chung, không biến đổi hình thái với số nhiều, số ít, …
Có lẽ vì tiếng Việt ta ”dễ” nên văn học dân-gian mới phong phú vậy.

nhưng không phải dễ
Ngược lại, tiếng Việt có những khó khăn của nó.
Tiếng Việt khó đọc, khó phát âm vì phải phân biệt rõ sáu thanh điệu, đọc sai dấu là khác nghĩa ngay, nhiều chuyện cười chỉ dựa trên việc viết tiếng Việt không dấu.
Tiếng Việt cũng có những cụm phụ âm rất khó đọc như “kh”, “nh”, nhất là khi phối hợp với những cụm nguyên âm như “uyu”, “ưu”, “ươu”, … Cứ thử đọc “rượu”, “khúc khuỷu”, “ngoằn ngoèo”, … thì biết tay nhau ngay. Đó là không đề-cập đến giọng địa-phương vì vấn-đề này có trong rất nhiều ngôn-ngữ.

Dùng loại-từ cho đúng lại là nỗi khổ khác: khi nào ta dùng con, khi nào ta dùng cái? tại sao cũng đều chỉ bộ phận cơ thể người mà khi thì dùng cái (cái răng, cái miệng...), khi dùng bộ (bộ mặt, bộ lòng, bộ ngực...), khi dùng sợi (sợi tóc, sợi râu...), khi dùng lá (lá gan, lá phổi...)? tại sao có thể nói cái răng, cái mặt, cái mũi, cái miệng, cái chân, cái tay, cái đầu... mà không thể nói cái tim và phải nói quả tim, trái tim, con tim...?

Khi hai người nói chuyện với nhau, tuỳ theo đối tượng, cách xưng-hô lại khác hoàn toàn: mày-tao (bạn bè thân), tôi (đối với người lạ), anh-chị-em (trong gia-đình hay  tuỳ theo tuổi tác), ông-bà/chú-bác/cụ (nói lịch-sự hay đối với người có tuổi), ngài (đối với một viên-chức cao cấp, nhưng thật ra ở Việt-Nam bây giờ, một anh cán-bộ thường cũng phải gọi “ngài”?), …
Viết tiếng Việt cũng không phải dễ: nhiều phụ-âm (viết) khác nhau nhưng đọc na ná nhau, nhất là tuỳ địa-phương Nam-Trung-Bắc) như “c, k, qu” cùng đọc âm-vị “k”, “d, gi, r” cùng đọc “z” (người Bắc), …

Viết cho đúng chính tả thì ô hô ai tai, khó vô cùng. 
Xin mời đọc lại:
Tiếng nước tôi: Chính tả (1) / Dấu hỏi-Dấu ngã

Tiếng nước tôi: Chính tả (2) / Những lỗi chính tả khác

Tiếng nước tôi bình dân nhưng sâu sắc
Tiếng Việt chúng ta dễ học nhưng lại khá tế-nhị và phức-tạp trong cách dùng nên rất thích-hợp với nghệ-thuật chơi chữ và đối đáp. Xin mời đọc lại:




Một nhà ngôn ngữ học đã nói: Nếu ngữ pháp châu Âu là ngữ pháp hình thức thì ngữ pháp tiếng Việt là ngữ pháp tình cảm.” Thêm một lý-do để văn-học dân-gian Việt-Nam dồi-dào và giá trị như vậy.
Người Việt ta hay dùng thành-ngữ

thích dùng tục-ngữ

và đặc biệt là ca dao

và dân ca

Cả một gia-tài quí giá của dân-tộc.

Tôi yêu tiếng nước tôi
Vì tất cả những lý do đó, vì tôi là người Việt-Nam, vì tôi là một kẻ tha hương.

    Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
    Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…
                                                             (Phạm Duy)


Câu nói của Phạm Quỳnh

    Truyện Kiều còn, tiếng ta còn,
    Tiếng ta còn, nước ta còn.

thật ý nghĩa làm sao, thiết tha làm sao.






Tôi yêu tiếng nước tôi. Vô cùng.

