ARTSHARE

Dec 20, 2012

Thi-sĩ Ngô Thuỵ Miên (nguyên bản)

Đã từ lâu tôi muốn viết một bài về Ngô Thuỵ Miên vì tôi cảm thấy rất gần-gũi với anh, gần-gũi với ý nhạc, lời thơ của anh, gần-gũi với con người của anh mà tôi đã mỗi ngày mỗi cảm-thông hơn (năm nào chúng tôi cũng sang Olympia, Washington thăm gia-đình bên vợ và gặp anh suốt mười ngày).
Nhưng viết về Nhạc-sĩ Ngô Thuỵ Miên thì tôi cảm thấy không có thẩm-quyền. Vả chăng, đã có bao nhiêu bài viết về nhạc-sĩ, qua sách báo, đài truyền-hình, trung-tâm văn-nghệ, trong bao nhiêu bài phỏng-vấn hay những lần ra mắt khán thính giả, từ trước 1975 ở Sài-Gòn cũng như sau 1975 khắp nơi tại hải-ngoại?
Ngược lại, tôi có nhận-xét thấy mọi người phần đông hâm-mộ giai-điệu nhạc, yêu thích âm điệu nhẹ nhàng, mượt mà và lắng đọng của nhạc Ngô Thuỵ Miên nhưng có lẽ ít người để ý đến lời bài nhạc, và nhất là trên phương-diện này, nhà thơ Nguyên Sa mới là người được nhắc đến nhiều, với những bài Áo lụa Hà-Đông, Tuổi 13, Paris có gì lạ không em?, Tình khúc tháng sáu, …
Nếu vào trang mạng “Góc Trời Ngô Thuỵ Miên (http://www.honque.com/ngothuymien/
), xem trang “69 Tình Ca Ngô Thuỵ Miên”, chúng ta có thể đếm thấy trên 69 bài (ngoài trừ những bài không phổ-biến), chỉ có 10 bài phổ (ý) thơ Nguyên Sa và 11 bài do những thi-sĩ khác, tổng-cộng 21 bài. Có nghĩa là 48 bài còn lại do chính Ngô Thuỵ Miên viết, trong đó có những bài nổi tiếng như Riêng một góc trời, Niệm khúc cuối, Giáng Ngọc, Dấu tình sầu, Từ giọng hát em, v…v…
Hôm nay, tôi chỉ muốn bàn về khía cạnh này: Thi-sĩ Ngô Thuỵ Miên.

1. Tính-chất lãng-mạn người nghệ-sĩ
Thi-sĩ sống trong thế-giới huyền-ảo của mình để yêu, để mơ, để sáng-tác và một trong những tính-chất của người nghệ-sĩ nói chung, người thi-sĩ nói riêng là “lãng-mạn” (romantique).
… Có thể nói từ những ngày còn trẻ, tôi đã nghe và yêu thích những giòng nhạc tình tự, trong sáng của các tác-giả thời tiền-chiến, và cũng chịu ảnh-hưởng sâu đậm của nhạc cổ-điển tây-phương, nhất là nhạc classique của thế kỷ 19, mà tôi đã theo học tại trường Quốc-Gia Âm-Nhạc Sài Gòn trong thập-niên 60. Cho nên có lẽ vì thế mà sự lãng-mạn trong giòng nhạc NTM có một chút trang-nghiêm cổ-kính, và pha một chút “thơ” của những Lamartine, Chopin, George Sand… cùng Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn… (Ngô Thuỵ Miên)

- Cái lãng-mạn đó thường có đối-tượng là “Đàn bà”, vì người đàn ông nào không biết tôn-thờ phái đẹp? Và ca tụng người đàn bà nơi nào, nếu không phải những nét đẹp của người đàn bà Á-Đông? như:
Mắt (cửa sổ của linh-hồn), Mi, Má, Môi (tại sao những cơ-phận trên mặt phần lớn bắt đầu bằng “M” vậy nhỉ?), Vai, Tay… (tuy rằng thời-đại mới này chạy theo những gì “lộ-liễu” hơn, như đôi chân dài và những “đường cong” tuyệt-mỹ khác?)

