ARTSHARE

Dec 18, 2013

Giáng Sinh nhiệm màu (Truyện ngắn)

24 tháng chạp. Trời đã bắt đầu ngả tối và đường phố đã thưa thớt bóng người. Mọi người phần lớn đã trở về nhà để sửa soạn đón mừng ngày lễ sinh-nhật nổi tiếng nhất thế-giới, ngày Chúa Giê-Su ra đời để cứu thế.
Giờ này chỉ còn một thằng bé, khoảng chừng mười-mười hai tuổi, mặt mày lem luốc, trên người vỏn vẹn có chiếc áo thun và cái quần xà-loỏng cũ rách, lê bước chân nặng chĩu, chập chờn như một bóng ma ngoài đường phố.
Cả ngày hôm nay, nó đã đi mòn cả chân, rao mỏi cả miệng mà chả bán được tấm vé số nào (ngày hôm nay, ai nấy đều bận bịu, làm gì có đầu óc để mua số?).
- Giáng Sinh với chả Giáng-Sinh! Cái ông Giê-Su này là thế nào mà mỗi năm đều được mọi người mừng sinh-nhật như vậy? Chả bù với mình chả biết sinh ngày nào tháng nào nữa mà mừng. Báo hại, chả bán được tấm vé số nào, hôm nay bao-tử lại được nghỉ lễ rồi. Thằng bé lẩm bẩm, chua chát.

Buồn quá, nó chả muốn về "nhà" (một thùng các-tông chắn gió và một tấm ny-lông đắp thay chăn) và cứ thế rảo bước. Được một lúc, nó đến gần chân cầu thì bỗng thấy giữa cầu, bóng một người đàn ông đang lăm le trèo lên, như để nhảy xuống sông. Sợ quá, nó chạy lại gần, hét lớn:

- Ông ơi, ông ơi...
Nghe tiếng gọi, người đàn ông khựng lại giây lát rồi tiếp tục trèo.
- Ông ơi, chờ cháu với! Thằng bé hét to hơn và chạy gấp lại.
"Chờ cháu với!" câu gọi đó không hiểu sao làm người đàn ông chùn chân rồi ngừng lại. Ừ, thì chờ xem nó muốn gì đã?
Thằng bé đến gần, cầm tay người đàn ông và nói:
- Ông ơi, ông định làm gì vậy? Có chuyện gì, cứ từ từ rồi tính nhe ông?
Người đàn ông giựt tay nó ra, gắt lên:
- Cái thằng nhóc này vô duyên. Tao làm gì thây kệ tao, mày xen vô chi vậy?
- Ờ, thì tại cháu cũng đang buồn chết đi được, không lẽ ông còn chán đời hơn nữa sao?
- Ê, Ê, mày con nít làm gì mà buồn? Không được làm bậy như người lớn, nghe chưa? Mà mày làm sao chán đời hơn tao được? Thấy thằng bé nói chán đời, người đàn ông chợt cảm thấy tội nghiệp nó và trong giây lát, quên đi hoàn cảnh mình.
Thằng bé cúi đầu, nói nhỏ:
- Thôi, hay là hai chú cháu mình kể nhau nghe câu chuyện mình cho vơi chút, rồi tính gì thì tính, được không chú?
Thằng bé bỗng thay đổi cách xưng hô mà thay "Ông" bằng "Chú", ý như không xem ông như một người lạ mặt nữa.

Người đàn ông ngập ngừng giây lát, rồi ngồi bệt xuống đất, dựa lưng vào thành cầu rồi bắt đầu kể:

- Vậy đi, để tao kể mày nghe nè. Trước đây, tao có việc làm cũng ngon, vợ tao cũng đi làm, ba đứa con tao học giỏi, chuyện gì cũng tốt, tao thấy đời mình cũng hạnh phúc lắm. Rồi bỗng dưng, bà chị thằng chủ tao có thằng con trai mới ra trường, kiếm việc làm, muốn chủ tao mướn nó, mà hãng không cần người, nên bất đắc dĩ chủ phải đuổi tao để mướn thằng cháu. Kiếm việc bây giờ khó quá, tao chán và tức quá rồi uống rượu, từ sáng tới khuya, có khi không về nhà nữa. Con vợ tao lấy cớ ly dị, rồi đuổi tao ra khỏi nhà. Sau đó tao mới biết nó cắm sừng tao với thằng hàng xóm kế bên cả mấy năm nay rồi.
Gia đình tao chỉ có hai ông anh, một con em mà không ai muốn giúp tao, lấy cớ không có tiền mà nhà thì nhỏ quá. Bạn bè tao cũng dần dà né tao, chỉ có thằng bạn thân nhất của tao còn chứa tao ở nhà, nhưng chưa biết chừng nào vợ nó đòi đuổi tao đây?
Trong vòng có ba tháng, tao mất hết trơn trọi, mất việc, mất vợ con, anh em, bạn bè. Vô gia đình, vô gia cư, vô nghề nghiệp... vô duyên! Sống chi nữa, mày? 
Bao nhiêu nỗi uất ức được dịp tuôn trào, người đàn ông nói một hơi không ngừng rồi thở hắt ra một tiếng, cơn buồn tủi như vơi đi chút ít.
Thằng bé lặng thinh một lúc, thở dài rồi nói, đôi mắt như lạc đi đâu đâu:
- Vâng, chuyện của chú buồn thật, đúng là chú đã mất tất cả! Nhìn lại đời mình, cháu chả có gì để mất. Cháu không có nghề nghiệp gì, cháu không có gia đình, bạn bè cháu không có mấy ai. Cháu chả biết tên họ thật của mình, cũng chả biết ngày sinh tháng đẻ, và cháu chưa bao giờ được mừng sinh nhật. Mẹ cháu sinh cháu ra rồi bỏ cháu ngoài nhà thờ, cháu được đem về cô-nhi-viện nuôi, sau đó viện không được trợ cấp nữa, phải đóng cửa và mấy đứa mười tuổi trở lên như cháu không có ai khác nhận nữa, cháu phải tự lo cho mình thôi, ngày ngày đi bán vé số, bán được thì có chút cơm ăn, bán không được thì đói, đi lục thùng rác, có gì ăn được thì ăn thôi. Ở viện, cháu được đặt tên là "Phúc" nhưng phúc đâu chả thấy, từ khi đi bán vé số, mọi người gọi cháu là "Số" cho gọn. Xấu số thì có...

