ARTSHARE

Feb 18, 2011

Nhớ Paris


 
Chiều nay ngồi nhớ bên Paris
Bao nhiêu kỷ niệm, nhớ những gì ?
Nhớ từng hình ảnh, từng khung cảnh
Dồn dập bay về, ướt bờ mi.



Quay đi ngoảnh lại, thấm thoát tôi đã rời Paris hơn năm năm rồi mà cứ ngỡ như mới hôm qua. Ba năm đầu, tôi vẫn còn ông kháck bên Pháp nên vẫn còn bay qua, bay lại, ba bốn lần mỗi năm. Suốt thời gian này, tôi vẫn còn được nói tiếng Pháp, suy nghĩ tiếng pháp, thậm chí đến ngủ mơ cũng bằng tiếng pháp, cho nên tiếng Mỹ của tôi không tiến được bao nhiêu (Khá làm sao nổi khi tôi làm việc tiếng Pháp, nói chuyện tiếng Việt với vợ, tối thì xem phim Đại-Hàn có phụ-đề Việt ngữ hay Mỹ-bồi ?).

Bao nhiêu năm sau, tôi vẫn còn thích ăn cơm Tây, cắn miếng phó-mát, hớp ngụm rượu vang. Trời mùa đông, tôi vẫn còn nấu pot-au-feu, vẫn còn mê cái thú ấp ly cognac  trong lòng bàn tay và hưởng hương thơm của rượu. Trời mùa hạ, tôi vẫn làm taboulé ăn, tôi vẫn mê uống một ly pastis. Tôi vẫn còn biết "ga-lăng" với phái nữ, vẫn còn thích cái "lịch sự" trong cách ăn mặc, đi đứng, nói chuyện, vẫn còn chú-trọng cái gọi là "petite touche personnelle". A la française.
Tôi đã trở thành công-dân Mỹ nhưng vẫn còn giữ quốc-tịch Pháp. Thân tôi đang sống bên Mỹ nhưng hình như "I left my heart in Paris" rồi thì phải.


Tôi nhớ mỗi buổi sáng ra tiệm bánh mì ở dưới nhà, mua ổ ba-ghét (nhưng mười thương ?) mà về đến nhà, ô hô, ổ bánh đã trụi mất một phần ba, còn lại quết bơ ăn, nhâm nhi với cốc cà-phê thơm nóng. Sáng chủ-nhật thì rảo một vòng chợ lưu động ngoài trời, mua cá tươi, rau cỏ, trái cây, lẫn bước với mọi người chung quanh mà cảm thấy vui vui, cho dù tôi không quen ai. Tôi nhớ Quận 13, không to như Phúc-Lộc-Thọ bên Cali, không nhỏ như chợ Phila chúng tôi hay đi bên này, vừa đủ để muốn mua gì có nấy mà không cảm thấy ngốt người.
Tôi nhớ vườn Luxembourg (Việt-Nam mình lúc trước dịch là Lục-Xâm-Bảo, nghe như tên tài-tử Trung-Quốc) trời mùa hè, ngồi trên cái ghế sắt sơn mầu xanh lá cây xậm, tắm nắng, đọc sách, viết lách, nhìn người qua lại và trẻ con nô đùa. Không-gian, thời-gian như lơ lửng, êm đềm, trong một cái douceur de vivre mà người Ý còn gọi là dolce vita.


Tôi nhớ cà-phê quán vỉa hè
Nhin người đi bộ, kẻ đi xe
Nhớ sông Seine dưới cầu lững thững
Bụi đường,khói thuốc, mắt cay xè…


Nhưng nhắc đến Paris, tôi không thể quên những quán cà-phê, một đặc điểm của Âu-Châu nói chung (pubs bên Anh, Ái-Nhĩ-Lan, tavernes bên Đức…), của Paris nói riêng. Ở đây, quán cà-phê không phải chỉ là nơi ngồi nghỉ chân, uống nước mà còn là chốn gặp gỡ bạn bè và có thể nói là một ngôi nhà thứ hai. Sáng sớm ra ngồi uống cà-phê, ăn "croissant" trước khi đi làm, giờ ăn trưa, tạt vào gặm ổ bánh mì "jambon-beurre", lúc rảnh ra ngồi đọc báo, đọc sách, nhìn người qua lại,thanh thản.
Cái không khí này đặc biệt này, tôi không có đủ ý, đủ chữ để diễn tả nó, nhưng có lẽ phần đông người nghệ-sĩ (văn-sĩ, thi-sĩ, họa -sĩ, nhạc-sĩ jazz…) đều cảm nhận được. Người nghệ-sĩ đến Paris không đi thắng cảnh mà chỉ cần ngồi quán cà-phê hay đi lang thang những khu Quartier Latin, Montmartre, Montparnasse, Bastille và thậm chí, nghĩa-trang Père Lachaise. Văn-hào Ernest Hemingway đã sống bao năm ở Paris vì theo lời ông nói, Paris là "where the most interesting people lived", hay là ông nói đến cái gọi là « tình người » ?
Nhạc Việt-Nam chúng ta không thiếu gì bài nói về Paris : Ga Lyon đèn vàngParis có gì lạ không em ?... Tại sao vậy nhỉ ?


Linh hồn Paris, tôi không biết dẫn giải, tôi chỉ biết tôi yêu Paris, tôi nhớ Paris như một người tình, như một người bạn, như một người mẹ, như… ?

Tôi lại nhớ Paris rồi.

 
Yên Hà, ngày 18, tháng 2, năm 2011

4 comments:

  1. Nostalgie,quand tu nous tiens!

    Arthur

    ReplyDelete
  2. Chỉ nhớ Paris thôi à ???
    Thế còn Liège ? et la Meuse ? et la Batte ? et la rue des Augustins ?
    Blog của 2 bạn đẹp và dễ thương lắm. Cám ơn đã chia sẻ.
    Je vous félicite et vous souhaite "Bonne continuation"!
    M-N

    ReplyDelete
  3. Nhớ chứ, nhớ lắm chứ. Dù sao đi nữa, Lôi Kinh cũng vẫn là nơi tôi lưu lại nhiều kỷ niệm nhất của thuở hồn nhiên một anh chàng "trai tơ". Nhưng đây là kỷ niệm êm đềm, mộc mạc, chứ không phải nỗi nhớ tha thiết, ray rứt như tôi có thể nhớ Paris.
    Cám ơn bạn đã đọc và xin bạn đón đọc bài sẽ được đăng kế tiếp : Liège, Còn một chút gì để nhớ ?
    Thân mến
    Yên Hà

    ReplyDelete
  4. "Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ" …
    và hình như cũng nhầm cả hành tinh hay sao ấy !
    Bạn có để ý rằng rất đông SVVN du học thời 70, nhất là những người đến xứ Bỉ lần đầu tiên, sau đó đã di chuyển chỗ ở…trên khắp hoàn cầu, không ?
    Đến nơi nào dừng chân cũng tưởng là đã chọn xong “nơi này làm quê hương” nhưng rút cuộc vẫn tiếp tục “kiếp tha hương”.
    Pour ceux-là, le Cahier de Souvenirs doit être volumineux n’est-ce pas, surtout si … « un souvenir heureux est peut-être sur terre plus vrai que le bonheur »

    M-N

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.