ARTSHARE

Feb 17, 2015

Năm Dê nói chuyện... dê

Sau năm Giáp Ngọ chấm đứt, thì đến năm Ất Mùi (ất Vị) được bàn giao từ giờ giao thừa bắt đầu giữa đêm thứ tư, 18-02-2015 để cầm tinh đến 24 giờ đêm 07-02-2016.
Xin mời các bạn làm quen lại với loài gia-súc đặc-biệt này trong văn hoá mười hai con giáp người Á-Đông chúng ta.


Dê là loài động vật thuộc họ Bovidae. Dê là loài động vật nhai lại như (trâu, bò, cừu ...) và bộ máy tiêu hóa của dê được cấu tạo để có thể tiêu hóa được đủ loại thức ăn khác nhau như vỏ cây, các loại cây cằn cỗi...
Dê có một bộ lông tơ mịn bao phủ khắp người. Bộ lông có thể chỉ có một màu hoặc nhiều màu, thường là màu đen, xám, trắng, nâu... Lông dê không ấm, không đẹp bằng lông cừu nhưng cũng được dùng làm áo lạnh.
Ở đa số các loài dê thì giống đực có sừng, còn giống cái thì không. Sừng dê có nhiều hình dáng (cong ngược về phía sau, thẳng đứng, uốn cong hình trôn ốc...). Cả dê cái và dê đực đều có râu. 

Biểu-tượng trong văn hoá 
Trong các loài gia-súc, con dê là loài có ý-nghĩa tinh thần phong phú và có giá trị biểu tượng cao. Nó thể-hiện vai trò gần gũi mà quan trọng, tạo ra những ảnh hưởng mạnh mẽ, đa dạng, tích cực tới đời sống văn hoá của nhiều nước. 

Trong văn hóa phương Đông, dê là một trong 12 con giáp, đại biểu cho địa chi “Mùi”, và cũng nằm trong lục súc (gia súc gồm dê, gà, chó, lợn, ngựa, trâu) và trong tam sinh, ba thứ lễ vật (
gồm dê, lợn, bò) đặc biệt để cầu cúng, tế dâng thánh. 

Điển tích chăn dê gắn liền với Tô Vũ là tôi trung của nhà Hán khi đi sứ sang đất Hung Nô, bị Thuyền Vu Hung Nô giữ không cho về và truyền lệnh đầy ông lên phương bắc (Bắc Hải), vắng như sa mạc, tuyết phủ quanh năm. 
Ông phải chăn một đàn dê đực, với sắc chỉ của chúa Hung Nô: Bao giờ trong đàn dê, dê đực đẻ con, sứ thần Tô Vũ mới được trở về đất Hán. Sau này nhà Hán thực hiện chính sách ngoại giao hòa hoãn với Hung Nô, Tô Vũ mới được tha về sau 19 năm gian-truân. Ông đã trở thành một tấm gương sáng về tinh-thần trung-quân ái-quốc.

Trong binh-pháp cũng có kế: Thuận thủ khiên dương (tiện tay dắt dê = phải tranh thủ nắm lấy cơ hội nằm trong tầm tay). 
Thuật-ngữ "Xua dê cừu đi đấu với hổ báo" chỉ về sự không tương-quan lực-lượng.

Trong lịch-sử Việt, sách Lĩnh Nam Chích Quái, ở chương đầu tiên, về họ Hồng Bàng, đã kể lại rằng từ thời xa xưa, người Việt trong hôn nhân, đã biết giết trâu, dê làm đồ lễ, con dê đã được nuôi làm gia súc và sử dụng vào việc tế lễ. 
Vào giữa thế kỷ 16, trong bài Đào Nguyên Hành thì Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã tả cảnh nông thôn Việt Nam là :
    Trâu bò, gà lợn, dê ngan
    Đầy lũ đầy đàn, rong thả khắp nơi. 
Trong tác phẩm Hịch tướng sĩ, Trần Hưng Đạo cũng có nhắc đến hình ảnh con dê và coi đó là biểu hiện của bọn sứ giả Mông Cổ chỉ bằng loài dê chó nhưng hống hách, ngạo mạn:
    Uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình
    Đem thân dê chó mà ngạo mạn tể tướng. 

Trong chiêm tinh học và thiên văn học  thời cổ, dê nằm trong 12 cung hoàng đạo với hình tượng Ma Kết (Capricorne), có hình ảnh của chữ “V” cho đầu của một con dê biển (sea goat), bởi vì chòm sao Ma Kết được tìm thấy ở phía Nam trên bầu trời hoàng đạo. Chòm sao này thường được mô tả là một con dê với đuôi cá.

Thần thoại Hy lạp, La mã ghi lại Zeus- Jupiter chúa tể các vị thần, lúc sinh ra bú sữa dê pha với mật ong. Khi tế thần người ta phải dâng dê, bò thui đốt. Tế thần Hecmet cũng phải có mật ong, bánh ngọt, heo và dê con.
Trong huyền thoại Hy Lạp, con dê đực còn là hình tượng của thần Pan, thủy tổ của mục đồng, ngày xưa là kẻ chăn dê. Truyền thuyết nói rằng khi vị thần dê Pan bị tấn công bởi con quái vật Typhon, ông ngâm mình xuống sông Nin, phần phía trên mặt nước vẫn là dê, nhưng phần ở dưới nước đã hóa thành cá.

