ARTSHARE

Feb 28, 2019

Nhạc 60-70 của tôi : Đoạn kết


3. Phần 3 : Nhạc Pháp 
https://phu-tran.blogspot.com/2018/12/nhac-60-70-cua-toi-phan-3-nhac-phap-ye.html
3.1 Nhạc Pháp thập-niên 50
3.2 Nhạc Pháp thập-niên 60-70
3.2.1 Nhạc Yé-Yé thập-niên 60
./.

3.2.2 Hậu nhạc Yé-Yé  thập-niên 70
Giữa thập-niên 60, chiến-tranh Việt-Nam và vài vấn-đề xã-hội bên Mỹ đưa đến phong trào Hippy. Bên Pháp, biến-cố tháng 5, 1968 bên Pháp (Mai 68) nói lên ước vọng và đòi hỏi mới của giới trẻ. Người thanh-thiếu niên ý thức hơn và phong-trào Yé-Yé, xuất phát từ lối sống vô tư lự, dần dà phai nhạt. Những nghệ-sĩ Yé-Yé vẫn tiếp tục hoạt động, song song với một thế-hệ mới.
Có những nam nghệ-sĩ như :
- Michel Delpech (Jean Michel Bertrand Delpech) với Wight is Wight, Pour un flirt,…
- Art Sullivan (Marc Liénart van Lidth de Jeude gốc Bỉ) với Ensemble, Adieu sois heureuse, Sans toi, …
- Jean-François Michaël (Yves Roze) với Adieu jolie Candy, Comme j’ai toujours envie d’aimer, Je pense à toi, Coupable, Si l’amour existe encore, …
- Gérard Lenorman với La ballade des gens heureux
- Joe Dassin (Joseph Ira Dassin) với L’Amérique, L’été indien, …

Có những « chanteurs à minettes » (ca sĩ cho choai choai nữ) như Frédéric François (Francesco Barracato gốc Ý) nổi tiếng với Laisse-moi vivre ma vie ; Mike Brant (Moshé Brand gốc Do Thái, mất năm 1975 lúc 27 tuổi) với Qui saura (Che sarà) ; Rien qu’une larme ; Tout donné, tout repris ;  C’est comme ça que je t’aime ; … ; Patrick Juvet (Thuỵ Sĩ) ; Dave (gốc Hoà Lan) hay Christian Delagrange.

Những ca sĩ Disco
Với làn sóng Disco, những ca sĩ Yé-Yé cũng phải theo thời đôi chút nhưng thường vẫn giữ phong cách Yé-Yé.
Những bài J’attendrai hay Laissez moi danser (Dalida), Alexandrie Alexandra (Claude François), Irrésistiblement hay I don’t want the night to end (Sylvie Vartan), … là những bài Disco-Yé-Yé.
Những ca sĩ Disco mới là Marc Cerrone với Supernature, Love in C Minor, Santa Esmeralda với Don’t let me be misunderstood, … nhưng nói chung, phong trào Disco không ăn khách như bên Anh-Mỹ.

Những ban nhạc :
Như đã nói, trong thời-kỳ Yé-Yé, ca sĩ làm bá chủ và ban nhạc chỉ là phụ. Yé-Yé yếu đi thì các ban nhạc bắt đầu dành quyền sống, đặc biệt trong thể loại Rock (Téléphone, Triangle, Martin Circus, Little Bob Story, và đặc biết là một ban nhạc Tai Phong của hai anh em người Viê-Nam Khánh Mai và Tài Sinh, …), hay Folk (Malicorne, Tarentule, Melusine,…), tôi đã có nghe thử nhưng phải thú thật đã nghe Rock thì nghe Rock Anh-Mỹ hay hơn (có lẽ vì Rock không hợp với văn-hoá Pháp ?).


Đứng giữa nhạc Yé-Yé  / Hậu Yé-Yé và nhạc « ca từ » có :
- Alain Souchon với Allo Maman bobo, Y’a d’la rumba dans l’air, C’est comme vous voulez, Jamais content, … một loại nhạc nhẹ nhàng ;
- Serge Lama (Serge Chauvier) với những bài như Les ballons rouges, D’aventures en aventures, Je suis malade, Superman, Les p’tites femmes de Pigalle, … Nhạc Lama phần đông « vui » và nhộn nhịp hơn nên gặt hái nhiều thành công.
- Michel Sardou với La maladie d’amour, Je vais t’aimer, Les vieux mariés, … Nhạc Sardou đôi khi tranh chấp, lời lẽ quá khích trên phương-diện chính trị, xã-hội nên không được lòng mọi người.