Yên Hà, tháng 8, 2015


Tài liệu nguồn:
Một số đặc-trưng ngôn-ngữ Việt ảnh-hưởng đến việc nhận-thức tiếng Việt của sinh-viên nước ngoài (TS. Trương Thị Diễm)

Một nửa tôi


 - Mình ơi, em yêu mình.
Những ông chồng mà được nghe vợ thủ thỉ bên tai một câu như thế này thì làm sao có thể bỏ cơm mà đi ăn phở được?
Người Tây phương thường gọi vợ (chồng) là “một nửa tôi” (Ma moitié / my other half hay my better half để pha thêm chút khôi hài) nhưng đàn bà Việt-Nam ta còn đi xa hơn nữa khi gọi chồng là “Mình”, ngụ ý mình đã trở thành người kia và người kia đã trở thành mình.
Tuy 2 mà 1, tuy 1 mà 2 là ý nghĩa của liên-hệ vợ chồng.

Mọi sinh vật ra đời « chỉ » để sinh sản hầu nối tiếp cuộc sống và loài người không thoát khỏi luật thiên nhiên đó nhưng tại sao liên-hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà lại phức-tạp và diệu kỳ như vậy ?

Một liên-hệ không ruột thịt
Kể cũng lạ, hai người không cùng máu mủ hợp lại mà tạo ra một « cộng đồng » ruột thịt.
Trong một gia-đình, liên-hệ cha/mẹ - con cái là nặng, liên-hệ anh-chị-em là nặng nhưng rồi, mỗi người lớn lên rồi sẽ ra đi để lập gia-đình riêng của mình, rồi con cái cũng lại sẽ ra đi,… Chỉ có hai vợ chồng là sống với nhau trọn đời (trên nguyên-tắc) và
 liên-hệ vợ-chồng nhiều khi còn mạnh hơn liên-hệ anh-chị-em.

Nhưng ngược lại, vợ chồng có thể bỏ nhau chứ bố mẹ không bao giờ từ con và anh chị em ít khi không nhìn mặt nhau nữa. Nhất là thời buổi này, ly dị nhau đã trở thành quá dễ, cứ xem thống kê trên thế giới là đủ hết hồn, hết vía. Thế mới biết:
Một giọt máu đào hơn ao nước lã,
Anh em cãi nhau cả ngày không mất, vợ chồng cãi nhau một lúc thành người dưng.

Một sự lựa chọn nặng trách nhiệm
Một người đàn ông và một người đàn bà gặp nhau, cảm nhau và trở thành bạn, yêu nhau rồi trở thành tình nhân rồi có thể sống chung và có con với nhau. Nhưng quyết định đi đến hôn nhân lại là chuyện khác.
Trên phương-diện pháp-luật, hai người làm giấy hôn-thú là đồng ký kết một thoả-ước, là chấp nhận những điều-lệ về quyền-lợi và trách-nhiệm của đôi bên, đối với lẫn nhau, đối với con cái, đối với luật-pháp. (Cho nên thủ-tục ly-dị là một trong những con gà đẻ trứng vàng của những văn-phòng luật-sư bên xứ Cờ-Hoa này : ai được giữ con, tiền của chia như sao, ai trợ cấp ai và bao nhiêu, …)
Trên phương-diện tinh-thần, làm đám cưới trên chùa hay trong nhà thờ là một cam kết đối với một đấng tối cao (có những tôn-giáo tuyệt-đối cấm ly-dị), làm lễ cưới ở nhà là xin tổ-tiên, ông bà, bố mẹ, gia-đình, bạn bè chứng giám sự cam-kết đó của cô dâu, chú rể.

Trong liên-hệ vợ-chồng, chắc hẳn Trách-nhiệm là yếu tố quan-trọng nhất, trách-nhiệm đối với một nửa kia, đối với con, với cháu, trong những vấn-đề vật chất cũng như tinh thần, trước luật pháp, trước gia-đình, thân quyến và xã-hội. Có những người chỉ vì sợ trách-nhiệm mà không muốn lập gia-đình, vì không muốn mất đi phần tự-do của mình.
   Vợ là cái rợ buộc chân,
   Chồng là cái gông vào cổ.
Vợ chồng, gia-đình là ràng buộc nhưng chúng ta vẫn cần những ràng buộc nhiệm màu này.

