ARTSHARE

Jan 23, 2017

Con Rồng Cháu Tiên (12) : Nhà Hồ - Nhà Hậu Trần

0- Đại-cương

1- Thượng-cổ thời-đại (2879-111 trước Tây-lịch)

2- Bắc thuộc thời đại  (111 trước Tây-lịch-931 sau Tây-lịch)

3- Thời đại tự-chủ
3.1 Nhà Ngô (939-965)
3.2 Nhà Đinh (968-980)
3.3 Nhà Tiền Lê (980-1009)
3.4 Nhà Lý (1010-1225)
3.5 Nhà Trần (1225-1400)

3.6 Nhà Hồ (1400-1407)
- Hồ Quý Ly (1400)
- Hồ Hán Thương (1401-1407)

Quý Ly bỏ Thiếu Đế, nhưng vị tình cháu ngoại cho nên không giết, rồi tự xưng làm đế, đổi họ là Hồ.
Nguyên họ Hồ là dòng dõi nhà Ngu bên Tàu, cho nên Quý Ly đặt quốc hiệu là Đại Ngu.
Quý Ly làm vua chưa được một năm, muốn bắt chước tục nhà Trần, nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương rồi làm Thái Thượng Hoàng để cùng coi việc nước, nhưng việc gì cũng quyết đoán ở mình cả.

Nhà Minh đánh họ Hồ
Vua nhà Minh biết nước ta phú thịnh, đã có ý đánh lấy, cho nên thường cứ tìm chuyện để lấy cớ dấy binh. Bấy giờ có Trần Thiêm Bình sang Yên Kinh (Bắc Kinh), xưng là con vua Nghệ Tông rồi kể rõ sự tình Hồ Quý Ly tiếm nghịch và xin cho đem binh sang đánh báo thù. Năm 1406, Minh Thành Tổ sai đốc tướng dẫn 5000 quân đưa Thiêm Bình về nước nhưng sang đến cửa Chi Lăng bị tướng của Hồ Quí Ly đánh và giết đi.

Vua Minh Thành Tổ lấy cớ, cử một đạo-quân sang đánh An Nam.
Tuy rằng nhà Hồ trước đã phòng bị, nhưng mà tướng nhà Minh biết rằng người An Nam không phục họ Hồ, bèn làm hịch kểt tội họ Hồ, và nói rằng quân Tàu sang là để lập dòng dõi nhà Trần lên, cứu cho dân khỏi sự khổ sở. Quân sĩ An Nam, nhiều người không đánh và theo hàng quân Minh, vì thế cho nên quân Minh đi đến đâu đánh được đến đấy.
Hồ Quí Ly thua hết trận này đến trận nọ, lui dần rồi đến cửa Kỳ La (Hà Tĩnh) bị quân nhà Minh bắt được.

Nhà Hồ chỉ làm vua được 7 năm, từ năm canh thìn (1400) đến năm đinh hợi (1407).
Nhà Hồ không làm vua được bao lâu, nhưng mà công việc sửa sang cũng nhiều: việc võ bị, sưu thuế, học hành, hình luật. Xem công việc của Hồ Quý Ly làm thì không phải là một người tầm thường, nhưng tiếc thay một người có tài kinh tế như thế, mà giả sử cứ giúp nhà Trần cho có thủy chung, thì dẫu giặc Minh có thế mạnh đến đâu đi nữa, cũng chưa hầu dễ đã cướp được nước Nam, mà mình lại được cái tiếng thơm để lại nghìn thu. Nhưng vì lòng tham xui khiến, hễ đã có thế lực là sinh ra bụng muốn tranh quyền, cướp nước.
Bởi thế Hồ Quý Ly mới làm sự thoán đoạt, và nhà Minh mới có cái cớ mà sang đánh lấy nước An Nam. Cũng vì cái cớ ấy, cho nên lòng người mới bỏ họ Hồ mà đem theo giặc, để đến nỗi cha con họ Hồ thua chạy, bị bắt, phải đem thân đi chịu nhục ở đất nước người!
Nhưng đấy là cái tội làm hại riêng cho một họ Hồ mà thôi, còn cái tội làm mất nước Nam, thì ai gánh vác cho Quý Ly?

Nhà Minh không phải có yêu gì nhà Trần mà sang đánh nhà Hồ, chẳng qua là nhân lấy cái cớ nhà Trần mất ngôi mà đem binh sang lấy nước Nam.
Khổ nỗi, nhà nào làm vua, cho cả nước là của riêng của nhà ấy; hễ ai lấy mất thì đi tìm cách lấy lại, lấy không được thì lại đi nhờ người khác lấy lại cho, chứ không nghĩ đến cái lợi chung trước cái lợi riêng, cái quyền nước trước cái quyền nhà, thế cho nên mình cứ dại mãi, mà vẫn không biết là dại (và Lịch-sử cứ lập lại không ngừng, đời này sang đời kia).

3.7 Nhà Hậu Trần (1407-1413)
Bấy giờ tuy rằng nhà Minh đã chiếm giữ đất An Nam, nhưng con cháu nhà Trần còn có người muốn khôi phục nghiệp cũ, vả nước ta còn có nhiều người không muốn làm nô lệ nước Tàu, cho nên nhà Hậu Trần lại hưng khởi lên được mấy năm nữa.

