ARTSHARE

Dec 18, 2016

Con Rồng Cháu Tiên (11) : Nhà Trần (Phần 3)



./.

3.5 Nhà Trần (1225-1400)
3.5.1 Trần Thái Tông
3.5.2 Trần Thánh Tông
3.5.3 Trần Nhân Tông
Giặc Nguyên

3.5.4 Nhà Trần thời thái-bình
- Trần Anh Tông (1293-1314)
- Trần Minh Tông (1314-1329)
- Trần Hiến Tông (1329-1341)
Lúc này, triều-đình có nhiều quan văn võ tài trí như Đoàn Nhữ Hài, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An, v.v... nên thật là một thời rất thịnh về đời nhà Trần vậy.

3.5.5 Nhà Trần suy vong
- Trần Dụ Tông (1341-1369)
Trong những năm đầu, tuy Dụ Tông làm vua, nhưng quyền chính trị ở Thượng hoàng quyết đoán cả, cho nên dẫu có phải mấy năm tai biến mất mùa đói khổ, nhưng việc chính trị còn có thứ tự.

Từ năm 1358 trở đi, Thượng Hoàng mất rồi, cựu thần như ông Trương Hán Siêu, ông Nguyễn Trung Ngạn cũng mất cả, từ đó việc chính trị bỏ trễ nãi. Kẻ gian thần mỗi ngày một đắc chí. Ông Chu Văn An là một nhà danh nho thời bấy giờ và đang làm quan tại triều, thấy chính trị bại hoại, làm sớ dâng lên xin chém bảy người quyền thần. Vua không nghe, ông ấy bỏ quan về ở núi Chí Linh. Vua Dụ Tông về sau cứ rượu chè chơi bời, xây cung điện.
Chính sự như thế, cho nên giặc cướp nổi lên như ong dấy. Dân tình khổ sở, năm nào cũng phải đói kém. 
Cơ nghiệp nhà Trần bắt đầu suy từ đấy.

Việc Giao Thiệp Với Nước Tàu
Bấy giờ ở bên Tàu, nhà Nguyên đã suy, trong nước rối loạn. Chu Nguyên Chương dấy binh rồi trong 15 năm dứt được nhà Nguyên dẹp yên thiên hạ, dựng nên cơ nghiệp nhà Minh.

Việc Giao Thiệp Với Chiêm Thành
Lúc này, vua Chiêm Thành Chế Bồng Nga là một ông vua anh hùng, có ý đánh An Nam để rửa những thù trước. Vậy cho nên hết sức tập trận, luyện binh. Nhờ cách xếp đặt có thứ tự, dụng binh có kỷ luật cho nên quân Chiêm Thành từ đó mạnh lắm, sau này đánh phá thành Thăng Long mấy lần, làm cho vua tôi nhà Trần phải kính sợ mấy phen.

- Trần Nghệ Tông (1370-1372)
Năm kỷ dậu (1369), vua Dụ Tông mất, không có con. Người con nuôi của Cung Túc Vương là Dương Nhật Lễ được Hoàng Thái Hậu lập lên làm vua rồi làm phản. Các quan Tôn thất nhà Trần mới hội nhau đem binh về bắt Nhật Lễ giết đi, rồi rước Cung Tĩnh Vương (đã bỏ trốn vì sợ luỵ) về làm vua. Tức là vua Nghệ Tông.

Nghệ Tông là một ông vua nhu nhược, việc gì cũng để cho người ngoại thích là Lê Quý Ly quyết đoán cả.
Quý Ly là dòng dõi người ở Chiết Giang bên Tàu. Sau ông tổ tứ đại là Hồ Liêm dời ra ở Thanh Hóa, làm con nuôi nhà Lê Huấn, cho nên mới đổi họ là Lê. Lê Quý Ly có hai người cô lấy vua Minh Tông, một người sinh ra vua Nghệ Tông, một người sinh ra vua Duệ Tông. Vì thế cho nên Nghệ Tông càng tin dùng lắm.

- Trần Duệ Tông (1372-1377)
Thái Tử Kính lên ngôi, tức là vua Duệ Tông, lập Lê Thị (là em họ Quý Ly) làm hoàng hậu.
Năm 1376, quân Chiêm lại sang phá ở Hóa Châu. Duệ Tông thân chinh đi đánh, bị mưu Chế Bồng Nga, Duệ Tông chết trận, tướng sĩ mười phần chết đến bảy tám.

- Trần Phế Đế (1377-1388)
Nghệ Tông Thượng Hoàng được tin Duệ Tông chết trận rồi, bèn lập con Duệ Tông là Hiễn lên nối ngôi, tức là vua Phế Đế.

Trong nước bấy giờ dân tình đói khổ, nhà vua thì sợ giặc phải đưa của đi chôn ở trên núi. Ở ngoài bờ cõi thì người Chiêm hay vào đánh chỗ này, mai vào phá chỗ khác, nhà nước mỗi ngày một hèn yếu.

Trong triều thì Lê Quý Ly chuyên quyền, chọn những chân tay cai quản các đội quân để làm vây cánh, ngoài các trấn thì giặc giã nổi lên nhiều lắm. Thuế má thì càng ngày càng nặng, dân tình thật khổ sở.

- Trần Thuận Tông (1388-1398)
Nghệ Tông Thượng Hoàng nghe Quý Ly mà giết Đế Hiễn rồi lập người con út của mình là Chiêu Định Vương lên làm vua, tức là vua Thuận Tông.

Từ khi Chế Bồng Nga bị thằng đầy tớ phản trắc nên phải chết trận, giặc Chiêm đã yên. 
Lê Quý Ly càng ngày càng kiêu hãnh. Bao nhiêu những người mà không tòng phục mình thì xui Thượng hoàng giết đi; hoàng tử, thân vương đều bị giết hại. 
Nghệ Tông Thượng hoàng mất rồi, Quý Ly lên làm Phụ Chính Thái Sư vào ở trong điện, và từ đấy Quý Ly cứ chuyên làm mọi việc để chực đường thoán đoạt.

- Trần Thiếu Đế (1398 - 1400)
Quý Ly bắt Thuận Tông nhường ngôi rồi lập Thái Tử là Án lên làm vua. Thái tử bấy giờ mới có 3 tuổi, tức là Thiếu Đế.
Lê Quý Ly làm phụ chính tự xưng làm Khâm Đức Hưng Liệt Đại Vương, rồi sai người giết Thuận Tông đi.
Đến tháng hai năm canh thìn (1400) Quý Ly bỏ Thiếu Đế rồi tự xưng làm vua thay ngôi nhà Trần.


Nhà Trần làm vua nước Nam ta kể từ Trần Thái Tông đến Trần Thiếu Đế, với 12 ông vua, được 175 năm, công việc trong nước sửa sang được nhiều, chính trị luật lệ đều chỉnh đốn lại, học hành thi cử thì mở mang rộng thêm ra. Lại chống với nhà Nguyên giữ được giang sơn, lấy đất Chiêm Thành mở thêm bờ cõi, thật là có công với nước Nam. Nhưng chỉ có điều luân thường trong nhà thì bậy: cô cháu, anh em, trong họ cứ lấy lẫn nhau, thật là trái với thế tục.
Còn như cơ nghiệp nhà Trần xiêu đổ là do vua Duệ Tông và vua Nghệ Tông. Duệ Tông thì hoang chơi, không chịu lo gì đến việc nước và lại làm loạn cả cương kỷ để đến nổi dân nghèo nước yếu. Nghệ Tông thì không biết phân biệt hiền-gian để kẻ quyền thần được thế làm loạn, thành ra tự mình nối giáo cho giặc, tự mình làm hại nhà mình vậy.

(Đúng là việc gì có thịnh rồi cũng có suy, chỉ là vấn-đề thời-gian mà thôi. Chỉ hận Hồ Quí Ly vốn gốc người Tàu, cướp ngôi vua rồi làm mất nước vào tay người Tàu một thời gian nữa.)

