Chương 1
Cơn gió thoảng trên mặt hồ
Bốn giờ sáng. Bên ngoài, trời còn
đen như mực, thành-phố nhỏ còn đang ngủ say, bốn bề vẫn vắng lạnh như tờ. Như
thường lệ, Thanh đã ngồi trước máy vi-tính, cốc cà-phê sữa nóng trên tay, thanh
thản đọc và trả lời điện-thư, đọc tin-tức thời-sự, lượn trên Mạng và kiểm-tra
sổ sách chi-tiêu một cách kỹ-lưỡng.
Thói quen này, cô đã có từ mười mấy năm nay, sau một chuyến hôn-nhân đổ vỡ và
cô đã phải làm lại từ đầu, với hai bàn tay trắng để mưu sinh và lo cho ba cô
con gái ăn học. Suốt thời gian này, cô đã phải gắng gượng, chịu biết bao khổ
cực để ngoi đầu ra khỏi mặt nước. Rồi chuyện gì cũng qua, ở hiền gặp lành và lòng
kiên quyết của cô rốt cuộc cũng mang lại một chút thăng bằng cho đời sống bốn
mẹ con. Cô có và giữ được một công việc vững chắc, ba đứa con cũng học giỏi,
lên lớp đều đặn và ngoan ngoãn với mẹ.
Một ngày như mọi ngày, thời khoá biểu của cô bất di bất dịch, đều-đặn như một
cái đồng hồ. Sáng thức dậy thật sớm, sau đó đi làm, chiều về làm cơm cho con
rồi đi tập thể-dục hai tiếng, về ăn cơm tối, chơi với con một lúc rồi đi ngủ
sớm. Cuối tuần, cô đi chợ, làm bếp, dọn dẹp, lo công việc nhà. Thú tiêu khiển
cô dành cho thể thao: bowling với bạn đồng-nghiệp (trong nhà cô treo đầy những
giải-thưởng), quần vợt với vài người bạn, xem thể thao trên đài truyền hình (cô
thuộc tên từng đấu-thủ trong từng đội football Mỹ cũng như quá-trình mỗi tay
quần-vợt).
Cũng nhờ nếp sống chuyên-cần và nghiêm chỉnh này mà cô tập trung được tư-tưởng
và nghị lực vào mục-đích tối thượng là lo cho con ăn học và cô bắt đầu gặt hái
kết-quả.
Chiều nay, vừa ăn cơm tối xong
thì điện thoại reo.
- Allo, Thanh hả, Nguyệt đây. Mày đang làm gì đó? Dạo này mày có khoẻ không?
- A, Nguyệt hả? Tao vẫn thường, còn mày ra sao? Có gì lạ không?
- Tao lúc nào chả khoẻ? Hôm nay, gọi mày để rủ mày đi chơi xa đây.
- Đi chơi xa hả? Đi những đâu cơ?
- Đi Montreal, Canada. Để tao kể mày nghe: số là tao quen vài người bạn trong
đám học TTR và CM tụi mình, nhưng niên-khoá trước mình một năm. Họ đang lo tổ
chức đại-hội họp-mặt lần đầu tiên sau 32 năm xa cách. Cho dù không cùng
niên-khoá, tao cũng sẽ ghi tên đi cho vui và có giới-thiệu mày với ban tổ-chức
như cựu học-sinh CM mà lại đã từng đi hát chuyên-nghiệp. Họ rất là mừng và mời
mày tham dự để giúp cho phần văn-nghệ, còn chi-phí chuyên-chở và ăn ở, họ sẽ lo
đầy đủ cho mày. Đây cũng là cơ-hội cho mày biết Canada, hình như mày chưa được
đi thì phải. Mày nghĩ sao?
- Trời ơi, lâu quá, tao không còn hát, vả lại, tao đâu có quen ai trong
niên-khoá đó, tao sợ lạc lõng lắm, thôi, tao không dám đâu.
- Với sức mày, luyện giọng lại một tí là xong chứ có gì đâu? Còn đến đó, đã có
tao và một vài bạn niên khoá mình, với lại trước lạ, sau quen, những người này
chỉ hơn mình có một tuổi và rất là dễ thương và cởi mở, mày sẽ cảm thấy thoải
mái lắm.
- Í à, sao tao ngại quá, mày ơi…
- Thanh ơi, Tao đã quảng cáo mày tối đa để họ mời mày mà bây giờ, mày làm eo,
làm sách, mày từ-chối thì tao biết ăn nói thế nào với họ đây? Trời ơi…
Mấy lâu nay, cuộc sống Thanh đã vào khuôn, vào phép rồi cho nên một dự-án
bất-thường và bất thình lình như vầy chợt làm cô e ngại, cô không cảm thấy yên
tâm cho lắm.
Nhưng Nguyệt cứ cố gắng thuyết phục nên Thanh đành phải nói:
- Vậy thôi, mày cho tao suy nghĩ, tao sẽ xem với mấy đứa con tao, thu xếp
chuyện này ra sao đã, rồi tao sẽ gọi lại mày nhé, mày chịu không? Thanh đưa ra
vấn đề con cái như để chuẩn bị cớ từ-chối sau này.
- Ừ, vậy mày cố gắng thu xếp với con mày đi, tao nghĩ tụi nó cũng lớn và tự lo
cho nhau được rồi. Tao sẽ đợi cú phôn mày sớm. Cố gắng đi nhe.
Gác máy xong, Thanh còn đang băn khoăn thì mấy cô con gái đã nghe lõm bõm câu
chuyện, bèn quay lại hỏi mẹ:
- Chuyện gì vậy mẹ?
- Ô, có một nhóm người làm reunion mời mẹ sang Montreal hát và họ sẽ
lo hết chi phí cho mẹ, nhưng mẹ không muốn đi lắm.
- Sao vậy mẹ? mẹ có cơ hội đi chơi xa như vậy, mẹ cũng nên đi chứ?
- Mấy lâu này, mẹ không đi đâu, bây giờ nghĩ đi xa, mẹ ngại quá. Vả lại, mẹ đi
rồi ai trông nom các con?
- Mẹ ơi, mười mấy năm nay, mẹ đã quên mình để lo cho tụi con, bây giờ tụi con
đã lớn rồi, mẹ cũng cần phải nghĩ đến mẹ một chút, tụi con tự lo lấy được mà.
Nhã, cô con gái lớn đến bên mẹ, cầm tay mẹ và nói:
- Mẹ, năm sau con vào đại-học rồi, con đủ lớn để lo cho mấy em vài ngày, mẹ
không cần phải bận tâm nữa. Mẹ cứ nhận lời đi đi.
Đến đây, Thanh cảm động vô cùng, cô chỉ biết ôm lấy mấy đứa con và nói:
- Mẹ cám ơn các con thương mẹ như vậy, mẹ cũng mừng. Thôi được, mẹ sẽ suy tính
thêm chút nữa xem sao.
Tối hôm đó, nằm trên giường,
Thanh không tài nào chợp mắt. Chuyện ngày hôm nay bỗng khiến cô nhìn lại quãng
đường đã đi. Suốt bao nhiêu năm nay, lầm lũi bước qua mọi khó khăn, cô đã sống
như một cái máy, sống như “nín thở mà sống”, sống như đã không sống. Hôm nay,
cô như chợt tỉnh.
Ừ nhỉ? Lúc trước là chuyện sống còn thì mình phải cố gắng phi thường, rốt cuộc
rồi mình cũng vượt qua được mọi thử thách. Có lẽ đã đến lúc mình phải tạm lật
một trang đen tối trong đời, có lẽ mình cũng nên bắt đầu sống trở lại chứ?
Thanh thở dài và chợt bật khóc nhè nhẹ, như để trút đi một gánh nặng trong
lòng.
Như một chút nắng trong nước lạnh. Un peu de soleil dans l'eau froide ( Françoise Sagan).
Hai hôm sau, Thanh gọi lại
Nguyệt, cho biết cô nhận lời. Nguyệt mừng lắm và còn trêu thêm:
- Có thế chứ! Mày mà từ chối thì chắc tao giận mày luôn quá.
Sau đó, Nguyệt lo thông báo cho ban tổ-chức và mọi việc bắt đầu được thu xếp
với Thanh.
Phi trường Montreal, Canada.
Thanh bước ra khỏi trạm kiểm-soát thì một anh người Việt tiến lại và thưa:
- Chào chị Thanh. Nguyệt có gửi ảnh chị cho tôi để dễ nhận ra khi đi đón chị.
Tôi là Liêm trong ban tổ-chức và được hân hạnh lo phần tiếp đón chị và chăm lo
chị trong thời gian chị ở bên này. Bây giờ tôi xin đưa chị về nhà chúng tôi, vợ
tôi đã nấu sẵn chút bún măng để chị ăn lót lòng sau chuyến bay nhé.
Về đến nhà, Hương, vợ Liêm ra đón tận cửa và đưa Thanh lên phòng trong khi Liêm
xách va-li Thanh lên theo. Khi Thanh tắm rửa qua loa cho khoẻ và xuống nhà, một
tô bún riêu đã chờ sẵn, nóng hổi, thơm phức.
- Trời, anh chị lo cho Thanh kỹ quá, làm Thanh cảm động vô cùng. Xin cám ơn anh
chị nhiều.
Đây cũng là một cảm giác mới lạ mà lâu nay, Thanh đã không có được người chăm
sóc cho mình, đưa rước mình, đón tiếp mình như một người khách quí, làm cơm
ngon cho mình ăn. Hai mắt Thanh cay xè, cô nhắm mắt lại, tận hưởng giây phút
hạnh phúc thật quí báu này.
… Buổi hội-ngộ cựu học-sinh
TTR-CM diễn ra trong một bầu không khí thật cảm động. Những “ông bà già” ngũ
tuần ngày hôm nay bỗng trở về tuổi học-trò, nhìn nhau ngơ ngác, cố gắng
nhận-diện nhau trở lại.
