UA-83376712-1

Labels

Jun 4, 2016

Con Rồng Cháu Tiên (5) : Nhà Tiền Lý và Bắc-thuộc lần thứ 3

    Đại-cương
1.Thượng-cổ thời-đại
1.1 Họ Hồng Bàng
1.2 Nhà Thục
1.3 Nhà Triệu

2. Bắc thuộc thời đại
2.1 Bắc thuộc lần thứ 1 - Trưng Vương
2.2 Bắc thuộc lần thứ 2 - Bà Triệu

./.

2.3 Nhà Tiền Lý (544 - 602)

2.3.1 Lý Nam Đế (544-548)
Năm Tân Dậu (541), đời vua Vũ Đế nhà Lương, ở huyện Thái Bình có một người tên là Lý Bôn, có người gọi là Lý Bí, vốn dòng dõi người Tàu, tổ tiên ở đời Tây Hán phải tránh loạn chạy sang Giao Châu, đến bấy giờ là bảy đời, thành ra người bản xứ.
Lý Bôn, tài kiêm văn võ, thấy nước mình, trong thì quan lại Tàu làm khổ, ngoài thì người Lâm Ấp (một vương quốc sau này mang tên Chiêm Thành/Chăm Pa, Panduranga, nay thuộc miền Trung Việt-Nam) cướp phá, bèn cùng với những người nghĩa dũng nổi lên, đánh đuổi Tiêu Tư về Tàu, rồi chiếm giữ lấy thành Long Biên.
Khi chiếm giữ được đất Giao Châu rồi, ông sửa sang mọi việc, định lập nghiệp lâu dài.
Năm Giáp Tí (544), ông Lý Bôn tự xưng là Nam Việt Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, niên hiệu là Thiên Đức.

Năm Ất Sửu (545) vua nhà Lương sai Dương Phiêu sang làm thứ sử Giao Châu, và sai Trần Bá Tiên đem quân sang đánh Nam Việt. Lý Nam Đế thua phải bỏ thành Long Biên chạy về giữ thành Gia Ninh (huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên). Sau đó, đánh mấy trận lại thua, Lý Nam Đế bèn giao binh quyền lại cho tả tướng quân Triệu Quang Phục chống nhau với quân nhà Lương rồi trở về Khuất Liêu.

2.3.2 Triệu Việt Vương (549-571)
Triệu Quang Phục đem quân chống cự với nhà Lương được ít lâu, rồi sau thấy thế quân Tàu còn mạnh, địch không nổi, bèn rút quân về Dạ Trạch. Dạ Trạch là chỗ đồng lầy, chung quanh cỏ mọc như rừng, ở giữa có bãi cát làm nhà ở được. Triệu Quang Phục vào ở đấy, ngày nấp ẩn, tối thì cho lính chở thuyền độc mộc ra đánh quân của Trần Bá Tiên, cướp lấy lương thực về nuôi quân sĩ. Trần Bá Tiên đánh mãi không được.
Người thời bấy giờ gọi Triệu Quang  Phục là Dạ Trạch Vương.

Năm Mậu Thìn (548) Lý Nam Đế ở trong Khuất Liêu phải bệnh mất, sang năm sau Triệu Quang Phục ở Dạ Trạch được tin ấy bèn xưng là Việt Vương.
Bấy giờ quân của Việt Vương đã sắp hết lương, mà mãi không phá được quân Tàu. May nhờ gặp lúc bên Tàu có loạn Hầu Cảnh, vua nhà Lương phải triệu Trần Bá Tiên về để người tì tướng là Dương Sân ở lại chống cự với Triệu Quang Phục. Quang Phục mới thừa thế đem quân ra đánh phá quân Tàu, rồi về lấy lại thành Long Biên.

2.3.3 Hậu Lý Nam Đế (571-602)
Khi Lý Nam Đế thất thế chạy về Khuất Liêu thì người anh họ là Lý Thiên Bảo cùng với người cùng họ là Lý Phật Tử đem quân chạy vào quận Cửu Chân, rồi bị quân nhà Lương đuổi đánh chạy sang Lào, đến đóng ở động Dã Năng, xưng là Đào Lang Vương, quốc hiệu là Dã Năng.

Năm Ất Hợi (555) là năm thứ 7 đời Triệu Việt Vương, Lý Thiên Bảo mất, không có con, binh quyền về cả Lý Phật Tử. Đến năm Đinh Sửu (557), Lý Phật Tử đem quân về chống với Triệu Việt Vương. Đánh nhau mấy trận không được, Phật Tử mới xin chia đất giảng hòa. Triệu Việt Vương nghĩ tình họ Lý, cũng thuận chia đất cho Lý Phật Tử.

