UA-83376712-1

Labels

Mar 28, 2011

Nhịp sống

Tại sao ngưi ta lại nói: khi yêu nhau, hai người cùng một nhịp tim, thổn thức cùng một nhịp thở ? Phải « en jeu » với nhau mới hợp với nhau là làm sao ? Ngay cả trong “chuyện ấy”, hai người mà đồng điệu, đồng nhịp với nhau thì cảm-giác hình như sẽ gia tăng gấp bội, không biết có đúng không ?
Trong ngành thể-thao, người cưỡi ngựa giỏi biết hoà mình với ngựa để điều-khiển ngựa, người cầu-thủ phải biết hoà nhịp theo di-động của quả bóng, người bơi phải biết phối-hợp hơi thở với động-tác của cả thân-thể…
Lỡ một chuyến tầu hay không bắt được thời-cơ cũng là một hình thức “sai nhịp”.
Nói như vậy, có lẽ nhịp là một yếu-tố căn bản trong đời sống hàng ngày ?

Nhịp trong âm-nhạc

Ai đã thích hát, thích nghe hát đều biết căn bản quan trọng và khó nhất là : Nhịp. 
Hát mà cứ sai nhịp thì thật cực cho ban nhạc, khổ cho đôi chân người nhẩy, khó chịu cho đôi tai người nghe, và chật vật cho cả người hát (cho dù đôi khi người hát cũng không biết là mình sai nhịp, đã thế còn quay lại “nạt” ban nhạc nữa). Điều này, chắc hẳn chúng ta, ai cũng đã trải qua rồi.
Hát đúng nhịp không phải là dễ. Cứ để ý mà xem, cái điệu Boston, ai cũng nghĩ là dễ, nhịp 3/4 (tắc-tắc-xình, tắc tắc xình) mà sao cứ rơi lên, rớt xuống, nghe mà đứng cả tim, thật khổ cho người one-man-band đệm keyboards, vì trống máy không bắt lại nhịp dễ dàng được như trống tay.

Nhưng hát đúng nhịp vẫn chưa đủ, người hát còn phải “nhập” vào được với nhạc, nhập vào “linh-hồn” của nhịp-điệu, của bài nhạc thì mới bắt đầu “ra bài”.
Mỗi điệu có cá-tính riêng biệt của nó và mỗi ca-sĩ, mỗi nhạc-sĩ, mỗi ban nhạc lại có cách diễn-tả riêng. Thí dụ như nhạc James Brown hay Michael Jackson rất khó chơi, mỗi lần tuyển nhạc-công (đương nhiên là chuyên nghiệp rất nhiều kinh nghiệm) cũng phải tốn công tập dợt lắm.
Khó hơn nữa là nhạc dân-tộc cổ-truyền, đằng sau mỗi loại, có cả mấy trăm, mấy ngàn năm văn hoá nên hiểu được tinh-túy của nó để nhập vào là cả một vấn-đề. Nhạc dân-ca Việt-Nam (quan họ, hát trù, vọng-cổ…), nhạc Ấn-Độ, nhạc Nam-Mỹ, … người nước ngoài khó diễn-tả được hoàn hảo lắm.

Trước đây, chúng tôi có tập chơi bài Parole, parole, Dalida hát, Alain Delon nói theo. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ "dễ như cơm sườn", tiếng Pháp thì tôi nói gần như tiếng mẹ đẻ rồi, vả lại nói đâu cần đúng “tông”, nhịp thì miễn sao vừa nằm trong nhịp giữa hai câu hát là được rồi, có gì mà thắc mắc, nhưng hát một, hai lần, tôi cảm thấy không ổn, không hay lắm. Hoá ra, nói cũng phải như hát, cũng phải đúng nhịp, cũng phải nhập vào nhịp. Tôi chợt nhớ thuở bé đi học, trả bài “récitation” đâu phải chỉ thuộc và đọc như con vẹt, phải nhịp nhàng, lên lên, xuống xuống, phải có phần “diễn tả” như đóng kịch thì mới nhiều điểm được.
Đúng là nghề chơi cũng lắm công phu.

Nhịp trong điệu vũ

Cũng trong lãnh vực âm-nhạc, nhẩy hay múa đều như đàn hát, kỹ-thuật và nhịp là chính nhưng nếu không nhập vào được nhịp thì khó mà hay lắm. Cho nên, nhẩy R&B hay hip-hop phải có tí máu “đen”, nhẩy Argentina Tango thì chỉ có mấy anh Raul hay Carlos mới là tuyệt-vời. Múa bụng thì phải dành cho mấy vũ-nữ Trung-Đông, múa Thái phải để cho mấy cô Thái…
Có một vài lần, tôi được nghe một ban nhạc thật hay đệm cho một ca-sĩ thật xuất-sắc và thưởng thức ngoài sàn nhẩy, một cặp biểu-diễn những bước điệu thật ngoạn-mục. Tiếng hát người ca-sĩ, giọng đàn của cả ban nhạc và động-tác uyển chuyển của cặp vũ-sĩ, tất cả quyện vào nhau như một, hoà điệu thật tuyệt vời. Cảm giác đó, tôi khó mà quên được.

Từ vũ đến võ, võ-sinh tập mấy bài quyền có lẽ để tập cái nhịp đó, cho mọi động-tác được liên-tục. Người võ sĩ giỏi làm chủ được nhịp của mình, biết được nhịp của đối-thủ thì đã nắm được chủ-động rồi.
Trong nghề đu bay, nhịp là quan trọng “chết người“, chỉ cần một người sai nhịp tí xíu là xảy ra tai-nạn ngay. 