Nghe từng giọt mưa thấm ướt vai em, mi em
Vòng
tay âu yếm trao, bờ môi ôi khát khao     Bốn mùa hiu quạnh (1996)

Giọt nắng đi hoang vào mắt em buồn
Dìu chân em bước vào nắng cô đơn
Nắng ướt mi em ươm tay thơm nồng
Trôi trôi nhẹ trên đôi môi
Thương màu mắt em chơi vơi…  
Giọt nắng hồng (1972)

Màu Mắt biếc, mắt nhung, mắt ngọc, mắt nai…; nét Mi sầu; bờ Môi hồng, môi mềm…; Má hồng, má xinh; vầng Tóc rối, tóc mây, tóc xanh…; vòng Tay ngà, tay mềm…
Những chữ này trong lời nhạc Ngô Thuỵ Miên, tha hồ mà đếm.

- Thi-sĩ đã lãng-mạn thì “mưa trong lòng như mưa ngoài trời”. Thi-sĩ dĩ nhiên là lấy nguồn cảm-hứng nơi trời đất, nắng, gió trăng, mây mưa (nghĩa bóng cũng như nghĩa đen), nhất là buổi chiều, và đặc-biệt là chiều thu (chúng ta sẽ nói chuyện Thu trong phần dưới).

Chiều còn vương nắng để gió đi tìm…
Trời còn mây tím để lá mơ nhiều
khóc trên mi cho môi ươm sầu…    
Dấu tình sầu (1970)

- Với tâm-hồn nghệ-sĩ của mình, thi-sĩ có thể tìm cảm-hứng trong trí tưởng-tượng phong-phú của mình để viết, nhưng đôi khi (nhiều khi?), nhà thơ cũng cần có một động-cơ thúc đẩy, một đối-tượng, một “Nàng Thơ”.

Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa
Vẫn tóc mây bay má môi hồng thắm
Gót bước nhẹ vương ý thơ
Tình yêu nào vương mắt ngọc
Mơ ước vẫn chưa phai nhòa      Giáng Ngọc (1970)
Chị Giáng Ngọc, tôi chưa hề có cơ-hội gặp chị nhưng, thay mặt mấy triệu người hâm-mộ người nhạc-sĩ tài ba của chúng ta, tôi xin được thành-thật cảm-ơn chị đã đem lại nguồn cảm-hứng cho Ngô Thuỵ Miên để chúng ta có được một trong những bài nhạc tôi yêu chuộng nhất.

Nhân tiện đây, tôi cũng xin cám ơn chị nữ ca-sĩ ca-đoàn nhà thờ nào đó đã khiến cho thi-sĩ thốt lên:
Rồi từ giọng hát em chợt vút cao vút cao một trời một trời
Bài ca thánh đêm vang lên trong ngày dài
mệt nhoài một phận đời
Ôi biết bao giờ ta đốt hết từng lời ca êm
mặn nồng trong tim muộn phiền
Người đem giá băng về trên tuổi đá buồn…   
Từ giọng hát em (1970)
Thơ quá hay!

Nhưng qua hai trường-hợp đó, chúng ta đừng vội kết-luận là đằng sau mỗi bài hát có hình dáng một người đàn bà. Bốn mươi tám bài, bốn mươi tám mỹ-nhân? Tôi biết ông anh cột chèo tôi mà, anh ấy đa cảm nhưng không đa tình, anh ấy không kham nổi đâu.
Nói đùa tí cho vui nhưng tôi cũng hay viết lách nên rất hiểu điều này. Người nghệ-sĩ chỉ cần mốt cái ý nho nhỏ, một hình ảnh không quan-trọng, một câu nói vu vơ là có thể biến-chuyển sự tầm-thường thành một gì thật đặc-biệt. (Hình như khả-năng này được gọi là “sublimation”, dịch là “thanh cao hoá” ?)

