ARTSHARE

Dec 9, 2018

VN-VN : Đạo Vợ Chồng và Đám Cưới Việt-Nam

Luật của Tạo Hoá là một người đàn ông và một người đàn bà gặp nhau, yêu nhau và sống với nhau, sinh con, đẻ cái để “vĩnh truyền tông tộc”, duy-trì nòi-giống như mọi sinh-vật. Hàng hàng lớp lớp.
Người Việt tha-hương đã bắt đầu cấy lại gốc rễ nơi xứ người và con cái chúng ta đã và đang lấy chồng, lấy vợ, sinh con, đẻ cái. Có lẽ chúng ta cũng nên nhắc nhở lại chút ít về liên-hệ vợ-chồng và nghi-thức để chính-thức hoá liên-hệ đó là tục-lệ đám cưới của người Việt-Nam.

1. Đạo-nghĩa vợ chồng
1.1 Ý nghĩa của hôn nhân
Trước hết, giữa một đôi nam-nữ sống với nhau như vợ chồng nhưng không làm đám cưới và một cặp vợ chồng có làm hôn thú, có khác biệt gì không?
Nói một cách khách-quan thì hôn-nhân cũng là một là một sự cam-kết giữa hai người, được chính-thức hoá trước luật-pháp cũng như trước gia-đình và thân-hữu đôi bên, với tất cả những ràng buộc, trách-nhiệm mà đôi bên không thể tránh, trên phương-diện tinh-thần cũng như hành-chánh.
"Vợ là cái rợ buộc chân, Chồng là cái gông buộc cổ"
Cho dù thời buổi này, lấy nhau, bỏ nhau đã trở thành chuyện thường tình nhưng hôn-nhân vẫn là một quyết-định tối quan-trọng cần phải cân nhắc kỹ-lưỡng trước.

1.2 Quan-hệ gia-đình
Có được một gia-đình thuận-thảo, thương yêu, với điều-kiện sống tương đối đầy đủ, với các mối quan-hệ khả ái, biết hướng thượng, vươn lên… đó là mơ ước của bất cứ một con người bình thường nào, và ở đây, Phật gọi đó là Hạnh Phúc. Trong những điều-kiện cơ-bản của hạnh phúc, thì quan hệ hôn nhân và những chuẩn mực ứng xử trong quan hệ hôn nhân, mà ở đây gọi là đạo nghĩa vợ chồng, là một trong những yếu tố nổi trội và quan trọng hơn cả.
Trong liên-hệ gia-đình, bố mẹ-con cái hay anh-chị-em là những liên-hệ máu mủ không có gì có thể xoá bỏ được.
Mặt khác, hai người hoàn toàn xa lạ gặp nhau và sống với nhau suốt đời lại tạo nên một quan-hệ tối quan trọng khác. Thật vậy, chúng ta có thể sống chung với bố mẹ, với con cái, với anh chị em khoảng chừng hai mươi năm nhưng chúng ta sống với vợ/chồng mình đến cả sáu mươi năm cơ mà? (dĩ nhiên không kể những trường-hợp ly-hôn).
Quan-hệ vợ-chồng trong gia-đình là như vậy.

1.2 Duyên - Nợ - Phận - Nghiệp
   Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
   Vô duyên đối diện bất tương phùng

(Có duyên thì cách xa ngàn dặm cũng gặp, Không có duyên thì đối mặt cũng vẫn cách xa)
Dưới ảnh hưởng Tam Giáo, đặc biệt là Phật giáo, người Á Đông chúng ta rất tin duyên số.
(VN-VN : Tín-ngưỡng người Việt https://phu-tran.blogspot.com/2018/04/vn-vn-tin-nguong-nguoi-viet.html )