Trong thần thoại Bắc Âu, thần Thor cưỡi trên một cỗ xe được kéo bởi hai con dê đực. Mỗi khi người Bắc Âu cổ xưa nghe tiếng sấm, họ nói rằng thần Thor đang cưỡi xe đến. 

Đặc biệt là trong Kitô-giáo, dê còn là hình tượng “con dê gánh tội” (còn gọi là "oan dương"), biểu tượng cho sự hiến tế ở các hai nền văn hóa Đông-Tây: "dê tế thần, dê sứ giả" (bouc émissaire / scape coat).

Trong văn-học Việt Nam
Hình ảnh dê xuất hiện khá đa dạng, sinh động, hấp dẫn và đầy ngụ ý. 
Dê được lấy làm đối tượng cho nhiều câu ngạn ngữ, tục ngữ, thành ngữ như:
Bán bò tậu ruộng, mua dê về cày chê cách thức làm ăn không biết tính toán.
hay thuật ngữ Cà kê dê ngỗng đánh giá sự kể lể tản mạn, dài dòng, huyên thuyên những chuyện lặt vặt, ngoài lề.
Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng là kinh nghiệm lựa chọn những hoạt động phù hợp với năng lực, hoàn cảnh.
Thuật ngữ nổi tiếng Treo đầu dê, bán thịt chó chỉ người nói một nơi, làm một nẻo, nói và làm không ăn khớp nhau.

Trong ca dao, văn học dê cũng hiện lên sinh động:
   Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi
   Em đây luống những ngậm ngùi tuổi Thân.

Nhà thơ Bùi Giáng cũng có một thời chán đời, về mua dê và chăn dê ở quê nhà, núi đồi Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông đã có bài thơ cảm khái trong đó mô tả về loài dê:
    Trời núi đồi ngây ngất nhảy dê nhanh
    Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
    Nhảy múa tung sườn núi vút dòng khe
    Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
    Vang vang lên đồi núi giọng be be
    Ngẩng đầu lên! dê ơi, anh thong thả
    Ðeo vòng vào em nghển cổ cong xinh
    Ngẩng đầu lên! đây lòng anh vàng đá
    Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên...

Nếu như ở phương Tây, có trò chơi đếm cừu thì ở Việt Nam có trò bịt mắt bắt dê rất vui. Trò chơi này thường được tổ chức trong các ngày vui (Hội đầu xuân, trung thu..) hoặc các cuộc chơi thể thao văn hoá dân dã, với cách khác nhau tùy thuộc đối tượng tham dự. 
Đối với trẻ con, trò chơi này là thú vui hồn nhiên, nhưng đối với các cô cậu thanh niên, thiếu nữ là một dịp để tiếp cận, đụng chạm về thể xác, vui đùa với nhau, vượt qua ranh giới nam nữ của phong kiến.
   Giả vờ bịt mắt bắt dê
   Để cho cô cậu dễ bề... với nhau.

Tính dục
Tục ngữ Việt nam có câu:
    Bươm bướm mà đậu cành bông
    Ðã dê con chị, lại bồng con em.
Đời nay thì có câu:
    Bánh mì phải có pa-tê
    Đàn ông phải có máu dê trong người.
Nói một cách khoa-học, cái "máu dê" đó chỉ do chất "hoóc-môn" testosterone trong cơ-thể đàn ông cũng như bao nhiêu động vật có vú (Mammals / mammifères) khác. Cho nên, không "dê" mới là chuyện bất bình-thường.

Dê đực tượng trưng cho mãnh lực và nhu cầu tình dục vì loài dê vốn tràn đầy sinh lực tình dục. Trong thực tế, một con dê đực có thể giao phối với cả đàn dê cái nên dê được gán cho hình tượng của sự dâm đãng và thô tục. Điều này là điểm tương đồng trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

Người đàn ông hiếu dục, Tây phương gọi là Satyre, Việt Nam gọi là dê, dê xồm, dê cụ (già không nên nết). Dê được dùng làm động từ "dê gái" hay “thả dê”. Người Mỹ cũng có cụm từ Let go you randy old goat! tạm dịch:  buông tôi ra, đồ dê già!

Trong trò chơi đánh đề, xổ số đề 40 con, người Pháp gọi là ''Jeu de 40 bêtes'' mỗi con số đề có vẽ hình một súc vật : số 35 kèm hình con dê : do đó " băm lăm " có nghĩa là hiếu sắc. 
Và hình tượng dê, trong nghĩa tiêu cực, chỉ áp dụng cho đàn ông. Đàn bà thì gọi là ngựa.
Râu dê mô tả bộ râu rậm, dài, hơi cong và cũng là hình ảnh khêu gợi, tiếng kêu be be của con dê đôi khi cũng gợi lên tiếng cười dâm dật.

Cũng xin nhắc lại điển tích Dương xa (tức xe dê kéo) : vua Tấn Võ Đế của Trung Quốc thường dùng xe dê kéo đi mỗi đêm trong cung cấm, hễ dê dừng ở cửa phòng cung phi nào, tức đêm ấy nhà vua sẽ ngủ với cung phi đó. Nên hàng trăm cung phi mỗi đêm tìm lá dâu non, loại lá mà dê háu ăn rồi đặt trước cửa phòng để dê dừng lại. Và điều này được phản ánh qua tác phẩm Cung Oán Ngâm Khúc của ta:
   Phải duyên hương lửa cùng nhau
   Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào
   Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ
   Dấu dương xa đám cỏ quanh co...