Yên Hà, tháng 10, 2016
Tài-liệu nguồn :
- Việt-Nam Sử-Lược (1919) : Lệ Thần Trần Trọng Kim

Hai bên bờ đại-dương (5)

Chương 5
Phải chăng là tình yêu ?

Hôm nay rảnh, Phương và Chánh rủ nhau đi viếng Viện Bảo-Tàng nghệ-thuật châu Á Guimet ở Paris. Hai người bạn đi du học đã lâu, sau này lại phải định-cư nơi xứ người nên hay tìm mọi dịp để trở về với nguồn-gốc của mình.
- Cùng gọi là châu Á nhưng người Ấn-Độ và người Việt-Nam có gạch nối gì khác ngoài Đức Phật Thích Ca nhỉ ? Nhất là khi đạo Phật không quá một phần trăm tín-đồ Ấn-Độ? Người Việt là người Á-Đông, một khu-vực gồm có Trung Hoa, Mông Cổ, Nhật bản, Đại Hàn / Triều Tiên và Việt-Nam, cho nên chúng ta thường nói « Người Á Đông mình… », mày nhỉ ? Chánh nói.
- Ừ, mày nói đúng. Thành ra, hôm nay mình phải đi xem văn-hoá các nước châu Á giống mình chỗ nào, khác mình chổ nào thì mình mới biết rõ được mình là ai, cá tính mình là gì.

Hai người bạn say sưa tìm hiểu về văn-hoá nghệ-thuật các nước châu Á trước khi tìm đến món vật vô giá mà họ muốn xem đã lâu : trống đồng Đồng Sơn. Đối với người Việt thì trống đồng là một vật linh vì có vị thần tự xưng là thần trống đồng đã giúp nhiều triều đại Việt Nam trong việc giữ nước hộ dân từ thời vua Hùng đến nhà Lý, nhà Trần, …
- Nghĩ cho cùng, cũng may mà thằng Tây nó sang Việt-Nam mình ăn cắp cái trống này về nên hôm nay mình mới được thấy đấy chứ ? Chánh vừa nói, vừa đùa.
Phương và Chánh say sưa ngắm nhìn mãi cho đến lúc bụng đói mới từ từ bước ra, đi tìm ăn lót lòng nơi một quán ăn nhỏ gần đấy.

Ngồi vào bàn, hai người lại nói chuyện tiếp về những gì vừa xem tại Viện Bảo-Tàng. Hứng chí quá, Phương thốt lên :
- Hôm nay đi, tao thích ghê, chắc tao phải vào sân trường kể tụi nó nghe quá.
Phương gọi diễn-đàn là « sân-trường’ », như một cách để luôn luôn trở về tuổi học trò, thời niên-thiếu đã mất.
- Ừ, mày làm đi. Dạo này, diễn-đàn mình khá nhộn nhịp đấy chứ, nhất là từ lúc có cô Thanh với mày cứ đấu chưởng với nhau, thật là vui.
Ngập ngừng một chặp, Chánh tiếp :
- Phương ơi, mình là bạn thân tình với nhau, tao hỏi thật mày câu này nhé : Mày có ý gì với Thanh không ?
Câu hỏi thật bất ngờ và thẳng thừng làm Phương chột dạ vì chưa bao giờ anh tự hỏi chuyện này. Phương lắp bắp:
- Ờ, À,…, Tao… Mày nói sao ?
- Được rồi, tao hỏi lại vậy : Thanh đối với mày là như thế nào ? Mày có tình ý gì không ? Chánh hỏi tới.
- Mày hỏi thế, tao cũng chả biết trả lời như thế nào. Mày biết tính tao thích đùa, gặp được ai cũng đùa, « ăng-giơ » (en jeu) với tao thì tao đùa « líp-ba-ga ». Hai người chưa thấy mặt nhau, dù trên ảnh nữa thì tình ý gì bây giờ ? Phương chống chế.
Mà thật vậy, « Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng… » chỉ có trong văn thơ, trong mộng tưởng thôi chứ làm gì có ngoài đời nhỉ ?
- Tao không biết chứ ở ngoài nhìn vào thì ai cũng nghĩ hai đứa tụi mày đã bắt đầu « thích » nhau rồi đó. Thế tao hỏi mày thêm câu nữa nhé : Mày với Hélène như thế nào rồi ?
Phải rồi, Phương có cô bạn gái người Pháp tên Hélène từ hơn năm rưỡi nay. Thế tại sao… ?
- Ừ nhỉ ? Tao với Hélène vẫn như thường và hai người đang tính đến chuyện dọn vào ở chung với nhau đây.
Chánh bỗng nghiêm mặt lại, ôn tồn nói :
- Phương ơi, nếu như vậy thì mày phải cẩn-thận lắm mới được. Mày cứ thế này, thể nào mày cũng làm khổ Thanh hay Hélène, hay cả hai, không khéo khổ cả ba nữa. Tao khuyên mày suy nghĩ cho kỹ xem mày thật sự muốn gì, muốn ai chứ mày không lừng khừng như thế được. Nếu tình cảm mày hướng về Thanh thì mày cứ tiếp tục đi xa hơn và giải-quyết chuyện với Hélène, còn ngược lại, nếu mày muốn tiếp tục với Hélène thì mày phải ngưng đùa giỡn với Thanh. Tao lo cho mày lắm đó Phương. Chánh thành khẩn với bạn.
Lúc này, nét mặt Phương nhăn nhó như « gà nuốt giây thun » :
- Cám ơn mày đã soi đường cho tao chứ bấy lâu nay 
tao chả ý-thức được chuyện này. Tao cứ như thằng con nít…
Chánh phá lên cười và ngắt lời bạn :
- Con nít à ? Mày lại tếu rồi. Qua ngũ tuần rồi, bố !
Phương cũng phải phì cười trước cái sự-thật hiển-nhiên đó. Anh chợt nhớ lại cách đây không lâu, vào dịp sinh-nhật năm mươi tuổi, anh đã có viết một bài tự-sự để ôn lại quãng đời mình :

Trên đường đi xuống                                                                  
Tuổi trẻ ơi, thơ ấu ơi, nay còn đâu ? Tôi đã đánh mất rồi.
Hôm nay, trèo lên tận đỉnh đồi, ngoảnh nhìn lại, tôi chợt cảm giác mình đã trải qua nửa đời này để học cách sống nửa đời còn lại.
Long đong nơi này, chốn nọ, giữa không gian này, thời gian kia, lúc nào tôi cũng chỉ là người qua đường. Con đường tôi đi, tôi đã lần mò mài miệt, như một cuộc đuổi bắt không ngừng. Dĩ vãng bao giờ cũng đàng sau lưng, cho dù mình có quay đầu lại. Chỗ đứng của tôi trên khoảng đất này, dưới vòm trời này, tôi đã lặn lội đi tìm khắp mọi nơi, qua mỗi khuôn mặt , sau mỗi cụm mây, trong mọi ảo ảnh của cuộc đời.
Nhưng tôi đã lầm : tôi cứ đi tìm bên ngoài cách hoá giải một vấn đề đắp kín ở bên trong, và tôi đã suýt chết khát bên cạnh giòng sông. Tôi muốn trở thành một « Ông », tôi chỉ cố gắng trở thành… chính tôi.
Tôi đã được đi học để thành tài nhưng tôi đã phải lăn lộn với đời để thành nhân. Học ra trường không phải là dễ, nhưng học làm người mới thật là khó.
Cuộc hành trình chưa dứt, nhưng tôi cũng đã bắt đầu học, tôi đã bắt đầu hiểu tôi sống để làm gì ?
Ý nghĩa của cuộc sống là gì, nếu không phải là sống ? Nhưng sống là gì ? Sống như thế nào mới là sống ? Phú quí là gì, quyền hành là gì để con người cứ phải nhắm mắt chạy theo ? Hạnh phúc là gì ? Trách nhiệm là gì ? Trưởng thành là gì ? …
Trăm ngàn câu hỏi đó ám ảnh tôi suốt bao nhiêu năm qua, nhưng tự đặt câu hỏi chẳng phải là đã có câu trả lời !
Tôi đã lên đến tận đỉnh đồi. Trên đường đi xuống, thân tôi lại nặng thêm nhiều câu hỏi, nhưng thâm tâm đã vơi nhẹ nhiều rồi. Trên đường đi xuống, tôi đã giầu hơn trước, giầu hơn với tất cả cơn vui, nỗi buồn, giầu hơn với tất cả kinh nghiệm sống của mình, những kinh nghiệm người xưa để lại nhưng tôi đã phải tự học lại.
Đò đã sang giữa sông rồi, qua bờ bên kia đi.
Canh trưa đã điểm rồi, lúc nào canh khuya đến ?

