ARTSHARE

Feb 20, 2013

Tiếng nước tôi: Nguồn gốc và lịch-sử



Để mở đầu loạt bài này về ngôn-ngữ, chúng ta không thể không nói qua về nguồn-gốc và lịch-sử tiếng Việt mến yêu.
Tôi phải thú-nhận đây là bài viết tôi sợ nhất, vì bàn về một vấn-đề quan-trọng như vầy mà viết thiếu, viết sai, bóp méo sự-kiện thì thật là có tội đối với ông bà, tổ-tiên.
Tôi không có khả-năng và phương-tiện tham-khảo của một nhà khảo-cứu hay một học-giả, tôi chỉ dám thâu-lượm tài-liệu trên mạng, trích-lược sao cho dễ đọc, dễ hiểu, cho vừa đủ những gì cần biết hay thú vị.
Nhưng biết trước công-cuộc này không thể hoàn-hảo cho nên nếu có điều gì sơ-sót, xin bạn đọc chỉ-giáo hay rộng tình bỏ qua cho nhé.

Tóm lược
Trước hết, chúng ta phải phân-biệt “tiếng nói” và “chữ viết”.
Văn-tự là  chữ viết. Quốc-ngữ là loại chữ viết được dùng chung cho một nước.
Thuở xưa, từ thời vua Hùng Vương lập quốc Văn Lang, có lẽ nước ta chưa biết đặt ra chữ viết, cho nên lịch-sử đã không ghi nhận những dấu vết về chữ viết nguyên-thuỷ của Việt Nam. Mãi đến lúc Hán tộc phát-triển và cai-trị nước ta, các quan Thái Thú Trung Hoa khuyến-khích dân ta học chữ Hán (còn gọi là chữ Nho).

Đến khi nước Nam ta giành được quyền tự-chủ, không còn  lệ thuộc người Trung Hoa, các vua quan ta vẫn dùng chữ Nho làm văn-tự căn-bản, trong việc hành-chánh và thi-cử. 
Mặc dù chữ Nho học viết từ chữ của người Trung Hoa, nhưng dân ta có cách đọc phát-âm riêng biệt. Mãi về sau, tổ tiên ta, dần dần, dựa trên căn bản chữ Nho, mà biến-chế ra một loại văn-tự riêng biệt của nước Nam ta, được gọi là chữ Nôm.

Vào đầu thế kỷ 17, các nhà truyền-giáo Tây-phương đến Việt-Nam, và bắt đầu giới-thiệu đạo Thiên-Chúa cho dân ta. Để truyền-đạo hữu-hiệu, việc dùng chữ viết là một yếu-tố rất quan-trọng, trong việc tìm-hiểu phong-tục tập-quán của dân bản-xứ, cũng như việc phổ-biến tư-tưởng, giáo-lý kinh sách cho người học đạo. Lúc bấy giờ, các giáo-sĩ nhận thấy chữ Nho và chữ Nôm quá phức tạp để học, đối với đại chúng bình dân. Cho nên, một nhóm tu-sĩ dòng Tên (Jésuites), cùng với các thầy giảng người Việt-Nam đầu tiên, đã ra công nghiên-cứu, áp-dụng các mẫu-tự Latinh, mà ghi-chú cách phát âm tiếng Việt, để dùng trong cách giao-dịch hàng ngày.
Dần dần, qua nhiều năm sắp-xếp và thực-hành, các tu sĩ đã ghi chú được tất cả những tiếng nói của người Việt, dựa trên căn-bản  24 mẫu tự Latinh (A, B, C,...). Đến khi Cố Đắc Lộ Alexandre De Rhodes góp công hoàn-chỉnh  chữ quốc-ngữ, với đầy đủ các dấu trầm bổng như dấu sắc, huyền, hỏi, ngã và nặng. Từ đó, chữ quốc-ngữ được thêm phần hoàn-hảo.  Cho nên, Cố Đắc Lộ Alexandre De Rhodes đã được xem là người đại-diện trong việc sáng chế ra chữ quốc-ngữ Việt-Nam. Tác-phẩm của ông, Quyển tự-điển An Nam, Bồ Đào Nha, Latinh (Dictionarium Annamiticum, Lusitanum et Latinum), in tại Roma năm 1651, là nền-tảng cho chữ Quốc-ngữ ta.
Sau vài thế-kỷ, chữ quốc-ngữ đã được phổ-biến trong đại-chúng. Từ chính-quyền, giới thượng-lưu trí-thức đến mọi giai-tầng trong xã-hội, đều chính-thức công-nhận chữ quốc-ngữ là loại chữ thống-nhất của nước Việt-Nam ngày nay, dễ học, dễ viết cho mọi người, cũng như đối với người ngoại-quốc, vì chữ quốc-ngữ Việt-Nam có cùng mẫu-tự Latinh, giống như phần lớn các loại chữ của các nước trên thế-giới. 


