ARTSHARE

Apr 24, 2017

VN-VN : Quốc-gia Việt-Nam và Dân-tộc Việt


Nước Việt-Nam
Địa-lý

Việt-Nam là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, chạy dọc bờ biển phía đông của bán đảo Đông Dương. 

Việt Nam có đường biên giới đất liền dài 4.550 cây số: phía Bắc giáp Trung Quốc , phía Tây giáp Kampuchia và Lào, phía Nam giáp với vịnh Thái Lan và phía Đông giáp biển Đông.
Hình thể nước Việt Nam có hình chữ "S", khoảng cách từ bắc tới nam (theo đường chim bay) là 1.648 cây số và vị trí hẹp nhất theo chiều đông sang tây là 50 cây số. 
Xét theo lịch-sử và địa-lý, chúng ta có thể phân-biệt 3 miền Bắc (Hà-Nội), Trung (Huế) và Nam (Sài-Gòn / Thành phố Hồ Chí Minh).

Khí hậu
Việt Nam có khí hậu nhiệt-đới xa-van ở miền Nam với hai mùa (mùa mưa, từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 9, và mùa khô, từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 4) và khí hậu cận nhiệt-đới ẩm ở miền Bắc với bốn mùa rõ rệt (xuân-hạ-thu-đông), còn miền trung và Nam-Bộ có đặc điểm của khí-hậu nhiệt-đới gió mùa. 
Do nằm dọc theo bờ biển, khí hậu Việt Nam được điều hòa một phần bởi các dòng biển và mang nhiều yếu tố khí hậu biển. 
Hàng năm, Việt Nam luôn phải phòng chống bão và lụt lội và hứng chịu năm đến mười cơn bão.

Dân-tộc Việt-Nam

1. Người Việt là ai? Họ từ đâu đến ?
- Theo truyền-thuyết

Lịch-sử Việt-Nam khởi đầu năm 2879 trước Công Nguyên khi Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ và lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ, đẻ ra Sùng Lãm.

Sùng Lãm nối ngôi vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai là Âu Cơ, tiên nữ núi Vụ Tiên. Tục truyền Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, đẻ một lần được một trăm người con trai.
(Danh-từ "đồng-bào" = "cùng một bọc", từ đó được dùng để nói dân chúng Việt.)

Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: "Ta là dòng dõi Long Quân, nàng là dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được 100 con thì nàng đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam Hải". 
Một trăm người con này sau lập ra nhóm Bách Việt (một trăm Việt).

Con trưởng Lạc Long Quân được nối ngôi vua, xưng là Hùng Vương, đặt quốc-hiệu là Văn Lang.

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (Lễ Hội Đền Hùng) là một ngày lễ của Việt-Nam. Đây là ngày hội truyền-thống của dân tộc Kinh để tưởng nhớ công lao dựng nước của vua Hùng. 

Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) nhưng được dân Việt trong cũng như ngoài nước đều kỷ niệm.
Nghi-lễ này đã được UNESCO xếp vào "di sản văn hoá phi vật thể" năm 2003.

- Theo sử sách Trung Hoa và Việt Nam
Dựa theo sử sách, giả thuyết được phổ biến rộng rãi nhất nói rằng người Việt Nam xưa gốc ở miền đồng bằng sông Hồng, gồm nhiều nhóm cư trú ở các nơi khác nhau mà gọi chung là Bách Việt (
có Việt Thường, Lạc Việt, Âu Việt…). Về sau bị người Hoa Hạ tràn xuống xâm lấn lãnh thổ, các nhóm này dần dần bị đồng hóa thành người Hán. Chỉ còn nhóm Lạc Việt ở miền Bắc Việt Nam là còn tồn tại được, chính là tổ tiên của người Việt ngày nay.
Không có lịch-sử nào là hoàn toàn đầy đủ và chính xác, nhất là suốt 1030 năm đô-hộ Việt-Nam, người Tàu đã cố tình huỷ-diệt mọi sách-sử, vết-tích lịch-sử ta để đồng-hoá người Việt như một châu của Trung-Hoa.
Nhưng người Việt-Nam nhận Tiên Rồng là tổ-tiên, hãnh-diện về giống Lạc-Việt, về 4000 năm lịch-sử / văn-hoá của mình.

2. Chủng-loại và dân-số
Ngày hôm nay, dân số Việt-Nam gần 95 triệu, đứng thứ 14 trên thế giới và đứng thứ 8 ở châu Á.
Người Việt tha-hương có khoảng 4 triệu, đông nhất là bên Hoa-Kỳ, với khoảng hơn 2 triệu.

Trên phương-diện sắc-tộc, người Kinh chiếm 87%, còn lại là 13% 53 sắc tộc khác thuộc 8 nhóm (Tày-Thái, Kadai, Môn-Khmer, H'Mong-Dao, Nam Đảo, Hán và Tạng-Miến).


Ôi, quê-hương chúng ta đó. Gia-tài tổ-tiên để lại, những “Con Rồng, Cháu Tiên” chúng ta hãy cố gắng gìn-giữ lấy.

Yên Hà, tháng 4, 2017


Tài-liệu nguồn :
- Wikipedia
- Việt-Nam sử-lược (Trần Trọng Kim)

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.