2. Mùa thu Ngô Thuỵ Miên
Không có người nghệ-sĩ lãng mạn nào có thể dửng-dưng với mùa thu.
Trong những bài viết, Ngô Thuỵ Miên đã tựa đề mùa thu trong 9 bài và nhắc đến mùa thu trong 20 bài, tổng cộng là có 29 bài nói đến mùa thu trên 48 bài, không kể những bài mùa thu mà không dùng đến chữ “Thu” !
Ngay từ đầu, tác phẩm đầu tay (Chiều nay không có em, 1965, viết lúc 17 tuổi) đã được đặt trong bối cảnh mùa thu
Chiều nào hai đứa chung đôi 
Lặng nhìn mùa thu lá rơi…
… Không có em mùa thu thôi lá vương bay…
… Không có em còn ai thương lá thu bay, 
Còn ai vương vấn cơn say, 
Ðời gian dối cô đơn mình ta


Và tác-phẩm thứ nhì lại đúng là Mùa thu cho em (1967), có lẽ do nguồn cảm hứng từ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư (?)

Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương

Và em có nghe khi mùa thu tới
mang ái ân mang tình yêu tới
Em có nghe, nghe hồn thu nói
mình yêu nhau nhé…

Trong những bài "Thu", hai ý thơ "thu" và "em" quyện vào nhau như đôi tình nhân, đôi khi tôi không còn biết "ai" đóng vai chính nữa. Đó là những bài như Thu trong mắt em, Thu tưởng nhớ, Sao vẫn còn mùa thu, Một cõi tình phai, Thu khóc trên ngàn, Mắt thu.

Anh có nghe mùa thu khóc trên ngàn 
Con nai vàng đạp chết lá thu tàn 
Ðiệu thu mưa gọi hồn bao thương nhớ 
Anh có nghe mùa thu lá thu rơi ...   Thu khóc trên ngàn (1982)

Chưa là mùa thu sao hôm nay thành phố sương mù
Chưa là mùa thu sao mưa bay lạnh giá nơi nầy
Cho lòng còn say cho hồn tê tái hạnh phúc cuối chân mây
Ân tình còn đây, riêng người nơi ấy tựa cánh gió heo may... 
                                                      Sao vẫn còn mùa thu (2003)


Rồi một mùa Thu tới cho mắt em buồn trong nắng 
Màu tình hôn tóc rối ru má em hồng say đắm 
Chiều về dâng lá úa 
Lá ươm trên dòng tóc xanh 
Lá ướp môi em thêm tình 
Gọi mùa Thu đến trao mình...    Thu trong mắt em (1995)

Trong những bài còn lại, hình như mùa thu « chỉ » là « khung cảnh » đồng hành với tình buồn hay để làm nổi bật nét buồn của « em » ?

... Bây giờ là mùa thu nơi đây không có anh 
Bây giờ mình xa nhau cuộc đời thôi vắng tên 
Em ơi đừng khóc nữa, đừng tiếc nuối mà gì 
Em ơi tìm đâu thấy đời đã vỡ như mơ...   Mùa thu xa em (1981)
Trong bài này, mùa thu chỉ là thời-điểm của một lần chia tay, nỗi buồn xa em vẫn là chuyện chính.

Ngoài ra, ngay cả trong bài Tình khúc mùa xuân, mùa thu và mùa đông vẫn phải được nhắc đến. (Đã gọi là lãng mạn mà ?)

Trong dòng nhạc trữ-tình Việt-Nam, những ca khúc về mùa thu nổi tiếng nhất chắc hẳn là những tình khúc của Đoàn Chuẩn, với những nhạc bản bất-hủ như Thu quyến-rũ, Tà áo xanh, Lá đổ muôn chiều, Gửi gió cho mây ngàn bay
Tôi không nghiên-cứu nhiều về đề-tài này nên không dám « xếp hạng » ai cả, nhưng nếu Đoàn Chuẩn phải được tôn lên bậc Thầy, thì ít ra, Ngô Thuỵ Miên cũng phải có tên trong cái nhóm nhỏ của những nhà thơ mùa thu.

