ARTSHARE

Jun 4, 2016

Nể vợ

                           Bài viết sau đây hoàn toàn xuất phát từ óc tưởng tượng của tác giả. 
                                Nếu bạn đọc có cảm thấy “nghe quen quen” thì tác giả không chịu 
                                trách-nhiệm về những sự trùng-hợp ngẫu-nhiên này.

Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống bếp, bếp sạch, ra vườn, vườn tươi.
Làm trai quyết chí tang bồng,
Sao cho tỏ mặt vợ mình mới cam.

Chuyện đàn ông-đàn bà hay chuyện vợ-chồng thì tự cổ chí kim, nói mãi không hết nhưng cũng phải có lúc mình đề-cập đến cái đề-tài nhạy cảm này.
Nể vợ, nhường vợ, chiều vợ, kính trọng vợ, … nói vòng vo tam-quốc thì vậy nhưng nói huỵch toẹt thì chỉ có hai chữ "Sợ vợ" và đại đa số đàn ông chúng ta đều mắc phải cái bệnh nan giải này cho nên nhân danh hội-trưởng Hội nể vợ quốc-tế, chi nhánh New Jersey, tôi xin được nhắc lại một vài điều căn-bản trong cẩm-nang các thành-viên chúng ta.

1. Hội Nể Vợ
(Chi nhánh bên Pháp còn có tên là “Les cheveux”. Những ông này hay sợ ma, hỏi "ma gì" thì mấy trả lời "Ma pham" (=ma femme = vợ tôi).
Hội chỉ nhận thành-viên trong đấng mày râu và nếu đã để râu thì râu phải quặp.
Hội này đông thành-viên lắm, cho dù một số râu quặp vẫn nhất định dùng bi-zăng-tin để vuốt nó ra phía trước hầu ra oai trước mặt bạn nhưng đàng sau lưng vợ.
Hội đôi khi còn được gọi là nghiệp-đoàn vì nể vợ là một cái nghiệp. Sinh ra từ cái hĩm, chết cũng vì cái hĩm, người đời gọi là “sinh nghề tử nghiệp”.

- Tinh thần và ý chí
Những nguyên-tắc chỉ-đạo trước hết nằm trong bản tuyên ngôn của Hội và cũng là lời bài Hội-ca dùng trước mỗi buổi họp:

Kính vợ đắc thọ , 
Sợ vợ sống lâu,
 
Nể vợ bớt ưu sầu
Để vợ lên đầu, là trường sinh bất tử
Đánh vợ nhừ tử, là đại nghịch bất đạo
Vợ hỏi mà nói xạo, là trời đất bất dung
Chê vợ lung tung, là ngậm máu phun người
Gặp vợ mà không cười, là có mắt không tròng
Để vợ phiền lòng, là tru di tam tộc
 
Vợ sai mà hằn hộc, là trời đánh thánh đâm
Vợ gọi mà ngậm câm, là lòng lang dạ sói
Để vợ nhịn đói, là tội nhân thiên cổ
Để vợ chịu khổ là bất tài vô dụng
Trốn vợ đi " ăn vụng", là ngũ mã phanh thây
Vợ hát mà khen hay, là anh hùng thức thời
 
Khen vợ hết lời, là thuận theo ý trời.
Sợ ít phải sợ nhiều lên
Sợ xanh cả mặt sợ mềm cả môi
Sợ đứng rồi lại sợ ngồi
Vợ sai phải dạ có tôi làm liền
Làm chồng phải biết ngoan hiền
Sợ vợ vợ mới cho tiền uống bia
Tiền lương lãnh đủ đem về
Quà cáp ai tặng đừng lia dọc đường
Làm chồng muốn được vợ thương
Ngoài lo tiền bạc chiếu giường cũng lo
Làm chồng muốn được ấm no
Việc gì quan trọng giao cho vợ nhà
Làm chồng khiêm tốn thật thà
Phải biết sợ vợ cửa nhà mới yên.