Lý Phật Tử đóng ở Ô Diên (nay ở vào làng Đại Mỗ, thuộc huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông). Triệu Việt Vương đóng ở Long Biên, lấy bãi Quân Thần làm giới hạn (bãi ấy thuộc làng Thượng Các, huyện Từ Liêm). Triệu Việt Vương lại gả con gái cho Phật Tử để tỏ tình hòa hiếu với nhau. Nhưng Phật Tử vẫn có ý muốn thôn tính, bởi vậy bề ngoài tuy hòa hiếu, nhưng bề trong vẫn sửa soạn để đánh lấy Long Biên.

Năm Tân Mão (571), Phật Tử bất thình lình đem quân đánh Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương thua chạy đến sông Đại Nha (nay ở huyện Đại An, tỉnh Nam Định), nhảy xuống sông tự tận. Người ở đấy cảm nhớ Triệu Việt Vương, mới lập đền thờ ở chỗ sông Đại Nha. Nay còn có đền thờ ở làng Đại Bộ, gần huyện Đại An.
Lý Phật Tử lấy được  thành Long Biên rồi, xưng đế hiệu, đóng đô ở Phong Châu (thuộc huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên), sai Lý Đại Quyền giữ Long Biên và Lý Phổ Đỉnh giữ Ô Diên.

Trong khi Lý Phật Tử làm vua ở Nam Việt thì vua Văn Đế nhà Tùy đã gôm cả Nam Bắc, nhất thống nước Tàu. Đến năm Nhâm Tuất (602) vua nhà Tùy sai tướng là Lưu Phương đem quân 27 doanh sang đánh Nam Việt.
Lưu Phương sai người lấy lẽ họa phúc để dụ Lý Phật Tử về hàng. Hậu Lý Nam Đế sợ thế không địch nổi bèn xin về hàng.
Từ đấy đất Giao Châu lại bị nước Tàu cai trị 336 năm nữa.

2.4 Bắc Thuộc Lần Thứ Ba (603 - 939)
Trong giai-đoạn này, nước ta phải chịu ách cai trị ác nghiệt nhà Đường, lại bị giặc giã do các vương quốc Hoàn Vương (Lâm Ấp) và Nam Chiếu (vương quốc người Bạch và Di, nay thuộc Vân Nam, Trung Quốc) quấy nhiễu và cũng có những cuộc khởi-nghĩa dần dần đem lại tự-chủ cho dân-tộc.

2.4.1 Nhà Đường (618 - 907)

Năm Kỹ Mão (678), vua Cao Tông nhà Đường chia đất Giao Châu ra làm 12 châu, 59 huyện, và đặt tên An Nam đô hộ phủ.

Nước ta gọi là An Nam khởi đầu từ đấy.










Mười hai Châu thời nhà Đường là :

1.   Giao Châu          có 8 huyện (Hà Nội, Nam Định v. v.)
2.   Lục Châu            có 3 huyện (Quảng Yên, Lạng Sơn)
3.   Phúc Lộc Châu   có 3 huyện (Sơn Tây)
4.   Phong Châu        có 3 huyện (Sơn Tây)
5.   Thang Châu        có 3 huyện (?)
6.   Trường Châu      có 4 huyện (?)
7.   Chí Châu            có 7 huyện (?)
8.   Võ Nga Châu      có 7 huyện (?)
9.    An Châu        có 2 huyện (?)
10.  Ái Châu               có 6 huyện (Thanh Hóa)
11.  Hoan Châu          có 4 huyện (Nghệ An)
12.  Diên Châu           có 7 huyện (Nghệ An)

Khởi-nghĩa Mai Hắc Đế (722)
Năm Nhâm Tuất (722) là năm Khai Nguyên thứ 10 về đời vua Huyền Tông nhà Đường, ở Hoan Châu có một người tên là Mai Thúc Loan nổi lên chống cự với quân nhà Đường.

Mai Thúc Loan là người huyện Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bây giờ, mặt mũi đen sì, sức vóc khỏe mạnh, thấy quan nhà Đường làm nhiều điều tàn bạo, dân gian khổ sở, lại nhân lúc bấy giờ lắm giặc giã, ông ấy bèn chiêu mộ những người nghĩa dũng, rồi chiếm giữ lấy một chỗ ở đất Hoan Châu (nay thuộc huyện Nam Đường tỉnh Nghệ An) rồi xây thành đắp lũy, xưng hoàng đế, tục gọi là Hắc Đế.
Mai Hắc Đế lại kết hiếu với nước Lâm Ấp và nước Chân Lạp (Khmer) để làm ngoại viện.