- Có phải mày là…?
- Hình như chị là … phải không?
Có những người tóc đã hai màu nhưng vẫn giữ nét mặt thuở trước, còn có những
người thay đổi nhiều, nhìn mãi một lúc rồi mới: - Ô, hoá ra là…
Những cảm-giác này thật khó mà diễn tả được, bao nhiêu kỷ-niệm vui buồn ùn ùn
kéo về, khuấy động lại tâm-tư. Tiếng cười nói reo vang như pháo Tết, không khí
náo nhiệt như chợ vỡ…
Cây đinh của đại-hội là đêm gala. Các ông thì “dến” vét, cổ
thắt cà-vạt, các bà thì “rốp xoa-rê”, cặp nào, cặp nấy như cô dâu-chú rể, tụ lại
với nhau từng bàn mười người, tiếp tục trò chuyện. Cho đến lúc anh trưởng ban
tổ-chức bước lên sân khấu, chào mừng quan khách, đọc một bài diễn-văn ngắn gọn
rồi nhường lời cho cô hoạt-náo viên giới-thiệu phần văn-nghệ:
- Các anh, các chị, các bạn thân mến. Phần văn-nghệ sẽ được mở đầu với một
giọng ca mà có lẽ một số đã quen biết từ Sài-Gòn, trong thời-kỳ nhạc trẻ, cũng
là một cựu học-sinh CM của chúng ta. Tôi xin giới-thiệu chị Thanh. Xin mời chị
Thanh.
Thanh khoan thai bước lên sân-khấu:
- Thanh xin thân chào các anh chị và xin thành thật cám ơn anh chị đã mời Thanh
đến tham-dự một buổi hội-ngộ thật vui, thật cảm động như hôm nay. Để mở đầu
chương trình, xin mời các anh chị cùng Thanh trở lại tuổi học trò của chúng ta
với nhạc bản…
… Rồi từ giọng hát em chợt vút cao, vút cao một trời, một trời…
Chương 2
Sân trường TTR-CM
Rồi ngày vui nào chẳng qua? Hai
buổi hội-ngộ cựu học-sinh TTR-CM đã chấm dứt, mọi người ra về lòng hân hoan,
nhưng bịn rịn, quyến luyến và hứa với nhau sẽ hai năm tổ-chức lại một lần cho
thoả tình bạn năm xưa.
Và Thanh cũng đáp máy bay về, trở
lại với cuộc sống hàng ngày của cô. Nói cho ngay, đây không phải là khoá học
của cô, cô không quen mấy ai nên cô không chia sẻ được những cảm-giác, tâm-tư
của đám bạn học cũ kia, nhưng hai ngày này cũng là một ốc-đảo trong sa-mạc cuộc
đời cô và lòng cô cũng cảm thấy nhẹ vui.
Cô con gái lớn đã vào đại-học và
cư trú trong trường. Nhà lại vắng đi một người, công việc Thanh nhẹ đi đôi chút
nhưng mẹ nào chả nhớ con nên lúc đầu cũng hơi buồn. Rồi lại một ngày như mọi
ngày, ba mẹ con lại tiếp tục cuộc sống, đi làm, đi học.
Ba tháng sau, cô đã bắt đầu quên
chuyến đi Canada thì một hôm, điện-thoại lại reo.
- Allo, chị Thanh phải không
ạ? Doãn trong ban tổ-chức reunion TTR-CM vừa qua bên Montreal đây chị.
Dạo này, Thanh có được khoẻ không?
- Vâng, chào anh. Cám ơn anh, Thanh vẫn bình an. Còn anh chị ra sao?
- Tụi này vẫn thường. Một lần nữa, thay mặt ban tổ-chức, xin được cám ơn chị đã
giúp cho buổi văn-nghệ thêm phần độc-đáo, ai cũng phải khen, cứ hỏi chúng tôi
cô nào trường CM mà hát chuyện-nghiệp hay quá vậy?
- Cám ơn anh đã quá khen chứ Thanh đã bỏ lâu năm rồi không hát nên có lẽ không
tự-nhiên lắm?
- Thanh lại khiêm nhường rồi đó. Nhưng này, hôm nay anh gọi vì sau buổi
hội-ngộ, tụi anh đã dựng nên một diễn-đàn trên Internet để mọi người có một
thời-điểm nói chuyện, tán gẫu, trao đổi ý-kiến, tin-tức hay thảo-luận với nhau.
Một số bạn, trong đó có anh, có đề-nghị mời Thanh gia-nhập cho vui, vì Thanh
cũng là “dân” CM dù là một lớp sau và mọi người phần đông cũng biết và thích
Thanh lắm. Thanh nghĩ sao?
- Úi chà, diễn-đàn là cái gì, Thanh chưa bao biết đến. Chuyện Internet, Thanh
“nhà quê” lắm, chỉ biết viết i-meo vớ vẩn hay thỉnh thoảng lên Mạng tìm một
tài-liệu hay thông-tin gì đó thôi. Thật ra thì nhà có gắn Internet chỉ vì mấy
đứa con đi học cần thôi chứ những việc lắt nhắt như Thanh cần thì thỉnh thoảng
làm trong sở cũng được. Cho nên Thanh cũng hơi ngại đó.
- Có gì đâu mà ngại? Ở trong một diễn-đàn, mình hoàn toàn không bắt buộc phải
viết gì cả. I-meo bất cứ ai gửi lên, mọi thành viên đều nhận được, thích thì
đọc, không thích thì “delete”, hứng nữa thì nhảy vào phát biểu ý-kiến của mình,
có khi chỉ viết hai ba chữ như “Hay quá, cám ơn” thôi, không có gì ghê-gớm lắm
đâu. Thôi bây giờ anh đề-nghị cứ để Thanh gia-nhập incognito, tụi anh sẽ không
thông báo gì, Thanh cứ ung dung “thử hàng” một thời gian, sau đó, thích thì ở
lại, không thích thì lặng lẽ rút lui, không ai biết, không ai ép buộc gì hết.
Thanh nghĩ sao?
- Ừ thôi được, cứ để Thanh thử vậy, anh nhé. Thanh trả lời sau vài giây suy
nghĩ. Cứ thử chơi cho biết.
Doãn cắt nghĩa cho Thanh một ít
qui-luật của diễn-đàn: lịch sự với nhau, không chỉ-trích cá-nhân, không cãi vả,
tránh lời lẽ và ý tưởng thô-tục (để tôn-trọng phái nữ trên diễn-đàn) và tránh
những đề-tài nhạy cảm, nhất là những vấn-đề liên-quan đến chính-trị Việt-Nam,
một mặt để khỏi liên-luỵ đến các bạn đang sống trong nước và để tránh những pha
“võ mồm” làm mất hoà-khí bạn bè.
Thế là sau đó, Thanh bắt đầu nhận được những điện-thư của các bạn trên diễn-đàn
TTR-CM. Dư-âm của lần hội-ngộ vẫn chưa tan nên diễn-đàn khá hào-hứng, mọi người
vẫn còn như tiếp-tục “hội-ngộ”, cùng nhau gợi lại những kỷ-niệm năm xưa.
Trong lúc này, vì không thật sự quen biết ai, vả chăng còn là “ma mới” nên
Thanh chỉ đọc phớt qua chứ không tham gia vào những đối-thoại.
Dần dần, âm-hưởng hội-ngộ bắt đầu phai và diễn-đàn cũng bớt sôi động. Cho đến
một ngày, một chị gửi lên bài nhạc “Ánh đèn màu” trên Youtube để mọi người nghe
cho vui.
Thanh bao nhiêu năm nay vì phải tập-trung nghị-lực vào việc mưu sinh, nuôi con
nên không còn đàn hát bao nhiêu nữa nhưng máu văn-nghệ vẫn chảy trong người nên
khi nghe lại bài hát đó, cô chợt động lòng và trả lời lại:
- Bài "Ánh đèn màu" quả nhiên là một nhạc-phẩm bất hủ. Thanh cũng mê
bài này lắm vì lời lẽ bài nhạc diễn-tả cuộc đời và tâm-trạng của một nghệ-sĩ
rất xác thực.
Đời ca hát ngày tháng
cho đời mua vui
Đời son phấn làm mất bao ngày thơ-ngây
Rồi khi ánh đèn tắt lặng lẽ cô đơn
Chìm trong bóng đêm, người ta lãng quên, bẽ bàng…
Bài này, T. chỉ nhớ lõm bõm vài lời thôi. Nếu có ai có được lời bài nhạc này
thì làm ơn cho T. xin nhe.
Hôm sau có hai anh đã gửi lên lời bài nhạc theo lời yêu cầu của Thanh. Cô bèn
trả lời:
- Cám ơn anh Khang và anh Phương đã gửi lời bài nhạc. Bài này, T. rất thích
hát, nhớ lại có một lần họp mặt ở nhà một người bạn, mọi người yêu cầu T. hát
bài này, T. vớ lấy cây ghi-ta và cất tiếng hát. Chung quanh, đèn tắt ngúm, chỉ
có ánh lửa trong lò sưởi, im phăng phắc. Khi hát xong câu cuối cùng "Chìm
trong bóng đêm, người ta lãng quên, … bẽ bàng…", không có tiếng
vỗ tay, nhưng T. trông thấy vài giọt lệ rồi mọi người ra ôm lấy T. Thật là một
kỷ-niệm khó quên.
- Chắc là Thanh phải hát hay lắm
đây? Phương hỏi thêm.
Doãn bèn nhảy vào vòng:
- Phương ơi, tại mày không đi Retrouvailles vừa rồi nên mày không biết đấy thôi.
Thanh là promo sau mình một năm, lúc còn ở Sài-Gòn đã từng đi hát và vừa rồi đã
là ca sĩ chính trong buổi gala đó. Mày không đi nghe được là uổng phí một đời
trai già đó. Hi hi.
