ARTSHARE

Oct 21, 2016

Hai bên bờ đại-dương (3)

Chương 3:
Người nghệ-sĩ và cây đàn

Thanh xuất-thân từ một gia-đình nghệ-sĩ, chung quanh Thanh, những người có chút tiếng tăm trong làng văn-nghệ không phải là hiếm. Riêng cô đã được học nhạc từ bé và sau đó cô có bước vào sinh-hoạt đàn hát chuyên-nghiệp.
Lúc sang Mỹ, cô tiếp tục đi hát một thời-gian ngắn trước khi chuyển sang một công việc vững chắc hơn. Sau đó, có dịp tiếp-xúc với một cộng-đồng Việt-Nam gần chỗ cô ở, cô nhận lời chỉ dẫn cho những người bạn trẻ chơi nhạc và thỉnh thoảng tham gia chút ít trong những sinh-hoạt văn-nghệ như Tết nguyên-đán hay những buổi họp mặt thân-mật. Nhưng nói chung thì với nếp sống của cô về sau này, Thanh không còn chú tâm vào địa hạt này như trước nữa.

Sáng thứ bảy này, Thanh lái xe xuống vùng Washington D.C. chơi với cặp vợ chồng Hưng-Trang. Hưng thì đã học chung với Thanh thuở trung-học, còn đối với Trang thì hai gia-đình quen nhau đã lâu nên rất thân và thỉnh thoảng, Thanh lại lái xuống chơi cuối tuần dưới này.
Nhớ lại lần đầu tiên gặp lại Hưng-Trang, Thanh lại phải phì cười. Lần ấy, Hưng-Trang mở một buổi họp mặt với bạn bè để tiếp Thanh. Ăn tối xong, mọi người kéo xuống nhà dưới (basement) hát karaoké.
- Hưng bảo sao? Kara… gì, Thanh không biết.
- Trời, Thanh không biết karaoké là gì à? Có thật không? Cái này có bao năm nay rồi mà? Hưng trợn tròn mắt ra.
Rồi Hưng cắt nghĩa cho Thanh karaoké là gì, sử dụng như thế nào…
- À ra thế. Hay nhỉ? Nhưng mà trước giờ, Thanh muốn hát thì tự đệm nhạc hát và cũng chả mấy khi đi chơi nên thật quê mùa quá. Thanh nói.
Tối hôm đó, Thanh lần đầu tiên làm quen với phát-minh tân tiến mà ai ai cũng biết ngoại trừ Thanh.
Ca ra thì OK, ca không ra cũng vẫn OK, karaoké kỳ diệu ở điểm đó.
Trước khi ra về, Thanh đề-nghị lần sau, Thanh sẽ cố gắng mượn cây đàn keyboard của một người bạn và sẽ đệm nhạc “sống” cho mọi người hát.
Thế là sau đó, mọi người được hát “live”, phần đông ai cũng thích cho nên thành thói quen, mỗi lần Thanh xuống chơi là xách đàn xuống nếu mượn được.