Vua nhà Đường sai quan nội thị là Dương Tư Húc đem quân sang cùng với quan Đô Hộ là Quang Sở Khách đi đánh Mai Hắc Đế. Mai Hắc Đế thế yếu chống không nổi phải thua chạy, được ít lâu thì mất.
Nay ở núi Vệ Sơn huyện Nam Đường, tỉnh Nghệ An, còn có di tích thành cũ của vua Hắc Đế, và ở xã Hương Lãm, huyện Nam Đường còn có đền thờ.

Khởi-nghĩa Bố Cái Đại Vương (791)
Năm Tân Vị (791), quan Đô Hộ là Cao Chính Bình bắt dân đóng sưu thuế nặng quá, lòng dân oán hận. Bấy giờ ở quận Đường Lâm (bây giờ là làng Cam Lâm, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây) có người tên là Phùng Hưng nổi lên đem quân về phá phủ Đô Hộ. Cao Chính Bình lo sợ thành bệnh mà chết. Phùng Hưng mới chiếm giữ phủ thành, được mấy tháng thì mất. Quân sĩ lập con Phùng Hưng là Phùng An lên nối nghiệp. 

Dân ái mộ Phùng Hưng mới lập đền thờ và tôn lên làm Bố Cái Đại Vương, bởi vì ta gọi cha là bố, mẹ là cái, nghĩa là tôn Phùng Hưng lên làm cha mẹ.

Tháng 7 năm Tân Vị, vua nhà Đường sai Triệu Xương sang làm Đô Hộ. Phùng An liệu thế chống không nổi xin ra hàng.

Xứ Giao Châu mình tự đời nhà Hán cho đến đời Ngũ Quí vẫn là đất nội thuộc của Tàu, cho nên sự trị loạn bên Tàu cũng ảnh hưởng đến nước mình. Nhờ khi bên Tàu loạn lạc, người Tàu bận việc nước, thì bên Giao Châu cũng rục rịch tự lập được ba năm. Nhưng chỉ vì nước thì nhỏ, người thì ít, mà người trong nước lại không biết đồng tâm với nhau, không hiểu các lẽ hợp quần đoàn thể là thế nào, cho nên không thành công được.

2.4.2 Đời Ngũ Quí (907 - 959)
Năm Đinh Mão (907) nhà Đường mất ngôi, nhà Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu, tranh nhau làm vua. Mỗi nhà được mấy năm, gồm tất cả là 52 năm, gọi là đời Ngũ Quí hay là Ngũ Đại.
Mãi đến lúc này, Trung Hoa đại loạn, thời cơ mới thuận-tiện cho dân-tộc ta tiến đến tự-chủ.

Họ Khúc Dấy Nghiệp: Khúc Thừa Dụ (906 - 907)

Trước khi nhà Đường sắp mất ngôi độ mấy năm, thì bên Tàu loạn, giặc cướp nổi lên khắp cả mọi nơi. Uy quyền nhà vua không ra đến bên ngoài, thế lực ai mạnh thì người ấy xưng đế, xưng vương.
Ở Giao Châu, lúc bấy giờ có một người họ Khúc tên là Thừa Dụ, quê ở Hồng Châu (thuộc Hải Dương). Khúc Thừa Dụ vốn là một người hào phú trong xứ, mà tính lại khoan hòa, hay thương người, cho nên có nhiều người kính phục. Năm Bính Dần (906) đời vua Chiêu Tuyên nhà Đường, nhân khi trong châu có loạn, dân chúng cử ông ấy lên làm Tiết Độ Sứ để cai trị Giao Châu. Nhà Đường lúc bấy giờ suy nhược, thế không ngăn cấm được, cũng thuận cho ông ấy làm Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ và gia phong Đồng Bình Chương Sự.

Năm sau nhà Đường mất ngôi, nhà Hậu Lương phong cho Lưu Ẩn làm Nam Bình Vương, kiêm chức Tiết Độ Sứ Quảng Châu và Tĩnh Hải, có ý để lấy lại Giao Châu.
Khúc Thừa Dụ làm Tiết Độ Sứ được non một năm thì mất, giao quyền lại cho con là Khúc Hạo.