Đầu đã hai thứ tóc nhưng trên con đường đi xuống này, hình như Phương vẫn còn lạc lối?
- Thôi được rồi, tao sẽ giải-quyết việc này. Cám ơn mày lần nữa, hôm nay tao đãi mày vậy. Phương chép miệng nói.
Phương ra trả tiền rồi hai người chia tay.

Tối về, đầu óc Phương thật rối ren sau cuộc nói chuyện với Chánh. Sự-kiện trước mắt rõ ràng, bạn bè chung quanh ai cũng thấy tại sao mình lại không thấy?
Thuở còn ở Sài-Gòn, Phương vốn ít nói và nhút nhát, “bùm” Sài-Gòn chỉ đi độ một hai lần rồi sinh-viên bên Pháp, trong một xã hội khá cởi mở, Phương cũng không thích những cuộc tình qua đường, lăng nhăng. Đã có bạn gái, Phương chắc chắn không thể bắt cá hai tay được. Nhưng tại sao khi Chánh hỏi Phương có tình ý gì không thì anh lại ấp úng, khó trả lời như vậy?
Is this love, Is this love that I’m feeling?” (Bob Marley)
Nhưng hai người nào có biết mặt nhau đâu mà yêu với thích? Thật là khó hiểu.
Dầu sao đi nữa, Phương đã có bạn gái thì tinh-thần trách-nhiệm của Phương bỏ đi đâu? Thôi, không còn giải-pháp nào khác nữa.

Quyết-định rồi, Phương ra bàn giấy, mở máy vi-tính và bắt đầu viết điện-thư cho Thanh.
Nhưng viết gì bây giờ?  Viết như “Thôi, chúng ta đừng đùa giỡn với nhau nữa, tôi đã có bồ rồi” hay sao? Nhỡ cô ấy lại trả lời “ Ơ hay, cái anh này, tôi với anh chỉ nói chuyện trên diễn-đàn như mọi người chứ tôi có “cua” anh đâu mà anh sợ, để anh phải đính-chính?”
Phương làm nghề cố-vấn và huấn-luyện viên trong địa-hạt quản-trị xí-nghiệp, viết bài để phân-tích hay giảng giải mạch-lạc là “nghề của chàng” cơ mà? Tại sao viết một cái “meo” nho nhỏ lại khó thế này?

Mãi một lúc, viết qua viết lại, sửa lên, chữa xuống, Phương tạm viết:
Thanh à, Mấy dạo này, trên diễn-đàn, lời qua lời vào, lại có bạn bè chung quanh châm-chế nên có lẽ tôi đã nói năng hồ-đồ, bất nhã với Thanh, tôi xin Thanh tha lỗi cho tôi. Đùa giỡn, vui chơi là một chuyện, nhưng có lẽ tôi đã bắt đầu đùa nhả rồi, tôi cảm thấy mình đi quá trớn, trong lòng áy náy quá nên viết cho Thanh để xin lỗi. Từ giờ, tôi xin thôi, không đùa như thế nữa. Thân mến, Phương.”

Đọc lại thêm một lần, Phương bấm nút “Gửi”, tắt máy rồi đi ngủ.


Yên Hà, tháng 12, 2016

Không còn mùa thu (Thanh Tuyền)

Không còn mùa thu 
Việt Anh sáng tác
Thanh Tuyền trình bày và đệm nhạc

Please (ctrl) click on the link
https://youtu.be/kWgF2WKihDk

Enjoy.

One day in Santorini (Greece)

One day in Santorini (Greece)
All photos taken by Phu TRAN NGOC
November 2016

Please (Ctrl) click on the link
https://youtu.be/th7O5jp0D-4

Enjoy.

Nov 26, 2016

Con Rồng Cháu Tiên (10) : Nhà Trần (Phần 2)



0- Đại-cương

1- Thượng-cổ thời-đại (2879-111 trước Tây-lịch)

2- Bắc thuộc thời đại  (111 trước Tây-lịch-931 sau Tây-lịch)

3- Thời đại tự-chủ
3.1 Nhà Ngô (939-965)
3.2 Nhà Đinh (968-980)
3.3 Nhà Tiền Lê (980-1009)
3.4 Nhà Lý (1010-1225)
3.5 Nhà Trần (1225-1400)
3.5.1 Trần Thái Tông
3.5.2 Trần Thánh Tông
3.5.3 Trần Nhân Tông

GIẶC NGUYÊN LẦN THỨ  1 (1284)
Hốt Tất Liệt cứ bắt Nhân Tông sang chầu, vua sai chú họ là Trần Di Ái đi thế.
Nhà Nguyên muốn đặt quan liêu-thuộc để sang giám-trị các châu huyện nước ta. Quan nhà Nguyên sang đến nơi, Nhân-tông không nhận, đuổi về Tàu.
Nguyên chủ tức giận, lập Trần Di Ái làm An Nam quốc vương và sai Sài Thung đem 1000 quân đưa về lên ngôi. Về đến gần ải Nam-quan, có tin phi-báo về Kinh-đô, Nhân-tông liền sai tướng dẫn một đội quân lên đón đường đánh lũ nghịch-thần. Sài Thung bị tên bắn mù mất một mắt, trốn chạy về Tàu, còn lũ Trần di Ái bị bắt, phải tội đồ làm lính.

- Thoát Hoan  sang đánh lần thứ 1
Hốt Tất Liệt tức giận lắm, bèn sai con thứ 9 là Thoát Hoan làm Trấn-nam-vương, cùng với bọn Toa-Đô, Ô mã Nhi dẫn 50 vạn quân, giả tiếng mượn đường đi qua nước Nam sang đánh Chiêm-thành.
Biết được tin ấy, Nhân-tông hội các vương-hầu, bách quan lại bàn kế chống giữ. Có những quan chủ hoà, duy có Trần quốc Tuấn và Trần khánh Dư quyết xin đem quân đi phòng-giữ các nơi  hiểm-yếu, chặn quân Mông-cổ. Nhân-tông ưng nghe lời ấy, phong cho Hưng-đạo-vương Trần-quốc-Tuấn làm Tiết-chế thống-lĩnh mọi quân đi chống giữ với quân Nguyên.
Qua tháng 8 năm giáp-thân (1284) ông Trần quốc Tuấn truyền hịch cho các vương-hầu hội hết quân-sĩ tại bến Đông-bộ-đầu để điểm-duyệt. Quân thủy và quân bộ hết cả thảy 20 vạn.
Ông Trần quốc Tuấn truyền cho các tướng-sĩ rằng: "Bản-chức phụng-mệnh thống đốc quân-sĩ ra phá giặc. Các vương-hầu và các tướng-sĩ, ai nấy phải cần giữ phép-tắc, đi đâu không được nhiễu dân và phải đồng lòng hết sức đánh giặc, chớ thấy thua mà ngã lòng, chớ thấy được mà tự kiêu, việc quân có luật, phép nước không thân, các ngươi phải giữ ". Xong rồi sai các tướng chia ra đóng các nơi hiểm-yếu. Trần quốc Tuấn tự dẫn đại quân đóng ở Vạn-kiếp (tức là làng Kiếp-bạc thuộc Hải-dương) để tiếp-ứng cho các nơi.