Lần này, 
Thanh phải xuống tay không vì không mượn được đàn, nhưng Hưng có nói là không sao hết, vấn-đề đã được giải-quyết rồi. Hỏi giải-quyết như thế nào thì Hưng chỉ ậm ừ, không trả lời rõ.
Đến nhà Hưng-Trang, chủ nhà mở cửa ra đón, xách hành-lý tay của Thanh lên phòng dành cho cô. Sau đó, mọi người ăn trưa qua loa rồi Hưng lấy xe đi công việc, Thanh và Trang cùng nhau vào bếp sửa soạn cho buổi họp mặt buổi tối. Những buổi như vầy thường được tổ-chức theo lối “potluck”, nghĩa là mỗi cặp khách mang lại một món (tự làm lấy hay đặt mua nếu không có thì-giờ), chủ nhà lo phần chính và rượu nước. Hai cô bạn vừa làm bếp, vừa nói chuyện với nhau thật vui.
Một lúc, Trang hỏi thăm:
- Thế mấy cô con gái Thanh dạo này ra sao rồi?
- Cám ơn Trời Phật, chúng nó học khá, lên lớp đều, ngoan và sức khoẻ tốt, nên Thanh không có gì để lo lắng cả. Bây giờ thì có thể nói là chưa được thái lai nhưng bĩ cực thì coi như đã qua rồi.
- Trang thật là thương và khâm-phục Thanh quá. Trang mừng cho Thanh lắm.
- Chẳng qua mình không có sự lựa chọn nào khác thôi, Trang ơi. Buông xuôi thì hỏng đời mình đã đành nhưng hại luôn đời con mình thì người mẹ nào làm như vậy được? Chứ Trang biết không, thời gian đó quá khổ cực và tủi hổ, đến nỗi mà đi thuê nhà, may mà có cô bạn đồng-nghiệp chịu bảo-lãnh giúp chứ không chủ nhà nào cho mướn? Đúng là “Trời sinh voi, sinh cỏ”, việc gì rồi cũng qua thôi. Thanh kể lại, giọng trầm buồn.
Trang cầm lấy tay Thanh, nói:
- Đúng vậy, Thanh à. Cuộc sống vẫn tiếp-tục, vả lại Thanh còn bạn bè thân thích. Thanh có cần bất cứ gì thì cứ nói, tụi nào làm được gì giúp là sẽ làm ngay, đừng ngại, Thanh nhé?
- Cám ơn Trang, Thanh cảm-động lắm. Bây giờ, Thanh chỉ cần vui sống thôi.
- Ừ, nhưng mà Trang mong sao Thanh sẽ vui sống với một người bạn đời nữa chứ con cái lớn cả rồi, không bao lâu, chúng nó đi cả, ở một mình buồn lắm.
- Thì chính mấy đứa con Thanh cũng nói vậy đó. Nhưng mà mấy mối Trang và bạn bè dưới này giới-thiệu, rốt cuộc rồi cũng không đến đâu. Trên kia, Thanh cũng thử gặp một vài ông nhưng rồi cũng tịt ngòi cả.
- Hay là tại Thanh kén quá chăng? Trang biết Thanh tính nghệ-sĩ lại rất tình cảm nữa, gặp được ai hợp "gu" với mình hơi khó đấy.
- Không biết được. Nhưng mà chuyện vợ chồng đâu phải như đi mua cái áo, mặc không thích thì tìm cái khác đâu? Nói đùa tí cho vui nhưng Thanh tin rằng phải có duyên, có nợ thì mới thành, phải không Trang?
- Ừ, đúng vậy. Thanh đã như chim bị đạn rồi thì chắc chắn là phải kỹ chút thôi. Nhưng Trang tin chắc thế nào Thanh cũng tìm được ý trung nhân mà. Lúc đó, nhớ kể cho Trang biết nhé.
- Trang lại khéo trêu nhé. Được rồi, có gì sẽ cho Trang xem ảnh ngay.
Hai người bạn ôm nhau cười vui vẻ rồi tiếp-tục công việc bếp.