Khúc Hạo (907 - 917)
Khúc Hạo lên thay cha làm Tiết Độ Sứ, lập ra lộ, phủ, châu, xã ở các nơi, đặt quan lại, sửa sang việc thuế má, việc sưu dịch và lại cho con là Khúc Thừa Mỹ sang sứ bên Quảng Châu, tiếng là kết hiếu với nhau, nhưng cốt để dò thăm mọi việc hư thực.
Lưu Ẩn ở Quảng Châu đóng phủ trị ở Phiên Ngung được 4 năm thì mất. Em là Lưu Cung (trước gọi là Lưu Nham) lên thay. Được ít lâu nhân có việc bất bình với nhà Hậu Lương, Lưu Cung tự xưng đế, quốc hiệu là Đại Việt. Đến năm Đinh Sửu (947) cải quốc hiệu là Nam Hán.

Khúc Thừa Mỹ (917 - 923)
Năm Đinh Sửu (917) Khúc Hạo mất, truyền nghiệp lại cho con là Khúc Thừa Mỹ. Khúc Thừa Mỹ nhận chức Tiết Độ Sứ của nhà Lương, chứ không thần phục nhà Nam Hán. Vua nước Nam hán lấy sự ấy làm hiềm, đến năm Quí Mùi (923) sai tướng là Lý Khắc Chính đem quân sang đánh bắt được Khúc Thừa Mỹ, rồi sai Lý Tiến sang làm thứ sử cùng với Lý Khắc Chính giữ Giao Châu.

Dương Diên Nghệ và Kiểu Công Tiện (931 - 938)
Năm Tân Mão (931), Dương Diên Nghệ là tướng của Khúc Hạo ngày trước mới nổi lên, mộ quân đánh đuổi bọn Lý Khắc Chính và Lý Tiến đi, rồi tự xưng làm Tiết Độ Sứ. Được 6 năm, Dương Diên Nghệ bị người nha tướng là Kiểu Công Tiện giết đi mà cướp lấy quyền.

Ngô Quyền Phá Quân Nam Hán
Khi ấy có người tướng của Dương Diên Nghệ là Ngô Quyền cử binh đi đánh Kiểu Công Tiện để báo thù cho chúa.
Ngô Quyền là người làng Đường Lâm, cùng một làng với Phùng Hưng ngày trước (huyện Phú Thọ, tỉnh Sơn Tây) làm quan với Dương Diên Nghệ. Dương Diên Nghệ thấy người có tài trí mới gả con gái cho, và phong cho vào giữ Ái Châu (Thanh Hóa). Khi được tin Kiểu Công Tiện đã giết mất Dương Diên Nghệ, Ngô Quyền liền đem quân ra đánh.
Kiểu Công Tiện cho sang cầu cứu ở bên Nam Hán, Hán chủ cho thái tử là Hoằng Tháo đưa quân đi trước, mình tự dẫn quân đi tiếp ứng.

Khi quân Hoằng Tháo vào gần đến sông Bạch Đằng, thì bên này Ngô Quyền đã giết được Kiểu Công Tiện (938), rồi một mặt truyền lệnh cho quân sĩ phải hết sức phòng bị, một mặt sai người lấy gỗ cặp sắt nhọn, cắm ngầm ở dưới lòng sông Bạch Đằng, xong rồi chờ đến lúc nước thủy triều lên, cho quân ra khiêu chiến; quân Nam Hán đuổi theo, đến lúc nước xuống, Ngô Quyền hồi quân đánh ập lại, quân Nam Hán thua chạy, bao nhiêu thuyền mắc vào cộc gỗ thủng nát mất cả, người chết quá nửa, Hoằng Tháo bị Ngô Quyền bắt được, đem về giết đi.
Hán Chủ nghe tin ấy, khóc òa lên, rồi đem quân về Phiên Ngung, không dám sang quấy nhiểu nữa.

Ngô Quyền trong thì giết được nghịch thần, báo thù cho chủ, ngoài thì phá được cường địch, bảo toàn cho nước, thật là một người trung nghĩa lưu danh thiên cổ. Cũng nhờ có  Ngô Quyền, nước Nam ta mới cởi được ách Bắc thuộc hơn một nghìn năm, và mở đường cho Đinh, Lê, Lý, Trần, về sau này được tự chủ ở cõi Nam vậy.

Một kỷ-nguyên mới bắt đầu.

./.