Nghe chuyện thằng bé, người đàn ông bỗng cảm thấy xấu hổ vô cùng, hai má nóng ran. Đúng là nhìn lên thì ai cũng hơn mình nhưng nhìn xuống thì ai cũng thua mình. Thằng bé này cả đời nó chưa có được một ngày hạnh phúc, mới có ngần này tuổi mà bụi đời đã lấm đầy nét mặt. Vậy mà mình mới bị đời quạt cho mấy bạt tai đã nản, mình thật không can đảm bằng một góc thằng bé này. Nhục nhã quá.
Người đàn ông bỗng đứng phắt dậy, phủi quần áo rồi nói:
- Thôi, trễ rồi, tao phải về kẻo thằng bạn tao nó chờ, rồi vợ nó lại càm ràm, tội nghiệp nó.
Nhưng mà nè, để tao mua giúp mày năm tấm vé số lấy hên. Và cho mày thêm chút tiền nữa, tối nay mày đi ăn dùm tao một tô phở "Giáng Sinh" cho ấm bụng nhe.
Người đàn ông rút ví ra, lấy một xấp tiền rồi dúi vào tay thằng bé. Thằng Số lặng lẽ trao cho ông mấy tấm vé, tay cầm xấp tiền, tay níu lấy cánh tay người đàn ông, mắt long lanh ngấn lệ. Tiếng chuông giáo đường vang vọng đâu đó, như nhịp cầu cảm thông giữa hai tâm hồn, một lớn, một bé.
Thằng Số buông tay người đàn ông rồi nói:
- Thôi, chú về đi kẻo tối, ở nhà đợi chú. Cháu đi đây.
Nói xong, nó quay đầu, lững thững đi một nước. Nó không muốn để người đàn ông thấy nó đang khóc, nó không muốn ai thương hại nó, nó cũng không muốn để tình cảm làm tổn thương đến nó, vì trong hoàn cảnh nó, nó phải cứng rắn để sống sót.
Người đàn ông nhìn theo một lúc, lắc đầu thở dài rồi bước đi.

Sang hôm sau, thằng Số lại trở về với cuộc sống buồn tẻ, sáng chiều đi rao bán mấy tấm vé số, lang thang cả buổi với mục-tiêu duy nhất là kiếm miếng cơm, miếng nước sống qua ngày. Một kiếp người vô vọng, không lối thoát. Xét cho cùng, nó cũng chẳng khác gì con chim, con chuột hay con chó hoang ngoài đường, nhưng súc vật có biết buồn, biết tủi như nó không?
Mấy hôm sau, nó lại đi về phía chiếc cầu hôm nọ nhưng lạc lõng trong suy tư vớ vẩn, nó đi như cái máy mà cũng không biết mình đi đâu. Bỗng đâu, có tiếng ai đang ới nó:
- Ê, Số, Số!...
Ngẩng nhìn lên, nó thấy bóng dáng một người đàn ông ăn mặc rất lịch sự đang vẫy ngoắc nó và chạy lại gần nó. Ô, hoá ra là người đàn ông định quyên sinh trên cầu hôm nọ đây mà. Nhưng tại sao ông ấy lại ăn mặc sang trọng, đầu tóc chải chuốt như vậy? 
Người đàn ông chạy đến bên nó, ôm chầm lấy nó và reo lên, mừng rỡ:
- Số ơi, tao đi kiếm mày mấy hôm rày nhưng đâu biết mày ở đâu nên cứ đến đây cầu rùa, chớ tao đâu biết kiếm đâu?
Thằng Số còn bàng hoàng, chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra, lắp bắp hỏi:
- Dạ, chào chú. Chú kiếm cháu có chuyện gì vậy chú? Mà hôm trước đến giờ, chú ra sao?
- Trời ơi, mày nhớ không, Số? Bữa trước tao mua mày mấy tấm vé số rồi ông Trời, ổng thương, ổng cho tao được một vé trúng độc đắc. Tao trở thành tỷ phú rồi, nhờ mày hết đó. Ai dè mày cứu sống tao mà còn làm giàu tao nữa? Mới mấy bữa trước, tao không còn lẽ sống mà bữa rày, tao đi xe hơi, ở nhà lầu, anh em, bạn bè tao bỗng dưng kéo lại, thân thiện trở lại với tao. Mà sức mấy tao chịu? Người đàn ông nói một hơi, giọng ông run lên vì mừng.
Qua cơn bỡ ngỡ, thằng Số ngập ngừng nói:
- Thì ra vậy. Cháu xin chúc mừng chú, đúng là Trời Phật thương chú đó.
Người đàn ông cầm lấy tay nó mà nói:
- Không có đâu Số, ông Trời thương cả hai đứa tụi mình đó. Ổng đã sắp xếp để mình gặp nhau, ý ổng là muốn hai thằng mình từ rày trông lo cho nhau, chớ không phải tình cờ đâu. Nhân duyên đó. Nếu mày đồng ý và không chê bai tao thì tao sẽ nhận mày làm con nuôi và mày sẽ về sống với tao, mày sẽ được ăn học đàng hoàng, sống một cuộc sống nhẹ nhàng hơn, khổ cực vậy đủ rồi. Mày nghĩ sao?
Nghe xong, thằng Số cảm thấy thật bàng hoàng, cảm tưởng như mình đang nằm mơ. Trước đây, nó chỉ dám mong ước có được một mái nhà che thân và ngày ba bữa ăn chứ bước vào nhà một ông tỷ phú như vậy thì làm sao nó dám với?
Nó lịm đi vì cảm động, hai chân nó run lật bật, miệng lắp bắp:
- Dạ, cháu, cháu...
Nói đến đây, giọng nó tắt nghẹn, hai mắt ràn rụa, nó ôm chầm lấy người đàn ông và khóc rống, khóc tức tưởi, như một cơn mưa rào cuốn sạch đi hơn mười năm khổ nhục.

Nơi xa xa, tiếng chuông lại ngân vang, nhẹ nhàng, ấm áp, êm đềm. Chúa, Trời, Phật... hay chỉ là số phận? Dù sao đi nữa, Giáng Sinh năm nay thật nhiệm màu đối với thằng Số và người đàn ông lạ mặt. Ngày mai trời lại sáng.
Thân chúc các bạn một mùa Giáng Sinh đầm ấm và hạnh phúc

Yên Hà, tháng chạp, 2013

Conte de Noël




Un 24 décembre. Le soir est tombé et les rues sont pratiquement désertes. La plupart des gens sont à la maison, en train de se préparer à fêter le plus célèbre anniversaire du monde, le jour où le Christ est descendu sur Terre pour sauver les Hommes.