Tam đầu chế:
Nhất Vợ, nhì giời, ba mới đến tôi.
(Lưu ý : Vợ bao giờ cũng phải viết hoa, nhưng giời thì không cần)

Tam nguyên-tắc:
1. Vợ bao giờ cũng đúng
Có thể là vợ không đúng, nhưng vợ không thể sai.
2. Chồng bao giờ cũng sai
Ngược lại, có thể là chồng không sai nhưng chồng không thể đúng nếu không đồng quan-điểm với vợ.
3. Nếu có chút nghi-vấn, trở về nguyên tắc 1.
Tóm lại, đừng bao giờ cãi vợ, vô ích. Cho nên, theo nguyên-tắc này, không có chuyện “vợ chồng cãi nhau” mà chỉ có chuyện vợ trách chồng, giận chồng mà thôi.

Tam tòng:
Tại gia tòng mẫu, xuất giá tòng thê, thê tử tòng thiếp.

Ngũ giới:
Năm điều cấm kỵ là:
1. Gây tổn hại cho vợ, trên mặt thể xác hay tinh thần, nghĩa là không được đánh vợ hay làm vợ buồn.
2. Trộm tiền gia-đình để đi bao gái hay đi nhậu với bạn.
3. Nói dối vợ. Có tội phải tự mình ra đầu thú để được chút khoan hồng.
4. Tà dâm với người khác. Chỉ được ăn cơm, cấm ăn phở (nhưng nếu có ăn vụng thì phải biết chùi mép).
5. Say rượu, nghiện thuốc, nghiện cờ bạc.

- Tổ-chức và quản-lý gia-đình
Chính-thể mẫu-hệ chuyên-chế được áp dụng trong gia-đình.
Vợ đóng vai trò Tổng-thống kiêm Thủ-tướng kiêm Chủ-Tịch Thượng-Viện (Chủ-tịch nhà nước kiêm Tổng-Bí Thư kiêm Chủ-tịch Hội-đồng bộ-trưởng).
Vợ đứng đầu bộ Kinh-tế và Tài-chánh, đứng tên các ngân-khoản, quyết-định mọi chi-tiêu, lo sổ sách và ngân-quỹ gia-đình. Chồng muốn tiêu hơn số tiền đã qui-định (tuỳ mỗi gia-đình) phải được sự chấp-thuận của Bộ trưởng.
Vợ nắm bộ Tư Pháp, điều hành các vấn đề xét xử, vừa là chánh án, vừa là công tố viện, vừa là ban bồi-thẩm (jury) và còn thống lãnh bộ Nội Vụ và Tổng nha Cảnh Sát. 
Tóm lại, vợ ra luật, áp dụng luật, phán xét và xử phạt.

Chồng được làm tổng-trưởng 4 bộ quan-trọng: bộ Quốc-phòng (bảo vệ an-ninh gia-đình), bộ Lao-động (đi làm ở ngoài và lo những việc nặng nhọc trong nhà), bộ Chuyên-chở (đưa vợ đi xốp-pinh, đưa con đi học hay đi tập Tê-nít, đưa bố mẹ vợ đi bác-sĩ,…) và bộ Canh nông (vườn tược, cắt cỏ, trồng rau, hoa,…) nếu có.
Đôi khi, chồng còn được giao-phó vài vấn-đề ngoại-giao tuỳ theo bộ trưởng giao-phó.
Đối ngoại thì chồng muốn đi đâu một mình (như đi nhậu với bạn bè) phải được vợ phát thị-thực (visa) xuất cảnh và nhập cảnh. Đi về phải đúng giờ đã qui-định.
Những lĩnh-vực không qui-định trước thì do vợ định đoạt tuỳ trường-hợp.

Thôi, đôi chuyện đùa chút cho vui, tôi xin ngừng đây để chia sẻ cùng bạn đọc một vài cảm-nghĩ về vấn-đề này.