Đặc biệt nữa có Francis Cabrel mà ta có thể xem như một Bob Dylan Pháp, nghĩa là chơi Folk/Country trên những đề tài quay về thiên-nhiên, đậm chút triết-lý cuộc đời, quay lưng lại chủ-trương show business. Ai có thể thấy anh « nhà quê » nhưng tôi lại thích loại phong cách này.
Trong những bài tôi thích có : Je l’aime à mourir, Assis sur le rebord du monde (tạo hình ảnh Thượng Đế ngồi nhìn xuống thế-gian mà thở dài), La corrida (chống đấu bò), L’encre de tes yeux (những gì anh viết, anh viết bằng mực từ trong mắt em), Samedi soir sur la Terre, …

Thời này còn có những nữ nghệ-sĩ tôi nghe như :
- Véronique Sanson, vợ của Stephen Stills một thời gian, với Besoin de personne, Vancouver,…
- Nicole Croisille, một nữ ca sĩ với một giọng thật khoẻ và đượm ảnh-hưởng Jazz, với Un homme et une femme (bài hát trong phim của Claude Lelouch), Une femme avec toi, Parle moi de lui, Téléphone moi, Si l’on pouvait choisir sa vie, …

3.2.3 Nhạc « ca từ » thập-niên 60-70
Nhạc phổ-thông, còn gọi là nhạc quần-chúng, thường là loại nhạc để giải-trí, dễ nghe, không phải suy-nghĩ, nhức đầu nên thường chú trọng vào giai-điệu nhạc và ca từ thường chỉ là phụ.
(Xin mời đọc thêm : Nhạc và lời
https://phu-tran.blogspot.com/2018/06/nhac-va-loi.html)


Song song với nhạc YéYé và « hậu YéYé» thời này, vẫn tiếp-tục một loại nhạc đã có từ thập-niên 50 mà ta có thể so sánh với nhạc Tiền-Chiến và nhạc Tình ca bên Việt-Nam thời này, tôi tạm gọi là nhạc ca-từ (chanson à texte).
Những nhạc-sĩ này thường tự hát nhạc của mình.

Cuối thập-niên 60, tôi đi học bên trời Bỉ. Nơi đây, tôi vẫn tiếp-tục nghe nhạc Pháp (nước Bỉ dùng hai thứ tiếng chính-thức là Pháp và Hoà Lan) nhưng tôi không thể không biết đến và ưa chuộng ca-nhạc sĩ  nổi tiếng nhất của nước này :

Jacques Brel là một nghệ-sĩ thật đa dạng và phức-tạp : đam mê và chân thệt, quá nhạy cảm với những ca từ sắc bén và đầy cảm xúc,… và một lối trình-diễn có một không hai (Ai có thể hát tiếng Pháp cho khán-giả Nga mà được hoan-nghênh nhiệt liệt / standing ovation như Brel?)
Một vài bài nổi tiếng : Ne me quitte pas (được dịch ra tiếng Anh là If you go away), Quand on n’a que l’amour, Le plat pays, Amsterdam, Les bourgeois, Les bonbons, Les vieux, Voir un ami pleurer, Marieke, Orly, …
Tiếc thay, người nghệ-sĩ đam mê này đã ra đi lúc ông mới 49 tuổi.

(Xin mời đọc thêm : Jacques Brel, người nghệ-sĩ đầy nhạy cảm
http://phu-tran.blogspot.com/2015/01/jacques-brel-nguoi-nghe-si-ay-nhay-cam.html

