UA-83376712-1

Labels

Apr 27, 2016

Con Rồng Cháu Tiên (4) : Thời-đại Bắc-thuộc



1. Thời-đại thượng-cổ
1.1 Kỷ Hồng Bàng thị (2879-258 trước Tây-lịch)
1.2 Kỷ nhà Thục (257-207 trước Tây-lịch)
1.3 Kỷ nhà Triệu (207-111 trước Tây-lịch)

./.

2. Thời-Đại Bắc-Thuộc
(111 tr. Tây-lịch - 931 sau Tây-lịch)
2.1 Bắc-Thuộc lần thứ 1
(111 tr. Tây-lịch - 39 sau Tây-lịch)
Năm canh ngọ (111 tr. Tây-lịch) vua Vũ-đế nhà Hán sai Lộ-Bác-Đức và Dương Bộc sang đánh nhà Triệu, lấy nước Nam-việt rồi cải là Giao-chỉ-bộ, và chia ra làm 9 quận :

Nam-hải:         (Quảng-đông)
Thương-ngô:   (Quảng-tây)
Uất-lâm:          (Quảng-tây)
Hợp-phố:         (Bắc Việt và mấy tỉnh ở phía Bắc Trung-Việt)
Giao-chỉ:          (Bắc Việt và mấy tỉnh ở phía Bắc Trung-Việt)
Cửu-chân:       (Bắc Việt và mấy tỉnh ở phía Bắc Trung-Việt)
Nhật-nam:       (Bắc Việt và mấy tỉnh ở phía Bắc Trung-Việt)
Châu-nhai:      (đảo Hải-nam)
Đạm-nhĩ:         (đảo Hải-nam)

Mỗi quận có quan thái-thú cai-trị trong quận và lại có quan thứ-sử để giám sát các quận.
Về đầu thế-kỷ đệ nhất có hai người sang làm thái-thú trị dân có nhân-chính:
Tích Quang sang làm thái-thú quận Giao-chỉ từ đời vua Bình-đế nhà Tây Hán, vào quãng năm thứ hai, thứ ba về thế kỷ đệ nhất. Người hết lòng lo việc khai-hóa, dạy dân lấy điều lễ-nghĩa, cho nên dân trong quận có nhiều người kính phục.
Nhâm Diên ở Cửu-chân được 4 năm thì được thăng chức về Tàu đi làm quan chỗ khác. Dân-sự quận ấy ái-mộ Nhâm Diên, làm đền thờ. Có người vì được nhờ quan thái-thú cho nên sau sinh con ra, lấy tên Nhâm mà đặt tên cho con để tỏ lòng biết ơn.

TRƯNG-VƯƠNG (40-43)
Năm giáp-ngọ (34) là năm Kiến-võ thứ 10, Quang-vũ Đế sai Tô Định sang làm thái thú quận Giao-chỉ.
Tô Định là người bạo ngược, chính trị tàn ác, người Giao-chỉ đã có lòng oán giận lắm. Năm canh-tí (40) người ấy lại giết Thi Sách người ở quận Châu-Diên (phủ Vĩnh Tường, trước thuộc về Sơn Tây).
Vợ Thi Sách là Trưng-Trắc, con gái quan lạc tướng ở huyện Mê-Linh (làng Hạ-Lôi, huyện Yên-Lãng, tỉnh Phúc-Yên) cùng với em gái là Trưng-Nhị, nổi lên đem quân về đánh Tô Định. Bọn Tô Định phải chạy trốn về quận Nam Hải.
Lúc bấy giờ những quận Cửu-chân, Nhật-nam và Hợp-phố cũng nổi lên theo về với hai bà Trưng-Thị. Chẳng bao lâu quân hai bà hạ được 65 thành-trì. Hai bà bèn tự xưng làm vua, đóng đô ở Mê-linh, là chỗ quê nhà.

Năm tân-sửu (41) vua Quang-vũ sai Mã Viện làm Phục-ba tướng-quân, Lưu Long làm phó tướng cùng với quan Lâu-Thuyền tướng quân là Đoàn Chí sang đánh Trưng-vương.
Mã Viện là một danh-tướng nhà Đông-Hán, lúc bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn còn mạnh, đem quân đi men bờ để phá rừng đào núi làm đường sang đến Lãng-bạc, gặp quân Trưng-Vương, hai bên đánh nhau mấy trận. Quân Trưng-vưng là quân ô-hợp không đương nổi quân Mã Viện đã từng đánh giặc nhiều phen. Hai bà rút quân về đóng ở Cẩm-Khê (phủ Vĩnh- Tường, tỉnh Vĩnh-Yên). Mã Viện tiến quân lên đánh, quân hai bà vỡ tan cả. Hai bà chạy về đến xã Hát-Môn, thuộc huyện Phúc-Lộc (nay là huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn-Tây), thế bức quá, bèn gia mình xuống sông Hát-giang (chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng-hà) mà tự tận. Bấy giờ là ngày mồng 6 tháng  2 năm quí-mão (43).

Hai bà họ Trưng làm vua được 3 năm, nhưng lấy cái tài-trí người đàn bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng đủ để cái tiếng thơm về muôn đời. Đến ngày nay có nhiều nơi lập đền thờ hai bà để ghi-tạc cái danh-tiếng hai người nữ anh-hùng nước Việt-nam ta.

Sử-gia Lê văn Hưu nói rằng: "Trung Trắc, Trưng Nhị là đàn bà nổi tiếng đánh lấy được 65 thành trì, lập quốc xưng vương dễ như giở bàn tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô hơn một nghìn năm, người mình cứ cúi đầu bó tay làm tôi-tớ người Tàu, mà không biết xấu-hổ với hai người đàn-bà họ Trưng!"

2.2 Bắc-Thuộc Lần Thứ 2
(43-544)
Mã Viện đánh được Trưng- vương đem đất Giao-chỉ về thuộc nhà Hán như củ, rồi chỉnh đốn binh lương, đem quân đi đánh dẹp các nơi, đi đến đâu xây thành đắp lũy đến đấy và biến cải mọi cách chính trị trong các châu quận. Đem phủ-trị về đóng Mê-Linh và dựng cây đồng trụ ở chỗ phân địa giới, khắc sáu chữ: "Đồng trụ chiết, Giao-chỉ diệt." Nghĩa là cây trụ đồng mà đổ thì người Giao-chỉ mất nòi.
Sử chép rằng người Giao-chỉ đi qua lại chỗ ấy, ai cũng bỏ vào chân cột đồng một hòn đá, cho nên về sau chỗ ấy thành ra núi, phủ mất cả, đến bây giờ không biết cột ấy ở chỗ nào.

Từ đó chính-trị nhà Đông Hán càng ngày càng ngặt thêm, mà những quan-lại sang cai-trị Giao-chỉ thường có lắm người tàn-ác, tham nhũng, bắt dân lên rừng xuống bể để tìm những châu-báu. Dân ở quận Hợp-Phố cứ phải xuống bể mò ngọc trai khổ quá, đến nổi phải bỏ xứ mà đi. (Thành-ngữ "Hợp Phố châu hoàn" / "Châu về Hợp-Phố" cũng từ đây mà ra và ý nghĩa là: Những cái quý giá không thể mất đi được, trước sau cũng quay về với chủ nó).
Triều đình thì xa, quan-lại ra cai-trị thì tha hồ mà tung-hoành, tiếng oan-ức kêu không thấu vào đâu, cho nên thường hay có sự loạn-lạc, làm cho dân-gian phải nhiều sự khổ-sở.

Sĩ Nhiếp (187-226)

Về cuối đời nhà Đông-Hán, giặc cướp nổi lên khắp cả bốn phương, triều-đình không có uy-quyền ra đến ngoài, thiên-hạ chỗ nào cũng có loạn. Đất Giao-chỉ bấy giờ nhờ có quan thái- thú là Sĩ Nhiếp cùng với anh em chia nhau giữ các quận huyện, cho nên mới được yên.

Năm quí-mùi (203) là năm thứ 3 đời vua Hiến-đế, quan Thứ-sử là Trương Tân cùng với quan Thái-thú Sĩ Nhiếp dâng sớ xin cải Giao-chỉ làm Giao-Châu. Vua nhà Hán thuận cho. Sau vì trong châu có lắm giặc-giã, Sĩ Nhiếp mới tâu xin vua nhà Hán cho mấy anh em làm Thái-thú quận Cửu- Chân, quận Hợp Phố và quận Nam-Hải. Sĩ Nhiếp giữ được đất Giao-châu khỏi loạn và vẫn giữ lệ triều cống như cũ, cho nên vua Hiến-đế lại phong cho chức An-viễn tướng quân Long-độ đình-hầu. Sĩ Nhiếp trị dân có phép tắc, và lại chăm sự dạy bảo dân cho nên lòng người cảm-mộ công-đức, mới gọi tôn lên là Sĩ-vương.

Thời Tam Quốc
Nhà Đông-Hán mất ngôi thì nước Tàu phân ra làm ba nước : Bắc-Ngụy (Tào Tháo), Tây-Thục (Lưu Bị), Đông-Ngô (Tôn Quyền). Đất Giao-Châu bấy giờ thuộc về Đông-Ngô.
Sĩ Nhiếp ở Giao-châu được 40 năm, tuy có uy-quyền ở cõi Giao- châu, nhưng vẫn theo lệ triều cống nhà Hán, và đến khi nhà Hán mất thì lại triều cống nhà Ngô.

Bà Triệu (Triệu Thị Chinh)
Năm mậu-thìn (248)  là năm xích-ô thứ 11 nhà Đông ngô, Ngô chủ sai Lục Dậu sang làm thứ-sử Giao-châu.
Năm ấy ở quận Cửu-chân có người đàn bà tên là Triệu Thị Chinh khởi binh đánh nhà Ngô.
Sử ta chép rằng bà Triệu (=Triêu Ẩu) là người huyện Nông-cống bấy giờ. Thuở nhỏ cha mẹ mất cả, ở với anh là Triệu quốc Đạt, đến độ 20 tuổi gặp phải người chị dâu ác nghiệt, bà ấy giết đi rồi vào ở trong núi. Bà ấy là một người có sức mạnh, lại có chí-khí và lắm mưu-lược. Khi vào ở trong núi, chiêu mộ hơn 1000 tráng sĩ để làm thủ hạ. Anh thấy thế mới can bà, thì bà bảo rằng: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng-kình ở bể đông chứ không thèm bắt-chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì-thiếp người ta."

Năm mậu-thìn (248) vì quan-lại nhà Ngô tàn-ác, dân-gian khổ-sở, Triệu quốc Đạt mới khởi binh đánh quận Cửu-chân. Bà đem quân ra đánh giúp anh, quân sĩ của Triệu quốc Đạt thấy bà làm tướng có can đảm, bèn  tôn lên làm chủ. Khi bà ra trận thì cưỡi voi và mặc áo giáp vàng là Nhụy-kiều tướng-quân.
Thứ sử Giao-châu là Lục Dận đem quân đi đánh, bà chống nhau với nhà Ngô được năm sáu tháng. Nhưng vì quân ít thế cô, đánh mãi phải thua, bà đem quân chạy đến xã Bồ-điền thì tự-tử. Bấy giờ mới 23 tuổi.
Về sau vua Nam Đế nhà Tiền-Lý, khen là người trung-dũng sai lập miếu thờ, phong là: "Bất chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu-nhân". Nay ở xã Phú-điền, tỉnh Thanh-Hóa còn đền thờ.

Nhà Tấn (256-420)
Năm ất dậu (256), nhà Tấn cướp ngôi nhà Ngụy, rồi sai quan sang giữ Giao-Châu (lúc bấy giờ gồm Hợp-phố, Giao-chỉ, Cửu-chân và Nhật-nam). Nhà Ngô sai Đào Hoàng sang lấy lại. Đào Hoàng được phong là Giao-châu mục. Năm canh tí (280) nhà Ngô mất nước. Đào Hoàng về hàng nhà Tấn, được giữ chức cũ. Đất Giao-châu từ đó thuộc về nhà Tấn.

Những quan lại sang cai-trị cũng như quan lại đời nhà Hán, nhà Ngô, thỉnh thoảng mới gặp được một vài người nhân từ tử tế, thì dân gian mới được yên ổn, còn thì là những người tham lam, độc-ác, làm cho nhân dân phải lầm than khổ sở. Cũng lắm khi bọn quan lại có những người phản nghịch đánh giết lẫn nhau, làm cho trong nước cứ phải loạn lạc luôn.

Nam Bắc-Triều (420-588)
Năm canh thân (420), Lưu Dụ cướp ngôi nhà Đông Tấn, lập ra nhà Tống ở phía Nam. Lúc bấy giờ ở phía Bắc thì nhà Ngụy gồm được cả nước Lương, nước Yên, nước Hạ. Nước Tàu phân ra làm Nam-Triều và Bắc Triều. Bắc Triều thì có nhà Ngụy, nhà Tề, nhà Chu nối nhau làm vua; Nam-Triều thì có nhà Tống, nhà Tề, nhà Lương và nhà Trần kế nghiệp trị-vì.

Trong đời Nam Bắc Triều, đất Giao-châu vẫn không được mấy khi yên ổn, vì quan Tàu sang cai-trị có nhiều người thấy bên Tàu loạn, cũng muốn tìm cách để độc-lập, bởi vậy quan lại cứ giết lẫn nhau.

Đời nhà Lương lại sai Tiêu-Tư sang làm thứ sử Giao-châu. Tiêu Tư là một người tàn bạo, làm cho lòng người ai cũng oán giận. Bởi vậy ông Lý Bôn mới có cơ hội mà nổi lên, lập ra nhà Tiền Lý, một thời thoát khỏi ách đô-hộ Tàu.


./.


Yên Hà, tháng 4, 2016

Tài-liệu nguồn :
- Việt-Nam Sử-Lược (1919) : Lệ Thần Trần Trọng Kim






Đi tìm Tự Do (Nguyên bản)



Giã-từ Sài-Gòn
Tân Sơn Nhất, tháng Tư …
Phi trường ngày hôm ấy đông như kiến. Đứng bên cạnh chị, tôi đảo mắt nhìn dáo dác chung quanh, mong tìm được một vài khuôn mặt quen thuộc trong đám đông. Người người nói chuyện, thỉnh thoảng vang lên những tiếng cười đùa rầm rộ. Tuy ồn ào thế, họ vẫn không che giấu được niềm lo âu suy tư trong ánh mắt. Hằng ngàn câu hỏi chắc luẩn quẩn trong tâm trí mỗi người: Đã vào đến phi trường rồi, bước kế tiếp là gì? Chúng ta có thể thoát không ? Chúng ta sẽ trôi dạt về đâu ? Gia đình chúng ta sẽ ra sao ?
Tôi nhớ đến Bố Mẹ, muốn điện thoại về, nhưng không có phương tiện.
- Em, họ gọi mình kìa ! , tiếng nói của chị đánh thức tỉnh tôi. Chúng tôi đi về phía bàn ghi danh.
Cánh cửa sau đuôi chiếc tàu bay quân đội to lớn đã được mở rộng, như để đón chào tất cả mọi người. Lòng tôi hoang mang vui buồn lẫn lộn, nửa tiếc nuối không muốn rời, nửa thở phào nhẹ nhõm sắp thoát khỏi cơn nguy chiến tranh.
Anh lính Mỹ mỉm cười, nói : - Chúc chị em cô thượng lộ bình an và may mắn.

Tôi quay lại, một lần nữa, nhìn những người khác đang chờ đến lượt mình. Tôi rưng rưng nước mắt, không biết tại sao tôi lại khóc ? Vì tôi biết tôi sẽ được thở bầu không khí tự do, sau bao nhiêu tháng khắc khoải vô hy vọng ? Hay vì tôi lo sợ, không biết số phận của Bố Mẹ, đứa em và cháu trai còn ở lại sẽ ra sao ?
“Xin giã từ Saigon ! Xin vĩnh biệt nước Việt Nam yêu quí ! Xin Trời Phật phù hộ cho xứ sở chúng tôi ! “

Ngồi bệt dưới đất trong lòng chiếc tàu bay, tôi cảm thấy đau lưng. Tôi đứng dậy, vươn vai duỗi chân tay. Đi về phía chỗ Mark ngồi, tôi hỏi:
- Bao nhiêu lâu nữa thì chúng ta đến đảo gì nhỉ ? 
- Cô muốn nói đảo Guam ? Ồ, còn mười mấy tiếng nữa kia. Cô cảm thấy sao? khỏe chứ? Mark hỏi.
- Bình thường vậy thôi. Một lần nữa, cám ơn anh đã dắt theo chị em tôi.
- Đừng cám ơn tôi, hãy cám ơn Thượng Đế kìa, Mark khẽ trả lời, và ôm tôi nhẹ vào lòng.
Tôi nhắm mắt lại, nước mắt lại tuôn ra. Trang, người bạn gái của Mark, nắm tay tôi, lay nhè nhẹ và gật đầu, như tỏ ý hiểu và thông cảm những gì tôi đang trải qua trong lòng. Tôi liếc nhìn gia đình của Trang, thèm thuồng sự may mắn của họ. Tất cả 12 người trong gia đình Trang đã được Mark bảo trợ và dẫn đi, trong khi đó, gia đình tôi….
Tôi trở về chỗ mình, ngồi bệt xuống bên cạnh chị. Xà vào lòng chị, tôi òa lên khóc:
- Em nhớ Bố Mẹ quá chị ơi, em sợ không biết Bố Mẹ sẽ ra sao... Em nhớ tất cả mọi thứ, nhớ nhà, nhớ con chó Bono, nhớ cả con mèo vàng Minet nữa..Em muốn về nhà..
 - Đừng khóc nữa em, Trời Phật sẽ phù hộ cho gia đình mình mà ! , chị khẽ vuốt tóc tôi.
Tôi ngước mặt lên, nhìn chị. Chị không khóc như tôi, chị ít khi bộc lộ tình cảm, nhưng qua giọng nói run run của chị, tôi biết, sâu trong lòng, chị cũng lo sợ và buồn lắm.
Vòng tay ấm áp yêu thương của chị làm dịu bớt nỗi đau đang dày xé trong lòng tôi. Tôi nhắm mắt lại, mường tượng lại những ngày tháng vừa qua ở nhà...

Duyên văn-nghệ
Saigon lúc ấy đã không còn là Saigon vui nhộn tấp nập của những năm trước nữa. Cả thành phố đượm một màu ảm đạm, bóng người lác đác. Nét mặt ai ai cũng lộ vẻ buồn phiền lo sợ.
Định từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, màn giới nghiêm đã phủ lên thành phố một vẻ đìu hiu hoang vắng.
Gia đình tôi lúc ấy cũng không khá gì hơn. Bố tôi vẫn đi làm, nhưng mỗi ngày về sớm hơn thường lệ. Vừa về đến nhà, Bố lẳng lặng ngồi xem tin tức thời sự trên đài truyền hình, rồi lại thở dài sườn sượt. Thỉnh thoảng thấy Bố vào phòng và đóng cửa lại, dường như nói điện thoại với ai đó.
Mẹ cũng trở nên ít nói. Mẹ vẫn lo cơm nước đầy đủ hằng ngày. Một thoáng ưu phiền đã hiện trên đôi mắt Mẹ. Những bữa cơm sau này thiếu tiếng cười đùa, thiếu tiếng mắng yêu của Mẹ đã không còn ngon miệng nữa.
Chị tôi, ngoài việc giúp Mẹ bếp núc mỗi ngày, cũng chỉ loay hoay ra vào với những thứ lặt vặt trong nhà. Chị phải từ bỏ công việc làm trong phi trường hàng không Việt Nam tại vùng Cao Nguyên đất lạnh, và từ bỏ luôn cả căn nhà êm ấm để về tụ họp với gia đình trong thời gian khó khăn này.
Còn tôi lúc ấy thì quả thật vô dụng. Không những vô dụng, còn bỏ dở luôn cả hai năm học tại Đại Học Văn Khoa. Thật ra, tôi có muốn tiếp tục đi học cũng không được. Trường lúc ấy vắng tanh, bạn bè biến đâu cả, thày giáo lúc thì có mặt, lúc không. Tôi ở nhà buồn bực quá, không biết làm gì, chỉ bám vào một sinh hoạt duy nhất : Văn nghệ.

