ARTSHARE

Nov 17, 2014

Tản mạn cuối năm 2014 (Ngô Thuỵ Miên)

1. Tản mạn chuyện 3 bài hát
Sau đêm nhạc "Tình Ca Ngô Thụy Miên - Một Lần Là Mãi Mãi" được tổ chức tại thành phố St Paul, Minesota, tôi đã gặp một vị khán giả còn trẻ, và anh đã có một câu hỏi cho tôi. Một câu hỏi mà tôi không ngờ đến từ một người còn khá trẻ tuổi như anh. 
"Trong 3 bài hát nhạc sĩ phổ từ thơ của thi sĩ Nguyên Sa tại Sài Gòn, Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không EmTuổi 13, bài nào nhạc sĩ phổ dễ dàng và hài lòng nhất về cả lời thơ lẫn ý nhạc?".
Vì phải lên xe ngay với ban tổ chức, tôi đã vội trả lời "Paris Có Gì Lạ Không Em", mà không kịp nói rõ hơn với người bạn trẻ hôm đó. Dù đã qua lâu, mong rằng hôm nay có câu trả lời ngắn, gọn cho bạn, nếu bạn có dịp đọc tới nhé.

Tháng 4 năm 1998, trong bài viết "Nguyên Sa và tình ca Ngô Thụy Miên", tôi đã viết một chút về việc phổ 3 bài thơ của thi sĩ Nguyên Sa:

Áo Lụa Hà Đông
Cá nhân tôi khi đọc bài thơ, đã chú ý ngay 4 câu: 
    Em chợt đến, chợt đi anh vẫn biết 
    Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu 
    Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau 
    Ðể anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại.
Lời thơ man mác buồn, đã vỗ về, chia xẻ tâm tư tôi ngày tháng đó. Lang thang Sàigòn một ngày nắng nhẹ, giòng nhạc lan man trong đầu óc: Rê Ðô Rê, Sol Sib Sib Rê Rê, Sol Sol La, Sol Sib Rê Rê La…, tôi đã hoàn tất phần điệp khúc được viết theo cung Rê thứ để thích hợp với hồn thơ. 
Sau đó tôi mới tìm ý nhạc cho phần đầu và cuối của bản nhạc. Đây không phải là cách thông thường phổ nhạc vào thơ, và tôi đã thử phổ phần đầu theo cung trưởng, nhưng không thành công. Cuối cùng bài hát được hoàn toàn viết theo âm giai Rê thứ.

Paris Có Gì Lạ Không Em
Những năm 60, 70, bọn trẻ chúng tôi dù trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, có ai không mơ một ngày được đặt chân đến Paris, được cùng người yêu dạo chơi phố phường Paris, hay lang thang bên bờ sông Seine nhớ đến một cuộc tình? Paris như một lời kêu gọi, một nơi chốn tìm về cõi tình yêu. Từ những mộng ước đó, bản nhạc thứ hai tôi phổ từ thơ Nguyên Sa đã thành hình.
Có những bài thơ khi muốn phổ nhạc, người nhạc sĩ phải tìm điệu nhạc để chuyên chở ý thơ, hoặc phải thay đổi lời thơ để nhập vào ý nhạc. Riêng "Paris Có Gì Lạ Không Em" khi đọc lên, tôi đã nghe phảng phất tiếng phong cầm rộn rã của nhịp 3 luân vũ. Trên phím dương cầm, giòng nhạc dồn dập, chạy dài trên 10 đầu ngón tay, tôi đã hoàn tất phổ bài thơ trong một ngày đầu xuân năm 1971. Cung Ðô trưởng mở đầu nhịp nhàng:
    Paris có gì lạ không em 
    Mai anh về, em có còn ngoan.

Tôi thích nhất câu Là áo sương mù hay áo em
từ cung Ðô trưởng đổi chuyển qua La thứ để vào phần điệp khúc:
    Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay 
    Tóc em anh sẽ gọi là mây.