Năm Quý Mùi (1823), năm con dê, vua Minh Mạng làm bài thơ tự trào nổi tiếng có câu:
"Nhất dạ ngũ giao, tam hữu dụng"
Nghĩa là: một đêm ngủ với năm bà, thì ba bà mang thai!

Trong Lục Vân Tiên, bộ mặt của Bùi Kiệm đã từng giở trò với Kiều Nguyệt Nga, trở thành trơ trẽn qua câu thơ: 
    Con người Bùi Kiệm máu dê
    Ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu. 

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng miêu tả về những nhu cầu tính dục khá thầm kín thông qua những từ "ngứa, buồn/châm, húc": 
    Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
    Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.

Tự cổ chí kim, loài người (đàn ông) cứ phải đi tìm mọi cách để tăng-cường sinh-lực và trợ dương (aphrodisiac), nào là nhân sâm, rượu thuốc, ngầu pín (ăn gì bổ nấy mà?), sâm, cao hổ cốt, gừng, ớt, hàu, ... Thời-buổi này, khoa-học tiến bộ quá, chỉ cần đi mua vài viên "thuốc xanh" là xong ngay.

Dê trong ẩm-thực Việt-Nam
Dân chúng Ả-Rập theo đạo Hồi-giáo không ăn thịt heo hay Ấn-Độ không ăn thịt bò, thịt dê đương nhiên có mặt trên bàn ăn nhiều hơn ở các nơi khác.
Thịt dê được coi là đặc sản của Việt Nam với các món: tái dê, lẩu dê, nem dê, cà-ri dê, thịt dê hầm, thịt dê nướng, dê thui, dê nhựa mận, thịt dê quay, dê hầm rượu vang, ... và nhất là "dê ôm"! 
Ở miền Bắc VN, nghe nói có món tái dê chấm với tương bần rất độc dáo, bởi vậy dân gian mới có câu:

                                Tái dê chấm với tương bần,
                           Ăn vào một miếng bần bần như dê
                                 Đêm về vợ lạy tỉ tê,
                         Tối mai ta lại tái dê tương bần.
Mỗi món ăn đều qua các cách nấu nướng khác nhau và có hương vị riêng của nó nhưng điều quan trọng là phải khử được mùi hôi khó chịu ở dê. (Dê đực hay dê cái đều có tuyến xạ ở hai bên gốc sừng, sát ngay bờ phía sau, tiết ra mùi hôi riêng biệt để tìm nhau.)
Điều kỳ lạ là trong cơ thể của dê chỗ nào cũng có mùi khó chịu, riêng bộ phận “súng đạn” là thơm ngon, bổ dưỡng số một, còn gọi là “Ngọc Dương”, được sử dụng dể chế biến thức ăn bổ dưỡng. Các ông thường sử dụng món Ngọc Dương để tăng cường sinh lực.


Cà kê dê ngỗng hơi nhiều rồi, tôi xin ngưng nơi đây kẻo "tẩu hoả nhập dê" mất.
Chúc tất cả các bạn tuổi Mùi một năm mới thật... dê!

Yên Hà, tháng 2, 2015

Tài-liều nguồn:
Dê trong biểu-tượng văn-hoá (Wikipedia)

Năm Quí Mùi nói chuyện dê

Tết năm Mùi nói chuyện dê (Tú Ân)








Tết tha-hương

Lại sắp Tết rồi. Quay đi, quay lại, thấm thoát, lần này sẽ là cái Tết tha hương thứ 46 của tôi. Lần cuối tôi ăn Tết ở Sài-Gòn là năm 1969, trước khi tôi sang Bỉ học. Và từ đó đến giờ, tôi đâu đã được ăn Tết ở quê nhà?

Xa quá rồi
Bốn mươi sáu năm rồi, tôi còn có thể nhớ gì về Tết ở Việt-Nam nhỉ? Loáng thoáng một vài hình ảnh như lúc mình được mặc quần áo đẹp sáng mồng Một để chúc Tết ông bà, bố mẹ rồi lãnh mấy cái phong bì đo đỏ, mồng Hai đi chúc Tết bên ngoại và họ hàng xa gần. Nhớ rằng mấy ngày đó, mình được ăn ngon, bánh chưng, thịt thà, bánh nước tha hồ, mình có tiền đi mua quà, đồ chơi, quần áo, … sướng quá (một năm chỉ có một lần mà?). Ngoài ra, tôi chẳng còn một kỷ-niệm nào “ấn-tượng” cả.
À, tôi còn nhớ Tết Mậu Thân, tôi có đi cứu trợ và đã rất vui khi mình được góp công chút ít cho đồng bào mình. Tôi còn nhớ lần đầu tiên, tôi nhìn thấy tận mắt một cánh tay cháy đen, về nhà, tôi cứ bị ám ảnh mãi.
Trong ký-ức tôi, vỏn vẹn chỉ còn có thế. Xa quá rồi.

