ARTSHARE

Mar 16, 2017

Con Rồng Cháu Tiên (14) : Nhà Lê Sơ

3.8 Nhà Hậu Lê (1428-1788)
3.8.1 Lê Lợi / Lê Thái Tổ 
3.8.2 Nhà Lê Sơ (1428-1527)
Xin nhắc lại, nhà Tiền Lê (980-1009) là: Lê Đại Hành, Lê Trung Tông và Lê Long Đĩnh/Lê Ngoạ Triều. 
Sau đó, Hậu Lê gồm 2 giai-đoạn là Lê Sơ cai trị được 100 năm thịnh vương, và giai-đoạn Lê trung-hưng (1533-1788) với giai-đoạn phân tranh. Gọi là "trung-hưng" nhưng suốt 256 năm mà vua chỉ làm bù-nhìn trong khi các chúa tranh quyền với nhau.


Lê Thái Tổ (1428 - 1433)
Niên-hiệu:  Thuận Thiên
Vua Thái-tổ vẫn là một ông vua anh tài, đánh đuổi được giặc Minh, mà lại sửa-sang được nhiều công-việc ích-lợi cho nước, nhưng khi ngài lên làm vua rồi, có tính hay nghi-ngờ, chém giết những người công-thần như ông Trần nguyên Hãn và ông Phạm văn Xảo. Hai ông ấy giúp ngài đã có công to, về sau chỉ vì sự gièm-pha mà đều phải chết oan cả.

Lê Thái Tông (1434 - 1442)
Tháng bảy năm nhâm-tuất (1442), Thái-tông đi duyệt binh ở huyện Chí-linh. Bấy giờ ông Nguyễn Trãi đã về trí sĩ ở trại Côn-sơn, thuộc huyện Chí-linh. Khi vua đi qua đó có vào thăm, và thấy người hầu ông ấy là  Nguyễn thị Lộ có tài sắc, bèn bắt theo hầu. Đi đến huyện Gia-định thì vua mất. Triều-đình đổ tội cho Nguyễn thị Lộ giết vua, bắt ông Nguyễn Trãi làm tội và tru di cả ba họ.

Lê Nhân Tông (1443 - 1459)

Lê Thánh Tông (1460 - 1497)

Thánh-tông là một đấng anh-quân, thờ mẹ rất có hiếu, ở với bề tôi đãi lấy lòng thành. Ngài trị-vì được 38 năm, sửa-sang được nhiều việc chính-trị, mở-mang sự học hành, chỉnh-đốn các việc vũ-bị, đánh dẹp nước Chiêm, nước Lào, mở thêm bờ-cõi, khiến cho nước Nam ta bấy giờ đuợc văn- minh thêm ra và lại lừng-lẫy một phương, kể từ xưa đến nay chưa bao giờ cường-thịnh như vậy.





Địa Đồ Nước Nam. Từ xưa đến nay nước Nam ta vẫn không có địa-đồ, Thái-tông bèn sai quan ở các đạo xem xét ở trong hạt mình có những núi sông gì, hiểm-trở thế nào phải vẽ địa-đồ ra cho rõ-ràng và chỗ nào tự cổ chí kim có những sự-tích gì phải ghi-chép vào cho tường-tận, rồi gửi về bộ Hộ để làm quyển địa-dư nước ta.

Đại Việt Sử Ký. Thánh-tông sai Ngô sĩ Liên làm bộ Đại-Việt sử-ký chia ra làm 2 bản. Một bản kể từ Hồng-bàng-thị cho đến thập-nhị Sứ- quân có 5 quyển. Một bản kể từ Đinh Tiên-hoàng cho đến Lê Thái-tổ có 10 quyển. Cả thảy là 15 quyển.


Đối ngoại, nhất là đối với Trung Hoa, vua  thường bảo với triều thần: “ Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để ai lấy mất một phân núi, một tấc song do vua Thái Tổ để lại.

Lê Hiến Tông (1497 - 1504)
Ngài là một ông vua thông-minh hòa-hậu. Thường khi bãi triều rồi, ngài ra ngồi nói chuyện với các quan, hễ ai có điều gì trái phải, ngài lấy lời êm-ái mà nhủ-bảo, chứ không gắt mắng bao giờ.

Lê Túc Tông (1504) và Lê Uy Mục (1505 - 1509)

Lê Tương Dực ( 1510 - 1516 )
Thời bấy giờ vua thì hoang chơi, triều-thần thì người già chết, người xin thôi quan về. Vả cũng không  có ai là người có thể ngăn giữ được vua và kinh-doanh được việc nước, cho nên trong nước giặc-giã nổi lên khắp cả mọi nơi.

Lê Chiêu Tông và Lê Cung Hoàng (1516 - 1527)
Trong nước, ngoài giặc loạn, quan trong triều cũng làm loạn, Chiêu-tông không biết mong cậy vào ai được, phải cho người sang Hải-dương vời Mạc Đăng Dung về giúp.  Mối thoán-đoạt gây nên từ đó.
Nguyên Mạc đăng Dung là cháu 7 đời ông Mạc đĩnh Chi, thủa trẻ nhà nghèo, làm nghề đánh cá, nhưng có sức mạnh, thi đỗ Đô-lực-sĩ, đến triều vua Tương-dực được phong là Vũ-xuyên-hầu.
Mạc đăng Dung trừ được giặc  rồi lại hàng được một số về làm vây-cánh của mình. Từ đó quyền bính về cả Đăng Dung.

Mạc Đăng Dung Chuyên Quyền
Mạc đăng Dung bây giờ quyền-thế hống-hách, ra vào cung cấm tiếm dụng nghi-vệ thiên-tử. Các quan ai có vì nhà vua mà can-gián điều gì, thì Đăng Dung tìm cách giết đi.
Mạc đăng Dung cùng với các quan ở trong triều lập Hoàng-đệ là Xuân lên làm vua, tức là Cung-hoàng.
Năm đinh-hợi (1527), Mạc đăng Dung bắt các quan nhà Lê thảo bài chiếu truyền ngôi cho nhà Mạc.

Nhà Lê, kể từ vua Thái-tổ cho đến vua Cung-hoàng vừa một trăm năm (1428-1527), được 10 ông vua. Nhưng trong bấy nhiêu ông, trừ vua Thái-tổ ra, thì chỉ có vua Thánh-tông và vua Hiến-tông là đã lớn tuổi mới lên ngôi, còn thì ông nào lên làm vua cũng còn trẻ tuổi cả. Vì thế cho nên việc triều-chính mỗi ngày một suy-kém, lại có những ông vua hoang-dâm, làm lắm điều tàn-bạo để đến nổi trong nước xảy ra nhiều sự biến loạn.
Vậy vận nhà Lê phải lúc trung-suy, nhưng công-đức vua Thái-tổ và vua Thánh-tông làm cho lòng người không quên nhà Lê, cho nên dầu nhà Mạc có cướp ngôi cũng không được lâu bền, và về sau họ Trịnh tuy có chuyên-quyền nhưng cũng chỉ giữ ngôi chúa, chứ không dám cướp ngôi vua.


Yên Hà, tháng 3, 2017


Tài-liệu nguồn :
- Việt-Nam Sử-Lược (1919) : Lệ Thần Trần Trọng Kim
- Wikipedia

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.