ARTSHARE

Jan 14, 2016

Thế-hệ bánh mì kẹp : Phần 2

  
 Cách đây đã gần bốn năm, tôi có viết một bài “tự thán” - Thế hệ bánh mì kẹp
http://phu-tran.blogspot.com/2012/03/he-banh-mi-kep.html
– một bài đã từng được chuyển tiếp trên nhiều diễn-đàn khác (có lẽ vì bài đã nói lên được tâm-sự của nhiều người Việt tha-hương khác?)

Thời gian trôi qua, cơn u buồn cũng nguôi ngoai đôi chút, tôi mới nhận thấy được trong lúc tâm tư nặng chĩu, tôi đã không đủ sáng suốt để nhìn xa, nhìn rộng và tôi chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Và tôi đã chỉ nhìn một chiều, quên đi rằng trong trường-hợp này, không phải chỉ có thế-hệ chúng tôi là “thiệt thòi”.
Hôm nay, tôi xin được trả lại công-bằng cho thế-hệ con cháu qua bài này. Xin bắt đầu bằng một lá tâm-thư mà chúng có thể viết cho chúng ta.


" Bố mẹ,
Bố mẹ tự cho rằng bố mẹ thuộc một thế-hệ bánh mì kẹp và chúng con phần lớn đồng ý với những điểm bố mẹ nêu lên. Nhưng bố mẹ có biết không, những nỗi khó khăn, những nỗi khổ tâm của chúng con thì đã có ai để ý đến chưa? Chúng con cũng chỉ là một thế-hệ bánh mì kẹp khác mà thôi. Đây này:

Kẹp giữa 2 quê hương

Nếu định-nghĩa “quê-hương” là nơi sinh sống của mình (homeland), là quốc-gia của mình thì hiển-nhiên quê-hương chúng con là Mỹ (Pháp, Úc...). Chúng con sinh ra trên đất nước này, đương-nhiên mang quốc-tịch nước này (chứ không phải làm đơn xin quốc-tịch, đi thi và tuyên-thệ như bố mẹ), chúng con không phải “tạm trú” như bố mẹ, chúng con sống ở đây và có lẽ sẽ chết ở đây, trên quê-hương này.
Chúng con "đi" Việt-Nam chơi như bất cứ nơi nào khác trên thế-giới chứ không “về” thăm nhà như bố mẹ.
Nhưng nếu định-nghĩa “quê-hương” là đất của cha ông, của tổ tiên thì quê-hương chúng con lại là Việt-Nam? Khái-niệm này mơ-hồ quá, chúng con không hiểu cho lắm. Tại sao trong cùng một gia-đình mà lại có đến hai quê-hương? Mình có thể có hai quê-hương không?
Nói giả dụ, nếu hai nước gây chiến với nhau, súng của chúng con sẽ phảii chĩa vào ai?
Rắc rối quá.

Kẹp giữ 2 nền văn-hoá
Sinh ra trên đất Mỹ, chúng con đi học trường Mỹ, có bạn học và hàng xóm Mỹ, chúng con nói tiếng Mỹ (không phải Mỹ bồi như bố mẹ) và chúng con còn có tên Mỹ (do bố mẹ đặt). 
Lối suy-nghĩ của chúng con là Mỹ, chúng con tin rằng tự-do, cá-nhân là nhất, vật chất là quan-trọng, làm nhiều tiền là thành-công và bất cứ ai cũng có thể thành-công (cái gọi là “American dream”). 
Lối sống chúng con gọi là “American way of life”, chúng con thích đi shopping, thích tiêu tiền, thích “enjoy life”, thích “have fun”, muốn làm gì thì làm,...
Phong-tục, tập-quán chúng con là Mỹ: Proms khi còn đi học, Halloween, Thanksgiving, ...
Văn-hoá chúng con đúng là văn-hoá Mỹ.

Nhưng bố mẹ ơi, tại sao chúng con vẫn đòi mẹ nấu phở, cuốn chả giò, làm cơm rang, ...?
Cho dù đôi khi chúng con vẫn không thích nước mắm (mùi cá tanh quá), và nhất là sầu riêng (hôi quá), cho dù chúng con không thạo tiếng Việt, chúng con vẫn cảm thấy một cách mơ hồ Việt-Nam là một thứ gì quan-trọng cho chúng con và chúng con còn bao nhiêu câu hỏi không có câu trả lời:
Tại sao trẻ con phải nghe lời bố mẹ, phải kính trọng người lớn? Tại sao mình phải có bàn thờ tổ tiên? Tại sao phải tự hào là người Việt-Nam? Tại sao bố mẹ không dạy chúng con nói rành tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của chúng con?? Tại sao chúng con không biết gì về quê-hương, về văn-hoá của bố mẹ? Cuộc sống bố mẹ lúc trước như thế nào? Tại sao cả nhà lại dọn sang đây ở? Tại sao bố mẹ không nói gì cho chúng con biết?