Pour l'heure, seul erre encore un petit garçon, dans les dix-douze ans, sale, vêtu seulement d'un T-shirt et d'un caleçon usés, le pas lourd, vacillant comme l'ombre d'un fantôme. Toute la journée, il a ratissé les quartiers environnants, essayant vainement de vendre quelques billets de loterie (mais qui, en ce jour, aurait eu l'esprit à cela ?).
- Je hais Noël ! Et pourquoi donc ce Jésus aurait-il son anniversaire fêté par tout le monde, et moi qui ne connais même pas mon jour de naissance ? Aujourd'hui, je n'ai pas vendu un seul billet de loterie, il va pouvoir se reposer, mon estomac, grommelle t-il, amèrement.

N'ayant pas le cœur à rentrer, il continue de marcher sans but, jusqu'à arriver à un pont où soudain il voit un homme l'enjamber, comme pour sauter par dessus. Pris de peur, il accourt en criant :

- Monsieur, monsieur !
L'homme s'immobilise un bref instant puis se remet à grimper.
- Monsieur, attendez moi ! reprend l'enfant en hurlant plus fort.
"... Attendez moi" ces mots semblent avoir un effet sur l'homme qui lâche la rambarde. 
Le gamin s'approche, prend les bras de l'homme et lui demande :
- Que comptez vous faire, monsieur ? Quoi qu'il en soit, pourquoi ne pas en discuter ?
L'homme se dégage et s'écrie, passablement énervé :
- De quoi tu me mêles, morveux ? Je fais ce que je veux, non ?
- Eh bien, c'est-à-dire que je ne suis pas moi-même très heureux en ce moment, alors...
- Non mais, tu ne vas pas faire des bêtises comme les adultes, non ? Et puis comment pourrais-tu être plus désespéré que moi ? Provenant d'un enfant, ces idées tristes font peur et l'homme en oublie sa propre situation. 
Le gamin baisse la tête et murmure :
- Et si on se racontait nos états d'âme ? Au moins cela nous soulagerait un peu, non ?

Après une brève hésitation, l'homme s'assied à même le sol, le dos appuyé contre la rambarde du pont, la tête rejetée en arrière et commence son récit :

- Ma foi, au point où j'en suis... Bon, allez, je commence. J'avais tout pour être heureux : un boulot correct, une femme merveilleuse, trois beaux enfants et tout allait pour le mieux. Et puis, un beau matin, sans crier gare, tout s'est effondré comme un château de sable. Il se trouve que mon patron a un neveu fraîchement sorti de la fac', et donc en quête d'un emploi. Nous étions déjà au complet dans la boîte, mais devant l'insistance de sa sœur, mon patron a été forcé de me virer pour embaucher son neveu. Dépité et désespéré de ne pas retrouver un travail, je me suis mis à boire du matin au soir. Du coup, ma femme y a trouvé prétexte pour divorcer et me foutre dehors comme un malpropre. J'ai alors appris que j'étais cocufié par mon voisin depuis un certain temps déjà.
Du côté de ma famille, mes deux frères et ma jeune sœur ont tous refusé de m'aider et mes amis ont commencé à me déserter. J'ai encore la chance d'avoir mon meilleur ami qui m'héberge provisoirement, mais sa femme ne va pas tolérer cela longtemps.
Tu vois, en trois mois, j'aurai tout perdu, emploi, logement, famille, amis. Tout. Pour quelles raisons continuerai-je à vivre, dis moi ?
Tout le ressentiment accumulé semble avoir trouvé une échappatoire dans ce flot de paroles que l'homme égrenait d'une traite, sans même prendre le temps de souffler, pour finir sur un soupir libérateur.
Après un court moment de silence comme pour bien digérer le récit de l'homme, le petit garçon murmure, les yeux perdus dans quelque abîme du passé :


- Oui, c'est vrai, vous avez tout perdu et c'est bien triste. Quand je me retourne sur mon propre cas, je réalise que je n'ai même pas la chance d'avoir quelque chose à perdre. Je n'ai pas un toit pour m'abriter, pas de vrai travail, pas de famille, pas vraiment d'amis. Je ne sais même pas quel jour je suis né, ni même qui sont mes parents. A ma naissance, ma mère m'a abandonné devant la porte d'une église et j'ai été élevé dans un orphelinat jusqu'au jour où ils ont dû fermer, faute de subventions. N'ayant pu trouver une famille adoptive, j'ai été forcé de me débrouiller tout seul dans la vie, cherchant subsistance dans la vente de quelques billets de loterie, voire en fouillant les poubelles les mauvais jours. J'ai bien reçu un nom mais aujourd'hui dans la rue, on m'appelle Loto, référence aux billets de loterie que je vends, mais personne ne miserait sur un garçon comme moi... La voilà, l'histoire de ma vie.

A cette évocation, l'homme se sent d'abord gêné, puis de plus en plus honteux. Il y a toujours mieux loti que soi, mais il y a toujours bien plus malheureux. 

- Ce gamin déjà marqué par les vicissitudes de la vie, n'a pas connu un jour heureux de sa vie et moi, je me plains de quelques revers du sort. Je ne lui arrive vraiment pas à la cheville, se dit l'homme, buvant sa honte.
Du coup, il se lève d'un bond, se brosse les vêtements et dit :
- Bon, eh bien, il se fait tard et il faut que je rentre. La maîtresse de maison va encore se plaindre et ce serait injuste pour mon ami. Mais tiens, je vais t'acheter cinq billets de loterie et puis, voici un peu d'argent pour te payer un petit repas de Noël, d'accord ?
L'homme ouvre son portefeuille, prend une liasse de billets qu'il fourre dans les mains du garçon. Celui-ci lui remet les billets de loterie sans mot dire, lui agrippe le bras et reste sans rien dire, les yeux au bord des larmes. Au loin, les cloches d'une église doucement tintent, diapason entre deux âmes si différentes et réunies dans un même bain de souffrance.
Puis Loto lâche le bras de l'homme et lui dit :
- Vous devriez rentrer maintenant car on vous attend à la maison. Je vais y aller aussi. Joyeux Noël, Monsieur.
Sans attendre de réponse, il se retourne et s'en va d'un pas ferme, sans se retourner. En réalité, il ne veut pas que l'homme voie qu'il pleure, ni qu'il s’apitoie sur son sort. Tout comme il se refuse à laisser ses émotions le contrôler car pour survivre, il se doit d'être "fort" et même dur avec lui-même.
Un peu décontenancé, l'homme le regarde partir, soupire tristement et repart de son côté.