- Charles Aznavour là ca-nhạc-sĩ mà tôi hâm mộ nhất trên đời này, so với tất cả loại nhạc.
Trong cuộc sống của ông, ông đã có nhiều chuyện để kể (ông đã viết hơn một nghìn bài nhạc) và tiếng Pháp của ông quá tuyệt vời để mỗi bài hát là một bài thơ trữ-tình nhưng thơ của ông không trừu tượng (như thơ Trịnh Công Sơn) mà rất gắn liền với mọi khía cạnh cuộc sống hàng ngày nên người nghe có thể tự nhận ra mình trong mỗi bài hát của ông.
Một vài bài nổi tiếng : Et pourtant (hát trong phim Cherchez l’idole), La bohème (có lẽ nhiều người thích nhất ?), Hier encore, L’amour c’est comme un jour, Au creux de mon épaule, Que c’est triste Venise, Comme ils disent, Les plaisirs démodés, Mon émouvant amour, Mourir d’aimer, La Mamma,… (Làm sao tôi có thể kê ra hết tất cả những bài tôi thích ?)
Ông mới rời cõi trần ngày 1 tháng 10 năm nay 2018, hưởng thọ 94 tuổi.
Gilbert Bécaud (François Silly) biệt danh Monsieur 100 000 volts vì lối trình diễn rất sống động, nổi tiếng với cái cà-vạt đen điểm trắng và giọng miền Nam nước Pháp (Toulon). Một lần đi nghe ông hát, tôi ngồi hàng bên hông (rẻ tiền hơn) nên mới thấy sau mỗi bài hát, ông lại chạy vào hậu-trường hít một hơi thuốc lá rồi chạy ra hát tiếp.
Những tác-phẩm nổi tiếng của ông là Et maintenant (bản dịch tiếng Mỹ là What now, my love), Mes mains, Nathalie, La vente aux enchères, C’est en septembre, Desperados, …
Ông còn là diễn-viên trong sáu cuốn phim.
Ông mất năm 2001.

Georges Moustaki (Giuseppe Mustacchi, gốc Ý-Hy lạp, sinh tại Ai-Cập, quốc-tịch Pháp). Là ngưới đa văn-hoá, ông rất phóng khoáng, khiêm-tốn và nhạc của ông nhẹ nhàng : Le métèque, Il est trop tard, Ma solitude, ...

Kỷ-niêm riêng của tôi và ông là lúc còn ở Paris, tôi đã nhiểu lần đọ sức với ông (và thắng ông) trên bàn ping pong một club thể-thao bên bờ sông Seine. (Đã nói ông rất xuề-xoà, bình-dân mà.)

Ảnh kế bên là trong khoảng thời-gian tôi gặp ông tại Paris. 
Ông mất năm 2013.

- Léo Ferré (gốc Monaco), một ca-nhạc sĩ với một căn-bản nhạc cổ-điển. Nhạc của ông vừa chống đối mọi thể-chế (Ni Dieu, ni maître ; Les anarchistes ; …) vừa lãng mạn và đầy thi tính (Avec le temps, Chanson d’automne thơ Paul Verlaine, La chanson du mal-aimé, …). Ông đã để lại dấu ấn mình trong thi ca Pháp thế-kỷ 20.

Có những ca-nhạc sĩ rất nổi-tiếng mà tôi ít nghe hơn là Georges Brassens, Jean Ferrat (thường phổ thơ Louis Aragon) hay Charles Dumont (đã viết Non je ne regrette rienMon Dieu cho Edith Piaf) hay Barbara (Marienbad, L'aigle noir, Ma plus belle histoire d'amour), ...

Một phần nước Canada dùng tiếng Pháp làm ngôn-ngữ chính-thức nên nên các ca nhạc-sĩ nước này cũng đóng góp không ít.
Tôi thích :

- Ginette Reno (Ginette Raynault sinh tại Montreal) với Çà pleure aussi un homme, Remixer ma vie, Çà commence, N'oublie jamais,...

- Diane Dufresne (sinh tại Montreal) nổi tiếng với cách ăn mặc kỳ quặc và những bài như J'ai rencontré l'homme de ma vie, Le rêve de Stella spotlight (thuộc opéra-rock Starmania),...

- Giles Vigneault là ca-nhạc-sĩ rất thấm nhuần văn-học Pháp và ông đã mô tả quê-hương Québec  của ông một cách thấm thía với những bài Mon pays(, ce n'est pas un pays, c'est l'hiver)Les gens de mon pays (được xem như quốc-ca Québec), ... Người Québec nào cũng phải biết đến ông này.

- Félix Leclerc là một Georges Brassens của Québec với những bài Le petit bonheur, Le Québécois, ...

- Robert Charlebois (sinh tại Montreal) thì tôi ít nghe hơn.

Tôi xin chấm-dứt phần nhạc Pháp với Claude Barzotti (Francesco Barzotti, gốc Ý, sống bên Bỉ).  Để nói đến « anh » này (anh trẻ tuổi hơn tôi), tôi phải ăn gian một chút vì anh viết bài Madame năm 1981(không còn là 60-70 nữa) nhưng thôi, tôi thích thì cứ viết, có chết thằng Tây, thằng Bỉ, thằng Ý nào đâu ?
Anh không nổi tiếng lắm nhưng tôi thích Aime moi, Elle me tue, Je t’apprendrai l’amour, Ça pleure aussi un homme, La maison d’Irlande, Papa, Là où j’irai, Madame, Je vous aime,...