Hai người gặp nhau, một chuyện hình thành, thậm chí mua nhà được hay không, điều gì cũng do căn Duyên.
Hai người thích nhau rồi, có đi xa hơn được hay không còn tuỳ chữ Nợ. Chữ “Nợ” đây không bắt buộc phải nợ nhau tiền bạc hay ân oán gì, mà phải hiểu theo nghĩa rộng là có một liên-hệ gì chưa giải-quyết xong ở kiếp trước. Cứ xem như người Mỹ dùng chữ “unfinished business” cho dễ hiểu.
Đã có duyên để gặp nhau, có nợ để chung sống với nhau nhưng đôi khi hôn-nhân cũng đổ vỡ là do Phận. Có thể nói là nợ đã hết, cũng như khi nợ trần đã tẩy sạch thì chúng ta lìa cõi đời này mà đi.
Cho nên yêu ai mà không được yêu, cưới ai mà không bền là do duyên số, chẳng nên bận-tâm quá làm gì.
Nói như vậy nhưng không có nghĩa là đạo Phật chủ-trương bi-quan, thụ động. Kinh Phật còn có một khái-niệm rất quan-trọng là Nghiệp (Karma): tất cả những gì mình đã làm và sẽ làm ảnh-hưởng đến số-phận của mình. Cho nên chúng ta phải biết tu tâm để làm chủ số phận mình một phần nào, để có được một cuộc sống hạnh-phúc.

1.3 Đạo-nghĩa
Lấy được người mình yêu là một chuyện, giữ được người ấy suốt đời bên mình mới là khó.
Sống ở đời đã không phải là dễ, sống “lệ-thuộc” vào một người khác, cho dù bởi sự lựa chọn, lại còn khó gấp mấy lần. Vậy phải sống như thế nào cho phải đạo vợ-chồng, để có được một mái nhà êm ấm?
Kể ra hết thì dài giòng lý-thuyết lắm, tôi chỉ cố gắng nhớ vài điều thần chú vậy 
thôi :
- Tương đồng: đồng vợ-đồng chồng, hạp với nhau về cách suy nghĩ, quan-niệm sống, sở thích,…
- Hiểu nhau: yêu mà không hiểu thì cũng sẽ có hiểu lầm, dần dần sẽ đưa đến rạn nứt,
-
 Chân thật với nhau, Tin tưởng lẫn nhau,
- Yêu thương,
- Độ lượng, khoan dung,
- …

Những điều phức-tạp nhất có lẽ ra nằm trong phương-trình đôi: 2=1 và 1=2.
2=1 : Hai người đã trở thành một cặp (người ta thường ví vợ chồng như một đôi đũa) để chia xẻ cuộc sống với nhau nhưng điều đó có nghĩa là mỗi người phải “mất” đi một nửa của chính mình và nhận vào một nửa của người kia. Người Tây phương gọi vợ chồng là “cái nửa của tôi” và vợ chồng Việt-Nam gọi nhau là “Mình” (người kia đã trở thành chính mình). Sống một mình quen rồi thì sống “hai mình” dĩ nhiên thật là khó và có những người chọn lựa ở giá vì không chấp nhận mất tự do được (?).
Nơi đây, khi tự ái (yêu mình) lớn hơn tình yêu (yêu người) thì sống chung thật là khó.


1=2 : Gọi là một cặp nhưng vẫn gồm có hai người khác nhau và mỗi người vẫn “có quyền” sống phần riêng tư của mình. “Mất” một nửa của mình không có nghĩa là mất hết và nhận một nửa của người kia không có nghĩa là nhận hết.

Hai phương-trình hầu như trái ngược nhau mà chúng ta cứ phải giải suốt năm này, tháng nọ. Cho nên chỉ có cách là nhường nhịn lẫn nhau cho êm nhà, yên cửa và cái nhẫn cưới đeo trên tay nhắc nhở chúng ta chữ “nhẫn nhịn”.
“Một sự nhịn, chín sự lành”, “Chín bỏ làm mười”, “Chuyện to hoá nhỏ, chuyện nhỏ đừng xé to”, bao nhiêu tục-ngữ, thành-ngữ để nhắc nhở chúng ta.
Nhưng phải “Có qua, có lại mới toại lòng nhau” đấy nhé.
Nói thì dễ, làm mới thật là trần ai.