Nhịp trong văn-thơ 

Đọc văn, đọc thơ, mình thích gì, thích chỗ nào ? Dĩ nhiên, có nội dung, có ý của bài, có nét bút người viết… nhưng nói chung, thơ thì phải uyển chuyển, nhịp nhàng, luật bằng-trắc nghe phải êm tai, vần điệu phải chuẩn so với thể thơ (năm chữ, bẩy chữ, tám chữ, lục bát, song thất lục bát…). 
Nhịp điệu thanh tao, tạo nên một nhạc-điệu êm ái, khiến bài thơ “dễ ngâm”, có lẽ vì vậy nên tôi thích nghe thơ-nhạc Tao Đàn ?
Trường-hợp thơ "tự-do" ít có luật-lệ hơn, thì còn gì, nếu không phải ý thơ và nhạc điệu ?

Viết văn thì đối với riêng tôi, nhạc-điệu (musicalité) là căn bản. 
Văn cũng như thơ, phải yểu-điệu, nhịp-nhàng như giòng nước chẩy, đọc mà không thuận miệng, nghe mà không xuôi tai thì kể như là sai nhịp rồi. Mỗi chữ phải đi liền với chữ sau; mỗi câu phải đủ dài, đủ ngắn, không thiếu chữ, không thừa chữ; mỗi câu phải “gọi” câu sau; mỗi đoạn phải tiếp nối đoạn sau. Liên tục.

Tôi không biết nhiều thứ tiếng, nhưng tôi thích tiếng Việt (còn phải hỏi ?), tiếng Pháp, tiếng Ý vì nói mà như hát, còn có những tiếng tôi nghe nặng-nề, không êm tai lắm..

Xem một bức thư-pháp mà thấy “phượng múa, rồng bay” hay thấy nét linh động của một tấm tranh vẽ hay một tấm ảnh chụp thì thấy như đúng nhịp rồi.

Les parfums, les couleurs et les sons se répondent” Charles Baudelaire (Les fleurs du mal)


Nhịp và quán-niệm hơi thở

Những ai đã tập yoga hay đã vào cửa thiền đều hiểu rõ việc này. Những lúc nôn náo, mất điểm tựa, « trật đường rầy », một phương-pháp hữu-hiệu để lấy lại thăng bằng là… th.
Thở vào, thở ra, thở vào, th ra…, phương-pháp thật giản-dị : chú tâm vào hơi thở để hợp nhất thân và tâm, để trở về với chính mình.
Thở nhẹ, thở dài, thở đều, sống trong chánh-niệm, s
ng vi con người thật của mình, sng hoà điu vi thế-gii bên ngoài. Sống đúng nhịp.

Thậm chí, những lúc như đi chữa răng, tôi cũng trở về với hơi thở để bớt căng thẳng, bớt đau. Tôi cũng nhớ lại lúc con tôi còn bé, buổi tối, tôi đưa nó vào giường, nằm xuống bên cạnh để ru nó ngủ. Ru mãi, mỏi cả miệng mà nó vẫn không chịu ngủ, sau đó tôi khám phá ra một phương-pháp khác thật dễ, thật nhanh để giúp nó tìm thấy giấc ngủ : tôi ngừng ru, lắng tai nghe nhịp thở của nó rồi thở cùng nhịp với nó, thật nhẹ, thật êm, et voilà. Bây giờ, tôi vẫn tiếp tục dùng phương-pháp này với thằng cháu ngoại. Bảo đảm một trăm phần dầu.

Nhịp sống vũ trụ

Sức khỏe là khi trong cơ-thể, mỗi bộ-phận, mọi tế-bào làm việc đều đặn : hơi thở, nhịp tim, nhịp máu…
Mọi sinh-vật chung quanh ta cũng đều sống như vậy. Mọi hiện-tượng cũng đều phát-sinh và chuyển động như vậy : sông nước, núi non, mây mưa… cho đến quả đất chúng ta và những hành tinh khác quay vòng quanh mặt trời. Đều là nhịp cả.

Nói đến nhịp, chúng ta cũng phải nói đến tần-số hay chu-kỳ (tôi không nói đến cô nữ minh-tinh Trung-Quốc đâu nhé). Chu-kỳ có thể ngắn (một giây), rất ngắn (trong lãnh-vực điện hay điện-tử), dài (tháng, năm), hay rất dài (mấy trăm năm hay mấy triệu năm). Giây phút, ngày tháng, bốn mùa trôi qua theo nhịp thời gian.

Vô thường, Vô ngã, kiếp Duyên-sinh, bao nhiêu điều Bụt dậy, dường như chỉ để giúp người sống cho đúng nhịp với chính mình, cho hoà điệu với nhịp sống của vũ-trụ. Có thể nói là như vậy ?
A scruter l'immensité de l'univers,
on aperçoit la vie,
A sonder les profondeurs de son être,
on comprend la vie,
Ayant compris sa vie,
    l'être se fond dans l'univers.

Tạm dịch :
Nhin xa vào vũ-trụ bao la, ta thấy sự sống,
Tìm sâu vào đáy lòng người, ta hiểu sự sống,
Hiểu được sự sống, con người hoà hợp với vũ-trụ.


