ARTSHARE

Nov 1, 2017

Nhớ nguồn


Mấy tháng nay, quá bận bịu với bao chuyện phải giải-quyết, tôi đã không còn tâm trí để chăm sóc khu vườn của mình. Rồi trong lúc ngả lòng, tôi đã quyết định không viết nữa, để dốc tâm vào những công việc phải làm.
Trong thời gian đó, tôi đã tự hỏi phải chăng hoài-bảo mình chỉ là ảo-tưởng? Phải chăng mình đang bơi ngược dòng? Tại sao mình không chịu chấp nhận kiếp tha hương của mình, quên đi hết quá khứ để sống cuộc đời mới? Và tôi đã buông xuôi.

Tưởng rằng đã quên…
Nhưng sống nơi tôi đang sống, tôi vẫn ăn cơm thịt kho, vẫn thèm phở, vẫn thích húp nước mắm, trong khi chung quanh tôi, mọi người vẫn ăn hamburger, hotdog hay gọi pizza.
Trong khi trên đài truyền-hình, xướng ngôn viên cứ xí xa, xí xô một thứ tiếng mà tôi chưa hiểu rành, tôi vẫn nói tiếng Việt với bạn bè, tôi vẫn thích được 
nghe người bạn đời gọi “Mình ơi!”. Tôi vẫn thích chơi chữ, vẫn thích nói lái. Tôi vẫn thích viết tiếng Việt, vẫn thích bỏ dấu khi viết. Và tôi vẫn thích hát tiếng Việt (tuy rằng sở-trường tôi là nhạc Pháp). Tôi vẫn yêu tiếng nước tôi.
Cách suy nghĩ của tôi, cảm xúc của tôi vẫn đậm tư-tưởng của Tam giáo - Phật, Lão, Khổng - trong khi chung quanh tôi, người ta thường chú-trọng đến cá-nhân hay vật chất, tiền của.
Phong-tục, tập-quán tôi vẫn là từ ngàn năm truyền lại và tôi vẫn chưa thấu-hiệu ý-nghĩa của Halloween hay Thanksgiving là như thế nào.

Sáng ngủ dậy, soi gương, da tôi vẫn “vàng”, mũi tôi vẫn tẹt. Tên họ tôi vẫn khó đọc đối với người bản xứ.

Hoá ra, tôi vẫn là người Việt-Nam. Mà đã là người Việt-Nam, làm sao tôi có thể quay lưng lại dân-tộc tính của chính mình? Làm sao tôi có thể không biết hay không nhớ lịch-sử, văn-hoá nước mình? Làm sao tôi có thể chấp nhận con cháu tôi sẽ mất gốc, lạc nguồn?

Mấy tháng nay, không mở đọc Việt-Nam sử-lược của cụ Trần Trọng Kim, tôi cảm thấy thiếu hụt điều gì. Đang viết dở đến đời vua Tự Đức (tên đường nhà tôi lúc còn ở Sài-Gòn), tôi cũng muốn hiểu biết vì sao các vị vua Nguyễn đã để mất nước vào tay người Pháp.
Rồi tôi cũng phải đọc tiếp cho biết. Rồi ngòi bút tôi lại ngứa ngáy, lúc đầu chỉ để viết ra những ý chính cho dễ hiểu, nhưng có bố-cục rồi thì viết thành bài cho xong.
Rồi tôi lại nghĩ đến thằng con tôi đã có lần ngỏ ý muốn học tiếng Việt mà chưa có thời giờ. Bố con ở xa nhau, tôi không dạy nó được thì ít ra, tôi cũng nợ nó vài hàng giới-thiệu cái ngôn-ngữ của người Việt mình. Thôi thì trả hết, trả hết cho nó (và cho những bạn trẻ thế-hệ của nó) cho xong chuyện. Rồi tôi lại viết.

Tôi chợt hiểu tôi vẫn còn mang nặng gia-tài văn-hoá, lịch-sử giống Lạc Việt.
Tôi vẫn còn nhớ nơi chôn nhau, cắt rốn; rốn đã cắt nhưng lại chôn nơi ấy thì làm sao mà quên được? Tôi vẫn còn thiết tha với cội-nguồn của mình.
Khi đã giã-từ, người yêu ơi, xin hãy rời xa…
Nhưng người yêu này đâu phải chỉ là một người thoáng qua đời tôi? Người yêu này đã có trong tôi trước khi tôi ra đời, trước khi bố tôi, ông tôi, ông cố tôi… ra đời cơ mà?
Gốc rễ tôi vẫn còn len lỏi trong tim gan tôi như một màng lưới, như một sức mạnh vô-hình thúc đẩy tôi.

Bao nhiêu năm nay, tôi đã tìm lại nguồn-cội, đi tìm lại chính mình, và hình như tôi vẫn còn đi tìm. Người lữ-khách muốn dừng bước nhưng lòng vẫn còn khắc-khoải, như cuộc tình chưa nguôi, cuộc hành-trình chưa xuôi.
Thôi thì thôi, tôi phải đứng dậy đi tiếp mà thôi.

Nơi đây, tôi xin cảm tạ tất cả các bạn đã viết cho tôi, đã nói với tôi những lời ủng-hộ, khuyến-khích thật cảm động, giúp tôi ý thức được tâm-tư của chính mình. Có các bạn ghé thăm và giới-thiệu khu vườn Artshare này, tôi thật ấm lòng biết bao.
X
in đa tạ.

Yên Hà, tháng 11, 2017

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.