ARTSHARE

Mar 5, 2020

Rượu (Phần 4) : Rượu trong văn-hoá loài người

1. Rượu vang 
https://phu-tran.blogspot.com/2019/12/ruou-phan-1-ruou-vang.html
2. Bia
https://phu-tran.blogspot.com/2020/01/ruou-phan-2-bia.html
3. Rượu mạnh
https://phu-tran.blogspot.com/2020/02/ruou-phan-3-ruou-manh.html


4. Tổng-kết : Rượu trong văn-hoá, lịch-sử loài người

Rượu đã có khoảng 12 000 năm nay, do sự biến-hoá tự-nhiên của đường lên men thành cồn, và bằng chứng rõ ràng đầu tiên về sự chưng cất là từ các nhà giả kim thuật Hy Lạp ở Alexandria vào thế kỷ 1 sau công nguyên

Nhẹ độ cồn như bia, vừa phải như rượu vang, mạnh như rượu mạnh, rượu gì cũng là rượu, rượu gì cũng mang đủ những cá-tính lịch-sử, văn-hoá của rượu, ở bất cứ thời-điểm nào, đối với bất cứ dân-tộc nào.


Tự cổ chí kim
Thời Ai Cập cổ đại, cả bia và rượu vang đều được tôn-sùng và dâng lên cho các vị thần. 
Đồ uống có cồn được sử dụng trong các dịp vui chơi, hội hè, ngày lễ, dinh-dưỡng, y-học, nghi-lễ, tang lễ và thậm chí còn được dùng để trả công.
Ở Trung Quốc, rượu có tên gọi là tửu được coi là một món ăn tinh-thần hơn là một nguyên-liệu thực-phẩm, và các tài-liệu cổ đã chứng minh cho vai trò quan-trọng của nó trong đời sống tôn-giáo. Trong thời cổ-đại, mọi người luôn uống rượu khi tổ-chức một buổi lễ kỷ-niệm, các lễ tế thần hoặc tổ-tiên, trước mỗi trận chiến, ăn mừng chiến-thắng, trước khi hành-quyết phạm-nhân, thực-hiện lời thề trung-thành, trong các buổi lễ đầy tháng trẻ, đám cưới, đoàn-tụ, khởi-hành, việc hiếu và các bữa tiệc. Nhân-vật văn-học nổi tiếng về tửu-lượng là Lưu Linh, nên còn có thành ngữ "đệ tử của Lưu Linh" để chỉ những người uống rượu như nước lã.
Vị thần rượu nho trong thần-thoại Hy-Lạp là Dionysos, trong thần-thoại La-Mã là Bacchus.
Rượu co dừa đóng một vai trò quan-trọng trong xã-hội của người châu Phi.

Đối với đạo Thiên Chúa, rượu là món quà của Chúa : “ … Khi đương ăn, chúa Jesus lấy bánh mì, tạ ơn, bẻ ra đưa cho môn-đồ mà rằng : « Hãy lấy ăn đi, này là thân-thể ta. Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi đưa cho môn-đồ mà rằng : “Hãy uống đi, vì này là huyết của ta, huyết của sự giao-ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội » (Matthieu 26).

Thời kỳ cấm rượu ở Hoa Kỳ (
Prohibition) là một lệnh cấm toàn-quốc về việc bán, sản-xuất, nhập-khẩu, vận-chuyển các thức uống có cồn ở giai-đoạn 1920-1933. Mục-đích của luật cấm rượu là muốn tạo một xã-hội không bị ảnh-hưởng bởi những tệ-nạn do rượu gây ra.

Rượu trong văn-hoá Việt-Nam
Không thể tách rượu ra khỏi đời sống, rượu đã trở thành nét sinh-hoạt độc-đáo, thú-vị mà người bình-dân tạo nên.
Rượu trắngrượu đếrượu ngangrượu gạorượu chưngrượu cuốc lủi hay rượu quốc lủi đều là cách gọi của loại rượu chưng-cất từ ngũ cốc lên men được làm một cách thủ-công trong dân-gian, rất thịnh-hành trong ẩm-thực Việt-Nam. 
Chúng ta cũng biết đến bia Con Cọp hay bia 33. Thành lập vào năm 1875 do ông Victor Larue, Thượng-sĩ quân-đội Pháp về phục-viên, ông ta mở một cơ-xưởng chế-tạo rượu bia ở Chợ Lớn và hợp-tác cùng ông Hommel mở một nhà máy vô chai rượu bia ở Hà Nội. Victor Larue lập nên một nhà máy sản xuất qui mô lớn hơn vài năm sau khi người việt cũng bắt đầu ưa chuộng loại rượu bia mát lạnh rất thích-hợp với khí-hậu miền nhiệt-đới, với một công-thức nấu bia đặc-biệt của ông Larue, nhà máy được đặt tên là BGI (Brasseries et Glacières de l’Indochine).
Đối với người Việt-Nam :
- Rượu là niềm tự hào về đặc sản của mỗi vùng miền.
- Men rượu giúp con người thêm mạnh mẽ trong quá-trình chinh-phục thiên-nhiên, tạo sự hứng-khởi, tăng hiệu-quả trong lao-động sản-xuất. Rượu để khuây-khỏa tâm-sự, u ẩn trong tâm-hồn con người
- Rượu gắn liền với lễ-nghi, phong-tục, tập-quán của người dân Việt (vô tửu bất thành lễ). Rượu trở thành “đối-tượng” để người hiện-tại giao-tiếp với người khuất mặt. Rượu còn để xua tan mùi xú khí, tà ma, …
- Rượu thắt chặt tình thân, bằng hữu, người lạ hóa quen nhiều khi nhờ một ly rượu tình cờ.
- Rượu với những tác-hại gây ra những hậu-quả khôn lường mà dân-gian đã cảnh-báo. Người Việt-Nam ta dường như uống dữ lắm, « không say không về » mà ? Nhậu mà ? Dzô, dzô, dzô…