Quelques jours plus tard, la vie a repris son cours, terne et monotone pour Loto, à arpenter les rues avec un but unique : subsister. Une existence sans espoir, sans échappatoire, pas si différente, tout compte fait, de celle des oiseaux, des rats ou des chiens errants. Mais ont-ils des états d'âme comme lui ?
Perdu dans ses pensées, il laisse ses pas vagabonds l'amener vers le pont de l'autre jour, quand soudain une voix semble le héler :
- Loto, Loto ! ...
Levant les yeux, il aperçoit un monsieur courir vers lui en agitant les bras. Il croit bien reconnaître l'homme qui voulait en finir avec la vie l'autre soir, mais comment se fait-il qu'il soit si bien habillé, si distingué ?
Arrivé à sa hauteur, l'homme le prend vivement dans ses bras, visiblement excité de la voir :
- Ah Loto, que je suis content de te retrouver. Je t'ai cherché partout et je ne peux venir tenter ma chance qu'en cet endroit où nous nous étions rencontrés. Enfin, te voilà.
- Bonjour Monsieur. Pourquoi me cherchez vous ? Et puis, comment allez vous depuis l'autre fois ? bredouille Loto.
- Mon Dieu, tu ne devineras jamais. Tu te rappelles que je t'avais acheté quelques billets de loterie ? Eh bien, figure toi que Le Bon Dieu, dans son infinie bonté, m'a fait décrocher le gros lot ! Eh oui, non content de m'avoir sauvé la vie, tu m'as encore transformé en millionnaire. Quelques jours plus tôt, je n'étais plus rien et aujourd'hui, je vis dans une villa et je roule en Mercedès. Tous mes amis et ma famille qui me tournaient le dos me déroulent le tapis rouge mais ils pourront toujours attendre. Sacré coup du sort ! raconte l'homme d'une voix toute excitée.
- Ah, c'est donc ainsi. Toutes mes félicitations. Dieu vous est venu en aide, Monsieur ! 
- Non, Loto, Dieu "nous" est venu en aide. C'est lui qui a arrangé notre rencontre pour que nous puissions dorénavant nous occuper l'un de l'autre, pour lier nos deux destinées. Alors, si tu en es d'accord, tu deviendras mon fils adoptif et tu viendras vivre avec moi. Tu pourras aller à l'école, faire des études, devenir quelqu'un, enfin commencer une vie meilleure. Qu'en penses-tu ?
A ces mots, Loto n'en croit pas ses oreilles. Jusqu'aujourd'hui, il osait à peine rêver d'avoir un toit et manger trois repas par jour et là, il va vivre dans la richesse ? Il murmure d'une voix étranglée par l'émotion :
- Je... Je...
Incapable de se maîtriser davantage, il se jette dans les bras de l'homme et éclate en sanglots et pleure comme il n'a jamais fait. La digue a cédé après de longues années de souffrances.

Le son des cloches a repris, musique si belle, si douce, si réconfortante. 
Était-ce la main de Dieu, le hasard ou tout simplement le destin de deux êtres "ordinaires" ? En tout cas, ce Noël ne sera jamais oublié par cet homme et cet enfant.
"Paix sur la Terre aux hommes de bonne volonté".
Joyeux Noël
Yên Hà, décembre 2013

Tiếng nước tôi: Chơi chữ (2) / Ngữ nghĩa


0. Chơi chữ là gì?


1. Chơi chữ dựa trên ngữ âm

./.

2. Chơi chữ dựa trên ngữ nghĩa

Le mot n'est pas la chose (Lacan) 
: chữ dùng để chỉ-định một vật không phải là vật đó.
Cũng như hình-thức không phải là nội-dung, âm thanh của một chữ mình nghe là một chuyện, ý-nghĩa của chữ đó lại là chuyện khác (cho nên mới có thành-ngữ ''muốn hiểu sao hiểu"). Do đó mới có nhiều cách chơi chữ dựa trên tính-chất đồng âm và khác nghĩa của chữ và ngược lại.

2.1 Từ đa nghĩa
Do hiện-tượng chuyển-nghĩa mà một từ thường có nhiều nghĩa. Người biết nghệ-thuật chơi chữ khai-thác triệt-để đặc-điểm này để diễn tả được những điều khó nói thẳng, biểu lộ tình cảm một cách tinh tế hoặc tránh cái tục.

Còn trời còn nước còn non
Còn cô bán rượu, anh còn say sưa.
Bài ca dao là lời tỏ tình của chàng trai với cô hàng rượu, từ say trong câu ca là một từ nhiều nghĩa: say rượu hoặc say tình, hiểu nghĩa nào cũng được. Nhờ khéo vận dụng tính đa nghĩa của từ mà lời tỏ tình khó nói được tỏ bày một cách tế nhị, hóm hỉnh, có duyên kèm theo lời thề rằng có trời đất, nước non chứng giám là anh say  em thật lòng chứ chẳng phải đùa chơi !

Phê phán "bà già" còn muốn chồng được tác giả dân gian mỉa mai bằng cách chơi chữ trong một bài ca dao quen thuộc:
Bà già đi chợ Cầu Đông
Xem bói một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói gieo quẻ nói rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn
Lợi vừa là tính từ chỉ việc có ích, vừa chỉ một bộ phận trong vòm họng con người: cái "nướu răng"!

Trong dân gian, có bài ca dao quen thuộc như sau:
Một trăm thứ dầu, dầu chi là dầu không thắp?
Một trăm thứ bắp, bắp chi là bắp không rang?
Một trăm thứ than, than chi là than không quạt?
Một trăm thứ bạc, bạc chi là chẳng ai mua?
Trai nam nhi anh đối đặng thì gái bốn mùa xin theo.
Muốn biết nghĩa của các từ "dầu", "bắp", "than", "bạc" trong các câu hát đố trên, ta xem tiếp phần đáp lại thì hiểu được sự điêu luyện của nghệ thuật này:
Một trăm thứ dầu, dầu xoa không ai thắp
(Một dị bản khác: Một trăm thứ dầu, dãi dầu thì không ai thắp)
Một trăm thứ bắp, bắp chuối thì chẳng ai rang
(Một dị bản khác: Một trăm thứ bắp lắp bắp mồm, lắp bắp miệng thì chẳng ai rang)
Một trăm thứ than, than thân là than không ai quạt
Một trăm thứ bạc, bạc tình bán chẳng ai mua.

Thời bao cấp tại Việt-Nam, dưới nền kinh-tế kế-hoặch hóa, con người sống bằng sự phân phối hàng hóa theo tiêu chuẩn. Cái gì cũng phân phối: từ cây kim sợi chỉ cho đến mùng màn, áo quần, xe đạp… vì vậy nên mới có nhiều chuyện dở khóc dở cười như: hai người cùng cơ quan được phân một chiếc mùng, hai người được phân một vé xem phim… Thời này mọi người thường nghe câu: “Cục cứt cũng đem phân, mà đã phân thì như  cứt”.
Sự phối hợp của kiểu chơi chữ đồng nghĩa (cứt - phân) và kiểu chơi chữ đồng âm (phân – phân phối) đã tạo nên tính bi hài của tình huống phát ngôn.

