ARTSHARE

Feb 17, 2015

Năm Dê nói chuyện... dê

Sau năm Giáp Ngọ chấm đứt, thì đến năm Ất Mùi (ất Vị) được bàn giao từ giờ giao thừa bắt đầu giữa đêm thứ tư, 18-02-2015 để cầm tinh đến 24 giờ đêm 07-02-2016.
Xin mời các bạn làm quen lại với loài gia-súc đặc-biệt này trong văn hoá mười hai con giáp người Á-Đông chúng ta.


Dê là loài động vật thuộc họ Bovidae. Dê là loài động vật nhai lại như (trâu, bò, cừu ...) và bộ máy tiêu hóa của dê được cấu tạo để có thể tiêu hóa được đủ loại thức ăn khác nhau như vỏ cây, các loại cây cằn cỗi...
Dê có một bộ lông tơ mịn bao phủ khắp người. Bộ lông có thể chỉ có một màu hoặc nhiều màu, thường là màu đen, xám, trắng, nâu... Lông dê không ấm, không đẹp bằng lông cừu nhưng cũng được dùng làm áo lạnh.
Ở đa số các loài dê thì giống đực có sừng, còn giống cái thì không. Sừng dê có nhiều hình dáng (cong ngược về phía sau, thẳng đứng, uốn cong hình trôn ốc...). Cả dê cái và dê đực đều có râu. 

Biểu-tượng trong văn hoá 
Trong các loài gia-súc, con dê là loài có ý-nghĩa tinh thần phong phú và có giá trị biểu tượng cao. Nó thể-hiện vai trò gần gũi mà quan trọng, tạo ra những ảnh hưởng mạnh mẽ, đa dạng, tích cực tới đời sống văn hoá của nhiều nước. 

Trong văn hóa phương Đông, dê là một trong 12 con giáp, đại biểu cho địa chi “Mùi”, và cũng nằm trong lục súc (gia súc gồm dê, gà, chó, lợn, ngựa, trâu) và trong tam sinh, ba thứ lễ vật (
gồm dê, lợn, bò) đặc biệt để cầu cúng, tế dâng thánh. 

Điển tích chăn dê gắn liền với Tô Vũ là tôi trung của nhà Hán khi đi sứ sang đất Hung Nô, bị Thuyền Vu Hung Nô giữ không cho về và truyền lệnh đầy ông lên phương bắc (Bắc Hải), vắng như sa mạc, tuyết phủ quanh năm. 
Ông phải chăn một đàn dê đực, với sắc chỉ của chúa Hung Nô: Bao giờ trong đàn dê, dê đực đẻ con, sứ thần Tô Vũ mới được trở về đất Hán. Sau này nhà Hán thực hiện chính sách ngoại giao hòa hoãn với Hung Nô, Tô Vũ mới được tha về sau 19 năm gian-truân. Ông đã trở thành một tấm gương sáng về tinh-thần trung-quân ái-quốc.

Trong binh-pháp cũng có kế: Thuận thủ khiên dương (tiện tay dắt dê = phải tranh thủ nắm lấy cơ hội nằm trong tầm tay). 
Thuật-ngữ "Xua dê cừu đi đấu với hổ báo" chỉ về sự không tương-quan lực-lượng.

Trong lịch-sử Việt, sách Lĩnh Nam Chích Quái, ở chương đầu tiên, về họ Hồng Bàng, đã kể lại rằng từ thời xa xưa, người Việt trong hôn nhân, đã biết giết trâu, dê làm đồ lễ, con dê đã được nuôi làm gia súc và sử dụng vào việc tế lễ. 
Vào giữa thế kỷ 16, trong bài Đào Nguyên Hành thì Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã tả cảnh nông thôn Việt Nam là :
    Trâu bò, gà lợn, dê ngan
    Đầy lũ đầy đàn, rong thả khắp nơi. 
Trong tác phẩm Hịch tướng sĩ, Trần Hưng Đạo cũng có nhắc đến hình ảnh con dê và coi đó là biểu hiện của bọn sứ giả Mông Cổ chỉ bằng loài dê chó nhưng hống hách, ngạo mạn:
    Uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình
    Đem thân dê chó mà ngạo mạn tể tướng. 

Trong chiêm tinh học và thiên văn học  thời cổ, dê nằm trong 12 cung hoàng đạo với hình tượng Ma Kết (Capricorne), có hình ảnh của chữ “V” cho đầu của một con dê biển (sea goat), bởi vì chòm sao Ma Kết được tìm thấy ở phía Nam trên bầu trời hoàng đạo. Chòm sao này thường được mô tả là một con dê với đuôi cá.