- Hội-nghị Diên Hồng
Được ít lâu, Nhân-tông nghe tin về báo rằng nhà Nguyên sắp sửa kéo sang mặt Lạng-sơn. Vua có ý lo quân ta không địch nổi, bèn sai sứ mang đồ lể sang Tàu, xin vua nhà Nguyên hoãn binh, để thương-nghị lại.
Vua nhà Nguyên không nghe, sai Thoát Hoan cứ việc tiến binh sang. Nhân-tông thấy vậy, lập tức cho triệu các bô-lão dân-gian hội tại điện Diên-hồng để bàn xem nên hòa hay nên chiến. Các bô-lão đều đồng thanh xin đánh. Vua thấy dân-gian một lòng như vậy, cũng quyết ý kháng cự.
Trong thời-điểm này, chúng ta phải nhớ đến Hoài văn hầu Trần quốc Toản vì còn quá trẻ (16 tuổi) không được vua cho tham-gia hội-nghị, giận quá, bóp nát quả cam trong tay lúc nào không hay. Sau đó, Quốc Toản lui về, huy động hơn nghìn gia nô và người nhà thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ sáu chữ:"Phá cường địch, báo hoàng ân" (phá giặc mạnh, báo ơn vua). Khi ra trận, tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám chống lại. Đến khi mất, vua rất thương tiếc, thân làm văn tế, lại gia phong vương.

- Trần Hưng-đạo-vương thua, rút về Vạn-Kiếp
Thoát Hoan thì kéo đại binh đến ải-quan, sai người đưa thư sang nói cho mượn đường đi đánh Chiêm-thành. Nhân-tông thoái-thác, Thoát Hoan nổi giận, thúc quân kéo sang mạn Lạng-sơn. Hưng-đạo-vương phân binh giữ ải Khả-li và Lộc-châu (thuộc Lạng-sơn), còn mình thì tự dẫn quân đi đóng giữ núi Kì-cấp.
Sau khi đánh nhau mấy trận không phân thắng bại, Hưng-đạo-vương kém thế, thua chạy về Vạn-kiếp. Các tướng thu nhặt tàn quân dần dần cũng kéo về đấy cả.
Nhân-tông nghe Hưng-đạo-vương thua chạy về Vạn-kiếp, liền ngự một chiếc thuyền nhỏ xuống Hải-đông (tức là Hải-dương) rồi cho vời Hưng-đạo-vương đến bàn việc, nhân thấy quân mình thua, trong bụng lo sợ, mới bảo Hưng-đạo-vương rằng: "Thế giặc to như vậy, mà chống với nó thì dân-sự tàn-hại, hay là trẫm hãy chịu hàng đi để cứu muôn dân".
Hưng-đạo-vương tâu rằng: "Bệ-hạ nói câu ấy thì thật là lời nhân-đức, nhưng mà Tôn-miếu xã-tắc thì sao? Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!". Vua nghe lời nói trung-liệt như vậy, trong bụng mới yên.

Hưng-đạo-vương chiêu-tập quân các đạo, hội tại Vạn-kiếp được hơn 20 vạn quân, thế lại nổi to. Bấy giờ Hưng-đạo-vương có soạn ra một quyển Bình-thư yếu-lược rồi truyền hịch khuyên-răn các tướng-sĩ.
(Bài hịch tướng sĩ này khá dài nên không đăng được nơi đây. Bạn nào muốn đọc, xin mời vào  http://vanhaiphong.com/tac-pham/678-hch-tng-s-trn-trng-kim-dch.html )

- Thành Thăng Long Thất Thủ
Các tướng-sĩ được lời khuyên- răn ấy, ai nấy hết lòng luyện-tập, quyết chí đánh giặc, cho nên người nào cũng lấy mực thích vào cánh tay hai chữ "Sát Đát " nghĩa là giết quân Mông-cổ. Khi Thoát Hoan lấy xong các ải ở Lạng-sơn rồi, thừa thắng đánh xuống Vạn-kiếp. Quân An-nam non thế, địch không nổi thua chạy, bao nhiêu chiến thuyền mất cả. Quân Mông-cổ bắt được quân An-nam thấy người nào cũng có hai chữ "Sát Đát" ở cánh tay, giận lắm, đem giết sạch cả.
Thoát Hoan thừa thắng đánh dần thành Thăng-long.
Hưng-đạo-vương rước xa-giá Thượng-hoàng và vua ra ngoài Thăng-long.

- Toa Đô Đánh Nghệ An
Toa Đô là tướng đạo thứ hai của quân Nguyên, đi đường bể sang đánh Chiêm-thành, nhưng mà quân nước Chiêm giữ được các đường hiểm-yếu, đánh mãi không được. Nguyên chúa hạ chiếu sai Toa Đô theo đường bộ kéo ra mặt Nghệ-an, hợp với quân Thoát Hoan để đánh An-nam.

- Hưng Đạo Vương Đem Vua Về Thanh Hóa
Bấy giờ Hưng-đạo-vương dẫn các tướng hộ-vệ xa-giá xuống Thiên-trường, nghe Toa Đô từ vùng trong kéo ra, bèn tâu vua xin sai Thượng-tướng Trần quang Khải đưa binh vào đóng mặt Nghệ-an, chặn đường Toa Đô, và sai Trần bình Trọng ở lại giữ Thiên-trường cự nhau với quân Thoát Hoan, rồi rước xa-giá ra Hải-dương.
Trần quang Khải vào đến Nghệ-an, chia quân phòng giữ, nhưng mà quân nhà Nguyên thế mạnh, đi đến đâu đánh tan đến đấy, lại có Ô mã Nhi ở mặt bể đánh vào. Quang Khải đương không nổi, phải chịu mất Nghệ-An.
Ở Thiên-trường, Trần bình Trọng thấy quân nhà Nguyên đã đến bãi Đà-mạc, liền đem binh ra đánh, nhưng chẳng may bị vây bắt. Quân Nguyên đưa Bình Trọng về nộp cho Thoát Hoan. Thoát Hoan biết Bình Trọng là tướng khỏe-mạnh, muốn khuyên-dỗ về hàng, thết-đãi cho ăn-uống, nhưng Bình Trọng không ăn, dỗ-dành hỏi dò việc nước, Bình Trọng cũng không nói. Sau Thoát Hoan hỏi rằng: "Có muốn là vương đất Bắc không?"  Bình Trọng quát lên rằng:  "Ta thà làm quỉ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi-thôi!"
Thoát Hoan thấy dỗ không được, sai quân đem chém.

Hưng-đạo-vương thấy thế nguy-cấp, bèn rước xa-giá ra Quảng- yên rồi vào Thanh-hóa.
Bấy giờ quân Nguyên thế lắm, đóng khắp các nơi, nhà nước ngất-ngưởng nguy như trứng chồng. Bọn hoàng-tộc là Trần ích Tắc, Trần tú Viên đều ra hàng Thoát Hoan cả. Chỉ có Hưng-đạo-vương phụng xa-giá đi, trèo non vượt bể, trải gió dầm mưa, thế lực tuy cùng, nhưng vẫn bền vững một lòng, tìm kế đánh giặc, lo liệu việc nước không rối sợ lúc nào. Thật là một người có tài đại-tướng, có thể cứu dân giúp nước, tiếng để muôn đời.