Nước đôi: Tục mà thanh
Cũng có khi, tính đa nghĩa của từ ngữ được tạo thành nhờ cách chơi chữ theo nghĩa "nước đôi", nghĩa là dùng những chữ có hai, ba nghĩa, một nghĩa "thanh" và một nghĩa "tục".

Gợi lên một ý nghĩa khác "tục" mà thanh bởi từ "đẩy", từ "bào" đa nghĩa (cả nghĩa trong khẩu ngữ) của câu ca dao sau đây:
Em ơi nên lấy thợ bào
Khom lưng ảnh đẩy cái nào cũng êm.
Xét ngữ nghĩa của văn bản thì không có gì hết, nó chỉ miêu tả một hành động bình thường của anh thợ mộc làm động tác bào gỗ, nhưng xét về nghĩa hàm ẩn của nó thì thật là "độc", mà cái "độc" ấy là do nghệ thuật "chơi chữ'' tạo ra.

Trong ca dao, chuyện “trèo” cũng được dân gian diễn tả khá thâm thuý:
Cồng cộc bắt cá bầu eo,
Chi chê tôi bé, tôi trèo chị coi.
(tôi nhớ hình như tiếng lóng ta còn gọi la "thằn lằn trèo cột đèn"?)

Điều gì kín càng cần phơi ra và điều cấm kỵ được tránh hết sức tinh tế:
Sáng trăng em nghĩ tối trời
Em ngồi em để sự đời em ra
Sự đời em bằng lá đa
Đen như mõm chó chém cha sự đời.
 Cái sự đời mà câu ca dao đề cập bằng việc dùng nghĩa lấp lửng nước đôi như trên chắc chắn rằng ai cũng biết đó là cái gì rồi!

Và dĩ nhiên, những chuyện tiếu lâm "dành cho người nhớn" thường rất chuộng lối chơi chữ thật độc đáo này.

Dùng nghĩa đôi để hóa tục thành thanh là một nghệ-thuật mà bà Hồ Xuân Hương đã nắm vững đến mức thượng thừa, như khi bà miêu tả cảnh Đèo Ba Dội (tên gọi dân gian của Đèo Tam Điệp): 
Một đèo, một đèo lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa son đỏ loét tùm lum nóc
Kẽ đá xanh rì lún phún rêu
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo
Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân chẳng muốn trèo.
Toàn bài thơ là bức tranh cảnh sắc thiên nhiên, song cách dùng từ ngữ kiểu nước đôi còn mang cho bài thơ một hàm ý khác. Với trường nghĩa liên tưởng, không mấy ai không hiểu rằng bài thơ hướng đến một đối-tượng khác đó là bộ phận “kín” của người đàn bà. Kể cả cái hành động “trèo” của hiền nhân quân tử được bà nói bằng giọng điệu bông đùa, pha chút hài hước, châm biếm ở hai câu kết.

Một lần nữa, tôi không dám múa rìu qua mắt thợ (bà chúa Tục mà Thanh), nhưng cũng xin đăng lại một bài thơ tôi viết hơn mười năm nay:

Trong ánh chớp, vách màn in đôi bóng
Mắt em say trôi lạc cõi bồng lai
Làn môi run hé mở, miết đêm dài
Cuộn lưng ong, em trườn mình hút nhụy.

Gió cao nguyên hòn non bộ ma túy
Bụng đồng bằng nóng bỏng nắng cuồng say
Thung lũng hồng vang vọng rống thét này
Dưới vĩ tuyến, rừng xanh chờ chúa tể.

Vịnh Hạ Long, rồng kia tìm về rễ
Ruộng vu vơ lúa mới, ngón tay vờn
Hổn hển trèo quán dốc, dẫy Trường Sơn
Khe suối mát lịm ngọt trên đầu lưỡi.

Trời buông gió, lá thèm bay rũ rượi
Mười móng vuốt cấy đậm làn da ngâm
Cho em uống cạn nỗi khát âm thầm
Ngòi bút điểm hiến dâng từng giọt mật.

Cơn mưa rào nặng hạt xuyên lòng đất
Sấm vang rền, gió lũ thét bên tai
Nhạc thầm kín rung lên một điệu dài
Trong ánh chớp, ngọn đèn vừa chợt tắt.

Yên Hà (2002)

Nói cho đúng, những loại viết này không hẳn là dựa trên nghĩa "nước đôi", một nghĩa "tục", một nghĩa "thanh".  Lối viết "HXH" là dùng ý, dùng chữ thế nào để gợi hình, gợi cảnh, gợi sắc, gợi cảm, để tạo nên một không khí trong đó người đọc tự nhiên phải liên-tưởng đến những gì khác, nhưng không phải nguyên bản những gì tác giả viết, một cách trực-tiếp và bậc nhất. Tác giả chỉ mang đến vài hình ảnh, và gợi ý cho người đọc tự vẽ ra kịch bản của mình với óc tưởng-tượng của chính mình. Tục như thế nào không phải trong câu văn của tác-giả mà trong óc tưởng-tượng của độc giả  (bậc hai).

2.2 Từ đồng nghĩa
2.2.1 Đồng nghĩa / gần nghĩa
Từ đồng nghĩa là những từ ngữ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau. 
Ta có thể chơi chữ bàng cách dùng các từ thuần Việt đồng nghĩa với nhau:
Đi tu Phật bắt ăn chay
Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không.
Chó với cầy là những từ cùng nghĩa, gần nghĩa được sử dụng "chơi" để phê phán một hiện tượng "ngược đời".

Hoặc đôi lúc dùng một tiếng Việt đồng nghĩa với một từ Hán Việt để chơi chữ:
Nguyệt viên gặp hội trăng tròn,
Trai xinh thập ngũ, gái dòn mười lăm.

Có răng nói thật đi nha
Lúc trăng đang tỏ thì hoa đang thì.
Chữ "nha" hình thành do cùng nghĩa với "răng", còn là trợ từ biểu thị thái độ thân mật, với ý mong người đối thoại đồng tình với ý kiến của mình. Đồng thời, “răng” trong văn cảnh là từ địa phương, đại từ có nghĩa là : sao, thế nào?

Mẹ thương con qua cầu Ái Tử
Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu.
Điều hay ở đây là vận dụng hai cặp từ đồng nghĩa thuần Việt-Hán Việt vừa để gợi nhắc những địa danh, vừa bộc lộ tâm tình của tác giả dân gian gởi gắm qua những địa danh đó.