Một liên-hệ muôn mặt và phức-tạp
    Toán vợ-chồng
Vợ/chồng mình là một nửa của mình, cho nên ta có thể có những bài toán lạ như sau :
1 + 1 = 1 cặp (như một đôi đũa, một đôi giầy không thể đi lẻ loi). Một mà Hai và Hai như Một là như vậy.
1 + 1 = 3 (vợ + chồng + cặp vợ chồng). Đừng quên rằng cặp vợ-chồng như một thành-phần thứ 3, ảnh-hưởng nặng đến mỗi người. Có nghĩa là người vợ (chồng) phải lo cho mình (như một người đàn bà / đàn ông), phải lo cho người kia (một nửa kia) và phải lo cho cặp vợ-chồng (như vợ và chồng).
Ta hãy dùng chút Tân toán học và lý-thuyết tập hợp (théorie des ensembles) thì dễ hiểu lắm.
Và dĩ nhiên, đến lúc có con thì hệ-thống gia-đình lại phức tạp thêm nữa.

    Em / Anh là tất cả
Viết Em / Anh cho nó đề huề chứ ai cũng biết là chỉ có Em mới là tất cả thôi nhé. Tôi nghe nói đàn bà họ muốn người chồng phải là chồng, phải là bạn để chia sẻ tâm tư, một người anh, một người bố và một người … hầu nữa, không biết có đúng không ?
Đối với người chồng, vợ bao giờ cũng là vợ, là người yêu nhưng cũng là Chị Hai, là Mẹ (đôi khi còn là Bà nội nữa) và đương nhiên là Hoàng-hậu.
(Xin mời đọc thêm: Vợ tôi    http://phu-tran.blogspot.com/2012/02/vo-toi.html )

Nói đùa tí cho vui nhưng tình cảm vợ chồng dành cho nhau thật là muôn mặt : dĩ nhiên là phải có yêu, có thương, nhưng cũng có thích, có quí, có mến, có cả kính phục nữa. Càng sống chung với nhau, tình yêu càng chuyển sang tình nghĩa. Gọi là bạn đời không phải vô lý đâu.
Thời xưa, cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó, lấy chồng, lấy vợ mà chưa hề gặp mặt nhau nhưng rồi cũng sống chung với nhau rất là hạnh phúc cũng vì chữ « nghĩa » đó.
Cũng có lẽ vì ly dị không phải là một lựa chọn nên đôi bên phải cố gắng nhẫn nhịn lẫn nhau rồi dần dần cũng qua khỏi mọi khó khăn ? Hay vì nghèo, hai vợ chồng phải sát cánh nhau mà sống, bao nhiêu nghị lực đều phải dồn vào việc mưu sinh thì thời giờ đâu mà nghĩ đến chuyện chia tay ? Có lẽ vì ngày nay bỏ nhau dễ quá nên không cần phải cố gắng ? Như vậy có nên sống « theo thời » không ? Về già, đâm ra suy nghĩ lẩm cẩm quá !

Sống chung hoà bình
Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn. (Tục-ngữ Việt-nam)
Sống chung không phải là dễ. Hai người ở chung một nhà hay một phòng thuê đã là khó, huống chi vợ chồng phải sống với nhau cả đời?
Phàm ở đới, không ai giống ai, mỗi người một ý mà bản tính con người là nghĩ đến mình trước (đôi khi “chỉ” nghĩ đến mình) thì bất đồng ý kiến dễ làm mất hoà khí lắm. Hàng xóm cãi nhau vì chung đụng vườn cửa, đồng-nghiệp tranh nhau chức vụ, hai nước đánh nhau vì tranh giành một mẩu đất, chiến tranh đôi khi còn xuất khởi từ tôn-giáo, … 
Sống chung hoà bình thật không phải là dễ. Như vậy bí quyết của những cặp vợ chồng hạnh phúc là gì?