3. Tình yêu và Ngô Thuỵ Miên
Tôi chỉ là một người viết Tình Ca… chỉ mong được sống, thở bằng trái tim và âm-nhạc, để có thể tiếp tục gửi đến cho người, cho đời những rung-động, những tình cảm riêng tư của mình
… Từ bao nhiêu năm nay tôi chỉ viết tình ca vì thấy thích hợp với con người, với cá tính của mình, và cũng vì tình yêu mãi mãi vẫn là một đề tài muôn thưở cho người nghệ sĩ sáng tác... (Ngô Thuỵ Miên)

Nhưng “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời hết vui khi đã vẹn câu thề
”   (Hồ Dzếnh)
Cho nên, trên thế-giới này, hầu hết những thi-sĩ đều viết về tình xa, tình nhớ, tình lỡ, tình buồn. (Chứ anh yêu em, em yêu anh, chúng ta làm đám cưới, sinh ra một đàn con đẹp ngoan, sống hạnh-phúc bên nhau suốt đời thì có gì để nói, phải không các bạn?)

...Tình yêu như kiếp mây trôi...   Mắt biếc (1972)

... Lệ rơi héo hắt trên môi
Người bỏ tôi một mình
...   Nỗi đau từ đấy (1997)

... Hạnh phúc là tiếng hát chơi vơi,
Ngày vui là dĩ vãng xa xôi
Người ơi, đời đã cách chia đôi muôn trùng khơi
Còn đấy là tiếc nhớ khôn nguôi,
Còn đây là rã nát tim côi
Mình tôi và cơn đau xót xa một thời...
      Ở nơi nào em còn nhớ (1997)

Tình xa, tình nhớ, tình buồn nhưng cái buồn trong tình ca Ngô Thuỵ Miên nhẹ nhàng chứ không dày xéo, tha-thiết chứ không thảm-thiết, tình-tứ nhưng không uỷ-mị, có thể xót-xa nhưng không quằn-quại.
Đây có lẽ là ảnh-hưởng trực-tiếp của thời-đại “romantique” của những Lamartine, Chopin, Schubert…cũng như của các nhạc-sĩ tiền-chiến?

Đối với Ngô Thuỵ Miên, Yêu là: Cho (người), Chấp nhận (tình) và Tha thứ (cho mình).
Yêu là Cho. Điển hình nhất là bài Niệm khúc cuối (1971) :
… Dù mai đây ai đưa em đi đến cuối cuộc đời
Dù cho em, em đang tâm xé, xé nát tim tôi
Dù có ước, có ước ngàn lời
có trách một đời, cũng đã muộn rồi
Tình ơi, dù sao đi nữa, xin vẫn yêu em…

Tôi không nhớ ai đã viết  Aimer pour être aimé est de l'homme, aimer pour aimer est de l’ange. (Con người yêu để được yêu, nhưng thiên-thần chỉ yêu để yêu). Không biết có đúng không?

Yêu để yêu, cho nên nếu đã không có duyên với nhau, nếu tình không thành thì cũng phải Chấp-nhận (nhận là mình không được nhận?). Và nếu đã yêu thật tình, mình chỉ có thể cầu mong cho người mình yêu được hạnh-phúc, cho dù là không phải với mình:
Anh chúc cho em đời yên vui đắm say
Anh chúc cho em dù lòng nghe đắng cay
Một ngày nào đó dẫu tình ta đã lỡ
Một ngày nào đó ta vẫn yêu mãi người thôi
...   Bản tình ca cho em (1980)

Cho người tình yêu của mình nhưng không bắt buộc đáp nhận, và luôn luôn chấp nhận. Chấp-nhận Tình, chấp nhận duyên-nợ, chấp-nhận số-phận con người.

Chấp-nhận được là đã có thể Tha thứ. Tha thứ cho mình, tha thứ cho người vì ai cũng đôi khi lầm lỡ và nhất là con tim đâu có biết suy-tính như lý trí được?