- Hoá ra thế. Như đã kể với mày,
lần vừa qua, tao biết được tin reunion quá trễ, đã đi nghỉ hè mất rồi, tiếc
hùi hùi, không gặp lại tụi mày được. Nhưng không sao, tao sẽ đi thăm tụi mày,
và mình còn bao nhiêu reunion khác nữa cơ mà?
Thế là Thanh bắt đầu tham gia vào
diễn-đàn, thỉnh thoảng trao đổi ý kiến về những đề-tài cô thích như âm-nhạc,
thể thao, truyện kiếm-hiệp Kim Dung mà biết bao nhiêu người đã từng thức đêm để
đọc,…
Trong cái tỉnh lẻ bé xíu xiu cô
ở, chỉ có ba ngàn dân cư, trong đó chỉ có một cặp vợ chồng người Việt đã đứng tuổi
nên cô chỉ có qua lại xã-giao chứ không gì là thân thiện. Liên-hệ cô chỉ có mấy
đứa con, những bạn đồng-nghiệp, không kể một vài hàng xóm để chào hỏi. Bạn
Việt-Nam thì phần lớn ở xa, cách nhau ít nhất ba tiếng lái xe nên cô ít được
nói chuyện tiếng Việt với bạn bè cùng lứa tuổi. Cho nên, dần dần, Thanh cũng
cảm thấy vui vui với cái sân-trường TTR-CM này.
Một hôm, cuốn phim “Mùi đu-đủ
xanh” của đạo-diễn Trần Anh Hùng được ra mắt khán giả tại Paris. Phương đi
du học đã lâu lắm rồi mà chưa về thăm xứ sở, tâm hồn vương vấn không ít
nên Phương bỗng cảm thấy muốn đi xem.
Bước ra khỏi rạp, Phương tạt vào
một quán cà-phê, gọi một tách cà-phê đen và thả hồn trở lại cuốn phim vừa xem.
Nói cho ngay, có lẽ người Tây phương sẽ cảm thấy chán đối loại phim này vì lối
quay chậm, ít hành-động, ít nói và nói chậm. Nhưng đạo-diễn có những cách thể hiện tài tình về những cảm nhận của bản
thân cũng như gợi cho người xem nhiều suy tưởng về cuộc sống, con người Việt
Nam, mà đặc-trưng là thân phận nhẫn nại, cam chịu, hy sinh của người phụ
nữ. Phương lại nhớ lại hoàn cảnh mẹ mình, nhớ lại những huống cảnh quen thuộc,
xót thương cho mệnh nước và dân-tộc mình.
Phương có thói
quen hay đem theo giấy bút trên người nên bắt đầu ngồi hí hoáy viết. Tối về
nhà, ăn cơm xong, Phương bèn lên diễn-đàn trút ra những
cảm-nhận ray rứt của mình:
- Vừa đi xem phim “Mùi đu-đủ
xanh” về, nhớ nhà quá, viết lên vài giòng chia sẻ với bạn bè nhé?
Mùa đu-đủ đã đến rồi. Đâu đây, phảng phất mùi đu-đủ xanh, mùi đu-đủ chín,
lẫn vào bao hương vị khác, nào mùi ổi, mùi mít, mùi soài, mùi sầu riêng, lẫn
vào bụi đường đông người để khiến mắt tôi cay.
Tôi nhớ mùi mắm nêm, nhớ đĩa tiết canh vịt ăn ở L.A. với mấy thằng bạn, nhớ
những món ăn thuần tuý nơi một quán ăn ở San jose, nhớ…
Tôi nhớ gia-đình, nhớ bố mẹ, nhớ chị em, nhớ cô chú bác đang sống nơi xa.
Tôi nhớ ngôi trường cũ, nhớ thày, nhớ bạn, nhớ ông hiệu-trưởng, nhớ cả bác phu
quét lá trong sân trường.
Tôi nhớ ngôi nhà cũ chật-chội, nơi tôi đã sống, đã lớn, không biết bây giờ còn
đâu? Trong con đường hẽm Cây điệp bé tí ti, tôi còn nhớ những lúc tôi phải phụ
mẹ tôi đẩy xe, khiêng những két nước ngọt từ đường chính vào đến nhà vì xe
cam-nhông giao hàng không vào được. Con đường hẻm bụi bậm, chiều chiều phải
tưới nước ngoài trước cho đỡ nóng, đỡ bụi. Trong con đường hẻm đó, tôi còn nhớ
cả bác phu đẩy xe đi từng nhà, xin đồ ăn thừa về nuôi lợn.
Nước tôi nghèo lắm, nhà tôi chẳng giàu sang gì, nhưng sao tôi ước mơ được sống
lại những giây phút mầu-nhiệm đó, nhưng sao tôi tiếc nhớ những chuỗi ngày
mộc-mạc đó?
Đêm nay, tôi có cảm-tưởng tim óc tôi mọc rễ để đưa tôi về Hà-Nội, về đến con
đường Quan Thánh, về đến cái nôi tôi đã nằm.
Những tấm ảnh sepia bạc màu trong những cuốn an-bom cũ của bố mẹ tôi hầu như
sống lại. Tôi nhớ tấm ảnh tôi ngồi bô, ngây-thơ như con nai vàng ngơ ngác.
Tôi nhớ những chuỗi ngày êm đềm của tuổi ấu thơ, những kỷ-niệm đã quá xa rồi.
Xa quá rồi.
Thôi rồi, tôi lại nhớ nhà rồi.
Nhớ nguồn, nhớ cội, nhớ cả bốn ngàn năm văn hiến (một niềm hãnh-diện lớn lao),
nhớ tổ-tiên, nhớ ông bà đã lưu truyền lại bao nhiêu đức-hạnh, bao nhiêu vẻ đẹp,
lẫn lộn với bao nhiêu nỗi buồn.
Vì tôi không quên bao vết thương in hằn trên lưng Mẹ Việt-Nam, in hằn trên lưng
tôi đau xót.
Tôi yêu hương tôi đau khổ, tôi thương dân-tộc tôi nghèo nàn, tôi tủi thân cho
chính mình.
Ôi quê hương, người tình muôn thuở, muôn đời,
Yêu em quá, em ơi…
Những lời lẽ thấm thía
quá. Lòng Thanh như chợt nhiễm tâm-tư của người viết. Cô chợt tự
nhủ thầm:
- Anh Phương, không ngờ anh viết cảm động quá. Anh phải viết nhiều nữa nhé.
Chương 3
Người nghệ-sĩ và cây đàn
Thanh xuất-thân từ một gia-đình
nghệ-sĩ, chung quanh Thanh, những người có chút tiếng tăm trong làng văn-nghệ
không phải là hiếm. Riêng cô đã được học nhạc từ bé và sau đó cô có bước vào
sinh-hoạt đàn hát chuyên-nghiệp.
Lúc sang Mỹ, cô tiếp tục đi hát một thời-gian ngắn trước khi chuyển sang một
công việc vững chắc hơn. Sau đó, có dịp tiếp-xúc với một cộng-đồng Việt-Nam gần
chỗ cô ở, cô nhận lời chỉ dẫn cho những người bạn trẻ chơi nhạc và thỉnh thoảng
tham gia chút ít trong những sinh-hoạt văn-nghệ như Tết nguyên-đán hay những
buổi họp mặt thân-mật. Nhưng nói chung thì với nếp sống của cô về sau này,
Thanh không còn chú tâm vào địa hạt này như trước nữa.
Sáng thứ bảy này, Thanh lái xe
xuống vùng Washington D.C. chơi với cặp vợ chồng Hưng-Trang. Hưng thì
đã học chung với Thanh thuở trung-học, còn đối với Trang thì hai gia-đình quen
nhau đã lâu nên rất thân và thỉnh thoảng, Thanh lại lái xuống chơi cuối tuần
dưới này.
Nhớ lại lần đầu tiên gặp lại Hưng-Trang, Thanh lại phải phì cười. Lần
ấy, Hưng-Trang mở một buổi họp mặt với bạn bè để tiếp Thanh. Ăn tối xong,
mọi người kéo xuống nhà dưới (basement) hát karaoké.
- Hưng bảo sao? Kara… gì, Thanh không biết.
- Trời, Thanh không biết karaoké là gì à? Có thật không? Cái này có bao năm nay
rồi mà? Hưng trợn tròn mắt ra.
Rồi Hưng cắt nghĩa cho Thanh karaoké là gì, sử dụng như thế nào…
- À ra thế. Hay nhỉ? Nhưng mà trước giờ, Thanh muốn hát thì tự đệm nhạc hát và
cũng chả mấy khi đi chơi nên thật quê mùa quá. Thanh nói.
Tối hôm đó, Thanh lần đầu tiên làm quen với phát-minh tân tiến mà ai ai cũng
biết ngoại trừ Thanh.
Ca ra thì OK, ca không ra cũng vẫn OK, karaoké kỳ diệu ở điểm đó.
Trước khi ra về, Thanh đề-nghị lần sau, Thanh sẽ cố gắng mượn cây đàn keyboard
của một người bạn và sẽ đệm nhạc “sống” cho mọi người hát.
Thế là sau đó, mọi người được hát “live”, phần đông ai cũng thích cho nên thành
thói quen, mỗi lần Thanh xuống chơi là xách đàn xuống nếu mượn được.
Lần này, Thanh phải xuống tay không vì không mượn được đàn,
nhưng Hưng có nói là không sao hết, vấn-đề đã được giải-quyết rồi.
Hỏi giải-quyết như thế nào thì Hưng chỉ ậm ừ, không trả lời rõ.