Khi hát bài này lần đầu tiên, Hoàng Phúc, bạn tôi, đã nói bài này phải để chị Thái Thanh hát mới được. Ðúng như lời Phúc nói, sau này chị Thái Thanh đã thu bài này trong cuốn băng Tình ca Ngô Thụy Miên phát hành ở Sài Gòn.

Còn gì hạnh phúc hay sung sướng hơn khi mình bắt được cái ý thơ, nắm được cái tình thơ, để dòng nhạc cuồn cuộn chẩy dài trong trí tưởng, qua những ngón tay trên phím đàn? Bài hát được viết đúng với tâm ý của tôi. Bắt đầu với cung Đô trưởng, và phần điệp khúc được chuyển qua La thứ cho những lời yêu thương, gắn bó, nhắn nhủ của nhà thơ đến với người tình.

Tuổi 13
Sau Áo Lụa Hà ÐôngParis Có Gì Lạ Không Em, tôi đã phổ tiếp Tuổi 13.
Cũng như "Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát Bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông", "Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc, Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường" là 2 câu thơ được bọn trẻ chúng tôi thuộc nằm lòng ngày đó. Tôi yêu cái ý thơ hồn nhiên, lời thơ trong sáng. Ðọc bài thơ thấy hồn lâng lâng, như đang nhớ nhung, hẹn hò, đang đợi chờ, mơ ước.
Hai câu thơ này và 2 câu tiếp của bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người theo ý tôi phổ thơ độc đáo và hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam, dùng trong bài hát rất nổi tiếng Mầu Kỷ Niệm của ông viết trong thập niên 60. Ông viết Mầu Kỷ Niệm theo âm giai thứ và chuyển qua cung trưởng trước khi chấm dứt bài hát. Bài Tuổi 13, tôi dùng âm giai trưởng để diễn tả cái nhí nhảnh, non trẻ, dại khờ nhưng dễ thương của cô bé tuổi 13 của nhà thơ.

Tôi luôn mơ về Paris của thi sĩ Nguyên Sa, luôn yêu cái nét nhạc trong sáng, dịu dàng, gợi cảm trên nền nhạc âm giai trưởng. Như vậy bài Paris Có Gì Lạ Không Em đã là bài có lời thơ, ý nhạc tôi yêu thích nhất đấy, người bạn trẻ.

2. Tản mạn chuyện trưởng thứ
Là một người viết tình ca, trưởng thành qua hai dòng nhạc cổ điển Tây Phương và tình ca Việt Nam. Ngay từ những ngày tháng đầu tiên sáng tác, tôi đã tự tin là mình sẽ có thể tránh được những ảnh hưởng của hai dòng nhạc này và tạo cho mình một nét nhạc riêng, một hướng đi mới. Nhưng nói thì dễ, làm rất khó, vì qua bao năm tháng học, đàn, nghe những nét nhạc, lời ca này đã thấm sâu vào tâm hồn, vào trí tưởng. Và như thế đó, các ca khúc đầu tay dưới bút hiệu Đông Quân của tôi đều mang đậm dấu ấn của hai dòng nhạc này.
Bài đầu tiên Người Tình Mắt Xanh mang nhiều nét nhạc cổ điển, cầu kỳ với những nốt, quãng khó hát, thích hợp cho dàn nhạc hoà tấu hơn là ca khúc, và bài thứ hai, Bến Thương nghe đầy âm hưởng Tiền Chiến, với những lời ca ướt át mộng mơ, chia ly, nhung nhớ một thời.

Một chiều chia ly bến thương lộng giổ
Nhìn người ra đi tóc vương mầu nhớ
Tình yêu dâng kín mắt biếc mong chờ
Chờ người bến thương thương nhớ từ đây.

Ngày mai khi mộng mơ đến người
Khi tình yêu nhắn lời xin gió gửi dùm gió ơi
Mộng ước ngày đó chúng mình chung đôi
Thành phố thôi mầu chia phôi
Ái ân ta cùng chung vui.