Tổng-Kết
So sánh một chút, tôi cảm thấy rõ nhạc Pháp có hai khuynh-hướng, một loại nhạc để nghe (nhạc thính phòng) ảnh-hưởng nhạc cổ-điển và thi-ca (cái tôi tạm gọi là nhạc ca-từ), và một loại nhạc thị-hiếu, dễ nghe, dễ thích bởi đa số quần chúng (mà thời đó điển-hình là nhạc YéYé).
Nhạc Việt-Nam ta có phần tương-đương, có lẽ ảnh-hưởng một trăm năm Pháp-thuộc, với nhạc Tiền-chiến, sau đó từ từ chuyển qua nhạc Tình-ca, song song với những thể-loại "bình dân" hơn.

Nhạc Anh-Mỹ (hay đúng hơn phải gọi là nhạc Mỹ, tiếng Anh, chứ nhạc Anh bây giờ mấy ai nghe?) thì hơi khác. Nước Mỹ là một hợp-chủng quốc, một nước "mới" không có và không "bị" ràng-buộc bởi nền văn-hoá nào nên thật đa dạng và phát-triển rất nhanh.
Sau đó, nhờ vào vị-trí đế-quốc chính-trị, tài-chính, thương-mại, nền văn-hoá Mỹ bắt đầu gây ảnh-hưởng toàn-cầu: hầu như bất cứ tại nước nào cũng có vài tiệm Mac Donald, 
ai cũng muốn sang Mỹ sống, ai cũng học nói tiếng Mỹ và tiếng Mỹ đã trở thành ngôn-ngữ quốc-tế. (Chúng ta chỉ được nghe giọng Anh và từ-vựng Anh bên Anh và những nước thuộc-địa xưa hoặc trong những phim của Anh, những phim tài-liệu rất giá-trị của đài BBC.)
Và nhạc Mỹ đã trở thành nhạc quốc-tế. Một bài hát muốn nổi tiếng toàn-cầu phải viết tiếng Mỹ hoăc dịch ra tiếng Mỹ (điển-hình là My way dịch ra từ Comme d'habitude, nhưng thí-dụ ngược lại là bài Besame Mucho ít ai biết bản tiếng Mỹ trình-bày bởi Frank Sinatra, Elvis Presley hay Dean Martin).
Mỹ là nước đại tư-bản, phát-triển nhờ mức tiêu-thụ cao (dù giàu, dù nghèo) nên nhạc Mỹ cũng phải là nhạc thương-mại, dành cho đại đa-số và nhạc thính-phòng (nhạc cổ-điển, opera, ballet,...) dĩ nhiên cũng có nhưng chỉ ở những thành-phố lớn và chỉ có một thiểu-số nhỏ biết đến.
Văn-minh càng tiến-hoá, quốc-gia càng giàu mạnh thì dân chúng ngày càng xa dần truyền-thống của mình. Kẻ tha-hương tôi có muốn nghe nhạc nhạc dân ca, nhạc cổ-truyền của mình thỉ có lên YouTube nghe cho đở ghiền chứ ai làm show cho mình đi xem?

(Phần phân-tích này chỉ nói lên ý-kiến cá-nhân tôi, mong những bạn đọc không đồng ý bỏ qua cho nhé.)

Trong bài này, tôi chỉ liệt-kê ra một ít loại nhạc Việt-Anh-Pháp những thập-niên 60-70, tôi không nói đến các loại nhạc khác tôi nghe (nhạc cổ-điển, nhạc hoà tấu, nhạc cổ-truyện các nước trên thế-giới, nhạc tiếng Tây-Ban-Nha những vùng La-Tinh, nhạc Jazz,...) mà đã thấy Ca rừng, Nhạc bể như thế nào rồi. 

Âm-nhạc ơi, may mà có em, đời còn dễ thương...

Yên Hà, tháng 2, 2019



2 comments:

  1. Đề nghị anh cho links vào Phần 1, 2, .. để người xem dễ dàng đọc lại những bài viết cũ. Cám ơn anh đã bỏ công nghiên cứu và ghi chép lại những phát triển âm nhạc của VN và thế giới.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.