Tết du-học-sinh
Có lẽ đây là những cái Tết buồn thảm nhất của tôi. Cứ nghĩ xem, một thằng con trai (con gái chắc cũng thế thôi) mười tám tuổi, bỗng nhiên bị « vất » vào đời, xa gia-đình, xa xứ sở, loay hoay sống nơi xứ người.
Ngày Tết đầu tiên xa nhà, cái Tết buồn nhất đời này thì tôi nhớ rõ lắm. Tôi nhớ tôi đã khóc rống, khóc thét như một đứa trẻ lạc bố mẹ. Khóc một lúc mệt thì ngừng, hết mệt lại khóc tiếp. Hình như tôi chưa bao giờ khóc như vậy.
Rồi dần dần, chúng tôi cũng phải tiếp tục sống. Tết đến, chúng tôi tụm năm, tụm bảy với nhau, chia nhau vài cái bánh quà nhà gửi sang, chứ thực phẩm Á Đông, bên này thuở ấy làm gì có bán ?


Ngoài ra hội sinh-viên Việt-Nam cũng tổ-chức văn-nghệ Tết, tôi cũng tham gia, tập hát, tập diễn kịch cho vui. Phải công nhận cơ-hội này cũng giúp chúng tôi đỡ buồn, đỡ tủi thân lắm.
Tôi còn nhớ năm tôi ra làm hội-trưởng, hôm Tết, tôi phải bước ra sân-khấu đọc diễn-văn trước cả nghìn người, có cả ông bà Đại-sứ và ông bà Thị-trưởng ngồi hàng đầu, hai chân, hai tay tôi run như mắc bệnh Parkinson, tôi phải cố gắng đọc nhanh nhanh cho hết. Thôi, cũng là kỷ-niệm Tết.

Tết tỵ-nạn
Sau tháng Tư năm ấy, đồng bào Việt-Nam sang đông đảo khắp nơi, già trẻ, lớn bé, và hội sinh-viên cũng biến thành hội người Việt hải-ngoại. Tết cộng-đồng bắt đầu giống Tết hơn tí xíu, thực-phẩm và đồ trang hoàng Tết cũng bắt đầu nhiều hơn, nhất là tại các nơi đông Việt-Nam như Cali, Houston, …
Ngoài ra, lúc đó, chúng tôi cũng bắt đầu ra trường, đi làm, cưới vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái, bắt đầu bon chen với đời và cũng ít đi thời gian để nhớ, để tiếc. 
Giờ đây, cuộc sống đã tạm ổn-định thì ở mỗi nơi, chúng ta cũng vẫn cố gắng sống nốt và chia sẻ những gì còn là văn-hoá chúng ta. Tết đến cũng có chợ Tết, có Tết cộng-động, có múa lân, đốt pháo, có lì xì cho con trẻ. Mỗi lần đi chơi Tết với cộng đồng, nhìn các bà, các cô diện áo dài, các ông, các anh vét-tông, com-lê, các cháu thì ăn mặc tươm tất, vui chơi cùng nhau, tôi cũng cảm thấy ấm lòng. Gia-đình, bạn bè, cộng-đồng những lúc này thật là quí hoá.

Tết người, Tết ta
Lâu quá rồi, tôi đã quên hết ý-nghĩa ngày Tết nên năm ngoái, tôi đã phải sưu-tầm lại trong bài viết Tết Tây, Tết ta ( http://phu-tran.blogspot.com/2014/01/tet-tay-tet-ta.html) để tìm lại văn hoá, phong-tục nước mình, tìm lại nguồn-gốc của chính mình.
Tết nơi xứ người thì có hương vị gì? Vài hộp bánh mứt vô-vị bán ngoài chợ Tàu, cái bánh chưng nhạt nhẽo, nắm hạt dưa đã phai màu đâu có như thuở nào?
Tết nơi xứ người thì có gì là không khí Tết khi ra đường, vào "Mo" (mall) chả thấy có gì là Tết cả. Người "bản xứ" qua đường có mấy ai biết Tết là "the heck" gì đâu?
Và ngược lại, lễ Giáng Sinh hay Tết Tây còn có ý nghĩa chứ Halloween đối với chúng ta là gì ngoài chuyện trẻ con đi xin kẹo? Thanksgiving là gì ngoài cơ-hội để gia-đình gặp nhau? Sống tạm, ở nhờ thì vậy thôi, phải không?
Cho nên tôi rất hiểu Việt-kiều mình về Việt-Nam hay ít ra đi Cali ăn Tết để còn được hưởng chút hương vị ngày xưa.
Ta về ta ăn Tết ta, ...

Tết tha hương?
Trên phương-diện này, tôi đã mất mát nhiều lắm nhưng đây cũng là lựa chọn của tôi và tôi chấp nhận. Được cái này, mất cái kia là lẽ thường của lựa chọn, phải không?
Nhưng xét cho cùng, tôi có thật sự tha hương không khi quê-hương tôi lúc nào cũng trong tâm, trong tim, trong gan, trong máu tôi?Tôi có tha hương không khi mỗi tháng, tôi còn được viết tiếng Việt, hát tiếng Việt, được trở về với văn hoá mình qua những bài đăng để chia sẻ với những đồng hương?
Nhưng thôi, tôi lại lý-sự cùn rồi.

