ARTSHARE

Nov 1, 2017

VN-VN : Ngôn-ngữ người Việt


Truyện Kiều còn, tiếng ta còn,
Tiếng ta còn, nước ta còn.
Có gì mà lo, có gì mà sợ, còn điều chi nữa mà ngờ
?
(Phạm Quỳnh)
Thân mời các bạn trở về với tiếng nói và chữ viết của người Việt.

1. Tiếng nói người Việt (ngôn)
Tiếng Việt là ngôn-ngữ có nguồn-gốc bản-địa, xuất thân từ nền văn-minh nông-nghiệp, tại nơi mà ngày nay là khu vực phía bắc lưu vực sông Hồng và sông Mã của Việt-Nam.
Tiếng Việt được coi là một trong số các ngôn-ngữ thuộc hệ ngôn-ngữ Nam Á
ở khu vực Đông Nam Á hiện nay, có quan hệ gần gũi với tiếng Mường và các thứ tiếng thuộc nhóm ngôn-ngữ Môn-Khmer.
Tiếng Việt đã chịu rất nhiều ảnh-hưởng Trung Hoa sau hơn một ngàn năm đô-hộ nhưng những từ gốc Hán vẫn được phát-âm theo lối bản-xứ nên tiếng Việt nghe vẫn khác hẳn tiếng Tàu.

2. Chữ viết người Việt (văn tự)
Trên giòng sông lịch-sử, chữ Việt đã phải trải qua bốn giai-đoạn trước khi được chính-thức hoá là ngôn-ngữ quốc-gia:
2.1 Chữ Việt cổ
Dân tộc ta trước khi nội thuộc nước Tàu, có thứ chữ riêng để viết tiếng Nam hay không? Đó là một vấn đề hiện nay vì không có di tích và thiếu tài liệu, không thể giải quyết được... (Dương Quảng Hàm)

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều khẳng định:
"Đất nước ta, người Việt chúng ta, từ mãi thời Vua Hùng, từ tận thời Đông Sơn mấy ngàn năm trước, đã từng có chữ viết riêng."
Trong suốt năm mươi năm, nhà nghiên-cứu Đỗ Văn Xuyền đã lặng lẽ bỏ bao công sức đi thu-thập, nghiên-cứu từng tài-liệu để giải-mã một bộ chữ gồm 47 chữ cái mà ông tin chắc là chữ Việt cổ. 
Thuyết này chưa được công-nhận hoàn toàn nhưng không phải là vô-lý. Cứ thử hỏi làm sao có thể cai quản một vương-quốc như Việt-Nam thuở ấy nếu không có chữ viết?
Dù sao đi nữa, suốt 1000 năm Bắc thuộc, với chính-sách "đồng-hóa”, người Hán khuyến khích mọi người học chữ Hán, đồng thời hủy diệt đi tất cả sách vở, tài-liệu và tất cả những vết tích chữ nghĩa ta rồi. 

2.2 Chữ Hán
Đến lúc Hán tộc phát-triển và cai-trị nước ta, dân ta vẫn nói tiếng Việt của mình nhưng chữ viết thì các quan Thái Thú Trung Hoa khuyến-khích dân ta học chữ Hán (còn gọi là chữ Nho).
Từ đó, chữ Hán đã trở thành chữ viết chính-thức trong gần 1000 năm, kể từ năm 1075 sau khi vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Nho học đầu tiên, cho đến năm 1919 là năm mở khoa thi cuối cùng ở Huế. 
Mặc dù chữ Nho viết từ chữ của người Trung Hoa, nhưng dân ta có cách đọc phát-âm riêng biệt. Mãi về sau, tổ tiên ta, dần dần, dựa trên căn bản chữ Nho mà biến-chế ra một loại văn-tự riêng biệt của nước Nam ta, được gọi là chữ Nôm.

2.3 Chữ Nôm
Chữ Nôm (= Nam đọc trại) là thứ chữ hoặc dùng nguyên-hình chữ nho, hoặc lấy hai ba chữ nho ghép lại để viết tiếng Nam. Chữ nôm đặt ra tự bao giờ và do ai đặt ra là một vấn-đề chưa thể giải-quyết được. Có lẽ là khoảng sau thế-kỷ 10 khi người Việt thoát khỏi nghìn năm Bắc-thuộc với chiến-thắng của Ngô Quyền vào năm 938 và sau khi phá tan quân Thanh, vua Quang Trung bắt đầu xây-dựng đất nước và cho dùng ngay chữ Nôm làm thứ chữ chính-thức thay cho chữ Hán.