Đến nhà Hưng-Trang, chủ nhà
mở cửa ra đón, xách hành-lý tay của Thanh lên phòng dành cho cô. Sau đó, mọi
người ăn trưa qua loa rồi Hưng lấy xe đi công việc, Thanh và Trang
cùng nhau vào bếp sửa soạn cho buổi họp mặt buổi tối. Những buổi như vầy thường
được tổ-chức theo lối “potluck”, nghĩa là mỗi cặp khách mang lại một món (tự
làm lấy hay đặt mua nếu không có thì-giờ), chủ nhà lo phần chính và rượu nước.
Hai cô bạn vừa làm bếp, vừa nói chuyện với nhau thật vui.
Một lúc, Trang hỏi thăm:
- Thế mấy cô con gái Thanh dạo này ra sao rồi?
- Cám ơn Trời Phật, chúng nó học khá, lên lớp đều, ngoan và sức khoẻ tốt, nên
Thanh không có gì để lo lắng cả. Bây giờ thì có thể nói là chưa được thái lai
nhưng bĩ cực thì coi như đã qua rồi.
- Trang thật là khâm-phục và thương Thanh quá. Trang mừng cho Thanh lắm.
- Chẳng qua mình không có sự lựa chọn nào khác thôi, Trang ơi. Buông xuôi thì
hỏng đời mình đã đành nhưng hại luôn đời con mình thì người mẹ nào làm như vậy
được? Chứ Trang biết không, thời gian đó quá khổ cực và tủi hổ, đến nỗi mà đi
thuê nhà, may mà có cô bạn đồng-nghiệp chịu bảo-lãnh giúp chứ không chủ nhà nào
cho mướn? Đúng là “Trời sinh voi, sinh cỏ”, việc gì rồi cũng qua thôi. Thanh kể
lại, giọng trầm buồn.
Trang cầm lấy tay Thanh, nói:
- Đúng vậy, Thanh à. Cuộc sống vẫn tiếp-tục, vả lại Thanh còn bạn bè thân
thích. Thanh có cần bất cứ gì thì cứ nói, tụi nào làm được gì giúp là sẽ làm
ngay, đừng ngại, Thanh nhé?
- Cám ơn Trang, Thanh cảm-động lắm. Bây giờ, Thanh chỉ cần vui sống thôi.
- Ừ, nhưng mà Trang mong sao Thanh sẽ vui sống với một người bạn đời nữa chứ
con cái lớn cả rồi, không bao lâu, chúng nó đi cả, ở một mình buồn lắm.
- Thì chính mấy đứa con Thanh cũng nói vậy đó. Nhưng mà mấy mối Trang và bạn bè
dưới này giới-thiệu, rốt cuộc rồi cũng không đến đâu. Trên kia, Thanh cũng thử
gặp một vài ông nhưng rồi cũng tịt ngòi cả.
- Hay là tại Thanh kén quá chăng? Trang biết Thanh tính nghệ-sĩ lại rất tình
cảm nữa, gặp được ai hợp "gu" với mình hơi khó đấy.
- Không biết được. Nhưng mà chuyện vợ chồng đâu phải như đi mua cái áo, mặc
không thích thì tìm cái khác đâu? Nói đùa tí cho vui nhưng Thanh tin rằng phải
có duyên, có nợ thì mới thành, phải không Trang?
- Ừ, đúng vậy. Thanh đã như chim bị đạn rồi thì chắc chắn là phải kỹ chút thôi.
Nhưng Trang tin chắc thế nào Thanh cũng tìm được ý trung nhân mà. Lúc đó, nhớ
kể cho Trang biết nhé.
- Trang lại khéo trêu nhé. Được rồi, có gì sẽ cho Trang xem ảnh ngay.
Hai người bạn ôm nhau cười vui vẻ rồi tiếp-tục công việc bếp.
Tối đến, bạn bè đến đông đủ, người mang chả giò, người mang gỏi, người mang
trái cây, rượu nước, … và những bàn ăn bắt đầu mang vẻ thịnh soạn lắm.
Mọi người nhập tiệc, ăn uống, trò chuyện, tiếng cười nói rộn vang nhà. Thanh
xuống đây, lần này cũng là lần thứ tư rồi nên cũng bắt đầu quen gần hết những
bạn ở đây. Cô cảm thấy rất thoải mái, tự-nhiên chứ không còn bỡ ngỡ như những
lần đầu nữa. Phần đông, ai nấy đều dễ thương và quí Thanh lắm, một phần có lẽ
vì ai cũng thích nghe Thanh hát và học hỏi được nơi Thanh ít nhiều trong
lãnh-vực này.
Ăn uống no nê xong, như thường lệ, mọi người lại kéo nhau xuống nhà dưới để
bước vào phần văn-nghệ.
Thanh níu vai Hưng, hỏi:
- Tối nay, lại hát karaoke hay như thế nào hả Hưng? Chứ Thanh có mang đàn
đâu?
- Thanh đừng lo, cứ xuống đây rồi biết. Hưng mỉm cười nói, nét mặt ra
vẻ bí mật.
Mọi người an toạ xong, hai gia-chủ đứng ra nói vài câu cùng quan khách.
- Hai vợ chồng Hưng-Trang xin cám ơn tất cả các anh chị, các bạn đã bỏ
chút thời-giờ đến chung vui buổi họp mặt này. Và đặc-biệt tối nay, chúng ta sẽ
có một sự bất-ngờ dành cho cô bạn dễ thương của chúng ta là Thanh. Xin mời
Thanh bước lên đây.
Thanh không hiểu chuyện gì nhưng cũng lên đứng cạnh Hưng-Trang.
- Thay mặt tất cả mọi người ở đây, Hưng-Trang xin cám ơn Thanh đã gia-nhập
Hội Ham Vui vùng DC và đã đem lại cho mọi người bao niềm vui với tiếng đàn,
tiếng hát của Thanh, cũng như những lời chỉ dẫn thật quí giá để mọi người được
tận hưởng cái thú vui "sướng" ca nhiều loài này. Để nói lên lời cám
ơn đó một cách thiết-thực hơn, tất cả mọi người ở đây đã cùng đóng góp vào một
món quà cho Thanh.
Nói đến đây, Hưng ra hiệu cho Tuấn và Long. Hai người bước ra, người
thì khiêng một cây đàn phím keyboard, người thì xách cái chân đàn, và bắt đầu
bố trí vào dàn âm-thanh.
- Bây giờ Thanh có đàn của mình rồi, đi đâu không cần phải đi mượn nữa nhé.
Thanh có thích không?
Bàng hoàng trước món quà thật bất ngờ này, Thanh lắp bắp:
- Trời ơi, các anh chị tặng Thanh quà này đắt tiền quá, làm sao Thanh dám nhận?
Tuấn bước ra, tiếp lời Hưng:
- Thanh đừng ngần ngại như vậy. Đây là lòng thành của mọi người đối với những
gì Thanh đã đem lại cho mọi người thôi. Bây giờ phải thú thật với Thanh: lần
trước, để làm bất ngờ cho Thanh, anh đã phải giả vờ nói là anh muốn mua cho anh
một cây đàn và hỏi ý kiến Thanh xem cái nào tốt để anh mua.
- Hoá ra vậy. Thanh nhớ anh có đưa Thanh xem liệt-kê một số đàn và còn cố ý nói
“Nếu như Thanh muốn mua cho mình một cây đàn thì Thanh sẽ mua cây nào trong số
mấy cây này?” Anh Tuấn mưu mô quá nhé.
Thanh quay lại mọi người, mắt ướm lệ, giọng nói như tắc-nghẽn vì xúc động:
- Các anh chị làm Thanh cảm-động quá, Thanh không biết nói gì, làm gì để cám ơn
tấm lòng của anh chị. Cám ơn các anh chị, Thanh cảm thấy mình rất may mắn đã
được quen các anh chị…
Rồi Thanh lại ôm từng người, trong lòng ngập tràn xúc cảm, vui buồn lẫn lộn.
Hình như Trời Phật đã phải ra tay xoa dịu những nỗi buồn khổ của Thanh?
Thôi thì cứ xem như đã xong, Thanh cứ lật qua một trang mờ tối trong đời và vui
sống nhé.
Tối hôm đó, Thanh chơi nhạc như chưa bao giờ.
Chương 4
Anh Gầy Gầy
Sau khi đỗ Tú-tài, Phương được đi
du học bên Pháp. Thế là anh chàng mười tám tuổi bỗng dưng bị “quẳng vào đời” và
phải tự lo mọi việc. Lúc trước ở nhà chỉ phải lo đi học và đi chơi, giờ thì
phải lo đủ thứ, từ việc hành chính (đối với chính phủ Pháp, với trường học, với
ngân hàng, với chủ nhà, …), đến công việc nhà (quét dọn, nấu ăn chút đỉnh, giặt
giũ, là quần áo, thậm chí đến cả may vá như khâu lại cái khuy áo, lên gấu quần,
vá cái bít-tất thủng,…). Vì tính háu ăn nên Phương đã phải tập nấu ăn, cả cơm
Tây lẫn cơm Việt, cũng may là Paris vốn có sẵn nhiều người Việt-Nam cư-ngụ từ
lâu nên tiệm bán thực-phẩm Việt-Nam là tiệm Thanh Bình ở quận 5, sinh-viên mình
ai nấy đều biết.
Sau 1975, lớp di-dân Việt-Nam tăng
vọt và tập trung ở quận 13 rồi nơi đó, nhiều siêu-thị Á-Đông xuất-hiện nên Phương lại càng đi chợ
dễ dàng hơn nữa.