Rượu trong văn-chương Việt-Nam
Một vài ca dao, tục ngữ :
Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè

Thế gian ba sự không chừa
Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ

Còn trời còn nước còn non
Còn cô bán rượu anh còn say sưa

Đánh giá tửu-lượng, dân ăn nhậu truyền nhau bài vè:
Một ly nhâm nhi tình bạn
Hai ly giải cạn tình sầu
Ba ly mũi chảy tới râu
Bốn ly nằm đâu gục đó
Năm ly cho chó ăn chè
Sáu ly ai nói nấy nghe
Bảy ly le le lội nước,
Tám ly chân bước chân quỳ
Chín ly còn gì mà kể
Mười ly khiêng để xuống xuồng.

Rượu thường được dùng để khen thưởng nên mới có câu "Rượu thưởng không uống lại muốn uống rượu phạt".
Rượu đem lại một cảm-giác sảng-khoái rất cao nên "say" còn có nghĩa say mê, say đắm nên có những thành-ngữ như "say mê", "say máu", "say tình", "say thuốc", ...

Túi thơ, bầu rượu
Rượu (và đàn bà) bao giờ cũng là một nguồn cảm-hứng vô-tận cho văn sĩ, thi sĩ. Độc ẩm hay đối ẩm cũng được, miễn sao có rượu vào là có hứng thôi.

Nguyễn Khuyến đã khóc bạn Dương Khuê mà viết :
… Rượu ngon, không có bạn hiền,
Không mua, không phải không tiền không mua

Trần Kế Xương :
… Đời này thực tỉnh những ai đây? 
Ai tỉnh cho ta chịu tiếng say… (Say rượu)

Một trà, một rượu, một đàn bà 
Ba cái lăng-nhăng cứ quấy ta 
Chừa được cái nào hay cái ấy 
Họa chăng chừa rượu với chừa trà. 
           
Nói đến thơ, đến rượu là phải nhắc đến Tản Đà. Nhiều người ao ước được uống rượu với ông, coi chuyện được đối-ẩm với “ông thần men” này là một vinh-dự, một kỷ-niệm nhớ đời. Bàn về thơ, rượu, Tản Đà ra “tuyên ngôn”: 

Trời đất sinh ra thơ với rượu
Không thơ, không rượu sống như thừa
Công danh hai chữ mùi men nhạt
Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ

(Ngày Xuân thơ rượu).
Ông biện minh cho cái sự say của mình như sau:
Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thì hư vậy, say thời cứ say
Đất say, đất cũng lăn quay
Trời say, mặt cũng đỏ gay, ai cười?
...” 
(Lại say), 

Cõi say của Vũ Hoàng Chương thì quá nổi tiếng với tập Thơ say (32 bài) rồi :
… Ta quá say rồi sắc ngả màu trôi
Gian phòng không đứng vững
Có ai kề âm hưởng sát gần môi ...
Riết đôi tay, ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió ?
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ ?
Hãy thèm say còn đó, rượu chờ ta
Cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa
Tay mềm mại, bước còn chưa chánh choáng
Chưa cuối xứ mê ly, chưa cùng trời phóng đãng ,
Hãy thèm say hồn khát vẫn thèm men ...
Say đi em, Say đi em !
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bực ngả nghiêng, cho điên rồ xác thịt !
Rượu rượu nữa ! và quên, quên hết !
(Mời say)

Hàn Mặc Tử, thiên-tài xấu số, cũng biết say thơ, say trăng, say như điên :
… Tối nay trăng ở khắp phương
Thảy đều nao nức khóc nường vu qui
Say! say lảo đảo cả trời thơ
Gió rít tần cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.
(Say trăng)

Nói về say thì nhà thơ “khác người” Bùi Giáng chắc hẳn chả thua ai :
Uống và si nói lăng nhăng
Miệng mồm lý như thằn lằn đứt đuôi
Tâm can chân thể chôn vùi
Mặt trời không mọc với người lem nhem
Còn đâu nguyệt tỏ bên thềm
Ôi người uống rượu còn thêm điên rồ.
(Người điên uống rượu)

Ngoài ra, « mối tình » của nhạc sĩ – thi sĩ Trịnh Công Sơn và chai rượu Chivas thì có lẽ ai cũng biết đến.