 Xin mời đọc số sau : Ảnh-hưởng văn minh Tàu sau 1050 năm đô hộ


Yên Hà, tháng 6, 2016


Tài-liệu nguồn :
- Việt-Nam Sử-Lược (1919) : Lệ Thần Trần Trọng Kim



Nể vợ

                           Bài viết sau đây hoàn toàn xuất phát từ óc tưởng tượng của tác giả. 
                                Nếu bạn đọc có cảm thấy “nghe quen quen” thì tác giả không chịu 
                                trách-nhiệm về những sự trùng-hợp ngẫu-nhiên này.

Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống bếp, bếp sạch, ra vườn, vườn tươi.
Làm trai quyết chí tang bồng,
Sao cho tỏ mặt vợ mình mới cam.

Chuyện đàn ông-đàn bà hay chuyện vợ-chồng thì tự cổ chí kim, nói mãi không hết nhưng cũng phải có lúc mình đề-cập đến cái đề-tài nhạy cảm này.
Nể vợ, nhường vợ, chiều vợ, kính trọng vợ, … nói vòng vo tam-quốc thì vậy nhưng nói huỵch toẹt thì chỉ có hai chữ "Sợ vợ" và đại đa số đàn ông chúng ta đều mắc phải cái bệnh nan giải này cho nên nhân danh hội-trưởng Hội nể vợ quốc-tế, chi nhánh New Jersey, tôi xin được nhắc lại một vài điều căn-bản trong cẩm-nang các thành-viên chúng ta.

1. Hội Nể Vợ
(Chi nhánh bên Pháp còn có tên là “Les cheveux”. Những ông này hay sợ ma, hỏi "ma gì" thì mấy trả lời "Ma pham" (=ma femme = vợ tôi).
Hội chỉ nhận thành-viên trong đấng mày râu và nếu đã để râu thì râu phải quặp.
Hội này đông thành-viên lắm, cho dù một số râu quặp vẫn nhất định dùng bi-zăng-tin để vuốt nó ra phía trước hầu ra oai trước mặt bạn nhưng đàng sau lưng vợ.
Hội đôi khi còn được gọi là nghiệp-đoàn vì nể vợ là một cái nghiệp. Sinh ra từ cái hĩm, chết cũng vì cái hĩm, người đời gọi là “sinh nghề tử nghiệp”.

- Tinh thần và ý chí
Những nguyên-tắc chỉ-đạo trước hết nằm trong bản tuyên ngôn của Hội và cũng là lời bài Hội-ca dùng trước mỗi buổi họp:

Kính vợ đắc thọ , 
Sợ vợ sống lâu,
 
Nể vợ bớt ưu sầu
Để vợ lên đầu, là trường sinh bất tử
Đánh vợ nhừ tử, là đại nghịch bất đạo
Vợ hỏi mà nói xạo, là trời đất bất dung
Chê vợ lung tung, là ngậm máu phun người
Gặp vợ mà không cười, là có mắt không tròng
Để vợ phiền lòng, là tru di tam tộc
 
Vợ sai mà hằn hộc, là trời đánh thánh đâm
Vợ gọi mà ngậm câm, là lòng lang dạ sói
Để vợ nhịn đói, là tội nhân thiên cổ
Để vợ chịu khổ là bất tài vô dụng
Trốn vợ đi " ăn vụng", là ngũ mã phanh thây
Vợ hát mà khen hay, là anh hùng thức thời
 
Khen vợ hết lời, là thuận theo ý trời.
Sợ ít phải sợ nhiều lên
Sợ xanh cả mặt sợ mềm cả môi
Sợ đứng rồi lại sợ ngồi
Vợ sai phải dạ có tôi làm liền
Làm chồng phải biết ngoan hiền
Sợ vợ vợ mới cho tiền uống bia
Tiền lương lãnh đủ đem về
Quà cáp ai tặng đừng lia dọc đường
Làm chồng muốn được vợ thương
Ngoài lo tiền bạc chiếu giường cũng lo
Làm chồng muốn được ấm no
Việc gì quan trọng giao cho vợ nhà
Làm chồng khiêm tốn thật thà
Phải biết sợ vợ cửa nhà mới yên.

Tam đầu chế:
Nhất Vợ, nhì giời, ba mới đến tôi.
(Lưu ý : Vợ bao giờ cũng phải viết hoa, nhưng giời thì không cần)

Tam nguyên-tắc:
1. Vợ bao giờ cũng đúng
Có thể là vợ không đúng, nhưng vợ không thể sai.
2. Chồng bao giờ cũng sai
Ngược lại, có thể là chồng không sai nhưng chồng không thể đúng nếu không đồng quan-điểm với vợ.
3. Nếu có chút nghi-vấn, trở về nguyên tắc 1.
Tóm lại, đừng bao giờ cãi vợ, vô ích. Cho nên, theo nguyên-tắc này, không có chuyện “vợ chồng cãi nhau” mà chỉ có chuyện vợ trách chồng, giận chồng mà thôi.