Phòng trà khách sạn The Krazy Korner tại đường Hai Bà Trưng vẫn mở cửa hoạt động mỗi tối thứ Sáu, Bảy và Chủ Nhật.
Vì giờ giới nghiêm đã định, ông Bobby, chủ nhà hàng khách sạn, và cũng là ông Bầu của ban ca nhạc chúng tôi, đã dành cho tất cả hội viên và khách hàng quen thuộc đến nghe nhạc, mỗi người một phòng để cư ngụ qua đêm. Và cũng vì thế, tôi gặp gỡ và quen biết Mark.
Một đêm thứ Sáu, anh bồi bàn đến trao cho tôi một mảnh giấy, vỏn vẹn vài chữ : “ Giờ giải lao, xin gặp tôi nói chuyện, Mark “. Anh bồi chỉ tay vào góc trái của sân khấu, chỗ Mark thường ngồi. Tuy chưa hề quen biết nhau, tôi nhận ra Mark là một khách hàng quen thuộc của hợp đêm. Mark đến dường như mỗi tuần, vẫn chỉ ngồi trong góc đó, và lặng lẽ thưởng thức nhạc.
Tôi đi về phía Mark, trong bụng thắc mắc không biết anh ta muốn gặp tôi có chuyện gì.
- Mark ? tôi nghiêng đầu hỏi.
Anh ta đứng dậy, chìa tay bắt tay tôi.
- Cô uống gì không ? Mark lễ phép hỏi tôi, và kéo ghế mời tôi ngồi.
Tôi quan sát Mark, tóc vàng, ngắn gọn, mắt xanh, tầm vóc bình thường, áo sơ mi trắng, quần tây sậm, trông khá lịch sự, đứng đắn. Sau vài câu hỏi thăm xã giao, Mark đi thẳng ngay vào vấn đề.
- Tôi đang chuẩn bị đưa một số người Việt Nam sang Mỹ. Còn một chỗ dư trong nhóm. Cô muốn đi cùng chăng ?
Câu hỏi quá bất ngờ của Mark làm tôi ngạc nhiên sững sờ, há hốc miệng, tưởng mình nghe nhầm.
Tôi lắp bắp - Anh…anh nói gì ? 
Mark chậm rãi lập lại câu hỏi.
Giọng tôi run lên : - Anh đợi tôi chút nhé ? 
Tôi chạy ù lên phòng. Ngước nhìn đồng hồ trên tường, đã gần 11:30 đêm. Biết rằng Bố Mẹ vẫn còn thức, tôi điện thoại ngay về báo tin.
- Hãy nhận lời đi, đừng để lỡ dịp tốt này, Mẹ tôi bảo, giọng Mẹ không chút do dự.
- Nhưng mà con không biết Mark là ai cả? Làm sao...?
Bố xen vào :
- Tú Uyên, đến giờ phút này, con đừng nghĩ đến tại sao hay là ai, hay vì lý do gì nữa cả. Hãy nhận lời đi. Đây là cơ hội duy nhất.
- Nhưng còn Bố Mẹ, còn cả nhà thì sao ? 
- Tú Uyên, con nghe đây. Chúng ta đã chờ dịp may này từ lâu lắm rồi. Con phải nhận lời, nghe chưa ?
Rồi Bố cúp ngang điện thoại.
Tôi sững sờ quay trở xuống phòng trà, đầu óc tôi trống rỗng.
- Cô đi đâu vậy ?  Mark hỏi tôi.
- Có thể nào anh dẫn cả nhà tôi đi, được không ? tôi mếu máo hỏi Mark.
- Không được đâu, trong nhóm chỉ còn một chỗ, tôi đã trình bày với cô rồi.
- Vậy thì thêm một hay hai người nữa, có được không ? tôi năn nỉ, giọng tôi bắt đầu run lên trong tuyệt vọng.
Ngừng một chút như để suy nghĩ, Mark trả lời : 
- Thôi được, tôi không hứa chắc, nhưng sẽ xem lại nhé ? Tuần sau, tôi sẽ trở lại.

Đi hay không đi?
Cả đêm hôm ấy, tôi không tài nào chợp mắt, chỉ mong sao nhanh nhanh đến hết giờ giới nghiêm còn về nhà.
Đồng hồ vừa chỉ đúng 6 giờ sáng, tôi chồm dậy, phóng chiếc Mini-Lambretta như bay về Tân Định.
Bố Mẹ và chị Tường Vi đã dậy, chờ tôi về. Không một chút chậm trễ, chúng tôi họp nhau lại, bàn luận xem ai trong nhà sẽ theo tôi đi, nếu Mark nhận lời.
Tất cả đều nhường nhau, mãi vẫn chưa quyết định được. Tôi chỉ biết ngồi nghe, đầu óc tôi rối bung lên, bụng đau thắt lại.
Bàn qua tán lại một lúc lâu, rốt cuộc, Bố Mẹ quyết định, chị Vi ưu tiên, sau đó là thằng em trai, rồi thằng cháu, Bố Mẹ sẽ là người cuối cùng.

Mấy ngày liên tiếp trong tuần, tôi không ngủ. Sự việc đến với tôi quá bất ngờ, tôi không biết phải làm gì cho đúng, suy nghĩ sao cho xuôi. Mộng ước đi du học nước ngoài của tôi sắp thành sự thật.
Sau khi thi đỗ Tú Tài phần 2, tôi chỉ mong sang được Pháp, hoặc Bỉ như các bạn học của tôi. Chỉ vì nhà nghèo, Bố Mẹ không thể cho con cái đi du học, tôi buồn lắm.
Tôi mường tượng đến những phong cảnh bên nước Mỹ tôi đã thường xem qua báo chí hay màn ảnh, chắc chắn là phải đẹp: 
Những tòa nhà chọc trời ở Nữu Ước lôi cuốn lòng hiếu kỳ của người du khách.
Tượng Nữ Thần Tự Do đứng hiên ngang chào đón mời mọc một góc trời.
Chiếc cầu treo Golden Gate đỏ ối vươn cao, rung rinh trong gió.
Các tài tử giai nhân nổi tiếng thế giới dập dìu nhau trên thảm đỏ Hồ Ly Vọng.
Còn Disneyland nữa, tôi nghe nói đi chơi nơi đó thích thú vô cùng.
Sang bên ấy rồi, tôi sẽ cơ hội thăm viếng Paris, thành phố thơ mộng tôi mơ ước nhất. Tôi hớn hở lắm
Nhưng rồi hình ảnh Bố Mẹ gia đình kéo tôi trở về thực tế. Đã khá lâu, Bố Mẹ không có được tất cả các con quây quần bên cạnh.
Ông anh lớn nhất trong gia đình hiện đang ở bên Âu Châu. Năm tôi 9, 10 tuổi gì đó, 2 ông anh lớn của tôi đã được học bổng du học tại Âu Châu và tiểu bang California. Chị Vi sinh sống tại vùng cao nguyên cũng đã lâu. Gia đình chỉ còn tôi và thằng em nhỏ. Chị em tôi chưa hề rời xa Bố Mẹ nửa bước. Tôi không thể bỏ gia đình tôi đi, nhất là trong hoàn cảnh lúc này. Vả lại, sang bên ấy một thân một mình, tiền đâu ra mà sống ? Nhà cửa đâu để ở ? Làm sao tiếp tục đi học ? Làm sao để tự nuôi thân ? Kiếm việc làm ư ? Ngôn ngữ Anh Văn căn bản tôi có đấy, nhưng không đủ để đi làm. Tôi rối trí quá, mệt mỏi, tôi thiếp đi.

Hôm sau dậy, đã thấy Mẹ loay hoay gom góp một ít quần áo, một ít nữ trang và tiền bạc, gói ghém vào chiếc va-Ii nhỏ.
Tôi ngỡ ngàng hỏi 
- Mẹ làm gì thế ? 
- Mẹ sửa soạn cho con một ít thứ để con mang đi ấy mà ?
- Mẹ, con không đi đâu. Nếu có đi thì đi cả nhà.
Tôi quay mặt đi, khẽ nói tiếp : 
- Vả lại, Mark chưa trả lời chắc chắn mà. Tuần sau con gặp anh ta, con sẽ từ chối luôn.
Không trả lời tôi, Mẹ lẳng lặng bỏ vào trong. Tôi nhìn theo bóng Mẹ, lòng buồn rượi. Tôi lại làm phật lòng Mẹ rồi. Bực bội quá, tôi thả bộ ra chợ Tân Định. Tôi đi loanh quanh một vòng chợ để nguôi ngoai. Đi một lúc chán, tôi ghé vào hàng cam, định bụng sẽ mua cho Mẹ một ít cam. Mẹ rất thích uống nước cam vắt. Nghĩ đến Mẹ mỉm cười, tôi hí hửng cầm túi cam, bước vội về nhà.
Bố đã về. Tôi thấy Mẹ ngồi cạnh Bố, mắt Mẹ rơm rớm lệ. Bố thì vẫn lặng lẽ như mọi khi, nét mặt Bố thật đăm chiêu. Tôi đoán Bố Mẹ đang nói về chuyện tôi. Tôi vào bếp, pha nước cam cho Bố Mẹ. Chị Vi đang sửa soạn bữa cơm chiều. Chị rỉ vào tai tôi:
- Bố Mẹ thương em lắm đó, biết không ? 
Tôi không hiểu chị muốn ngụ ý gì, chỉ biết lòng tôi bâng khuâng, đau xót vô cùng.
Cả nhà quây quần ngồi xuống ăn, không ai nói tiếng nào. Trong nhà đã im lặng buồn tẻ cả mấy tháng nay, không khí chiều nay còn nặng nề khó thở hơn nữa. Tôi không buồn ăn nữa. Buông đũa đứng dậy, tôi khẽ nói:
- Con no rồi. Bố Mẹ, con đi ngủ sớm đây. Cả mấy hôm nay thức khuya quá, con hơi mệt.
Tôi chui vào giường, định bụng hôm sau sẽ nói rõ với Bố Mẹ tại sao tôi không muốn đi nữa. Đến khuya lắm, tôi giật mình tỉnh dậy, dường như có ai lay đánh thức tôi. Mở mắt ra thấy Mẹ ngồi cạnh mép chiếu, im lặng. Tôi vội ngồi dậy, với tay bật cây đèn nhỏ xíu bên cạnh. Đôi mắt Mẹ buồn bã nhìn tôi như muốn khóc. Tôi ngỡ ngàng hỏi Mẹ làm gì thế. Mẹ ôm chầm lấy tôi, giọng Mẹ run lên, thổn thức.
- Con nhận lời Mark đi nhé ? Đừng phụ lòng Bố Mẹ nữa con nhé ? Đã bấy lâu nay, gia đình mình chỉ mong có cơ hội ra nước ngoài. Con cũng đã biết sự việc ra sao rồi. Nay có dịp, sao con lại bỏ lỡ thế ? Cả nhà trông mong vào Bố, vì Bố giao thiệp rộng, nhưng không được. Lại trông mong vào con Vi, vì nó làm việc trong phi trường, cũng không xong. Nó còn phải bỏ nhà cửa để về đây. Bây giờ, tự nhiên con có cơ hội như thế, tại sao con lại không chịu ? 
Tôi chưa kịp trả lời Mẹ, Mẹ đã nói tiếp:
- Mẹ biết, con nghĩ đến gia đình nên không muốn đi. Thế nhưng trong hoàn cảnh này, chúng ta không lựa chọn được.
- Nhưng Mẹ ơi, con sợ lắm. Sang bên ấy một mình một thân, con không biết phải sinh sống thế nào. Vả lại, không gia đình, không bạn bè, nhỡ có chuyện gì, con phải làm sao ? Nhà mình nghèo quá, tiền đâu mà tiêu ?
Tôi thút thít, giọng đứt quãng :
- Còn Mark nữa. Nếu anh ta là con người tốt thì không nói gì, nhưng nhỡ là người xấu thì sao hở Mẹ ?  Con sợ lắm. 
- Mẹ hiểu thế, nhưng tình hình đến nước này, gia đình mình đã tuyệt vọng rồi. Chúng ta phải rời khỏi chỗ này bằng bất cứ giá nào, con hiểu không ? Chuyện ra sao trong tương lai, hẵng tính sau. Cái gì cũng có số cả, con nhé ? 
Lòng tôi quặn đau lên, bâng khuâng, xót xa, tôi biết Mẹ nói đúng. Tôi bệu bạo :
- Nhưng còn Bố Mẹ, còn…
Mẹ bỗng dưng khom người xuống, ôm chầm lấy chân tôi :
- Uyên ơi, cứ xem như con báo hiếu Bố Mẹ con nhé ? Đừng phụ lòng Bố Mẹ nữa.
Mẹ ngửng lên nhìn tôi, đôi mắt Mẹ như van lơn. Tôi nhìn Mẹ qua những giọt nước mắt chảy dài xuống má.
Tóc Mẹ đã bạc nhiều, những vết răn tuổi đời trên khuôn mặt u buồn, đôi bàn tay khô cằn của những ngày tháng vất vả. Cả đời Mẹ hy sinh tận tụy vì gia đình. Tôi nấc lên, ôm chặt lấy Mẹ già. Vòng tay Mẹ êm ấm lạ thường…

Chuẩn bị ra đi
Chỉ còn vài hôm nữa đến cuối tuần. Tôi bồn chồn đứng ngồi không yên, chỉ mong sao gặp lại Mark để hỏi chuyện.
Rồi thứ Sáu đã đến. Ăn qua loa bát cơm, tôi phóng vội đến phòng trà The Krazy Korner.
Tôi nhìn đồng hồ. Vừa 6 giờ tối. Tuy còn sớm, nhưng tôi biết, vì giới nghiêm, ban nhạc và khách hàng đã phải có mặt rồi. Quẳng túi quần áo lên trên giường, tôi chạy xuống phòng trà kiếm Mark, hy vọng anh ta cũng đã đến. Tôi nhìn vào góc bàn chỗ anh ta hay thường ngồi, không thấy. Tôi cuống lên, nước mắt chực trào ra. Còn đang phân vân, tiếng nói Mark vang lên từ đằng sau :
- Cô làm gì ở đây mà sớm thế ? 
Tôi quay lại, mừng quýnh : 
- Tưởng anh không đến. 
Mark nheo nheo đôi mắt, giọng nghịch ngợm : 
- Kiếm tôi có chuyện gì ? 
Thấy đôi mắt tôi long lanh sắp khóc, Mark không đùa nữa : 
- Yên lòng đi. Chút xíu gặp cô nói chuyện nhe ? 
Mark nói xong, quay lưng bỏ đi. Tôi như đứng chôn chân ở chỗ ấy, bồn chồn không dám chạy theo Mark để hỏi rõ thêm.
Buồn quá, tôi lên phòng sửa soạn thay quần áo, nghĩ không biết việc sẽ đi đến đâu?

8:00 tối. Tôi lững thững xuống phòng trà. Mark đã ngồi đấy, một bóng hồng xinh xắn ngồi bên cạnh. Tôi ngại ngùng đi lại bàn Mark, nhìn sang bên cạnh. Mark đứng dậy, giới thiệu : 
- Đây là Trang, bạn gái của tôi, còn đây là Tú Uyên. 
Tôi mỉm cười chào Trang.
- Ngồi xuống đi chị, Trang nói, giọng Bắc lờ lợ. Chị uống gì không ? 
- Dạ không, cám ơn Trang. 
Tôi quay sang Mark.
Anh ta cười : 
- Cô ở nhà chuẩn bị giấy tờ cho đầy đủ nhé ? Tôi đã lo xin được cho cô thêm một người nữa đi với cô. Ngày mai tôi bận, không đến phòng trà được. Tuần tới, tôi sẽ đến lấy. 
Tôi chụp lấy cánh tay Mark : 
- Anh nói gì ? có phải… ?
- Đúng vậy, Trang ngắt lời. Chị có thể dắt theo một người nữa trong gia đình. Nhưng một người nữa thôi nhé?
Tôi đứng phắt dậy, chạy bổ lên phòng, điện thoại ngay về nhà báo tin vui.
Bên đầu giây kia, tôi nghe tiếng Bố thở ra nhẹ nhõm, tiếng Mẹ bật lên khóc. Chị Vi xen vào : - Bây giờ mình làm gì ? 
Câu hỏi của chị làm tôi sực nhớ chưa trả lời gì với Mark cả, cũng chưa tỏ lời cám ơn anh ta nữa.
- Chút xíu nữa, em gọi lại. 
Tôi cúp máy, chạy trở xuống phòng trà, chỗ Mark và Trang ngồi.
Tôi vụng về nói vài tiếng, tỏ lòng biết ơn. Mark cười nhẹ :
- Thứ Tư này rảnh, tôi sẽ đến nhà cô để nói chuyện thêm. Cô cho tôi địa chỉ nhà, và số điện thoại để liên lạc.

Ngày thứ Tư ấy, sau khi nhận thẻ căn cước của chị em tôi, Mark dặn dò :
- Nếu cuối tuần không thấy tôi đến phòng trà, tôi sẽ trở lại nhà cô trong vòng khoảng hai tuần nữa. Lúc ấy, chị em cô phải sẵn sàng khi tôi gọi nhé ?  Tôi sẽ liên lạc với cô. 
Mark từ giã chúng tôi.
Chị Vi lo lắng : 
- Hắn ta có nhắc gì đến tiền bạc không ? Tôi lắc đầu.
- Chết, nhỡ hắn ta lừa mình thì sao ? Mình đưa hết giấy tờ rồi.
Tôi bặm môi :
- Em cũng không biết nữa. Thôi, đến đâu hay đến đó vậy. Chị em mình không lựa chọn được nữa. 
Ngày từng ngày trôi qua. Hai tuần nữa, mà tôi tưởng chừng như hai mươi năm dài đăng đẳng.

Mark giữ lời hứa. Anh ta trở lại nhà tôi đúng hai tuần lễ sau, đón chị em tôi đi.
Hôm ấy là ngày 20 tây, tháng Tư. Mark giữ ý, ra ngoài cổng đứng chờ, tôn trọng giờ phút chia tay của gia đình tôi.
Tôi và chị Vi khóc to lắm, như chưa hề được khóc. Thằng em trai nắm lấy cánh tay tôi, lay lay. Nó hãy còn bé, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nó ngước nhìn tôi, đôi mắt ngây thơ như muốn hỏi tôi đi đâu thế?
Tôi ôm chặt lấy Bố Mẹ, không muốn buông tay. Tôi không nhớ chị em tôi đã khóc trong bao lâu. Lúc ấy không ai nói gì, nhưng tất cả đều biết chị em tôi sẽ không bao giờ trở về căn nhà thân yêu này nữa.
- Các con đi đi. Mark chờ đã lâu rồi. Tiếng nói của Bố khiến tôi khóc lại càng to hơn nữa.

