ARTSHARE

Jan 15, 2015

Jacques Brel (4) : Từ tuổi thơ đến cõi thiên-thu

Peter Pan từ chối trưởng thành
Như đã biết, Jacques Brel đã sống một tuổi thơ trầm lặng, “khô khan” và ông đã trách cha ông chuyện đó. Con người đam mê như ông từ chối những giới-hạn và gò bó của người trưởng thành và ông chỉ có thể trốn nơi “Thiên đường đã mất” của Peter Pan.
   … Một đứa trẻ là thi nhân cuối cùng
   Của một thế giới cứ nhất định đòi trưởng thành
   Một thế giới cứ tự hỏi mây có cánh không?
   Cứ lo sợ khi tuyết xuống
   Cứ tưởng mình trung thành
   Cứ nghi ngờ đời 
này không có tiên
   Nhưng một đứa trẻ, là mình trốn tránh tuổi thơ
   Một đứa trẻ, là mình chỉ qua đường
   Một đứa trẻ, là mình phải kiên nhẫn,
   Một đứa trẻ, là mình đã đi qua.
Một đứa trẻ (1968)

Đối với ông, người lớn là những kẻ đào ngũ:
   … Tuổi thơ
   Ai có thể cấm chúng ta sống
   Sống mãi mãi tuổi thơ mình
   Sống ngược giòng thời gian
   Xé đi những trang cuối quyển sách?
   …
   Tuổi thơ
   Vẫn là quyền được mơ mộng
   Và vẫn mơ mộng…
   Tuổi thơ
   Là mười hai giờ trưa mỗi mười lăm phút
   Là thứ năm mỗi sáng
   Người lớn là những kẻ đào ngũ…
Tuổi thơ (1973)

Don Quichotte
Thật ra thì với năm tháng, sự hồn nhiên của tuổi trẻ biến thành sự ngây ngô của người lớn và Peter Pan biến thành Don Quichotte.

   … Đó là cuộc truy tìm của tôi,
   Đi theo ngôi sao
   Bất kể cơ may mình
   Bất kể thời gian
   Hay niềm tuyệt vọng mình
   Và tranh đấu mãi mãi
   Không tự hỏi, không ngơi nghỉ
   …
   Dù có phải phanh thây
   Hòng đạt ngôi sao ngoài tầm với.



Già
Từ chối trưởng thành. Rồi từ chối già, cái sự thật mà chúng ta đều hãi sợ. Những sợi tóc bạc khiến đầu nhạt nhoà, những nếp nhăn làm mờ tấm gương, cái thân thể không còn biết nghe lời… Già, than ôi, già.
   Chết có sao đâu?
   Chết có xá gì?
   Nhưng già… ôi già
   Chết, chết vì cười
   Có thể lắm chứ
   Vả lại, bằng chứng là
   Họ không dám cười nữa
   Chết vì làm trò hề
   Để sa mạc bớt nhăn
   Chết vì bệnh ung thư
   Do quyết định trọng tài…


Khi nghe Jacques Brel mô tả « thảm cảnh » của tuổi già, tôi chợt nghĩ : « Quả thật là vậy ! ». Không cần phải viếng một viện dưỡng lão, tôi cũng có thể mường tượng ra những cảnh ông đã nêu lên. 
Trong bài hát “Những người già”, mỗi câu, mỗi chữ thật thấm thía, cho dù ông chỉ mô tả mặt trái của tuổi già.
Già, than ôi, già.

  Những người già không nói nữa, hoặc chỉ nói bằng ánh mắt thoáng qua
  Cho dù giàu, họ vẫn nghèo, họ không còn ảo tưởng và chỉ còn một quả tim chia đôi
  Nhà họ thơm mùi húng tây, mùi thơm sạch, mùi oải hương và ngôn-từ thuở trước
  Cho dù sống ở Paris, chúng ta vẫn là người tỉnh lẻ khi chúng ta sống quá lâu
  Phải chăng vì quá cười nên giọng họ rạn nứt khi họ nói về quá khứ?
  Phải chăng vì quá khóc nên lệ vẫn còn đọng trên mi?
  Và nếu họ hơi run, phải chăng vì cái đồng hồ treo tường
  Đang kêu ro ro, đang nói “Có”, nói “Không”, đang nói: “Tôi chờ quí ông bà đây”.

  Những người già không còn mơ mộng, sách của họ đã ngủ quên, dương cầm họ đã khép
  Con mèo nhỏ đã chết, rượu muscat ngày chủ-nhật không còn làm họ hát
  Những người già không còn đụng đậy,
  những động tác họ nhăn nheo quá, thế giới họ nhỏ bé quá
  Từ giường đến cửa sổ, từ giường đến ghế bành, rồi từ giường đến giường
  Và nếu họ còn ra khỏi nhà, tay dìu tay, quần áo chỉnh tề
  Cũng chỉ để đưa tiễn một ông già hơn, một bà xấu hơn
  Thời gian một tiếng khóc, quên đi cái đồng hồ treo tường
  Đang kêu ro ro, đang nói “Có”, nói “Không”, đang nói: “Tôi chờ quí ông bà đây”.