Mấy tháng trước, ở Philadelphia, cộng-đồng người Việt tổ-chức đi cung cấp thức ăn đến các trại người vô gia cư (Homeless centers) để cám ơn nước Mỹ đã đón nhận người Việt, chúng con mới hiểu được chút ít. Nghe ông giáo-sư kể chuyện “vượt biên”, chúng con mới hiểu qua những nỗi thống-khổ của dân-tộc Việt-Nam. Sau bữa đó, chúng con có lên Internet và google một loạt mới hiểu biết thêm về văn-hoá, lịch-sử của bố mẹ. Nhưng chúng con cũng chỉ biết qua loa thế thôi.

Tâm-sự chúng con, ông nhạc sĩ người Pháp Marc Lavoine có lẽ đã hiểu thấu được khi ông viết bài nhạc Bonjour Vietnam (Hello Vietnam / Xin chào Việt-Nam) mà chị Phạm Quỳnh Anh thuộc thế-hệ chúng con đã trình bày lần đầu tiên.

   Hãy kể tôi nghe về cái tên xa lạ và khó gọi...
   Tôi chỉ biết Người qua hình ảnh của chiến tranh,
   Một cuốn phim của Coppola, những trực thăng phẫn nộ…
   Hãy kể tôi nghe về nhà cửa, đường sá của Người,
   kể tôi nghe những điều tôi chưa biết,
   Những chợ nổi và thuyền tam bản gỗ…
   Một ngày kia, tôi sẽ về, về để chào cõi hồn tôi
   Một ngày kia, tôi sẽ về, về chào Người, Việt Nam ơi...
   Trong nguyện cầu, trong ánh sáng, tìm gặp lại anh em,
   Chạm tới hồn mình, tới cội rễ, tới hòn đất quê hương…
   Một ngày kia, tôi sẽ về, về chào Người, Việt Nam ơi...
   
   Một ngày kia, tôi sẽ về...

Đúng như vậy, nhưng tâm-sự chúng con còn nặng hơn thế nữa.
Bố mẹ ơi, văn-hoá Việt-Nam của chúng con ở đâu? Linh-hồn chúng con ở đâu?

Kẹp giữa 2 xã-hội
Lúc còn ở nhà với bố mẹ, chúng con như sống trong hai xã hội riêng biệt: ở trong nhà là Việt-Nam và ở ngoài đường là Mỹ, nhưng ngày nay, chúng con đã có đời sống riêng của chúng con mà đôi khi, chúng con vẫn còn cảm-tưởng như xã-hội bên ngoài có điều gì không đúng (?)
Rõ ràng chúng con là người Mỹ nhưng chúng con có phải hoàn toàn là người Mỹ không? Sắc da chúng con không trắng, tóc chúng con không vàng, mắt chúng con không xanh, mũi chúng con không thẳng, chúng con không phải "caucasian", ...
Cũng có khi, trong ánh mắt người trước mặt, chúng con có cảm tưởng là mình (bị xem như)  là người lạ. Thành công, tiến thân thì chúng con sẽ đi được đến đâu? Có được như bất cứ người Mỹ da trắng nào khác không? Chúng con chợt tự hỏi.

Bánh mì kẹp hay không, kẹp giữa gì? Vấn-đề này, chúng con không hiểu rõ lắm và không biết phân-tích gì hơn. Chúng con chỉ cảm nhận được một ít điều như vậy thôi.
Bố mẹ ơi, chúng con vẫn cảm giác là trong đời sống chúng con vẫn thiếu thiếu một gì đó, một cái gì của chúng con mà không phải của chúng con, một cái gì đáng lẽ chúng con phải có mà chúng con không có. Một cảm giác mơ hồ không tả được nhưng ray rứt, khó chịu lắm. Hay đó là “tiếng gọi của cội-nguồn”? 
Bố mẹ ơi, chúng con là ai? "


Quả thật là vậy. Đã là cư-dân thì thế-hệ đầu, thế-hệ thứ nhì, hay thứ ba gì cũng thế thôi. Trường-hợp chúng ta đâu phải như người Âu-Châu, Trung-Hoa hay Nhật... đã ổn-định cả trăm đời rồi? Hơn nữa, những lớp cư-dân khác sang đây để mưu sống, để làm giàu, để thực-hiện giấc mơ Mỹ (American dream) trong khi chúng ta chỉ là những người di-tản buồn đã bỏ lại tất cả để tìm đường thoát thân.
Di-cư thì đôi khi đi cả gia-đình ông bà, bố mẹ, con cháu, cả ba thế-hệ như vậy thì thế-hệ thứ nhất, thứ hai, thứ ba còn nghĩa lý gì?
Nói đâu xa, khi loạt người Bắc di-cư vào Nam năm 54, thế-hệ đầu cũng bỡ ngỡ ít nhiều đấy chứ?