2. Đám cưới Việt-Nam
Phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt nói chung rất đa dạng, phong phú.
Thuở xưa, hôn nhân được cho là hỷ sự của một đời người, hôn nhân là ngọn nguồn, là cội rễ của đời sống lứa đôi hạnh phúc, vì vậy nhất thiết phải được sự đồng ý của đôi bên cha mẹ. Theo thời gian, sự tiến bộ và phát triển của đời sống xã hội kéo theo nhiều sự thay đổi trong các phong tục, nghi thức của một đám cưới. Nhưng nói chung người Việt ta vẫn giữ những nghi-thức cơ bản của một lễ cưới hỏi trọn gói : lễ Dạm Ngõ, lễ Ăn Hỏi và lễ Đón Dâu (lễ Cưới Hỏi).
Ngày giờ mỗi nghi-thức đều phải chọn lựa kỹ lưỡng để đưọc “ngày lành, tháng tốt”.

2.1. Lễ dạm ngõ
Còn gọi là lễ chạm ngõ, đây là một lễ nhằm chính-thức hóa quan-hệ hôn nhân của hai gia-đình. Lễ này không còn theo lối xưa, mà chỉ là buổi gặp gỡ giữa hai gia-đình để nhà trai xin đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tự do đi lại, tiếp tục quá trình tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi đi đến quyết định hôn nhân, cũng như để hai gia đình quen biết nhau rõ hơn.
Lễ vật trong ngày dạm ngõ đơn giản là trầu cau (là tiêu biểu cho tình nghĩa vợ chồng trong cổ tích Việt Nam), đôi khi có thêm chè thuốc, kẹo với số lượng chẵn. Hai nhà nói chuyện để xem ngày, chọn ngày và các thủ tục khác cho lễ ăn hỏi và lễ cưới.
Sau lễ chạm ngõ, người con gái được xem như đã có nơi có chốn, bước đầu để chuẩn bị tiến đến hôn nhân.

2.2 Lễ ăn hỏi
Còn gọi là đám hỏi, đây là lúc nhà trai đến nhà gái để xin hỏi cưới cô gái, là một thông báo chính thức về sự kết giao hứa gả của hai gia đình và hai họ. Lễ vật của lễ ăn hỏi là tráp ăn hỏi, thường là số lẻ 5, 7, 9 hoặc 11 tráp, và số đồ lễ thì phải là số chẵn.

Đồ lễ ăn hỏi thường có là bánh cốm, bánh su sê (còn gọi là bánh phu-thê), mứt sen, chè, rượu, trầu cau, thuốc lá… và có thêm xôi, lợn quay, những lễ vật tối thiểu theo tục lệ cổ truyền.
Ý nghĩa của lễ vật dẫn cưới có thể hiểu là để thể hiện lòng biết ơn của nhà trai đối với công ơn dưỡng dục của cha mẹ cô gái, cũng như để biểu thị được sự quý mến, tôn trọng của nhà trai đối với cô dâu tương lai.
Cô gái đã nhận lễ vật chính thức trở thành cô dâu tương lai của chàng trai đi hỏi. Cũng trong lễ ăn hỏi, hai họ định luôn ngày cưới.
Sau ngày lễ ăn hỏi, nhà gái phải có báo hỉ, chia trầu với gia-đình, bạn hữu nhà gái. Nhà trai cũng báo hỉ, nhưng không phải có lễ vật mà chỉ cần thiếp báo hỉ.