Tối đến, bạn bè đến đông đủ, người mang chả giò, người mang gỏi, người mang trái cây, rượu nước, … và những bàn ăn bắt đầu mang vẻ thịnh soạn lắm.
Mọi người nhập tiệc, ăn uống, trò chuyện, tiếng cười nói rộn vang nhà. Thanh xuống đây, lần này cũng là lần thứ tư rồi nên cũng bắt đầu quen gần hết những bạn ở đây. Cô cảm thấy rất thoải mái, tự-nhiên chứ không còn bỡ ngỡ như những lần đầu nữa. Phần đông, ai nấy đều dễ thương và quí Thanh lắm, một phần có lẽ vì ai cũng thích nghe Thanh hát và học hỏi được nơi Thanh ít nhiều trong lãnh-vực này.
Ăn uống no nê xong, như thường lệ, mọi người lại kéo nhau xuống nhà dưới để bước vào phần văn-nghệ.
Thanh níu vai Hưng, hỏi:
- Tối nay, lại hát karaoke hay như thế nào hả Hưng? Chứ Thanh có mang đàn đâu?
- Thanh đừng lo, cứ xuống đây rồi biết. Hưng mỉm cười nói, nét mặt ra vẻ bí mật.
Mọi người an toạ xong, hai gia-chủ đứng ra nói vài câu cùng quan khách.
- Hai vợ chồng Hưng-Trang xin cám ơn tất cả các anh chị, các bạn đã bỏ chút thời-giờ đến chung vui buổi họp mặt này. Và đặc-biệt tối nay, chúng ta sẽ có một sự bất-ngờ dành cho cô bạn dễ thương của chúng ta là Thanh. Xin mời Thanh bước lên đây.
Thanh không hiểu chuyện gì nhưng cũng lên đứng cạnh Hưng-Trang.
- Thay mặt tất cả mọi người ở đây, Hưng-Trang xin cám ơn Thanh đã gia-nhập Hội Ham Vui vùng DC và đã đem lại cho mọi người bao niềm vui với tiếng đàn, tiếng hát của Thanh, cũng như những lời chỉ dẫn thật quí giá để mọi người được tận hưởng cái thú vui "sướng" ca nhiều loài này. Để nói lên lời cám ơn đó một cách thiết-thực hơn, tất cả mọi người ở đây đã cùng đóng góp vào một món quà cho Thanh.
Nói đến đây, Hưng ra hiệu cho Tuấn và Long. Hai người bước ra, người thì khiêng một cây đàn phím keyboard, người thì xách cái chân đàn, và bắt đầu bố trí vào dàn âm-thanh.
- Bây giờ Thanh có đàn của mình rồi, đi đâu không cần phải đi mượn nữa nhé. Thanh có thích không?
Bàng hoàng trước món quà thật bất ngờ này, Thanh lắp bắp:
- Trời ơi, các anh chị tặng Thanh quà này đắt tiền quá, làm sao Thanh dám nhận?
Tuấn bước ra, tiếp lời Hưng:
- Thanh đừng ngần ngại như vậy. Đây là lòng thành của mọi người đối với những gì Thanh đã đem lại cho mọi người thôi. Bây giờ phải thú thật với Thanh: lần trước, để làm bất ngờ cho Thanh, anh đã phải giả vờ nói là anh muốn mua cho anh một cây đàn và hỏi ý kiến Thanh xem cái nào tốt để anh mua.
- Hoá ra vậy. Thanh nhớ anh có đưa Thanh xem liệt-kê một số đàn và còn cố ý nói “Nếu như Thanh muốn mua cho mình một cây đàn thì Thanh sẽ mua cây nào trong số mấy cây này?” Anh Tuấn mưu mô quá nhé.
Thanh quay lại mọi người, mắt ướm lệ, giọng nói như tắc-nghẽn vì xúc động:
- Các anh chị làm Thanh cảm-động quá, Thanh không biết nói gì, làm gì để cám ơn tấm lòng của anh chị. Cám ơn các anh chị, Thanh cảm thấy mình rất may mắn đã được quen các anh chị…
Rồi Thanh lại ôm từng người, trong lòng ngập tràn xúc cảm, vui buồn lẫn lộn. Hình như Trời Phật đã phải  ra tay xoa dịu những nỗi buồn khổ của Thanh? Thôi thì cứ xem như đã xong, Thanh cứ lật qua một trang mờ tối trong đời và vui sống nhé.


Tối hôm đó, Thanh chơi nhạc như chưa bao giờ.


Yên Hà, tháng 10, 2016


1 comment:

Note: Only a member of this blog may post a comment.