Thân chúc tất cả các bạn vui hưởng một mùa Tết yên vui, ở quê nhà cũng như ở quê người.

Yên Hà, tháng giêng, 2015




Nhạc cổ-truyền Việt-Nam (2/2) : Nhạc sân khấu

1. Nhạc nghi-lễ
2. Nhạc thính phòng

3. Nhạc sân khấu

3.1 Hát xẩm
Trong bài hát "Thằng Cuội", có hai câu:
"... Các con dế mèn suốt trong đêm khuya
Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ..."

Xẩm là một loại hình dân ca phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. 
"Xẩm" cũng còn được dùng để gọi những người hát xẩm - thường là người khiếm thị - đi hát rong kiếm sống và do đó hát xẩm còn có thể coi là một nghề. 

Bộ nhạc cụ đơn giản nhất để hát xẩm chỉ gồm đàn nhị (đàn hai giây) và sênh (nhạc cụ gõ để đệm nhịp). Nhóm hát xẩm có thể dùng thêm đàn bầu, trống mảnh  phách bàn. 
Để thay cho đàn nhị truyền thống, có thể dùng đàn gáo, loại đàn được phát triển từ đàn nhị nhưng to và dài hơn, thích hợp khi đệm cho giọng trầm. 
Sênh dùng đệm nhịp cho hát xẩm có thể là sênh sứa (gồm hai thanh tre hoặc gỗ) hoặc sênh tiền (có gắn thêm những đồng tiền kim loại để tạo âm thanh xúc xắc). 
Ngoài ra, đàn đáy, trống cơm, sáo  thanh la cũng có thể hiện diện trong hát xẩm.

Xẩm có hai làn điệu chính là xẩm chợ  xẩm cô đầu
Hát xẩm chợ, điệu hát mạnh, những tiếng đệm, tiếng đưa hơi đều hát nổi tiếng bằng lời hát chính và đệm đàn bầu hay nhị với sênh phách; còn hát xẩm cô đầu thì điệu hát dịu dàng hơn, những tiếng đệm và tiếng đưa hơi lẫn vào lời chính, cốt giúp cho có nhiều dư âm và bắt khúc được dễ dàng. 

Xẩm tàu điện của người Hà Thành
Thế kỷ XX, phương tiện đi lại ở Hà Nội chủ yếu là xe tay kéo và tàu điện. Nơi đây đã sản sinh ra một nhánh trong loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo của dân tộc, đó là xẩm tàu điện. 
Mặc dù xẩm có nhiều loại nhưng xẩm tàu điện thì chắc chắn chỉ Hà Nội mới có. Nếu ca trù, hát cô đầu là “đặc trưng” của phố Khâm Thiên, thì hát xẩm là đặc trưng của chợ Đồng Xuân và phố cổ. 
Xẩm tàu điện khác với xẩm chợ, xẩm lễ hội là luôn phải chuyển tàu, chuyển toa tìm khách mới nên các đoạn hát thường ngắn gọn, luôn thay đổi nội dung nếu không khách sẽ chán vì phải nghe đi, nghe lại, nhất là các khách thường ngày đi tàu.

Cho đến tháng 2 năm 2013, tỉnh Ninh Bình với nghệ nhân Hà Thị Cầu (1928-2013) được coi là người hát xẩm cuối cùng của thế-kỷ. 

Xin mời các bạn nghe:

3.2 Hát chèo
Chèo là một loại hình nghệ-thuật sân-khấu dân-gian Việt-Nam. Chèo phát triển mạnh ở phía bắc Việt Nam mà trọng tâm là vùng đồng-bằng Bắc-Bộ. 
Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân-tộc. Chèo mang tính quần chúng và được coi là một loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Nếu sân khấu truyền thống Trung-Quốc có đại diện tiêu biểu là Kinh kịch của Bắc Kinh và sân khấu Nhật Bản là kịch Nô thì đại diện tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam là chèo.

Chèo bắt nguồn từ âm-nhạc và múa dân gian, nhất là trò nhại từ thế-kỷ 10. 
Qua thời gian, người Việt đã phát triển các tích truyện ngắn của chèo dựa trên các trò nhại này thành các vở diễn trọn vẹn dài hơn. Sự phát triển của chèo có một mốc quan trọng là thời điểm một binh sỹ quân đội Mông-Cổ đã bị bắt ở Việt nam vào thế-kỷ 14. Binh sỹ này vốn là một diễn viên nên đã đưa nghệ thuật Kinh kịch của Trung Quốc vào Việt Nam. Trước kia chèo chỉ có phần nói và ngâm các bài dân ca, nhưng do ảnh hưởng của nghệ thuật do người lính bị bắt mang tới, chèo có thêm phần hát.

Không giống Tuồng chỉ ca tụng hành động anh hùng của các giới quyền quý, Chèo còn miêu tả cuộc sống bình dị của người dân nông thôn. Nội dung của các vở chèo lấy từ những truyện cổ-tích, truyện Nôm. 
Đây là loại hình nghệ thuật tổng hợp các yếu tố dân ca, dân vũ và các loại-hình nghệ-thuật dân-gian khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nó là hình thức kể chuyện, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng, và có thể được biểu diễn ngẫu hứng. 

