ARTSHARE

Feb 8, 2012

Con đuờng âm-nhạc tôi đi (2) - Thuỵ Uyên


( đoạn cuối phần 1 :
Mê nhất là Joe Cocker với bài With a little help from my friend, Santana với Soul Sacrifice, The Who với Feel me, và chính bài Woodstock qua sự trình diễn của Crosby, Stills, Nash and Young.)
 
Cùng vào thời-gian này, rất nhiều ban nhạc trẻ Việt Nam được thành-lập. Tôi thích nhất Strawberry Four với Tuấn Ngọc, Đức Huy, Minh Phúc và Tùng Giang. Tôi cứ tưởng-tượng họ là " The Beatles " của Việt-Nam. Tôi ghép anh Tuấn Ngọc với John Lennon, Đức Huy với George, anh Phúc với Paul và anh Tùng Giang với Ringo. Nhìn họ ôm cây guitar, vừa đàn vừa hát, tôi thích-thú vô cùng. 
Trước đó, đã có ban nhạc The Spotlights với Đức Huy, Billy Shane, Tiến Chỉnh là những ca nhạc sĩ tôi rất ái mộ. 
Tôi chợt nghĩ đến anh Châu Nhi tôi và tiếc anh ấy đã đi sang nước ngoài. Nếu anh ấy còn ở nhà, tôi đã xin anh ấy chỉ-dạy cho tôi vài ngón đàn guitar. Sực nhớ có cây đàn và quyển sách guitar anh để lại, tôi mở ra xem, bắt đầu tự tập lấy, và đã học biết bấm sơ qua một số accords căn-bản.  

The Rabbits
Rồi lần lượt, tôi yêu mến các ban nhạc như Blue Jets ( sau đó là UpTight ) với 3 anh em Tú-Hà-Thúy, The Dreamers với chị Julie (Quang), các " Con Bà Cụ " (CBC) với các chị Bích Liên, Bích Loan và Marie. Tôi đặc-biệt chú-ý đến ban nhạc trẻ phái nữ đầu-tiên và duy-nhất của Việt-Nam thời bấy giờ, The Blue Stars, vang dội khắp nơi. Tôi thấy họ " chì " quá, và mong mỏi được một ngày sẽ gặp họ.

Và rồi, tình cờ tôi đã gặp Christiane Bê, ca sĩ, Trang, tay lead guitar và là con gái ông Ngọc, ông bầu của Blue Stars, Phượng bass guitar, và hai chị em Vân, trống, và Nga, guitar phụ.
Sau đó không lâu, một ngày khi tôi đến " jam " nhạc với The Blue Stars, chị Bê ngỏ ý muốn mời tôi gia-nhập ban nhạc phái nữ do chính chị đang định thành-lập, lấy tên là The Rabbits. Hỏi vai-trò của tôi phải làm gì, chị Bê trả lời " Lead guitar ", tôi giật-mình hơi sợ, vì có bao giờ tôi nghĩ đến việc này ? Cái thú cầm đàn guitar của tôi chẳng qua là muốn biết tửng-tửng vài accords học qua-loa trong sách, để tự đệm lấy hát những bài hát cho vui. Thế sao tôi có thể nhận đảm-trách này?
Anh Trí, lúc ấy là vị hôn-phu của chị Bê, khuyến-khích rằng anh ấy sẽ tập cho tôi. Anh ấy nhận ra tôi có khiếu về âm-nhạc, và nói tôi sẽ học guitar nhanh lắm thôi. Tôi do dự mãi, trong bụng không yên tâm với khả-năng đàn guitar của mình. 

Chuyện ! Sao gọi là khả-năng được ? Từ thuở bé đến nay, tôi được học đến nơi đến chốn môn vĩ-cầm, chứ có học qua tây-ban-cầm bao giờ đâu ? Nhưng cái đam mê cầm cây guitar, vừa đàn vừa hát, mường-tượng đến hình-ảnh chính mình tự ví với nữ ca sĩ Pháp tài ba Françoise Hardy, đã khiến tôi tự tin tôi sẽ làm được. 
Tôi nhận lời The Rabbits, nhưng có nói còn phải xin phép Bố. Họ đến nhà xin phép Bố mãi, Bố mới bằng lòng cho tôi gia-nhập, nhưng với điều-kiện tôi phải đỗ Tú Tài. Năm ấy là năm Terminale ở Marie Curie, được Bố hứa hẹn, tôi học gạo ngày đêm quyết-tâm thi đỗ, để giấc mơ đi vào con đường nhạc trẻ của tôi thành sự-thật.
Tôi còn nhớ mãi, ngày đi xem kết quả Bac II, chị Bê và chị Vân đi theo tôi đến trường Marie Curie. Khi thấy tên tôi ghi trên bảng, họ ôm chầm lấy tôi cười vui sướng. Tôi cũng vậy, trong bụng như mở cờ, nghĩ đến con đường ca nhạc tôi sắp bước vào.
Vài tháng đầu, anh Trí bỏ công tập cho tôi tất cả những bài trong vốn ban nhạc đã có sẵn. Tôi học rất nhanh, và rồi, chỉ vài tháng sau, chúng tôi bắt đầu " ra quân " với thành-phần : Christiane Bê, ca sĩ, Diệu Tâm, organ, Vân, trống, Nga, bass và tôi, lead guitar.