Mưa vẫn còn mưa trên cuộc tình tôi 
Hoang phế rồi quá khứ xa xôi
Tôi vẫn ngồi lặng ngắm mây trôi
Mưa ngoài trời như bụi rơi
Chỉ là phù du những tháng ngày vui
Bên phím đàn tôi nghe hồn buông lơi
Xin một lần gọi mãi tên thôi
Xa người rồi chơi vơi một thời, tình sầu riêng tôi
    Mưa Trên Cuộc Tình Tôi (2000)
Tha thứ cho người để ôm mối sầu riêng cho mình ...

Cho, Chấp-nhận, Tha thứ. Yêu để yêu, yêu vô điều-kiện.

4. Người tình muôn thuở
Tình yêu đến, tình yêu đi, rồi tình yêu lại đến, lại đi... Nhưng tình yêu quê-hương thì không bao giờ thay đổi. Quê-hương thứ hai, thứ ba... có tốt đẹp đến đâu cũng không bao giờ có thể thay thế quê-hương mình. Có lẽ ai trong chúng ta cũng hiểu điều này.
Như đã nói, người nghệ-sĩ « thanh cao hoá » để diễn-tả lời hay, ý đẹp nhưng khi đối-tượng liên-quan trực-tiếp đến chính mình, lúc đó thi-sĩ viết với tim gan mình, viết bằng máu chứ không còn viết bằng mực.
Với biến-cố 30 tháng 4, ngày hôm đó, bao nhiêu triệu người Việt-Nam đột-nhiên mất nước nhưng Ngô Thuỵ Miên còn mất thêm người yêu đã ra đi không kịp lời giã-biệt.
Trong Em còn nhớ mùa Xuân, bài nhạc duy-nhất viết tại Sài-Gòn sau 1975, tuy là tác-giả có lẽ cũng đã tự “kiểm-duyệt” nhưng ta có thể đoán được nỗi thống khổ này.

Em có bao giờ thấu cho lòng anh?
Trời Sàigòn chiều hôm nay còn nhiều mây bay
Nhiều niềm đau thương bi hận tràn đầy
Gượng nụ cười giọt lệ trên môi
Nhìn đất nước tơi bời một thời em có hay


Nhưng đến khi anh gặp lại được người yêu để đi nốt con đường còn lại thì anh lại phải xa cách “người” yêu vĩnh-cửu là Việt-Nam nói chung và Sài-Gòn nói riêng. (Tâm-trạng này, biết bao nhiêu người Việt-Nam trên thế-giới hiện đang sống?)
Trong những năm 1980-1982, anh đã viết nhiều bài rất thiết-tha cho “người tình” này:

Em còn nhớ không em
Nhớ Sàigòn mưa rơi thật nhiều
Nhớ Sàigòn bao nhiêu là chiều
Nhớ Sàigòn từng tiếng hát đêm
…   Hát cho người ra đi (1980)

Sàigòn đó em ơi
Nước mắt đau thương che bao nụ cười héo hắt trên môi
Cuộc đời đó em ơi
Ðã quá gian nan cho bao phận người chơi vơi một thời
…   Thu SàiGòn (1980)

Ðừng khóc nữa Sàigòn
Ðừng khóc nữa này em yêu ơi
Khi ta ra đi bỏ em một mình
Bỏ quên cuộc tình, bỏ luôn đời mình
Vào cơn sóng gió mênh mông
…  SàiGòn còn đó nỗi buồn (1981)

Sàigòn đã xa, quê hương giờ nghìn trùng cách lối
Kỷ niệm hôm qua nay chỉ còn là bóng tối
Một thời đã qua
…   Lời tình cuối (cho SàiGòn), 1982

Và sau cùng là:
Tôi đã đi, tôi vẫn đi mãi biết bao giờ trở lại
Sàigòn ơi, sao em còn mãi trong tim tôi
Ôi những con đường ngày nào còn nghe lá rơi
Nụ cười còn tươi nét môi  Hay áo màu phai úa rồi…   
Biết bao giờ trở lại (2000)

Chỉ tiếc là ít có ca-sĩ nào ”dám” hát những bài này. Ý-nghĩa quá, nói lên tâm-trạng của biết bao nhiêu người mà sao ít được phổ-biến thế? Tôi tự hỏi.