Xin mời các bạn nghe/xem một vài vở chèo tiêu biểu: 
Lưu Bình Dương Lễ   https://www.youtube.com/watch?v=ighSltPj9yU
Quan Âm Thị Kính   https://www.youtube.com/watch?v=5yl5dlS0-dU... 

3.3 Hát tuồng
Tuồng, tức hát bộ, còn gọi là hát bội hay luông tuồng là một loại văn nghệ trình diễn cổ truyền ở Việt-Nam.
Ở miền Trung trở ra gọi Tuồng do chữ "Liên Trường" là kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn. Từ "liên trường" do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng".
"Bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn. Vì vậy mới gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ". 
Gọi là "hát bội" bởi trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướn, lông công, lông trĩ... lên người. 

Theo truyền-thuyết, Hát tuồng đã du nhập từ Trung-Hoa vào nước ta từ đời vua Lê Long Đĩnh và sau đó thời Hưng Đạo Đại Vương. Tuy nhiên người đầu tiên đặt nền móng cho nghệ thuật tuồng Việt Nam là Đào Duy Từ (1572-1634).

Những trường phái lớn trong hát bội là: Tuồng cung-đình Huế, Tuồng Quảng Nam, Tuồng Bình Định, Tuồng Gia-Định và Tuồng Bắc. (Hát bội xuất phát từ miền Trung nên xin tạm ghi trong phần này.)

Lối diễn xuất thường được khuếch đại hơn sự thật ngoài đời để khán giả dễ cảm nhận. Các động tác càng nhỏ càng nhanh, khi lên sân khấu càng cần tăng cường điệu thì khán giả mới kịp nhận thấy. Kiểu cách đi đứng còn dùng để biểu lộ cái "tâm" của nhân vật thiện, ác. Thậm chí lên ngựa, xuống ngựa còn phân biệt Bộ của trung tướng khác bộ dạng nịnh thần. Mọi động tác đã thành thông lệ hay ước lệ.Theo Việt Nam tân từ điển : Đây là lối hát theo tích tuồng xưa mà mỗi vai tuồng đều hóa trang theo một lối đặc biệt riêng của tinh thần vai tuồng đó trong khuôn khổ, mẫu mực của mỗi vai trung, nịnh, vua, tôi và diễn tả hoàn toàn bằng điệu bộ riêng của mỗi vai khi lên ngựa, lúc qua hào, lúc làm vua, khi làm giặc...

Điệu hát quan trọng nhất trong hát bội là "nói lối", tức là nói một lúc rồi hát, thường để mở đầu cho các khúc hát khác. "Nói lối" có hai giọng chính là "Xuân" và "Ai". 
"Xuân" là giọng hát vui tươi, còn "Ai" là bi thương, ảo não.

Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến (loại trống nhỏ), đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo.

Vở tuồng tức bài tuồng là một thể văn riêng trong văn-học ta. Lối trình bày tuồng dùng nhiều thể văn học như Đường Thi, phú, song thất lục bát và lục bát ghép với lễ nhạc và một số điệu múa. Lời văn thì nhiều khi có vần và có đối.
Tuồng tích trong vở diễn của hát bộ thường là các cổ tích, kịch bản phóng tác từ kinh điển truyện cổ Trung Hoa như Tam Quốc Chí, Vạn Hoa Lầu, Ngũ Hổ Bình Tây... Tuồng tích đã sẵn trong sách nên người xem phần lớn đều biết rành kịch tình và đến rạp chỉ xem kịch tính của các nghệ sĩ và đạo diễn mà thôi. 

Xin mời các bạn xem/nghe  "Phàn Lê Huê phá Ngũ long trận"

3.4 Cải lương
Cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam Việt-Nam, hình thành trên cơ sở dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long và nhạc tế lễ.
Giải thích chữ "cải lương" (改良) theo nghĩa Hán-Việt, giáo sư Trần Văn Khê cho rằng: "Cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn", thể hiện qua sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, dàn nhạc và bài bản." 
Sau khi cải lương thì nghệ thuật Cải Lương đã khác hẳn với nghệ thuật hát bội cả về nội dung và hình thức.
Năm 1920, gánh Tân Thinh có 2 câu đối treo trước sân khấu :
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh

Khởi đầu, Các tài tử còn ca các bài cũ kiểu "độc thoại " và chưa có ra bộ tịch gì hết. Bắt đầu năm 1916, loại ca đối thoại xuất hiện, nhiều người hát chung, và gọi đó là "Ca ra bộ" (vừa ca vừa ra bộ). Bài hát điển hình nhất là bài "Tứ đại oán " (Bùi Kiện thi rớt ) phát khởi từ Vũng Liêm (Vĩnh Long) tại nhà thầy Phó Mười Hai.

Về thời gian ra đời, theo Vương Hồng Sển thì kể từ ngày 16 tháng 11 năm 1918, khi tuồng "Gia Long tẩu quốc" được công diễn tại Nhà Hát Tây Sài Gòn, cách hát mới lạ này mới "bành trướng không thôi, mở đầu cho nghề mới, lấy đờn ca và ca ra bộ ra chỉnh đốn, thêm thắt mãi, vừa canh tân, vừa cải cách... nên cải lương hình thành lúc nào cũng không ai biết rõ..."

