ARTSHARE

Oct 2, 2018

Nhạc 60-70 của tôi (Phần 2) : Nhạc Anh-Mỹ

Phần 1 : Nhạc Việt-Nam
https://phu-tran.blogspot.com/2018/08/nhac-60-70-cua-toi-phan-1-nhac-viet-nam.html

Phần 2 : Nhạc Anh-Mỹ
Hai quốc-gia Anh và Mỹ dùng chung một thứ tiếng (tuy rằng văn-phạm, từ-vựng, phát-âm, … có đôi chút khác biệt) nên chúng ta thường không phân-biệt xuất-xứ một bài hát, cũng như nhạc tiếng Tây-Ban-Nha còn có thể của Mễ-Tây-Cơ, Cuba, Á-Căn-Đình,…
Đây cũng là cơ-hội để chúng ta trả lại cho Caesar những gì của Caesar.

Trước khi vào đề, tưởng cũng nên thông-báo trước với bạn đọc rằng phân-loại ở đây không thể hoàn toàn đúng được vì một ban nhạc thường chơi nhiều thể loại chứ không phải chỉ có một, cho nên xin bạn đọc đừng để ý quá nhé.
Mặt khác, tôi cũng không thể (muốn) kê ra hết từng tiểu loại hay từng ca-nhạc sĩ. 
Để có đầy đủ chi-tiết hơn, xin bạn đọc lên Mạng để tham khảo kỹ lưỡng hơn.

2.1 Nhạc Mỹ 50-60
Như đã nói, thuở còn bé, trước khi nghe “nhạc của tui”, tui đã được nghe ké nhạc người lớn. Bố mẹ tôi thường nghe nhạc tiền-chiến, nhưng hai ông chú tôi, vì trẻ hơn bố nên ngoài nhạc Việt-Nam, còn nghe thêm nhạc ngoại-quốc. Mà ngoài nhạc Pháp (ảnh-hưởng thời Pháp-thuộc) thì còn nhạc gì? 
Vì là một quốc-gia “mới” (New World) so với các châu khác, đất đai bao la mà tài-nguyên cũng lắm và nhất là nhờ vào tinh-thần cầu-tiến của dân-chúng (dân tứ-chiếng đến khai-khẩn đất mới) nên Hoa Kỳ đã sớm trở thành một quốc-gia hùng mạnh, đứng đầu thế-giới trên mọi mặt, chính-trị, quân-sự, kinh-tế, ... Do đó, mọi quốc-gia đều chịu ít nhiều ảnh-hưởng văn-hoá Mỹ, và dĩ-nhiên âm-nhạc Mỹ đã bắt đầu lan tràn khắp nơi. Và chú tôi lúc đó đã nghe nhạc Mỹ.

Giữa thập-niên 50, xuất-hiện một dòng nhạc hình-thành từ Rhythm and Blues (R&B) và Country music (nhạc đồng quê) của những thập-niên trước. Đó là Rock and Roll. 
Một phát-minh đã giúp vào sự thành-công của loại nhạc này là đàn điện, máy ampli, mi-crô để làm tăng thêm phần kích động và máy hát dĩa 45 tours để phổ biến rộng hơn.
Khó mà nói ai là cha đẻ của nhạc Rock nhưng ca-nhạc sĩ tiên-phong có lẽ là Chuck Berry.

Sau đó, Elvis Presley đã nổi bật với danh-hiệu King of Rock & Roll (Hoàng đế Rock & Roll) hoặc ngắn hơn, The King.
Những bài đầu tiên vào ngay Top hits là Heartbreak Hotel và Love me tender năm 1956. Có ai lại không biết những bài này, cũng như sau đó, những bài Don’t be cruel, It’s now or never, Are you lonesome tonight? hay Can’t help falling in love?
Chú tôi dĩ nhiên là mê, cho nên tôi biết những bài này từ lâu lắm.