Chuyện uống rượu của các nhà vua Việt
Sử sách nước ta ghi lại nhiều câu chuyện về tác hại của việc uống rượu, mà vua chúa cũng lấy để răn dạy con cháu.
Các vua về sau chắc không quên cái chết của Đinh Tiên Hoàng năm 979 trong một cơn say rượu. Toàn thư viết: “Nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Chi hậu nội nhân là Đỗ Thích liền giết luôn cả vua và Nam Việt Vương Đinh Liễn”. 

Còn trong những năm đầu thời Trần, chuyện uống rượu trong cung diễn ra đầm ấm và thân mật. Theo Toàn thư thì đời Trần Thái Tông: “Vua ban yến ở nội điện, các quan đều dự. Đến khi say, mọi người đứng cả dậy dang tay mà hát.
Điển hình như câu chuyện vua Trần Anh Tông vì say rượu suýt bị Thượng hoàng Trần Nhân Tông phế truất, sau đó quyết tâm bỏ hẳn rượu. Sau khi bỏ rượu, vua Trần Anh Tông cai trị đất nước rất quy củ, không những thế ông còn không ưa những người nghiện rượu.
Nhà Trần bắt đầu suy yếu từ đời Trần Dụ Tông, một ông vua nghiện rượu, mê đánh bạc và không còn quan-tâm gì đến triều-chính, khiến triều Trần dần rơi vào suy-vong, chẳng bao lâu sau, chính-quyền rơi vào tay nhà Hồ.
Sử sách cũng chép về các vị hôn quân như Lê Long Đĩnh, Lê Uy Mục, Mạc Mậu Hợp đều là những người nghiện rượu. Trong đó Lê Uy Mục được mô tả dã man đến mức “hằng đêm đều cùng cung-nhân uống rượu, khi say thì giết chết tất cả”.
Sang đến thời Nguyễn, các tác-giả phương Tây từng tiếp-xúc với vua Gia Long đều khẳng định nhà vua ghét uống rượu.
Vua Minh Mạng để lại cho hậu-thế tiếng tăm của bài thuốc ngâm rượu “Minh Mạng thang”, với lời đồn là giúp tăng cho khí-lực đàn ông. 
Đến vua Đồng Khánh, nhà vua đã dùng rượu chát Bordeaux theo lời khuyên của các y sĩ để giúp phủ tạng hơi yếu.
Còn vua Bảo Đại thì đã là một “tay chơi” với rất nhiều lạc thú, tuy nhiên theo lời kể của ông Nguyễn Đức Hòa, một người hầu cận của vua Bảo Đại thì nhà vua uống rượu không nhiều, và hợp khẩu vị nhất là rượu Cognac.

Kết-luận
Sống trên đời, một điều may mắn của tôi là được hưởng trọn thiên-hạ đệ nhất khoái : "Ăn". Không có thứ gì tôi không ăn được (tôi không nói đến những thứ như dơi, rắn, chuột...), món gì tôi cũng thử và món gì tôi cũng có thể thích. Nhưng ăn ngon mà uống trà hay nước lã thì nhạt nhẽo quá, như nửa vầng trăng, như hủ tíu thiếu nước lèo, như trăng thiếu sao, như ... , nhất là khi chung vui cùng bạn bè. 
Chỉ một (vài) cốc bia, một (vài) ly rượu vang hay vài nhấp rượu mạnh vào là cảm thấy lâng lâng, yêu đời, yêu người. Nhưng quá chén thì dễ mất tự chủ, ngày nào cũng uống thì đâm ra nghiện, là hỏng đời. Lúc còn trẻ, cũng có một hai lần tôi say tuý luý nhưng được một cái là say đến đâu thì say, nhưng thân lúc nào cũng phải gục trước tâm trí nên chưa bao giờ tôi đã phải nói bậy, làm bậy. Tuổi này thì dĩ nhiên tửu-lượng thấp đi nhiều và tôi cũng trọng uống ngon, uống vui hơn là uống thường xuyên hay uống say.
Rượu là lưỡi dao hai mặt, vừa là một thú vui thanh tao (cầm, kỳ, thi, tửu), vừa có thể trở thành một tật xấu (tứ đổ tường : cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút chích). Tuỳ hỉ.
Thân chào các bạn, tôi đang có hẹn với chai rượu đã mở sẵn : 
rượu nằm yên trên ngựa sắt đợi chờ
Yên Hà, tháng 3, 2020
  
Tài-liệu nguồn :
Từ rượu trong văn-hoá Tây Nam-Bộ / Nhìn về sự ảnh-hưởng và tiếp-biến của nó trong văn-hoá Thăng Long – Hà Nội
http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-nam-bo/1851-tran-minh-thuong-tu-ruou-trong-van-hoa-tay-nam-bo.html


- Nét đẹp văn-hoá uống rượu của người Việt
- Chuyện uống rượu của các nhà vua Việt



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.