Chị Bê, Diệu Tâm, Vân và Nga lo cho tôi lắm. Họ lo cho tôi từ cách ăn mặc, chỉ bảo cho tôi những kinh-nghiệm trên sân khấu, và xúm vào trang-điểm cho tôi.
Ngày đầu tiên đi hát, chúng tôi vào một căn-cứ quân-đội Hoa Kỳ tại Long Bình. Qua trạm kiểm-soát, chúng tôi theo đuôi chiếc xe Jeep đến câu-lạc-bộ. Vừa vòng đến cửa sau câu-lạc-bộ, tôi để ý thấy một nhóm quân-nhân Hoa-Kỳ đã đứng chờ sẵn ở đấy. Chiếc xe “van” vừa đậu, họ đã ùa đến vây quanh chúng tôi, mừng rỡ bắt tay chào hỏi, và xúm nhau khuân vào hết dụng cụ máy móc.
Tôi hơi bỡ ngỡ và run sợ, có lẽ vì là lần đầu tiên tôi phải trình-diễn trước đám đông. Chị Bê vỗ về, cười cười, bảo :
" Cứ xem như mình dợt ở nhà nhe ? Đừng nghĩ gì hết " .
Tôi lặng lẽ lôi trong bị mang theo, nào là một ít cơm nắm, quả chuối và...một cuộn giấy toilet. Chị Bê, chị Vân và Nga trông thấy ngạc nhiên hỏi " giấy toilet ? " Tôi ngập-ngừng nói " đề phòng nhỡ mình cần đi toilet chứ ? ".
Các chị phá ra cười, và trêu-chọc tôi suốt đêm. 
Đêm ấy thành-công mỹ-mãn, đánh dấu bước đầu tiên trên con đường sự-nghiệp âm-nhạc của tôi. Và từ đó, The Rabbits chúng tôi hằng tuần đi lưu-diễn trong tất cả các câu-lạc-bộ Hoa Kỳ tại miền Nam như Long Bình, Cam Ranh, Cần Thơ, v...v...
Ngày càng nổi-danh, chúng tôi nhận giao-kèo thêm với các phòng-trà ở Saigon như phòng-trà Tự Do, Baccarat, Queen Bee, Maxim's, Eve's club, Đêm Mầu Hồng, v...v...

Đôi song-ca Đức Huy - Thanh Tuyền
Sau khoảng một năm với The Rabbits, tôi cộng-tác với nhạc-sĩ Đức Huy qua tên " Cặp song ca Đức Huy - Thanh Tuyền ". 
Chúng tôi đi hát vòng quanh Saigon trong những phòng-trà, thành-công rực rỡ với những nhạc-phẩm do chính Huy viết và loại nhạc " dân ca " (folk) của James Taylor, Joan Baez, Joni Mitchell, Peter Paul and Mary, Simon and Garfunkel, etc..
Tôi hân-hạnh là người đầu tiên viết hộ cho Huy nốt nhạc và trình-diễn nhạc bản " Cơn Mưa Phùn ", tác phẩm đầu tay của anh, và tiếp theo một số bài nổi tiếng khác của Huy như " Bay đi cánh chim biển "... 
Hình ảnh Đức Huy và tôi, với mỗi người một cây đàn thùng, trong cách ăn mặc " bụi đời ", thoáng pha vào chút Hippies là những hình ảnh thật đặc-biệt tôi ghi nhớ mãi trong lòng.

Hậu Đức Huy - Thanh Tuyền
Sau khi tạm ngưng cộng-tác với Huy, tôi đơn độc đi hát, cũng vòng quanh các phòng-trà ở Saigon. Nhờ thế, tôi có dịp lân la quen thân với các bạn ca nhạc sĩ như anh em Anh Tú/Khánh Hà, và Duy Cường của The Dreamers.
Chúng tôi thân nhau như ruột thịt trong gia đình. Gần như mỗi cuối tuần, Anh Tú chịu khó đến nhà tôi ở Tân Định, nhập vào " sòng chắn ", đánh bài với Mẹ và các Cậu Mợ, họ hàng trong gia đình tôi. Tôi chỉ ngồi " chầu rìa " bên cạnh Tú, vừa chia bài, vừa xem Tú đánh. Nhờ thế tôi đã biết chơi đánh chắn, đánh cạ này. Bạch thủ, Trì, Tôm (thất văn/tam sách/tam vạn), Lèo (Chi chi/Cửu vạn/Bát sách), Thập Hồng, Bạch định, Kính Cụ, Kính Tứ Cố, v.v.. Đánh chắn phải đầy đủ 5 người, thiếu một chân, thì quay sang đánh Bí Tứ, thiếu thêm một chân nữa, chỉ còn 3 người, thì thành chắn phỗng. Tôi vẫn còn nhớ khuôn mặt nhăn nhăn của Tú, tay đập khẽ vào vai tôi, miệng suýt xoa : " Giời ơi Tuyền ơi, mất ù rồi ! ".

Những ngày cuối tuần không đánh chắn với Tú, tôi lại hẹn gặp Duy Cường, rồi chúng tôi cùng với một số bạn ca nhạc sĩ khác, như Trung Hành, chị Carol Kim, lại rủ nhau đi tắm hồ. Tình bạn giữa tôi và Lã Anh Thịnh ( Anh Tú ) và Duy Cường ngày càng thắm thiết, cho đến ngày chúng tôi không còn dịp gặp nhau nhiều. UpTight và The Dreamers nổi danh như cồn, đi trình-diễn khắp nơi, bận-bịu nhiều trên con đường sự-nghiệp của họ.

Và rồi, tôi gặp toàn thể ban nhạc Enterprise, với Trung Nghĩa, anh Kasim, anh Lý Được và Mạnh Tuấn/Kim Oanh.
Thụy Uyên, tháng 2, 2012
(xin đón đọc Phần 3)

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.