ARTSHARE

Dec 18, 2017

Con Rồng Cháu Tiên (19) : Thời-kỳ Pháp thuộc



4. Thời-kỳ Pháp thuộc (1874-1954)
4.1 Bối cảnh lịch sử
Để hiểu rõ thời-kỳ này, chúng ta cần biết rõ hơn về chính-sách thực-dân và bối-cảnh lịch-sử thời bấy giờ
4.1.1 Chế-độ thực-dân
Giữa thế-kỷ thứ 19, các quốc-gia Âu Châu bắt đầu đẩy mạnh chủ-nghĩa thực-dân, nhất là sau thời-đại khám phá (thế-kỷ 15-16).
Chủ-nghĩa này dựa trên chủ-nghĩa đế-quốc (imperialism) nhằm bành trướng lãnh thổ, đã có từ thời Hy-lạp xưa, thời La Mã, thời Mông-Cổ của Thành Cát Tư Hãn và giữa những nước châu Âu lẫn nhau.
Có lẽ chiến đấu với những nước lân cận hao tốn mà không đi đến đâu nên đến một lúc nào, đi chinh phục những nước xa hơn và yếu hơn (như Phi Châu, Á Châu hay những vùng đất mới như Mỹ Châu) dễ và hiệu-quả hơn?


Chủ-nghĩa này nhằm:
- xâm chiếm tài-nguyên của một nước,
- gây thêm thị-trường để xuất-cảng hàng hoá nước mình,
- kiểm soát những đường thương-nghiệp
- tìm thêm đất định-cư cho dân mình,
- kềm chế những cường-quốc khác
- chiếm đóng những địa-thế chiến-lược
- gia tăng sức mạnh và thanh-thế nước mình
- đem lại một nền “văn-minh” cho những giống dân được xem như “thấp kém”
- cải đạo Thiên Chúa (trước đó đã có những thập-tự chinh / crusades)
Với những lợi-điểm quan-trọng như vậy, bất cứ đế-quốc nào cũng phải áp dụng chính sách thực-dân mà thôi.

4.1.2 Bàn cờ quốc-tế
Khởi đầu là Tây Ban Nha (với Nam Mỹ, Phi Luật Tân) và Bồ Đào Nha (Brasil, Phi châu).
Sau đó, lân lượt, hầu như nước Âu châu nào cũng có thuộc-địa của mình:
- Anh quốc đứng đầu với Bắc Mỹ, Phi châu, Ấn-Độ, Úc châu, Tân Tây Lan, …
- Pháp quốc là kình địch số một của Anh, có mặt ở Bắc Mỹ, Gia Nã Đại, một phần nhỏ Ấn Độ, Phi châu (Senegal, Gabon, Algérie,…), một số đảo Caraibes, …
- Hoà Lan với Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Phi châu, Á châu (Nam Dương, Miến Điện, Tích Lan,…)
- Một nước bé xíu như vương quốc Bỉ cũng chiếm được nước Congo bên Phi Châu.
4.1.3 Bàn cờ Đông Nam Á
Trong vùng này, từ khi Anh Quốc trở thành đại cường quốc nhờ thuộc địa Ấn Độ, Pháp quốc không thể ngồi nhìn kình địch của mình bành trướng. Nước Pháp bắt buộc phải có mặt trong vùng này.
Cơ hội đầu tiên là khi Nguyễn Ánh xin Pháp trợ giúp để đánh Tây Sơn, qua trung gian của giám mục Pigneau de Béhaine. Sau đó, mượn cớ các vua Nguyễn cấm cản việc truyền đạo, nước Pháp lấy cớ vực đạo để xâm chiếm nước ta.
1858 : Pháp và Bồ Đào Nha lấy cớ bảo vệ giáo sĩ, đem hải quan vào đánh phá Đà Nẵng
Hoà ước 1874 : Việt-Nam nhường miền Nam cho Pháp
1884 : Hoà ước Patenôtre chia Đại Nam thành 3 miền thuộc về Pháp.
Ngày 17 tháng 10 năm 1887, Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise) được chính thức thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống Cộng hoà Pháp với bốn thuộc địa là Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam), Nam Kỳ (Cochinchine) và Campuchia (Cambodge); Lào (Laos) gia nhập vào năm 1893 và Quảng Châu Loan (Kouang-Tchéou-Wan) được sát nhập năm 1900. Thủ phủ của Đông Dương ban đầu đặt tại Sài Gòn, sau chuyển ra Hà Nội năm 1902.