Bố Mẹ nhìn chúng tôi tha thiết, như muốn ghi khắc hình ảnh hai đứa con yêu quí vào xương tủy. Đôi mắt Bố Mẹ khô, nhưng tôi biết, tim Bố Mẹ đang chết đuối trong biển lệ xót thương. Mẹ bỏ vào trong nhà. Tôi hớt hải nhìn theo bóng Mẹ già, lòng quặn đau không biết đến bao giờ sẽ gặp lại Mẹ. Bố đẩy 2 chị em tôi đi, quay trở vào trong. Đôi vai Bố khẽ rung động. Tôi chưa hề thấy Bố khóc…

-  Mọi sự bình an chứ?, tiếng Mark hỏi làm tôi thức tỉnh.
Tôi khẽ gật đầu, ngồi xuống bên cạnh chị Vi. Chị ôm lấy tôi, mỉm cười như an ủi. Dường như chị hiểu thấu tôi đang nghĩ gì…

Bến bờ Tự-Do
Đảo Guam đẹp thần tiên như mộng. Nước biển xanh ngát, lóng lánh dưới tia nắng vàng ấm. Tôi nhắm mắt lại, tận hưởng không khí trong lành của đảo. Êm đềm quá, tuyệt vời vô cùng. Chúng tôi ở lại đảo đúng 1 tuần. Sau đó, chúng tôi được đưa bay sang thành phố Los Angeles. Từ đấy, họ chở chúng tôi đến trại Pendleton. Con đường từ phi trường Los Angeles đến trại dài ngun ngút. Chiếc buýt to tướng, đầy nhúc những đồng bào Việt Nam tị nạn, ề à lướt trên xa lộ thênh thang, bát ngát. Tôi ngắm nhìn phong cảnh. Nhà cao cửa rộng, ngay cả những chiếc xe nhà thật to lớn, có thể chứa cả nhà chúng tôi, lướt vụt qua cánh cửa sổ như bay. Thành phố này đồ sộ, xa lạ quá. 
Tôi chợt bùi ngùi, nhớ đến quê hương, nhớ đến căn nhà thương yêu trong góc hẻm nhỏ. Tôi ứa nước mắt, nhớ Bố Mẹ, nhớ thằng em trai nhỏ, nhớ thằng cháu bé thơ dại, nhớ con chó Bono, con mèo vàng Minet, nhớ luôn cả con búp bê chột mắt đã từng làm bạn với tôi suốt quãng thời gian thơ ấu. Khi tôi lên 8 hay 9 gì đó, tôi sốt nặng, phải nghỉ học ở nhà hơn một tuần. Buồn không ai chơi với, tôi rất thèm có một đứa em hay bạn gái bên cạnh.
Khi Mẹ trao cho tôi con búp bê này, Mẹ bảo:
- Mẹ đi chợ, trông thấy nó trong thùng rác. Biết con thích được một con búp bê, Mẹ nhặt nó về cho con, Mẹ đã rửa nó sạch sẽ rồi. Mẹ sẽ may quần áo mới cho nó mặc. Con yên tâm uống thuốc cho chóng khỏi nhé?
Tôi hớn hở lắm, thích thú chơi với nó cả ngày, nào tắm rửa, thay quần áo, nào nói chuyện với nó. Có cái bát sành vỡ Mẹ cho tôi, nồi đất bé tí teo Mẹ nặn cho tôi, đôi đũa gãy cái dài cái ngắn, tôi chơi trò nấu cơm và cùng ăn với nó mỗi ngày. Tối đến, tôi cho nó nằm cạnh tôi, và ôm nó vào trong giấc mộng êm đềm của tuổi thơ… 
Tôi nhớ Mẹ quá, nhớ nhà quá.

Đến trại Pendleton, chị em tôi theo Mark vào văn phòng làm giấy tờ. Chúng tôi may mắn, không phải ở lại trong trại. Mark đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và gửi đến cho người anh tôi, hiện đang cư ngụ tại thành phố San Diego, đến đón.
Chị em tôi khóc sướt mướt khi gặp lại anh Bạch. Tôi đã không gặp được anh ấy hơn mười mấy năm. Tôi thổn thức trên vai anh Bạch, bệu bạo:
-  Anh Bạch ơi, Bố Mẹ…
-  Suỵt, anh Bạch giơ ngón tay ngang môi. Đừng khóc nữa em, anh biết rồi. Chúng ta đi về nhà nhé?
Mark thong thả lại gần chúng tôi, đôi tay dang rộng. Quàng lấy vai chị em tôi, Mark chậm rãi nói:
-  Mừng hai cô đã đoàn tụ với gia đình. Chúc may mắn.
Chúng tôi ôm chặt lấy Mark và chị Trang, ấp úng vài lời cám ơn và từ giã. Lúc ấy, tôi mới sực nhớ chưa hỏi địa chỉ liên lạc với họ. Mark trao cho tôi một tấm thiệp nhỏ, bẹo má tôi, bảo:
-  Cô giữ gìn sức khỏe để lo cho gia đình nhé? Tôi biết cô sẽ làm được.
Chúng tôi nhìn theo bóng Mark và chị Trang khuất dần sau cánh cổng ra vào, lòng tôi bùi ngùi, không biết đến bao giờ mới có thể gặp họ để được đền đáp ơn sâu này.
Ngồi trong xe trên con đường từ trại Pendleton về San Diego, tôi thiếp đi, mang theo mãi mãi trong lòng hình ảnh quê hương yêu dấu. Để rồi ngày mai, khi thức dậy, bỡ ngỡ, hoang mang, tôi sẽ ra sao? 
Mà ừ, mình sẽ bắt đầu như thế nào nhỉ?

San Diego, California
-  Uyên, dậy, vào ăn em. Anh Bạch quàng tay ra sau đánh thức tôi.
Tôi ngáp dài, uể oải vươn vai, dụi mắt nhìn qua cửa kính xe. Ngôi nhà nhỏ có chữ Jack-In-The-Box là nhà hàng ăn sao? Tôi lạ lùng hỏi:
- Mình vào đây ăn hở? Ăn gì vậy?
- Hăm Bơ Gơ, anh Bạch tủm tỉm cười.
- Là gì vậy? chị Vi xen vào.
Anh Bạch không trả lời, mở cửa đầy chị em tôi vào.
Mùi thơm của món rán bốc lên làm tôi sực nhớ chị em tôi chưa có hột cơm nào trong bụng suốt hôm nay. Trải qua bao nhiêu ngày vất vả, tâm thần tôi vẫn còn mơ hồ lắm, quên cả đói.
Anh Bạch mang từ quầy đến cho chị em tôi mỗi người một khay thức ăn, có bánh mì tròn tròn mà lại kẹp thịt băm, cà chua và thứ rau gì xanh xanh trong đó. Bên cạnh là gói khoai tây rán thơm phức, rồi một ly nước ngọt. Tuy đói meo, tôi vẫn ngại ngùng, do dự, không biết thứ này ăn ra sao. Bốc vài miếng khoai tây bỏ vào mồm, tôi liếc nhìn sang chị Vi, chị cũng chỉ nhẹ nhàng cắn mấy miếng khoai tây trên đĩa.
Anh Bạch dục:
-  Ăn đi chứ, ăn đi rồi còn ghé chợ mua thức ăn nữa.
Cắn thử vào miếng bánh, mùi vị là lạ cũng ngon. Bụng cồn cào không nhịn được nữa. tôi ăn ngấu nhiến, vừa ăn vừa nhìn chung quanh.
Ngoài kia, đường phố đã lên đèn. Đồng hồ trên tường chỉ gần 7 giờ tối. Tôi cũng không nhớ hôm nay thứ mấy. Bên cạnh tôi ngồi xúm xít một gia đình, vừa ăn vừa nói cười đùa vui vẻ. Tôi chạnh nhớ đến Bố Mẹ ở quê nhà. Bố Mẹ đang làm gì?  Chắc nhớ chị em tôi lắm, nhất là Mẹ. Tôi hình dung Mẹ ngồi lẻ loi trong căn nhà nhỏ thân yêu. Đôi mắt Mẹ u buồn hướng ra cổng nhà như mong chờ chị em tôi trở về.
-  Chúng ta đi, anh Bạch đứng dậy.
Tôi quệt nước mắt, lủi thủi theo anh ra xe.

Eo ơi, sao chợ siêu thị to quá thế này? Đèn đuốc ở ngoài bật sáng hơn ban ngày. Chúng tôi bước vào chợ. Tôi sững sờ nhìn hết góc này đến góc nọ. Đây là chợ ư? Sao không giống chợ Tân Định chút nào? Vừa rộng rãi mênh mông, vừa sạch sẽ, lại vừa nhiều thứ bày biện ngăn nắp ghê. Đây không có sạp, không có người ngồi bán, không có tiếng mời mọc như bà Ba hàng cá quen thuộc.
-  Chào cô Uyên. Hôm nay đi chợ với Mẹ hở? Mua cá đi cô. Cá thu mới chở đến, tươi lắm.
-  Mại dôi, mại dô, bánh mì nóng hổi mới ra lò đây, bà con cô bác ơi. Hổng nóng hổng lấy tiền.
 Giọng Nam của bác Tèo rao eo éo bên kia sạp. Chữ “nóng” của bác ấy kéo dài ra như kẹo kéo, nghe hấp dẫn lạ thường. Ngày nào Mẹ cũng mua một ổ bánh mì của bác.

Tôi đứng ngắm hàng rau. Ngoài những thứ quen thuộc như dưa chuột, cà chua, hành tây, tỏi, v.v.., tôi thấy có rất nhiều thứ rau gì lạ lắm. Sao không thấy rau riếp nhỉ?
Đi ngang dãy hàng thịt, tôi tò mò cầm xem một bịch thịt gà. Họ bao giấy bóng cẩn thận, lại có cả giá tiền. Tôi kéo tay chị Vi:
-  Sao rẻ quá chị Vi ơi, chỉ có $ 1,63 thôi chị ạ. Hay mình bảo anh Bạch mua nhé? Nhưng sao không có ai đứng bán, làm sao trả tiền?
Vừa nói xong, tôi chợt thấy anh Bạch đẩy một chiếc xe bằng sắt có bánh xe lăn lại gần chị em tôi. Trong xe đã đầy nhóc thức ăn, nào vài bịch thịt, nào mấy chai nước ngọt, một két nước lạnh, và những thứ lỉnh kỉnh như kem và bàn chải đánh răng, vài bịch cuộn giấy vệ sinh. Tôi chưa kịp hỏi, anh Bạch đã cười cười, lên tiếng, như biết tôi muốn hỏi gì:
-  Ở đây, mình đi chợ như thế này đó. Mình đẩy xe bỏ vào những thứ mình muốn mua, rồi ra quầy trả tiền một thể. Nào, xong chưa? Mình ra đứng xếp hàng trả tiền, rồi đi về nhé? Hai em còn muốn mua gì thêm không?
Tôi liếc nhìn vào trong xe thức ăn, định nói, chị Vi đã trả lời:
-  Đủ rồi anh, chỗ này cũng khá nhiều đấy. Chị quay sang tôi, khẽ lắc đầu nghiêm ngặt.

Căn nhà anh Bạch ở tại thành phố nhỏ Chula Vista nằm gần sát biên giới tiểu bang California và nước Mễ Tây Cơ. Chúng tôi khiêng thức ăn vào nhà. Đã gần 10 giờ đêm. Anh Bạch nói:
-  Khuya rồi, cứ để đó, anh sẽ thu dọn. Hai em chắc mệt mỏi nhiều. Có muốn đi tắm đi, rồi đi ngủ nhé? Ngày mai anh cũng phải đi làm sớm. Anh có làm thêm chìa khóa để hai em xử dụng. Tối mai, mình sẽ nói chuyện nhiều hơn.
Anh nhường phòng cho chị em tôi, mang một tấm chăn mỏng ra phòng ngoài. Chưa đầy mười phút sau, tôi đã nghe tiếng ngáy khò của anh.
Ngả lưng bên cạnh chị Vi, tôi cố dỗ lấy giấc ngủ.  Hình ảnh Bố Mẹ và gia đình vẫn còn luẩn quẩn trong đầu khiến tôi không tài nào nhắm mắt. Tôi quay sang chị. Chị vẫn còn thức, đôi mắt vu vơ nhìn vào khoảng không. Tôi thì thầm:
- Không biết bây giờ Bố Mẹ đang làm gì. Ngày mai em muốn viết thơ về nhà, em nhớ Bố Mẹ quá.
- Ừ, chị cũng vậy. Ngày mai tụi mình viết thơ cho Bố Mẹ.
Nghe giọng chị run run, tôi trố mắt nhìn chị. Qua tia sáng yếu ớt của ngọn đèn đường chiếu len lỏi qua khung cửa sổ, đôi mắt chị long lanh những giọt lệ. Lần đầu tiên tôi thấy chị khóc. Nước mắt tôi tuôn ra, tôi bậm môi, cố nén lấy tiếng khóc. Chị kéo người tôi vào lòng, hai chị em xót xa….

Tiếng chó sủa inh ỏi ngoài nhà làm tôi giật mình choàng dậy. Nhìn đồng hồ, đã hơn 10 giờ sáng. Tôi chồm dậy, ra phòng ngoài, đã thấy điểm tâm bày sẵn trên bàn. Thấy tôi, chị Vi tươi cười:
-  Dậy rồi à? Đánh răng rửa mặt đi, rồi ra ăn.
Tôi ngồi vào bàn, lúc ấy mới có dịp nhìn chung quanh. Anh Bạch sống độc thân, căn nhà giản dị chỉ có một phòng khách và phòng ăn chung nhau, trơ trọi một vài chiếc ghế, một chiếc bàn con kê sát tường. Máy truyền hình nhỏ trong góc phủ đầy bụi. Đằng sau là phòng ngủ và phòng tắm. Trong bếp để úp một vài cái nồi, dăm ba đôi đũa, chai nước mắm nhỏ xíu đã gần cạn. Những cánh cửa sổ để trống không, không màn cửa. Tôi còn đang bâng khuâng, chị Vi cất tiếng:
-  Ăn xong, chị em mình ra ngoài xem đường phố chút, em đi không?
Tôi cười, gật đầu.
Hai chị em xuống nhà. Tôi thích quá, tung tăng bên chị như một đứa trẻ. 

Hơn một tuần lễ trên đảo Guam, chúng tôi sống trong trại, hằng ngày thơ thẩn chung quanh, lân la làm quen với những người bạn đồng hương, mỗi ngày đứng xếp hàng 3 lần sáng, trưa, tối, đi nhận thức ăn. Được một ngày họ dẫn chúng tôi ra biển tắm. Nước biển ấm, trong vắt, thấy tận đáy, lăn tăn rất nhiều những con cá con đủ màu sắc lượn qua lại dưới chân. Tối đến, họ cho phép chúng tôi tụ họp quây quần trong một căn lều để nói chuyện. Chúng tôi có dịp gặp lại được một ít khuôn mặt quen thuộc, nên cảm thấy đỡ bỡ ngỡ trên đảo. Một đêm vào cuối tuần, họ có ban nhạc địa phương đến giúp vui chương trình văn nghệ. Tuy không nhàm chán lắm, nhưng tôi cảm thấy gò bó trong luật lệ của trại tị nạn. Có một ngày, tôi hỏi Mark xin ra phố. Mark lắc đầu:
-  Kỷ luật an ninh trong trại không cho phép cô ra ngoài đâu. Nếu cần gì, tôi mua cho cô.
Tôi buồn, hình như thiếu điều gì…

Một thế-giới mới lạ
Hôm nay, được ra ngoài dạo phố, tôi hớn hở vô cùng. Chula Vista tuy nhỏ bé nhưng rất sầm uất. Chỗ anh Bạch ở gần trung tâm phố, bước xuống nhà, đi xuyên qua dãy cư xá đã nghe thấy tiếng ồn ào tấp nập ngoài đường cái. Chị em tôi chợt kéo nhau dừng lại. Xe cộ đâu ra nhiều quá, lướt ào ào trên con đường rộng lớn làm chúng tôi hơi sợ, chùn chân. Con đường ở quê nhà tôi chật hẹp, bề ngang chỉ một xe, thỉnh thoảng mới thấy có vài chiếc xe qua lại, còn thì xe gắn máy như Honda, Suzuki, Mobylette hay xích lô đạp thì nhiều lắm. Ở đây không thấy các loại xe này.
-  Mình đi đâu bây giờ?, tôi quay sang chị Vi.
-  Bên trái mình có vẻ có nhiều cửa hàng, mình sang bên đó đi.
Chị kéo tay tôi. Chúng tôi đi chầm chậm trên lề, vừa đi vừa ngắm chung quanh. Đến gần góc đường, chợt thấy trước mặt 2 chữ “DON’T WALK” màu đỏ bật lên, tôi giật mình nắm tay chị Vi. Chị cũng vừa trông thấy, lẩm bẩm:
- Chẳng nhẽ đi bộ trên đường này cấm chăng?
Chúng tôi ngừng lại, nhìn nhau, không biết có phải quay về hay không. Còn đang lưỡng lự, một giọng nói nhẹ nhàng vang lên từ phía sau lưng:
-  Hai cô đi lạc hở? Tôi giúp được gì không ?
Chúng tôi quay lại. Một người đàn bà “ngoại quốc” lớn tuổi mỉm cười, nhìn chúng tôi chăm chú. Chị Vi ngập ngừng chỉ tay về phía đèn đỏ:
-  Cám ơn Bà. Chúng tôi không hiểu dấu hiệu đó.
Bà ta giải nghĩa cho chúng tôi, môi nở nụ cười thật tươi. Thẹn thùng cám ơn, chúng tôi rảo bước đi đến ngã tư đường.
-  Rõ ngớ ngẩn. Chị em mình đúng nhà quê lên tỉnh, chị Vi hay háy mắt.
Hai chị em khúc khích cười.

Những cửa hàng dọc con đường trưng bày các thứ bán trông thật đẹp mắt. Chúng tôi chỉ đứng ngoài cửa kính nhìn, không dám bước vào tiệm. Đi ngang một cửa hàng tạp hóa, trông thấy mấy bịch bánh bông lang ở giữa có kem treo lủng lẳng, tôi thích quá, hỏi chị, không biết thứ này họ bán bao nhiêu.
-  Thôi em, mình vừa ăn sáng xong.
Tôi chợt nhớ lại. Trước khi lên đường rời quê hương xứ sở, hai chị em gom góp tiền để dành, đưa cho Mark mang đi đổi, chỉ được khoảng gần hai trăm đồng tiền Mỹ. Bố Mẹ đã dặn dò kỹ lưỡng, không được tiêu hoang, phải giúp đỡ anh Bạch khi sang bên ấy. Tôi rùn vai quay đi, thèm thuồng chiếc bánh bông lang.
Chúng tôi lang thang suốt con đường cái, trông thấy gì cũng xuýt xoa. Phong cảnh ở đây khác hẳn phong cảnh thành phố ở quê nhà. Mênh mông rộng lớn, đi bộ loanh quanh gần một tiếng đồng hồ, vẫn chưa đi xa bao nhiêu. Chị Vi bảo:
-  Có lẽ mình không nên đi xa quá, rồi lại đi lạc. Mình kiếm chợ đi, mua một ít rau và cà chua, chiều nay ăn với thịt bò.
Chị kéo tay tôi, tạt vào một tiệm tạp hóa nhỏ, hỏi thăm ngôi chợ gần nhất. May quá, họ chỉ đi bộ thêm hai góc đường nữa.
Vào chợ, tôi đảo mắt kiếm chiếc xe đẩy như anh Bạch chỉ. Vừa đẩy, vừa ngẫm nghĩ. Khi đi bộ về từ chợ Tân Định, bao giờ Mẹ cũng xách hai tay hai giỏ đầy thức ăn. Lắm hôm đi với Mẹ, đi vòng chợ mua thứ gì xong là lại nhét vào giỏ, xách nặng ơi là nặng. Ở đây có xe đẩy, tiện lợi vô vùng. Hai chị em được dịp thong thả, đi ngắm chợ hết hàng này đến hàng khác. Tôi kéo tay chị.
-  Mình mua một ít trái cây nhé? Xem xem ở đây mùi vị ra sao.
Chị gật đầu đồng ý. Tôi chọn một nải chuối nhỏ, vài quả lê và táo, để vào xe. Tôi chợt để ý thấy người đàn bà bên cạnh xé miếng ny-lông bỏ trái cây vào đó. Tôi bắt chiếc làm, gói cẩn thận trong bịch, gói luôn cả mấy bó rau chị vừa mua. Chúng tôi ra quầy trả tiền. Trong lúc đứng xếp hàng, chị Vi với tay lấy một bịch bánh bông lang treo bên cạnh, quay lại, nói:
- Lúc nãy em thích ăn thứ này, phải không? Bây giờ mình mua ăn thử nhé?
Tôi cười toét miệng, thích thú. Chúng tôi đi bộ về, chị lôi ra bịch bánh, bẻ nửa cho tôi. Tôi nhìn chị, thương chị vô cùng.