    Nhẫn nhịn
Trước hết, trong lễ cưới, cô dâu và chú rể trao đổi nhẫn với nhau, ý nghĩa là một sự ràng buộc tối thượng. Vòng tròn biểu tưởng cho sự vĩnh cửu và trao nhẫn là hứa hẹn một mối tình vĩnh viễn. Nhưng trong ngôn-ngữ ta, chữ “nhẫn” còn nhắc nhở chúng ta phải nhẫn nại, nhẫn nhịn lẫn nhau mới chung sống được.
Nhưng người thân nhường nhịn lẫn nhau phải là vui lòng chấp thuận chứ không thể như Ngô Tiễn nhịn nhục để chờ ngày phục thù. Muốn như vậy, mình phải chấp nhận người kia như một người đáng để mình nhịn, và mình cũng phải chấp nhận tự thay đổi mình một chút. Nếu đôi bên đều nhường nhịn nhau như vậy thì không ai thiệt thòi cả và cả hai đều có lợi.
Nói chung, một cuộc thương lượng chỉ có thể thành công nếu hai bên đều đồng ý nhượng lại cho “phe kia” một phần để được hưởng một phần khác. Cái gì cũng phải có qua, có lại mới toại lòng nhau.

    Tin yêu
Làm sao có thể sống chung với một người nếu mình không tin tưởng được người đó?
Hãy tin chắc là vợ (chồng) mình không phải là người xấu và không có ác ý gì với mình. Hãy tin chắc là vợ (chồng) mình là một người tốt và yêu mình. Vợ chồng đôi khi cãi vả những chuyện đâu đâu chỉ vì hiểu lầm nhau (ông nói gà, bà nghe vịt) mà hiểu lầm phần lớn là do ngờ vực, thiếu tin tưởng. Cứ nhớ lại sự-tích “Hòn vọng phu” mà suy gẫm.
Có tin tưởng mới có thể có một liên-hệ chân-tình được.

    Hiểu thương và cảm thông
Hiểu là nền tảng của tình thương. Mình chỉ có thể thương nếu mình hiểu người kia, hiểu và chấp nhận tính tình người kia, hiểu và thương xót nỗi khổ-tâm của người kia (đạo Phật gọi là Từ Bi).
Đang lúc hăng tiết cãi nhau với vợ (chồng), nếu ta quên mình được 5 giây để nhìn thấy nỗi khổ tâm hiện trên nét mặt của vợ (chồng), và nếu ta thật sự yêu vợ (chồng) thì bao nhiêu cơn tức sẽ tiêu tan và ta sẽ chỉ muốn ôm vợ (chồng) vào lòng và an ủi, dỗ dành nàng (chàng). Lúc đó, ai phải, ai trái không còn là vấn đề chính nữa. Người mình yêu mà đau khổ thì mình xót thương, có vậy thôi.

Có điều thật giản dị là ai giống mình thì mình cũng dễ hiểu hơn (“Qui se ressemble s’assemble” : Giống nhau thì đi với nhau). Cho nên những người đồng hương, đồng cảnh, cùng tuổi, cùng văn hoá, cùng giai-cấp… vẫn dễ hiểu nhau hơn. Tôi để ý người người nhà giàu thường lấy người nhà giàu, người nghèo thường lấy người nghèo vì cách sống, cách cư xử, cách suy nghĩ, … giống nhau hơn. Nhưng dĩ nhiên đây chỉ là một nhận xét chung thôi nhé.