Tam tòng:
Tại gia tòng mẫu, xuất giá tòng thê, thê tử tòng thiếp.

Ngũ giới:
Năm điều cấm kỵ là:
1. Gây tổn hại cho vợ, trên mặt thể xác hay tinh thần, nghĩa là không được đánh vợ hay làm vợ buồn.
2. Trộm tiền gia-đình để đi bao gái hay đi nhậu với bạn.
3. Nói dối vợ. Có tội phải tự mình ra đầu thú để được chút khoan hồng.
4. Tà dâm với người khác. Chỉ được ăn cơm, cấm ăn phở (nhưng nếu có ăn vụng thì phải biết chùi mép).
5. Say rượu, nghiện thuốc, nghiện cờ bạc.

- Tổ-chức và quản-lý gia-đình
Chính-thể mẫu-hệ chuyên-chế được áp dụng trong gia-đình.
Vợ đóng vai trò Tổng-thống kiêm Thủ-tướng kiêm Chủ-Tịch Thượng-Viện (Chủ-tịch nhà nước kiêm Tổng-Bí Thư kiêm Chủ-tịch Hội-đồng bộ-trưởng).
Vợ đứng đầu bộ Kinh-tế và Tài-chánh, đứng tên các ngân-khoản, quyết-định mọi chi-tiêu, lo sổ sách và ngân-quỹ gia-đình. Chồng muốn tiêu hơn số tiền đã qui-định (tuỳ mỗi gia-đình) phải được sự chấp-thuận của Bộ trưởng.
Vợ nắm bộ Tư Pháp, điều hành các vấn đề xét xử, vừa là chánh án, vừa là công tố viện, vừa là ban bồi-thẩm (jury) và còn thống lãnh bộ Nội Vụ và Tổng nha Cảnh Sát. 
Tóm lại, vợ ra luật, áp dụng luật, phán xét và xử phạt.

Chồng được làm tổng-trưởng 4 bộ quan-trọng: bộ Quốc-phòng (bảo vệ an-ninh gia-đình), bộ Lao-động (đi làm ở ngoài và lo những việc nặng nhọc trong nhà), bộ Chuyên-chở (đưa vợ đi xốp-pinh, đưa con đi học hay đi tập Tê-nít, đưa bố mẹ vợ đi bác-sĩ,…) và bộ Canh nông (vườn tược, cắt cỏ, trồng rau, hoa,…) nếu có.
Đôi khi, chồng còn được giao-phó vài vấn-đề ngoại-giao tuỳ theo bộ trưởng giao-phó.
Đối ngoại thì chồng muốn đi đâu một mình (như đi nhậu với bạn bè) phải được vợ phát thị-thực (visa) xuất cảnh và nhập cảnh. Đi về phải đúng giờ đã qui-định.
Những lĩnh-vực không qui-định trước thì do vợ định đoạt tuỳ trường-hợp.

Thôi, đôi chuyện đùa chút cho vui, tôi xin ngừng đây để chia sẻ cùng bạn đọc một vài cảm-nghĩ về vấn-đề này.