Tại miền Nam, thập-niên 60 là thập niên hưng thịnh nhất của cải lương miền Nam, lấn át cả tân nhạc.
Các sân khấu cải lương được đông khán giả đến xem hàng ngày, nên ngày nào cũng có diễn xuất, nhờ đó, các soạn giả và nghệ sĩ có cuộc sống khá sung túc, và một số ca sĩ tân nhạc phải tìm cách chuyển nghề sang hát cải lương để tìm kiếm thành công như Hùng Cường.

Trong những giải thưởng của ngành Cải lương thời đó, nổi tiếng và uy tín có giải Thanh Tâm, do ông ký giả Thanh Tâm (tên thật là Trần Tấn Quốc) thành lập, hoạt động từ năm 1958 đến năm 1968, mà người nhận giải đầu tiên là nữ nghệ sĩ Thanh Nga. 
Những soạn giả tuồng nồi tiếng trong thời này có Năm Châu, Hà Triều, Hoa Phượng, Bảy Cao, Thiếu Linh, Thu An, Viễn Châu (sáng tạo hình thức Tân-cổ giao-duyên, tức là hát cải lương chung với tân nhạc). 
Những gánh hát cải lương nổi tiếng thời này có đoàn Thanh Minh, Thống Nhứt, Tiếng Chuông Vàng,... với những nghệ sĩ như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Dũng Thanh Lâm, Minh Cảnh, Minh Vương, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Lệ Thuỷ, Mỹ Châu, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ, Thanh Thanh Hoa, v.v...

Bố-cục
Khởi sự, các vở cải lương viết về các tích xưa, như Trảm Trịnh Ân, Vợ Ngũ Vân Thiệu bị tên, Cao Lũng vít thiết xa, Ngưu Cao tảo mộ, Thoại Khanh Châu Tuấn... hãy còn giữ mang hơi hướm theo kiểu hát bội, do các soạn giả lớp cải lương đầu tiên vốn là soạn giả của sân khấu hát bội.
Sau này, các vở về đề tài xã hội mới (gọi là tuồng xã hội), như Tội của ai, Khúc oan vô lượng, Tứ đổ tường... thì hoàn toàn theo cách bố cục của kịch nói, nghĩa là vở kịch được phân thành hồi, màn, lớp, có mở màn, hạ màn, theo sự tiến triển của hành động kịch. 
Càng về sau thì bố cục của các vở cải lương, kể cả các vở viết về đề tài xưa cũng theo kiểu bố cục của kịch nói.

Đề tài và cốt truyện
Buổi đầu, kịch bản cải lương lấy cốt truyện của các truyện thơ Nôm như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, ... hoặc các vở tuồng hát bội, hoặc phỏng theo truyện phim và kịch bản Pháp, như Giá trị và danh dự (Le Cid), Tơ vương đến thác (La dame au camélias)...
Vào những năm 1930, đã xuất hiện những vở mới, viết về đề tài xã hội Việt Nam.
Sau đó, lại có thêm các kịch bản dựa vào các truyện cổ Ấn-Độ, Ai-Cập, La Mã, Nhật bản, ...
Thế là cải lương có đủ loại tuồng ta, tuồng Tàu, tuồng Tây..., sau có thêm dạng tuồng kiếm hiệp, tuồng Hồ Quảng v.v...chứng tỏ khả năng phong phú, biết đáp ứng sở thích của nhiều tầng lớp công chúng.

Ca nhạc
Các loại hình sân khấu như hát bội, chèo, cải lương được gọi là ca kịch. Là ca kịch chứ không phải là nhạc kịch, vì soạn giả không sáng tác nhạc mà chỉ soạn lời ca theo các bản nhạc có sẵn, cốt sao cho phù hợp với các diễn biến cùng sắc thái tình cảm của câu chuyện.

Dàn nhạc
Dàn nhạc Cải Lương có một vai trò đặc biệt trong tuồng diễn, đến nỗi, không có dàn nhạc thì không thể thành một tuồng diễn. Dàn nhạc trong Cải Lương không chỉ có nhiệm vụ nâng đỡ, phụ hoạ cho giọng hát, mà còn tô điểm thêm cho từng giai điệu để làm nổi bật chiều sâu tâm lý của nhân vật, tạo thêm kịch tính cho kịch bản, góp phần cho sự thành công của tuồng diễn.
Có một điều đặc biệt cần chú ý là ngay từ buổi đầu, lúc mới khai sinh, trong nghệ thuật Cải Lương đã có sự tồn tại song song của hai dàn nhạc: dàn nhạc cổ và dàn nhạc tân. 
Dàn nhạc cổ luôn giữ vai trò chủ chốt và là linh hồn của tuồng Cải Lương. Dàn nhạc cổ cũng mang đậm nét truyền thống và góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc trong nghệ thuật âm nhạc Cải Lương. Dàn nhạc cổ thường sử dụng những nhạc cụ như: đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn sến, sáo trúc...
Dàn nhạc tân trong tuy chỉ đóng vai phụ, nhưng cũng rất tích cực, đồng thời cũng rất đa dạng về nhạc cụ. 

Diễn xuất
Diễn viên cải lương diễn xuất như kịch nói, chỉ khác là diễn viên ca chứ không nói. Cử chỉ điệu bộ phù hợp theo lời ca, chứ không cường điệu như hát bội. 