2. Một vài suy ngẫm
- Từ “Sợ chồng” đến “Sợ vợ”
Trở về nguyên-thuỷ, người đàn ông là phái mạnh, phận-sự là săn bắn, làm ruộng, đi làm đem tiền về nuôi gia-đình và bảo-vệ gia-đình.
Người đàn bà là phái yếu, bổn-phận là sinh con, đẻ cái, trông nhà, làm bếp nấu cơm, chăm lo cho chồng con, … 
Do đó, người đàn bà lệ-thuộc nơi người đàn ông và thuở xưa, các cụ cứ lo con gái mình mà không lấy chồng được là chỉ có … chết đói.
Người chồng, tuổi tác cũng hơn người vợ, đôi khi cả mười mấy tuổi, cho nên còn được xem như người anh, người cha phải kính nể.
Hơn nữa, mọi tôn-giáo đều do đàn ông viết luật nên phản ảnh hiện-tượng đó.
Bên Thiên Chúa giáo, trong Thánh kinh, có chuyện bà Eva, vì cãi lời Chúa nên bị phạt “Sẽ phải sinh con trong đau khổ, phải phục tòng chồng và chồng sẽ làm chủ ngươi suốt đời.
Giáo-lý Do thái khoan hồng với chế độ đa thê, người đàn ông có quyền bỏ vợ.
Bên Ấn-Độ, chế độ giai cấp caste dựa trên đức tin thần linh và lấy ranh giới phân chia là màu sắc chủng tộc. Trong mỗi giai cấp, lại phân biệt đàn ông là chúa, đàn bà là tôi.
Khổng-Tử thì giam hãm người đàn bà trong Tam Tòng (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử: ở nhà phải theo cha, đi lấy chồng phải 
theo chồng, chồng chết phải theo   con) và Tứ Đức (Công Dung Ngôn Hạnh).
Ngay cả trong Kinh Phật có chép đức Phật chia nữ giới làm bảy loại : ba loại dữ dằn, ba loại hiền lương, và loại cuối cùng đức Phật ưa chuộng là người nữ an phận trong nhà. Và sau ba lần từ chối thâu nhập đệ-tử nữ
, Phật đã phải chấp-thuận nhưng ngài cũng đặt ra một bổn điều kiện riêng biệt gọi là garudhamma gồm tám điểm người nữ tu phải tuân hành khi vào ni đoàn.
Kinh Koran của Hồi-giáo đối với đàn bà thì hoàn toàn không còn gì để nói nữa.
Nói tóm lại, từ xưa đến nay, trong mọi xã-hội, bất cứ nơi nào, “Trọng nam, khinh nữ” là phương-châm chính-yếu.

Cứ như thế, mãi đến đầu thế-kỷ 20, đàn bà Tây phương mới bắt đầu đứng lên đòi hỏi bình-đẳng. Ngay cả bên Hoa Kỳ, xứ của Tự-Do, đến năm 1920, người đàn bà mới được quyền đi bầu với 19th amendment (tu chính án?) trong khi nô-lệ đã bị bác bỏ từ 1865 qua 13th amendment
Năm 1977, “Ngày Đàn bà quốc-tế” (International Women’s Day) đã được Liên Hiệp Quốc định vào ngày 8 tháng 3 mỗi năm.
Dần dần, người đàn bà, nơi các xứ gọi là văn-minh, cũng được đi học, đi làm kiếm tiền, cũng biết lái xe, cũng biết tự bảo-vệ (ít nhất bởi luật-pháp), … Đàn bà không còn lệ-thuộc và không còn phải “sợ” đàn ông.
Ngày nay, đàn bà lãnh đạo cả một quốc-gia hay một công-ty lớn không còn là hiếm.
Văn-minh đã “giải phóng” (emancipate) đàn bà tuy rằng vẫn còn một vài địa-hạt đàn bà còn chút thiệt-thòi như đồng lương so với đàn ông làm 
cùng một công việc.
Dĩ nhiên, trong những nước nghèo (như Phi-Châu, Nam Mỹ, Á Châu, …) hay những nước còn nặng truyền-thống phong-kiến (như Á Châu, Ấn Độ, …) hay tôn-giáo (như những nước theo Hồi-giáo), cuộc tranh-đấu của đàn bà chưa vẹn toàn.