Nhưng đọc lại bài viết, tôi chợt lạnh xương sống. Thôi chết rồi, từ đầu đến cuối, tôi đã nói về những gì tôi không rành lắm (âm nhạc, hội-hoạ, thể-thao, thiền, Phật pháp…), chắc chắn là đã múa rìu qua mắt thợ rồi. Nhưng thôi đã lỡ, bài đã lên khuôn, vả chăng tôi cũng chỉ viết lên những gì mình nghĩ, mà cũng không dám bàn-luận nhiều, nếu chẳng may có điều gì "trật nhịp", xin bạn đọc rộng lòng tha thứ và sửa sai cho nhé.
Tôi chỉ cảm thấy nhịp sống :

Nhẹ nhàng cơn gió thoảng
Thanh-thản cụm mây bay
Êm-đềm giòng nước chẩy
Vng trãi non núi cao
Réo rắt tiếng đàn phẩy
Thánh thót giọng hát em
Nồng-nàn hương hoa nở
Quấn quýt vòng tay ôm
Yêu em… cho đúng nhịp.
Yên Hà, tháng ba, 2011

Aime moi (TNPhú )


Please on the link   http://youtu.be/3cLLJQ4Nvqo

and enjoy.

Belle (TNPhú)


Please on the link   http://youtu.be/bxOFwFQelzs

and enjoy.

Parole, parole (Thanh Tuyền)


Please on the link   http://youtu.be/oNdzhxl0ldg

and enjoy.

Demain tu te maries (Thanh Tuyền)


Please on the link   http://youtu.be/MQnyj4GxFU0

and enjoy.

Mar 18, 2011

Khi xưa ta bé - Bang Bang (Thanh Tuyền)


Please on the link   http://youtu.be/GcSynBBsRF0

and enjoy.

I (Who Have Nothing) (Thanh Tuyền)


Please on the link   http://youtu.be/hMWlnrwPqt4

and enjoy.

Giận


“Trời ơi, tức chết đi được!” X. vừa đi, vừa lẩm bẩm một cách hằn học.
Cơn lửa giận còn đang bừng cháy, làm nóng ran cả thân-thể X., tưởng chừng không có vòi rồng nào dập tắt nổi.
Hôm nay đẹp trời, X. cùng người bạn ra công-viên ngồi hóng nắng, trò-chuyện cho vui, bỗng đâu vì bất-đồng chuyện gì đó, hai người lớn tiếng với nhau, khiến X. đứng phắt dậy, bỏ ra về. Trời đang tươi sáng, bỗng như tối xầm.

“Tức ơi là tức, rõ ràng là nó quấy, nó sai mà, mình có làm gì đâu ?”
Đầu đuôi câu chuyện như thế nào, X. cũng không nhớ rõ, hình như có lúc X. đề-cập đến vấn-đề gì mà người bạn nhíu mắt, chau mày, làm X. nhột nhạt nên hỏi vặn thì người bạn lại không nói, quay sang chuyện khác.
“ Đúng là nó chối mà, dám làm mà không dám nhận. Hứ! Nó lại còn tỏ vẻ không vui với mình nữa chứ, rõ là vừa đánh trống, vừa ăn cướp. Mình đã nói nó sai mà nó nhất định không chịu nhận, lại còn gân cổ lên mà chống-chế nữa cơ chứ ? ”
Cơn tức đã nổi lên rồi, X. không còn tự-chủ được, giá người bạn có giải-thích thêm thì có nói gì, nói như thế nào đi nữa cũng vô-dụng, X. cũng đâu nghe được, đâu hiểu được, đâu tin được ? Trong lúc này, X. chỉ biết chú-tâm vào tất cả những gì người bạn đã nói, từng chữ một, từng giọng nói, từng cử-chỉ, từng nét mặt của bạn. Mỗi chi-tiết được phân-tách, mổ xẻ kỹ lưỡng, như để bỏ vào hồ-sơ lên án bạn và dĩ nhiên, những gì X. đã nói, đã làm đều có lý-do chánh đáng cả.
Tự-ái X. đã bị tổn thương mạnh, thủ-phạm kia phải đền tội trước tòa-án mà X. là quan chánh-án và tội-nhân không được quyền chối tội.

“Nó đối-xử với mình như vậy, nó có thể tự xưng là bạn mình được ư ? Vả lại, nếu nó thật-sự là bạn mình thì giờ này nó đã gọi mình để xin lỗi rồi!”  X. tiếp-tục nói gỡ nhưng trong thâm-tâm, X. đã bắt đầu cảm thấy đuối lý và đôi chút hối-hận.
Nắng nhẹ, gió thoảng đã từ từ làm X. nguôi cơn giận, vả lại X. đâu phải là loại người bướng-bỉnh, ngoan-cố ?
X. thương bạn lắm nhưng trong cơn nóng giận, tự-ái đã lấn áp tình thân và sau đó không cho phép X. nhận điều sai nơi mình, để giận dữ tiếp-tục chế-ngự X.
Hai người thân-thiết với nhau như ruột thịt, rất ư là hiểu nhau và tin-tưởng nơi nhau, như vậy làm sao mình có thể ngờ-vực bạn ? Làm sao mình có thể nghĩ là bạn mình có ý xấu với mình ? Bạn mình nhịn, không tranh-cãi để tránh đổ dầu vào lửa thì mình lại nghĩ nó quấy nên không thể tự bào-chữa được. Vô lý quá.
Lúc mình giận-dữ bỏ đi, người bạn đã rớm nước mắt, tại sao mình thương nó mà mình không cảm thấy xót nó ? Tại sao lúc ấy mình không ôm nó vào lòng và làm hoà với nó ?
Tại sao tự-ái có thể là một nọc độc ghê-gớm như vậy ?