Thân mời các bạn nghe-xem: 

Tình anh bán chiếu https://www.youtube.com/watch?v=ntPPYHOYli8

Vọng cổ
Vọng cổ, hay vọng cổ Bạc Liêu, là một điệu nhạc rất thịnh hành ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Việt Nam. Nó được bắt nguồn từ bài "Dạ cổ hoài lang" (nghe tiếng trống đêm, nhớ chồng) của nghệ sĩ Cao Văn Lầu (tức Sáu Lầu) sáng tác năm 1918. Bản vọng cổ là một trong những điệu nhạc căn bản của sân khấu cải lương.


Bài "Dạ cổ hoài lang" có 20 câu, hai nhóm đầu mỗi nhóm 6 câu, hai nhóm sau mỗi nhóm 4 câu. Mỗi câu trong bài có 2 nhịp, gọi là nhịp đôi.
Câu 2 nhịp, tuy nhiên, không thỏa mãn được nhu cầu của các nhà soạn nhạc. Bản nhạc (bản vọng cổ luôn gọi là "bản", không gọi là "bài") được tăng lên 4 nhịp, tức nhịp tư, trong khoảng thời gian 1927-1935. Sau đó tăng lên nhịp tám vào những năm 1936-1945, và cũng khoảng thời gian này được mang tên bản "Vọng cổ". Từ nhịp tám lên nhịp 16, 32, 64, 128,... Bản thông dụng nhất hiện nay là bản nhịp 32.

Tại miền Nam trước 1975 có trên 50 gánh hát lưu diễn quanh năm. Ngày nay số gánh hát vẫn tương đương và tiếp tục phát triển nghệ thuật cải lương ở Việt Nam, trong khi ở hải ngoại ngành cải lương không còn thu hút khán giả nữa, và các nghệ sĩ cải lương tỵ nạn đã phải tìm một nghề khác để mưu sinh.

Thân mời các bạn nghe-xem: 

Dạ cổ hoài lang (Hương Lan)  https://www.youtube.com/watch?v=oC_dAbMWBeg
Xuân này con không về  https://www.youtube.com/watch?v=-gjA5jYWx-0


3.5 Tân cổ giao-duyên
Tân cổ giao duyên là hình thức nghệ thuật sáng tạo kết hợp độc đáo giữa cổ nhạc và tân nhạc phát triển cực thịnh vào những năm 1960, 1970. Ở đây, bài ca 6 câu vọng cổ được cắt bớt đi 2 hoặc 3 câu để xen vào đó một đoạn “Tân nhạc".
Hầu hết các tài liệu nghiên cứu và cả những ghi nhận của giới chuyên môn, những nhân chứng sống của âm nhạc và sân khấu cải lương miền Nam đều công nhận soạn giả - NSND Viễn Châu chính là cha đẻ của “tân cổ giao duyên”. Ông còn được biết đến trong vai trò nhạc sư, danh cầm đàn tranh với ngón đờn tuyệt hảo và là một trong năm danh cầm xuất chúng xuất thân từ đờn ca tài tử Nam Bộ với một tên gọi khác là nhạc sĩ Bảy Bá. 

Thân mời các bạn nghe:

Lan và Điệp (Ngọc Huyền và Phương Vũ)
https://www.youtube.com/watch?v=WkKgPQUbSdE

Tuyển-tập https://www.youtube.com/watch?v=DPLCJLyCBWU


4. Kết-luận
Làm một vòng các thể-loại nhạc cổ-truyền (cổ-nhạc) của dân-tộc, tôi mới thấy nền âm-nhạc mình phong phú như thế nào và tôi cảm thấy thật hãnh-diện với nền văn-hoá âm-nhạc trên bốn ngàn năm văn hoá của mình.

Chỉ tiếc là "Có mới, nới cũ", chúng ta mỗi ngày, mỗi thế-hệ, chạy theo "đời mới" và bỏ quên đi mất văn-hoá của mình.
Đối với người Việt tha-hương chúng ta, hiểu được nhạc mình, biết qua nhạc người, dung hòa hai nền nhạc Âu và Việt để đừng bị mất gốc, mất rễ và có thể dạy dỗ con cháu thuộc thế hệ sau. Tự hào nhạc Việt, cũng như tự hào tiếng nói Việt, văn hóa Việt là nung nấu chí khí quật cường bất khuất của dân tộc Việt, là nuôi dưỡng tình yêu quê hương, tình thương dân tộc để xứng đáng là con cháu dòng dõi Lạc Hồng. (Trần Quang Hải)

Riêng tôi đã bắt đầu viết loạt bài sưu-tầm "Tiếng nước tôi", ghé qua nhạc cổ-truyền, tìm hiểu về phong tục Tết Tây, Tết ta, ... không ngoài hoài bão này.
Và chia sẻ hoài bão này với các bạn đọc trên những trang này là mong ước sao:
"Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn". (Phạm Quỳnh)
"Văn hoá ta còn, nước ta còn" trong tâm can ta.

Yên Hà, tháng 2, 2015

Tài-liệu nguồn:
Chèo, Wikipedia  

Xẩm, Wikipedia

Xẩm tàu điện của người Hà Thành 

Hát tuồng 

Cải lương (Wikipedia)

Trần Quang Hải : Một Vài Vấn Đề Về Nhạc Cổ Truyền Việt Nam