Về đến nhà, chị bảo:
- Lúc sáng, anh Bạch có nói hôm nay về sớm, Chị em mình bắt đầu làm cơm đi là vừa.
Tôi vội vàng thay quần áo, vào bếp lăng xăng giúp chị.
-  Tối nay mình ăn cơm thịt bò với rau. Em rửa rau đi, rồi bắc nồi cơm cho chị.
Tôi loay hoay kiếm bich gạo, không biết anh Bạch để đâu. Vừa lúc ấy, anh điện thoại, bảo sắp về:
-  Anh đoán chị em đang nấu cơm, phải không? Dường như còn một ít gạo, chắc không đủ cho cả nhà. Anh sẽ ghé chợ mua thêm nhé?

Vừa bước vào nhà, anh Bạch đã reo lên:
-  Thơm quá, trời ơi thơm quá. Chị em nấu gì thơm thế?
Chị Vi quay lại cười, không nói. Tôi nhanh nhẩu:
-  Chị Vi làm bò bí tết. Lúc nãy quên không dặn anh mua thêm chai nước mắm. Nhà còn chai nào không?
-  Mình ăn với xì dầu đi vậy nhé? Ngày mai thứ Bảy, anh dẫn hai chị em đi phố Tàu, mua thêm những thứ cần dùng.
Rồi cứ thế, chẳng buồn thay quần áo, anh đã xà vào bếp, nói ầm ĩ:
-  Ăn chưa, ăn chưa? Đói quá rồi.
Xa cách bao nhiêu năm, anh Bạch vẫn vậy, không thay đổi. Mộc mạc, hồn nhiên như một đứa trẻ.
Chị Vi làm mặt nghiêm:
-  Anh vào tắm, thay quần áo đi đã. Năm mười phút nữa mới ăn được.
Anh nhăn nhăn mặt, lè lưỡi:
-  Ô kê, tuân lệnh Bà Đầm !
Chúng tôi ngồi vào bàn. Anh Bạch vừa ăn, vừa xuýt xoa:
-  Ngon quá, ngon quá. Đã lâu, anh chưa được ăn ngon như thế. Anh sống một mình, làm biếng nấu, hay chạy ra đầu đường ăn cho tiện.
Thấy anh ngồi ăn thun thút, chị em tôi tủm tỉm, cười sung sướng.
Chúng tôi cười đùa nói chuyện huyên thuyên suốt bữa cơm, tạm quên đi những lo âu vương vấn trong lòng.

Ngồi ăn tráng miệng, anh Bạch hỏi thăm chuyện hai chị em. Tôi liến thoắng kể những sự kiện đã xảy ra. Anh nghe xong, thở dài:
-  Thôi, cũng là số cả. Đừng buồn nữa. Hai em chạy sang đây rồi, xem như là bước đầu. Bố là một người tài giỏi. Thể nào gia đình mình cũng sẽ thoát mà.
Ngừng một lúc, anh nói tiếp:
-  Anh theo dõi tình hình chiến sự hằng ngày trên đài truyền hình, và biết rõ trận chiến diễn tiến ra sao. Anh có đi hỏi các cơ quan chính phủ để bảo lãnh gia đình sang, nhưng lúc ấy, tất cả đều quá trễ. Mọi sự việc, một là tiến hành rất chậm, hai là đã ngưng đọng, thủ tục cách thức lủng củng lắm. Gọi điện thoại về cũng khó khăn. Anh đành nhắm mắt, phó mặc cho số Trời, và cầu nguyện phước lành cho gia đình thôi.
Tôi buồn hiu, nghĩ lo lắng cho Bố Mẹ. Qua một lúc lâu, anh nói tiếp:
-  Trong tuần tới này, anh có xin phép sở cho về sớm suốt tuần. Anh muốn có thêm ít thì giờ, dìu dắt các em cho quen thuộc chút đỉnh đời sống bên này. Tuần sau đó, anh sẽ bắt đầu đi làm thêm buổi tối. Anh nhận việc đi bán sách thêm. Lúc trước sống một mình, anh tà tà. Bây giờ có thêm hai em, anh phải lo chu toàn. Hai em muốn gì, cứ việc nói anh biết nhé?
Tôi nói ngay:
-  Em muốn đi học thêm về nhạc. Anh xem hộ cho em nhé?                             
Anh Bạch xoa đầu tôi :
- Tốt lắm, anh hưởng ứng. Anh nghe Bố Mẹ nói ở nhà em học nhạc khỏi chê, có đúng không nào ? Cuối tuần, anh sẽ xem các trường nhạc cho em. Còn Vy, em muốn học thêm về nhạc không ?
- Em chưa rõ em muốn gì. Để xem sao đã. Chị Vy ậm ừ.
Anh Bạch nhấn mạnh :
- Một vài chuyện quan trọng hai em cần phải làm ngay. Trước hết, hai em phải đi học thêm tiếng Anh. Ở đây gần biên giới Mễ Tây Cơ nên có rất nhiều trường học dạy tiếng Anh và tiếng Mễ vào buổi tối. Anh sẽ đi hỏi cho hai em. Thứ nhì, hai em có bằng lái chưa ? Nếu chưa thì học lái và lấy bằng. Sống bên này mà không biết lái xe, không có bằng lái là cả một vấn đề. Rảnh rỗi, anh sẽ tập cho hai em lái.
- Eo ơi, phải lái xe hở ? Em thấy xe hơi bên này to quá, làm sao em lái ? Tôi rụt cổ, le lưỡi.
- Dần dần sẽ quen đi em. Anh Bạch cười.

Tôi cười trừ, nhăn nhăn mũi, liếc sang chị Vy. Cả buổi tối bàn chuyện, thấy chị dường như đang để tâm tư đến chuyện khác.
 Anh Bạch xoa tay :
- Nào, thôi, sửa soạn đi ngủ. Ngày mai dậy sớm, anh chở hai chị em ra phố Tàu ở San Diego, xong mình đi picnic. Anh đã có hẹn với một anh bạn nữa của anh. Nhân thể, anh dắt cho đi xem phong cảnh và biển San Diego, đẹp lắm.
- Có xa không ? mình đi xe hay đi bộ? Tôi nhướng mắt hỏi anh.
- Đi xe chứ. San Diego cách đây nửa tiếng, em.
Tôi kể anh nghe câu chuyện DON’T WALK ban trưa. Anh rũ ra cười, trêu hai chị em tôi, khiến chị Vy đang im lặng, cũng phải phì cười, góp chuyện :
- Anh cho tụi em một ít giấy bút. Tụi em muốn viết thơ về cho Bố Mẹ.
Anh lắc đầu:
- Tình hình lúc này căng thẳng lắm, anh nghĩ nhà giây thép không gửi thư từ về Việt Nam nữa đâu. Hai em cứ thong thả, rồi mình sẽ tính chuyện liên lạc với Bố Mẹ nhé ?

Băn khoăn 
….Tôi trèo lên giường, hỏi chị :
- Lúc nãy, em thấy hình như chị có tâm sự ?
- Chị nghĩ đến chuyện hai chị em mình sang đây, quả là gánh nặng cho anh Bạch. Em có nhớ anh ấy nói gì chăng ? Sau tuần sau, anh ấy đi làm thêm ban đêm đó. Chị thương anh ấy quá, và buồn cho gia đình mình nghèo. Chị em mình trong túi chưa đến hai trăm đồng bạc, làm sao sống ?
Tôi ngậm ngùi, không biết nói gì hơn. Chị tiếp :
- Chị định ngày mai đưa hết tiền cho anh Bạch. Bố Mẹ cũng đã dặn mình như thế. Chị muốn kiếm việc làm đỡ cho anh ấy. Em nghĩ sao ?
- Chị định làm gì ? Có định kiếm việc chiêu đãi viên hàng không như trước không ?
- Việc gì cũng được, miễn sao có thêm tiền giúp cho anh Bạch, chị không ngại.
- Thôi, chắc em cũng không đi học nữa. Tôi buồn bã nói.
-  Nhà đã không có tiền thì chớ, đi học chắc tốn nhiều lắm. Em cũng sẽ kiếm việc. Nhưng chị ơi, em không biết làm gì đây nữa? Lúc còn ở Saigon, em chỉ đi ca hát, chưa hề làm nghề ngỗng gì nên trò cả. Em lại chả có bằng biếc gì hết, ngoài cái Tú Tài 2 Pháp. Không biết làm sao đây. Tôi lại ứa nước mắt. 
Chị an ủi tôi :
- Em còn trẻ, lại thích đi học, em cứ tiếp tục đi học nhé ? Chị lớn rồi, không đi học được nữa, nên kiếm việc là hơn. Nếu chị kiếm được việc, chị tin chắc chị và anh Bạch sẽ lo cho em được.
Tôi định nói thêm, chị đã gạt đi :
- Ngủ đi em, mai mốt mình bàn lại với anh Bạch nhé ?

Chị nhắm mắt lại. Tôi nằm xuống, bồn chồn, nghĩ đến chuyện đi học. Một lúc sau mệt mỏi, tôi thiếp đi.
Tôi mở mắt dậy, chung quanh vẫn sâm sẩm tối. Ghé mắt nhìn qua cánh cửa sổ, bên ngoài, trời đang rạng đông. Quay sang nhìn đồng hồ, đã hơn 5 giờ sang. Thấy chị còn yên giấc, tôi rón rén dậy, đi ra ngoài.
Không khí êm đềm buổi sớm mai khiến tâm hồn tôi nhẹ nhõm hẳn. Tì vào lan can, tôi ngắm nhìn những mái nhà nho nhỏ còn mải lười ngủ. Thỉnh thoảng, một vài chiếc xe vụt qua, quét đèn pha trên mặt đường như để đánh thức thành phố. Mặt trời mọc dần, đỏ ửng như đôi má thẹn thùng của người thiếu nữ dậy thì. Giọt sương đọng hờ hững trên cành lá, óng ánh, long lanh như những hạt kim cương trong vắt. Tôi thở ra khoan khoái. 
- Em ngủ không được hay sao mà dậy sớm thế ?
Tôi quay lại. Anh Bạch bước ra ngoài hiên, điếu thuốc lá cháy dở trên môi, tay kéo hai chiếc ghế con.
- Chula Vista này tuy nhỏ, nhưng dễ thương và yên lành lắm. Người dân vùng này chất phác, hiền lành, hầu như quen biết nhau hết cả. Ở đây gần Mễ Tây Cơ lắm, em biết không ? Biên giới cách nhà mình 5 phút thôi. Hôm nào có thì giờ, anh sẽ chở hai chị em sang Tijuana mua sắm. Bên ấy rẻ vô cùng.
Tôi ngập ngừng :
- Ở đây dễ kiếm việc không anh ?
- Sao em hỏi vậy, muốn đi làm hở ?
Tôi khẽ gật đầu.
- Tưởng em muốn đi học nhạc ?
Tôi định trả lời, tiếng chị Vy đã cắt ngang :
- Hai anh em nói chuyện gì thế ? Cà phê chưa ?
- Ừ, để anh đi pha. Anh Bạch quay lại.
- Em đã pha xong rồi. Thôi, vào ăn điểm tâm đi cho sớm, rồi còn đi picnic, không lại trễ mất.
Chúng tôi trở vào nhà, ngồi xuống bàn. Chị Vy hỏi :
- Hôm nay đi picnic, anh muốn mình mang gì đi ?
Tôi cướp lời anh Bạch :
- Mình mang cơm nắm đi. Em nhớ Mẹ thường hay nắm cơm mang theo ăn với thịt ram mặn, mỗi lần mình đi chơi đâu xa. Vừa ngon lại vừa chắc bụng.
Anh Bạch cười :
- Cô em Việt Nam của tôi ơi, bên này đi picnic đâu ăn mấy thứ này ? Vả lại, anh Trung có nói sẽ mua Kentucky Fried rồi. Thôi, mấy em đừng bày vẽ chi cho mệt.
- Anh Trung là ai ? Kentucky Fried là gì ? Có ngon không ?
- Anh Trung là bạn duy nhất của anh ở đây, thật thà dễ thương lắm. Còn Kentucky Fried là đọc tắt chữ Kentucky Fried Chicken, là thịt gà tẩm bột rán, thường hay ăn với khoai tây bằm nhũn, hoặc bắp luôc bơ.
Tôi hích hích mũi nhìn chị Vy :
- Chưa ăn, em đã thấy ngấy rồi.
Chị kéo tay tôi :
- Ừ, thôi cứ thử cho biết. Anh em mình mang nước vậy nhé ?
Tôi nhanh nhẩu :
- Em pha nước chanh cho.

Vô tư lự
Con đường xa lộ từ Chula Vista đến San Diego tuyệt đẹp. Bên phải tôi trùng trùng núi đồi xanh bát ngát, bên trái thoai thoải những bãi cát trắng mịn dọc bờ biển xanh rì. Thỉnh thoảng một vài biệt thự kiểu Mễ Tây Cơ nhô ra trên ghềnh đá, vươn mình kiêu hãnh như thử thách những cơn sóng vỗ chập chùng phía dưới. Tôi thò đầu ra cửa kính xe, hít mạnh không khí Thái Bình Dương vào lồng ngực. Mùi nước biển mặn làm tôi nghĩ đến Vũng Tàu, bãi Trước, bãi Sau, bãi Ô Quắn, bãi Dứa, mùi mắm ruốc Bà Giáo Thảo. Tôi còn nhớ, trước khi rời khỏi phạm vi ranh giới Vũng Tàu, họ có treo tấm bảng với hai câu sau :
  Ra đi đón gió trùng dương
  Đường về lòng những vấn vương Vũng Tàu.

Tôi đang vấn vương Vũng Tàu thật. Những chiếc xe ngựa kéo lọc lọc chở hành khách từ bãi này sang bãi nọ, những buổi tối sáng trăng la cà thả bộ ra bãi Trước ăn hàng, những quán ăn dọc bờ biển ở bãi Sau. Nào cua rang muối, canh chua, nào tôm càng nướng, ốc gạo hàng thúng. Tôi nuốt nước miếng, suýt xoa hỏi anh Bạch :
- Hôm nào mình ra biển tắm và ăn đồ biển đi, anh nhé ? Không biết họ có bán những thứ như ở nhà không?
- Anh đi lâu rồi nên không nhớ rõ món đồ biển ở nhà có những gì, nhưng trước hết, biển ở đây không ấm bằng ngoài Cắp đâu. Thứ nhì, thức ăn đắt vô cùng, và cũng chỉ mấy món thường thôi, không gì đặc biệt.
Ngừng một lúc, anh tiếp :
- Nếu em muốn, hôm nào mình lên Los Angeles. Anh nghe nói gần đó, ở bãi biển Redondo Beach, các nhà hàng có làm cua rất ngon, khá rẻ, và họ làm tươi nữa. Em vào đó, chọn cua sống trong bồn, chỉ con nào, họ bốc lên luộc tại chỗ cho em.
Chị Vy hít hà :
- Nghe hấp dẫn quá nhỉ ? Thế thì phải lên ăn một chuyến rồi.
- À, đây rồi, anh Bạch dừng xe. Chúng ta ghé tiệm chạp phô VIệt Nam, mua ít thức ăn nhé, rồi đi gặp anh Trung.

Bước vào tiệm, miệng anh Bạch đã bi bô :
- Bà Phó đâu rồi ? Bà ơi, cháu đến mở hàng đây. Cam đoan hôm nay, Bà sẽ bán đắt như tôm tươi.
Bà Phó bước ra từ đằng sau tiệm :
- À, cậu Bạch, cậu đi đâu sớm thế này ?
Bà mặc chiếc áo bà ba vải thô nâu, tóc muối tiêu quấn khăn, khuôn mặt tròn thật phúc hậu. Bà cười, để lộ hàm răng đen, vóc dáng người mẹ quê nhà tôi vẫn thường thấy qua những hình ảnh nông thôn miền Bắc.
Anh Bạch giới thiệu hai chị em tôi :
- Cháu dẫn hai cô em cháu mới từ VIệt Nam sang chào Bà đây. Hôm nay, Bà có gì đặc biệt không nào ?
- Tôi đang làm giò lụa và chả quế đây. Cậu lấy mỗi thứ vài khoanh nhé ? Hãy còn nóng lắm.
Không đợi chúng tôi trả lời, Bà Phó quay quả ra sau tiệm. Một lúc sau, Bà mang ra một khay giò chả hãy còn bốc khói, thơm thơm là. Chị Vy nói ngay :
- Thế thì Bà cho chúng cháu giò lụa 3 khoanh, còn chả quế 2 miếng nhé ? Bà có bán bánh mì ổ không nhỉ ?
- Có đây cô ạ. Họ vừa mới thẩy đến đây.
Chị Vy quay sang anh Bạch :
- Hôm nay anh Trung mang thịt gà, mình góp thêm vào bánh mì kẹp giò nhé ? Hai anh có lẽ đã lâu không nếm giò chả rồi. Em nhờ Bà Phó cắt sẵn giò cho mình.
Anh Bạch đứng tán gẫu với Bà Phó, trong khi chị em tôi mua những thức ăn cần dùng trong nhà. Tôi hỏi Bà kiếm bó nhang, định bụng tối về sẽ thắp nhang cúng Phật cầu phước cho gia đình tôi. Khi chúng tôi từ giã Bà Phó lên đường, Bà dúi vào tay tôi vài bịch bánh bông lang, bảo :
- Biếu cô đấy. Anh của cô thích thứ này lắm. Lần sau trở lại nhé ?