Trong những bài nhạc phổ-thông khác (= pop music, chữ tắt của popular music: cũng nên nhắc là pop music không phải là một loại nhạc mà chỉ là nhạc phổ-thông của mỗi thời), tôi cũng được nghe ké Paul Anka và bài Diana, nữ tài tử - ca sĩ Doris Day và bài Que sera sera (What ever will be, will be), Neil Sedaka (Oh Carol) và dĩ nhiên phải có Frank Sinatra trong thập-niên 60, với Strangers in the night và My way (phỏng theo bài Comme d’habitude của nhạc-sĩ Pháp Claude François).
Còn có bài 
You’ll never know, hát với giọng rất thấp, rất trầm, tôi thích lắm nhưng không còn nhớ nổi ai hát nữa.
Trong thời-điểm này, nhất định không thể quên ban nhạc da đen The Platters với những bài tha thiết như Only you, My prayer, Smoke gets in your eyes, The great pretender,…

Rock & Roll và âm-nhạc Mỹ lan tràn ra ngoài nước Mỹ, nhất là bên Anh vì dùng chung một ngôn-ngữ và có nhiều nét văn-hoá giống nhau.

2.2 Nhạc Anh-Mỹ 60-70
Thập-niên 60 trở thành mấu quan-trọng nhất trong lịch-sử âm-nhạc Âu-Mỹ. 
Rock&Roll kết hợp với những thể loại khác thành Blues Rock, Folk Rock, Country Rock, Psychedelic Rock, Progressive Rock, …, trong khi những dòng nhạc Funk, Soul, Rhythm&Blues vẫn tiếp tục. Đúng là “trăm nhạc đua nở”.

2.2.1 Nhạc Anh 60-70
Bên Anh quốc, cuối thập-niên 50, vô số những ban nhạc được thành-lập chung quanh những tỉnh Manchester, Birmingham, London và nhất là Liverpool.
Beat music (thường bị gọi trại là nhạc Pop), kết hợp từ Rock&Roll và Midtempo beat sẽ là một thể-điệu chính cho những ban nhạc Anh. Nói chung, nhạc này "nhẹ" hơn Rock.

Nổi tiếng nhất dĩ nhiên là The Beatles (tên này đến từ ban nhạc thần-tượng Mỹ Buddy Holly and the Crickets = dế, so với beetle= bọ). Beatlemania là hiện-tượng quan-trọng nhất của pop music thời đó và the Fab(ulous) Four đã để lại dấu ấn thật sâu đậm trong lòng người yêu nhạc (hơn 800 triệu đĩa bán trên khắp hoàn-cầu).
Trong những bài nhạc đầu tiên, Please, please me, Love me do, From me to you, She loves you,… bắt đầu leo lên bậc Top hits. Đầu 1963, I want to hold your hand đứng đầu Billboard Hot 100 của Mỹ, đánh dấu cuộc “xâm lăng” ngược trở lại Mỹ (British invasion), khi sau đó The Beatles được mời tham-gia chương-trình Ed Sullivan show.
Nói về Pop music 60-70, chắc hẳn chúng ta sẽ phải ghi nhớ mãi biết bao nhiêu bài nhạc của ban nhạc này?

Một vài ban nhạc Anh nổi tiếng khác (đừng bắt tôi kể ra hết nhé) mà tôi sẽ không quên:
- The Moody Blues: Thuở xưa đi "bùm" ở Sài-Gòn, mấy cậu, ai chẳng rình rình những nốt nhạc đầu tiên của bài Nights in white satin trổi lên để đi mời đào nhảy?
Procol Harum với A whiter shade of pale (cũng y như Nights in white satin nói trên), Homburg, …
Herman’s Hermits với No milk today và There’s a kind of hush, …;
- Eric Burdon và The Animals với bài The house of the rising sun bất hủ mà người mới tập chơi ghi-ta cũng phải thử qua, Don’t let me be misunderstood, … Cái giọng khoẻ và khàn của Burdon thật hợp với nhạc Blues. Tôi rất thích album Before we were so rudely interrupted khi ban nhạc tụ lại một lần nữa để ra đĩa này;
- The Hollies (Bus stopHe ain’t heavy, he’s my brother,…);
- The Troggs với Wild thing,..