2.4 Chữ quốc-ngữ
Văn-tự là  chữ viết. Quốc-ngữ là loại chữ viết được dùng chung cho một nước.
Vào đầu thế kỷ 17, các nhà truyền-giáo Tây-phương đến Việt-Nam, và bắt đầu giới-thiệu đạo Thiên-Chúa cho dân ta. Để truyền-đạo hữu-hiệu, việc dùng chữ viết là một yếu-tố rất quan-trọng, trong việc tìm-hiểu phong-tục tập-quán của dân bản-xứ, cũng như việc phổ-biến tư-tưởng, giáo-lý kinh sách cho người học đạo.
Lúc bấy giờ, các giáo-sĩ nhận thấy chữ Nho và chữ Nôm quá phức tạp để học, đối với đại chúng bình dân. Cho nên, một nhóm tu-sĩ dòng Tên (Jésuites), cùng với các thầy giảng người Việt-Nam đầu tiên, đã ra công nghiên-cứu, áp-dụng các mẫu-tự Latinh, mà ghi-chú cách phát âm tiếng Việt, để dùng trong cách giao-dịch hàng ngày.
Cố Đắc Lộ Alexandre De Rhodes đã được xem là người đại-diện trong việc sáng chế ra chữ quốc-ngữ Việt-Nam. Quyển tự-điển An Nam, Bồ Đào Nha, Latinh (Dictionarium Annamiticum, Lusitanum et Latinum), in tại Roma năm 1651, là nền-tảng cho chữ Quốc-ngữ ta.

3. Đặc-điểm ngôn-ngữ Việt-Nam
3.1 Chữ La-Tinh
Khác hẳn với các nước châu Á, chữ Việt-Nam được viết bằng mẫu-tự La-tinh dễ viết, dễ học so với chữ Nho và trên phương-diện này, các giáo-sĩ Tây-phương đã có công lớn với dân ta.

3.2 Đơn âm
Ngược lại, tiếng Việt lại có một đặc-điểm Đông-Nam-Á là đơn âm (hay đơn lập), nghĩa là mỗi một tiếng (âm-tiết) được phát-âm tách rời nhau và được thể hiện bằng một chữ viết. Đặc điểm này thể hiện rõ rệt ở tất cả các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.
Bên cạnh những từ đơn (một chữ), còn có những từ ghép do sự kết-hợp của hai, ba chữ, gom vào hai ba nghĩa để mô-tả rõ hơn hay tạo một chữ mới.
Ví dụ:
- Từ-đơn “Yêu” là một tình-cảm ; “yêu mến”, “yêu thương”, “yêu mến”, “yêu quí”, nói rõ hơn những sắc-thái của tình yêu tuỳ theo trường hợp, với người yêu, với gia-đình, với bạn bè, …
- “Nhân-quyền” là một từ ghép bằng hai nghĩa “quyền” và “nhân= người”. Đây là một đặc-điểm của chữ Hán.
Ngoài ra, Việt-Nam ta thích dùng những từ láy là những từ ghép lập lại một chữ (nghĩa chính) với một chữ đồng âm hay đồng vần cho đỡ khô khan, để tăng thêm vẻ bóng bảy, văn chương hay để thay đổi sắc thái của chữ.
Ví dụ : lành lạnh (hơi lạnh), đậm đà (rất đậm), xinh xinh, …

3.3 Đa thanh
Thanh-điệu (tone / ton) là một âm-độ trầm bổng của giọng nói trong một âm-tiết, có tác dụng làm thay đổi ý nghĩa của các đơn-vị ngôn-ngữ.
Có những ngôn-ngữ có thanh-điệu ở Phi-Châu, Bắc-Mỹ, Nam-Mỹ, Âu-Châu hay Đông-Á. Nhưng đối với Trung-Quốc, Việt-Nam, Thái-Lan, Lào, hệ-thống thanh-điệu phức tạp hơn hết và có lẽ tiếng Việt là một thứ tiếng có nhiều thanh-điệu nhất.