Khi bắt đầu giới thiệu những tình khúc Ngô Thụy Miên  tại các trung tâm văn hoá, giảng đường đại học, nhóm bạn sinh hoạt chung và tôi đã quyết định cất bỏ những sáng tác này. Như vậy, Chiều Nay Không Có Em là bắt đầu cho một hướng đi mới, bắt đầu cho một cánh cửa âm nhạc mới mở ra đón khách tri âm từ bao năm tháng qua.

Một ý kiến khá phổ biến của người nghe là nhạc tình chúng ta là những chuỗi nốt nhạc buồn lê thê với những ca từ bi lụy, sầu thảm của những cuộc tình buồn. Một ca khúc hay, thành công và trở thành top hit thường được viết bằng âm giai thứ dễ nghe, với lời ca dễ hiểu, dễ hát.
Với tôi, khi bắt đầu viết nhạc, tôi không cho là thế vì dòng nhạc Đoàn Chuẩn đã đến với tôi và xoá tan đi những định kiến nói trên. Những Tình Nghệ Sĩ, Lá Thư, Chuyển Bến, Thu Quyến Rũ, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Đường Về Việt Bắc, Tà Áo Xanh,... đã chẳng là những bài tình ca bất tử theo năm tháng nổi trôi của vận mệnh đất nước? Những ca khúc này đã chẳng được người nhạc sĩ tài hoa Đoàn Chuẩn đan trải những nốt nhạc, những thang bậc tuyệt vời theo âm giai trưởng?
Nhưng cũng không thể phủ nhận một điều là rất nhiều, rất nhiều ca khúc được thính giả yêu thích trải dài qua hơn 70 năm tân nhạc Việt Nam đã được viết theo âm giai thứ. Và hai ca khúc Nhạc Sầu Tương Tư của nhạc sĩ Hoàng Trọng, cũng như Buồn Tàn Thu của nhạc sĩ Văn Cao đã ẩn hiện mãi mãi trong trái tim tôi kể từ khi bắt đầu biết yêu thương và nhung nhớ, cũng được viết theo âm giai thứ.

Trong một cuộc nói chuyện gần đây, tôi có nhắc lại một vài ý kiến riêng của mình về hai nhạc sĩ đầu đàn, Văn Cao và Đoàn Chuẩn & Từ Linh:
"Nếu Văn Cao là người nhạc sĩ tôi quí trọng nhất, không phải chỉ về những đóng góp của ông vào vườn hoa âm nhạc Việt Nam, mà còn về tác phong, đời sống cá nhân ông, thì Ðoàn Chuẩn là người tôi yêu thích nhất với những tình khúc bất hủ, và những đóng góp lớn lao của ông vào việc tạo dựng một dòng nhạc tình tự, lãng mạn nhất của nền tân nhạc Việt Nam chúng ta. Qua Ðoàn Chuẩn, tôi đã yêu mùa thu, đã sáng tác nhiều nhạc phẩm về mùa thu, và vẫn mơ một ngày nào đó sẽ có dịp trở về thăm mùa Thu của ông. Trong cuộc đời sinh hoạt văn nghệ của tôi, có lẽ điều đáng tiếc nhất vẫn là không có dịp, đúng hơn là không còn dịp được gặp gỡ hai ông, để được ngỏ đôi lời cám ơn đến hai người mà tôi nghĩ là đã mở cánh cửa âm nhạc cho cá nhân tôi, và cho nhiều người sáng tác khác sau này nữa."
Tôi yêu dòng nhạc trong sáng, nhẹ nhàng, hài hoà với những lời ca sang trọng, tuyệt đẹp diễn tả chuyện tình mùa thu bên trời của Đoàn Chuẩn & Từ Linh. Tôi nghĩ trong vườn hoa âm nhạc Việt Nam, không có một nhạc sĩ nào viết đều tay với những sáng tác để đời như hai ông.