Trong thể loại này còn có vài ca sĩ như:
Cliff Richard (& The Shadows một dạo) đã là một trong những ca sĩ đầu tiên tôi mê với The young ones, Summer holiday, When the girl in your arms,…
Peter and Gordon với A world without love,…;
Petula Clark, mệnh danh là The First Lady of British Invasion, hát tiếng Anh và tiếng Pháp, với Downtown, Chariot, …;
Donovan với Mellow yellow,...;
Cat Stevens (Wild world, Lady d’Arbanville, Where do the children play,…); sau này, anh quay sang đạo Hồi;
- Sir Tom Jones (She’s a lady, What’s new Pussycat, Delilah, Green green grass of homeSex bomb, …)
- Sir Elton John nhưng tôi không thích cho lắm;
- … …

Song song với Beat, thể loại British Blues cũng phát triển mạnh với

- The Rolling Stones và anh ca sĩ môi dầy Mick Jagger: (I can’t get no) Satisfaction, Lady Jane, Let’s spend the night together,... Nhạc này hơi “ồn ào” và thành viên hơi “bê tha” nên có lẽ ít người thích hơn (?)

- The Yardbirds nổi danh với 3 tay đàn khét tiếng là Eric Clapton (mệnh danh Slowhand, sau này lập ban nhạc Cream, với những bài Sunshine of your love, White room, Badge,…), Jimmy Page sau này sáng lập Led Zeppelin (gọi tắt là Led Zep) mà tôi mê nhất là bài Stairways to heaven, và Jeff Beck mà tôi ít theo dõi.

Psychedelic hơn có Pink Floyd (tôi mê nhất là Shine on your crazy diamond, Wish you were her, Dark dide of the moon,… và tôi nghĩ có lẽ nghe nhạc này một khi đã hít vài hơi Marijuana vào thì chắc phải phê lắm?, chưa thử nên tôi không biết.
Ngoài ra, còn có Joe Cocker nổi tiếng với bài With a little help from my friends, nhạc của The Beatles mà lại đặc biệt hơn, “hay” hơn The Beatles mới chết chứ? Giọng anh này khàn đục (không biết có phải do rượu, thuốc lá, ma tuý không?) mà cách trình diễn trên sân khấu say mê như “lên đồng”, phê lắm.

Nặng hơn là Hard Rock hay Heavy Metal (phân biệt hai loại này không dễ, có người nói Hard rock dựa trên Blues còn Heavy metal dựa trên nhạc cổ-điển?), với những ban nhạc như Led Zeppelin, The Who (tay ghi-ta nổi tiếng ở điểm mỗi lần lên sân khấu, anh lại đập gãy đàn), Black SabbathQueen hay Deep Purple (Smoke on the water, Black night,…).

Progressive Rock
Chuyển biến từ Blues Rock và Psychedelic Rock, thể loại này là sở-trường các ban nhạc Anh như King Crimson; Genesis (ca sĩ Peter Gabriel sau được thay thế bởi tay trống Phil Collins); Jethro Tull; Emerson Lake and PalmerPink Floyd, …

2.1.2 Nhạc Mỹ 60-70
Những thể-loại nhạc Pop music Mỹ vẫn tiếp tục phát huy, nhất là với sự bổ-túc ảnh-hưởng các ban nhạc Anh (British invasion).
Năm 1964, tổng thống Johnson gửi quân đội Mỹ đến Việt Nam trực tiếp tham chiến, đem sang cả âm-nhạc của họ qua những đài phát thanh và truyền-hình. Giới trẻ Sài-Gòn (trong đó có tôi) say mê với nhạc Mỹ, và những ban nhạc Việt (gọi là nhạc trẻ) mọc lên như nấm sau cơn mưa để chơi trong những phòng trà hay câu lạc bộ Mỹ, mỗi ban nhạc với một thể loại, một phong cách riêng.