Hôm nay đi chợ, Phương lại khệ nệ khiêng về hai giỏ, trong đó có một quả sầu
riêng thơm phức. Về đến nhà, cất thức ăn vào tủ lạnh xong, anh mới từ từ đem
quả sầu riêng ra bàn và bắt đầu bổ ra. Mùi thơm bốc lên ngạt mũi, những múi sầu
riêng chắc thịt, màu vàng lóng lánh, Phương bóc ra một múi đưa ngay vào miệng
và nhắm mắt lại. Ôi chao, bùi làm sao, béo làm sao, thơm làm sao. Cần gì phải
dùng đến cần-sa mới có được những cảm-giác đê-mê đến lịm người này nhỉ? Ngon
quá, đến múi thứ ba, Phương chợt nổi hứng viết mấy câu thơ cóc:
Thân anh như quả sầu
riêng
Mong sao em hái đem liền vào trong
Hái rồi, em gói trong lòng
Chứ đừng bỏ xó, long đong phận này.
Đắc chí, Phương vào máy vi-tính để đăng lên diễn-đàn, chia sẻ cùng các bạn.
Năm phút sau, chợt đã có một câu đối hiện lên:
Thân
em trắng ngọc, trắng trong
Mong anh ôm ấp trong lòng anh yêu
Yêu em xin hãy một chiều
Nếu không để xó có nhiều người…cua.
A,
hoá ra là Thanh. Cô này cũng bén nhạy đáo để, Phương cười thầm. Được rồi, thử
thêm một đòn xem sao ? Phương bèn bồi thêm :
Bên
kia bờ đại-dương
Có cô gái dễ thương
Hát hay lại hay hót
Ăn nói lại văn-chương.
Nào, đối đi.
Ai ngờ
đâu, Thanh cũng phản đòn chớp nhoáng :
Bên
vòm trời Âu Tây
Có anh dáng gầy gầy
Duyên dáng ôi chi lạ
Viết văn cũng một cây.
Trong
thời-điểm này, hai người chưa hề biết mặt nhau, dù là qua ảnh chụp, nhưng dựa
trên lời lẽ, cách nói chuyện của Phương, Thanh cứ hình dung là anh này phải là
típ nghệ-sĩ, mà nghệ-sĩ thì dáng phải gầy gầy, mái tóc phải bồng bềnh, đôi mắt
phải trong sáng và chắc anh phải tếu lắm. Không hiểu sao Thanh lại tin chắc như
vậy.
Sau
hai lần tỷ thí này, các bạn bè trên diễn-đàn bắt đầu có cảm giác là có chuyện
gì đang xảy ra giữa hai người bạn này đây. Từ đó, các bạn theo dõi, ủng hộ và
đôi khi còn xúi ra, đốc vào trong những trao đổi của Phương và Thanh.
Lần
đó, nhân dịp Tết nguyên-đán, Phương tổ-chức một buổi họp mặt với một số bạn bè
vùng Paris và luôn thể mời các bạn khác gia-nhập một chặp qua video trên
Internet. Thắng, anh bạn điều hành phần video đó bèn kêu gọi các bạn, nhất là
Thanh :
- Thanh tham gia vào để nghe Phương hát và ngâm thơ nhe ?
Khanh
bèn nhảy vào vòng :
- Phương, mày phải hát tặng bài Dư âm : « Đêm qua mơ dáng, em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ,…
Hạnh, một cô bạn khác lại chêm vào :
- Thanh ơi, Phương hát hay lắm mà rất là có duyên nữa (ảnh trên site như thế
nào thì ở ngoài còn hơn nữa), lại thêm tài văn thơ nữa.
Trong
lòng Thanh cũng muốn lắm như có lẽ trong thâm-tâm hơi ái-ngại điều gì nên viện
cớ :
- Cám ơn các bạn đã mời nhưng máy Thanh không có webcam, cũng chả có microphone
gì cả mà mấy chuyện máy móc này thì mù tịt. Thôi, cho Thanh xin khất lần này
nhé, lần sau Thanh sẽ chuẩn bị kỹ hơn.
Nước
kia muốn chảy mà mương thì đã đào rồi. Nhưng hình như chỉ có Phương và Thanh là
chưa ý-thức được điều này. Và cứ thế, hai người trao đổi với nhau, với bạn bè
trên diễn đàn như hai đứa trẻ vô tư vừa mới quen nhau, cảm thấy hợp ý nhau và
vui đùa cùng nhau trong sân trường, chỉ giản-dị thế thôi.
Cho đến
một ngày kia…
Chương 5
Phải chăng là
tình yêu ?
Hôm
nay rảnh, Phương và Chánh rủ nhau đi viếng Viện Bảo-Tàng nghệ-thuật châu Á
Guimet ở Paris. Hai người bạn đi du học đã lâu, sau này lại phải định-cư nơi xứ
người nên hay tìm mọi dịp để trở về với nguồn-gốc của mình.
-
Cùng gọi là châu Á nhưng người Ấn-Độ và người Việt-Nam có gạch nối gì khác
ngoài Đức Phật Thích Ca nhỉ ? Nhất là khi đạo Phật không quá một phần trăm
tín-đồ Ấn-Độ? Người Việt là người Á-Đông, một khu-vực gồm có Trung Hoa,
Mông Cổ, Nhật bản, Đại Hàn / Triều Tiên và Việt-Nam, cho nên chúng ta thường
nói « Người Á Đông mình… », mày nhỉ ? Chánh nói.
- Ừ,
mày nói đúng. Thành ra, hôm nay mình phải đi xem văn-hoá các nước châu Á giống
mình chỗ nào, khác mình chổ nào thì mình mới biết rõ được mình là ai, cá tính
mình là gì.
Hai
người bạn say sưa tìm hiểu về văn-hoá nghệ-thuật các nước châu Á trước khi tìm
đến món vật vô giá mà họ muốn xem đã lâu : trống đồng Đồng Sơn. Đối
với người Việt thì trống đồng
là một vật linh vì có vị thần tự xưng là thần trống đồng đã giúp nhiều
triều đại Việt Nam trong việc giữ nước hộ dân từ thời vua Hùng đến nhà Lý, nhà
Trần, …
- Nghĩ cho cùng, cũng may mà thằng Tây nó sang Việt-Nam mình ăn cắp cái trống
này về nên hôm nay mình mới được thấy đấy chứ ? Chánh vừa nói, vừa đùa.
Phương và Chánh say sưa ngắm nhìn mãi cho đến lúc bụng
đói mới từ từ bước ra, đi tìm ăn lót lòng nơi một quán ăn nhỏ gần đấy.
Ngồi vào bàn, hai người lại nói chuyện tiếp về những gì vừa xem tại Viện
Bảo-Tàng. Hứng chí quá, Phương thốt lên :
- Hôm nay đi, tao thích ghê, chắc tao phải vào sân trường
kể tụi nó nghe quá.
Phương gọi diễn-đàn là « sân-trường’ », như một cách để luôn luôn trở
về tuổi học trò, thời niên-thiếu đã mất.
- Ừ, mày làm đi. Dạo này, diễn-đàn mình khá nhộn nhịp đấy chứ, nhất là từ lúc
có cô Thanh với mày cứ đấu chưởng với nhau, thật là vui.
Ngập ngừng một chặp, Chánh tiếp :
- Phương ơi, mình là bạn thân tình với nhau, tao hỏi thật mày câu này
nhé : Mày có ý gì với Thanh không ?
Câu hỏi thật bất ngờ và thẳng thừng làm Phương chột dạ vì chưa bao giờ anh tự
hỏi chuyện này. Phương lắp bắp:
- Ờ, À,…, Tao… Mày nói sao ?
- Được rồi, tao hỏi lại vậy : Thanh đối với mày là như thế nào ? Mày
có tình ý gì không ? Chánh hỏi tới.
- Mày hỏi thế, tao cũng chả biết trả lời như thế nào. Mày biết tính tao thích
đùa, gặp được ai cũng đùa, « ăng-giơ » (en jeu) với tao thì
tao đùa « líp-ba-ga ». Hai người chưa thấy mặt nhau, dù trên ảnh nữa
thì tình ý gì bây giờ ? Phương chống chế.
Mà thật vậy, « Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng… » chỉ có trong
văn thơ, trong mộng tưởng thôi chứ làm gì có ngoài đời nhỉ ?
- Tao không biết chứ ở ngoài nhìn vào thì ai cũng nghĩ hai đứa tụi mày đã bắt
đầu « thích » nhau rồi đó. Thế tao hỏi mày thêm câu nữa nhé :
Mày với Hélène như thế nào rồi ?
Phải rồi, Phương có cô bạn gái người Pháp tên Hélène từ hơn năm rưỡi nay. Thế
tại sao… ?
- Ừ nhỉ ? Tao với Hélène vẫn như thường và hai người đang tính đến chuyện
dọn vào ở chung với nhau đây.
Chánh bỗng nghiêm mặt lại, ôn tồn nói :
- Phương ơi, nếu như vậy thì mày phải cẩn-thận lắm mới được. Mày cứ thế này,
thể nào mày cũng làm khổ Thanh hay Hélène, hay cả hai, không khéo khổ cả ba
nữa. Tao khuyên mày suy nghĩ cho kỹ xem mày thật sự muốn gì, muốn ai chứ mày
không lừng khừng như thế được. Nếu tình cảm mày hướng về Thanh thì mày cứ tiếp
tục đi xa hơn và giải-quyết chuyện với Hélène, còn ngược lại, nếu mày muốn tiếp
tục với Hélène thì mày phải ngưng đùa giỡn với Thanh. Tao lo cho mày lắm đó
Phương. Chánh thành khẩn với bạn.
Lúc này, nét mặt Phương nhăn nhó như « gà nuốt giây thun » :
- Cám ơn mày đã soi đường cho tao chứ bấy lâu nay tao chả ý-thức được
chuyện này. Tao cứ như thằng con nít…
Chánh phá lên cười và ngắt lời bạn :
- Con nít à ? Mày lại tếu rồi. Qua ngũ tuần rồi, bố !