2.3 Lễ cưới
Lễ cưới còn gọi là lễ thành hôn (tiếng Hán là hôn-lễ), là đỉnh điểm của cả quy trình tiến tới hôn nhân, là hình thức liên hoan, báo hỉ mừng cô dâu, chú rể, mừng hai gia đình, nên có ý nghĩa rất thiêng liêng.
Lễ cưới bao gồm các nghi thức sau:
(- Lễ xin dâu: Trước giờ đón dâu, mẹ chú rể sẽ cùng một người thân trong gia đình đến nhà gái đem cơi trầu, chai rượu (hay còn gọi là tráp xin dâu) để báo trước giờ đoàn đón dâu sẽ đến, nhà gái yên tâm chuẩn bị đón tiếp.
Nói cho đúng, thuở trước, cha mẹ quyết định chuyện vợ chồng của con cái, nhiều khi hai trẻ không biết mặt nhau, cho nên đôi khi cô dâu đào hôn và thủ tục này có chủ-đích đến dò la phòng hờ trường-hợp này xảy ra. Thuở nay, con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đó nên lễ này đã trở thành dư thừa.)

- Lễ rước dâu
Trong ngày giờ đã được chọn sẵn, chú rể sẽ cùng bố và đại diện nhà trai đến nhà gái, mang theo xe hoa, hoa cưới để đón cô dâu về nhà. Nhà trai và nhà gái giới thiệu thành phần tham dự, rồi nhà trai trao trầu xin dâu cho nhà gái, xin phép cho chú rể lên phòng đón cô dâu.
Cô dâu chú rể làm lễ gia tiên tại nhà gái rồi nhà trai xin phép được đưa cô dâu mới về nhà chồng.
Khi cô dâu về nhà chồng, lễ gia tiên cũng được thực hiện ở nhà trai. Chính lúc này người con gái đã được nhận vào làm thành viên trong gia đình của người con trai. Cha mẹ chồng sẽ nhận con dâu, và chúc phúc cho hai con.
Sau đó, lễ cưới sẽ được tổ chức tại nhà trai với các bài phát biểu của hai bên đại diện gia đình, trao quà và tiệc mặn hoặc ngọt.

Tiệc cưới thường được tổ chức với hai họ và bằng hữu, tại nhà trai, nhà gái hay tại nhà hàng, tuỳ theo số đông và phương-tiện đôi bên.

- Lễ lại mặt: (còn gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ), một hai ngày sau lễ cưới, hai vợ chồng trẻ sẽ trở về nhà cha mẹ vợ, mang theo lễ vật để tạ gia tiên. Lễ vật cũng có trầu, xôi, gà trống hay heo và cô dâu chú rể sẽ ở lại ăn cơm cùng bố mẹ vợ.
Lễ lại mặt vẫn là một trong lễ quan trọng thể hiện ý nghĩa như lời nhắc nhở đôi vợ chồng mới cưới về chữ “hiếu” không chỉ với nhà chồng mà cũng phải quan tâm, chăm sóc tới gia đình nhà vợ. Ngoài ra còn thể hiện sự chu đáo, quan tâm của gia đình nhà trai và chú rể với gia đình nhà gái, tạo sự gắn bó, thân mật giữa hai nhà.

Trên đây là nghi-thức truyền-thống đã được giản-dị hoá đôi chút. Ngoài ra, còn có những điểm đặc-biệt tuỳ theo mỗi miền Bắc-Trung-Nam hay tuỳ theo tôn-giáo (Phật-giáo, Thiên Chúa giáo, …).
Nhưng đối với cô dâu, chú rể, ngày đám cưới là ngày hạnh-phúc nhất trong đời cho nên tổ chức đám cưới như thế nào cho đôi uyên ương cảm thất vui là được rồi.
Dù sao đi nữa, lễ cưới chỉ là hình thức bề ngoài, xây dựng và bảo tồn một gia-đình yên vui mới là chính-yếu.


Chúc cô dâu-chú rể trăm năm hạnh Phúc, sống với nhau đến răng long, tóc bạc.

Yên Hà, tháng 12, 2018

Tài-liệu nguồn:
Đạo nghĩa vợ chồng theo quan điểm Phật giáo (Tịnh Quang, Giác Ngộ Online)
https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5FF642
https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=7F7209

Phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt Nam
https://cuoihoihungthinh.com/phong-tuc-cuoi-hoi-truyen-thong.html

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.