Cuối thập-niên 60, vài đại nhạc hội đã giúp cho phong trào phát-triển thật mạnh:
Monterey International Pop Music Festival, tổ-chức tại Monterey (California) tháng 6, 1967;
- Summer of love, mùa hè 1967 tại San Francisco (California), quy tụ một trăm ngàn người trong giữa phong trào Hippie;
Woodstock Music & Art Fair tổ chức vùng Nam tiểu-bang New York, tháng 8, 1969, có bốn trăm ngàn người tham dự; cuốn phim này tôi đã xem đi, xem lại biết bao nhiêu lần?;
Isle of Wight Festival (Anh Quốc) tháng 8, 1970 là vĩ đại nhất (kỷ-lục Guinness với 600-700 trăm ngàn người)
Đó là không kể những đại-hội nhỏ hơn khắp nơi: Newport Folk festival, Altamont Speedway free festival, …

Những thể-loại nhạc
Nhạc Folk
Tiếp nối Pete Seeger và Woody Guthrie có Nữ hoàng Folk Joan Baez và người yêu-protégé Bob Dylan (ai lại không biết Blowin’ in the wind hay The times they are a-changin’ ?). Năm 2016, ông Hoàng đế Folk này được trao giải Nobel Văn-chương qua lời những bài hát của ông.

Trong loại nhạc này còn có The Byrds (Mr Tambourine man), Peter, Paul and Mary (Lemon tree, 500 miles,…),… và vài ca-nhạc sĩ Canada như Leonard Cohen (tôi thích nghe nhưng nhạc buồn lắm), Joni Mitchell (một nhạc-sĩ rất phong phú: Both sides now mà ai cũng biết bản của Judy Collins, Woodstock, …).

Một “chi-nhánh” của Folk là Folk Rock với
-  The Mamas and the Papas (California dreamin’, Monday Monday, …);
- The Monkeys (I’m a believer, Last train to Clarksville, …);
- The Lovin’ Spoonful (Summer in the city, Daydream, …);
Lobo (I’d love you to want me, How can I tell her,…);
Crosby, Stills and Nash (tôi thích khi có thêm Neil Young hơn);
… …
Một số thành công với phong cách Duo:
Simon and Garfunkel (The sound of silence, Bridge over troubled water, Mrs Robinson,…);
Sonny and Cher với I got you baby, The beat goes on, … (Sau này Sonny quay sang đóng phim và làm chính trị trong khi Cher vẫn tiếp tục hát);
- The Carpenters (hai anh em Karen và Richard Carpenter) với Please, Mr Postman,…

Loại nhạc này đã là thể loại chính của Đức Huy-Thanh Tuyền một dạo, với phong cách mỗi người một cây đàn thùng.
Chơi loại nhạc này với toàn đàn thùng còn có ban nhạc Mây Trắng với bài tủ Đồng xanh-Green fields.

Blues Rock
Canned Heat (Tôi chỉ biết có bài On the road again);
Jefferson Airplane (Somebody to love, White rabbit,…), sau này thay đổi nội bộ trở thành Jefferson Starship;
Janis Joplin: cô này thì có lẽ xì-ke-đê-lích nhất, giọng rất đặc biệt, với những bài Me and Bobby McGee, Cry baby, Summertime,… nghe phê ơi là phê. Tôi có xem phim The rose, Bette Middler đóng, dựa trên cuộc đời của cô;
Johnny Winter, chàng nhạc sĩ “bạch tạng” (albinos= da, tóc, mắt trắng nhạt);
The J.Geils BandAllman Brothers BandLynyrd SkynyrdZZ Top,… tôi ít nghe hơn.