Đó là chưa nói đến những bài nhạc về SàiGòn mà không nhắc đến tên thành-phố này.
Riêng một góc trời (1996), Ở nơi nào em còn nhớ, 1997 (...chỉ mình tôi với một góc trời hư vô...), cũng như Biết bao giờ trở lại 2000 (...Hạnh phúc tôi một góc trời), những bài viết sau 1975, đều có nhắc đến một góc trời. Mà góc trời Ngô Thuỵ Miên là đâu nếu không phải là Sài-Gòn, một góc trời đã ấp-ủ cả mùa xuân cuộc đời anh, một góc trời mà anh vẫn nâng-niu trong lòng?

(Càng đọc lại, tôi càng tin rằng Ở nơi nào em còn nhớ là một bài viết cho Sài-Gòn).

Dù sao đi nữa, chắc hẳn SàiGòn sẽ còn mãi mãi trong tim anh, cũng như trong tim tất cả những người Việt hải-ngoại chúng ta, và biết đâu rằng
Tôi vẫn tin, tôi vẫn tin mãi sẽ có ngày trở lại…?
Ôi, SàiGòn thương yêu.

5. Một nét bút « kiêu sa »
Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa…  (Giáng Ngọc)
Hai chữ “kiêu sa” này, tôi nghĩ cũng có thể dùng để mô-tả ngòi bút của thi-sĩ.

Tôi không viết nhạc để sống, tôi sống để viết nhạc… (Ngô Thuỵ Miên)
Cho nên anh không chạy theo thị-hiếu để “mị” thính-giả. Anh chỉ viết những cảm-xúc của anh, với tâm-hồn của anh, với ngòi bút của anh.
Tháng 8 năm ngoái, chúng tôi có cơ-hội tổ-chức một đêm nhạc Ngô Thuỵ Miên vi chùa Giác-Lâm (Pennsylvania) nên tôi đã phải nghiên-cứu nhiều về nhạc anh để soạn xếp chương trình cũng như phần phỏng-vấn nhạc-sĩ, và tôi cũng đã phải học (gần) thuộc lòng những bài mình sẽ trình bày. Nhờ vậy tôi đã thật-sự bước vào góc trời Ngô Thuỵ Miên từ đó (Xin cám ơn anh Tuấn và chùa Giác-Lâm đã cho tôi cơ-hội này).

- Nói về ý thơ, tôi thích nhất những bài Giáng Ngọc, Dấu tình sầu, Mắt biếc, Từ giọng hát em…, những bài thơ thật tuyệt vời. Ước gì tôi viết được những bài như vậy.
Chiều còn vương nắng để gió đi tìm
Vết bước chân em qua bao nhiêu lần
Lời ru đan ngón tay buồn
Ngàn năm cho giá băng hồn
Tuổi gầy nồng lên màu mắt
…   Dấu tình sầu (1970)

Dĩ vãng như bao cung tơ
lướt theo chiều mưa kết muôn bài thơ
Nuối tiếc yêu đương xa xưa
tháng năm nào trôi để nhớ nhung buồn
…   Mắt biếc (1972)
Nghe thật là “tiền-chiến”.

Có những bài nghe lạ lạ hơn như Dốc mơ và nhất là Miên khúc, có lẽ phải đọc hai ba lần mới từ từ thấm được nhân sinh quan của tác giả bộc lộ qua ý thơ.
Hạnh phúc là khói sương mờ phai
Còn đây niềm đau thương chất đầy
Ðời như con sóng sầu, như cơn lốc buồn
Còn tìm đâu ôi tháng ngày xưa ấy
… Dù thời gian có xóa nhòa giấc mơ
Ngày tháng trôi qua hững hờ.
..    Miên khúc (1997)
Cũng có lẽ vì vậy những bài này ít được phổ biến? Tôi tự hỏi.