Thần thoại Hy lạp, La mã ghi lại Zeus- Jupiter chúa tể các vị thần, lúc sinh ra bú sữa dê pha với mật ong. Khi tế thần người ta phải dâng dê, bò thui đốt. Tế thần Hecmet cũng phải có mật ong, bánh ngọt, heo và dê con.
Trong huyền thoại Hy Lạp, con dê đực còn là hình tượng của thần Pan, thủy tổ của mục đồng, ngày xưa là kẻ chăn dê. Truyền thuyết nói rằng khi vị thần dê Pan bị tấn công bởi con quái vật Typhon, ông ngâm mình xuống sông Nin, phần phía trên mặt nước vẫn là dê, nhưng phần ở dưới nước đã hóa thành cá.

Trong thần thoại Bắc Âu, thần Thor cưỡi trên một cỗ xe được kéo bởi hai con dê đực. Mỗi khi người Bắc Âu cổ xưa nghe tiếng sấm, họ nói rằng thần Thor đang cưỡi xe đến. 

Đặc biệt là trong Kitô-giáo, dê còn là hình tượng “con dê gánh tội” (còn gọi là "oan dương"), biểu tượng cho sự hiến tế ở các hai nền văn hóa Đông-Tây: "dê tế thần, dê sứ giả" (bouc émissaire / scape coat).

Trong văn-học Việt Nam
Hình ảnh dê xuất hiện khá đa dạng, sinh động, hấp dẫn và đầy ngụ ý. 
Dê được lấy làm đối tượng cho nhiều câu ngạn ngữ, tục ngữ, thành ngữ như:
Bán bò tậu ruộng, mua dê về cày chê cách thức làm ăn không biết tính toán.
hay thuật ngữ Cà kê dê ngỗng đánh giá sự kể lể tản mạn, dài dòng, huyên thuyên những chuyện lặt vặt, ngoài lề.
Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng là kinh nghiệm lựa chọn những hoạt động phù hợp với năng lực, hoàn cảnh.
Thuật ngữ nổi tiếng Treo đầu dê, bán thịt chó chỉ người nói một nơi, làm một nẻo, nói và làm không ăn khớp nhau.

Trong ca dao, văn học dê cũng hiện lên sinh động:
   Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi
   Em đây luống những ngậm ngùi tuổi Thân.

Nhà thơ Bùi Giáng cũng có một thời chán đời, về mua dê và chăn dê ở quê nhà, núi đồi Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông đã có bài thơ cảm khái trong đó mô tả về loài dê:
    Trời núi đồi ngây ngất nhảy dê nhanh
    Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
    Nhảy múa tung sườn núi vút dòng khe
    Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
    Vang vang lên đồi núi giọng be be
    Ngẩng đầu lên! dê ơi, anh thong thả
    Ðeo vòng vào em nghển cổ cong xinh
    Ngẩng đầu lên! đây lòng anh vàng đá
    Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên...

Nếu như ở phương Tây, có trò chơi đếm cừu thì ở Việt Nam có trò bịt mắt bắt dê rất vui. Trò chơi này thường được tổ chức trong các ngày vui (Hội đầu xuân, trung thu..) hoặc các cuộc chơi thể thao văn hoá dân dã, với cách khác nhau tùy thuộc đối tượng tham dự. 
Đối với trẻ con, trò chơi này là thú vui hồn nhiên, nhưng đối với các cô cậu thanh niên, thiếu nữ là một dịp để tiếp cận, đụng chạm về thể xác, vui đùa với nhau, vượt qua ranh giới nam nữ của phong kiến.
   Giả vờ bịt mắt bắt dê
   Để cho cô cậu dễ bề... với nhau.

Tính dục
Tục ngữ Việt nam có câu:
    Bươm bướm mà đậu cành bông
    Ðã dê con chị, lại bồng con em.
Đời nay thì có câu:
    Bánh mì phải có pa-tê
    Đàn ông phải có máu dê trong người.
Nói một cách khoa-học, cái "máu dê" đó chỉ do chất "hoóc-môn" testosterone trong cơ-thể đàn ông cũng như bao nhiêu động vật có vú (Mammals / mammifères) khác. Cho nên, không "dê" mới là chuyện bất bình-thường.

Dê đực tượng trưng cho mãnh lực và nhu cầu tình dục vì loài dê vốn tràn đầy sinh lực tình dục. Trong thực tế, một con dê đực có thể giao phối với cả đàn dê cái nên dê được gán cho hình tượng của sự dâm đãng và thô tục. Điều này là điểm tương đồng trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

Người đàn ông hiếu dục, Tây phương gọi là Satyre, Việt Nam gọi là dê, dê xồm, dê cụ (già không nên nết). Dê được dùng làm động từ "dê gái" hay “thả dê”. Người Mỹ cũng có cụm từ Let go you randy old goat! tạm dịch:  buông tôi ra, đồ dê già!