Đàn bà không còn sợ đàn ông và “thừa thắng xông lên” để “đảo chính” chế-độ độc-tài của đàn ông, và bổn-phận và quyền-lợi đôi bên đã được xét lại kỹ càng hơn. Người đàn ông dần dần phải tập lo công-việc nhà, rửa bát, giặt giũ, dọn dẹp, thức dậy giữa ban đêm thay tã cho con, ... 
Trên giấy tờ, đàn ông vẫn được mang danh “chủ gia-đình” nhưng phần lớn chỉ là chút hư danh để giữ thể-diên cho phái mạnh. 
Chạnh nhớ ngày tàn của đế-quốc La Mã. Ôi, thời oanh-liệt nay còn đâu ? 

Buồn cho thân-phận mình sinh nhầm thế-kỷ. (Thở dài).

- “Nhường vợ” hay “Sợ vợ” ?
Tại sao đàn ông thường hay “nể” vợ ? Tôi xin được ghi lại nơi đây một vài cảm-nghĩ thâu thập trên Mạng cũng như qua những lúc bàn-luận với bạn bè (cả nam, lẫn nữ). Đúng hay sai, tôi không có ý-kiến dứt khoát, xin đừng bắn người đưa tin.

Trong buổi lễ cưới, người đàn ông và người đàn bà cam kết sống chung với nhau, bảo vệ lẫn nhau, nhường nhịn lẫn nhau (chiếc “nhẫn” cưới là để nhắc nhở hai chữ nhẫn nhịn ?)… 
Hai người sống chung với nhau, dĩ nhiên phải có lúc bất đồng ý-kiến, mà nếu không ai chịu nhường ai thì trước sau gì cũng phải chia tay.
Vợ chồng phải nhường nhịn lẫn nhau nhưng chồng phải nhường vợ nhiều hơn. Vì sao?
- Phái mạnh mà bắt nạt phái yếu là hèn, không đáng mặt nam-nhi đại trượng-phu. Oai-nghiêm như tổng-thống một nước hay huyền đai thái-cực đạo về nhà cũng nên nể vợ ;
- Phái đẹp là một bông hoa cần được chiêm-ngưỡng, nâng niu và chiều chuộng (nếu không, tối đến, nàng cứ kêu nhức đầu thì chán lắm). Lịch-sử đã chứng-minh anh hùng nào cũng phải lụy vì son phấn và nước mắt của giai-nhân (cũng may mà hai vũ khí chết người này không thể dùng cùng một lúc) ;
- Vợ là nồi cơm nên vợ mà giận thì chỉ có mì gói mà ăn (dĩ nhiên, phở thì thơm ngon nhưng cơm nhà chắc bụng hơn nhiều) ;
- Mất vợ là “mất" con cái. Người bố nào thương xót con cũng cố gắng tránh phải đến giải-pháp cuối cùng là ly dị vợ ;
- Tâm-lý đàn bà nói chung thường phức-tạp hơn đàn ông nhiều. Đàn bà không dùng lý trí như đàn ông mà phản-ứng với xúc-cảm mình, nên khi bất đồng ý kiến, đàn ông-đàn bà khó thông hiểu nhau (ông nói gà, bà nói vịt là vậy).
Đàn bà thích được chiều, được khen và thích làm nũng. Cãi nhau đôi khi cũng là cơ-hội để được chồng xuống nước năn nỉ.
Ngoài ra, đàn bà thường hay trách chồng nhưng không thích chấp-nhận mình sai (?)

Nhưng đối với riêng tôi, nếu mình yêu được một người vợ « tốt » cũng yêu mình và nếu hạnh-phúc gia-đình là điều quan-trọng nhất trong đời, nhất là lúc về già, thì không có gì đáng để cho mình đánh mất nguồn hạnh-phúc đó. Tự-ái không còn là nhất thiết.
Phương-trình chỉ giản-dị như vậy. Cứ so sánh những gì mình có với những gì mình mất thì câu trả lời sẽ rõ ràng thôi. Không biết các bác giai (và cả các bác gái) nghĩ sao ?

Thôi thì hồn ai nấy giữ, đèn nhà ai nhà nấy rạng, vợ ai nấy « nể » (hay không nể). Vậy nhé !


Yên Hà, tháng 6, 2016

1 comment:

  1. còn nếu nể vợ ông hàng xóm thì có OK không, anh Phú ?

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.