ARTSHARE

Jan 14, 2016

Con Rồng Cháu Tiên (1) : Đại-cương



Lời tựa

Nhớ lại, thuở “bé” đi học, có những bộ-môn tôi thích như Toán-Lý-Hoá, Việt văn, Pháp văn, và có những môn không làm tôi hứng thú lắm như Vạn-vật, Địa-lý,… Ở giữa có những môn tạm gọi là “OK” như Lịch-sử vì dù sao đi nữa cũng ít nhiều liên-quan đến mình, vả chăng nhiều khi lại được đọc những chuyện “đánh nhau” mà mấy thằng con trai thường thích.

Ngày hôm nay, chữ Thày giả Thày (để Thày còn dậy người khác) nên kiểm-điểm lại về lịch-sử Việt-Nam, tôi chẳng còn nhớ bao nhiêu. Tôi chỉ nhớ mang máng Lạc Long Quân – Âu Cơ là như cặp Adam – Eva của Việt-Nam, rằng vua Hùng được xem như Ông Tổ chúng ta khi dựng nước Văn Lang. Tôi được nghe kể một số truyện “cổ-tích” như Trọng Thuỷ-Mỵ Châu, Sơn Tinh-Thuỷ Tinh, Phù Đổng Thiên Vương, …
Những vị anh-hùng xưa, tôi biết Bà Triệu, hai chị em Trưng Trắc-Trưng Nhị đã nổi lên chống lại quân Hán, Ngô Quyền đại phá quân Nam-Hán trên sông Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo đã ba lần đẩy lùi cuộc xâm lược của quân Mông Cổ và về sau là quân Mông-Nguyên,…
Tôi chỉ biết dân-tộc tôi đã lớn lên trong chiến-tranh và lịch-sử nước tôi chỉ được tóm lại trong ba giai-đoạn – 1000 năm đô-hộ giặc Tàu, 100 năm đô-hộ giặc Tây, 20 năm nội-chiến từng ngày… - và lịch-sử nước tôi đã chấm dứt một ngày cuối tháng Tư, năm 1975.


Mất nước thì mất nhưng tôi không thể mất gốc. Tôi giờ như cây phong-lan không mất gốc, mất rễ, nhưng rễ thòng trong không khí, sống gửi, sống phụ, treo lơ lửng trên các cây thân gỗ khác.
Nay là người tha hương, quê hương tôi chỉ còn trong tim tôi, qua giọng nói BK 54, chữ viết (có bỏ dấu), lời ca, tiếng hát, qua bát cơm, tô phở, chén nước mắm, qua lịch sử oai hùng của tổ-tiên, qua những kỷ-niệm đã qua.

Chim Việt làm tổ cành nam (Việt điểu sào nam chi), một câu nói ngắn gọn nhưng hàm chứa một ý nghĩa thật sâu: người Việt Nam không bao giờ quên được cội-nguồn của mình.Suốt gần ba năm nay, tôi đã biên soạn một loạt bài "Tiếng nước tôi" để tìm lại những vẻ đẹp của ngôn-ngữ mình, để gìn giữ di sản cha ông để lại, để truyền lại cho con cháu đời sau. 
Loạt bài đã viết hết, bước sau đương nhiên phải là "Lịch-sử nước tôi" để tôi được tiếp tục hãnh diện mình là người Việt-Nam. 


Lịch-sử là ký-ức của một cộng đồng. Sử sách là cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này. 
Biết sử nước mình để biết mình là ai, biết mình từ đâu đến. Để tiếp-xúc với linh-hồn của mình, để hãnh-diện về dân-tộc mình, về dòng dõi “con Rồng, cháu Tiên” của mình, về chính mình.


Nhưng tôi cũng không muốn học sử như một cực-hình bất đắc dĩ, tôi chỉ muốn biết những gì cần biết, hiểu những gì cần hiểu, nhớ những gì cần nhớ. Khó thay! 
Thôi thì tôi sẽ cố gắng biên soạn lại một cách giản dị những gì bất cứ người Việt-Nam nào cũng nên biết để có chút tự-hào dân-tộc.

Ngoài ra, viết sử, tôi chỉ dám hoàn toàn dựa trên những tài-liệu sử chứ không dám viết trại đi, cho nên những ý kiến riêng của tôi sẽ được viết nghiêng để tránh mọi ngộ-nhận.

Thân mời các bạn cùng tôi trở về với chính mình.