Trận Hàm Tử Quan: Trần Nhật Duật phá quân Toa Đô
Đạo quân của Toa Đô ở Chiêm-thành kéo ra đánh lấy đất Nghệ-an. Trần quang Khải đem quân lùi ra mặt ngoài giữ các đường hiểm-yếu. Toa Đô đánh mãi không được, mà lương-thảo thì một ngày một cạn, bèn cùng với Ô mã Nhi dẫn quân xuống thuyền vượt bể ra ngoài Bắc để hợp binh với Thoát Hoan.
Trần quang Khải được tin ấy, cho người về Thanh-hóa phi báo. Nhân-tông sai Chiêu-văn-vương Trần nhật Duật làm tướng và Trần quốc Toản làm phó-tướng cùng với Nguyễn Khoái đem 5 vạn quân ra đón đường đánh Toa Đô ở mặt Hải-dương. Tháng tư năm ất-dậu (1285) Trần nhật Duật ra đến Hàm-tử (thuộc huyện Đông-an, Hưng-yên) thì gặp chiến thuyền của Toa Đô, Nhật Duật liền phân binh ra đánh. Quân Nhật Duật bấy giờ có bọn Triệu Trung là tướng nhà Tống sang xin tùng chinh, mặc áo, đeo cung như quân nhà Tống. Đến khi giáp trận, quân Nguyên trông thấy bọn Triệu Trung, tưởng là nhà Tống đã khôi-phục được nước Tàu, rồi cho quân sang cứu An-nam, đứa nào cũng sợ-hãi bỏ chạy. Quân ta đuổi đánh, quân giặc thua to chết hại rất nhiều. Toa Đô phải lùi ra ở bãi Thiên-trường.

Hưng-đạo-vương được tin mừng ấy, vào tâu với vua rằng: "Quân ta mới thắng, khí-lực đang hăng, mà quân Nguyên mới thua, tất cũng chột dạ. Vậy nên nhân dịp này mà tiến quân đánh Thoát Hoan để khôi phục kinh-thành".
Vua liền sai Trần Quang Khải ra đánh Thăng-long và sai Trần nhật Duật đóng quân giữ chặn đường không cho bọn Toa Đô kéo lên hợp với Thoát Hoan.

Trận Chương-Dương-Độ :Trần Quang Khải khôi phục Thăng Long
Khi bấy giờ đại binh của Thoát Hoan đóng tại Thăng-long, còn chiến thuyền thì lại đóng ở bến Chương-dương, địa phận huyện Thượng-phúc.
Trần quang Khải với Trần quốc Toản và Phạm ngũ Lão đem quân từ Thanh-hóa đi thuyền, vòng đường bể ra đến bến Chương-dương, sấn vào đánh chiến-thuyền của quân Nguyên. Quan quân đánh hăng quá, quân Nguyên địch không nổi phải bỏ chạy. Quan quân lên bộ đuổi đánh về đến chân thành Thăng-long hạ trại. Thoát Hoan đem đại quân ra cự địch, bị phục binh của Trần quang Khải đánh úp lại, quân Nguyên phải bỏ thành Thăng-long chạy qua sông Hồng-hà sang giữ mặt Kinh-bắc (Bắc-ninh).
Trần quang Khải đem quân vào thành mở tiệc khao quân và sai người về Thanh-hoá báo tin thắng trận. Vua Nhân-tông thấy quân thế đã mạnh, trong hai tháng đánh được hai trận, quân-sĩ ai nấy đều nức lòng đánh giặc, bèn rước Thượng-hoàng và cất binh-mã ra đóng ở Tràng-an (Ninh-bình).

Trận Tây Kết : Tướng Nhà Trần Chép Được Toa Đô
Toa Đô đóng quân ở Thiên-trường xa cách Thoát Hoan hơn 200 dặm, cho nên chưa biết Thoát Hoan đã thua chạy về Bắc-giang rồi, bèn tiến binh vào đóng ở sông Thiên-mạc, định để hợp sức với Thoát Hoan làm thế ỷ-giốc. Được mấy hôm Toa Đô biết đạo tiền quân của mình đã bại trận, mà các bến thì chỗ nào cũng có quân nhà Trần án ngữ, mới lui về đóng ở Tây-kết rồi cho người đi dò xem quân Thoát Hoan đóng ở đâu.

Quân An-nam từ khi đánh được trận Hàm-tử và trận Chương-dương rồi, quân-thế phấn chấn lắm. Hưng-đạo-vương mừng rỡ, vào tâu với Nhân- tông xin một mặt sai Trần nhật Duật, hợp với Trần quang Khải dẫn quân chặn các đường, không cho Thoát Hoan, Toa Đô đi lại thông tin với nhau, và một mặt xin tự tiến binh ra đánh Toa Đô, rồi đánh Thoát Hoan.

Nhân-tông nghe lời ấy, cho Hưng-đạo-vương tùy ý mà sai khiến. Khi quân ra đến Tây-kết, Hưng-đạo-vương chia quân ra đánh trại quân Nguyên, và đặt phục binh để bắt Toa Đô.
Quân ta đánh hăng quá, quân Nguyên không địch nổi, Toa Đô và Ô mã Nhi đem binh lên bộ chạy ra mặt bể, nhưng khi chạy đến mé sau một  dãy núi, thì bị quân An-nam vây đánh, Toa Đô trúng tên chết, còn Ô mã Nhi thì tìm đường chạy vào Thanh-hóa, nhưng bị quân ta đánh đuổi ngặt quá, phải một mình lẻn xuống chiếc thuyền con chạy ra bể, trốn về Tàu được.
Khi các tướng thắng trận, đưa đầu Toa Đô về nộp, Nhân-tông thấy người dũng-kiện mà lại hết lòng với chúa, mới than rằng: "Làm bầy tôi nên như người này!" rồi cởi áo ngự-hào đắp vào đầu Toa Đô, sai quan dùng lễ mai-táng cho tử-tế.

Trận Tây-kết đánh vào tháng năm, năm ất-dậu (1285) quan quân bắt được quân Nguyên hơn 3 vạn người, và chiến-thuyền, khí-giới nhiều vô kể. Hưng-đạo-vương được trận toàn thắng, mở tiệc khao thưởng ba quân, rồi lên đánh mặt bắc, để tiểu-trừ Thoát Hoan.

Trận Vạn Kiếp : Thoát Hoan Trốn Chạy Về Tàu
Bấy giờ Thoát Hoan đóng quân ở Bắc-giang, nghe tin đồn Toa Đô tử trận, Ô mã Nhi đã trốn về Tàu, quân-binh tướng-sĩ ai nấy đều ngã lòng cả. Vả lại trời đang mùa hè nóng-nực khó chịu, sơn-lam chướng-khí bốc lên, quân-sĩ bị dịch-tễ chết hại cũng nhiều. Bởi thế có bụng muốn rút quân về Tàu.

Hưng-đạo-vương cũng biết cơ Thoát Hoan tất phải chạy, liền sai Nguyễn Khoái, Phạm ngũ Lão dẫn 3 vạn quân đi lên đường núi, phục sẵn hai bên rừng sậy ở bên sông Vạn-kiếp, để chờ lúc quân Nguyên chạy đến thì đổ ra đánh. Ngài sai hai con là Hưng-võ-vương Nghiễn và Hưng-hiếu-vương Úy dẫn 3 vạn quân đi đường Hải-dương ra mặt Quảng-yên, giữ chặn đường về châu Tư-minh. Hưng-đạo-vương tự dẫn đại quân lên Bắc-giang đánh giặc.
Quân Nguyên thua chạy, Thoát Hoan dẫn đại binh chạy đến bến Vạn-kiếp, gặp bọn Nguyễn Khoái ra đánh, quân Nguyên mười phần tổn-hại mất năm. Tướng nhà Nguyên là Lý Hằng bị tên bắn chết. Còn Thoát Hoan, Phàn Tiếp, A bát Xích, Lý Quán cố sức đánh lấy đường mà chạy. Sau thấy quân An-nam đuổi kíp quá, Thoát Hoan phải chui vào cái ống đồng để lên xe bắt quân kéo chạy. Về gần đến châu Tư-ninh lại gặp bọn Hưng-võ-vương Nghiễn và Hưng-hiếu-vương Úy đánh đuổi một trận nữa. Lý Quán trúng tên bắn chết. Thoát Hoan, A bát Xích và Phàn Tiếp chạy thoát về Tàu được.