Mục đích thực dân và kềm chế Anh quốc đã thành hình. Thái Lan thoát khỏi chế độ thực dân, một phần vì vai trò “đệm” (tampon) giữa Anh và Pháp (?)

4.2 Công việc người Pháp tại Việt-Nam
Các viên Tổng-đốc toàn-quyền lần lượt sang kinh-doanh việc Đông-pháp và lo mở mang về đường chính-trị, kinh-tế và xã-hội theo chính-sách của nước Pháp.

4.2.1 Chính trị - Hành chánh
Liên bang Đông Dương là một chế độ nửa thuộc địa, nửa phong kiến. Đứng đầu liên bang là một Toàn quyền  (Gouverneur Général de l'Indochine française từ 1887 đến 1945) hay một Cao ủy (từ 1945 đến 1954) của chính phủ nước bảo hộ Pháp. Tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ chính quyền từ cấp tỉnh trở xuống do các quan chức người Việt quản lý đặt dưới quyền vua Nguyễn, tuy nhiên tại mỗi tỉnh đều có một viên Công sứ người Pháp thực hiện chức năng bảo hộ của nước Pháp đối với An Nam.
Trong sáu xứ thuộc Liên bang Đông Dương thì riêng Nam Kỳ là trực thuộc cai trị của Pháp dưới chế độ thuộc địa. Đứng đầu Nam Kỳ là Thống đốc (gouverneur), có Hội đồng Tư mật và Hội đồng Thuộc địa là hai nghị hội. Dân Nam Kỳ hưởng quy chế "thuộc dân Pháp" (sujets français) và được hưởng quyền lợi nhiều hơn các xứ khác. Muốn vào Pháp tịch để bình đẳng như dân mẫu quốc thì phải nộp đơn để thành “công-dân Pháp” (citoyens français).
Bốn xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Lào và Miên thuộc chế độ bảo hộ, tức hệ thống hành chính bản xứ được duy trì và người Pháp cai trị gián tiếp qua ngạch quan lại Việt (ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ), Miên hoặc Lào. Vì lẽ đó mà có hai hệ thống song hành, một của Pháp, một của bản xứ, trên pháp lý là bình quyền cùng giám sát quốc sự, nhưng khi thi hành thì chế độ bản xứ tùy thuộc vào quyền phán quyết của người Pháp.

Về đường phòng-giữ, chính-phủ lập ra những đội binh bảo-an, lấy người bản-sứ làm lính, gọi là lính khố xanh, đi canh giữ các dinh-thự, các công-sở và đi đóng đồn ở các nơi trong vùng thôn-quê để phòng-giữ trộm cướp. Ở những nơi hiểm-yếu thì có lính Pháp  và lính khố đỏ đóng.
Ngoài ra chính quyền Đông Dương còn dùng Sở Liêm phòng Đông Dương, (mật thám) làm cơ quan tình báo và công an, để kiểm soát và phá hoại các hoạt động chống lại chính quyền, nhất là các tổ chức chính trị.