2.2.2 Trường từ nghĩa
Trường từ vựng là tập hợp những từ có nét chung về nghĩa. Có lẽ hiện tượng dùng từ cùng trường nghĩa, gần nghĩa để tạo nét liên tưởng thú vị là phổ biến nhất trong ca dao.
Cóc chết bỏ nhái mồ côi,
Chẫu ngồi chẫu khóc :" Chàng ơi là chàng"
Ễnh ương đánh lệnh đã vang,
Tiền đâu mà trả nợ làng ngoé ơi!
 Tác giả dân gian tập hợp trong bài ca dao này các con vật cùng loài với cóc: nhái, chẫu chuộc, chầu chàng (chẫu chàng thân và chi mảnh, dài, chẫu chuộc cũng giống như chẫu chàng nhưng lớn hơn), ễnh ương, ngoé (giống nhái bén).
"Chàng" trong câu câu ca trên vừa là con vật (chẫu chàng) vừa là đại từ chỉ người trong cặp đại từ nhân xưng: chàng - nàng.
Đây là cách chơi chữ dùng các từ cùng trường nghĩa để khắc hoạ lên những bức tranh dân gian về một đám ma nghèo nhưng đầy đủ lễ thức. Vừa phản ảnh một phong tục ngày trước với nhiều màu sắc độc đáo nhưng cũng không giấu tính châm biếm sắc sảo.

Đôi lúc ghép những từ cùng trường nghĩa để chơi chữ với tính chất "trào lộng":
Chị Xuân đi chợ mùa 
Mua cá thu về chợ hãy còn đông

Anh Hươu đi chợ Đồng Nai
Bước qua Bến Nghé ngôi nhai thịt 
Vui đùa với chữ là dụng ý chính của những câu ca dao này!

Nói đến kiểu chơi chữ này chắc chúng ta không thể quên được bài thơ Rắn đầu biếng học  gắn liền với giai thoại về sự thông minh của Lê Quí Đôn ngay từ thuở nhỏ. Chuyện rằng: 
Một lần có một vị khách tới thăm quan nghè Lê Trọng Thứ. Đến đầu làng, thấy một lũ trẻ tồng ngồng tắm trong ao, vị khách hỏi thăm:
            - Cháu nào biết nhà quan nghè Lê, chỉ đường cho ta.
Một thằng bé khoảng chừng 7, 8 tuổi, mặt mũi sáng sủa và láu lỉnh, cứ tồng ngồng như vậy trèo lên bờ, rồi hỏi:
            - Cháu đố ông biết đây là chữ gì? Nói được cháu chỉ nhà cho.
Nói rồi, cậu bé dạng cả hai chân và hai tay ra, nhìn vào ông khách, trông đến tức cười. Vị khách thấy thằng bé ngộ nghĩnh và giỏi quá, bụng tấm tắc khen và trả lời:
            - Thì là chữ đại chứ có gì mà phải đố! (
)
Thằng bé cười rộ lên, rồi nói:
            - Là chữ thái, có thế mà không biết! 

Thằng bé nói xong, hin hin mũi chế giễu vị khách, rồi không chỉ đường cho khách, cứ thế tồng ngồng chạy vào làng.
Vị khách, cuối cùng cũng tìm được nhà quan nghè Thứ. Khách kể chuyện cho chủ nghe và khen trẻ con trong làng quan nghè thông minh quá.
Một lát, ông nghè họ Lê gọi con mang trà ra. Khách sửng sốt:
            - Vậy thì ra là thằng bé đố chữ tôi là con quan nghè.
Quan nghè Thứ rất đỗi ngạc nhiên, ông thét chú bé mang roi ra, nằm lên giường chịu đòn. Khách xin tha cho thằng bé và bảo cậu bé Lê Quý Đôn phải làm một bài thơ tạ tội với đề bài: “Rắn đầu biếng học”. Bé Đôn ngẫm nghĩ một lúc rồi đọc bài thơ vừa kịp nghĩ trong đầu:
            Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà!
            Rắn đầu biếng học quyết không tha.
            Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,
            Nay thét, mai gầm rát cổ cha.
            Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo,
            Lằn lưng chẳng khỏi vết roi da.
            Từ nay Trâu , Lỗ xin siêng học,
            Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia!
Đầu đề ra có chữ rắn, ấy thế mà thằng bé đã tài tình cho tên từng loại rắn vào từng câu : rắn liu điu, rắn đầu, rắn hổ lửa, rắn mai gầm, rắn ráo, rắn thằn lằn, rắn hổ trâu, rắn hổ mang. Thơ lại hợp vần, đúng luật, ý tứ sâu xa và vươn tới, ví mình như Khổng Tử – Mạnh Tử (Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học), lại vẫn là thơ đứa trẻ con, hứa với cha mẹ xin siêng học. Chơi chữ giỏi đến thế đúng là thần đồng!

2.3 Từ nghịch nghĩa
Từ trái nghĩa là những từ có ý nghĩa đối lập nhau trong mối quan hệ tương liên. Chúng khác nhau về ngữ âm và phản ánh những khái niệm tương phản về logic.
Chơi chữ bằng cách vận dụng từ trái nghĩa khá phổ biến trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao vừa làm cho hình thức đối xứng vừa nhấn mạnh nội dung:
Lươn ngắn mà chê chạch dài
Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.
 Chạch là loại cá trông giống lươn nhưng nhỏ hơn và thân ngắn. Thờn bơn là loại cá thân dẹt, miệng và mắt lệch lên phía trên đầu và Trai là loại động vật thân mềm, vỏ cứng, gồm hai mảnh, thường há ra như cái miệng.

Dùng từ trái nghĩa trong cùng một câu thơ cũng là một hiện tượng chơi chữ của dân gian:
Bánh cả thúng sao gọi là bánh ít
Trầu cả khay sao dám gọi trầu không.
hoặc
Con ngựa chạy giữa đàng, nói con ngựa cất
Con cá bán giữa chợ, nói con cá thu
Con rắn bò giữa đàng, nói con rắn lại
Con cá lội dưới nước, nói con cá leo.

Nước không chân, sao rằng nước đứng
Cá không giò, sao gọi cá leo
Ghe không tay, sao kêu ghe vạch
Bánh không cẳng, sao gọi bánh bò?