Khi chúng tôi đến bãi picnic, đã thấy anh Trung ngồi đấy chờ dưới bóng mát một thân cây to lớn. Trông thấy chúng tôi, anh đứng dậy.
- Hân hạnh. Anh Bạch thường hay nhắc đến hai em. Thế sang đây mấy hôm đã đi chơi đâu chưa ? Anh bắt tay hai chị em tôi. Thôi, ăn đi là vừa, thịt gà nguội hết rồi.
Chúng tôi ngồi xuống tấm chiếu vải, vừa ăn vừa trò chuyện. Anh Trung vui tính, nói cười luôn miệng, kể hết chuyện này đến chuyện khác cho chị em tôi nghe. Trông thấy bánh mì kẹp giò, anh reo lên :
- Ồ, đã lâu, anh quên đi món ăn Việt này rồi. Ngon quá nhỉ ?
Tôi sực nhớ ra vừa mua của Bà Phó vài chai xì dầu, vội chay ra xe lấy mang vào một chai, tưới lên bánh mì.
- Anh Bạch còn nhớ xe bánh mì Bé Bự xeo xéo bên kia rạp xi-nê Moderne ở chợ Tân Định không ? Khỏi chê. Tối đi xem xi-nê ra, gặm một ổ bánh mì xíu mại, tuyệt cú mèo !
Anh lắc đầu, quay sang anh Trung :
- Trong hai tuần nữa, tao đi bán sách thêm ban đêm. Cuối tuần chắc tao cũng làm luôn, mày rảnh, nhờ mày đến trông chừng hai đứa em tao, xem tụi nó cần gì, chỉ dẫn cho tụi nó biết.
Ngừng một lúc, anh tiếp :
- Tuần tới thì tao có xin phép về sớm mỗi ngày, mày cứ đến ăn cơm tối với tụi tao nhé ?
Anh Trung nháy mắt nhìn chúng tôi :
- Dĩ nhiên tao sẽ đến. Nhưng mày nấu cơm, tao không đến đâu. Ăn spaghetti mãi của mày chán lắm rồi.
Chị Vy trề môi :
- Nói trước nhe ? Tụi em không biết nấu mấy món Mỹ đâu đấy.
- Càng tốt. Gần 10 năm này du học và sinh sống một mình bên này, anh thật thèm được ăn cơm gia đinh VIệt Nam quá.
Anh Bạch vỗ tay :
- Tốt, tốt. Mày đến, cho mày ăn bí tết chấm nước mắm ớt. Tuyệt diệu mày ơi !
- Ai lại ăn bí tết chấm nước mắm bao giờ ? Rưới A-1 steak sauce lên chứ ?
- Anh Trung ơi, tụi em không biết Ây oăn Ây tu là gì, nhưng cho anh nếm thử mùi bí tết Việt Nam ướp tỏi cơ.
- OK, OK, Mỹ Việt gì cũng ngon sất. Nhưng mà anh nói trước nhé ? Không ngon anh ăn vạ cho xem.
Mọi người cười ồ lên. Chúng tôi nằm dài tên bãi, nhắm nhìn mặt trời đỏ đang chìm dần xuống lòng biển man dại.

Những bước đầu
Những chuỗi ngày êm ả trôi qua tại Chula Vista. Hằng ngày, chị em tôi đi thả bộ ra phố, vừa đi chợ, vừa tập cho quen đường lối chung quanh. Anh Bạch dặn dò chúng tôi phải thuộc đường đến bót cảnh sát, tòa thị trưởng, và nhà giây thép. Mỗi tối đến, anh Trung ghé dùng cơm và chở chị em tôi đi xem Chula Vista về đêm. Anh hỏi thăm dò trường dạy Anh Văn và ghi tên cho chúng tôi, trò chuyện, chăm sóc lo lắng như người anh trong nhà, trong khi anh Bạch đầu tắt mặt tối, ngày đi làm, đêm bán sách khuya mới về, Cuối tuần, bốn anh em chúng tôi lại rủ nhau đi picnic, đi biển, đi cắm trại, v.v….
Tuần sau đến, chúng tôi bắt đầu đi học khóa Anh Văn cấp tốc tại trường học từ thiện công cộng, miễn phí dành riêng cho gia đình nghèo và người lớn. Lớp học gồm các học sinh đủ chủng tộc, Lào, Miên, Trung Hoa, phần đông là Mễ Tây Cơ. Ông giáo già người Mỹ tận tâm chỉ bảo, khuyến khích chúng tôi nói chuyện nhiều bằng tiếng Mỹ, và trao đổi văn hóa nước nhà với các bạn trong lớp. Vốn đã có căn bản tiếng Anh tại trường Pháp, hai chị em tôi tiến bộ rất nhanh.

Ngoài công việc bận rộn, anh Bạch và anh Trung thay phiên nhau, chịu khó tập cho hai chị em tôi lái xe. Cứ mỗi đêm, chúng tôi ra bãi đậu xe trống trong sân vận động, cách nhà khoảng 10 phút. Tôi tập mãi mới lái thẳng được chiếc xe, tôi vui lắm.
- Khoan hẵng vội mừng, anh Bạch nghiêm nghị.
- Đây mới chỉ là bước đầu, và anh chọn bãi đậu xe vắng vẻ này cho em dễ tập. Đợi khi em vững rồi, anh dẫn em ra xa lộ.
Tôi lè lưỡi, bụng mường tượng đến cảnh xe cộ chạy ào ào ngoài xa lộ mà phát run.

Thấm thoát đã hơn một tháng trôi nhanh…
Một ngày thứ Bảy, ngoài trời đổ mưa tầm tã. Nằm nướng trên giường nghe những hạt mưa rơi lộp độp trên mái, tôi bùi ngùi chạnh nhớ đến căn nhà thân yêu ở khu phố Tân Định. 
Bây giờ Bố Mẹ ra sao, đang làm gì ? Tôi thầm nghĩ giá có Bố Mẹ bên cạnh, chúng tôi đã ngả bàn Mạt Chược ra đánh vài quắn. Mẹ thích đánh Mạt Chược trong những ngày mưa lắm. Tôi không hiểu tại sao, chỉ biết Mẹ hay thường nói: thú vị nhất trong những ngày mưa là ngủ nướng, hay tả Mạt Chược, tả Chắn.

Nghe tiếng nói chuyện lao xao ngoài phòng khách, tôi vội sửa soạn ra ngoài, đã thấy cơm trưa dọn sẵn trên bàn.
Chị Tường Vy quay lại:
- Dậy rồi à ? Ngủ giấc sướng nhé ? Nào, mình ra ăn.
Chị làm cơm rang lạp xưởng, với tôm và trứng, bên cạnh có đĩa dưa muối. Ừ nhỉ, tôi quên đi mất. Mấy hôm trước đi chợ bà Phó, tôi mua về mấy bó rau cải xanh để muối. Hôm nay dưa ngả sang màu vàng, chắc đã khá chua. Tôi vào bếp, với tay trên tủ lấy lọ dưa, định bụng gắp thêm ra, thấy đã vơi hơn nửa. Tôi lạ lùng quay sang hỏi chị Vy.
Anh Bạch cười vả lả:
- Sáng nay, trông thấy lọ dưa, thèm quá, anh và anh Trung đã ăn vụng một ít. Món này ăn không cũng ngon tuyệt.
Tôi nhăn mặt:
- Ăn như thế chua chết đi. Nói chứ có chua đủ chưa vậy ?
- Chua rồi, chua như cô em cưng của anh vậy, anh Bạch nheo nheo mắt, cười lớn.
Tôi cười khì, lườm anh.
Anh Trung xen vào:
- Mai này nhờ Uyên muối cho anh một lọ anh mang về nhé ? Anh để dành sẽ ăn dần.
Tôi chanh chua ngay:
- Phải thưởng em gì, em mới làm.
- Đấy đấy, mày thấy chưa Trung ? Tao đã nói rồi.
Cả nhà cười vang lên. Tôi cảm thấy hạnh phúc, thật đầm ấm. Chợt nghĩ đến Bố Mẹ ở nhà, tôi hỏi anh Bạch:
- Anh ơi, không thấy tin tức gì cả về Việt Nam. Anh nghĩ liệu mình có thể nghe ngóng được gì không ?
- Ăn đi đã. Ăn xong, anh nói chuyện. Anh cũng định hôm nay anh sẽ nói chuyện với các em, nhân thể bây giờ đang mưa, cũng chả đi đâu được.

Chúng tôi quây quần chung quanh chiếc bàn nhỏ trong phòng khách. Anh Bạch chậm rãi nói:
- Anh thiết nghĩ đã đến lúc anh phải cho hai em biết một vài chuyện anh chưa nói. Hơn một tháng nay, anh vẫn tiếp tục theo dõi tin tức tình hình về Việt Nam. Không được khả quan lắm. Những hình ảnh về cuộc chạy loạn rất đau lòng, anh không muốn hai em trông thấy, sợ hai em buồn. Riêng về gia đình mình, anh chịu, không biết hoàn cảnh Bố Mẹ ra sao ?
Người tôi nóng ran lên. Anh Bạch tiếp:
- Nhưng mình vẫn còn tia hy vọng. Mấy ngày sau này, trên đài truyền-hình, các hội từ-thiện như Hồng Thập Tự đã bắt đầu loan tin về rất nhiều gia-đình đã rời khỏi nước. Các gia-đình này đang sống an toàn dưới sự bảo vệ của hội trong các trại tị nạn trên khắp nước Mỹ. Hội có nói sẽ liên lạc với thân-nhân gia-đình để họ được bảo lãnh. Mong rằng gia-đình mình sẽ là một trong những gia-đình đó.
- Mình có thể nào hỏi họ tin tức về Bố Mẹ không ?
- Anh sẽ lo chuyện này. 
Thấy tôi ứa lệ, anh Bạch an ủi:
- Em đừng buồn, anh tin chắc Bố Mẹ sẽ thoát khỏi. Nhanh lắm thôi.

Như để phá tan bầu không khí bắt đầu nặng nhọc, anh đứng dậy, xoa tay:
- Nào, bây giờ mình bàn sang chuyện tương-lai nhé ? Anh đang định, khi gia-đình mình sang đây, anh em mình sẽ dọn lên San Diego, kiếm mua nhà rộng hơn.
Ngừng một lát như để dò xem phản ứng của chị em tôi, anh nói tiếp:
- Thật sự, anh đã nghĩ đến tậu nhà lâu rồi. Chỉ là chưa có đủ phương tiện thôi. Cô Sharon, một cô bạn anh quen dạo trước, làm trong hãng địa-ốc. Cô ta có hứa sẽ giúp anh kiếm nhà khi anh cần. Anh cũng đã suy nghĩ rồi. Lên đó, mình có cơ hội nhiều hơn, cũng dễ dàng cho em đi học. Vy muốn kiếm việc, phải không ? May ra thì sẽ có việc thích hợp cho em trên ấy.
Anh Trung xen vào:
- Ừ, có lý đấy Bạch ạ. Tao sẽ giúp mày một tay. Lên trên đó gần tao hơn, lại càng vui.
Chị Vy cũng hùa theo:
- Cũng tốt, em đang sốt ruột. Ở đây mấy tháng trời rồi, vẫn chưa kiếm được việc gì cả.
Tôi gượng cười:
- Em muốn đốt nén nhang cầu Trời Phật phù hộ cho mình sớm đoàn tụ với Bố Mẹ.
Chị Vy nắm tay tôi:
- Tối nay mình cúng nhé ? Xem có tạnh mưa không, mình đi chợ mua ít hoa quả về cúng.

Anh Bạch vào phòng mang ra một quyển sách đăng nhà cho bán. Chúng tôi xúm vào, loay hoay bàn-luận.
Ngoài kia, mưa đã tạnh dần. Ánh nắng ban chiều thập thò xen qua lớp mây xám, kết thành một chiếc cầu vòng rực rỡ, chiếu xuống như muốn mang đến cho gia đình tôi một tia hy vọng tràn trề.

Mùa Hè bên này nóng bức, không kém gì Sài-Gòn. Hai chị em tôi thả bộ ra chợ Trời. Đông và vui như chợ Tết vậy. Tôi kiếm mua đôi dép. Đôi dép tôi mang từ nhà sang đây đã sắp đứt quai, nhưng tôi không nỡ vất bỏ đi. Anh Bạch thấy tôi khư khư mang nó, anh sốt cả ruột. Hôm nay trước khi đi làm, anh căn dặn chị Vy:
- Chợ Trời mở cửa 10 giờ sáng. Hai em ra đó chơi cho vui, rồi tìm cho con Uyên một đôi dép. Thấy nó kè kè mãi đôi dép nát, anh tội quá. Nhân thể tìm mua cho anh lọ thuốc đánh giầy.

Đi vòng vòng mãi cả mấy tiếng, tôi mới chọn được một đôi dép vừa ý. Chúng tôi loanh quanh trong chợ, rất thích thú, xem hàng này, nhìn hàng nọ, thấy gì rẻ cũng muốn mua. Mùi thịt nướng xông lên, thơm phức.
- Chị Vy này, mùa Hè đã đến. Mình nói anh Bạch hôm nay mời anh Trung xuống ăn cơm, chúng ta ra nướng thịt ngoài lan can nhé ? Khỏi phải đi picnic làm gì. Lan can nhà mình rộng chán.
- Ừ, chị cũng nghĩ đến chuyện này. Chị thấy picnic mãi cũng mệt, vả lại, cứ phải lái xe đi xa nữa. Thế mình ghé chợ ngay đi. Chị mua sẵn thịt, cuối tuần này mình tổ chức luôn.

Đoàn-tụ gia-đình
Về đến nhà, chúng tôi ngạc nhiên thấy anh Bạch đã ngồi ngoài phòng khách, nét mặt tươi cười hớn hở. Chưa kịp hỏi, anh đã reo lên:
- Hai em có vui sướng không ? Anh vui quá.
Chị em tôi nhướng mắt nhìn nhau, lạ lùng.
Tôi nheo mắt, trêu anh:
- Thảo nào hôm nay anh về sớm. Có chuyện gì mà vui thế ? Anh trúng số độc đắc, hay anh sắp báo tin lấy vợ đây ?
Anh không nói không rằng, dang rộng đôi tay, kéo hai chị em tôi vào lòng, ôm chặt. Tôi đoán, dường như anh đang trải qua một cơn xúc-động. Chúng tôi kiên nhẫn chờ. Mãi một lúc sau, anh mới thủ thỉ:
- Sáng nay, hội Hồng Thập Tự gọi anh trong sở. Gia đình mình đang ở trong trại tị nạn ở tiểu bang Arkansas. Anh mừng quá, ra nói với ông chủ anh. Ông ta biết chuyện gia-đình mình nên cũng vui lây, cho phép anh về sớm và nghỉ vài hôm để chia xẻ niềm vui này với các em. Các em có vui không ?

Tôi ngồi phịch xuống ghế, òa lên khóc lớn. Chị Vy cũng ôm mặt nức nở. Sau bao nhiêu tháng khắc-khoải, lo âu, chúng tôi như trút đi được nỗi phiền-muộn đã dày xéo trong thâm-tâm bấy lâu nay. Tôi đứng phắt dậy, vào trong bếp lôi ra bịch nhang, thắp lên nén hương. Chi trông thấy, cũng vội vào bếp với tôi. Chúng tôi quì xuống, lâm râm cám ơn Trời Phật đã phù hộ cho gia-đình chúng tôi tai qua nạn khỏi. Anh Bạch im lặng ngồi xuống đợi.
- Anh đã báo tin cho anh Trung. Anh ấy sẽ lại ngay bây giờ. Hôm nay hai em đừng cơm nước gì cả. Chúng ta ra ngoài ăn mừng. Anh Trung bảo hôm nay anh ấy thết.
Tôi đề nghị:
- Mình ăn cơm nhà đi anh ? Đã bao tháng nay, anh Trung tốn rất nhiều cho gia-đình mình rồi. Hôm nay anh ấy lại còn đòi thết nữa. Mình ra ngoài hiên nướng thịt này.
Chị Vy tán thành:
- Đồng ý. Vừa đúng lúc sáng nay tụi em có mua thịt, định tổ chức vào cuối tuần, nhưng hôm nay làm rất hợp lý.
Anh Bạch gật gù:
- Tốt lắm, càng vui hơn nữa.
- Nếu vậy, anh điện-thoại ngay cho anh Trung đi, bảo anh ấy trên đường, tiện ghé mua cho em vài gói bún.
Chị Vy vừa dứt lời, tiếng xe anh Trung đã ngừng ngay trước sân nhà. Chúng tôi chạy ùa ra, kéo tay anh:
- Đi anh, chở tụi em ra tiệm bà Phó.
Anh Trung không hiểu gì cả, nhưng cũng trở vào trong xe.
- Ê, đợi anh với. Anh Bạch chạy theo chúng tôi.

Kể từ hôm ấy, anh em chúng tôi hớn hở, lăng xăng cuống quít như những đứa trẻ vừa được quà. Chị em tôi cả ngày cứ đi chợ, mua sẵn thức ăn, cố tìm cho bằng được những món Bố Mẹ ưa thích, chất đầy tủ đá, chờ ngày Bố Mẹ sang. Chiều đến, chúng tôi loay hoay dọn dẹp, lau chùi, kê đi kê lại bàn ghế trong nhà, làm sao cho gọn.
Anh Bạch cũng chịu khó đổi giờ làm sớm hơn để về sớm, cùng với anh Trung đi xem qua những căn nhà cho bán.
Căn nhà nhỏ của anh em tôi tưng bừng như mở hội.
Mỗi cuối tuần, chúng tôi ghé đến các cơ-quan từ-thiện, xin về một vài thứ cần dùng trong nhà. Họ cho gì lấy thứ đó, thêm một vài chiếc ghế, một ít dụng cụ nhà bếp, một tấm nệm. Thỉnh thoảng, anh Trung lại mang đến một ít quần áo mới toanh, nào quần jeans, giầy dép, v.v..
Tôi cứ lo lắng, hỏi chị Vy:
- Bố Mẽ sẽ sang với em Quỳnh và thằng Chí. Nhà mình đã ba người, nay thêm bốn nữa, có chật lắm không chị ? Căn nhà mướn này của anh Bạch chỉ có một phòng ngủ.
Chị xoa đầu tôi:
- Đừng lo quá em, chịu khó chỉ vài ngày thôi mà. Anh Bạch có nói sẽ mua nhà rộng hơn.

Một buổi sáng, tôi không nhớ rõ là ngày thứ mấy trong tuần, anh em tôi cùng anh Trung sửa soạn đi đón Bố Mẹ sang từ tiểu bang Arkansas. Đến cơ-quan Hồng Thập Tự tại San Diego, lo thủ tục giấy tờ xong xuôi, chúng tôi nôn nao ngồi trong phòng đợi…
Và giây phút trông chờ đã đến.
Thoáng nhìn thấy mái tóc bạc của Bố nổi bật trong đám đông, tôi reo to lên:
- Bố kìa, Bố kìa anh chị ơi.
Chúng tôi chạy ùa lại ôm chầm lấy Bố Mẹ và gia-đình, khóc như mưa. Mẹ quàng tay ôm lấy chị em tôi, nhẹ nhàng vuốt tóc tôi:
- Các con của Mẹ, các con yêu quí của Mẹ.

Nước mắt nước mũi tôi đầm đìa, tôi thổn thức mãi, không nói được gì. Tôi ôm khư khư lấy Bố Mẹ, không chịu buông ra. Tôi sợ nếu buông ra, tôi sẽ lại xa Bố Mẹ như mấy tháng trước đây. Anh em chúng tôi quấn quit lấy Bố Mẹ. Anh Bạch cũng rơi lệ. Rời gia đình đi du học đã lâu, hơn mười mấy năm, anh mới gặp lại tất cả trong một dịp thật hi-hữu. Anh ôm lấy Mẹ, rồi ôm lấy Bố. Hai bố con cười nói huyên thuyên. Chúng tôi vui rối rít, quên cả ra xe đi về.
Đứng lặng lẽ bên cạnh một lúc lâu, anh Trung lên tiếng:
- Bạch ơi, về chưa ?
Anh Bạch sực nhớ ra, vội giới thiệu anh Trung với Bố Mẹ. Bố bắt tay anh, ngỏ vài lời cám ơn, và hỏi chuyện anh.