Thế là Đại-quân của Thoát Hoan lúc đầu mới sang lừng-lẫy bao nhiêu, bây giờ tan nát mất cả. Trong sáu tháng trời, từ tháng chạp năm  giáp thân (1284) đến tháng sáu năm ất dậu (1285), 20 vạn quân An-nam đuổi 50 vạn quân Mông-cổ ra ngoài bờ-cõi, chỉnh-đốn giang-sơn lại như cũ. Ấy cũng nhờ có tay Hưng-đạo-vương có tài đại-tướng, cầm quân vững-chãi, gan bền tựa sắt, và lại khéo dùng lời khuyên-dỗ, khiến cho bụng người cảm-động, sinh lòng trung-nghĩa, cho nên tướng-sĩ ai nấy đều hết lòng giúp nước.
Vả nước An-nam thời bấy giờ vua tôi hòa-hợp, lòng người như một, nhân-tài lũ-lượt kéo ra; mà quân Nguyên sang An-nam thì đường xa muôn dặm, núi sông cách trở, hùng mạnh được lúc đầu mà thôi, sau thành ra bệnh-tật yếu-đau. Như thế mà lại gặp phải tay Hưng-đạo-vương dụng binh biết đợi thời, biết thừa thế tiến thoái, cho nên việc quân nhà Nguyên thua tan-nát là tất-nhiên vậy.


GIẶC NGUYÊN LẦN THỨ 2 (1287-1288)
Nguyên Chủ định khởi binh phục thù
Bọn Thoát Hoan bại trận về Tàu, nghĩ khi đi thì thanh-thế lừng-lẫy, khi về thì hao binh tổn tướng, lấy làm xấu hổ lắm. Định xin Nguyên-chủ cho thêm binh-mã sang đánh báo thù.
Hốt Tất Liệt thấy bọn Thoát Hoan bại trận về, giận lắm, muốn bắt chém cả, nhưng quân-thần can-ngăn mãi mới thôi.

Bấy giờ nhà Nguyên đang sắp sửa cất quân sang đánh Nhật-bản, bèn lập tức đình việc đi đánh Nhật-bản lại và sai đóng thêm 300 chiếc thuyền, truyền hịch cho ba tỉnh Giang-hoài, Hồ-quảng, Giang-tây tụ tập quân-sĩ, định đến tháng tám thì cất quân sang đánh nước Nam để báo thù.
Quan tỉnh Hồ-nam là Tuyến Kha dâng sớ về can rằng:  "Quân ta bại trận mới về, kẻ mang dấu-vết chưa khỏi, người đau-yếu chưa dậy, xin hãy cho quân-sĩ nghỉ-ngơi dưỡng sức ít lâu, rồi sẽ định kế xuất chinh". Vua nhà Nguyên nghe lời, cho quân-sĩ nghỉ vài tháng.

Nhân-tông nghe tin Nguyên-triều sắp sửa cất quân sang đánh An-nam, bèn vời Hưng-đạo-vương vào hỏi rằng: "Thoát Hoan bại trận trở về, chuyến này căm-tức định sang đánh báo thù, quân-thế hẳn to hơn trước, ta nên dùng kế gì mà chống lại được?"
Hưng-đạo-vương tâu rằng: "Nước ta  xưa kia, quân-dân hưởng thái-bình đã lâu, không tập việc chiến-trận, cho nên năm trước quân Nguyên vào cướp còn có kẻ trốn-tránh theo hàng giặc. May nhờ có oai-linh Tổ-tông, và thần-võ của Bệ-hạ, đi đến đâu đánh được đến đấy, cho nên mới quét sạch được bờ-cõi. Còn như bây giờ quân ta quen việc chinh-chiến, mà quân nghịch thì đi xa mỏi-mệt. Vả lại thấy Toa  Đô, Lý Hằng, Lý Quán tử trận, tất cũng chột dạ, quân-tình đã sinh nghi-sợ, hẳn không dám hết sức mà đánh. Cứ như ý tôi, thì chuyến này dù có quân Nguyên sang đây, ta phá cũng dễ hơn phe trước, xin bệ-hạ đừng lo".
Nhân-tông mừng rỡ, sai Hưng-đạo-vương đốc-suất các vương-hầu, mộ thêm quân-sĩ, sửa-sang khí-giới để phòng việc công thủ.

Thoát Hoan Sang Đánh Lần Thứ Hai
Sang mùa xuân tháng hai năm đinh-hợi (1287), Nguyên-chủ kén lấy 7 vạn quân, 5 trăm chiếc thuyền, 6 nghìn quân Vân-nam và 1 vạn 5 nghìn quân ở bốn châu ngoài bể, sai Thoát Hoan làm Đại-nguyên-súy, cùng với A bát Xích, Áo lỗ Xích, Ô mã Nhi, Phàn Tiếp, đem tất cả hơn 30 vạn quân sang đánh nước Nam, giả danh đưa Trần ích Tắc về nước, lập làm An-nam quốc-vương. Lại sai Vạn-hộ Trương văn Hổ theo đường bể tải hơn 17 vạn thạch lương sang cấp cho quân-sĩ.

Qua tháng 11, Thoát Hoan dẫn quân noi đường Châu-khâm, châu Liêm đến châu Tư-minh; sai bọn Trương Ngọc lĩnh 2,000 quân coi việc chở lương-thực, khí-giới. Lại sai Trình bằng Phi, Áo lỗ Xích, mỗi người dẫn 1 vạn quân đi đường bộ, Ô mã Nhi, Phàn Tiếp suất lĩnh thủy-quân đi đường bể, đều tiến sang An-nam.

Quan trấn-thủ ở biên-thùy phi báo về Thăng-long. Các quan xin tuyển thêm binh. Hưng-đạo-vương nói rằng: "Binh cốt giỏi, chứ không cốt nhiều, nếu nhiều mà không giỏi, thí-dụ như Bồ Kiên có trăm vạn quân cũng không ích gì!"
Nhân-tông sai Hưng-đạo-vương thống-lĩnh các vương-hầu, chia quân phòng-giữ các nơi.
Hưng-đạo-vương sai Trần nhật Duật, Nguyễn Khoái dẫn 3 vạn quân lên giữ mặt Lạng-sơn; sai Trần quốc Toản, Lê phụ Trần dẫn 3 vạn quân và giữ mặt Nghệ-an; tự mình thống đại quân ra giữ mặt Quảng-yên. Một mặt sai tiền-quân lên gần châu Tư-minh chia ra đóng làm ba đồn: Sa, Từ, Trúc, để chống-giữ quân Nguyên; một mặt sai tướng đem quân ra giữ chặt cửa sông Đại-than (thuộc Hải-dương) còn đại-quân của ông thì đóng tại núi Phù-sơn.

Quan quân tuy đóng giữ như vậy, nhưng quân Nguyên thế to lắm, chống không nổi, phải rút về Vạn-kiếp. Thoát Hoan tiến lên chiếm giữ núi Phả-lại và núi Chí-linh, lập trại chống nhau với quân ta, rồi sai tướng là Trình bằng Phi đem hai vạn lính đánh lấy đồn Vạn-kiếp, lại sai Ô mã Nhi và A bát Xích dẫn quân từ sông Lục-đầu đánh xuống sông Hồng-hà.

Hưng-đạo-vương rút quân về giữ Thăng-long và sai tướng rước xa-giá tạm lánh về Hán-nam. Nhưng sau khi bị bọn Ô mã Nhi đuổi ngặt quá, Thượng-hoàng và Nhân-tông phải xuống thuyền ra bể đi vào Thanh-hóa.

Thoát Hoan đem binh-mã tiến lên vây đánh Thăng-long không được, phải rút về giữ Vạn-kiếp, Chí-linh và Phả-lại. Hưng-đại-vương cũng tiến quân lên lập trại để chống với giặc.
Nhân-tông thấy quân Nguyên đã lùi rồi bèn rước Thượng-hoàng ra Bắc.