Về việc hành binh và việc thương-mại thì chính-phủ Bảo-hộ trước hết phải lo sửa-sang và mở-mang thêm đường-sá cho tiện sự giao-thông. Vì rằng có đường thì khi hữu sự, việc đánh-dẹp mới tiện-lợi và việc buôn-bán cũng nhân đó mà được dễ-dàng. Bởi vậy thoạt đầu tiên chính-phủ mở thương-cục, lập xưởng làm tầu thủy chở hàng-hóa và hành-khách đi trong các sông ở trong xứ, mở đường hoả xa (nỗ lực lớn nhất của người Pháp tại Việt-Nam),…
Ở hai đô thị chính, Sài Gòn và Hà Nội, chính quyền còn cho thiết lập hệ thống "tàu điện" (tramways).
Về đường sá, tổng cộng trên toàn cõi có khoảng 28.000 km đường trải nhựa hoặc trải đá sỏi.
4.2.2 Kinh tế
Kinh tế Đông Pháp chủ yếu là một nền kinh tế thuộc địa để hỗ trợ cho kinh tế Pháp chứ không có kế hoạch tự túc hoặc phát triển theo khả năng bản xứ. Toàn quyền Pasquier đã khẳng định: "Il faut que les profits de l'Indochine reviennent aux Français" ("Lợi-nhuận từ Đông Dương phải trao lại cho nước Pháp"). Đông Pháp là nguồn nguyên liệu và vật liệu bán chế trong khi chính quốc Pháp cung ứng những sản phẩm chế biến để bán lại sang Đông Pháp.
Về mặt nông lâm, cơ chế đồn điền nhất là đồn điền cao su để cung cấp cho thị trường Âu Mỹ là một điển hình cho mối tương quan giữa Pháp và Đông Pháp. Cây cao su Hevea brasiliensis đầu tiên đem từ Mã Lai sang trồng ở Đông Dương là vào năm 1897 ở Sài Gòn. Đến năm 1905 thì cạo mủ thấy sản xuất được nên bắt đầu phát động đem trồng nhiều nơi. Nhiều công ty lớn của Pháp như hãng Michelin đều đầu tư vào ngành này, sở hữu những đồn điền với diện tích rộng lớn, tổng cộng chiếm hơn 138.000 hecta trên toàn Đông Dương.
Lượng nông phẩm lớn nhất của Đông Dương là lúa gạo. Chính phủ Bảo hộ có tay trong việc phân phát đất đai. Tính đến năm 1940, 1.299.500 hecta được phát cho người bản xứ và 962.200 hecta cho người Âu châu. Dân bản xứ tập trung lĩnh canh đất trồng lúa trong khi người Pháp lấy đất mở đồn điền trồng cao su, cà phê, trà. 
Những khu vực kinh tế khác được chính phủ Bảo hộ lưu ý là khoáng sản (than đá, chì, kẽm), trà, cà phê, hạt tiêu.
Kỹ nghệ nhẹ như ngành dệt, thuốc lá, xi măng cũng được phát triển.

Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng gồm có: gạo, cá (cá khô và cá muối), tiêu, quế, dầu thực vật, gỗ tếch, sợi bông (thô), than và kẽm, lụa (thô), xi măng, thảm chiếu, da, v.v.
Những mặt hàng được nhập khẩu chính vào Đông Dương thời kỳ này là sữa đặc, thức ăn đóng hộp (bơ hộp Bretel rất được yêu thích, sữa Guigoz…), bột mì, đường, thuốc lá, chỉ bông, vải bông, rượu, than, dầu lửa, đồ kim loại, dược phẩm, xà phòng, đồ gốm, đồ thủy tinh và pha lê, giấy, máy móc, xe hơi, …
Cơ quan điều hành kinh tế cho cả sáu xứ Đông Pháp là Ngân hàng Đông Dương (Banque de l'Indochine), thành lập từ năm 1875. Ngân hàng này có đặc quyền phát hành đồng bạc Đông Dương (piastre indochinoise).
Chính quyền Bảo hộ còn giành độc quyền bán thuốc phiện, rượu, và muối, còn được gọi là thuế "môn bài". (Ba khoản thu này cộng thêm quan thuế xuất nhập-khẩu cung-ứng 95% ngân-sách để trả lương công chức.)
Đối với thuốc phiện thì quyền nhập cảng, chế biến và bán sỉ là do cơ quan Régie de l'Opium đảm nhận. Tính đến năm 1900 thì lợi nhuận chính phủ thu được từ thuốc phiện đạt hơn phân nửa số tiền thu nhập của toàn Liên bang Đông Dương. Riêng việc phân phối bán lẻ là để cho tư nhân, đa số là người Hoa.
4.2.3 Xã-hội
Bàn đèn thuốc phiện được xem như một "công cụ" chính trong chính sách ngu dân ở Việt Nam của Pháp.
Thực dân Pháp thực hiện chính sách văn hóa, giáo dục thực dân; dung túng, duy trì các hủ tục lạc hậu, cùng việc kinh doanh thuốc phiện và rượu như một đặc quyền của nhà nước.
Xã hội Việt Nam khi đối diện nền kinh tế mới của người Pháp biến đổi và phân hóa sâu sắc. Mâu thuẫn giữa giai cấp địa chủ và nông dân vẫn tồn tại và là mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội, là tàn dư của nghìn năm phong kiến. Địa chủ sở hữu phần lớn ruộng đất. Một số dùng thế lực của Pháp để thủ lợi nhưng lòng yêu nước vẫn là động lực chống Pháp.
Nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội Việt Nam (chiếm khoảng 90% dân số), cũng là thành phần gánh chịu phần lớn phí tổn của nền Bảo hộ.
Giai cấp công nhân nhỏ hơn, hình thành từ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp. Họ tập trung ở các thành phố và khu vực khai thác mỏ.
Cũng tập trung ở thành thị là giai cấp tư sản và tiểu tư sản bao gồm doanh nhân trong các ngành công nghiệp, thương nghiệp, và cả nông nghiệp. Ngoài ra trong nhóm này cũng là giới học sinh, trí thức, thợ thủ công, công chức và những người làm nghề tự do.
Các thành phần xã hội tuy chung một khái niệm yêu nước nhưng cũng có khi đối chọi về kinh tế và văn hóa.
Một hậu quả của chính sách nhà nước Bảo hộ khi hậu thuẫn việc thông thương với Trung Hoa là đà gia tăng số người Hoa nhập cảnh với nhiều ưu đãi. Theo hiệp ước ký giữa Pháp và nhà Thanh năm 1885 và 1886 thì người Tàu ngụ cư ở Đông Dương hưởng quy chế ngoại nhân ưu đãi (étrangers bénéficiant d'un statut privilégié) được miễn sưu thuế, không phải bắt làm tạp dịch hay nhập ngũ lại được quyền đi lại tự do.
Hơn nữa vì giữ quốc tịch Trung Hoa, quyền lợi của họ có chính phủ Bắc Kinh bênh vực. 
Đến năm 1937 trong suốt ba Kỳ Trung, Nam, Bắc có 217.000 Hoa kiều, chiếm hơn 11% dân số. Họ nắm tài lực và tận dụng khai thác hệ thống kinh tài khắp Đông Nam Á, nhất là ngành buôn gạo.
Ngoài ra có khoảng 5.000 Ấn kiều. Giống như người Hoa, người Ấn đại đa số là thương nhân, cùng làm nghề cho vay nặng lãi.
Số người Âu châu đến cuối thập niên 1930 là 39.000, đa số người Pháp, nắm giữ địa vị then chốt chính trị và kinh tế trong ba ngành xuất cảng gạo, cao su, và khoáng sản.
Ba nhóm ngoại kiều Pháp, Hoa và Ấn tập trung ở thành thị trong khi dân bản xứ phần lớn sinh sống ở nông thôn.
4.2.4 Giáo-dục
Một hậu quả khác rất đáng kể của cuộc bảo hộ đối với người Việt là việc thay đổi toàn diện về học thuật. Ở Nam Kỳ ngay từ năm 1867 người Pháp đã ngưng hẳn thể chế khoa cử bằng chữ Nho và đến năm 1878 thì các công văn bằng chữ Nho cũng bị loại bỏ, thay bằng chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Trường sở tại Nam Kỳ bắt đầu áp dụng theo mẫu trường công ở Pháp từ năm 1879.
Những cải cách của chính quyền Pháp chỉ một phần là để nâng cao kiến thức dân chúng nhưng còn có dụng ý là để chuyển hướng tư duy của đại chúng. Thay vì trông đợi vào giới sĩ phu truyền thống dẫn dắt, nay người dân thường sẽ có nhà nước Bảo hộ đào tạo kiến thức. Đối với người Việt thì nguồn tư duy đáng sợ cho chính quyền Đông Pháp là Nho học và luồng tư tưởng xâm nhập từ Trung Hoa và Nhật Bản qua các sách vở Hán văn. Vì vậy người Pháp đã dồn nhiều nỗ lực vào việc cải tổ nền giáo dục bản xứ. Một chứng cứ là sách giáo khoa thời Pháp không dùng danh từ "Việt Nam" mà chỉ nhắc đến "Đông Pháp" và các xứ lệ thuộc.