2. Một vài suy ngẫm
- Từ “Sợ chồng” đến “Sợ vợ”
Trở về nguyên-thuỷ, người đàn ông là phái mạnh, phận-sự là săn bắn, làm ruộng, đi làm đem tiền về nuôi gia-đình và bảo-vệ gia-đình.
Người đàn bà là phái yếu, bổn-phận là sinh con, đẻ cái, trông nhà, làm bếp nấu cơm, chăm lo cho chồng con, … 
Do đó, người đàn bà lệ-thuộc nơi người đàn ông và thuở xưa, các cụ cứ lo con gái mình mà không lấy chồng được là chỉ có … chết đói.
Người chồng, tuổi tác cũng hơn người vợ, đôi khi cả mười mấy tuổi, cho nên còn được xem như người anh, người cha phải kính nể.
Hơn nữa, mọi tôn-giáo đều do đàn ông viết luật nên phản ảnh hiện-tượng đó.
Bên Thiên Chúa giáo, trong Thánh kinh, có chuyện bà Eva, vì cãi lời Chúa nên bị phạt “Sẽ phải sinh con trong đau khổ, phải phục tòng chồng và chồng sẽ làm chủ ngươi suốt đời.
Giáo-lý Do thái khoan hồng với chế độ đa thê, người đàn ông có quyền bỏ vợ.
Bên Ấn-Độ, chế độ giai cấp caste dựa trên đức tin thần linh và lấy ranh giới phân chia là màu sắc chủng tộc. Trong mỗi giai cấp, lại phân biệt đàn ông là chúa, đàn bà là tôi.
Khổng-Tử thì giam hãm người đàn bà trong Tam Tòng (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử: ở nhà phải theo cha, đi lấy chồng phải 
theo chồng, chồng chết phải theo   con) và Tứ Đức (Công Dung Ngôn Hạnh).
Ngay cả trong Kinh Phật có chép đức Phật chia nữ giới làm bảy loại : ba loại dữ dằn, ba loại hiền lương, và loại cuối cùng đức Phật ưa chuộng là người nữ an phận trong nhà. Và sau ba lần từ chối thâu nhập đệ-tử nữ
, Phật đã phải chấp-thuận nhưng ngài cũng đặt ra một bổn điều kiện riêng biệt gọi là garudhamma gồm tám điểm người nữ tu phải tuân hành khi vào ni đoàn.
Kinh Koran của Hồi-giáo đối với đàn bà thì hoàn toàn không còn gì để nói nữa.
Nói tóm lại, từ xưa đến nay, trong mọi xã-hội, bất cứ nơi nào, “Trọng nam, khinh nữ” là phương-châm chính-yếu.

Cứ như thế, mãi đến đầu thế-kỷ 20, đàn bà Tây phương mới bắt đầu đứng lên đòi hỏi bình-đẳng. Ngay cả bên Hoa Kỳ, xứ của Tự-Do, đến năm 1920, người đàn bà mới được quyền đi bầu với 19th amendment (tu chính án?) trong khi nô-lệ đã bị bác bỏ từ 1865 qua 13th amendment
Năm 1977, “Ngày Đàn bà quốc-tế” (International Women’s Day) đã được Liên Hiệp Quốc định vào ngày 8 tháng 3 mỗi năm.
Dần dần, người đàn bà, nơi các xứ gọi là văn-minh, cũng được đi học, đi làm kiếm tiền, cũng biết lái xe, cũng biết tự bảo-vệ (ít nhất bởi luật-pháp), … Đàn bà không còn lệ-thuộc và không còn phải “sợ” đàn ông.
Ngày nay, đàn bà lãnh đạo cả một quốc-gia hay một công-ty lớn không còn là hiếm.
Văn-minh đã “giải phóng” (emancipate) đàn bà tuy rằng vẫn còn một vài địa-hạt đàn bà còn chút thiệt-thòi như đồng lương so với đàn ông làm 
cùng một công việc.
Dĩ nhiên, trong những nước nghèo (như Phi-Châu, Nam Mỹ, Á Châu, …) hay những nước còn nặng truyền-thống phong-kiến (như Á Châu, Ấn Độ, …) hay tôn-giáo (như những nước theo Hồi-giáo), cuộc tranh-đấu của đàn bà chưa vẹn toàn.

Đàn bà không còn sợ đàn ông và “thừa thắng xông lên” để “đảo chính” chế-độ độc-tài của đàn ông, và bổn-phận và quyền-lợi đôi bên đã được xét lại kỹ càng hơn. Người đàn ông dần dần phải tập lo công-việc nhà, rửa bát, giặt giũ, dọn dẹp, thức dậy giữa ban đêm thay tã cho con, ... 
Trên giấy tờ, đàn ông vẫn được mang danh “chủ gia-đình” nhưng phần lớn chỉ là chút hư danh để giữ thể-diên cho phái mạnh. 
Chạnh nhớ ngày tàn của đế-quốc La Mã. Ôi, thời oanh-liệt nay còn đâu ? 

Buồn cho thân-phận mình sinh nhầm thế-kỷ. (Thở dài).

- “Nhường vợ” hay “Sợ vợ” ?
Tại sao đàn ông thường hay “nể” vợ ? Tôi xin được ghi lại nơi đây một vài cảm-nghĩ thâu thập trên Mạng cũng như qua những lúc bàn-luận với bạn bè (cả nam, lẫn nữ). Đúng hay sai, tôi không có ý-kiến dứt khoát, xin đừng bắn người đưa tin.