Đứa em trai và thằng cháu nhỏ tôi đứng thập thò sau lưng Mẹ, dương mắt nhìn anh Bạch, lạ lùng.
Tôi ôm đứa cháu Chí vào lòng, bẹo má nó:
- Hai đứa ở nhà có ngoan không nào ? Cháu có bị đòn nhiều không ?
Nó ôm lấy cổ tôi, bập bẹ hỏi:
- Cô đi đâu lâu quá không về ? Bà đánh đít cháu đó.
- Tại cháu lại hư rồi phải không ? Mách cô đi nào.
Thằng em Quỳnh nhanh nhẩu:
- Nó không chịu ăn cơm bị Mẹ đánh đòn đó.
- A, cháu phải ăn cơm chứ ? Ăn nhiều mới chóng nhớn, cô mới dẫn cháu đi chơi được, có phải không ? Thôi, chốc nữa về nhà, cô cho cháu bánh bông lang nhé ? Nhà nhiều bánh lắm cơ.
Thằng Chí chu mỏ hôn vào má tôi. Nó thương tôi lắm. Tôi thường hay bế và săn sóc nó từ lúc nó bé tí. Chào đời chưa tròn một năm, nó đã mất đi hình ảnh và tình thương của người mẹ ruột.
Mẹ tôi xoa đầu nó, nói thêm:
- Ở nhà, nó cứ hay hỏi Mẹ là cô Uyên đi đâu, sao lâu quá không thấy về chơi với nó.
Sực nhớ ra một chuyện, tôi hỏi Mẹ:
- Mẹ ơi, còn gia đình anh rể đâu rồi ?
Đôi mắt Mẹ thoáng buồn:
- Từ từ rồi Mẹ kể.
Tôi chợt nhói đau trong người, linh cảm một chuyện không may xảy ra cho gia đình anh ấy. Tôi không dám hỏi tiếp, vội bước ra xe.

Về đến nhà, chúng tôi ùa vào, tíu tít lăng xăng, người thì pha nước uống, pha trà, người thì khiêng mấy thùng đồ đạc của Bố Mẹ vào trong. Căn nhà bé nhỏ của chúng tôi sống động hẳn lên, tiếng cười tiếng nói náo động vui hơn Tết.
Mẹ xà ngay vào bếp, lục lọi, định sửa soạn bữa cơm chiều.
Chị Vy nhíu mũi:
- Hãy còn sớm, Mẹ ra phòng khách ngồi nghỉ đi, bếp núc để con lo.
- Hôm nay vui quá, Mẹ muốn nấu một bữa ăn thật ngon đển ăn mừng đoàn tụ gia đình. Nhà có nhang không các con ? Chốc nữa, Mẹ muốn tạ ơn Trời Phật.
Tôi ôm vai Mẹ:
- Mẹ cứ thế thôi, để đó đi, con biết nấu cơm rồi. Hơm nay con làm thay Mẹ.
- Giỏi thế cơ à ? Mẹ cười. Thôi được, Mẹ làm cơm cùng với các con cho vui. Hôm nay mình ăn món gì nào ?
Tôi nói ngay:
- Bố thích ăn đồ biển. Mình ra ngoài hiên nướng tôm và cá đi nhé ? Hôm qua đi chợ, tụi con mua được một con cá tươi trông ngon lắm cơ. Ăn ngay đi cho nó còn tươi, hả Mẹ ?
- Ừ, ngon lắm đấy. Nhà có rượu không nhỉ ?
Anh Bạch xen vào:
- Mẹ đừng lo. Gì chứ rượu đỏ, rượu trắng của Pháp, Trung nó đã mang đến không thiếu thứ gì kia kìa.
Bố gật gù:
- Tốt, tốt. Hôm nay ăn đồ biển, phải mở chai rượu trắng.
Mẹ nguýt Bố, nhìn anh Trung, cười:
- May mà cháu cũng biết uống và mang rượu sẵn đến, không thôi ông ấy lại bắt phải đi mua về cho bằng được.

Nhìn Bố nhâm nhi ly rượu, nhậu món tôm nướng, cười nói luôn mồm với anh Bạch và anh Trung, lòng tôi mở hội, chợt quên đi hết những gì anh chị tôi đã khổ cực trải qua sau tháng Tư…
Sau bữa cơm ấm cúng, chị em tôi vào bếp dọn dẹp. Nghe tiếng Bố Mẹ ở ngoài phòng khách trò chuyện với anh Bạch và anh Trung, tôi nôn nóng muốn ra góp chuyện, và chỉ muốn ôm Bố Mẹ.
Chị Vy đã xong việc trong bếp, kéo tay tôi ra ngoài. Tôi xà ngay vào lòng Mẹ, chị ngồi xuống bên cạnh Bố hỏi chuyện.
Bố gạt đi:
- Cả mấy tháng nay long đong, Mẹ mệt lắm, hãy để Bố Mẹ nghỉ sớm, ngày mai hẵng hay nhé ?
Quay sang anh Trung, Bố bảo:
- Ngày mai mời cậu trở lại chơi, đã xem như gia đình, cậu cứ tự nhiên cho vui nhé ?
Anh Trung gật đầu:
- Vâng, xin phép Bác. Cháu có xin nghỉ làm tuần này rồi. Cháu sẽ đến mỗi ngày, xem cháu có giúp được gì không.

Tôi chưa muốn đi ngủ, bịn rịn nhìn theo Bố Mẹ vào phòng, thương vô cùng.
Tôi ngả lưng xuống dưới đất ngoài phòng khách. Nằm vắt tay trên trán, tôi suy nghĩ lung tung, vừa vui buồn lẫn lộn, vừa lo âu cho tương lai ngày mai. Từ ngày hai chị em tôi đến, anh Bạch vất vả quá nhiều. Tôi chưa hề nghe anh than thở. Ngoài mặt, anh vẫn vui tươi, nhưng tôi đọc được sự chịu đựng mệt mỏi trong đôi mắt anh. Nay thêm bốn miệng ăn… tôi không dám nghĩ đến nữa. Trằn trọc mãi, tôi quyết định gác việc mong muốn đi học trở lại, kiếm việc làm đỡ gánh nặng cho anh Bạch.

Tiếng lục đục trong phòng bếp làm tôi thức dậy. Trời đã sáng. Mẹ và chị Vy đang sửa soạn điểm tâm. Tôi vội ngồi dậy, ngáp dài:
- Đêm qua con thức hơi khuya, dậy trễ quá. Mẹ ngủ ngon không ?    
- Gớm, hôm qua vừa vui vừa mệt nên Mẹ ngủ ngon quá. Ở đây yên tĩnh quá nhỉ ? 
- Bố đâu, Mẹ ?
- Ngoài hiên với anh Bạch con kìa.
Tôi nhìn ra ngoài cửa. Đứa em trai và thằng cháu nhỏ nô đùa ngoài sân. Chúng nó cười nắc nẻ, tung tăng đuổi nhau chung quanh chiếc xe nhỏ của anh Bạch. Thấy chúng nó vô tư lự, tôi vui lây. 
Tôi vào phòng lấy quần áo. Thoáng nhìn thấy hai thùng nhỏ đựng đồ đạc của Bố Mẹ, tôi chợt xót xa. Gia tài của Bố Mẹ mang theo chỉ vọn vẹn thế thôi ư ? Tôi bước vội vào phòng tắm, nước mắt chực tuôn ra. Nằm ngâm mình trong bồn, tôi để nước nóng chảy nhẹ xuống đầu và cổ, nhắm mắt lại, mường tượng đến những ngày cuối cùng Bố Mẹ sống tại Saigon. Chắc Bố Mẹ chật vật khó khăn lắm. Nhớ hôm qua, nhìn thấy ánh mắt Mẹ thoáng buồn khi nhắc đến gia đình người anh rể, tôi càng thêm đau xót. Thuở còn ở Saigon, sau khi người chị lớn của tôi qua đời, anh Khang buồn bã, trở nên ít nói. Gia đình đôi bên càng gần gũi nhau hơn. Anh thường chở hai đứa con thơ đến ông bà ngoại và ở lại chơi mỗi cuối tuần. Một hôm, anh có nói với Bố Mẹ tôi:

- Từ từ rồi con xin dọn sang bên này gần Bố Mẹ cho đỡ nhớ vợ con.
- Ừ, con cần gì, cứ mang hai đứa con lại đây Mẹ trông. Mẹ tôi lau nước mắt.
Hai đứa cháu nhỏ tôi kháu khỉnh, dễ thương vô cùng. Thằng lớn gần năm tuổi, đứa em gái lên hai. Chúng nó rất thích thú khi được Bố chúng nó chở đến nhà tôi chơi. Trông thấy Mẹ tôi, thằng bé con nhảy bổ ngay vào lòng, bi ba bi bô.
- Bà cho cháu ăn bánh bít-qui.
- Hôm nay bà không có bánh bít-qui, bà có kẹo này.
- Không ăn kẹo, ăn kẹo xấu lắm.
Tôi bẹo má nó:
- Í da, cháu của Dì ngoan quá. Sao cháu nói ăn kẹo xấu ?
Nó lắc đầu quầy quậy:
- Mẹ nói ăn kẹo sún răng, xấu lắm.
Tôi ngồi xuống cạnh nó:
- Đưa Dì xem răng cháu nào, xem có sún không ?
Nó lấy hai ngón tay, thọc vào má, há toác mồm ra cho tôi xem. Đứa em gái đứng bên cạnh cũng bắt chiếc, lấy tay vạch mồm cho tôi xem răng.
Nghĩ đến hình ảnh hồn nhiên của anh em nó, tôi ôm lấy mặt. Đôi má tôi ướt đẫm, nước mắt hay nước ở vòi chảy trên mặt, tôi cũng không biết.
- Uyên ơi, xong chưa, ra ăn sáng. Làm gì trong ấy lâu thế ? Tiếng Mẹ gọi ngoài kia.
- Vâng, con ra bây giờ.
Mẹ đã nấu xong nồi cháo. Mùi cháo thơm lừng phòng khách. Tôi ra bếp, mở nắp vung. Cháo trắng phau, điểm vài nhánh gừng, hấp dẫn lạ thường. Mẹ bảo:
- Hôm qua còn con cá sống chưa ăn đến. Hôm nay Mẹ làm cháo cá đây.
Gắp vài miếng cá sống bỏ vào tô, tôi múc cháo đổ vào. Nước cháo nóng hổi làm chin cá, vừa ăn. Tôi bỏ thêm vài nhánh ngò thơm, vài cọng hành lá thái chỉ mỏng. Nước bọt rệu trong mồm, tôi hít hà:
- Thơm quá Mẹ ơi. Đã lâu, con không được thưởng thức cơm Mẹ nấu.
- Anh mới lâu chứ, anh Bạch suýt xoa. Anh mới là hơn mười mấy năm không được ăn cơm nhà.
Mẹ cười:
- Thôi được, ăn đi không nguội. Rồi Mẹ sẽ nấu cho ăn. Chỉ sợ đến lúc gặp cô nào rồi thì lại chê cơm của Mẹ nấu cho xem.
Cả nhà cười ồ lên, hạnh phúc. Anh Trung đã đến, bóp còi xe inh ỏi ngoài sân. Anh Bạch nháy mắt:
- Trung nó lại mang nhiều thứ gì đến rồi. Mình ra xem khiêng vào.
Anh nói đúng. Quả nhiên, anh Trung lại mang đến cho gia đình tôi một rổ trái cây, mấy hộp đồ lòng, thịt heo, gà và vịt quay, và một két bia. Anh bước vào nhà, tươi cười:
- Chào cả nhà. Thưa hai Bác ngủ ngon không ạ ? Cháu mang vài thứ đến, trưa nay mời hai Bác nhắm rượu.
Mẹ nói với ra từ trong bếp:
- Ăn sáng nhé cháu ? Bác để phần cho cháu một tô cháo này.
- Hôm nay hai Bác muốn đi chơi đâu xem phong cảnh, cháu chở hai Bác đi.
Bố vỗ vai anh:
- Cám ơn cháu nhé, nhưng từ từ hẵng, hôm khác cả nhà đi cho vui. Ăn cháo đi đã, cháu.

      Chuyến phiêu-lưu của gia-đình     
Chúng tôi ngồi quây quần trong phòng khách, nói chuyện lông bông. Tôi sốt ruột, dục Bố Mẹ kể cho nghe những ngày cuối cùng tại Saigon. 
- Được, để Bố kể. Bố tôi tằng hắng lấy giọng :

…Sau khi chị em tôi rời Saigon với Mark, Bố không đi làm nữa. Hằng ngày, Bố cố tìm liên lạc và gặp hết những người bạn thân thiết, cùng nhau bàn cách thoát ra khỏi nước. Thời gian ngày càng gấp rút, tình hình mỗi lúc mỗi nguy ngập. Không một ai đủ sáng suốt để suy nghĩ điều gì nữa. Bố Mẹ tuyệt vọng vô cùng.
- Thôi thì đành phó mặc cho số Trời vậy, Bố nói thế.
Và Bố đã quyết định.
Mồng 29, anh Khang đến với hai đứa con thơ. Anh cùng với Bố Mẹ thâu thập những giấy tờ tùy thân quan trọng, gom góp một ít của cải, bỏ trọn vào hai thùng nhỏ. Qua ngày hôm sau, ngày 30, cả nhà dậy rất sớm.
- Đi, mình lái xe ra tòa Đại Sứ Mỹ xem sao.
Mẹ e ngại:
- Có nên không ? Xem đài truyền hình mấy hôm nay, thấy cảnh người ta chen nhau trèo tường qua kẽm gai hiểm hóc, mà họ vẫn bị đuổi đi. Quân cảnh Mỹ bắn chỉ thiên loạn cả lên. Thôi, em sợ lắm, nhỡ tai nạn gì thì lại khổ. Hay mình chạy ra phi trường, hay bờ sông xem sao ?
Bố dỗ dành:
- Thì mình cũng phải liều một phen, còn hơn là ngồi đây bó tay. Cứ đi thử xem, không được, mình lại trở về, rồi tìm cách khác, nhé ?
Mẹ ngần ngừ một lúc, rồi gật đầu. Thế là cả nhà bảy người sửa soạn ra xe. Mẹ vội chạy sang nhà cô em họ bên cạnh, giao chìa khóa nhà, và dặn dò:
Thôi thì chị để lại căn nhà cho em, nhờ em trông giữ hộ chị nhé. Nếu trong vòng một tuần, không thấy anh chị trở về, tất cả xem như thuộc về em. Trăm sự nhờ em nhé ?
Mẹ lau vội nước mắt, đẩy thằng con trai và đứa cháu nhỏ vào xe. Anh Khang đã ngồi đợi sẵn trên chiếc Vespa, đứa con trai ngồi ôm lưng phía sau, đứa con gái nhỏ đứng trước mặt.

Mẹ tiếp lời Bố :
- Con chó Bubba lúc ấy cứ nhảy cỡn lên, sủa inh ỏi. Hình như nó biết cả nhà sắp bỏ nó lại. Chiếc xe nhỏ của Bố từ từ lăn bánh. Mẹ ngoái cổ lại, nhìn căn nhà thân yêu trôi xa dần trên con đường hẻm quen thuộc. Lòng Mẹ đau xót vô cùng.
Nói đến đây, Mẹ chợt ngừng, thở dài. Đôi giòng lệ chảy dài xuống má. Tôi mủi lòng, sụt sịt khóc theo. Tôi hiểu được tâm trạng Mẹ. Bố Mẹ tôi từng này tuổi, vẫn còn bôn ba khắp nơi. Gia đình đang sống yên ổn ngoài Bắc, đã phải di cư sớm vào Nam. Lúc bấy giờ, bụng Mẹ đang mang thai tôi. Tôi còn nhớ Mẹ hay thường kể, năm sau, khi tôi chào đời, nhà quá nghèo, không đủ sữa cho tôi uống, Mẹ phải nuôi tôi với nước cháo nấu lỏng mỗi ngày. Bố làm việc khó khăn quá, trở bệnh phổi, nằm nhà thương cả tháng, khiến Mẹ đi vay đi nhặt từng hột gạo một mới đủ ăn, Nhưng rồi gia đình tôi cũng nương tựa vào nhau sống qua ngày, vui vẻ yên ấm dưới mái nhà nhỏ. Gây dựng được chút ít sự nghiệp sau hai mươi mấy năm, ngờ đâu lại phải lìa xa quê hương, bỏ lại tất cả những gì thân yêu nhất, dấn thân phiêu bạt trên đất người, chỉ với một manh áo mỏng, và đôi bàn tay trắng.
Tôi bậm môi nhìn Mẹ. Cả nhà không ai nói gì. Đợi Mẹ nguôi niềm cảm xúc, Bố tiếp tục :

Bố lái xe đến tòa đại sứ Mỹ. Con chó Bubba chạy theo sau xe mấy quãng đường, miệng nó không ngớt sủa. Mẹ khóc như mưa, cứ ngoái cổ lại nhìn nó, cho đến khi bóng nó mờ dần và khuất dạng.
Bố thở dài:
Khổ thân con Bubba, thôi thì nhờ Mợ Lan trông nom, nuôi nó vậy.

Tôi ngắt lời Bố:
- Còn con mèo MunMun thì sao hở Bố ?
- Mấy hôm trước đó, nó đã biến đâu mất rồi, không thấy nó về nhà ăn.
Tôi nhói người. Bố kể tiếp :

Khi đến tòa đại sứ Mỹ, Bố Mẹ xuống xe, mới để ý thấy thất lạc anh Khang. Đứng đợi một lúc vẫn không thấy bóng dáng chiếc Vespa, Bố quẳng xe đó, dắt cả nhà đi lại trước cổng tòa đại sứ. Quang cảnh lúc ấy thật hỗn loạn. Người người từng lớp từng lớp tranh nhau trèo lên tường, không ngại hàng kẽm gai đâm rách toang cả áo quần. Trèo lên bao nhiêu, lính Mỹ trong sân đẩy xuống bấy nhiêu. Tiếng khóc, tiếng la ó, lẫn lộn với tiếng súng bắn chỉ thiên của quân cảnh Mỹ khiến Bố Mẹ tôi lo âu. Bố nhìn lên mái sân thượng bên trong. Một chiếc trực thăng to lớn đậu trên đó, cánh quạt quay vùn vụt. Đám người đứng chen chúc đợi phía dưới, giơ tay chờ anh lính kéo lên. Bố bế cháu, Mẹ nắm chặt tay thằng em tôi, hai người cố chen vào gần cổng.
Đằng sau thì ùn tới, đằng trước thì đẩy lại, chật vật lắm Bố Mẹ mới lọt vào đến gần cổng. Cánh cửa cổng khóa chặt, ống khóa dày, to tướng. Hai ba anh lính quân cảnh đứng chắn ngay sau cửa, súng ống chĩa ngay vào ngực mình thế này.

