ARTSHARE

Mar 18, 2011

Giận


“Trời ơi, tức chết đi được!” X. vừa đi, vừa lẩm bẩm một cách hằn học.
Cơn lửa giận còn đang bừng cháy, làm nóng ran cả thân-thể X., tưởng chừng không có vòi rồng nào dập tắt nổi.
Hôm nay đẹp trời, X. cùng người bạn ra công-viên ngồi hóng nắng, trò-chuyện cho vui, bỗng đâu vì bất-đồng chuyện gì đó, hai người lớn tiếng với nhau, khiến X. đứng phắt dậy, bỏ ra về. Trời đang tươi sáng, bỗng như tối xầm.

“Tức ơi là tức, rõ ràng là nó quấy, nó sai mà, mình có làm gì đâu ?”
Đầu đuôi câu chuyện như thế nào, X. cũng không nhớ rõ, hình như có lúc X. đề-cập đến vấn-đề gì mà người bạn nhíu mắt, chau mày, làm X. nhột nhạt nên hỏi vặn thì người bạn lại không nói, quay sang chuyện khác.
“ Đúng là nó chối mà, dám làm mà không dám nhận. Hứ! Nó lại còn tỏ vẻ không vui với mình nữa chứ, rõ là vừa đánh trống, vừa ăn cướp. Mình đã nói nó sai mà nó nhất định không chịu nhận, lại còn gân cổ lên mà chống-chế nữa cơ chứ ? ”
Cơn tức đã nổi lên rồi, X. không còn tự-chủ được, giá người bạn có giải-thích thêm thì có nói gì, nói như thế nào đi nữa cũng vô-dụng, X. cũng đâu nghe được, đâu hiểu được, đâu tin được ? Trong lúc này, X. chỉ biết chú-tâm vào tất cả những gì người bạn đã nói, từng chữ một, từng giọng nói, từng cử-chỉ, từng nét mặt của bạn. Mỗi chi-tiết được phân-tách, mổ xẻ kỹ lưỡng, như để bỏ vào hồ-sơ lên án bạn và dĩ nhiên, những gì X. đã nói, đã làm đều có lý-do chánh đáng cả.
Tự-ái X. đã bị tổn thương mạnh, thủ-phạm kia phải đền tội trước tòa-án mà X. là quan chánh-án và tội-nhân không được quyền chối tội.

“Nó đối-xử với mình như vậy, nó có thể tự xưng là bạn mình được ư ? Vả lại, nếu nó thật-sự là bạn mình thì giờ này nó đã gọi mình để xin lỗi rồi!”  X. tiếp-tục nói gỡ nhưng trong thâm-tâm, X. đã bắt đầu cảm thấy đuối lý và đôi chút hối-hận.
Nắng nhẹ, gió thoảng đã từ từ làm X. nguôi cơn giận, vả lại X. đâu phải là loại người bướng-bỉnh, ngoan-cố ?
X. thương bạn lắm nhưng trong cơn nóng giận, tự-ái đã lấn áp tình thân và sau đó không cho phép X. nhận điều sai nơi mình, để giận dữ tiếp-tục chế-ngự X.
Hai người thân-thiết với nhau như ruột thịt, rất ư là hiểu nhau và tin-tưởng nơi nhau, như vậy làm sao mình có thể ngờ-vực bạn ? Làm sao mình có thể nghĩ là bạn mình có ý xấu với mình ? Bạn mình nhịn, không tranh-cãi để tránh đổ dầu vào lửa thì mình lại nghĩ nó quấy nên không thể tự bào-chữa được. Vô lý quá.
Lúc mình giận-dữ bỏ đi, người bạn đã rớm nước mắt, tại sao mình thương nó mà mình không cảm thấy xót nó ? Tại sao lúc ấy mình không ôm nó vào lòng và làm hoà với nó ?
Tại sao tự-ái có thể là một nọc độc ghê-gớm như vậy ?


Thôi, cũng may mà hai người còn chút tự-chủ để không buông ra những lời-lẽ nặng-nề, quá đáng để sau phải hối-hận, chứ tên độc đã bắn ra thì tổn-thương, đổ vỡ làm sao lường được ? 


Rảo mắt tìm một cái ghế trống trong công-viên, X. ngồi xuống, nhắm mắt lại và bắt đầu thở vào, thở ra và tập-trung tâm-trí vào hơi thở.
Đúng rồi, X. đang giận, nhưng tại sao vậy ? Chuyện gì đã xẩy ra ? Lời nói nào, cử-chỉ nào đã vô-tình móc vào một nhược điểm X., khơi lại một kỷ-niệm không vui, như ngoáy lưỡi dao vào một vết thương lòng chưa bao giờ lành hẳn ?
Cảm-giác này khó chịu lắm nhưng X. cố-gắng nhận-diện nó, tiếp-xúc với nó vì xấu hay tốt, điều này cũng là một phần của chính mình. Đau-thương trong ta cũng là ta, hạnh-phúc trong ta cũng là ta, cũng như hạt giống tốt hay xấu đều có sẫn trong ta.
X. ôm nhẹ cơn giận vào lòng và ân cần ru dỗ nó như ru dỗ chính mình.

Một lúc sau, X. đã bắt đầu lấy lại bình-tĩnh và thầm cảm ơn người thiền-sư đã dậy X. quán-chiếu cơn giận. Người đã dậy X. rằng khi đã lỡ cãi nhau với người thân, cách duy nhất để thoát khỏi lửa sân hận là chú tâm vào chính mình, tuyệt đối không phân-tích phần của người kia. 
Quán-chiếu là vậy. Vả lại, dựa trên tâm-lý con người, có ai đủ sáng suốt và khách quan để xử-xét như một người ngoại-cuộc, nhất là trong lúc này ? 
X. đứng dậy, thở một hơi dài khoan khoái, rồi lấy máy điện-thoại lưu-động ra để gọi bạn.

Ngoài kia, trời vẫn nắng ấm, mặt hồ vẫn phẳng lặng và chim muông vẫn hót líu lo.
Cuộc sống vẫn bình thản trôi.

Yên Hà, tháng 3, năm 2011

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.