(Âu Vĩnh Hiền – Trích từ Hồn Quê)


 Thời kỳ              Địa Vị              Tiếng Nói         Chữ Viết
111BC-939AD   Bắc thuộc          Tiếng Việt           Chữ Hán
939-1651           Lệ thuộc            Tiếng Việt          Chữ Hán, chữ Nôm,
1651-1861         Lệ thuộc Tàu     Tiếng Việt          Chữ Hán, chữ Nôm, chữ Việt Latinh 
1861-1945         Lệ thuộc Pháp   Tiếng Việt,         Chữ Hán, chữ Nôm, chữ Việt Latinh,
                                                 Tiếng Pháp        chữ Pháp
 1945 -                 Độc-lập           Tiếng Việt          Quốc Ngữ
(Nguyễn Hữu Vinh)

Chữ Hán
Từ thế-kỷ thứ 7 sau công-nguyên và cho đến khoảng thế-kỷ thứ 10, chữ Hán thâm-nhập vào hoạt-động văn-hóa, tinh-thần của người Việt nhờ vào một hoàn-cảnh đặc-biệt đó là sự truyền-bá đạo Phật. Có thể nói, vì do việc hấp-thụ giáo-lý đạo Phật nên việc học-tập chữ Hán trong giai-đoạn này là điều cần-thiết.
Từ đó, chữ Hán đã trở thành chữ viết chính-thức trong gần 1000 năm, kể từ năm 1075 sau khi vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Nho học đầu tiên, cho đến năm 1919 là năm mở khoa thi cuối cùng ở Huế. 
(Nguyễn Hữu Vinh, Chữ Nôm và tinh-thần dân-tộc)

Căn-cứ vào đặc-điểm cấu-trúc nội-tại của chữ Nôm, dựa vào cứ-liệu ngữ-âm lịch-sử tiếng Hán và tiếng Việt, so sánh đối-chiếu hệ-thống âm tiếng Hán và tiếng Hán-Việt, các học-giả đã đi tới kết-luận rằng âm Hán-Việt (âm của người Việt đọc chữ Hán) ngày nay bắt nguồn từ thời nhà Đường-nhà Tống (thế-kỷ 8-9).
(Wikipedia)

Chữ Nôm
Tuy các sĩ-phu học chữ Nho, thi chữ nho, viết văn chữ nho, nhưng đôi khi, do cái bản-tính thiên-nhiên, cũng nhớ đến tiếng Nam là thứ tiếng hàng ngày vẫn nói và vẫn nghe. Các bậc học-giả trong nước muốn làm thơ văn bằng tiếng Nam, vì không có chữ Việt, phải đặt ra một thứ chữ để viết tiếng, tức là chữ nôm là thứ chữ đã dùng để viết các tác-phẩm bằng Việt văn cho đến khi ta biết dùng chữ quốc-ngữ.