Psychedelic Rock
Kỹ-nghệ âm-nhạc lúc đó lên như diều. Tiền và danh tiếng khiến ca-nhạc sĩ muốn “sống vội” để tận hưởng sự thành-công của mình và một số sa vào những thú vui “ảo tưởng” với ma tuý (marijuana, LSD,…) và âm-nhạc họ trở thành “phê” hơn. Điển-hình nhất là:

Jimi Hendrix, anh chàng nhạc-sĩ da đen chơi đàn tay trái, và ban nhạc The Experience (Hey Joe, Purple hazeWoodoo child, cũng như bài quốc ca Mỹ chơi một cách rất “lạ”,…)

Jim Morrison và The Doors với Light my fire, Hello I love you, L.A. woman, Riders on the storm,…

Thật đáng tiếc cả ba nhạc sĩ đầy tài năng là Janis Joplin, Jimi Hendrix và Jim Morrison (chôn ở nghĩa-trang Père Lachaise, Paris) đều phải trả giá đắt cho ma tuý khi ra đi năm 27 tuổi. Ba người này mất đi, thể-loại này cũng suy giảm.

Hard Rock / Heavy Metal
Mỹ có Steppenwolf (Born to be wild, Magic carpet ride,…), AerosmithAlice CooperBlue Oyster Cult, Kiss, Van Halen, Foreigner, …

Soft Rock
Soft là nhẹ nên nhạc này dùng ít nhạc khí, thường là ghi-ta thùng, piano,…
Biểu tượng là Carole King (It’s too late, You’ve got a friend,…), James TaylorBilly Joel (biệt-danh Piano Man, với những bài Honesty, New York state of mind, …), Barry Manilow (Memory,…), Barbara Streisand (Woman in love,…).

Jazz Rock
Loại nhạc này thì thuở đó, Việt-Nam ta ít nghe lắm (riêng tôi, sau này tôi mới thích thôi) nhưng cũng có vài ban nhạc như Blood, Sweat and Tears; Frank Zappa; Chicago, …

Surf Rock
Loại này dùng nhạc khí, thêm vào thật nhiều reverb trên ghi-ta qua những ampli Fender, âm thanh gợi tiếng sóng ngoài biển và hình ảnh lướt sóng (surf). Nổi tiếng là The Ventures (Mỹ) hay the Shadows (Anh).
Surf Rock còn là một điệu nhạc mà điển hình là The Beach Boys (Surfin’ USA, Sloop John B, Do you wanna dance,…).

Country Rock - Roots Rock
Nhạc Country thuần-tuý Mỹ thì Việt-Nam mình ít biết (tôi chỉ biết bà Dolly Parton vì một đặc-điểm to lớn của bà) nhưng pha với Pop, Rock thì có lẽ mình quen hơn.
Có những ban nhạc trở về nguyên-thuỷ của nhạc Mỹ và chơi một loại Rock “Country” hơn, giản dị hơn:
Creedence Clearwater Revival (CCR), John Fogerty thủ vai chính: nhạc này lôi cuốn lắm, với rất nhiều hits như Susie Q., Proud Mary, I put a spell on you, Have you ever seen the rain, Who’ll stop the rain,… nhiều lắm, kể sao cho hết?
Neil Young, gốc Canada, với những lời nhạc rất ý nghĩa, rất “cá nhân tính”; tôi thích nhất tập album Harvest (Harvest, Heart of gold, The needle and the damage done để tưởng nhớ người bạn chết vì ma tuý,…);
- The Eagles, một ban nhạc mà vợ tôi mê lắm, nhạc sĩ nào cũng đàn giỏi, hát hay: bất hủ nhất là bài Hotel California nhưng còn bao nhiêu bài khác thật hay như Take it easy, Witchy woman, New kid in town, One of these nights,…; đối với tôi, gần như bài nào cũng là hit được;
Linda Rondstadt (Blue bayou, You’re no good, It’s so easy,…);
Emmylou Harris với Diamonds are a girl’s best friend (bài này "nguy hiểm" lắm, tôi đã phải “cấm” vợ tôi nghe);
- … …