- Thơ của anh không phải chỉ “kiêu sa” trong ý, mà còn “cầu-kỳ” trong chữ.
Trong tác-phẩm đầu tay, Chiều nay không có em, anh có viết:
Không có em đời mình sao "vắng vui" thay vì thiếu vui hay mất vui, khiến cho một ca-sĩ lừng danh đã hát thành "vẫn vui", nghĩa là hoàn toàn nghịch nghĩa. (Không có em mà đời anh sao vẫn vui thì thôi, em bỏ anh là đáng đời lắm rồi, còn than vãn gì nữa?)
Những chữ như “võ vàng” dùng trong Ở nơi nào em còn nhớ (Tìm đâu thấy tháng năm võ vàng), Em về mùa thu (Nhạt nhòa phấn, sắc hương võ vàng), chữ “dõi mắt” trong Dốc mơ (Em có về bên đó, dõi mắt trông theo, trông theo tình bền) hay “se sắt” (Se sắt môi mềm… trong Em về mùa thu), hay “bươi rươi” (tình mình còn bươi rươi nồng nàn…trong Từ giọng hát em) không hẳn là thông-dụng trong tiếng Việt hàng ngày.

- Tôi cũng hay viết lách và đôi khi viết xong một bài thơ, một bài văn, tôi có thể khá vừa ý nhưng vẫn cảm thấy “thiếu thiếu”, vẫn còn “thòm thèm”, như có lúc uống rượu mà cảm thấy chưa đủ say. Đôi khi, ý một bài thơ/văn “lai láng” quá, viết chưa “đã tay”, “đã tim”, như cảm thấy nếu không viết thêm được thì phải có dịp viết lại một bài khác để uống cạn nguồn thơ.
Đọc thơ Ngô Thuỵ Miên, tôi có nhận thấy nhiều điểm tương-đồng giữa hai bài Bản Tình cuối (1971) và Bản tình ca cho em * (1980), trong ý thơ, dĩ nhiên, nhưng ngay cả trong những từ-ngữ:
Một lần gặp gỡ đã như quen thuở nào
Một lần gặp gỡ nhưng tình ngỡ xa xưa
 
         Một lần gặp gỡ đã là bao thương nhớ *
Một lần nào đó bước bên em âm thầm
      Một ngày chợt đến bỗng tình như đã lỡ *
Một lần nào đó ta vẫn không nói yêu người
      Một ngày chợt đến bỗng đời như tan vỡ *
Bên em bên em ta hát khúc mong chờ
      Và ai âu yếm hát những lời thiết tha trìu mến *
Ngày nào người cho ta biết tình yêu đắm say
Ngày nào đời cho ta biết tình là đắng cay
      Giờ đâu còn nữa ngày vui đã hết tình ta đã chết *
Một ngày nào đó tóc xanh xưa bạc màu
      Một ngày nào đó dẫu tình ta đã lỡ *
Một ngày nào đó ta có thôi hết yêu người
      Một ngày nào đó ta vẫn yêu mãi người thôi *
Có lẽ chin năm sau, anh mới được uống cạn men thơ…

Đồng thời, tôi cũng có so sánh hai bài Tình cuối chân mây (1992) và Riêng một góc trời * (1996):
Tình yêu như lá Thu tàn úa gió heo may
      Tình yêu như nắng, nắng đưa em về, … *
Người vui bên ấy, ta buồn héo hắt nơi đây 
      Người vui bên ấy, xót xa nơi này, … *
Một mình ta ngồi thương nhớ 
      Tôi vẫn chơi vơi riêng một góc trời *
Một mai em nhé, khi mùa Thu đã phôi pha
      Một mai em nhé, có nghe Thu về, trên hàng lá khô *
Vòng tay lãng quên đời người lặng lẽ xa vời
      Vòng tay tiếc nuối, bước chân âm thầm, nghe giọt nắng phai *
Và quả nhiên, Riêng một góc trời đã thành công vượt bực và đương nhiên trở thành ký-hiệu của ca-sĩ Tuấn Ngọc cũng như của nhạc-sĩ Ngô Thuỵ Miên.

Nhắc đến Riêng một góc trời, chắc ai cũng có đế ý đến hai chữ “chơi vơi”. Ông anh tôi hình như rất yêu chuộng hai chữ này vì anh đã dùng đến 16 lần, trong 15 bài nhạc. Một bài nhạc mà nghe có hai chữ này thì chắc hẳn phải là nhạc Ngô Thuỵ Miên.