Thôi, cũng may mà hai người còn chút tự-chủ để không buông ra những lời-lẽ nặng-nề, quá đáng để sau phải hối-hận, chứ tên độc đã bắn ra thì tổn-thương, đổ vỡ làm sao lường được ? 


Rảo mắt tìm một cái ghế trống trong công-viên, X. ngồi xuống, nhắm mắt lại và bắt đầu thở vào, thở ra và tập-trung tâm-trí vào hơi thở.
Đúng rồi, X. đang giận, nhưng tại sao vậy ? Chuyện gì đã xẩy ra ? Lời nói nào, cử-chỉ nào đã vô-tình móc vào một nhược điểm X., khơi lại một kỷ-niệm không vui, như ngoáy lưỡi dao vào một vết thương lòng chưa bao giờ lành hẳn ?
Cảm-giác này khó chịu lắm nhưng X. cố-gắng nhận-diện nó, tiếp-xúc với nó vì xấu hay tốt, điều này cũng là một phần của chính mình. Đau-thương trong ta cũng là ta, hạnh-phúc trong ta cũng là ta, cũng như hạt giống tốt hay xấu đều có sẫn trong ta.
X. ôm nhẹ cơn giận vào lòng và ân cần ru dỗ nó như ru dỗ chính mình.

Một lúc sau, X. đã bắt đầu lấy lại bình-tĩnh và thầm cảm ơn người thiền-sư đã dậy X. quán-chiếu cơn giận. Người đã dậy X. rằng khi đã lỡ cãi nhau với người thân, cách duy nhất để thoát khỏi lửa sân hận là chú tâm vào chính mình, tuyệt đối không phân-tích phần của người kia. 
Quán-chiếu là vậy. Vả lại, dựa trên tâm-lý con người, có ai đủ sáng suốt và khách quan để xử-xét như một người ngoại-cuộc, nhất là trong lúc này ? 
X. đứng dậy, thở một hơi dài khoan khoái, rồi lấy máy điện-thoại lưu-động ra để gọi bạn.

Ngoài kia, trời vẫn nắng ấm, mặt hồ vẫn phẳng lặng và chim muông vẫn hót líu lo.
Cuộc sống vẫn bình thản trôi.

Yên Hà, tháng 3, năm 2011

Mar 10, 2011

Chuyện chúng mình (Thuỵ Uyên)

Năm ấy...
Tôi đi hát trong chương-trình văn-nghệ đêm họp-mặt của hai trường Jean-Jacques Rousseau và Marie Curie. Thật ra thì ban đầu, tôi đã từ chối không tham-gia, viện cớ không quen biết ai, tôi học dưới một lớp, và có lẽ tại tính tôi nhút nhát, ngại phải đi xa thì đúng hơn. Nhưng sau khi cô bạn thân bảo : " Tao đã hứa với ban tổ chức là tao sẽ kéo mày đi theo để mày hát cho họ vài bài, tao quảng cáo và giới thiệu mày dữ dội. Mày không đi, tao ăn nói sao với họ đây ?"
Nghe cô ta nói vậy, tôi đâm lưỡng lự, cô ta như buộc tôi vào trong hoàn cảnh đã lỡ. Tuy nhiên, vốn dĩ hay chiều bạn bè, tôi không nỡ khiến cô ta thất vọng. Thế là tôi nhận lời.

Sau buổi trình-diễn này, tôi hân hạnh quen biết thêm một vài anh chị trong ban tổ-chức. Và rồi họ rủ tôi gia nhập vào sân trường của họ. Thuở ấy, tôi thật nhà quê, không biết “ forum ” là cái chi chi, chỉ nghe họ nói rằng vui lắm, bạn bè xưa nói chuyện với nhau, nhắc lại những kỷ-niệm thuở còn đi học, đây là môi-trường tốt và hữu-nghiệm cho bạn học chúng ta tìm kiếm lại nhau, v.v... Nghe kể thấy hấp dẫn và lôi cuốn, tôi bằng lòng.

Tôi tập tễnh bước vào sân trường, e thẹn như một cô gái còn để tóc bín, ngập ngừng hồi hộp như sắp bước vào một cuộc hành-trình đầy bí ẩn. Trừ một vài người đã quen biết từ trước, những tên tuổi khác xa lạ làm tôi chột dạ, chưa dám lên tìếng. Mang nỗi mặc-cảm mình không thuộc vào lớp này, tôi chỉ lặng lẽ theo dõi, cố gắng tìm hiểu cá-tính mỗi người qua giòng chữ họ viết, qua tư-tưởng họ phô bày, để tôi còn tập làm quen và sau này hòa mình vào với họ.