4.3 Cuộc kháng-chiến dành độc-lập của người Việt
Sau suốt thời gian chiến đấu giặc Tàu, dân-tộc Việt-Nam đâu thể ngồi nhìn người Pháp đô hộ và bóc lột mình?
Vua Duy Tân bôn tẩu rồi bị đày đi đảo Réunion (cùng với vua Thành Thái, trong khi vua Hàm Nghi bị đày sang Algérie).
Phong trào này, tổ chức nọ, nhóm kia đứng lên chống đối Pháp:
- Phong trào Cần Vương (1885-1895) với Phan Đình Phùng khởi nghĩa ở Hương Khê,…
- Đông-kinh nghĩa-thục (1907) : những chí sĩ như Phan bội Châu, Phan chu Trinh, người thì không sợ tù tội, đứng lên tố-cáo sự tham- nhũng của bọn quan-lại, người thì ra ngoại-quốc bôn-ba khắp nơi để tìm  cách giải-phóng cho nước
.
- Việt Nam Quang phục Hội nổ bom ở Bắc Kỳ (1913)
- Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám (Đề Thám hay Hùm xám Yên Thế) kéo dài đến năm 1913 mới bị dập tắt.

Nhưng khổ nỗi, những cuộc nổi dậy không thống nhất và thiếu tổ-chức qui mô nên không đạt được kết quả nào đáng kể.

Hai tổ-chức kháng-chiến quan trọng sau đó là Việt-Nam Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản Việt-Nam.
Việt-Nam Quốc Dân Đảng do Nguyễn Thái Học thành lập năm 1927 dưới ảnh hưởng của Quốc Dân Đảng Trung Hoa do Tôn Trung Sơn sáng lập để chống nhà Thanh.
1930: Cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại vì nội phản. Nguyễn Thái Học cùng 12 liệt-sĩ bị bắt và xử chém, sau khi hô lớn “Việt-Nam vạn tuế”.
Sau này, Đảng bị chia ra nhiều nhóm khác nhau, quan trọng nhất có nhóm Hà-Nội, nhóm Quảng Nam, nhóm Quảng Châu và nhóm Vân Nam.

1930 : Lợi dụng tiếng vang của Yên Bái, Nguyễn Ái Quốc (tên thật là Nguyễn Sinh Cung, sau lấy tên là Hồ Chí Minh) sáng lập Đảng Cộng Sản Việt-Nam. Những lãnh tụ khác là Tạ Thu Thâu (nhóm Trotskystes) và Ngô Gia Tự (Đảng Cộng Sản Đông Dương).

Ngoài ra, các đảng phái Quốc dân khác là Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội do  Nguyễn Hải Thần sáng lập (1936)Đại Việt Quốc dân đảng do Trương Tử Anh sáng lập (1938)Đại Việt Dân chính Đảng do Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) sáng lập (1938).
Ngoài ra còn có những nhóm Cao Đài ủng hộ Hoàng Tử Cường Để với khuynh hướng dựa trên Nhật để dành độc-lập, nhóm Hoà Hảo của Huỳnh Phú Sổ, nhóm Bình Xuyên của Bảy Viễn, … hoạt động riêng rẽ với nhau.

Bảo Đại lên ngôi thay thế vua Khải Định năm 1925 nhưng đi Pháp học tiếp, đến năm 1932 mới về nước, muốn lập Quân Chủ Lập Hiến nhưng việc không thành.