Rhythm & Blues  và Soul music
Từ đầu bài đến giờ, chúng ta chỉ thấy độc là ca-nhạc sĩ da trắng, ngoài trừ vài nhạc-sĩ da “nâu” như Chuck Berry, Jimi Hendrix... Hình như người da đen vẫn đi theo truyền-thống nhạc của họ: Ragtime, Jazz, Blues, Gospel Blues, Rhythm and Blues và Soul.
Thuở đó, tôi chưa biết nghe nhạc Jazz, Blues và chỉ biết hai thể loại sau, phổ thông hơn do hãng đĩa Motown phổ biến, qua những ban nhạc da đen, rất đặc biệt với lối trình-diễn trên sân khấu:
- Đầu tiên là Diana Ross và the Supremes với những hits như Where did our love goBaby loveStop! In the name of love,  … Sau đó, Diana Ross tách ra hát riêng;
Roberta Flack (The first time ever I saw your face, Killing me softly with his song,…);
- The Temptations và bài My girl độc đáo với đường Bass dạo đầu, Get ready, Papa was a rolling stone,…;
- The Four TopsI can’t help myself, Reach out, I’ll be there,…;
- The 5th Dimension (Aquarius/Let the sunshine in);
Marvin GayeLet’s get it on, You are everything (hát duet với Diana Ross),…;
- Năm anh em Jackson 5 với I’ll be there, Who’s lovin’you,… Michael Jackson sau này sẽ là người em được tôn vinh là King of Pop với phong cách hát, nhảy, ăn mặc,… và cuốn album Thriller rất nổi tiếng;
Nói đến Soul, nhất định không thể quên
Wilson PickettIn the midnight hour, Mustang Sally,…;
Percy Sledge với bài Slow bất hủ When a man loves a woman,…;
Stevie Wonder (Uptight, My cherie amour, You are the sunshine of my life, Superstition,…);
Ray Charles (Hit the road Jack, Georgia on my mind, I can’t stop loving you,…);
James Brown, Godfather of Soul, nổi tiếng với lối trình diễn trên sân-khấu và nhịp-điệu nhạc qua những bài It’s a man’s man’s man’s world, I feel good, Sex machine, …);
Otis Redding, the King of Soul với những bài hát thật da diết như I’ve been loving you too long, These arms of mine, (Sittin’ on) the dock of bay,…;
- … …

và nhất là Aretha Franklin, Queen of Soul, (Respect, I say a little prayer, Chain of fools, A natural woman,…) trước khi bà rời cõi trần tháng 8 năm nay 2018.



Latin Rock
Song song với nhạc Soul của người da màu, người Mỹ gốc Nam Mỹ cũng đóng góp vào nhạc Pop Mỹ với nhãn-hiệu Latin Rock.
Năm 1958, ca sĩ gốc Mễ Richie Valens đã có bài La bamba nổi tiếng nhưng ban nhạc gốc Mễ thành-công nhất chắc hẳn là Santana với một loại nhạc thật “bốc” của nhạc cụ gõ (trống, bongo, conga, ...) và ngón đàn thật “ngọt”: điệu Chacha/Samba với Black magic woman, Corazon espinado, Oye como vaEvil ways, …, Slow “mùi” với Samba Pa Ti, Europa, Moonflower,… Ôi chao ôi, phê quá là phê!