Trần Quỹ = Giản Định Đế (1407-1409)

Bấy giờ có Giản Định Vương tên là Quĩ, con thứ vua Nghệ Tông chiêu mộ được một số tướng sĩ còn trung thành với nhà Trần và đất nước, bèn xưng là Giản Định Hoàng Đế.
Lúc bấy giờ đất An Nam từ Nghệ An trở vào lại thuộc về nhà Trần.

Tháng chạp năm mậu tý (1408) Giản Định Đế hội tất cả quân Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa, rồi tiến ra đánh Đông Đô. Quân ra đến Trường Sơn (Ninh Bình) thì các quan thuộc và những kẻ hào kiệt ở các nơi ra theo nhiều lắm.
Sau khi thắng được trận Bô Cô, vua Giản Định muốn thừa thắng đánh tràn ra để lấy lại Đông Đô nhưng ông Đặng Tất ngăn lại muốn để đợi quân các lộ về rồi mới đánh. Từ đó vua tôi không được hòa thuận, vua Giản  Định lại nghe người nói gièm, bắt Đặng Tất và quan tham mưu là Nguyễn Cảnh Chân đem giết đi, thành ra lòng người ai cũng chán ngán, không có lòng giúp rập nữa.
Giặc nước hãy còn, mà vua tôi đã nghi hoặc nhau, rồi đem giết hại những người có lòng vì nước, thật là tự mình gây nên cái vạ cho mình.

Trần Quí Khoáng = Trùng Quang Đế (1409-1414)
Bấy giờ con ông Đặng Tất là Đặng Dung và con ông Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị thấy thân phụ bị giết, đều bỏ vua Giản Định, đem quân bản bộ đi rước Trần Quý Khoáng (là cháu nội vua Nghệ Tông) về Hà Tĩnh rồi tôn lên làm vua, là Trùng Quang Đế.
Lúc vua Giản Định đương chống nhau với quân nhà Minh ở thành Ngự Thiên, Quý Khoáng sai tướng là Nguyễn Súy ra đánh lẻn bắt Giản Định đem về Nghệ An rồi tôn Giản Định lên làm Thái Thượng Hoàng để cùng lo việc khôi phục.

Khi tướng nhà Minh là Trương Phụ sang đến nơi, tiến binh đánh đuổi, Giản Định đem binh thuyền chạy về đến huyện Mỹ Lương thì bị bắt giải về Kim Lăng.
Trương Phụ thắng trận, đi đến đâu giết hại quân dân. Còn những người An Nam ai tòng phục nhà Minh mà giết được nhiều người bản quốc thì được thưởng cho làm quan. Thật bấy giờ tha hồ cho bọn hung ác đắc chí!

Năm canh dần (1410) Trần Quý Khoáng cùng với bọn Nguyễn Cảnh Dị lại đem quân ra đánh quân Minh ở Hồng Châu, được thắng trận, rồi lại ra đóng ở Bình Than. Ở các nơi lại nổi lên đánh giết quân nhà Minh; nhưng chỉ vì quân không có thống nhiếp, hiệu lệnh bất nhất, cho nên đến khi quân giặc đến đánh, quân nhà Trần lại phải thua chạy.

Thua bao nhiêu trận, Trần Quý Khoáng thế yếu quá không thể chống với quân giặc được nữa, phải vào ẩn núp ở trong rừng núi. Chẳng được bao lâu Trần Quý Khoáng, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, Nguyễn Súy đều bị bắt, và phải giải về Yên Kinh cả. Đi đến giữa đường, Quý Khoáng nhảy xuống bể tự tử, bọn ông Đặng Dung cũng tử tiết cả.

Cha con ông Đặng Dung đều hết lòng giúp nước phò vua, tuy không thành công được, nhưng cái lòng trung liệt của nhà họ Đặng cũng đủ làm cho người đời sau tưởng nhớ đến, bởi vậy hiện nay còn có đền thờ ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Nhà Hậu Trần nổi lên toan đường khôi phục, nhưng hiềm vì nỗi lòng người còn ly tán, thế lực lại hèn yếu, cho nên chỉ được 7 năm thì mất.

Lấy trọn được nước ta xong, nhà Minh sửa sang các việc trong nước để khiến cho người An Nam đồng hóa với người Tàu. Lập ra đền miếu, bắt người mình cúng tế theo tục bên Tàu, rồi từ cách ăn mặc cho đến chí sự học hành, việc gì cũng bắt theo như người Tàu cả. Còn cái gì là di tích của nước mình như là sách vở thì thu nhặt đem về Tàu hết sạch. Lại đặt ra thuế lệ, bổ thêm sưu dịch để lấy tiền của, làm cho dân ta bấy giờ phải nhiều điều khổ nhục.

Yên Hà, tháng Giêng, 2017
Tài-liệu nguồn :
- Việt-Nam Sử-Lược (1919) : Lệ Thần Trần Trọng Kim

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.