Chữ nôm là gì? Chữ nôm (Nam đọc trại) là thứ chữ hoặc dùng nguyên-hình chữ nho, hoặc lấy hai ba chữ nho ghép lại, để viết tiếng Nam. Chữ nôm đặt ra tự bao giờ và do ai đặt ra, đó là một vấn-đề chưa thể giải-quyết được. Nhiều người thấy sử chép: Hàn Thuyên là người bắt đầu biết làm thơ phú bằng quốc-âm, vội cho rằng chữ nôm cũng đặt ra từ đời ông, nghĩa là vào cuối thế kỷ thứ XIII về đời nhà Trần. Đó là một sự sai lầm, vì Sử chỉ ghi việc ông làm thơ phú bằng tiếng nôm, chứ không hề nói ông đã đặt ra chữ nôm, hoặc chữ nôm đã đặt ra về đời ông.
Ngoài ra, theo Sử chép, cuối thế kỷ thứ VIII (794) Phùng Hưng là người nước ta nổi lên đánh thắng quan đô hộ Tàu và giữ việc cai-trị trong ít lâu; sau ông được dân trong nước tôn là “Bố cái đại-vương. Hai chữ Bố cái là tiếng Nam thuần-tuý, nếu đã đem hai tiếng ấy mà đặt danh-hiệu cho một vị chúa-tể trong nước, thì có lẽ phải có chữ để viết hai tiếng ấy, mà chữ ấy tất là chữ nôm; vậy có lẽ chữ nôm đã có từ cuối thế kỷ thứ VIII rồi.
(Dương Quảng Hàm, Việt-Nam Văn-Học Sử-yếu)

Nhưng nếu âm Hán-Việt có từ thời Đường, Tống thì chữ Nôm không thể ra đời trước khi cố-định cách đọc Hán-Việt (nếu xét chữ Nôm với tư-cách hệ-thống văn-tự) và chỉ có thể ra đời sau khoảng thế-kỷ 10 khi người Việt thoát khỏi nghìn năm Bắc-thuộc với chiến-thắng của Ngô Quyền vào năm 938.
Bước sang thời-kỳ tự-chủ bắt đầu vào thế-kỷ 10, chữ Nôm được hoàn-chỉnh dần và mãi đến thế-kỷ 13-15 (thời-đại nhà Trần) mới bắt đầu trưởng thành và phát-triển trong văn-chương.   
Tuy nhiên, ngoài những năm ngắn ngủi của nhà Hồ (thế-kỷ thứ 15) và nhà Tây Sơn (thế-kỷ 18), những văn-bản hành-chính như sổ sách, công văn, giấy tờ, thư từ, khế ước, địa bạ v.v. chỉ đôi khi xen chữ Nôm nếu không thể tìm được một chữ Hán đồng nghĩa để chỉ các danh-từ riêng (như tên đất, tên làng, tên người), nhưng tổng-thể vẫn là văn-bản Hán Việt bởi quan niệm chung của giới sĩ đại-phu các triều-đại bấy giờ thì cho là "nôm na là cha mách qué".  
Sau khi Tây Sơn phá tan quân Thanh, Vua Quang Trung bắt đầu xây-dựng đất nước thì cho dùng ngay chữ Nôm làm thứ chữ chính-thức thay cho chữ Hán, toàn bộ các văn-kiện hành-chính bắt buộc phải viết bằng chữ Nôm trong 24 năm, từ 1788 đến 1802.
Nói cách khác, chữ Nôm là công-cụ thuần Việt ghi lại lịch-sử văn-hoá của dân-tộc trong khoảng 10 thế-kỷ, mặc dù đó là công-cụ còn nhiều hạn-chế về mặt kỹ-thuật cũng như mức phổ-dụng so với chữ Hán.
(Wikipedia)