Disco
Bước sang thập-niên 70, hiện-tượng này làm nổ tung sân-khấu Pop và khuấy động sàn nhảy những hộp đêm.
Từ chữ Pháp Discothèque (nơi chứa đĩa hát, còn có nghĩa là hộp đêm), Disco là một loại nhạc và một loại nhảy xuất hiện từ môi-trường khiêu vũ. 
Những cuốn phim Saturday night fever với tài-tử John Travolta (1977), Grease với John Travolta và Olivia Newton John (1978) và Thank God, it’s Friday (1978) đã là những pháo bông cho hiện-tượng này.
Nổi tiếng với loại nhạc này có Donna Summer (Hot stuff, Try me I know we can make it, On the radio,…); The Bee Gees của ba anh em Gibb với nhiều bài độc đáo như I started a joke mà không ai không biết, How can you mend a broken heart, MassachusettsNight fever, …; Gloria Gaynor (I will surviveCan’t take my eyes off you,…); The Village People (YMCA,…); Chic (Le Freak,…); Thelma Houston; …
Disco rốt cuộc chỉ là một phong trào không bền bĩ lắm nhưng điệu nhạc này “bốc” lắm, đi hát mà chứ trổi lên là sàn nhảy đầy ngay.

2.1.3 Những nhạc tiếng Anh khác
Tiếng Anh đã trở thành ngôn-ngữ thông-dụng nhất hoàn cầu và hát tiếng Anh những loại nhạc này cũng có nhiều ban nhạc nước khác như:
- Úc: Nổi nhất là The Bee Gees; AC/DC (Hard Rock), Olivia Newton-John (Country, Disco),… ;

- Về phía Jamaica, cũng nên nói phớt qua về dòng nhạc Reggae với bộ ba Bunny Wailer, Peter Tosh và nhất là Bob Marley (Exodus, Is this love, I shot the sheriff, …). Bạn nào đi cruise về phía những đảo Caribbean thì trên tàu, thế nào cũng được nghe loại nhạc này.

- Âu-Châu: Ngoài Anh ra, còn có Hoà Lan (Shocking Blue với Venus); Thuỵ-Điển có ABBA; Hy lạp với Demis Roussos-Aphrodite’s Child (Rain and tears); Đức với Scorpions, Tangerine Dream, Boney M (Disco)…; …

Viết đến đây, đánh trên bảng gõ gần gãy ngón tay, tôi chợt tự hỏi sao lúc đó, nhạc Anh-Mỹ này nhiều khủng khiếp thế nhỉ? Tôi nhớ thuở đó, cứ đến cuối năm, ôm cái radio, nghe Billboard 100 Top Hits, tha hồ là sướng lắm.
Đọc đến đây, chắc những thành-viên Medicare như tôi không khỏi bùi ngùi, tưởng nhớ lại một thời xa xưa?
Vợ tôi thì khỏi nói, rành hơn tôi nhiều, bài gì cũng biết, mà còn thuộc lời nữa, bài này nếu là nàng viết thì chắc phải dài gấp đôi là ít.

Thôi, chúng ta sẽ nói đến nhạc tiếng Pháp của tôi trong số sau nhé
https://phu-tran.blogspot.com/2018/12/nhac-60-70-cua-toi-phan-3-nhac-phap-ye.html

Yên Hà tháng , tháng 10, 2018

Tài-liệu nguồn: Wikipedia

3 comments:

  1. Perfect synopsis
    "Sir Elton John nhưng tôi không thích cho lắm" Why?? Pede? :))

    ReplyDelete
  2. Ngoc Phu viet ve nhac Anh-My rat Tuyet voi, kha nhieu chi tiet lam nho lai thuo thanh Xuan, cam on Phu va Tuyen luon dem lai mau sac hang thang qua artshare de cac ban cung nhau thuong thuc

    Bonne journee a vous deux,

    Vu Tat Thang va Therese Thanh Van

    ReplyDelete
  3. Toan & Nha-Y wrote:
    Cám ơn anh Thắng chuyển cho nghe Artshare tháng 10. Rất vui khi nghe Thanh Tuyền Ngọc Phú trình diễn.
    Vuong Tu Toàn va Nha Y

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.