Trong buổi lễ cưới, người đàn ông và người đàn bà cam kết sống chung với nhau, bảo vệ lẫn nhau, nhường nhịn lẫn nhau (chiếc “nhẫn” cưới là để nhắc nhở hai chữ nhẫn nhịn ?)… 
Hai người sống chung với nhau, dĩ nhiên phải có lúc bất đồng ý-kiến, mà nếu không ai chịu nhường ai thì trước sau gì cũng phải chia tay.
Vợ chồng phải nhường nhịn lẫn nhau nhưng chồng phải nhường vợ nhiều hơn. Vì sao?
- Phái mạnh mà bắt nạt phái yếu là hèn, không đáng mặt nam-nhi đại trượng-phu. Oai-nghiêm như tổng-thống một nước hay huyền đai thái-cực đạo về nhà cũng nên nể vợ ;
- Phái đẹp là một bông hoa cần được chiêm-ngưỡng, nâng niu và chiều chuộng (nếu không, tối đến, nàng cứ kêu nhức đầu thì chán lắm). Lịch-sử đã chứng-minh anh hùng nào cũng phải lụy vì son phấn và nước mắt của giai-nhân (cũng may mà hai vũ khí chết người này không thể dùng cùng một lúc) ;
- Vợ là nồi cơm nên vợ mà giận thì chỉ có mì gói mà ăn (dĩ nhiên, phở thì thơm ngon nhưng cơm nhà chắc bụng hơn nhiều) ;
- Mất vợ là “mất" con cái. Người bố nào thương xót con cũng cố gắng tránh phải đến giải-pháp cuối cùng là ly dị vợ ;
- Tâm-lý đàn bà nói chung thường phức-tạp hơn đàn ông nhiều. Đàn bà không dùng lý trí như đàn ông mà phản-ứng với xúc-cảm mình, nên khi bất đồng ý kiến, đàn ông-đàn bà khó thông hiểu nhau (ông nói gà, bà nói vịt là vậy).
Đàn bà thích được chiều, được khen và thích làm nũng. Cãi nhau đôi khi cũng là cơ-hội để được chồng xuống nước năn nỉ.
Ngoài ra, đàn bà thường hay trách chồng nhưng không thích chấp-nhận mình sai (?)

Nhưng đối với riêng tôi, nếu mình yêu được một người vợ « tốt » cũng yêu mình và nếu hạnh-phúc gia-đình là điều quan-trọng nhất trong đời, nhất là lúc về già, thì không có gì đáng để cho mình đánh mất nguồn hạnh-phúc đó. Tự-ái không còn là nhất thiết.
Phương-trình chỉ giản-dị như vậy. Cứ so sánh những gì mình có với những gì mình mất thì câu trả lời sẽ rõ ràng thôi. Không biết các bác giai (và cả các bác gái) nghĩ sao ?

Thôi thì hồn ai nấy giữ, đèn nhà ai nhà nấy rạng, vợ ai nấy « nể » (hay không nể). Vậy nhé !


Yên Hà, tháng 6, 2016

Entre nous

Entre nous
một bài hát dễ thương do Rick Allison sáng tác, 
Thanh Tuyền trình bày và đệm nhạc

Xin mời bấm vào link
https://youtu.be/aFv1w7CrcjE


Điệu ru nước mắt

 Điệu ru nước mắt
một bài hát thật bluesy, 
Ngọc Phú trình bày, Thanh Tuyền đệm nhạc

Xin mời bấm vào link
https://youtu.be/64Mf9oDSGWM


Điệu ru nước mắt là tựa-đề một cuốn tiểu-thuyết loại "xã-hội đen" của nhà văn Duyên Anh (tên thật là Vũ Mộng Long) viết năm 1965. 

Truyện hư cấu dựa trên cuộc đời của trùm du-đãng Đại Cathay (Trần Đại là tên nhân-vật trong truyện) thời bấy giờ đã từng làm hai ông tướng Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Ngọc Loan điên đầu.





Năm 1971, Lê Hoàng Hoa là đạo diễn bộ phim Điệu ru nước mắt, do hãng Liên Ảnh thực-hiện. 
Phim quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng như: Trần Quang, Hùng Cường, Thiên Trang, Ngọc Phu, Cẩm Hồng, Tâm Phan, Minh Long, Trần Hoàng Ngữ, ... cố vấn võ thuật là võ sư Quỳnh Kỳ.




Nhạc-phẩm viết riêng cho phim này do Vũ Lai và Anh sơn sáng tác.

One day in Milano, Italy (Photos)


One day in Milano, Italy
Photos by Phu TRAN, November 2015

Please Ctrl and click on the link
https://youtu.be/eZIojavMAHQ

Enjoy