Rồi có một lần được phỏng vấn, tôi đã nói:
"Tôi vẫn nghĩ thời gian ở quê hương (trước 75) với những thân yêu quanh mình, với những lụa là, mưa nắng Sàigòn, những quán hàng, con đường quen thuộc từng dấu chân, từng buổi sáng, buổi chiều,… đã cho tôi những cảm xúc để viết lên những tình khúc với ý nhạc nhẹ nhàng, trong sáng, những lời ca dịu dàng, đầy thơ tính. Còn bây giờ, ở đây, người ta thật vội vàng, xa lạ, bận rộn. Những thành phố, nhà cửa thật huy hoàng, thật to lớn, nhưng cũng thật lạnh lẽo, cô đơn. Ngày tháng bên này đã để lại trong tôi những nét nhạc muộn phiền, ghi lại những lời ca mệt mỏi, buồn bã của cuộc sống tạm dung, của một phần đời tỵ nạn."

Vâng, hãy nghe lại một vài tình khúc tôi viết trước 75. Bắt đầu là Chiều Nay Không Có Em, rồi thì Mùa Thu Cho Em, Niệm Khúc Cuối, hai trong số những ca khúc tôi yêu thích nhất - Từ Giọng Hát Em, Mắt Biếc - đều được viết theo âm giai trưởng. Và ngay tình khúc duy nhất tôi viết ở Sài Gòn sau 75, Em Còn Nhớ Mùa Xuân, cũng được viết theo tông trưởng. 
Năm 1980, tình khúc đầu tiên tôi viết ở hải ngoại là Bản Tình Ca Cho Em, rồi một thời gian sau là Riêng Một Góc Trời, Một Đời Quên Lãng, Nỗi Đau Muộn Màng, Biết Bao Giờ Trở Lại,... đều được viết theo âm giai thứ! 

Vậy có phải tùy theo thời gian, không gian, và cõi lòng, người nhạc sĩ đã dùng tim óc để viết, để chia sẻ tâm tình của mình với người nghe? Như vậy trưởng-thứ có gì là̀ quan trọng? Sự thành công của một ca khúc chính là sự tồn tại của ca khúc đó sau những năm tháng, những thử thách của đời sống, và khi hát lên đã gợi nhớ được một hình ảnh, kỷ niệm, hay dấu tích của một thời, hay đã mở ra được một cánh cửa mới, một khung trời riêng cho người thưởng ngoạn.
3. Tản mạn chuyện Tóc Xưa
Hình như ở tuổi 60-70, người ta thường hay nhắc đến, hoặc dùng chữ "Xưa" như mắt xưa, áo xưa, dáng xưa, người xưa,... để kể lại một câu chuyện, để nhắc lại một ngày tháng nào? Có phải "Xưa" đó luôn là những kỷ niệm đẹp không hề phai tàn qua năm tháng, là những nỗi nhớ nhung chẳng hề quên lãng qua bao thăng trầm, đổi thay của cuộc sống?
Có lẽ trong trái tim của tất cả chúng ta , "Xưa" cũng chính là nỗi mất mát, niềm tuyệt vọng nào đó đã thoáng qua nhưng mãi ở lại vĩnh viễn trong ký ức sâu thẳm nhất của đời mình.
Trong tâm tình đó, xin chia xẻ với người nghe hai ca khúc được viết theo cung trưởng và thứ tôi đã phổ từ cùng một bài thơ của nhà thơ Dương Văn Thiệt bên trời Âu (bạn của một đồng môn Nguyễn Trãi Lê Văn Thu) Tóc Xưa với tiếng hát và đàn của nữ ca sĩ Thanh Tuyền cùng pps-video được thực hiện bởi Ngọc Phú, New Jersey USA.


Ngô Thụy Miên 10/2014

1 comment:

  1. Được đọc những chi tiết về những bài nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thật hay. Hy vọng nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sẽ cho những người yêu nhạc biết thêm những kỷ niệm, những nguồn hứng nào đã giúp nhạc sĩ viết những baì nhạc khác.

    Nhận định về Trưởng Thứ trong âm nhạc thật lý thú. Dù Trưởng hay Thứ, nhạc NTM đều nhẹ nhàng và trong sáng.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.