Hai đơn vị trái nghĩa kết hợp với nhau theo lối bổ nghĩa sóng kèm trong cùng một văn bản, tạo hai mặt nghĩa vừa tách bạch, vừa gắn kết, như hai mặt của một tờ giấy, thí dụ như bài:

  Dại Khôn 

Làm người có dại mới nên khôn,
Chớ dại ngây si, chớ quá khôn.
Khôn được ích mình, đừng rẽ dại,
Dại thì giữ phận chớ tranh khôn.
Khôn mà hiểm độc là khôn dại,
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.
Chớ cậy rằng khôn khinh kẻ dại,
Gặp thời, dại cũng hóa nên khôn.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)


Nói cho cùng, phân loại "chữ" và "nghĩa", âm với ý cho dễ bố cục bài viết chứ hình-thức và nội-dung bao giờ chả đi đôi với nhau? Đúng là chữ với nghĩa.


(Còn tiếp)
Yên Hà, tháng 12, 2013

Tài-liệu nguồn:
Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao dân ca Việt Nam: Trần Minh Thương
Mười cách chơi chữ phổ-biến: Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh 
Lối chơi chữ trong đối và thơ
Nghệ Thuật Chơi Chữ Trong Ca Dao Người Việt  http://www.hoasontrang.us/phorum/showthread.php?t=462

Tầm gửi - Thanh Tuyền trình bày

Tầm gửi (Trương Lê Sơn)
Thanh Tuyền trình bày và đệm nhạc

http://youtu.be/iMt56-7SnuI

Enjoy.

Si l'amour existe encore - Mal

Si l'amour existe encore - Mal
Ngọc Phú trình bày
Thanh Tuyền đệm nhạc

http://youtu.be/-CLjhPZe75Q

Enjoy

Nov 14, 2013

Oh! Darling - Thanh Tuyền



Click on the "Play" button or on the link 
http://youtu.be/WdmnPVLo9oQ

Enjoy

Tiếng nước tôi: Chơi chữ (1) / Ngữ âm


Ngôn ngữ là phương tiện trao đổi tin tức, ý nghĩ, tình cảm trong đời sống hàng ngày và cách sử-dụng cũng tùy thuộc chủ-đích, đối-tượng và huống cảnh. 
Một nghệ-thuật thật độc đáo trong cách sử dụng ngôn ngữ nói chung và trong Tiếng Việt nói riêng là: chơi chữ.

0. Chơi chữ là gì?

Từ điển Tiếng Việt giải thích: "Chơi chữ là lợi dụng hiện tượng đồng âm, đa nghĩa, … trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng nhất định (như bóng gió, châm biếm, hài hước, …) trong lời nói. (Hoàng Phê (chủ biên) – Từ điển Tiếng Việt – Nhà xuất bản Giáo Dục. H. 1994).
Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là "lộng ngữ" và giải thích là một biện pháp tu từ (rhétorique) có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người, người nghe".


Trong những nghề-nghiệp dựa trên ngôn-ngữ (chính trị gia, thương gia, luật sư, diễn viên, hề, người điều-khiển chương trình, …) người chuyên-nghiệp cần phải nắm vững một số cơ-bản tu từ học (rhétorique), dùng ngôn-ngữ như một vũ-khí để thuyết-phục người nghe và dĩ nhiên phải biết dùng chữ cho khéo, đôi khi dù có phải bóp méo chữ và nghĩa để "nguỵ biện" mà dành phần thắng về mình.

Ngoài những ngữ cảnh làm việc đó, đã gọi là “chơi” chữ (jouer avec les mots / playing with words) thì đương nhiên phải có tính cách vui đùa, nghịch ngợm, hài hước… L
àm cho câu văn, lời nói thêm phần hấp dẫn và thú vị là một thú vui cho người nói (viết) và người nghe (đọc) và phương cách này được vận dụng khá tài tình trong văn thơ, ca dao, tục ngữ và trong đời sống hàng ngày, 
Những anh hề, những bạn vui tính, dí dỏm phần đông đều thích chơi chữ. Ngay cả những trang quảng cáo trên báo chí, đài truyền hình... cũng hay chơi chữ để gây ấn-tượng cho người đọc, người nghe.
Riêng trong ca dao, chơi chữ đã thể hiện nét phong phú độc đáo trong tâm hồn của người nông dân "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

Những lối chơi chữ rất là phong phú: nói lóng, nói lái, nói bóng nói gió, nói xỏ (một đặc trưng Bắc Kỳ), tiếu-lâm, ..., và biết bao nhiêu trò chơi chữ như ô chữ, đố mẹo, đối đáp, chương-trình Des chiffres et des lettres của Pháp hay Wheel of Fortune của Mỹ... nhưng nói chung, có thể phân loại những hình thức lộng-ngữ theo ba nhóm:
      - chơi chữ dựa trên âm-tiết của chữ (ngữ âm),
      - chơi chữ dựa trên ý nghĩa của chữ (ngữ nghĩa),
      - chơi chữ dựa trên quy-tắc sử-dụng chữ (ngữ pháp) của tiếng Việt.
Ngoài ra, chúng ta sẽ bàn qua nghệ-thuật đối chữ (câu đối hay hò đối đáp) cũng như một đặc-điểm có một không hai của ngôn-ngữ đơn âm-đa thanh của tiếng Việt chúng ta là: nói lái.

1. Chơi chữ dựa trên ngữ âm

1.1 Dựa trên điệp-âm
Điệp âm là hình thức lặp lại âm thanh ngôn ngữ theo cách lặp nguyên hoặc lặp có biến đổi thanh điệu sao cho phù hợp với vần nhịp của câu thơ. 

1.1.1 Nhại/mô phỏng âm thanh

Tôi nhớ lại mấy câu ca dao hát ví von thuở còn bé:
Con vỏi, con voi, cái vòi đi trước, 
hai chân trước đi trước, hai chân sau đi sau, 
còn cái đuôi thì đi sau chót.
hoặc:
Con mèo, con mẻo, con meo 
Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà.
Con mèo, con mẻo, con meo
Ai dạy mày trèo, mà chẳng dạy tao?

Cuối thế-kỷ trước, người nói thơ dạo có những câu rao như:
Vân Tiền, Vân Tiễn, Vân Tiên
Ai cho đồng tiền tôi kể Vân Tiên
để mời khách nghe bộ thơ Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Khuyến.

Có một loại chơi chữ là viết với toàn những chữ cùng đầu âm như "ch" trong bài thơ "Trách người đa tình" (vô danh):

Chán chường cho chị chê chồng
Chín chiều chua chát chán chê chưa
Cha chài chú chóp chơi chung chạ
Chẳng chính chuyên chi chớ chực chờ.