Phương cũng phải phì cười trước cái sự-thật hiển-nhiên đó. Anh chợt nhớ lại
cách đây không lâu, vào dịp sinh-nhật năm mươi tuổi, anh đã có viết một bài
tự-sự để ôn lại quãng đời mình :
Trên
đường đi
xuống
Tuổi
trẻ ơi, thơ ấu ơi, nay còn đâu ? Tôi đã đánh mất rồi.
Hôm nay, trèo lên tận đỉnh đồi, ngoảnh nhìn lại, tôi chợt cảm giác mình đã trải
qua nửa đời này để học cách sống nửa đời còn lại. Long đong nơi này, chốn nọ, giữa không
gian này, thời gian kia, lúc nào tôi cũng chỉ là người qua đường. Con đường tôi đi, tôi đã lần mò mài
miệt, như một cuộc đuổi bắt không ngừng. Dĩ vãng bao giờ cũng đàng sau lưng, cho
dù mình có quay đầu lại. Chỗ đứng
của tôi trên khoảng đất này, dưới vòm trời này, tôi đã lặn lội đi tìm khắp mọi
nơi, qua mỗi khuôn mặt , sau mỗi cụm mây, trong mọi ảo ảnh của cuộc đời.
Nhưng tôi đã lầm : tôi cứ đi tìm bên ngoài cách hoá giải một vấn đề đắp
kín ở bên trong, và tôi đã suýt chết khát bên cạnh giòng sông. Tôi muốn trở
thành một « Ông », tôi chỉ cố gắng trở thành… chính tôi.
Tôi đã được đi học để thành tài nhưng tôi đã phải lăn lộn với đời để thành
nhân. Học ra trường không phải là dễ, nhưng học làm người mới thật là khó.
Cuộc hành trình chưa dứt, nhưng tôi cũng đã bắt đầu học, tôi đã bắt đầu hiểu
tôi sống để làm gì ?
Ý nghĩa của cuộc sống là gì, nếu không phải là sống ? Nhưng sống là
gì ? Sống như thế nào mới là sống ? Phú quí là gì, quyền hành là gì
để con người cứ phải nhắm mắt chạy theo ? Hạnh phúc là gì ? Trách nhiệm là gì ?
Trưởng thành là gì ? … Trăm
ngàn câu hỏi đó ám ảnh tôi suốt bao nhiêu năm qua, nhưng tự đặt câu hỏi chẳng
phải là đã có câu trả lời !
Tôi đã lên đến tận đỉnh đồi. Trên đường đi xuống, thân tôi lại nặng thêm nhiều
câu hỏi, nhưng thâm tâm đã vơi nhẹ nhiều rồi. Trên đường đi xuống, tôi đã giầu
hơn trước, giầu hơn với tất cả cơn vui, nỗi buồn, giầu hơn với tất cả kinh
nghiệm sống của mình, những kinh nghiệm người xưa để lại nhưng tôi đã phải tự
học lại.
Đò đã sang giữa sông rồi, qua bờ bên kia đi.
Canh trưa đã điểm rồi, lúc nào canh khuya đến ?
Đầu đã hai thứ tóc nhưng trên con đường đi xuống này,
hình như Phương vẫn còn lạc lối?
- Thôi được rồi, tao sẽ giải-quyết việc này. Cám ơn mày
lần nữa, hôm nay tao đãi mày vậy. Phương chép miệng nói.
Phương ra trả tiền rồi hai người chia tay.
Tối về, đầu óc Phương thật rối ren sau cuộc nói chuyện
với Chánh. Sự-kiện trước mắt rõ ràng, bạn bè chung quanh ai cũng thấy tại sao
mình lại không thấy?
Thuở còn ở Sài-Gòn, Phương vốn ít nói và nhút nhát, “bùm” Sài-Gòn chỉ đi độ một
hai lần rồi sinh-viên bên Pháp, trong một xã hội khá cởi mở, Phương cũng không
thích những cuộc tình qua đường, lăng nhăng. Đã có bạn gái, Phương chắc chắn
không thể bắt cá hai tay được. Nhưng tại sao khi Chánh hỏi Phương có tình ý gì
không thì anh lại ấp úng, khó trả lời như vậy?
“Is this love, Is this love that I’m feeling?”
(Bob Marley)
Nhưng hai người nào có biết mặt nhau đâu mà yêu với thích? Thật là khó hiểu.
Dầu sao đi nữa, Phương đã có bạn gái thì tinh-thần trách-nhiệm của Phương bỏ đi
đâu? Thôi, không còn giải-pháp nào khác nữa.
Quyết-định
rồi, Phương ra bàn giấy, mở máy vi-tính và bắt đầu viết điện-thư cho Thanh.
Nhưng viết gì bây giờ? Viết như “Thôi, chúng ta đừng đùa giỡn với nhau
nữa, tôi đã có bồ rồi” hay sao? Nhỡ cô ấy lại trả lời “ Ơ hay, cái anh này, tôi
với anh chỉ nói chuyện trên diễn-đàn như mọi người chứ tôi có “cua” anh đâu mà
anh sợ, để anh phải đính-chính?”
Phương làm nghề cố-vấn và huấn-luyện viên trong địa-hạt quản-trị xí-nghiệp,
viết bài để phân-tích hay giảng giải mạch-lạc là “nghề của chàng” cơ mà? Tại
sao viết một cái “meo” nho nhỏ lại khó thế này?
Mãi một lúc,
viết qua viết lại, sửa lên, chữa xuống, Phương tạm viết:
“Thanh à,
Mấy dạo này, trên diễn-đàn, lời qua lời vào, lại có bạn bè chung quanh cổ võ
nên có lẽ tôi đã nói năng hồ-đồ, bất nhã với Thanh, tôi xin Thanh tha lỗi cho
tôi. Đùa giỡn, vui chơi là một chuyện, nhưng có lẽ tôi đã bắt đầu đùa nhả rồi,
tôi cảm thấy mình đi quá trớn, trong lòng áy náy quá nên viết cho Thanh để xin
lỗi. Từ giờ, tôi xin thôi, không đùa như thế nữa. Thân mến, Phương.”
Đọc lại thêm
một lần, Phương bấm nút “Gửi”, tắt máy rồi đi ngủ.
Chương 6 :
Thôi... nữa... thôi... nữa
- Thanh à, Mấy dạo này, trên diễn-đàn, lời qua lời vào, lại có
bạn bè chung quanh cổ võ nên có lẽ tôi đã nói năng hồ-đồ, bất nhã với
Thanh, tôi xin Thanh tha lỗi cho tôi. Đùa giỡn, vui chơi là một chuyện, nhưng
có lẽ tôi đã bắt đầu đùa nhả rồi, tôi cảm thấy mình đi quá trớn, trong lòng áy
náy quá nên viết cho Thanh để xin lỗi. Từ giờ, tôi xin thôi, không đùa như thế
nữa. Thân mến, Phương.
Đọc đi, đọc lại những hàng chữ
đó, Thanh không hiểu gì cả. Chuyện gì đã xảy ra để Phương viết như vậy? Ngụ ý
anh là gì? Nhưng làm sao Thanh có thể hiểu khi Phương viết thật mơ hồ như vậy?
Thanh chột dạ, chợt cảm thấy lo sợ anh ấy không thích mình nữa. Anh ơi, anh
không vui đùa nữa, em viết cho ai, em đối thơ với ai?
Suy nghĩ một chập, Thanh ra bàn viết trả lời:
- Anh Phương, anh đừng nói vậy, Thanh cũng vui đùa với anh như với các anh chị
khác vậy? Nếu anh giữ kẽ như vậy, sau này mình sẽ không còn tự nhiên nữa thì
mất vui cả làng. Hay là Thanh đã làm gì không đúng chăng? Thanh sẽ cảm tưởng
như đã mất anh rồi và Thanh sẽ buồn lắm vì Thanh rất quí mến anh. Anh không có
lỗi gì hết, anh đừng áy náy gì hết, có được không?
Đọc xong những hàng này, Phương
chợt cảm thấy nhẹ người. Thâm-tâm Phương nhập nhằng quá, miệng thì bảo “Thôi”
nhưng trong lòng lại nói “Nữa”. Có lẽ lý trí ép Phương viết nhưng chỉ viết lấy
lệ thôi, nay “cô ấy” đã nói như thế thì đâu còn chuyện nữa? Con tim Phương cãi
lý như vậy, rồi hai người lại tiếp tục vui đùa với nhau. Rồi cứ thế, hết đề-tài
này sang đề-tài nọ, điều gì cũng là đề-tài để hai người đùa giỡn nhởn nhơ trong
sân trường như chỗ không người. Cứ thế, đôi bên đối đáp với nhau, càng ngày
càng thân mật, hai người càng cảm thấy tâm đầu, ý hợp.
Một hôm, anh bạn Đại làm trong
ngành Internet vừa có được phương-tiện lập nên một trang Mạng dành cho bàn bè
nên mọi người bắt đầu tải lên hình ảnh để chia xẻ, và sân trường lại thêm phần
nhộn nhịp.
Sáng hôm đó, Thanh vào sở sớm, bèn vào thử trang Mạng anh Đại xem. Ảnh đâu
nhiều quá, ảnh hội-ngộ, ảnh liên hoan này, họp mặt nọ nhưng Thanh chỉ vội tìm
bóng dáng một người.
Anh Phương đây rồi, Thanh đã thấy mặt anh rồi. Quả đúng như Thanh tưởng tượng, vóc dáng anh gầy gầy, khuôn mặt hiền hòa, khả ái, má nhẹ lúm đồng tiền, trông anh vui quá. Thanh thốt nhẹ
như reo mừng.