1936 : Bên Pháp, Léon Blum (Đảng Xã Hội) lên nắm chính quyền, gây nên chút hy vọng cho những nước Đông Dương.
1937 : Quân đội Nhật đánh chiếm Bắc Trung Hoa, mở đầu cuộc chiến Trung Nhật (1937-1945).
Việt-Nam đóng vị-trí chiến-lược trên đường tiếp tế của tướng Trung Hoa Tưởng Giới Thạch nên Nhật cần phải kiểm soát.
1940 : Pháp bị Đức chiến thắng. Chính quyền Vichy (Pháp) đồng ý để Nhật đem quân sang Việt-Nam và ngược lại, Nhật công-nhận chủ-quyền của Pháp trên Đông Dương. Vùng này trở thành vị-trí chiến-lược của Nhật trong công cuộc bành-trướng tại Á Châu.

1941 : Nguyễn Ái Quốc trở về Việt-Nam, thuyết phục Trường Chinh (lúc đó là Tổng Bí Thư đảng) dồn sức vào việc chống Pháp trên những mục-tiêu Cộng Sản. Tại Đại Hội Đảng thứ 8, đảng Cộng Sản Việt-Nam trở thành Việt-Nam Độc-Lập Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Minh) để thu hút các tổ chức chống Pháp khác.
Nguyến Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh.

1945 : Nhật hoàn toàn kiểm soát Đông Dương.
Bảo Đại được Nhật lập lên ngôi lại, tuyên bố Việt-Nam (Bắc và Trung) độc-lập, miền Nam vẫn do Nhật giữ. Trần Trọng Kim lập chính phủ.
Việt Nam Quốc dân Đảng liên minh với Đại Việt Quốc dân Đảng (lãnh tụ Trương Tử Anh) và Đại Việt Dân Chính đảng (lãnh tụ Nguyễn Tường Tam) thành một tổ chức mới, ở trong nước thì lấy tên là Đại Việt Quốc dân đảng (Việt Quốc).
Thời gian này, Việt quốc bị kẹp giữa Việt Minh và thực dân Pháp. Việt Quốc vừa chống thực dân Pháp vừa phải đối đầu với Việt Minh.

Trong thời-gian 1944-1945, Pháp và Nhật tranh giành gạo cho quân-đội mình, gây nên nạn đói năm Ất Dậu ở miền Bắc khiến từ 400.000 đến 2 triệu người chết vì đói.
Việt Minh lợi dụng thời cơ để gây uy thế với người dân bằng cách đi cướp kho gạo và phát lại cho dân,…

7/8/1945 : Mỹ thả bom nguyên-tử trên đảo Hiroshima.
Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh.
Cách mạng tháng 8 : Hồ Chí Minh
thừa cơ nổi lên cướp quyền, vua Bảo-đại phải thoái-vị và nhường quyền cho đảng Việt-minh. Từng tổ Cộng Sản dựa trên dân chúng, chiếm đóng các tỉnh miền Bắc. Hồ Chí Minh lập chính phủ lâm thời.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời cũng chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại suốt 2.000 năm trong lịch sử Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Truman (thay thế Roosevelt) công nhận chủ quyền của Pháp trên Đông Dương nên quân đội Pháp trở lại Việt-Nam.
28/2/1946 : Pháp và Trung Hoa ký hiệp ước, Trung Hoa rút khỏi miền Bắc Việt-Nam nhưng được quyền-lợi thương mại.
Tháng 6-7/1946, Việt-Minh tiêu diệt các thành phần Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội và nắm hết quyền-lực trong nước.
11/1946 : Ở Hải Phòng, một cuộc hỗn-loạn xảy ra và Pháp oanh tạc thành phố này.
Hồ chí Minh kêu gọi dân chúng nổi dậy.
Pháp chiếm lại Hà Nội và Việt Minh rút đi.