    Tự ái
Tự ái là yêu chính mình. Như vậy thì chỗ đâu trong tim mình để yêu người khác?
Nếu tôi là nhất, nếu tôi bao giờ cũng đúng thì làm sao tôi có thể tin ai, hiểu ai, xót thương ai, nhường nhịn ai? Làm sao tôi có thể tự nhận là mình quấy? Làm sao “tự hạ mình” để xin lỗi, để làm lành?
Riêng đối với tôi, nhận lỗi chứng tỏ là mình sáng suốt và biết suy nghĩ, xin lỗi chứng tỏ là mình ngay thẳng và can đảm. Tôi không ngại xin lỗi người cấp dưới, tôi đã từng xin lỗi con và dĩ nhiên là tôi biết xin lỗi vợ (vì vợ bao giờ cũng đúng).
Có thể nói phần lớn những cuộc đổ vỡ không cứu vớt được là vì tự ái, liều thuốc độc cho tình yêu. Biết vậy nhưng sao khó tránh quá!
(Xin mời đọc thêm: Tư ái  http://phu-tran.blogspot.com/2013/07/tu-ai.html )

    Cơm và phở
Bản tính con người, nhất là đấng mày râu, đôi khi cứ đứng núi này, trông núi nọ và trâu già thường thích gặm cỏ non (răng long hết rồi, cạp bánh mì sao nổi?) cho nên cơm với phở là một đề tài bất tận cho những chuyện tiếu lâm. Dĩ nhiên là phở thơm ngon hơn là cơm (nhất là cơm nguội) nhưng cơm vẫn chắc bụng hơn, vả lại cơm có thể nấu phở chứ phở ít khi nào biết nấu cơm, có phải không ạ?
Biết thế thì phở chỉ để nhìn, để ngắm thôi chứ chớ có đụng vào, mấy ông nhé?

    Tu tâm
Ở trên đời này, không có gì là hoàn toàn, không có ai là hoàn hảo nhưng mình có thể cải-thiện để trở thành tốt hơn. Và nếu mình thật sự muốn, chỉ có cách là chịu khó tập, nhưng rèn luyện thân thể đã khó rồi mà rèn luyện để sửa đổi tâm tính mình lại còn khó gấp bội.
Tu tập là tự quán chiếu, tự soi gương cố gắng tìm hiểu mình quấyở điểm nào? như thế nào ? tại sao? và dĩ nhiên là phải sửa đổi như thế nào? Cố gắng để ý đến những lời chỉ-trích nhiều hơn là những lời khen, noi gương và học ở nơi người khác. Và nhất là tập trung vào những nhược điểm của mình, đừng cố gắng tự bào chữa hay đổ thừa cho người kia.

Người ta thường nói càng về già càng khó thay đổi, nhưng ngược lại, về già có thời giờ, ít còn phải bận tâm chuyện này, việc nọ, khát vọng cũng đã cạn, có tranh chấp thì chỉ còn có vợ (chồng) mình để găng thôi thì găng làm gì nữa?
Nói thì dễ nhưng làm thì khó trần ai. Và đã gọi là “tu” thì là công trình cả đời chứ chẳng phải vài tháng, vài năm gì. Eo ơi!

Tình già
Vào đến mùa đông cuộc đời rồi, còn có bao lâu mà hững hờ? Còn bao nhiêu ngày để sống nữa? Chạy theo gì bây giờ? Ganh đua với ai nữa? Trong nhà, đi ra, đi vào, chỉ còn có hai ông bà già với nhau mà cũng không xong thì còn gì để nói nữa?
Bây giờ, hai chữ “bạn đời” mới lại càng mang nặng ý nghĩa hơn nữa. Vả lại, có muốn làm lại cuộc đời thì cũng đã muộn rồi, có phải không ạ?
Càng về già, càng phải bám lấy nhau mà sống cho nên khi cái nửa mình ra đi mới thật là hụt hẫng. Như Jacques Brel đã có viết: “ Kẻ ở lại phải xuống địa ngục” (Celui qui reste va en enfer). Cho nên, về già phải giữ gìn sức khoẻ và nếu yêu vợ (chồng) mình thì càng phải lo cho chính mình, vì mình có bề gì thì chỉ khổ lây người kia mà thôi.

Thôi thì cùng nhau đi nốt con đường còn lại cho yên phận tù đầy.
Hãy dựa lên nhau mà sống, đè lên nhau mà sướng, 
Hưởng được gì thì cố mà hưởng đi nhé, chiều hôm tối rồi.



Yên Hà, tháng 8, 2015