Phương thì cũng vừa xem được ảnh
những hôm hội-ngộ bên Canada và cũng đã thấy mặt Thanh, tuy chỉ là hai tấm ảnh
chụp lúc Thanh đứng trên sân khấu. Ảnh tuy hơi mờ nhưng không hiểu sao, Phương
cứ ngắm nhìn một lúc. Dùng hai chữ “rung động” thì có lẽ hơi quá nhưng cảm giác
này chắc chắn không phải là thờ ơ. Như vậy thì là gì? Nhưng thôi, con tim chỉ
biết cảm nhận, không biết thắc mắc, bận tâm làm gì?
Tuy là chưa sống chung với nhau
nhưng Hélène, cô bạn gái tới lui với Phương rất thường xuyên. Cuối tuần này,
hai người rủ nhau đi picnic rồi tối về kéo nhau đi ăn. Đêm hôm đó, Hélène hơi
mệt nên ngủ sớm. Phương nằm đọc sách bên cạnh được một lúc, quay sang nhìn
người yêu. Cô gái tóc vàng nằm ngủ thản nhiên, trên môi như nở nhẹ nụ cười, như
đang mơ điều gì. Phương chợt thở dài, trong lòng bối rối vô cùng.
Lần trước gửi điện-thư cho Thanh,
Phương chỉ nói như không nói, nói như mập mờ đánh lận con đen, hành vi này
không anh hùng tí nào. Như vậy là lừa cả Thanh lẫn Hélène, Phương cảm thấy hổ-thẹn quá, mình đâu
có thể hèn như vậy? Thật là khó chịu vô cùng.
Thu hết can đảm, một lần nữa,
Phương lại mở máy vi-tính ra để viết:
- Thanh à, Lần trước đã có dịp viết cho Thanh rồi nhưng áy náy quá, phải viết
lại rõ ràng hơn cho Thanh hiểu. Số là từ khi quen Thanh trên diễn-đàn, P. rất
là vui vì gặp được người “tri kỷ” tâm đầu ý hợp. Nhưng khổ nỗi, chuyện tình cảm
P. phức-tạp quá. Nói vắn tắt là tim P. đã bị ngự trị rồi nhưng P. lại cứ vui
đùa với Thanh quá trớn như vậy thì thật không phải. P. không biết rõ tình cảm
của Thanh ra sao, chỉ biết mình mâu-thuẫn nhưng thiếu kính trọng với Thanh thì
nhất định không được. Chỉ biết P. rất là thích mến Thanh nhưng P. thật không có
quyền đi xa hơn nên đành phải rõ ràng hơn để Thanh khỏi hiểu lầm.
P. thật đã có lỗi với Thanh nhiều, trong lòng rất là ăn năn, chỉ mong sao
không quá làm tổn-thương đến Thanh.
Chuyện này viết qua, viết lại có
lẽ cũng hơi khó; nếu Thanh cảm thấy nói chuyện thẳng với nhau dễ hơn thì cho P.
biết nhé. Thân mến, P.
Sáng ngủ dậy, Thanh nhận được, mở
ra đọc mà bàng hoàng làm sao. Hoá ra là vậy.
- Anh Phương mến, T. quả đã không nhìn lầm anh, đúng là mình rất tâm đầu ý hợp.
Anh đã không ngại nói lên tình cảm mình thì T. cũng xin thú thật với anh, T. đã
yêu anh mất rồi. T. thật sự không biết đã yêu anh từ lúc nào, chỉ biết rằng mấy
lúc sau này, vào diễn-đàn, T. chỉ tìm điện-thư của anh để đọc và trả lời. Hôm
nào không có tên anh là T. cảm thấy buồn lắm. Đôi khi T. cứ tự hỏi sao bỗng
nhiên mình lại như vậy, có phải là tình yêu không? Nhỡ anh ấy đã bị ràng buộc
rồi thì sao? Miệng nói thế nhưng T. không dối lòng được nên vẫn cứ tiếp tục,
nhất là khi anh đáp lại T. nồng-nhiệt như vậy.
Sau một lần tan vỡ, T. ngỡ đã khép kín tình yêu, có lẽ vì chưa tìm được ai hợp
mình chăng? Không ngờ tim mình đã thầm lén trao cho anh như vậy.
T. không bao giờ muốn mất anh nhưng đã mất rồi, chỉ tiếc rằng mình đã chậm một
bước.
Cảm xúc quá, T. viết lên vài hàng này:
Những bước chân
nặng trĩu
Cho không-gian ngừng lắng đọng
Thành phố u buồn tăm tối
Để lòng ai đượm nét đìu hiu
Âm thầm lê gót trong đêm vắng
Đôi vai gầy phủ sương lạnh
Khiến tâm tư băng giá
Khóc tình buồn trôi xa.
Yêu anh Gầy Gầy.
Nếu anh không ngại, số điện-thoại T. đây, ngày mai chủ-nhật, anh gọi giờ nào
cũng được.
Viết xong, Thanh cứ ngồi thừ ra, nước mắt tuôn trào. Thanh mở cửa bước ra sân
thượng. Đứng tỳ tay vào lan can, cô lặng lẽ nhìn bờ hồ êm ả đằng sau nhà. Vài
con cá nhỏ tung tăng nhẩy lên, vui đùa trong nước. Một đàn vịt trắng nằm phơi
mình dưới bóng mát cây liễu phủ bên bờ. Dăm ba chú vịt con chíu chíp, nũng nịu
rúc vào cánh mẹ. Cảnh vật thật thanh bình. Một cơn gió thoảng qua, hôn nhẹ lên
mái tóc Thanh.
Gió ơi, xin gió hãy cuốn tôi về khung trời người tôi yêu. Tôi nhớ anh ấy
quá. Tôi như con hồ trong mát, nằm im lìm dưới ánh nắng ban mai. Anh như chiếc
lá rơi nhẹ xuống hồ, khuấy động giòng nước đang ngủ yên. Phải chăng anh đã
sưởi ấm lại con tim băng giá của tôi?
Gió ơi, gió có hiểu lòng tôi không? Xin gió hãy xuôi về nơi anh ấy ở bên khung
trời xa xăm. Xin gió hãy nói với anh ấy rằng tôi yêu anh ấy, rắng tôi nhớ anh
ấy, rằng tôi sẽ luôn luôn chờ anh ấy đến với tôi, gió nhé?
Rồi Phương gọi Thanh. Lần đầu
tiên hai người được nói chuyện với nhau, được nghe giọng nói của nhau sau bao
tháng trao đổi với nhau bằng điện-thư. Hai người không nói gì với nhau bao
nhiêu, có lẽ vì quá cảm xúc, có lẽ vì không biết nói gì hơn, nói như thế nào,
nhưng tấm lòng hai người đã tỏ bày với nhau nhiều lắm. Sau nột lúc, Thanh khẽ
nói:
- Xin anh hãy quên em đi.
Tim Phương đau nhói. Anh buông:
- Nếu Thanh muốn chúng ta không viết cho nhau nữa, anh có thể hứa, nhưng nếu em
muốn anh quên em, anh không bao giờ làm được.
Câu trả lời bất ngờ của Phương khiến Thanh xúc động và bối rối. Và trong cơn
đau, Thanh đã thốt lên :
- Em yêu anh.
Ba chữ này, Thanh đã muốn nói lên từ lâu rồi nhưng cô vẫn còn ngại ngùng, cô
vẫn còn giấu giếm nhưng trong giây phút này, trong cảm-giác đã mất người mình
yêu, cô đã nói lên như e sợ sẽ không còn dịp để nói nữa.
Bên kia đầu giây, Phương lặng thinh, chỉ buông tiếng thở dài xót xa.
Trong lúc này, đôi tim đang thổn thức hoà nhịp với nhau, đang khóc với nhau
cuộc tình ngang trái.
Ngập ngừng một lúc rồi Phương nói xin gác máy. Không-gian bỗng hoang vắng, thời
gian bỗng ngừng trôi.
Gác máy rồi, Thanh gục đầu lên bàn, hai mắt ướt nhoà. Phía bên kia, Phương chỉ
biết thở dài, tâm-tư nặng trĩu. Nhưng tại sao trong khi chính anh đã tự tay cắt
đứt liên-hệ này?
Em ơi, Em đã bước vào đời
tôi tự lúc nào? Dịu dàng như cơn mộng êm ái, mãnh liệt như cơn bão bất ngờ.
Đôi ta như hai đứa trẻ ngây thơ, tay trong tay, tung tăng vui đùa trong sân
trường ồn ào. Hai con chim lạc đàn nhưng tâm đầu ý hợp, muốn vỗ cánh tung bay,
rong chơi trên bầu trời xa lạ. Rồi như đá ngây ngô.
Đầu tôi đã hai thứ tóc nhưng sao tôi còn vô tư lự? Tôi đã hơi đa tình hay đã
quá vô tình?
Tim tôi đã bị ngự trị nhưng sao chưa khép kín? Tim em khép kín rồi, nhưng sao
còn hé mở?
Tôi chưa hề gặp mặt em nhưng em duyên dáng quá làm hồn tôi xao xuyến,
Tâm-huyết em nghệ-sĩ để tâm-hồn tôi thêm lãng mạn.
Em đứng bên kia bờ đại-dương để bên này tôi hóng gọi,
Đôi mắt em lặng buồn để tim tôi tan nát,
Giọng nói em thổn thức để lòng
tôi tái tê.
Thôi rồi, tôi có lỗi với em rồi.
Hôm sau, diễn đàn vắng bóng Thanh
và Phương. Hai người đang cố dằn lòng, tránh viết, tránh trả lời, tránh để con
tim bị dao động nhưng vẫn ghé vào thường xuyên (biết đâu đấy?). Đến ngày thứ
ba, một anh bạn réo tên Thanh trong một điện-thư về một vấn-đề nhạc nên Thanh
đành miễn cưỡng trả lời. Như cái máy, Phương đã định nhảy vào nhưng lại thôi.