Tiếng Việt có 6 thanh điệu:
- ngang (không dấu: a),
- sắc (nghiêng phải: á),
- huyền (nghiêng trái: à),
- hỏi (dấu hỏi: ả),
- ngã (dấu ngã: ã)
- nặng (dấu chấm: ạ).

Với 6 thanh-điệu này, chỉ với một âm tiết mà ta có thể có đến 6 chữ khác nghĩa. 
Ví dụ: với âm-tiết “ma”, ta có được 6 chữ khác nhau : ma ; má ; mà ; mả ; mã ; mạ.

Với sáu thanh điệu như bảy nốt nhạc, tiếng Việt chúng ta lên xuống, trầm bổng, mỗi câu nói là một khúc nhạc rất êm tai nhưng ngược lại khiến người ngoại-quốc phải gặp chút khó khăn để phát âm cho đúng.
Ngoài ra, những thanh-điệu này cũng gây nên không ít lỗi chính tả. Viết bỏ dấu trên máy vi-tính hay máy điện-thoại cũng là cả một vấn-đề đối với một số người Việt hải-ngoại.

3.4 Từ-vựng
Ngữ vựng chúng ta được tập-họp bởi những từ thuần-Việt, những từ xuất xứ từ chữ Hán (đa số, sau 1000 năm đô-hộ) hay từ tiếng Pháp (suốt hơn trăm năm đô-hộ).
Ví dụ từ tiếng Pháp : ô-tô (automobile), bơ (beurre), cặp-táp (cartable), …

3.5 Ngữ-pháp
Nói chung, tiếng Việt không có một hệ-thống văn-phạm phức tạp như tiếng La-Tinh (Pháp, Ý, Tây Ban Nha,…) : không có giống đực/giống cái, động-từ không có dạng khác nhau tuỳ theo chủ-từ hay thời-gian, cách phát-âm từ Việt hoàn toàn thống nhất theo qui-luật (không như tiếng Anh, chữ “I” lúc đọc “ai, lúc đọc “I”…), mỗi chữ (danh từ, động từ, tĩnh từ, …) không thay đổi theo số ít, số nhiều, hoàn cảnh, …
Một điều khó khăn nữa cho người học là cách xưng hộ tuỳ thuộc liên-hệ giữa hai người.
Ví dụ: Giữa bố-con, bố xưng “bố” và gọi “con”, con xưng “con” và gọi “bố”, người trẻ gọi người hơn tuổi mình là anh/chị, cô/chú/bác, ông/bà, cụ/cụ, …

3.6 Địa-phương tính
Thêm vào đó, người miền Bắc, người miền Trung, người miền Nam (không kể đến mỗi vùng trong mỗi miền) có lối phát-âm và một số từ-vựng khác nhau.
Nói chung, giọng Bắc được xem như phát-âm chuẩn nhất và viết ít lỗi chính tả hơn (có lẽ vì dân-tộc Việt xuất thân từ miền Bắc?). Ví dụ: trong ngành tân-nhạc, các ca-sĩ đều phải cố gắng hát giọng Bắc.

4. Kết-luận
Mỗi ngôn-ngữ trên thế-giới là duy nhất nhưng ngôn-ngữ nước mình vẫn duy nhất… nhất.
Khách quan hơn chút, tiếng Việt ta dễ học, dễ viết, nghe rất êm tai, trầm bổng như một khúc nhạc. Từ vựng rất phong phú, biểu-lộ rất nhiều sắc-thái khác nhau, nhất là trong những lãnh-vực tinh-thần và tình cảm.
Những đặc-tính nói trên đem lại nhiều phương-cách chơi chữ dựa trên ngữ-âm, ngữ nghĩa, ngữ phạm và nói lái là cách chơi chữ có một không hai trên thế-giới.
Tôi yêu tiếng nước tôi cũng phải.

Yên Hà, tháng 11, 2017

Tài-liệu nguồn
- Wikipedia
Dương Quảng Hàm, Việt-Nam Văn-Học Sử-yếu
Nguyễn Hữu Vinh, Chữ Nôm và tinh-thần dân-tộc

1 comment:

Note: Only a member of this blog may post a comment.