Trận Vân Đồn - Trần khánh Dư cướp lương của quân Nguyên
Quân Nguyên đóng mãi ở Vạn-kiếp, lương-thực sắp cạn, Thoát Hoan bèn sai Ô mã Nhi dẫn thủy-quân ra cửa bể Đại-bàng đón thuyền lương của Trương văn Hổ. Ô mã Nhi đem thuyền đi đến ải Vân-đồn gặp quân của Trần khánh Dư chặn đường không cho đi. Ô mã Nhi thúc quân đánh rát một trận, quân Khánh Dư thua bỏ chạy cả.  Quân Nguyên kéo  thẳng ra bể đi đón thuyền lương.

Thượng-hoàng nghe tin thủy-quân ở Vân-đồn bại trận, cho sứ ra bắt Khánh Dư về hỏi tội.
Khánh Dư từ khi thất trận, đang nghĩ kế phục binh thù, bỗng thấy sứ ra bắt, Khánh Dư tiếp sứ rồi nói rằng: "Tôi sai tướng-lệnh đành chịu tội, nhưng xin khoan cho tôi một vài hôm, may mà tôi lập được công khác để chuộc tội chăng?"

Được mấy hôm, Ô mã Nhi ra bể gặp thuyền lương của Trương văn Hổ, lại đem quân trở vào đi trước dẹp đường. Trương văn Hổ đem thuyền lương theo vào sau.
Khánh Dư đồ rằng Ô mã Nhi đã phá được quân ta, trong bụng hắn chắc rằng không còn ai ngăn-trở gì nữa, cho nên mới khinh thường đem  binh thuyền đi trước. Khánh Dư bèn nhặt-nhạnh thuyền-bè phục quân sẵn đợi thuyền lương của Trương văn Hổ đến thì kéo ra đánh.
Quả-nhiên, Trương văn Hổ tải các thuyền lương vào cửa bể Lục-thủy-dương. Khánh Dư đổ quân ra đánh. Văn Hổ địch không nổi, bao nhiêu thuyền lương bị quân của Khánh Dư phá cướp mất cả, và bắt được khí giới rất nhiều. Còn Trương văn Hổ thì chạy xuống chiếc thuyền nhỏ trốn về Quỳnh-châu.

Khánh Dư thắng trận đưa thư về báo tiệp. Thượng-hoàng mừng rỡ, xá tội trước không hỏi, và bảo Hưng-đạo-vương rằng: "Quân Nguyên cốt trông-cậy có lương-thảo khí-giới, nay đã bị ta cướp được cả rồi, thì thế nó không tràng-cửu được nữa. Nhưng nó chưa biết, tất còn đắc chí, vậy ta nên tha những quân bị bắt cho về báo tin với Thoát Hoan, thì quân-sĩ của nó tất ngã lòng, bấy giờ mới phá rất dễ".
Hưng-đạo-vương tuân lệnh, cho lũ quân Nguyên về. Từ đấy quân của Thoát Hoan xôn-xao, có bụng muốn về Tàu, mà lương-thực thì một ngày một cạn.
Ô mã Nhi từ khi ở ải Vân-đồn trở về, chờ mãi không thấy thuyền lương đến, bèn đem quân đến phá trại An-hưng (thuộc Quảng-yên) rồi rút về Vạn-kiếp.

Trận Bạch Đằng Giang - Ô mã Nhi bị bắt
Quân Nguyên từ khi thua trận Vân-đồn, lương-thảo một ngày một cạn đi, Thoát Hoan muốn cho người về Tàu cầu viện và lấy thêm lương, Hưng-đạo-vương biết ý, sai tướng lên giữ núi Kỳ-cấp và ải Nữ-nhi ở mặt Lạng-sơn không cho người Tàu đi lại.

Các tướng thấy vậy bèn vào bàn với Thoát Hoan rằng:  "Quân ta đóng ở đây, thành-trì đã không có, kho-tàng lại cạn cả; và bây giờ là đang lúc hết xuân sang hạ, khí trời nóng-nực, mà lại những chổ hiểm-yếu đều mất cả, chi bằng hãy rút quân về, rồi sau sẽ liệu kế khác".
Thoát Hoan thấy quân thế của Hưng-đạo-vương mạnh lắm, chưa có thể phá được, bèn nghe lời các tướng, sai Ô mã Nhi, Phàn Tiếp dẫn thủy-quân theo đường sông Bạch-đằng về trước. Còn mặt bộ thì sai Trình bằng Phi, Trương Quân dẫn binh đi chặn hậu. Sửa-soạn định vài hôm nữa thì rút về.

Hưng-đạo-vương biết mưu ấy, bèn sai Nguyễn Khoái dẫn binh lẻn qua đường tắt mé sông thượng-lưu sông Bạch-đằng, kiếm gỗ đẽo nhọn bịt sắt đóng khắp giữa giòng sông, rồi phục binh chờ đến lúc nào nước thủy-triều lên thì đem binh ra khiêu-chiến, nhử cho thuyền giặc qua chỗ đóng cọc. Hễ lúc nào nước thủy-triều xuống thì quay binh lại hết sức mà đánh. Lại sai Phạm ngũ Lão, Nguyễn chế Nghĩa dẫn quân lên phục ở ải Nội-bàng (thuộc Lạng-sơn) chờ quân Nguyên chạy lên đến đấy thì đổ ra mà đánh.
Hưng-đạo-vương tiến quân lên đánh giặc, sực nghe tin báo rằng Ô mã Nhi đã kéo quân về đến Bạch-đằng, Hưng-đạo-vương mới hô quân-sĩ , trỏ sông Hóa-giang mà thề rằng: "Trận này không phá xong giặc Nguyên, thì không về đến sông này nữa!" Quân-sĩ ai nấy đều xin quyết chiến, kéo một mạch đến sông Bạch-đằng.

Những chiến-thuyền của Ô mã Nhi, Phàn Tiếp theo giòng sông Bạch-đằng, bỗng chốc thấy tướng nhà Trần là Nguyễn Khoái dẫn chiến-thuyền đến khiêu-chiến. Ô mã Nhi tức giận thúc quân xông vào đánh, Nguyễn Khoái liền quay thuyền chạy. Bấy giờ đang lúc thủy-triều lên, mặt nước mênh-mông, Ô mã Nhi vô tình, thấy địch quân chạy, cứ thúc thuyền đuổi theo.
Nguyễn Khoái nhử quân đi khỏi xa chỗ đóng cọc, rồi mới quay thuyền đánh vật lại. Hai bên đánh đang hăng, thì đại quân của Hưng-đạo-vương tiếp đến. Ô mã Nhi, Phàn Tiếp thấy quan quân to thế lắm, mới quay thuyền chạy trở lại. Khi chạy đến khúc sông có cọc đóng thì nước thủy-triều đã rút xuống, thuyền của quân Nguyên vướng mắc phải cọc, đổ nghiêng đổ ngửa, đắm vỡ mất nhiều. Quan quân thừa thắng đánh cực hăng, quân Nguyên chết như rạ, máu loang đỏ cả khúc sông. Tướng Nguyên là Ô mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc đều bị bắt cả.

Trận Bạch-đằng-giang đánh vào tháng ba năm mậu-tí (1288) lấy được chiến thuyền của quân Nguyên hơn 400 chiếc và bắt được quân-sĩ rất nhiều.
(Năm 938, Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt hơn 1000 năm đô-hộ. 350 năm sau, cũng trên con sông này, Trần Hưng Đạo dùng lại mưu-lược của Ngô Quyền để đánh lui quân Mông-Cổ. Ngoài ra, n
hư lời chép của sách Đại Nam nhất thống chí “ Năm thiên phúc thứ hai tức là năm Dương lịch 981, Hầu Nhân Bảo sang xâm lược sông Bạch Đằng. Đại-tướng Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành) sai sĩ tốt đóng cọc ngăn sông, để rồi sau đó chiến-thắng quân Đại Tống.
Bạch Đằng Giang quả là một vết-tích oai hùng của lịch-sử dân-tộc
).