Còn có những bài văn viết toàn vần T (+Tr và Th) như:
"Trần Thị Thu Thủy tên thật Trần Thị Thỏ, trú tại thôn Tám, Trảng Tranh, Tỉnh Thừa Thiên. Thuở thiếu thời, trí tuệ thì thường thôi, tuy thế, tính Thủy thật thà, thủ thỉ thù thì, thỏn thà thỏn thẻn, thật thương! Tới tuổi trăng tròn, Thủy tròn trặn, tươi tắn, trắng trẻo, tay tròn trĩnh, tóc thơm thơm, thật tuyệt! ..." (Vô danh?)

1.1.2 Từ láy

Nhìn lại tiếng Việt, tôi mới để ý thấy người Việt chúng ta rất hay dùng từ láy, nói một câu là phải láy một, hai chữ (không biết do tiếng Việt đơn âm, đa thanh hay do nhạc tính của tiếng Việt hay do nghệ-sĩ tính dân-tộc ta?).

Lối nói chữ "dân-dã" mộc mạc nhưng dễ hiểu và dễ thương làm sao:

Nước chảy riu riu,
Lục bình trôi ríu ríu,
Anh thấy em nhỏ xíu, anh thương.

Trong đời sống xã hội có khá nhiều câu dùng hình thức điệp âm để phản ảnh các vấn đề xã hội khá thú vị:
Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt
Lọc lừa, lươn lẹo lại lên lương

Với cách chơi chữ lặp đi lặp lại như thế, nhiều câu ca dao đã gợi nên cuộc sống quẩn quanh bế tắc không lối thoát của phận cái kiến, con ong ở xã hội ngày trước:
Con kiến mà leo canh đa
Leo phải cành cụt leo ra, leo vào
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cảnh cụt leo vào, leo ra.

Thơ Hồ Xuân Hương có rất nhiều từ láy. Đặc biệt là những từ láy gợi âm thanh: tỉ tì ti, hi ha, hu hơ, vo ve, thánh thót, long bong, lõm bõm…, những từ gợi cảm giác, xúc giác: xù xì, toen hoẻn, lam nham, lún phún…, những từ gợi tư thế vận động: cheo leo, vắt vẻo, lom khom, ngất nghểu, lăn lóc…những từ tượng thanh: lắc cắc, long bong, phập phòm, thánh thót, lõm bõm… được Bà Chúa Thơ Nôm sử dụng theo cách chơi chữ một cách tài tình. 


     Tự Tình
Vất vất vơ vơ cũng nực cười
Căm căm cúi cúi có hơn ai
Nay còn chị chị anh anh đó
Mai đả ông ông mụ mụ rồi
Đói đói no no, lo hết kiếp
Khôn khôn dại dại khéo trò đời
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy
Ngủ ngủ ăn ăn nói chuyện chơi
(Hồ Xuân Hương)

Không dám so sánh với bà Chúa thơ nhưng trước đây tôi có viết bài thơ:
    Lung linh hạt thu
chiều tà rơi lẳng lặng
nhè nhẹ tắt nắng vàng
bước chân hài rón rén
thấp thoáng bóng em sang

thoang thoảng hương trinh nữ
mơn mởn trái bồng đào
thì thào lời em gọi
ru hồn người xôn xao

lưng ong ôi mềm mại
dáng em lượn miệt mài
đôi môi hồng tủm tỉm
long lanh cặp mắt nai

hỡi cô em bé bỏng
cho tôi được nâng niu
tâm tình em nũng nịu
bên khung cửa dặt diù

ngoài trời mưa rỉ rả
gió đêm thở rì rào
lòng người buồn rười rượi
nỗi buồn vẫn nao nao.
(Yên Hà, mùa thu 2004)

1.2 Chơi chữ bằng cách dùng từ ngữ gần âm (trại âm)
Trong ngữ âm tiếng Việt có hiện tượng nhiều từ do thói quen phát âm của từng vùng miền khác nhau mà đọc lệch đi. Tuy nhiên điều thú vị là người ta biết vận dụng hiện tượng này để tạo nên cách chơi chữ thú vị:
Dở dang, dang dở vì sông
Ngày làm công nhật , đêm trông dạ chàng.
Trong câu trên, “dang” là từ gần âm với “giang”; “giang” là yếu từ Hán Việt đồng nghĩa với từ Nôm “sông”, tất cả kết hợp tạo nên một câu ca dao chơi chữ thú vị.

Người miền Bắc không phân-biệt những âm r, dgi nên khi nói "Giăng (trăng) rụng dưới cầu", người nghe có thể hiểu "Răng rụng dưới cầu"!

Môt câu chuyện tiếu lâm dựa trên trại-âm là:
Một chị nhà quê (người miền Nam) vào đồn công an đăng ký kết hôn.
Chị cán bộ công an hỏi: - Lấy chồng lần đầu hả ?
Chị nhà quê: - Dạ, lần đầu.
Chị cán bộ hỏi: - Tên gì ? Ở với nhau từ bao giờ?
Chị nhà quê: - Dạ, Nguyễn thị Chim, mới ở với nhau tối hôm qua.
Chị cán bộ: - Mới ở với nhau tối hôm qua à ? Chim có ê không ?
Chị nhà quê đỏ mặt ấp úng không nói gì. Chị cán bộ bực mình gằn giọng:
- Tôi hỏi chị Chim có ê không?
Chị nhà quê thẹn thùng thỏ thẻ:
- Dạ lúc đầu cũng hơi ê.... ê ..., nhưng rồi sau cũng quen…
Chị cán bộ bực tức quát lên:
- Tôi hỏi chị tên Chim không có chữ "ê" hay là tên Chiêm có chữ "ê" ? Mắc mớ gì đến lúc đầu với lúc sau. Vớ vẩn!

Cũng có khi nhiều từ ngữ có âm gần nhau nhưng đứng gần nhau tạo nên những cách hiểu, cách cảm tinh tế:
“Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần”
Tài (tài năng) và tai (tai họa) là hai từ gần âm đứng trong câu thơ tạo nên ý nghĩa sâu sắc. Nhờ nghệ thuật chơi chữ mà tư tưởng “Tài mệnh tương đố” trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du được chuyển tải thật giản dị, sâu sắc.

(Còn tiếp)

Yên Hà, tháng 11, 2013

Tài-liệu nguồn:
Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao dân ca Việt Nam
Trần Minh Thương
http://4phuong.net/ebook/46513172/nghe-thuat-choi-chu-trong-ca-dao-dan-ca-viet-nam.html
Mười cách chơi chữ phổ-biến
Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh 
Lối chơi chữ trong đối và thơ
http://e-cadao.com/tieuluan/ngonngu/choichutrongcadaovadoi.htm
Nghệ Thuật Chơi Chữ Trong Ca Dao Người Việt
http://www.hoasontrang.us/phorum/showthread.php?t=462