Cho đến một ngày, anh xuất hiện với bài Nhớ nhà. Rời quê-hương đã lâu, chật vật với đời sống khó khăn nơi xứ lạ quê người, tôi tạm thời đã bỏ lại sau lưng những hình ảnh kỷ-niệm mái nhà xưa ở Tân Định.
Khi đọc bài này, những giòng chữ giản dị nhưng đầy tình-cảm làm sống dậy trong tôi những hình ảnh bỏ quên đó. Tôi thật xúc động. Tự dưng tôi cảm thấy rất gần gũi với anh. Qua bao nhiêu tháng im lặng trên mạng, tôi đã đọc biết bao mẫu chuyện tếu, nghịch ngợm. Có những bài đàm-luận thật nghiêm-túc, đôi lúc nghiêm-túc quá đâm ra căng thẳng. Có những hình ảnh thật đẹp vòng quanh thế-giới, có những tin-tức và tài-liệu quí giá đủ mọi khía cạnh, v.v..., tất cả những thứ này, tôi đều chú ý đến, và nhớ từng tên mỗi người, nhưng chưa hề quan tâm đặc biệt như lúc đọc bài viết của anh. Có một nét gì khác biệt nổi bật hơn hết tất cả. Nếu tôi viết một bài về nhớ nhà, có lẽ tôi cũng sẽ diễn tả như anh tả. Cùng tính-cách lãng mạng, nghệ-sĩ chăng ? cùng tư-chất mộc mạc trung thực chăng ? không biết ! Dù sao, cũng chỉ mới qua một bài viết, tôi chưa dám khẳng định. Tuy nhiên, những lời lẽ chân thành trong bài cùng với ý niệm sâu sắc đã khiến tôi phải bắt đầu chú ý đến anh. Ai đây nhỉ ?

Dần dần, anh bắt đầu viết nhiều trên mạng. Càng đọc những giòng chữ anh viết, tôi càng thấu hiểu nhiều hơn về con người anh. Vừa vui vẻ, vừa hoạt bát, viết văn giỏi, làm thơ hay, lại có duyên. À, chính cái duyên này đây, chết người đấy.
Thế rồi một hôm, một vài đề-tài về ca-nhạc và thể-thao được bàn đến, (may quá , trúng tủ rồi !). Tôi đánh bạo mở miệng nói chuyện với tất cả, và anh đã đáp lại những gì tôi viết. Chúng tôi bắt đầu quen nhau, ngày càng khắng khít theo thời gian. Tôi vẫn chưa biết mặt mũi anh ra sao. Tôi tò mò, có vào mạng tìm kiếm, nhưng không thấy. Tôi vốn không giỏi lắm về cách dùng máy vi-tính. Tôi hình dung anh với vóc dáng gầy gầy, mái tóc bồng bềnh (tại sao vậy nhỉ ? tại sao hễ tính tình nghệ-sĩ thì phải gầy gầy, dong dỏng cao với mái tóc bồng bềnh ?).

Mặc, mặt mũi anh ra sao không quan trọng, chỉ cần biết tôi cảm nhận được sự chú ý đặc-biêt anh dành cho tôi. Và cứ thế trên mạng, chúng tôi viết trả lời nhau, đối thơ đi, đối thơ lại, vô tư vui đùa với nhau như hai đứa trẻ con, tung tăng hồn nhiên như chỉ có hai đứa trong sân trường ồn ào. Bạn bè hình như nhìn thấu sự tình, rủ nhau gán đôi chúng tôi. " Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn..." Lời nói trêu ghẹo này làm tôi chợt bừng tỉnh, giật mình. Chuyện gì đã xảy ra ? Tại sao chúng tôi có thể vui đùa vô tư lự như thế, mà chính riêng tôi, tôi cũng không ngờ được ? Tôi thật sự không biết mình đang làm gì. Chẳng nhẽ...? Bên bờ bên kia, anh cũng thế thì phải. Một thoáng trầm ngâm, một thoáng do dự, một thoáng suy tư....
Rồi anh xin số điện-thoại. Giây phút đầu tiên nói chuyện riêng với nhau, nghe tiếng nói của nhau, chúng tôi ngượng ngập, lúng túng cuống quít như một cặp tình-nhân trẻ lần đầu biết yêu. Nói qua loa vài ba câu chào hỏi, rồi im lặng, chỉ còn hai tâm hồn thổn thức hai bên ghềnh đá, hai con tim cùng đập một nhịp điệu. Quyến luyến gác điện-thoại rồi, tôi chắc chắn cả hai đều tự đặt câu hỏi " tại sao lại là tôi ? tại sao lại là anh ? tại sao chúng ta, xa cách nghìn trùng hai bên bờ Đại-Dương, lại tìm nhau và đến với nhau ? "
Rồi chúng tôi gửi hình cho nhau, viết cho nhau, làm thơ làm nhạc cho nhau, hẹn gặp nhau, rồi...

Cho đến bây giờ, chúng tôi thỉnh thoảng hỏi nhau, vẫn câu hỏi đó, " tại sao chúng ta yêu nhau, 
hở mình ? "
Ngay cả đến bạn bè, biết anh lúc trước thì ở Âu-Châu, tôi thì bên Mỹ, ai ai cũng thắc mắc hỏi làm sao chúng tôi quen nhau.
" Vì sao chúng tôi quen nhau, yêu nhau, gặp nhau, và cuối cùng nên đôi lứa với nhau, nếu bảo rằng, đó là do ông Trời đã sắp đặt, thì thật không sai tí nào. 
Rõ ràng là duyên phận, và một khi đã là duyên phận, thì có chạy đằng trời."
Thụy Uyên

Đoàn Thanh Xâm : Một cánh hoa trôi (Thuỵ Uyên)