Bố ngừng một chốc lấy hơi. Cả nhà im thin thít, nín thở. Anh Bạch đứng lên rót nước lạnh cho Bố. Nốc một mạch, Bố nói tiếp :

Ánh mặt trời ban trưa hực nắng gắt gao. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, Mẹ mệt quá, đòi đi về. Bố đành chịu thua, tuyệt vọng vô cùng. Vừa quay lưng đi, Bố nghe tiếng ai gọi mình:
- Ông Mai C. Đằng kìa. Ấy, ông Đằng ơi.
Bố tôi lạ lùng quay lại. Từ bên trong sân tòa đại sứ, một cánh tay giơ lên, vẫy vẫy gọi tên Bố. Bố không nhận ra ai quen. Còn đang lưỡng lự, Bố thấy ông ta lại gần một anh quân cảnh Mỹ, ghé vào tai thì thầm một lúc. Rồi bỗng dưng, thấy hai anh lính bước đến, người thì đứng chĩa súng vào đám đông, người thì mở ổ khóa. Anh ta chỉ tay vào Bố, ngoắc vào:
You, come on in.
Bố ngạc nhiên, há hốc mồm, hỏi : - Me ?
Anh ta không trả lời, thò tay ra, lôi Bố vào trong. Bố vội vàng nắm chặt tay Mẹ. Một hai người đứng sau lưng Bố định chen theo vào, người lính Mỹ kia đẩy lui họ, và đóng sập cánh cổng lại.
Vào đến bên trong, Bố vẫn bàng hoàng. Sự việc xảy ra ngoài sức tưởng tượng. Bố nhìn sững người đàn ông lạ mặt, quên cả chào hỏi. Mẹ ngồi bệt xuống thảm cỏ, thở dốc, tay ôm chặt lấy hai đứa nhỏ. Người đàn ông lạ mặt tươi cười, bắt tay Bố: 
Tôi đã sưu tầm và đọc hết tất cả những tập văn thơ và truyện Bác viết. Lời hay ý đẹp, Bác viết giỏi quá. Hôm nay thật hân hạnh được gặp Bác.
- Cám ơn, cám ơn.
Bố chỉ lắp bắp được bấy nhiêu, tay nắm chặt lấy tay người dàn ông đó lay lay.
- Thôi, thế chúc gia đình Bác may mắn nhé ? Có duyên sẽ gặp lại.
Nói xong, ông ta rảo bước về phía bên kia bãi cỏ. Người vợ cùng với ba đứa bé nhỏ đứng đợi đấy, liếc nhìn về phía Bố, nhoẻn miệng cười, gật đầu chào. 
Mẹ hỏi : - Ai đấy ?
Bố rùn vai : - Không biết nữa.

Anh Bạch xen vào:
- Chắc chắn ông ta là người ái mộ văn chương Bố viết đấy mà. Sao Bố giỏi thế ?
Bố không trả lời, kể tiếp :

Ngồi xuống cạnh Mẹ trên thảm cỏ, Bố vẫn như mơ ngủ, không tài nào tin được mình đang ở trong sân tòa đại sứ. Mẹ mếu máo:
Thôi thì trăm sự nhờ Giời. Chỉ tiếc thương cho thằng Khang. Không biết tại sao nó đi lạc đâu mất ?
Bố quàng tay lên vai Mẹ, an ủi:
- Số cả mình ạ. Đừng buồn nữa.
Một anh quân cảnh Mỹ ra lệnh cho tất cả đứng xếp hàng trật tự. Họ chia ra từng nhóm một, đi dần về phía tòa nhà. Bố nhìn quanh quất kiếm người đàn ông lúc nãy, vừa vặn thấy ông ta và vợ con đang trèo lên trực thăng. Bố lẩm bẩm:
Cám ơn anh nhé, xin chúc anh may mắn.
Rồi cũng đến lượt Bố Mẹ. Ngồi trong lòng chiếc trực thăng, lúc ấy, Bố mới thở phào nhẹ nhõm, trút đi được mối lo âu trong lòng từ bao tháng nay.

Tôi thắc mắc hỏi:
- Thế còn va-Ii Bố Mẹ ra sao ?
- Làm gì có va-li? Đi chỉ có cái túi nhỏ đựng một ít giấy tờ và tiền bạc thôi. Mẹ vất lại hết tất cả. Mỗi người chỉ có bộ quần áo mặc trên người thôi đấy.
Tôi định hỏi tiếp, anh Bạch kêu:
Suỵt, rồi sao nữa Bố ?

Chiếc trực thăng cất cánh, chở gia đình Bố Mẹ ra ngoài khơi, đáp xuống lòng một chiến hạm Mỹ đậu ngoài ấy. Bước ra khỏi chiếc trực thăng, Mẹ ngơ ngác nhìn chung quanh, tay vẫn nắm chặt lấy thằng em tôi. Đi theo đám người dưới sự chỉ huy của anh lính Mỹ, Mẹ quay lại kiếm Bố, không thấy Bố đâu nữa. Mẹ hốt hoảng kêu lên:
Chồng tôi đâu, Ông đâu rồi ?                                           
Đứa em trai thấy Mẹ hớt hãi, cũng hoảng sợ, khóc òa. Một anh lính Mỹ đi lại, Mẹ vồ lấy anh ta:
- My husband, my husband?
- Who is your husband?
Mẹ không rành tiếng Anh lắm, không biết làm sao trả lời anh ta, chỉ mếu máo đi theo đám người về một góc tàu. Ngồi xuống nghỉ, Mẹ lo lắng vô cùng, nước mắt không ngừng trôi. Một người Việt Nam bên cạnh biết chuyện, an ủi Mẹ:
- Thôi, Bà đừng khóc nữa, chắc ông nhà không việc gì đâu, hả?

Chị Vy lúc ấy xen vào:
- Sao lạ vậy, lúc ấy Bố đi đâu?
Bố cười gượng:
- Thế này này. Ở trực thăng bước xuống tàu, hai mẹ con đi trước, Bố bế thằng Chí định xuống theo, anh lính Mỹ ngăn lại, chia người ra từng nhóm. Bố cũng không hỏi, đinh ninh Mẹ sẽ đứng chờ. Nào ngờ, khi xuống tàu, chả thấy hai mẹ con đâu cả, không biết họ dẫn hai mẹ con đi đâu mất. Bố cuống lên, hỏi chung quanh, nhưng không ai trả lời được. Thôi thì đành chịu thất lạc hai mẹ con vậy. Trong bụng Bố lo lắng, chỉ sở họ chuyển sang tàu khác.
Tôi sốt ruột hỏi:
- Thế rồi có bị chuyển đi không?
Mẹ cười toe:
- Không, đây này, buồn cười lắm.

... Lúc ấy, trời đã sâm sẩm tối. Trên tàu, họ phát cho mỗi người một hộp thức ăn, và một tấm chăn. Họ ra lệnh bắt tất cả ngồi xuống im lặng. Mẹ kéo tay thằng Quỳnh, ngồi dựa lưng vào một góc tàu, mở gói thức ăn. Nghĩ đến Bố và thằng Chí, Mẹ buồn bã vô cùng, không tài nào nuốt trôi. Ăn uống xong, thằng Quỳnh mệt mỏi, ngủ ngay. Mẹ nhìn chung quanh, đám người đồng hương tị nạn nằm la liệt rải rác trên tàu. Đã khuya lắm rồi. Trời phẳng lặng như tờ, chỉ nghe tiếng sóng vỗ rì rào đập vào thân tàu. Ngọn đèn nhỏ chiếu xuống khoang tàu khẽ lung lay trong gió. Mẹ thiếp đi.

Còn đang mơ màng, tiếng còi tu huýt vang lên, đánh thức mọi người. Mẹ vươn vai đứng dậy, duỗi chân tay. Mình mảy Mẹ ê ẩm, tuy nhiên, Mẹ cảm thấy đỡ mệt nhiều. Họ lại bắt đứng xếp hàng đi lấy thức ăn sáng.
Nhìn những người đồng hương cười nói vui vẻ bên cạnh, Mẹ bớt u sầu, rảo mắt kiếm mái tóc bạc của Bố. Gia đình đứng sau lưng Mẹ bàn tán:
- Nghe nói chốc nữa, trực thăng sẽ đến chở mình ra nơi khác. Lần này không biết họ sẽ chuyển mình đi đâu.
Nghe họ nói thế, Mẹ lại lo lắng, quay sang thằng Quỳnh:
- Con cố tìm xem, có gặp được Bố không nhé?

Nắng đã lên cao. Biển rộng bao la, xanh ngát. Chiếc chiến-hạm lênh đênh, đứng hiên ngang ngạo nghễ giữa lòng biển. Mẹ bâng khuâng tự hỏi không biết mình đang ở đâu. Nắm tay thằng Quỳnh, hai Mẹ con đi quanh quất trên tàu, hy vọng tìm được Bố.
Chiều lại đến. Trên tàu đã vơi đi một số người. Đến giờ ăn tối, Mẹ con lại lục đục ra xếp hàng như mọi khi. Bất thình lình, một mái tóc bạc thoáng ẩn hiện trước mặt giữa đám đông. Mẹ vội nhín người ra, và reo lên:
- Ấy Bố kìa.
Quên cả mình đang đứng xếp hàng, Mẹ rảo bước nhanh đến gặp Bố. Hóa ra, khi bước xuống trực thăng, Mẹ bị dẫn đến góc tàu bên này, trong khi Bố sang cuối tàu bên kia. Chiếc tàu rộng mênh mông, vả lại, trên tàu có kỷ luật, họ không cho mình đi đi lại lại nhiều trên tàu. Mẹ đâu có nghĩ rằng Bố ở đầu tàu bên kia? Cứ tưởng họ chuyển Bố sang tàu khác.
Mẹ cười cười nói thế.

Sống bấp bênh trên biển cả hai ngày, qua ngày sau, chiếc trực thăng trở lại đón Bố Mẹ bay sang trại tị nạn tại tiểu bang Arkansas. Ở trong trại, thỉnh thoảng, Bố Mẹ cũng gặp một ít người quen, nên đỡ buồn tẻ. Hội Hồng Thập Tự cộng tác chặt chẽ với chính quyền, lo giấy tờ đầy đủ cho những người tị nạn.

- Và rồi ra sao, thì các con cũng đã biết. 
 Bố ngừng kể. Mẹ tiếp:
- Thôi thì cứ cám ơn Trời Phật phù hộ, đã ban phước lành cho gia-đình mình. Nghĩ mà thương mấy Bố con thằng Khang quá.
Tôi thắc mắc:
- Không hiểu tại sao anh ấy lại có thể đi lạc nhỉ?
Mẹ không trả lời, hỏi:
- Thế còn các con và anh Bạch ra sao?
Tôi và chị Vy thay phiên nhau thuật lại cho Bố Mẹ. Tôi ngỏ ý muốn kiếm việc làm. Bố gật gù:
- Các con cũng đã lớn. Nếu có việc làm, đỡ cho anh Bạch con cũng tốt, đi học thêm cũng không sao. Bố Mẹ chả cần gì đâu. Có tất cả các con bên cạnh là đủ. Các con cứ tính với nhau nhé?
Anh Bạch lên tiếng:
- Việc trước hết, con nghĩ chúng ta nên mua căn nhà rộng hơn. Chỗ này chỉ một phòng ngủ, bé quá, không tiện. Con đã xem qua với Trung. Có một căn nhà trên San Diego ba phòng ngủ, không đắt lắm. Nhà ấy có thêm một phòng nhỏ bên hông mà người chủ dùng như vựa để chứa những thứ lặt vặt. Mình có thể biến phòng ấy thành một phòng nữa. Rất tốt. Ngày mai, con và Trung sẽ trở lại xem sao. Bố đi với tụi con nhé?
- Được, tốt lắm.
Tôi kéo tay Mẹ:
- Con thấy Bố Mẹ có hai thùng gì đó. Quần áo hay gì thế?
- À, tí nữa lại quên. Để Mẹ mang ra đây
Thằng Quỳnh đứng đấy, vội nói:
- Con khiêng ra cho Mẹ.
Mẹ mở thùng ra. Bên trong, một vài bộ quần áo, một ít giấy tờ quan trọng, một gói ít tiền bạc và nữ trang, và một quyển album hình. Tôi nhận ra là quyển album Mẹ cưng quí nhất. Mẹ cất giữ đầy đủ hình từ thuở còn trẻ ngoài Bắc, cho đến khi lập gia đình lấy Bố, rồi đến các con cháu. Cả nhà xúm lại xem hình. Tôi sực nhớ đến mớ quần áo anh Trung mua tặng, vội mang ra cho Bố Mẹ xem. Mẹ ướm thử vào người, nói:
- Mấy bộ này, Mẹ đâu mặc được? Trong trại, họ đã cho một ít quần áo cũ, Mẹ có đủ rồi, mặc tốt lắm.
- Ngày mai mình đi shopping mua thêm một ít cho Bố Mẹ.
Mẹ lắc đầu:
- Thôi con ạ. Để tiền đó giúp anh Bạch con mua nhà hơn.

Bước đầu kiếm tiền
Thời gian thấm thoát trôi nhanh. Bố Mẹ đến đây đã gần một tháng. Chỉ còn vài tuần nữa, chúng tôi sẽ dọn sang nhà mới. Cả gia đình tôi gom góp hết tiền bạc và nữ trang mang theo được, đưa cho cô bạn của anh Bạch, nhờ cô ta bán hết đi. Vỏn vẹn chỉ vừa đủ giúp anh Bạch đặt tiền cọc mua nhà, chúng tôi hớn hở, nóng lòng trông chờ ngày dọn đi.

Hôm ấy, tôi loay hoay giúp Mẹ dọn dẹp trong nhà bếp. Tiếng điện thoại reo:
- Uyên ơi, điện thoại của em này. Chị Vy gọi tôi.
Tôi bắc ống nghe. Thì ra, một nhóm bạn nghệ sĩ cũ dạo còn ở Saigon gọi, muốn mời tôi cộng tác với họ tại một phòng trà trên tỉnh Hollywood. Họ nói kiếm được số điện thoại của anh Bạch, qua một người quen biết và gặp lại Bố trong trại ở Arkansas.
Sau khi gác máy, tôi ngồi thừ ra suy nghĩ. Mong mỏi có việc làm bao tháng nay, vẫn chưa kiếm được, tôi những nghĩ đây là cơ hội tốt. Tôi lại chợt nhớ đến những lời anh Bạch dặn dò hai chị em khi chúng tôi mới sang:
- Nếu hai em muốn kiếm việc, anh khuyên nên cố kiếm việc gì cho vững chắc. Dĩ nhiên, việc làm nhiều tiền thì tốt, nhưng kiếm tiền nhiều hay ít, không quan trọng. Quan trọng là kiếm việc lâu bền, có đầy đủ bảo hiểm và quyền lợi. Hai em nên nhớ lời dặn của anh.

Tôi đã từng đi ca hát tại Saigon. Tôi rất hiểu cuộc sống nghệ sĩ này, tuy vui, nhưng bấp bênh, không nhất định. Tôi lại vừa được đoàn tụ với gia đình, tôi chưa muốn lại phải lìa xa bố mẹ, rời San Diego lên Hollywood. Tôi rối trí quá, bèn hỏi ý kiến Bố Mẹ.
- Thật ra, vấn đề quan trọng là con có thích hay không thôi. Dĩ nhiên, hoàn cảnh gia đình chúng ta hiện tại hơi khó khăn, nhưng Giời sinh voi sinh cỏ, các con không cần phải lo lắng cho Bố Mẹ nhiều quá. Các con đều đã trưởng thành, rồi cũng phải sống cho các con chứ, phải không? Bố nói thế.
Anh Bạch ngỏ ý:
- Anh biết bên này, chính phủ Mỹ có chương trình trợ cấp cho những gia đình tị nạn. Anh sẽ dò hỏi chuyện đó cho Bố Mẹ xem sao. Em đừng lo lắng, nghe chưa? Tùy em thích như thế nào, gia đình sẽ ủng hộ em.
Tôi tư lự, suy nghĩ cả buổi hôm ấy. Tối đến, nằm ngủ bên cạnh chị Vy, tôi hỏi:
- Hôm nay không thấy chị nói gì cả. Chị nghĩ sao?
- Chị em mình cố gắng kiếm việc để đỡ cho anh Bạch bao nhiêu tháng nay không được. Chị rất buồn.
Nay thêm cả gia đình đến đông như thế, không thể nào ăn không ngồi rồi mãi. Em có dịp có việc, chị nghĩ em cứ nên nhận, kiếm được đồng nào hay đồng nấy, thích hay không thích hẵng tính sau. Nếu em nhận lời, chị sẽ theo em lên đó, xem có gì trên ấy cho chị không. Rồi mình sẽ kiếm việc khác khá và bảo đảm hơn, chắc cũng dễ dàng. Ở đây xem chừng khó quá.
Tôi vui vẻ:
- Nói đúng ra, em không ham gì cho lắm. Và em đang nghĩ em lại phải lên đó có một mình, em lại càng không thích. Nhưng chị đã nói vậy, thì thật có lẽ cũng phải thử.
- Ừ, thế ngày mai, chị em mình nói chuyện với Bố Mẹ và anh Bạch nhé? Thôi, ngủ đi em.

Sáng hôm sau, khi biết ý định chị em tôi, Bố Mẹ vui vẻ chấp thuận. Mẹ nói thêm:
- Nếu có hai chị em với nhau, Bố Mẹ đỡ lo lắng.
Anh Bạch xen vào:
- Từ San Diego lên Hollywood không xa lắm. Có buýt, có xe lửa đi đi về về Los Angeles luôn ấy. Thỉnh thoảng về thăm Bố Mẹ, hoặc anh sẽ lái đưa Bố Mẹ lên chơi. À, mà mấy em định ở đâu?
- Em cũng chưa biết, em sẽ hỏi ban nhạc xem sao.      

Được Bố Mẹ đồng ý, tôi liên lạc ngay với ban nhạc. Chúng tôi hẹn cùng nhau lên Hollywood, đến gặp ông chủ nhà hàng ca nhạc, và bàn chuyện ký hợp-đồng. Biết được hoàn cảnh khó khăn của chị em tôi, ông ta giới thiệu chị Vy làm việc trong cửa hàng bán quà cho du khách. Cửa hàng nằm trong khách sạn, rất tiện lợi cho chị em tôi. Ông ta còn sốt sắng nói thêm:
- Thế này, hai cô cứ ở tạm trong khách sạn. Ăn uống thì cứ xuống nhà hàng ăn, không phải lo gì cả. Từ từ rồi kiếm nhà dọn ra sau.
Chị em tôi ứa nước mắt cảm động, nhận lòng tốt của ông ta.

Tuần lễ gia đình tôi dọn vào nhà mới, cũng là tuần lễ chị em tôi lên Hollywood, bắt đầu chen chân vào thử thách mới.
Được hơn một tháng, chúng tôi dọn ra ngoài, cách khách sạn khoảng ba con đường nhỏ, và cùng nhau mua lại chiếc xe cũ để tiện việc di chuyển trong thành phố. Tiếng đồn ban nhạc tị nạn Việt Nam đầu tiên tại nước Mỹ loan đi nhanh hơn cơn gió lốc. Ba ngày mỗi cuối tuần, nhà hàng chật ních với khách Việt từ bốn phương kéo đến ủng hộ, đông và vui như hội hè. Chị em tôi đùm bọc lấy nhau, tạm sinh sống qua ngày.
Ngày này qua tháng nọ, tôi lăn lóc trong cuộc đời nghệ sĩ, đêm đêm thức khuya, cực lực tranh đấu cất tiếng hát đổi lấy miếng ăn. Chống chọi với bao nhiêu lời khen chê của khách, chạy đua không ngừng theo mode quần áo thời trang, son phấn, tôi cảm thấy mệt mỏi. Hơn một năm sinh sống bấp bênh với nghề này, tôi không để dành được bao nhiêu. Tôi nhận thức ra được, đây không phải là ước vọng tương lai của tôi. Trên đất lạ quê người, tôi chỉ mong muốn một cuộc sống êm ả bình thường, nhưng vững chắc như lời anh Bạch đã căn dặn. Tôi định bụng đến đầu tháng sau, sẽ nói chuyện từ giã với ông chủ và anh chị em trong ban nhạc.
- Bây giờ em bỏ ngang như thế, cũng hơi phí đấy nhỉ? Chật vật lắm, chị em mình mới kiếm được chút ít để giúp đỡ gia đình. Nhưng chị cũng cảm nhận ra được vấn đề này, và chị hưởng ứng quyết định của em. Hay là thế này? Em cứ tạm thời tiếp tục hát hỏng cho đến khi kiếm ra việc như ý muốn, rồi hãy bỏ nhé?
Chị Vy khuyên thế. Tôi gật đầu.