  Những người già không chết, họ ngủ một ngày, họ ngủ quá lâu
  Họ nắm tay nhau, họ sợ mất nhau nhưng họ vẫn mất nhau
  Và người kia ở lại, người tốt hay người xấu, người hiền hay người nghiêm khắc,
  Điều đó không quan trọng, người ở lại là kẻ xuống địa-ngục
  Có thể bạn sẽ thấy ông ta, có thể bạn sẽ thấy bà ta, đang khóc hay đang buồn
  Bước qua hiện-tại, vừa xin lỗi sao mình không đi xa hơn
  Và trốn tránh một lần cuối cái đồng hồ treo tường
  Đang kêu ro ro, đang nói “Có”, nói “Không”, đang nói đang chờ chúng ta.

Chết
Chết có sao đâu? Chết có xá gì?... Nói thì dễ nhưng thật ra, chuyến đi cuối cùng đó ám ảnh hầu hết chúng ta, nhất là vào cuối cuộc đời. Mà Jacques Brel đã suy tư nhiều và rất sớm về vấn đề này.
Ông biết và công nhận rằng ai ai cũng có lúc phải ra đi:

 … Dưới gối, Thần Chết chờ tôi quên thức giấc
   Để làm thời gian trôi băng giá
   Thần Chết chờ bạn tôi
   Đến thăm tôi giữa đêm tối
   Để tự nói thời gian qua nhanh
   Thần Chết chờ tôi trong tay em
   Đến khép mi tôi lại
   Để rời xa thời gian qua
   Nhưng có gì sau cánh cửa đang chờ tôi
   Thiên thần hay ác quỉ, thây kệ
   Đứng trước cửa tôi, có em…
Thần Chết (1959)

Ông cũng đã cố gắng “chuẩn bị tinh thần” trước:
   Sau bữa ăn cuối cùng,
   Tôi muốn được đặt ngồi
   Một mình như một ông vua
   Đón tiếp những thần nữ
   Trong ống điếu, tôi sẽ đốt
   Những kỷ-niệm thơ ấu
   Những giấc mộng chưa thành
   Những mảnh kỳ vọng cuối
   Tôi sẽ chỉ giữ lại
   Để bọc lấy hồn mình
   Ý nghĩ một cây hồng
   Và tên một người đàn bà
   …
   Tôi biết tôi sẽ sợ hãi
   Một lần cuối.

Nhưng ý nghĩ mình phải ra đi khó chấp nhận quá và ông còn cố “mặc cả” với Thần Chết:
   Từ bó hoa cúc này đến bó hoa cúc nọ (*)
   Bạn bè tôi ra đi dần dần
   Từ bó hoa cúc này đến bó hoa cúc nọ
   Thần chết đem đi tình nhân tôi
   …
   Tôi đến đây, tôi đến đây
   Nhưng tại sao tôi? Tại sao phải bây giờ?
   Tại sao ngay lúc này và để đi đâu?
   Tôi đến đây, được rồi, tôi đến đây
   Lần nào tôi cũng chỉ đến đi
   Nhưng tôi thật sự chỉ mong sao
   Thêm một lần nữa, được đón một mối tinh
   Như người ta đón một chuyến tàu
   Cho đỡ cô đơn, để ở nơi khác, để được thoải mái
   Tôi đến đây, tôi đến đây
   Nhưng tôi thật sự chỉ mong sao
   Một lần nữa được rải sao lên một thân thể đang run
   Rồi mới chết
  Thiêu huỷ vì tình, con tim tro tàn
  Tôi đến đây, tôi đến đây
  Chẳng phải Thần Chết đến sớm
  Mà là tôi đến trễ
  Tôi đến đây, đương nhiên, tôi đến đây
  Cả đời tôi, tôi cũng chỉ đến đi.

Tôi đến đây (1968)   https://www.youtube.com/watch?v=IS-alY94qPI

(*) : Hoa cúc thường được dùng nơi nghĩa trang.


Cả đời ông, từ tuổi ấu thơ cho đến ngày cuối, ông đã sống như mình sẽ phải chết ngày mai để thực hiện những mộng ước của mình, một cách trọn vẹn, một cách đam mê. Một người như ông không thể chấp nhận tuổi già, và ông đã ra đi lúc 49 tuổi, để lại cho chúng ta một kho tàng nhạc. Xin thành thật cám ơn ông.
Chúc ông yên nghỉ nơi chín suối.

Yên Hà, tháng giêng 2015

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.