6. Ngủ yên đi Khanh (2012)
Tháng trước, anh Bình (tên thật anh là Ngô Quang Bình) có gọi điện-thoại cho tôi. 
Anh nói:
"Trong nỗi xúc-động tột-cùng về tin một người bạn thân của một thời vừa mới ra đi, anh đã viết ca khúc Ngủ Yên Đi Khanh như một lời đưa tiễn bạn. Anh Nguyễn Đình Khanh ở Houston, một người bạn đã chia xẻ với anh bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của những năm tháng cũ, thưở còn đi học trung học ở ngôi trường Nguyễn Trãi, Sàigòn, "
Anh nói sơ về ý nghĩa của bài hát và nhờ vợ tôi hát cho các bạn của anh nghe (Từ ngày sang Mỹ, mỗi bài hát mới của anh đều "qua tay" Thanh Tuyền" để hát demo trước). 
Xin mời các bạn thưởng-thức Ngủ Yên Đi Khanh, với tiếng hát và tiếng đàn Thanh Tuyền trong số này.

Ngoài ra, cũng xin mời các bạn ghé vào trang "Diễn-đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon" http://thntsaigon.forumsreality.com/t577-ns-ngo-thuy-mien-nguoi-nhac-si-tai-hoa-nghe-12-tinh-khuc#624 để xem thêm và nghe những ca-khúc khác của Ngô Thuỵ Miên. 

Kết-luận
Viết về ý thơ của nhạc Ngô Thuỵ Miên không phải dễ, nhất là tôi đã phải tự gò-bó trong khuôn khổ một bài trên blog (không viết dài quá). Tôi chỉ có thể nêu lên vài điểm mà không dám vào sâu vấn-đề, trong khi mỗi điểm (như Mùa thu Ngô Thuỵ Miên) là có thể viết nguyên một bài mới đúng.
Nhưng tôi đã có sự lựa-chọn này, với hoài-bão mời các bạn trong Ngô Thuỵ Miên’s Fans Club thưởng thức nhiều hơn nữa vì nhạc hay đã đành, nhưng được rót vào tai những lời hay, ý đẹp và qua sự diễn-tả của ca-sĩ nữa mới thật là tuyệt-vời. Quả vậy, nhạc sĩ hầu như chỉ dùng những thể-điệu chậm như Slow, Boston để ca-sĩ có thể thả hồn mình vào, cũng như để thính-giả có thể hưởng trọn nhạc và lời, nhất là loại nhạc này được gọi là nhạc “thính phòng” (chứ không phải "nhạc nhảy") cơ mà? 

Nói ra thì hoá là "mèo khen mèo dài đuôi" nhưng trước giờ, tôi vẫn "mê" nhạc Ngô Thuỵ Miên, rồi từ khi bước vào vườn thơ của nhạc-sĩ, tôi lại cảm phục anh gấp bội.
Riêng tôi, yêu văn, chuộng thơ, mến nhạc mà được thấm-thía những ý thơ tuyệt-vời trong một giòng nhạc trữ-tình như vậy, tôi chỉ muốn chia-xẻ diễm-phúc này với các bạn thôi. Thân mời các bạn bước sâu vào "Góc trời Ngô Thuỵ Miên".



Yên Hà, tháng 10, 2012

1 comment:

  1. Xin cám ơn Yên Hà đã chia xẻ những tình cảm, tâm tư rất riêng về dòng nhạc NTM với các bạn đọc. Như một lần nào đã nói "Tôi chỉ là một người viết tình ca, không hơn, không kém, đến từ một góc trời, một quá khứ rất xa, mà nơi đây, hôm nay, bây giờ, góc trời đó, quá khứ đó vẫn mãi còn trong trái tim tôi".
    Thân chúc các bạn đọc một Gíáng Sinh vui vẻ, một Năm Mới tràn đầy an lành và hạnh phúc.

    Ngô Thụy Miên

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.