Tiếng dương-cầm qua những ngón tay điêu-luyện của Samson François trong những bài nhạc cổ-điển của Chopin vẫn còn văng vẳng trong tai. Bỗng nhiên, một nỗi buồn man mác len vào hồn tôi.
Tôi nghĩ đến người chị yêu thương của tôi. Ngày xưa ở Saigon, có chút ít thì giờ, chị hay thường tập dương-cầm trong phòng. Bao nhiêu những bài cổ-điển về dương-cầm vì thế đã ăn sâu vào ký-ức, tuy rằng tôi học vĩ-cầm.
Chị đẹp lắm, ai ai cũng đều nói thế. Mẹ cũng hay nói, chị giống nữ tài-tử Sophia Loren. Tôi hãy còn bé, chưa hiểu thế nào là đẹp, chỉ biết chị giống như một thiên-thần, hay nàng công-chúa trong truyện Disney. Hôm nay nhìn lại mấy tấm ảnh, ngắm nét đẹp tự nhiên không son phấn và dịu hiền của chị, tôi xao xuyến trong lòng. Chả trách gì, thời gian ấy, tôi đã chứng kiến cảnh bao nhiêu chàng trai lui tới thường xuyên và trồng một dọc cây si trước cửa nhà.

Cũng như tất cả anh chị em, chị ngày đi học chữ tại Marie Curie, tối học nhạc trường QGAN. Chị rất ngưỡng mộ tài dương-cầm của người anh kế, và mong ước trở thành xuất sắc và nổi tiếng như anh ấy.
Khi chị ra trường đôi bên, chị làm việc tại Hội Việt-Mỹ, và kèm thêm học sinh về môn dương-cầm tại tư-gia.
Thời gian Bố tôi bắt đầu sự-nghiệp về điện-ảnh, các đạo-diễn Việt-Nam thuở ấy hay thường lân la đến nhà bàn chuyện phim ảnh với Bố, và thưởng thức tiếng đàn của chị. Thỉnh thoảng, họ mời chị em tôi đi xem hoạt-cảnh trong phim-trường, và đều có ý mong muốn đào tạo chị tôi trở thành tài-tử như Bố. Chị cũng thích lắm, nhưng Bố không cho phép.

Gia đình tôi hay thường ra ngoài Vũng-Tàu nghỉ mát, tắm biển và thích nhất là ăn cua rang muối. Chị luôn luôn trông chừng tôi và cậu em nhỏ trên bãi.
Chị sống như thế với Bố mẹ và các anh em, bình thản, mộc mạc và hồn nhiên như con người chị. Cho đến một ngày, chị gặp anh NNK, và dĩ nhiên, con gái lớn đã đến tuổi cặp kê, chị bằng lòng. Từ ngày chị theo về sống bên gia-đình chồng, tôi ít có dịp gặp chị. Chị có ba người con, Nam, Hải và Hà. Thỉnh thoảng chị về thăm nhà, hay thường kể với Mẹ chị bận lắm. Ngày lo lắng hầu hạ mẹ chồng và chồng con, tối đến vẫn tiếp tục kèm thêm môn dương-cầm.

Hôm nay, đã gần 40 năm trời, tôi không được gần gũi chị, tôi không được nghe giọng nói trong vắt của chị, tôi không được ôm lấy cánh tay nồng nàn của chị, tôi không được nghe tiếng dương-cầm réo rắt của chị. Căn bệnh ngặt nghèo đã cướp đi người chị thân yêu của gia đình tôi. Vĩnh viễn chị tôi ra đi năm 1973.

Nói chuyện với nam ca-sĩ Hoàng Nam, con trai lớn của chị, Nam bảo : " Cháu chỉ nhớ Mẹ cháu qua hình ảnh, vì lúc Mẹ cháu mất, cháu mới lên năm. Đôi lúc, cháu thèm được biết thế nào là tình mẫu tử. Một tiếng gọi "Mẹ", cháu chưa hề dùng đến ". Nam nói thêm, nheo nheo con mắt cười : " Người ta hay thường bảo " Con trai giống Mẹ là nhà có phúc, Cháu nghĩ cháu rất có phúc." 
Tôi nhìn Nam, ừ, đẹp trai thật, nét giống Mẹ lắm.

Khi còn sống, chị rất sùng đạo. Chị an nghỉ tại nhà thờ Tân Định, nơi có trường Thiên-Phước, trường học của tất cả chị em tôi khi còn bé. Nơi an-nghỉ đó, chắc chị cũng không cảm thấy cô đơn lắm vì sát bên cạnh chị, có người con trai thứ nhì, cũng đã ra đi rất sớm.
Tôi vô cùng thương tiếc chị. Có lẽ tâm trạng tôi giống như tâm trạng của Hoàng Nam. Tôi được gọi " Chị Xâm " ít quá. Tôi muốn gọi tên chị mãi cơ.
" Chị Xâm ơi ! "
 
Thuỵ Uyên, tháng 3, 2011

Người tài tử tóc bạc (Thuỵ Uyên)




“ Papa, Papa, Papa, si tu n’avais pas été là
Dis-moi qu’aurais-je fait sans toi….”

Mỗi lần nghe bài Papa này với tiếng hát của Claude Barzotti, tôi lại nghĩ và nhớ đến Bố.