Chữ Quốc-Ngữ   
Chữ Nôm được dùng song song với chữ Hán cho đến thế-kỷ 16 khi các nhà truyền-đạo phương Tây vào Việt-Nam, họ đã dùng kí-tự La-Tinh để phiên-âm tiếng Việt, và chữ Quốc-Ngữ dựa trên kí-tự La-Tinh được hình-thành. Mặc dù dễ học, dễ nhớ, việc dùng chữ Quốc ngữ sau đó chỉ phổ-biến trong cộng-đồng giáo-dân trong phạm-vi ghi chép Kinh Thánh chứ không được sử dụng nhiều trong việc làm phương-tiện trứ-tác hay truyền-đạt thông tin. Chữ Nôm vì vậy vẫn là văn tự chính trong nền văn chương Việt Nam mãi cho tới hết thế-kỷ 19.
Chữ Quốc ngữ trên chặng đường hơn 300 năm vẫn không được công-nhận là văn-tự chính-thức cho tới khi người Pháp xâm chiếm lấy Nam-Kỳ vào cuối thế-kỷ 19.   
Ngày 22 tháng 2 năm 1869, Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị-định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Nho trong các công văn.
Ngày 1 Tháng Giêng năm 1879 thì lại có lệnh đòi các văn-kiện chính-thức phải dùng chữ Quốc ngữ. Cũng năm đó chính-quyền Pháp đưa chữ Quốc ngữ vào ngành giáo-dục, bắt đầu ở các thôn xã Nam Kỳ phải dạy lối chữ này.
Sang đầu  thế-kỷ 20, chính-quyền Pháp cho giải-thể phép thi-cử chữ Nho (vua Duy Tân, 1915 ở Bắc-Kỳ và vua Khải Định, 1918 ở Trung Kỳ) và đến năm 1919 bãi bỏ hoàn toàn các trường dạy chữ Nho, thay thế bằng hệ-thống trường Pháp-Việt.
Chữ Quốc ngữ từ đó trở thành phương-tiện diễn-đạt duy nhất của người Việt trong khi địa-vị chữ Nho và chữ Nôm càng mờ nhạt tuy chưa mất hẳn nhưng lui dần vào quá khứ.
Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) và Hội Truyền-Bá Quốc-Ngữ (1938) cũng như sự phát-triển báo-chí vào đầu thế kỷ 20 đã góp phần trong việc thâu nhận chữ Quốc ngữ là văn-tự chính-đáng của người Việt, khép lại thời-kỳ dùng chữ Nôm để truyền-đạt ý-nghĩ cùng những cảm-hứng của dân-tộc Việt.   
Đây quả thực là một cuộc chuyển-hóa vô cùng lớn lao, trong đó ông Nguyễn Văn Vĩnh đã vô hình chung đóng vai-trò một nhà văn-hóa lớn của dân-tộc Việt-Nam.
(Wikipedia)
Trường hợp chữ quốc-ngữ Đại-Hàn
Như một số người Việt-Nam, vợ chồng chúng tôi cũng hay xem phim bộ Đại-Hàn nên cũng biết chút ít về lịch-sử và ngôn-ngữ dân-tộc này và tôi cảm nhận được nhiều điều tương-tự với lịch-sử và ngôn-ngữ Việt Nam. Xin được chia sẻ cùng bạn đọc.