Trong trò chơi đánh đề, xổ số đề 40 con, người Pháp gọi là ''Jeu de 40 bêtes'' mỗi con số đề có vẽ hình một súc vật : số 35 kèm hình con dê : do đó " băm lăm " có nghĩa là hiếu sắc. 
Và hình tượng dê, trong nghĩa tiêu cực, chỉ áp dụng cho đàn ông. Đàn bà thì gọi là ngựa.
Râu dê mô tả bộ râu rậm, dài, hơi cong và cũng là hình ảnh khêu gợi, tiếng kêu be be của con dê đôi khi cũng gợi lên tiếng cười dâm dật.

Cũng xin nhắc lại điển tích Dương xa (tức xe dê kéo) : vua Tấn Võ Đế của Trung Quốc thường dùng xe dê kéo đi mỗi đêm trong cung cấm, hễ dê dừng ở cửa phòng cung phi nào, tức đêm ấy nhà vua sẽ ngủ với cung phi đó. Nên hàng trăm cung phi mỗi đêm tìm lá dâu non, loại lá mà dê háu ăn rồi đặt trước cửa phòng để dê dừng lại. Và điều này được phản ánh qua tác phẩm Cung Oán Ngâm Khúc của ta:
   Phải duyên hương lửa cùng nhau
   Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào
   Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ
   Dấu dương xa đám cỏ quanh co...

Năm Quý Mùi (1823), năm con dê, vua Minh Mạng làm bài thơ tự trào nổi tiếng có câu:
"Nhất dạ ngũ giao, tam hữu dụng"
Nghĩa là: một đêm ngủ với năm bà, thì ba bà mang thai!

Trong Lục Vân Tiên, bộ mặt của Bùi Kiệm đã từng giở trò với Kiều Nguyệt Nga, trở thành trơ trẽn qua câu thơ: 
    Con người Bùi Kiệm máu dê
    Ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu. 

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng miêu tả về những nhu cầu tính dục khá thầm kín thông qua những từ "ngứa, buồn/châm, húc": 
    Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
    Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.

Tự cổ chí kim, loài người (đàn ông) cứ phải đi tìm mọi cách để tăng-cường sinh-lực và trợ dương (aphrodisiac), nào là nhân sâm, rượu thuốc, ngầu pín (ăn gì bổ nấy mà?), sâm, cao hổ cốt, gừng, ớt, hàu, ... Thời-buổi này, khoa-học tiến bộ quá, chỉ cần đi mua vài viên "thuốc xanh" là xong ngay.

Dê trong ẩm-thực Việt-Nam
Dân chúng Ả-Rập theo đạo Hồi-giáo không ăn thịt heo hay Ấn-Độ không ăn thịt bò, thịt dê đương nhiên có mặt trên bàn ăn nhiều hơn ở các nơi khác.
Thịt dê được coi là đặc sản của Việt Nam với các món: tái dê, lẩu dê, nem dê, cà-ri dê, thịt dê hầm, thịt dê nướng, dê thui, dê nhựa mận, thịt dê quay, dê hầm rượu vang, ... và nhất là "dê ôm"! 
Ở miền Bắc VN, nghe nói có món tái dê chấm với tương bần rất độc dáo, bởi vậy dân gian mới có câu:

                                Tái dê chấm với tương bần,
                           Ăn vào một miếng bần bần như dê
                                 Đêm về vợ lạy tỉ tê,
                         Tối mai ta lại tái dê tương bần.
Mỗi món ăn đều qua các cách nấu nướng khác nhau và có hương vị riêng của nó nhưng điều quan trọng là phải khử được mùi hôi khó chịu ở dê. (Dê đực hay dê cái đều có tuyến xạ ở hai bên gốc sừng, sát ngay bờ phía sau, tiết ra mùi hôi riêng biệt để tìm nhau.)
Điều kỳ lạ là trong cơ thể của dê chỗ nào cũng có mùi khó chịu, riêng bộ phận “súng đạn” là thơm ngon, bổ dưỡng số một, còn gọi là “Ngọc Dương”, được sử dụng dể chế biến thức ăn bổ dưỡng. Các ông thường sử dụng món Ngọc Dương để tăng cường sinh lực.


Cà kê dê ngỗng hơi nhiều rồi, tôi xin ngưng nơi đây kẻo "tẩu hoả nhập dê" mất.
Chúc tất cả các bạn tuổi Mùi một năm mới thật... dê!

Yên Hà, tháng 2, 2015

Tài-liều nguồn:
Dê trong biểu-tượng văn-hoá (Wikipedia)

Năm Quí Mùi nói chuyện dê

Tết năm Mùi nói chuyện dê (Tú Ân)








No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.