Bên Pháp, chính phủ Léon Blum muốn Việt-Nam tự chủ trong vòng ảnh-hưởng của Liên Hiệp Pháp (như Commonwealth của Anh) nhưng điều đình gặp nhiều khó khăn ở hai điểm thống-nhất ba miền và qui-chế miền Nam.
14/6/1949 : Quốc-gia Việt-Nam (vẫn trong Liên Bang Đông-Dương – Liên Hiệp Pháp) được công bố trên khắp lãnh-thổ Việt-Nam, với thủ-đô là Sài-Gòn và Bảo Đại làm Quốc-trưởng. Việt Minh vẫn giữ Việt-Nam Dân Chủ Cộng Hoà ở Bắc.

Cuối năm 1949, Mao Trạch Đông thắng Tưởng Giới Thạch. Hồ Chí Minh công nhận Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa và Mao (cũng như Nga Sô) công nhận Việt-Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Hồ Chí Minh được hậu-thuẫn của cả khối Cộng Sản và trở lại với Đảng Lao Động (1951) nhưng vẫn giữ danh-hiệu Việt Minh để thâu nhập những thành viên không Cộng Sản.
Nước Việt-Nam bị cấu xé giữa Quốc-gia Việt-Nam, đảng Cộng Sản,Đại Việt, Quốc Dân Đảng, Cao Đài, Hoà Hảo, Bình Xuyên,…

10/1953 : Giới chính khách Pháp bắt đầu mệt mỏi về tình hình Đông Dương nên muốn thương thuyết với Việt Minh và Hồ Chí Minh nhận lời.
Trước khi điều đình, đôi bên đều cố gắng gây thắng lợi quân sự để chiếm ưu thế.
Trong cuộc chiến với Việt Minh ở miền Bắc, Pháp phải dùng những căn-cứ Lào nên nơi này thường có xung-đột.
Võ Nguyên Giáp chọn đánh Lào (thay vì nổi lên ở Việt Nam) và để ngăn chặn Giáp, tướng Navarre của Pháp quyết định đặt một căn cứ ở Điện Biên Phủ, gần biên giới Lào. Võ Nguyên Giáp lập tức đem quân bao vây, với trợ giúp mạnh của Trung Hoa (sau khi cuộc tranh-chấp Triều-Tiên đã chấm dứt).

1954 : Mỹ, Nga, Pháp, Anh muốn họp ở Genève (Thuỵ Sĩ) để bàn vấn đề Triều-Tiên và Việt-Nam. Nga đòi có Trung Hoa tham dự để thêm đồng minh.
Điều này khiến Giáp càng phải nhất quyết thắng Điện Biên Phủ để chiếm thượng thế trên bàn hội-nghị.
Điện Biên Phủ : 11 ngàn quân Pháp bị 50 ngàn quân Việt Minh bao vây. Mỹ không giúp thêm Pháp nhưng tỏ ra rất lo âu cho tương lai chính trị của vùng Đông Nam Á nếu Việt Minh thắng (Lý thuyết Dominos của Eisenhower).
7/5/1954 : Sau hai tháng giao tranh, Điện Biên Phủ thất thủ, một ngày trước khi hội-nghị Genève bắt đầu, đem lại cho Việt Minh một ghế trong bàn hội-nghị.

24/7/1954 : Hiệp định Genève được ký.
Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung về miền Bắc; Chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam. Khoản a, điều 14 ghi rõ: "Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy."
Bị Pháp bỏ rơi, Bảo Đại và Quốc-Gia Việt-Nam bị đặt trước chuyện đã rồi.
11/10/1954 : Quân đội Pháp rút khỏi Bắc Việt. Số còn lại ra Hải Phòng để về nước.
Một triệu người dân miến Bắc phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để di-cư vào Nam trong khi Cộng Sản Việt-Nam lưu lại tổ-chức mật ở trong Nam dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn.

Chiến tranh Đông Dương chấm dứt.
Yên Hà, tháng 12, 2017
Tài-liệu nguồn:
- Wikipedia: Colonialisme
- Wikipedia: Indochine française
- Việt-Nam sử-lược (Trần Trọng Kim)

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.