Con cháu chúng ta là người Mỹ
Sinh ra bên Mỹ, sống bên Mỹ là thực-trạng con cháu chúng ta. Nếu chúng nói tiếng Mỹ như Mỹ, suy nghĩ như Mỹ, sống như Mỹ thì cũng là điều tốt vì đó là ưu-điểm giúp chúng thành-công trên nước Mỹ này. Vì cho dù cư-dân Á Đông tương đối được chấp-nhận hơn những cư-dân "da màu" khác, chúng cũng vẫn bị thành-kiến hay kỳ-thị.
Khái-niệm “glass ceiling” (trần nhà bằng kính), bức cản vô-hình không cho phép người Mỹ không da trắng leo cao hơn một mức nào đó, không phải là chuyện dã-tưởng. Cho dù nước Mỹ này vẫn nhiều cơ-hội tiến-thân hơn rất nhiều quốc-gia khác (như Âu-Châu...).

Con cháu chúng ta là người Việt-Nam
Dù muốn, dù không, máu chúng nó vẫn là máu Việt, "gin" chúng nó vẫn là "gin" Việt và trách-nhiệm chúng ta là dạy dỗ con cháu mình như người Việt, cho dù là những người Việt sống trên nước ngoài.
Nhưng đôi khi chúng ta không giữ tròn vai trò mình, vì lý-do này hay cớ nọ. Tại vì chúng ta quá bận rộn với công việc định cư và miếng ăn cho cả gia-đình? Tại vì cái buồn tủi mất nước đã khiến ta muốn quên hết đi để lật qua một trang sử mới? Tại vì chúng ta chui đầu dưới cát như những con đà-điểu để trốn tránh sự-thật hay trách-nhiệm? Tại vì...?
Nói như vậy không phải để tự dằn-vặt mình làm gì, nhưng để tự nhắc lại là con cháu chúng ta cần chúng ta dìu dắt để thành nhân, thành tài trong ngữ-cảnh đặc-biệt này của chúng.
Có một năm họp mặt gia-đình bên Cali, một hôm, thấy thằng con trai tôi có vẻ hậm hưc, không vui, tôi hỏi có chuyện gì thì nó không muốn nói rồi sau đó cơn bực tức chợt trào ra:
- Con sang thăm bố và gia-đình, cả nhà cứ nói chuyện với nhau luôn miệng mà con chẳng hiểu gì cả, con không bực sao được? Con có cảm-tưởng mình là người xa lạ trong chính gia-đình mình.
Lòng tôi quặn đau, tôi đã "quên" bẵng là nó không hiểu tiếng Việt, tôi có bao giờ dạy nó được chữ nào đâu? Tôi vừa xấu hổ, vừa thương xót con, tôi chỉ biết ôm nó vào lòng, vỗ về nó, xin lỗi nó.
Vâng, là phụ-huynh, chúng ta có trách-nhiệm dìu dắt con cháu trên con đường đi tìm chính mình của chúng. Và tôi cũng vui khi thấy có những nhóm sinh-hoạt nhỏ đã và đang dốc công làm nghĩa-vụ của mình.

Con cháu chúng ta là người Mỹ gốc Việt
Một đặc-tính tốt của quốc-gia hợp chủng quốc này là công-nhận gốc gác của người cư-dân. Người Ái-Nhĩ-Lan (Ireland) vẫn mừng lễ Saint Patrick, người Mễ-Tây Cơ có lễ Cinco de mayo (mồng 5 tháng 5), người Á-Đông vẫn mừng Tết âm-lịch, ... và chữ "phở" đã được vào từ-điển Mỹ.
Đây là điều-kiện để con cháu chúng ta thành-công trên đất Mỹ như người Mỹ mà vẫn gìn giữ được cội-nguồn của mình.


Chúng ta có thể bàn cãi mãi về vấn-đề này nhưng thực-tế vẫn là vậy : thế-hệ "tạm cư" của chúng ta không còn gì để nói nhưng những thế-hệ "định-cư" của con cháu chúng ta mới thật-sự là quan-trọng. 
Trách-nhiệm chúng ta là giúp cho con cháu chúng ta ra khỏi trạng-thái "bánh mì kẹp", thành tài, thành nhân và mãi mãi hãnh-diện về dòng máu "Con Rồng Cháu Tiên" của chúng ta.
Vì trên bất cứ đất nước nào, Mỹ, Pháp, Úc, Gia Nã Đại, ..., con cháu chúng ta cũng vẫn mang dòng máu bất-khuất đó, dòng máu của 
Việt-Nam quê hương ta ngạo-nghễ.

Yên Hà, tháng Giêng, 2016


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.