NƯỚC VIỆT-NAM
Quốc-hiệu
     Việt Nam, Việt Nam nghe từ vào đời
     Việt Nam hai câu nói trên vành môi    
     Việt Nam nước tôi. 
     Việt-Nam tên gọi là người,
     Việt-Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời…
                                                  (Phạm Duy)
Hai chữ này, mỗi lần nói lên, mỗi lần hát lên, mỗi lần nghe, là tôi phải rung động, thổn-thức nhưng một quốc-hiệu thay đổi với thời-cuộc, thay đổi với mỗi khúc quanh của lịch-sử. Ông cha ta không phải ngày trước, ngày sau mà dựng quốc nên tên nước đã bao lần thay đổi.


Nước Việt Nam ta về đời Hồng Bàng (2897 - 258 trước Tây lịch) gọi là Văn Lang
đời Thục An Dương Vương (257 - 207 trước Tây lịch) thì gọi là Âu Lạc
Đến nhà Tần (246 - 206 trước Tây lịch) lược định phía nam thì đặt làm Tượng Quận
sau nhà Hán (202 trước Tây lịch - 220 sau Tây lịch) dứt nhà Triệu, chia đất Tượng Quận ra làm ba quận là Giao Chỉ (hai ngón chân cái giao lại với nhau), Cửu ChânNhật Nam
Đến cuối đời nhà Đông Hán, vua Hiến Đế đổi Giao Chỉ làm Giao Châu.  
Nhà Đường lại đặt là An Nam Đô Hộ Phủ.
Từ khi nhà Đinh (968 - 980) dẹp xong loạn Thập Nhị Sứ Quân, lập nên một nước tự chủ, đổi quốc hiệu là Đại Cồ Việt
Vua Lý Thánh Tông đổi là Đại Việt
đến đời vua Anh Tông, nhà Tống bên Tàu mới công nhận là An Nam Quốc.
Đến đời vua Gia Long, thống nhất được cả Nam Bắc (1802), lấy lẽ rằng Nam là An Nam, Việt là Việt Thường, mới đặt quốc hiệu là Việt Nam.

Vua Minh Mạng lại cải làm Đại Nam.

Quốc hiệu nước ta thay đổi đã nhiều lần, tuy rằng ngày nay ta vẫn theo thói quen dùng hai chữ An Nam, nhưng vì hai chữ ấy có ngụ ý phải  thần phục nước Tàu, vậy thì ta nên nhất định lấy tên Việt Nam mà gọi nước nhà. (Việt-Nam Sử-Lược, Lệ Thân Trần Trọng Kim)

Đi không đổi tên, về không đổi họ.
Chỉ mong sao lịch-sử đừng tái-diễn và nước ta đừng bao giờ phải mang tên nước láng-giềng.


Địa-lý
Lịch sử một nước tuỳ thuộc nhiều nơi địa lý cho nên chúng ta cũng phải nói qua vài hàng.

Việt-Nam là một quốc gia nằm ở cực đông-nam bán đảo Đông Dương, có phần đất liền trải dài từ kinh tuyến 102°8′ Đông đến 109°27′ Đông và từ vĩ tuyến 8°27′ Bắc đến 23°23′ Bắc.
Diện tích đất liền vào khoảng 331.698 cây số vuông. 

Biên giới Việt Nam giáp với vịnh Thái Lan ở phía nam, vịnh Bắc Bộ và biển Đông  ở phía đông, Trung Quốc ở phía bắc, Lào và Kampuchia phía tây. 

Hình thể nước Việt Nam có hình chữ "S", khoảng cách từ bắc tới nam (theo đường chim bay) là 1.648 cây số và vị trí hẹp nhất theo chiều đông sang tây là 50 cây số. 

Đường bờ biển dài 3.260 cây số, không kể các đảo. Ngoài vùng nội thuỷ, Việt Nam tuyên bố 12 hải lý lãnh hải, thêm 12 hải lý vùng tiếp giáp lãnh hải, 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và cuối cùng là thềm lục địa.
(Wikipedia)

Nhìn bản đồ, chúng ta có thể hiểu Việt-Nam chiếm một vị-trí chiến-lược tối quan-trọng trong vùng Đông-Nam Á này, trên mặt giao-thông/kinh tế từ xưa đến nay và nhất là trên mặt chính-trị/quân-sự trong những thập-niên sau này.
Và như vậy, dưới bất cứ chính-thể nào, tôi e rằng nước ta có lẽ sẽ còn phải chật-vật nhiều trên bàn cờ thế giới.

Gốc-tích
Nước có nguồn, cây có gốc, người có tổ tông.Lại một vấn-đề nhạy-cảm đây. Ngược giòng thời-gian, lần trở về nguồn-gốc, nhất là đối một quốc-gia với bốn ngàn năm lịch-sử như nước ta, thì khó có thể chứng-minh bất cứ điều gì một cách tuyệt-đối.