Bố tôi sinh trưởng tại Hà Đông, con út trong gia đình và là người con trai  duy nhất. Lớn lên trong cảnh nghèo khổ, Bố đã may mắn được đi học tại  trường Bưởi, và là một trong những học sinh ưu tú đỗ hàng đầu khi ra trường. 

Không bao lâu, sau khi lập gia đình, Bố Mẹ đã sớm rời ngôi nhà ở Hà Nội, và dọn vào trong Nam cùng các anh chị tôi. Lúc ấy, tôi chưa ra đời.

Trong Nam, Mẹ hay kể lại rằng nhà mình nghèo lắm. Bố chật vật mãi mới xin được những công việc nhỏ nhặt trong vùng, và đi làm không nghỉ để nuôi gia đình.
Khi tôi ra đời, tình thế lại càng khó khăn hơn. Bố vì lao lực quá sức, đã phát cơn bệnh ho lao. Nhưng rồi, nhờ Trời Phật phù hộ, Bố cũng tai qua nạn khỏi. Sau cơn bệnh này, Bố được nhận làm trong một công-ty kỹ nghệ mền len ở Saigon, tương đối khá hơn trước.
Phấn khởi tinh-thần, cộng với với tính tình nghệ-sĩ từ thuở bé, Bố bắt đầu bước chân vào ngành điện-ảnh, lãnh vực Bố hằng mơ ước. Tôi nhớ mãi Bố hay thường bảo Charlie Chaplin và Marlon Brando là hai tài-tử điện-ảnh Bố kính phục nhất.

Tuy đóng phim là nghề tay trái, nhưng Bố rất hăng say hoạt động trong ngành này.
Bố bắt đầu với những vai trò phụ và xuất hiện trong một phim ngoại-quốc lớn năm 1964 với tài-tử Marshall Thompson, A Yank in Vietnam.
Dần dần sau đó, Bố được giao những vai quan trọng trong các phim Việt Nam nổi tiếng như Xin nhận nơi này làm quê hương (1970).
Phim Lệ Đá đoạt giải nhất trong ngày Ðại-Hội Ðiện-Ảnh 1971 và Bố lãnh giải “ Nam diễn-viên xuất sắc nhất “. Sau đó, Bố tiếp tục xuất hiện trên màn ảnh qua nhiều phim khác.    
Tại Hoa-Kỳ, Bố xuất hiện trong một TV series : Lou Grant / Immigrants (1982) rồi tham gia vào một phim dài tài-liệu với hãng HBO, The Vietnam war story : the last days (1989) đã được các báo chí ngoại quốc khen thưởng.
Phim cuối cùng của Bố là Heaven and Earth (1993), đóng chung với Tommy Lee Jones. Trong phim này, Bố đã không ngại cạo trọc mái tóc bạc nổi tiếng để đóng vai một nhà sư.

Trên phương diện gia-đình, Bố đã  khổ cực nhiều lắm. Suốt quãng thời-gian ở Saigon, nhìn Bố quanh năm ngày tháng, đầu tắt mặt tối giữa điện-ảnh và việc làm tại công-ty kỹ-nghệ, tôi chưa hề thấy nụ cười tắt trên môi Bố. Ngoài mặt Bố rất cứng rắn, nhưng trong lòng, tình thương gia-đình của Bố hiền hòa bao la không kể xiết.
Tôi vẫn còn nhớ những trận đòn suốt hai năm liền Bố quất vào mông vì tôi lười nhác, không chịu học nhạc khi tôi lên bảy.  Mẹ cứ chảy nước mắt xót con mỗi lần tôi khóc thét. Nhưng sau khi nghiêm nghị trừng phạt, Bố lại thương mến ôm tôi vào lòng vỗ về, và dúi cho tôi một vài viên kẹo.
Anh chị em tôi ban ngày học chữ tại Jean-Jacques Rousseau và Marie Curie, ban chiều tối học nhạc một tuần 3 ngày tại trường Quốc-Gia Âm-Nhạc.  Bố không hề than vãn một lời, khi phải chở anh chị em chúng tôi, từng người một từ trên xuống duới, từ trường chữ đến trường nhạc, rồi từ trường nhạc đón về mỗi tối. Trong xe trên đường đi đến trường nhạc, Mẹ luôn luôn chuẩn bị sẵn cà-mèn cơm nước cho anh chị em tôi, vừa đi đường vừa ăn cho kịp giờ học nhạc.
Đêm đến, Bố lại còn vất vả dạy dỗ anh chị em tôi với bài vở của trường.

Năm tôi lên chín hay mười gì đó, tôi bị ốm nặng, phải điều trị trong nhà thương Grall gần một tháng trời. Sau khi xuất viện, bác sĩ còn cẩn thận bắt tôi phải nghỉ học, ở nhà tỉnh dưỡng thêm một tháng nữa. Trong suốt thời gian này, sau khi tan sở làm mỗi ngày, Bố chịu khó lái thẳng đến  trường tôi học, lấy bài vở trong lớp về cho tôi ôn và làm bài. Sáng sớm hôm sau, trước khi vào sở, Bố lại tạt qua nộp bài vở cho trường.

Bố ra đi ngày 30, tháng 4, năm 2000 (một ngày giỗ thật dễ nhớ) tại Hawaii. Những người bạn, những người ái mộ Bố tôi luôn luôn nhớ đến cố tài-tử Đoàn Châu Mậu qua hình-ảnh “ tài-tử tóc bạc lão thành và gạo cội. “
Riêng đối với tôi, Bố là một người bạn tốt, luôn luôn trìu mến, săn sóc và ân cần dìu dắt, một người chồng gương mẫu, và hơn hết, là một người cha đáng kính.