Đi làm văn phòng
Cho đến một hôm, tôi gặp và quen Sơn Khuê, người bạn gái VIệt Nam đầu tiên của tôi tại nước Mỹ. Khuê làm dịch vụ xã hội cho một cơ quan chính phủ, và sinh sống tại vùng Los Angeles đã lâu. Khuê nói, vẫn thường đến phòng trà mỗi tuần nghe tôi hát. Chúng tôi quen nhau, rất tâm đầu ý hợp. Nghe tôi kể chuyện gia đình chạy loạn sang đây, Khuê cảm động ứa nước mắt, nắm tay tôi, nói:
- Bây giờ chúng ta là bạn, Tú Uyên cần Khuê giúp gì, cứ nói, Khuê sống một mình, nên cũng khá rảnh rỗi.
Biết được ý định kiếm việc khác của tôi, Khuê sốt sắng:
- Uyên đừng lo. Chuyện gì chứ kiếm việc cho người ta là nghề của Sơn Khuê này. Khuê sẽ giúp cho.
Quả nhiên, chỉ vài hôm sau, Khuê ghé nhà chị em tôi, báo tin mừng:
- Khuê đã làm cái hẹn cho Uyên đến gặp một ông chủ tuần sau. Ông ta đang cần người giúp việc vặt trong sở. Công ty này sản xuất máy may và các thứ phụ tùng ở ngoại-ô Los Angeles. Uyên ráng đi nhe?

Ngày hôm ấy, tôi sửa soạn đến gặp ông Edmond. Đợi ngoài phòng tiếp tân, tôi bồn chồn đứng ngồi không yên, bụng cứ đau thóp lại. Tôi chưa hề làm qua công việc trong văn phòng, suy nghĩ phải ăn nói ra sao, đi đứng như thế nào. Còn đang vẩn vơ, bà thư ký gọi tôi vào. Ông Edmond mặt mày phúc hậu, mái tóc bạc như bố tôi, dáng người cao lớn. Ông ta bắt tay tôi:
- Mời cô ngồi.
Tôi khép nép ngồi vào mép ghế, chân tay luống cuống, miệng khô ran. May mà Anh văn tôi khá vững. Tôi nhìn sững vào ông Edmond. Sau vài câu thăm qua về thân thế tôi, ông ta hỏi:
- Tôi đang cần người giúp việc trong văn phòng. Cô biết trả lời điện thoại cho khách?
Tôi lắc đầu.
- Cô biết đánh máy chữ?
Tôi lại lắc đầu.
- Cô biết thu xếp dọn dẹp theo thứ tự và cất hồ sơ?
Tôi lại lắc đầu, người tôi toát mồ hôi. Ông Edmond nghiêm nghị:
- Thế thì nói cho tôi biết. Cô làm gì được?
Tôi bặm môi, cố ngăn giọt nước mắt:   
- Dạo ở quê nhà, tôi đi hát.
Ông Edmond bật cười:
- A, hay quá nhỉ? Anh văn của cô vững lắm. Thôi, không làm phiền cô nữa. Có gì thay đổi, tôi sẽ cho người gọi lại.
Ông ta đứng dậy bắt tay tôi. Tôi lí nhí câu cám ơn, bước ra ngoài.
Tôi ghé đến nhà Khuê. Khuê đang chờ tôi về. Thấy mặt tôi buồn hiu, Khuê hỏi tới:
- Sao, có được không?           

Tôi tiu ngỉu kể lại. Khuê ôm bụng cười ngất :
- Đáng lý ra Uyên phải phịa đại đi chứ ? Nhưng thôi, không sao, Khuê sẽ kiếm việc chỗ khác cho Uyên.
Tôi lo lắng :
- Khuê biết chỗ nào dạy đánh máy chữ, chỉ cho Uyên với. Trong bụng thì muốn kiếm việc trong văn phòng, hỏi đến thì chả biết làm gì cả. Quê quá.
- Rồi từ từ Uyên sẽ biết mà. Ừ, Khuê sẽ xem hộ cho nhé ?

Vào một ngày nghỉ của chị em tôi, tôi rủ chị Vy về San Diego thăm gia đình. Tôi chạy ùa vào nhà, ôm lấy Mẹ, õng ẹo :
- Mẹ ơi, tụi con nhớ Mẹ lắm, Mẹ có nhớ tụi con không ?
Mẹ mắng yêu :
- Lớn đầu rồi còn làm nũng. Ăn gì chưa ? Này, hôm nay vừa vặn rằm, Mẹ làm bún thang để cúng. Tí nữa thì ăn được.

Tôi chạy ra ngoài, đứng ngắm nhìn ngôi nhà mới. Căn nhà nằm gọn trên ngọn đồi, nhìn xuống thung lũng.  Con đường đất ngoằn ngoèo len lỏi luồn qua những mái nhà ngói đỏ. Vài áng mây trắng lững thững trôi trong khung trời xanh ngắt. Tuyệt đẹp.
- Anh Bạch và Bố đâu, Mẹ ?
- Đằng sau nhà ấy, đang sửa chữa gì ấy mà.

Tôi bước ra sân sau. Hai Bố con loay hoay đóng màng lưới bọc căn phòng trái bên hông nhà. Thấy tôi, anh Bạch reo lên :
- A, về rồi hở ? Lấy cho Bố và anh ly nước lạnh nào. Em trông thấy phòng ngủ hai chị em chưa ?
- Đâu, phòng nào ? Chốc nữa em xem. Anh đang đóng phòng cho ai thế ?
- Phòng này sẽ là phòng của anh. Khi nào xong màng lưới, sẽ mát vô cùng em ạ.
Chị Vy kéo tay tôi vào nhà :
- Đi, vào xem phòng chị em mình.
- Em đi rót nước cho Bố và anh Bạch đã.

Căn nhà chúng tôi khá rộng, hai phòng tắm, ba phòng ngủ, một phòng cho Bố Mẹ, một phòng cho hai chị em tôi, một phòng cho thằng em trai và đứa cháu. Tuy rằng chị em tôi hiện sinh sống trên Hollywood, nhưng tôi biết, anh Bạch nhường phòng anh ấy, để dành cho những lúc chị em tôi về thăm. Tôi liếc nhìn vào trong. Bố Mẹ đã trang trải xong xuôi, đâu ra đấy, ngăn nắp. Tôi chạnh lòng thương anh vô cùng.
Tiếng Mẹ gọi từ dưới nhà :
- Uyên, điện thoại của cô Khuê này.
Tôi xuống gác.
- Uyên, ông Edmond có nhắn lại cho Khuê là ông ta nhận Uyên làm việc đó. Ngày kia, Uyên trở lại trên này chưa ? Ông ta nói, nếu Uyên nhận lời, hôm đó trở lại gặp ông ta để điền đơn gì đó mà.
Tôi nhảy cỡn lên :      
- Thật không ? Trời ơi, mừng quá. Cám ơn Khuê nhiều nhe ?
- Gì đâu mà cám ơn Khuê ? Uyên đi xin việc và nói chuyện với ông Edmond, chứ đâu phải Khuê nè ? OK, thôi, Khuê hẹn với ông ta dùm Uyên nhe ? Ngày kia trở lại trên này nhe ?

Tôi báo tin mừng cho gia đình. Anh Bạch vui lắm.
- Mừng cho em có việc làm tốt. Giúp việc vặt trong văn phòng, chắc không bao nhiêu đâu, nhưng ít ra có đầy đủ quyền lợi và bảo hiểm vững chắc. Hôm nào thì em bắt đầu làm ?
- Em chưa biết nữa. Ngày kia lên làm giấy tờ, em sẽ hỏi.
- Thế con sẽ còn đi hát nữa không ? Mẹ hỏi thế.
- Không, Mẹ ạ. Con không muốn tiếp tục nghề này lâu rồi, nhưng chưa có dịp thôi. Đây là dịp tốt cho con bỏ. Ngày kia lên trên Hollywood lại, con sẽ nói với ban nhạc.
Bố không nói gì cả, chỉ gật gù mỉm cười.
- Xa không con ? Mẹ hỏi tiếp.
- Từ chỗ tụi con ở, chắc cũng phải 15, 20 phút lái xe. Sở đó nằm ở ngoại ô Los Angeles.
- Thôi cũng được. Không xa lắm là tốt rồi.

Sau bữa cơm tối, tôi vào phòng “mới” của hai chị em, nằm suy nghĩ mãi, không hiểu tại sao ông Edmond lại bằng lòng nhận mình làm việc.  Tôi cứ đinh ninh là ông ta không hề bận tâm nghĩ đến mướn một người như tôi. Tôi kể cho chị Vy nghe, chị bảo :
- Cũng không biết được. Nhiều khi ông ấy muốn giúp đỡ những người tị nạn nghèo khổ như mình. Cũng có thể ông ấy rất có cảm tình với người Á Đông, hoặc khi thấy em ăn nói thật thà như thế, ông ấy lại mến cũng không biết chừng. Nhưng thôi, em thắc mắc làm gì ? Dù sao đi nữa, khi em đến gặp ông ấy, nhớ cám ơn ông ấy nhé ? Dịp tốt cho em, hãy cố gắng làm việc cho giỏi.

Tôi như mở hội trong lòng, thích thú vô cùng.
Hôm ấy trở lại gặp ông Edmond, tôi ngượng ngập, lí nhí vài câu xã giao và cám ơn. Tôi không dám hỏi ông ấy lý do tại sao mướn tôi làm, sợ ông ấy lại đổi ý. Trong khi tôi ngồi điền giấy tờ, ông Edmond giải nghĩa tần tượng những luật lệ, điều kiện của công ty, trình bày rõ ràng quyền lợi nhân viên cho tôi nghe. Tôi nghe đến đâu, chỉ nhút nhát gật đầu, cám ơn đến đó, không dám hỏi nhiều. Về nhà, tôi điện thoại ngay đến ban nhạc, tôi hẹn sẽ tiếp tục với họ đến cuối tháng rồi từ giã, họ buồn vô cùng, nhưng ai nấy đều chúc mừng tôi.

Ngày đầu tiên trong công việc, bà thư ký Lana chỉ dẫn tôi cách dùng điện thoại để trả lời khách khi họ gọi đến, đánh máy vài tờ hóa đơn, thu xếp hồ sơ và cất vào tủ theo thứ tự. Tôi cẩn thận biên xuống tập giấy từng bước một những lời chỉ dẫn của bà Lana, và cố gắng theo dõi ghi nhớ những gì bà ta làm.  Một tuần lễ liền thực tập như thế, tôi bắt đầu tự làm lấy công việc.
Ôi chao, tôi vụng về quá. Loay hoay mãi mới chỉ đánh xong một tờ hóa đơn. Đang nói điện thoại với khách hàng, khi một đường giây khác gọi vào, tôi hoảng hốt, sơ ý, bấm nhầm loạn xạ nút điện thoại, cắt ngang người khách. Bà thư ký nhìn tôi lắc đầu. Tôi sợ hãi, cố gắng tập trung tư tưởng vào công việc. Lúc ra về, tôi chào bà ta, giọng tôi run lên xin lỗi. Tôi hứa sẽ cố gắng nhiều hơn.
Về đến nhà, tôi nằm vật ra giường, buồn vô hạn. Điện thoại kể chuyện cho Khuê nghe, tôi bật khóc sau đó :
- Chắc ông Edmond sẽ đuổi Uyên quá Khuê ơi. Sao Uyên vô tích sự thế này.
- Chắc không sao đâu, Uyên bình tĩnh nhe ? Mai trở lại làm, Uyên xin bà Lana chỉ dạy thêm nhiều nữa, và ráng ghi nhớ là được rồi.

Qua ngày hôm sau làm việc, tôi vẫn lúng túng làm sai rất nhiều, nhưng tương đối đỡ hơn hôm trước. Được cái bà Lana rất kiên nhẫn, chịu khó chỉ bảo cho tôi từng bước một. Và rồi, tôi quen dần với công việc, và làm rất hăng say. Thấy tôi tiến bộ nhiều và siêng năng, bà ta bắt đầu giao hết công việc trong văn phòng cho tôi.

Thấm thoát tôi làm việc cho công ty đã gần hai năm. Tôi hoàn toàn lãnh hội và rành rẽ tất cả những việc trong sở. Lúc ấy, chị Vy đã dọn ra riêng khi chị kiếm được việc khác khá hơn. Khuê rủ tôi :
- Uyên đến ở chung với Khuê nhe ? Vừa gần sở hơn, Khuê cũng sẽ có Uyên bên cạnh, đỡ cảm thấy cô đơn.
Tôi vui lắm, bằng lòng ngay, thiết nghĩ tạm thời, tôi sẽ có được một cuộc sống an vui và đầy đủ như ý tôi mong muốn.
Cho đến một ngày, ông Edmond về hưu, ông phó lên nhậm chức. Tôi nhận ra được càng ngày bà Lana trở nên lười nhác. Bà ta đến trễ, về sớm, lắm lúc không đến sở nữa. Tôi điều hành mọi việc trong sở không hở tay. Tiền lương không thay đổi, đến sớm, về trễ, người thấm mệt. Tôi bất mãn, đệ đơn xin nghỉ. Lúc ấy, tôi đã có một số vốn kinh nghiệm việc sở, tôi không sợ nữa. Khuê lo cho tôi lắm, bảo :
- Sao Uyên gan thế ? Đang làm giỏi và tốt, tại sao lại xin nghỉ ?
- Nhưng chịu không nổi tư cách bà Lana.
Tôi cương quyết :
- Bà ta ăn hiếp Uyên quá đi. Ông chủ thì có mắt cũng như không, cứ làm ngơ cho bà ta muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi, muốn đến thì đến, về thì về. Lần nào có mặt trong sở, gặp được chưa đầy năm phút, bà ta lại biến đâu mất. Quá giờ ăn trưa mới thấy bà ta lò dò về, mặt mày đỏ gay mùi rượu. Thỉnh thoảng lên cơn, bà ta lên tiếng chê bai rằng Uyên làm không đúng cách. Bao nhiêu việc khó dễ gì trong đó, Uyên ra sức làm hết mà, có bao giờ bị khách hàng trách móc, hoặc cấp trên tại Nữu Ước tra xét sai lầm đâu ? Không được, bà ta ngồi không hưởng lợi. Uyên không chịu.
Khuê lắc đầu :
- Thì đã đành rồi, nhưng Uyên chưa có việc khác mà. Đợi khi nào kiếm việc khác rồi, lúc ấy xin nghỉ cũng chưa muộn, phải không ? Khuê chỉ lo cho Uyên thôi. Đừng nóng nảy quá.
- Uyên thà chết đói, quyết không để bà ta ăn hiếp như vậy.
- Thôi được, thôi được, Khuê phục Uyên rồi. Để Khuê kiếm cho Uyên việc khác nhe. Khuê lè lưỡi, cười cười.
Tôi thử hai, ba chỗ kiếm việc, không được. Tôi bắt đầu tuyệt vọng, nghĩ đến việc trở lại với nghề ca hát.

Trạm dừng chân
Một buổi chiều cuối hạ, một số bạn bè tôi quen biết nhân dịp còn đi hát tại Hollywood, rủ nhau đi du lịch sang miền Đông nước Mỹ, thăm viếng Nữu Ước. Họ kéo tôi đi theo. Tôi nhận lời, thích thú lắm. Chị Vy bảo :
- Thôi thì cứ đi chơi một, hai tuần với bạn bè cho khuây khỏa, nhân thể em còn đang thất nghiệp. Nếu chị không bận với công việc mới của chị, chị cũng đi với em một chuyến.

Tôi sang Nữu Ước chưa đầy hai tuần, đã đem lòng yêu những nơi tôi thăm viếng. Những thành phố nhỏ xinh xắn, những ngôi nhà còn giữ nguyên vẹn hình thù cổ xưa, những con đường chật hẹp băng ngang cánh đồng bát ngát, những làng tược đầm ấm, đậm nhiều nét Âu Châu tôi hằng mơ tưởng. Trời đổ sang thu, lá thay màu, tuyệt đẹp, thật quyến rũ. Tôi quyết  định ở lại, điện thoại về xin phép gia đình. Mẹ hưởng ứng :
- Con đã lớn khôn, Mẹ tin ở quyết định của con. Thỉnh thoảng về lại bên này thăm gia đình là bố mẹ vui rồi.
- Em đã có việc làm chưa ? Anh Bạch hỏi thế.
- Chưa, nhưng với khả năng của em bây giờ, em tin chắc kiếm việc sẽ không thành vấn đề.
Quả nhiên, không đầy ba tuần sau, với lòng đầy tự tin, tôi xin ngay được một chân trong công ty điện, và an cư lạc nghiệp tại đây. Tôi hoàn toàn không ngờ chuyến đi thăm viếng miền Đông này lại là trạm dừng chân của tôi…


... nhưng lòng vẫn chưa nguôi
GIờ đây, với một cuộc sống tạm gọi yên ổn và vững chắc, tôi không khỏi bùi ngùi, mỗi lần nhớ lại con đường đời tôi đã đi qua. Và mỗi lần nhớ lại, tôi tự nghĩ, đã mấy chục năm trôi qua, mấy chục năm lưu lạc trên xứ người, tôi đã hài lòng, mãn nguyện chưa nhỉ ?
Tôi đã nhận đồng bào nơi này là đồng bào của tôi, nhưng tôi vẫn vo gạo thổi cơm hằng ngày. Trên bàn ăn không hề thiếu món canh rau và chén nước mắm thơm đậm đà.
Tôi đã là một công dân Mỹ gương mẫu. Có thể nói rằng, tôi hiểu, đọc, viết và nói tiếng ngoại ngữ này rất khá, nhưng vẫn không bằng tôi hiểu, đọc, viết và nói tiếng mẹ đẻ của tôi.
Trên đài truyền hình Mỹ, xem các chương trình giải trí hoặc tin tức, tôi hiểu từng chữ họ nói, nhưng vẫn không tài nào hấp thụ được ngụ ý của câu văn lời nói, hoặc không tài nào phá ra cười trước những chuyện tiếu lâm họ kể.
Tôi đã nhận nơi này làm quê hương, nhưng tôi thường hay thăm viếng các chùa chiền, hoặc tham dự những buổi lễ mừng Tân Niên của cộng đồng Việt Nam trong khắp những thành phố tôi đã đi qua.
Phải chăng, trong lòng tôi vẫn còn vương vấn một nỗi nhớ nhung, vẫn còn phảng phất một cảm giác thiếu thốn ? Hình như mãi mãi trong tôi, văng vẳng một tiếng gọi mơ hồ, lôi kéo tôi về giòng nước nguyên thủy…

HẾT


Thụy Uyên