Hiện giờ các một số giả thuyết được dựa trên truyền-thuyết cũng như các chứng-tích khảo-cổ.

- Theo ý kiến của nhà kê cứu của nước Pháp, thì người Việt Nam và người Thái đều ở miền núi Tây Tạng xuống. Người Việt Nam theo sông Hồng Hà lần xuống phía đông nam, lập ra nước Việt Nam ta bây giờ; còn người Thái thì theo sông Mê Kông xuống, lập ra nước Tiêm La (tức là Thái Lan) và các nước Lào (Việt-Nam sử-lược, Trần Trọng Kim). 
Ngày nay qua nhiều nghiên cứu khảo cổ, khai tích, sử sách cho thấy hình như thuyết này sai lầm.

- Theo sử sách Trung Hoa, Việt Nam: Giả thuyết được phổ biến rộng rãi nhất nói rằng người Việt Nam xưa gốc ở miền từ hạ lưu sông Dương Tử tới miền Bắc Việt-Nam, gồm nhiều nhóm cư trú ở các nơi khác nhau mà gọi chung là Bách Việt. Về sau bị người Hoa Hạ tràn xuống xâm lấn lãnh thổ, các nhóm này dần dần bị đồng hóa thành người Hán. Chỉ còn nhóm Lạc Việt ở miền Bắc Việt Nam là còn tồn tại được, chính là tổ tiên của người Việt ngày nay.
Thuyết này đã coi Bách Việt là cư dân bản địa, mà không đề cập đến nguồn gốc các dân tộc này từ thời-đại đồ đá trở về trước (Wikipedia).

- Theo học giả người Pháp Louis Finot (1864-1935): Thuyết này dựa trên kiến thức chung về quá trình giống Indonesian (Cổ Mã-Lai) xưa cư trú ở tiểu lục địa Ấn-Độ bị giống Aryan (nay gọi là Indo-European) xâm lấn nên phải chạy sang phía đông, trong đó có bán đảo Trung Ấn.
Finot cho rằng tại phía đông bắc bán đảo, giống Indonesian hợp với giống Mongolian làm thành giống Việt Nam. Thuyết này đề cập đến nguồn gốc dân tộc Việt từ thời-đại đồ đá, trong quá-trình phát-tán chung của loài người.  (Wikipedia).

Dù sao đi nữa, trên phương-diện khảo-cứu / khoa-học, chúng ta không thể không nói đến Trống đồng. 
Trống đồng Đông Sơn là tên một loại trống tiêu biểu cho văn hoá Đông Sơn (700 TCN - 100) của người Việt cổ. Nhiều chiếc trống loại này với quy mô đồ sộ, hình dáng cân đối, hài hoà đã thể hiện một trình độ rất cao về kỹ năng và nghệ thuật, đặc biệt là những hoa văn phong phú được khắc họa, miêu tả chân thật sinh hoạt của con người thời kỳ dựng nước mà người ta vẫn cho là chìm trong đám mây mù của truyền thuyết Việt-Nam. (Wikipedia)

Nói tóm lại, hiện giờ thì hai giả-thuyết - “Nam tiến” từ Trung Hoa xuống hay “Bắc tiến” từ Nam Dương lên - vẫn còn được bàn cãi, nhất là trong thời-điểm gay go với Trung Quốc hiện nay.
Sự thật tuyệt đối, chắc chắn là chúng ta sẽ không bao giờ có được, nhưng theo ý riêng tôi, Bắc tiến hay Nam tiến, không thuyết nào thay đổi niềm hãnh-diện dân-tộc tôi.


Trên phương diện sắc-tộc và dân số
Ngày hôm nay, dân số Việt-Nam gần 95 triệu: 80 triệu người Việt và 15 triệu người thuộc 53 sắc tộc khác thuộc 7 nhóm (Tày-Thái, Kadai, Môn-Khmer, H'Mong-Dao, Nam Đảo, Hán và Tạng-Miến).
Người Việt tha-hương có khoảng 4 triệu, đông nhất là bên Hoa-Kỳ, với khoảng hơn 2 triệu.

Bốn triệu cành phong-lan tản mác trên toàn cầu, mất đất nhưng không mất gốc, ngóng nhìn lại quê nhà, ngược giòng lịch-sử để cảm nhận niềm hãnh-diện của dòng giống "Con Rồng, Cháu Tiên".


...


Xin mời xem tiếp Con Rồng Cháu Tiên (2) : Họ Hồng Bàng

Yên Hà, Tháng 12, 2015

Tài-liệu nguồn :
- Việt-Nam Sử-Lược, Lệ Thân Trần Trọng Kim (1919)

- Wikipedia



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.