“ Papa, Papa, Papa, si tu n’avais pas été là
Dis-moi qu’aurais-je fait sans toi…”

Trong tiếng Việt mình, có lẽ câu châm-ngôn “Không Thầy, đố mày làm nên” là sát nghĩa nhất với lời bài hát trên.
Chữ Thầy ở đây có lẽ là thầy-giáo dạy học, nhưng người Bắc thuở xưa cũng hay thường gọi Bố bằng Thầy (Thầy và Me), nên đối với tôi, câu ‘’Không Thầy đố mày làm nên’’ quả rất đúng. Không có Bố, tôi làm sao nên người ?

Tôi thật nhớ Bố.

Thụy Uyên, tháng 2, năm 2011

Thuở ấy em yêu anh (Thuỵ Uyên)


Giây phút ban đầu

Một buổi trong tuần trời nắng hạ
Cùng anh hội ngộ giữa đường xa
Ánh mắt trao nhau, lòng thổn thức
Vòng tay cuống quýt, lệ tuôn sa.

Nụ hôn khao khát ngập bờ môi
Ngất ngây say đắm, tim bồi hồi
Cảnh vật chung quanh chìm quên lãng
Đôi tim cùng nhịp, hồn thả trôi.

Thì thầm bên tai, anh khẽ nói 
Em yêu của anh có hay… vòi
Bĩu môi, em nguýt, em e ấp
Bắt đền anh đó, còn phải hỏi ?

Thủ thỉ bên anh, em khẽ nói
Anh yêu của em có hay… đòi
Tủm tỉm anh cười, anh bẹo má
Thì em biết rồi, còn phải hỏi ?

 -----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Shenandoah

Ngày thứ bẩy cùng anh lên Skykine
Tay trong tay, sánh bước quãng đường dài
Ngây ngất tỏ lòng theo cơn gió
Xin gió quyện tình nẻo thiên thai.

Non nước trùng trùng cơn dốc thoải
Thung lũng đồng xanh ngủ miệt mài
Dựa sát bên anh, em khẽ nói
Yêu anh trọn kiếp nguyện không phai.

 ----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Có phải tại anh ?

Em đang vô tư hồn nhiên
Bỗng dưng thích đàn hát song ca
Có phải tại anh ?

Em đang thơ với thẩn
Bỗng dưng thẫn với thờ
Có phải tại anh ?

Có phải tại anh ?
Em không biết
Em bt đn anh đó.

 Có phải tại anh ?
 Nên em thì thầm "Em yêu anh"
Có phải tại anh gửi ảnh
Nên em thủ thỉ với anh bên gối mộng ?
Có phải tại anh nói "Yêu em"
Nên em e ấp, nguýt dài, nguýt ngắn ?
Anh... "xấu quá đi.

 Có phải tại anh văn võ song toàn
Nên em giai-nhân tuyệt sắc ?
Có phải tại anh tâm đầu
Nên em ý hợp ?

Có phải tại anh ?
Thì anh biết rồi 
Anh đền em đi !

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Anh hỏi, em hỏi 

Anh hỏi em có phải mơ ?
Không phải mà, chỉ là thơ
Anh hỏi gì sao kỳ thế
Phải anh cũng ghép duyên tơ ?
 
Anh hỏi em, có phải thương ?
Không phải mà, chỉ nhớ tưởng
Anh hỏi gì sao kỳ thế
Phải anh cũng đang vấn vương ? 
 
Anh hỏi em, có phải yêu ?  
 Không phải mà, chỉ là bĩu
Anh hỏi gì sao kỳ thế
Phải anh cũng nghĩ đến một điều ? 
 
Anh hỏi em, có phải tình ? 
Không phải mà, chỉ trung trinh 
  Anh hỏi gì sao kỳ thế
Phải anh nghĩ chuyện chúng mình ?  
  
Em hỏi anh, thích mầu nào ? 
 Mầu trong mắt sáng như sao
Mầu áo trắng em thích mặc
Đến với anh buổi chiều nào.
 
Em hỏi anh, thích mùa nào ?
Mùa Thu vàng lá lao xao
Mùa làm thơ, nhung với nhớ
Mùa dệt mộng dưới trăng sao.
 
Em hỏi anh, nhớ em không ?
Nhớ, nhớ chứ, nhớ vô cùng
Nhớ nụ cười hoa mở hé
Nhớ tóc em thơm ngát phòng.
 
Em hỏi anh, nhớ yêu không ?
Nhớ yêu chứ, yêu ngập lòng
Nhớ làn da mịn tươi thắm
Yêu đôi môi chúm nụ hồng.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------
   
Thư tình
 
 Bắt đom đóm, viết thư tình
Gửi anh yêu lá thư xinh
Hỏi anh rằng anh còn nhớ
Chuyện xửa xưa, chuyện chúng mình ?

Bắt đom đóm, viết thư tình
Hàng đêm ngắm ánh lung linh
Nhớ tóc bồng, đôi tay ấm
Nhớ làn môi, nhớ bóng hình.

Bắt đom đóm, viết thư tình
Ước tình anh vẫn trung trinh
Em ôm ấp lời hẹn ước
Ngóng tương lai chuyện chúng mình.

Thuỵ Uyên