Hangul hay Chosŏn'gŭl (tiếng Triều-Tiên) được vị vua thứ tư của nhà Triều Tiên là Triều Tiên Thế Tông SeJong (1418-1450) công bố với sự giúp đỡ của các nhân sĩ trong “Tập Hiền Điện” (Chiphyŏnjŏn). Cũng có một số chi-tiết cho thấy vua Thế Tông có lẽ được các thành-viên vương-tộc hỗ-trợ và làm việc trong vòng bí mật vì gặp phải phản đối của tầng lớp trí-thức ưu tú. 
(Xin mời các bạn xem thêm những bộ phim "Deep rooted tree" và "The Great king Sejong")
Hệ-thống chữ viết này hoàn-thành vào cuối tháng 12 năm 1443 hoặc tháng 1 năm 1444, và ấn-bản năm 1446 trong một tài liệu có tựa “Huấn dân chính âm” (Hunmin Jeong-eum) và đó cũng là tên của hệ-thống ký-tự mới này.
Dầu sao thì hệ-thống ký-tự mới này nhanh chóng phổ-biến rộng rãi trong nhân-dân, nhất là nữ giới và những nhà văn tầng lớp dưới. Tuy nhiên sau đó chính-quyền phong-kiến thờ ơ hơn với Chosŏn'gŭl. Trước tình hình người dân có thể nhanh chóng truyền đi các thông tin "nguy hiểm" thông qua hệ-thống ký-tự Chosŏn'gŭl, Yên San Quân (1494-1506), vị vua thứ 10 của nhà Triều Tiên cấm việc học và sử dụng Chosŏn'gŭl cũng như cấm hẳn các tài liệu Chosŏn'gŭl vào năm 1504, và vua Trung Tông (1506-1544) xóa bỏ luôn Bộ Ngạn Văn vào năm 1506. Đến lúc này chỉ có phụ nữ và những người không được học hành tử tế mới dùng Chosŏn'gŭl.
Vào cuối thế-kỷ 19, chủ-nghĩa dân-tộc Triều-Tiên phát triển mạnh mẽ khi Nhật Bản muốn tách Triều Tiên ra khỏi vùng ảnh-hưởng của Trung Quốc. Và cũng từ đó, Chosŏn'gŭl trở thành một biểu-tượng quốc-gia dân-tộc đối với một số nhà cách-mạng.
Sau khi Triều-Tiên bị Nhật Bản thôn-tính vào năm 1910, Chosŏn'gŭl vẫn được dạy tại các trường học kèm với tiếng Nhật, tuy nhiên sau đó bị cấm vì chính-sách đồng-hoá văn-hoá của Nhật Bản.
Mãi đến khi Đại-hàn được độc-lập, tiếng Triều-Tiên mới được chính-thức hoá.
(Wikipedia)

Xem như vậy, chữ quốc-ngữ Việt Nam và Đại Hàn có chung một số điểm tương-đồng:
- xuất-phát từ chữ Hán (do ảnh-hưởng chính-trị và văn-hoá của nước láng-giềng này)
- suốt một thời-gian rất dài (chữ Hán - Hanja - đã được đưa vào Đại Hàn giữa 109 BC và 313 AD)
xuất-hiện và phát-triển song song với tinh-thần dân-tộc để dành độc-lập và văn-hoá
- nhưng lại bị giới quan lại, trí-thức chống đối (sự hiểu-biết là quyền-thế - "le savoir, c'est le pouvoir" ?)
- thoát khỏi "ách" Trung Quốc "nhờ" một nước xâm-lăng khác (Pháp và Nhật)
- hiện giờ vẫn còn dùng khoảng 70-80% (?) từ-ngữ gốc Hán
...
(Tiếng Nhật cũng có chịu ảnh-hưởng của chữ Hán nhưng không nặng-nề như Việt Nam và Đại Hàn, một phần có lẽ do sự cách biệt của một hòn đảo?)

Kết-luận
Việt-Nam, bốn ngàn năm (?) văn-hiến mà chữ quốc-ngữ chúng ta viết hàng ngày mới chỉ được chính-thức có hơn một trăm năm! Trên biết bao phương-diện, dân-tộc chúng ta đã phải tranh-đấu dai-dẳng để vượt qua từng bước khó-khăn để dành Độc-Lập và Tự Do.
Nhìn lại nước Đại Hàn cũng có bao nhiêu điểm giống chúng ta, đất nước cũng bị chia đôi, ngày nay Nam Hàn đã trở nên thịnh-vượng, nhưng ngày nào dân-tộc chúng ta mới được hưởng chút an vui? 
Nghĩ lại càng buồn cho vận nước.

Yên Hà, tháng hai 2013

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.