Nhưng chỉ ngày hôm sau, như “chứng nào tật nấy”, Phương lại quên hết sự việc
mấy hôm trước rồi đâu lại vào đấy. Sân trường lại như rộn vang tiếng cười đùa
của Phương và Thanh và bạn bè lại như thắp đèn kết hoa thêm cho trọn niềm vui.
Quái lạ. Thôi… nữa… thôi… rồi lại
nữa. Là làm sao?
Tình yêu có những lý do mà lý trí
không thể hiểu. Thanh không biết chuyện bên trong nên vì yêu thì cứ nghe theo
con tim mình, điều đó không gì lạ lắm.
Nhưng Phương thì sao? Tại sao anh
lại mâu thuẫn một cách khó hiểu như vậy?
Chương 7
Quy hàng Tình Yêu
Sáng
chủ nhật. Phương đưa Lân, cậu con trai đi chơi bóng đá trong hội của trường.
Trời hôm nay nắng ấm, đứng theo dõi trận đấu giữa đám trẻ với nhau, Phương cũng
cảm thấy vui lây. Cuối cùng, đội của Lân thắng với tỉ số 3-2 và để ăn mừng, hai
bố con dắt nhau đi ăn cá sống (sashimi), món khoái khẩu nhất của Lân. Hứng chí,
Lân nói luyên thuyên, hồn nhiên như một thiếu-niên đang lớn. Phương nhìn con,
mỉm cười vui sướng.
Khi
Phương phải chia tay với người vợ cũ, Lân mới có tám tuổi. Như phần lớn các ông
bố trong hoàn cảnh này, Phương chỉ còn gặp con một cuối tuần trên hai và một
nửa thời-gian nghỉ học của con. Mỗi tối chủ nhật đưa con về nhà mẹ nó, anh lại
nhìn theo con bước vào nhà mà đôi mắt cay xè.
Mỗi cuộc ly-dị là một thất bại nhưng mất mát lớn nhất đối với Phương là phải xa
con. Từ ngày Lân ra đời, Phương đã lo cho nó từng tí. Anh đã thức khuya, dậy
sớm thay tã và cho con bình sữa. Sau đó, mỗi tối, anh ru nó ngủ, hát hay kể
chuyện cho nó nghe trước khi ngủ. Anh đã từng chơi với nó với những đồ chơi và
trò chơi của nó. Ở nhà nghỉ mát, anh đã làm một cái “gôn” (goal) để chơi đá
bóng với nó… Nói tóm lại, hai bố con rất khắng khít với nhau từ bao nhiêu năm
nay.
Đến
khi Lân mười bốn tuổi, Phương làm riêng khấm khá chút và thuê được một căn nhà
khá rộng nên điều đình với mẹ Lân cho Lân sống một nửa với mẹ, một nửa với bố
vì đó cũng là ước muốn của đứa con. Từ đó, hai bố con lại được gần gũi nhau
hơn.
Trời
đã về khuya nhưng Phương vẫn trằn trọc, không chợp mắt được. Hình ảnh Thanh vẫn
cừ lởn vởn trong đầu anh. Anh vẫn không hiểu mình đang sống những gì, tại sao
lòng mình rối như tơ vò, tình cảm mình như thế nào…? Lạ thật, nghề anh vốn là
cố vấn quản trị xí-nghiệp, không có vấn-đề gì là phải bế-tắc, và khách anh giúp
bao giờ cũng hiểu được vấn-đề và tìm được giải-pháp nhưng đứng trước vấn-đề bé
xíu xiu này của anh, anh lại mù tịt. Người trong cuộc phần đông là như thế.
Tâm-lý con người thật là phức-tạp và cái “Tôi” vô-hình của Phương đã đem giấu
nhẹm tất cả những gì anh muốn hiểu trong tâm-khảm anh để đánh lừa tri-giác
anh.
Tim của anh đã thuộc về ai, điều đó có lẽ đã rõ ràng. Nhưng rồi chuyện hai người có thể đi
đến đâu?
Bên này, con anh thì ở với mẹ nó nhưng con
của Thanh thì sẽ ra sao nếu Thanh dọn sang bên này? Cuộc tình này có thành thì
ai sẽ phải “di cư” nếu không phải là anh? Mà anh làm sao có thể xa thằng con
trai của anh được?
Còn công việc làm của anh thì sao? Bao giờ anh mới có thể nói tiếng Mỹ như
người Mỹ để hành nghề cố vấn quản-trị này? Anh có thể làm nghề gì khác đây vào
tuổi xế chiều này?
Thấm nhuần văn-hoá Việt-Nam và văn-hoá Âu-Châu như anh thì anh có thể hoà-nhập
vào văn-hoá Mỹ được không? Gia-đình anh sống bên Mỹ bao năm nay và đã mấy lần
rủ anh sang nhưng anh vẫn khước-từ cơ mà?
Anh làm sao có thể bỏ lại nước Pháp, quê-hương thứ hai của anh, và nhất là
Paris, nơi anh đã sống lâu nhất trong đời?
Còn bao nhiêu bạn bè của anh thì sao?
Rồi nhỡ mọi chuyện không thành thì sẽ ra sao? Anh có thả mồi bắt bóng không?
Bao nhiêu là cách trở, Đại Tây Dương thật bao la. Hạnh-phúc này sao thấy xa vời
quá.
Người ngoại cuộc có lẽ sẽ hiểu vậy nhưng anh thì không. Tình yêu như trái phá,
con tim mù loà. Bên trong anh, lý trí và con tim vẫn ngầm đối chọi kịch-liệt.
Bối rối quá, tim gan Phương như muốn nổ tung.
Sức chịu đựng của anh đã cạn, anh phải quyết-định dứt khoát thôi. Một lần nữa,
anh lại gửi một điện-thư xin lỗi Thanh và yêu-cầu hai người đừng viết riêng cho
nhau nữa.
Thư gửi đi xong, đáng lẽ người anh phải nhẹ nhõm hơn nhưng anh bỗng hốt hoảng,
như vừa đánh mất một điều gì vô giá mà anh trân trọng nhất. Anh cảm thấy đau
xót, hối hận, anh lăng xăng trong nhà, cuống quit, không biết phải làm gì. Mấy
lần, anh định viết lại điện-thư khác, rồi lại thôi.
Mãi đến gần sáng, anh nhấc điện-thoại để gọi Thanh. Nhưng máy nói chỉ báo là
người anh gọi không trả lời được.
Bên kia bờ đại-dương, Thanh đọc điện-thư của
Phương xong, cô bàng hoàng, xót xa. Tại sao anh ấy lại viết như vậy? Anh ấy
chắc chắn là yêu mình cơ mà? Thanh nằm vật xuống giường và bật khóc, khóc thật
to, khóc cho tình bẽ bàng, khóc cho tình buồn. Thanh chưa hề được gặp người
mình yêu và sẽ không bao giờ được gặp. Thế là hết, hết tất cả rồi.
Tiếng chuông điện-thoại vang lên hai lần nhưng Thanh không buồn nhấc lên. Người
cô ủ rũ như cành hoa trong cơn bão, cô nào còn tâm-trí để nói chuyện với ai
nữa? Đêm đó, Thanh chỉ có khóc.
Bên này, Phương quýnh quá, lật đật viết lại
điện-thư khác cho Thanh:
Thanh của anh ơi,
Anh cầm-cự đến đây đã kiệt-sức rồi. Anh không còn dối lòng được nữa. Cả bao lâu
nay, con tim anh chỉ đòi thuộc về em nhưng sao lý trí anh cứ áy náy và bịt
miệng tim anh lại.
Nhưng tình cảm anh mãnh-liệt quá, đê đã vỡ bờ. Anh xin quy hàng Tình Yêu, tình
yêu em dành cho anh, tình yêu anh dành cho em, tình yêu của chúng ta.
Em ơi, anh xin thú nhận tất cả: anh yêu em thiết tha, anh thương em nồng nàn,
anh mến em vô vàn.
Anh nhớ em, anh nhớ lắm, em ơi.
Tình yêu chân-thật rồi cũng đã thắng.
...
Một tháng sau, Phương và Thanh gặp mặt nhau và sáu tháng sau làm đám cưới.
Nhưng thử thách chưa hết. Vì trách-nhiệm đối với con, Phương quyết-định ở lại
cho đến khi Lân vào đại-học. Đôi uyên ương biến thành Ngưu Lang - Chức Nữ.
Đêm qua chăn hững, gối hờ
Bốn tường vắng lạnh, bơ vơ thân gầy
Nhớ em mài miệt đêm nay
Mong em mòn mỏi đêm ngày hoang vu.
Những chuỗi ngày lê thê
kết thành sầu
đan thành lệ
nhỏ dài bên bờ hiu quạnh
tan biến trong sa mạc nhớ nhung.
Đại Tây Dương nhung nhớ
làm sao anh uống cạn ?
Một cõi trời hoang vu
thể nào anh lấp kín ?
Hồn anh sao lạc lõng
trôi cuốn theo dòng sầu,
Tim chết đuối giữa biển tình cô quạnh.
Người yêu hỡi,
Anh nhớ em, anh nhớ quá đi thôi...
Nhớ anh thao thức bao canh mộng
Thầm mong anh đến thỏa chờ trông
Cô đơn chiếc bóng lòng thổn thức
Dỗ dành khao khát vào hư không
Nhớ những lời nói tình mặn nồng
Chợt choàng tỉnh dậy, nghĩ lông bông
Vị hương âu yếm còn phảng phất
E ấp long lanh, má điểm hồng.
Hai
năm dài dăng dẳng trôi qua.
Rồi
một ngày mùa hạ thật đẹp trời, Phương bước lên máy bay, trong túi anh, sổ thông
hành đã đóng gọn chiếu khán cho cư dân Mỹ.
Hai bờ đại-dương đã nhập một. Tình đã vẹn câu thề và cuộc sống mới bắt đầu.
HẾT
Yên Hà, tháng 2, 2017