Hưng Đạo Vương Đại Phá Nguyên Binh
Thoát Hoan nghe tin quân thủy vỡ tan rồi, dẫn bọn Trình bằng Phi, A bát Xích, Áo lỗ Xích, Trương Quân, Trương Ngọc, đi đường bộ chạy về đến ải Nội-bàng, bỗng gặp quân phục của Phạm ngũ Lão đổ ra đánh. Các tướng hết sức giữ gìn Thoát Hoan, vừa đánh vừa chạy. Trương Quân dẫn 3,000 quân đi đoạn hậu cố sức đánh lấy đường chạy, bị Phạm ngũ Lão chém chết. Thoát Hoan chạy thoát ra được cửa ải, quân-sĩ mười phần, tổn hại mất 5, 6 phần.

Bọn Thoát Hoan đang đi, bỗng lại có tin báo rằng tự cửa ải Nữ-nhi đến mãi núi Kì-cấp hơn 100 dặm, chổ nào cũng có đồn ải. Nghe tin ấy, quân-sĩ đều xôn-xao sợ-hãi, và mé sau lại nghe tiếng ầm-ầm quan quân đuổi theo và sắp kéo đến. Thoát Hoan vội-vàng sai A bát Xích, Trương Ngọc dẫn quân đi trước mở đường, Áo lỗ Xích đi đoạn hậu.
A bát Xích, Trương Ngọc gặp phải quan quân chặn đường phục ở hai bên sườn núi bắn tên độc xuống như mưa. Hai tướng đều tử trận, và quân-sĩ chết thây nằm ngổn-ngang từng đống. Còn Trình bằng Phi hết sức giữ-gìn Thoát Hoan chạy ra Đan-kỹ, qua Lộc-châu rồi đi lẻn con đường tắt về châu Tư-minh.
Áo lỗ Xích đi sau, chạy thoát được, mới nhặt-nhạnh tàn quân theo cả Thoát Hoan về Yên-kinh.

Hưng-đạo-vương chuyến này thực là trừ hết quân Mông-cổ mới hội cả tướng, dẫn quân rước xa-giá Thượng-hoàng và Nhân-tông về kinh-sư. Về đến Thăng-long vua sai mở tiệc khao thưởng tướng-sĩ, cho dân- sự mở hội vui-vẻ ba ngày, gọi là Thái-bình diên-yến.


Sứ An Nam Sang Tàu Xin Hòa
Quân nhà Nguyên sang đánh An-nam tuy thua hai ba phen thật, nhưng thế nhà Nguyên vẫn mạnh lắm, mà nước Nam ta sánh với nước Tàu lại là một nước nhỏ-mọn, cô-lập một mình, không nương tựa vào đâu được; nếu cứ tranh chiến mãi thì sự thắng-bại chưa biết ra thế nào, mà muôn dân lại phải lầm-than, khổ-sở. Vì những lẽ ấy, cho nên đến tháng mười năm mậu-tí (1288), vua Nhân-tông sai quan là Đỗ thiên Thứ sang sứ nhà Nguyên, xin theo lệ cống hiến như xưa.

Nguyên-chủ thấy quân mình thua mấy lần rồi, trong bụng cũng nản, cho nên cũng thuận cho thông hòa.
Tháng hai năm kỷ-sửu (1289) Nhân-tông sai quan đưa bọn tướng Nguyên bị bắt là Tích Lệ, Cơ Ngọc về Tàu. Còn Phàn Tiếp vì lo mà thành bệnh chết, vua sai hỏa táng, rồi cấp người ngựa cho vợ con đem hài-cốt về nước. Các đầu mục cũng tha cho về cả. Duy có Ô mã Nhi giết hại nhiều người, vua căm-tức vô cùng, không muốn tha về, nhưng lại ngại đường hòa-hiếu, bèn dùng mưu của Hưng-đạo-vương sai người đưa đi đến giữa bể, đánh đắm thuyền, cho chết đuối, mà Nguyên-triều cũng không trách vào  đâu được. Về sau vua Dực-tông bản triều nhà Nguyễn xem đến chỗ này, có phê bốn chữ:  "bất nhân phi nghĩa".  Tưởng lời phê ấy cũng là chính đáng.

Định công, phạt tội
Tháng tư năm kỷ-sửu (1289) mới định công, phạt tội. Bao nhiêu những vương hầu đi đánh giặc Nguyên có công đều được thăng trật cả, còn các tướng-sĩ khác họ mà ai có công to thì cho quốc-tính.
Vua lại sai văn-thần ghi-chép công-trạng của các tướng hợp biên làm quyển sách gọi là Trung hưng thực lục và lại sai thợ vẽ tranh các tướng để treo ở gác công thần.

Định công xong rồi mới xét đến tội những người hàng giặc. Khi quân Nguyên đang cường thịnh, triều thần lắm kẻ hai lòng, có giấy-má đi lại với giặc. Sau giặc thua chạy về bắc, triều-đình bắt được tráp biểu hàng của các quan. Đinh-thần muốn lục ra để trị tội, nhưng Thượng-hoàng nghĩ rằng làm tội những đồ tiểu-nhân cũng vô ích, bèn sai đem đốt cả tráp đi, cho yên lòng mọi người. Duy những người nào quả thực là hàng với giặc, thì mới trị tội; hoặc đem cày, hoặc xử-tử. Vì thế bọn Trần Kiện, Trần văn Lộng tuy đã chết rồi, nhưng con cháu phải tước họ tôn-thất đổi ra họ Mai. Còn Trần ích Tắc, thì vua nghĩ tình cận-thân không nở bỏ họ, nhưng phải gọi là ả Trần, nghĩa là bảo nhút-nhát như đàn-bà vậy.
Những quân-dân thì được thứ tội cả, duy có hai làng Bàng-hà, Ba điểm trước hết theo giặc, cả làng phải đồ làm binh-lính, không khi nào được làm quan.

Thưởng công, phạt tội xong rồi, Thượng-hoàng về phủ Thiên-trường, đến tháng 5, năm canh-dần (1290) thì mất. Nhân-tông sai sứ sang cáo tang và xin phong.

Định cuộc hòa-hiếu
Tự lúc Thoát Hoan thua về, vua nhà Nguyên đã thuận cho hòa-hiếu, nhưng trong bụng vẫn chưa nguôi giận, ý lại muốn cất binh sang đánh báo thù. Đình-thần can, xin để cho sứ sang dụ vua An-nam sang chầu xem đã, nếu không sang rồi hãy liệu.
Hai lần, Nhân-tông lấy cớ không đi, sai sứ đưa đồ vật sang cống Tàu. Nguyên-triều thấy vua An-nam không sang, định khởi binh sang đánh, bèn bắt giam sứ ở Giang-lăng, rồi sai Lưu quốc Kiệt và các tướng sửa-soạn binh-lương, chọn ngày phát binh. Lại sai Trần ích Tắc đi theo, về hội ở Tràng sa. Nhưng lúc đang sửa soạn, thì Nguyên Thế-tổ là Hốt-tất-Liệt mất, Nguyên Thánh-tông lên ngôi, mới bãi việc binh và cho sứ An-nam về nước.

Từ đó nhà Nguyên với nước Nam thông hòa, không có sự tranh chiến nữa.

(Một trang lịch-sử thật oai-hùng của đất nước.
Trong giai-đoạn này, biết bao nhiêu danh nhân: Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, và… Trần Thủ Độ (tuy nhân-vật này có làm nhiều điều sai lầm)… đã đứng ra giúp nước. Quân Mông Cổ, sau khi nuốt hầu hết Á châu và Đông Âu, đã phải mắc nghẹn hai lần tại một nước bé xíu xiu như Việt-Nam ta. Thử hỏi chúng ta không hãnh-diện sao được?

Những sự-kiện lịch-sử này mà dựng thành phim thì chắc hẳn là tuyệt-vời.)


Yên Hà, tháng 10, 2016
Tài-liệu nguồn :
- Việt-Nam Sử-Lược (1919) : Lệ Thần Trần Trọng Kim
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1697)